Tiền Nào Của Ấy

31/01/201212:00 SA(Xem: 4655)
Tiền Nào Của Ấy


TIỀN NÀO CỦA NẤY 

Huỳnh Trung Chánh


Như máy robot không hồn, người thợ trong đường dây sản xuất dây chuyền cũng múa máy tay chân lập lại đúng y các cử động khuôn mẫu đã được tính toán chi ly. Mỗi ngày tám giờ làm việc liên tục quanh đi quẩn lại mớ động tác quen thuộc nhàm chán đã là một cực hình, huống chi chú Bảy lại phải chịu đựng nỗi cô đơn của kẻ tha phương, lạc lõng giữa những người có một nền văn hóa hoàn toàn khác biệt. Niềm vui của chú thu hẹp trong sinh hoạt gia đình, tin tức cộng đồng, và trong những cánh thơ thoi thóp bên nhà. Do đó, phải đến giờ tan sở, theo làn sóng thợ thuyền tung tăng ra khỏi cửa chú mới cảm thấy hồi sinh trở về với con người chính thực bằng xương, bằng thịt. Chú Bảy hân hoan lái xe mà nghĩ đến niềm vui sướng của thằng con, đang trông ngóng chờ chú mang về một dĩa trò chơi với máy điện tử.

 Đúng như chú Bảy tiên liệu, thằng bé chờ cha trước cửa, reo mừng chào đón rồi khoái chí chụp lấy dĩa trò chơi, ba giò bốn cẳng phóng vô buồng thử ngay trò chơi mới có. Thím Bảy cũng vui lây, gạ chuyện với lang quân:

 - Con nít xứ nầy sung sướng quá chừng chừng! chơi toàn là thứ máy móc văn minh, tân tiến, hấp dẫn vô cùng. Thương cho con nít xứ mình nghèo khổ, làm sao có khả năng tạo nỗi một món đồ chơi ra hồn... Tội nghiệp làm sao á!

 - Cái vụ nghèo khổ đói rách đúng trăm phần, nhưng nói trẻ con xứ Mỹ nầy chơi với máy móc mà hấp dẫn hơn trẻ con xứ nghèo chơi giỡn bên nhau, coi bộ tui không đồng ý bà ạ!

 - Ôi! nghèo không đủ ăn, thì ai lo lắng nỗi "chiện" mua sắm đồ chơi cho trẻ con?

 - Ậy! chơi đùa với máy móc chán ngấy người, làm sao mà hấp dẫn cho bằng vui đùa với bè bạn. Bà còn nhớ cái con bé "Tư tò le" không? con bé mũi chảy lòng thòng, mặt mày lắm lem, thường trực ngồi chò hỏ ở sân chùa Pháp Hội, tụ năm tụ ba chơi đánh đũa, búng thung, nhảy cò cò..., có món đồ chơi nào đắc giá đâu, mà lúc nào trông con bé cũng hớn hở hả hê quá mạng!

 Thím bảy nghe chồng "chọc quê", bẽn lẽn nhớ lại thời trẻ thơ vui nhộn. Con bé tính tình nhanh nhẩu, mà kể ra hơi te rẹt, xí xọn nên bị gán cho hỗn danh "Tư tò le" thì cũng không oan uổng gì. Thời "tò le" đó, mới thật sự là giai đoạn thần tiên của tuổi thơ. Nhà thím sát vách nhà chú, tọa lạc ở cuối hẻm chùa Pháp Hội đường Trần Quốc Toản, Saigon. Ngay trước cổng chùa là cái chợ chồm hỗm, bán đủ món ăn chơi, từ xôi, bắp, bánh mì thịt, cơm tấm bì buổi sáng, đến các thứ hàng vặt: me ngào đường, chùm ruột, xoài tượng, cốc ngâm cam thảo, bánh tráng, chuối chiên... bán thường trực suốt ngày. Sân chùa, tráng xi măng sạch sẽ là tổng hành dinh của đám con gái, tụ tập nhau bày những trò chơi nhu mì: nhảy dây, nhảy cò, đánh đũa, trốn kiếm, đánh khăn..., đâu có lối chơi nào tốn tiền đâu mà sao lại vui đáo để. Chơi giỡn chán, thì sang qua mục ăn hàng vặt, vụ đó là nghề ruột của các nàng mà! bọn con trai đâu đủ sức đương đầu nỗi. Thím cười lỏn lẻn, khều nhẹ đức lang quân:

 - Vui thì nhất định vui rồi dượng tư à! nhưng tụi con gái làm sao sánh nỗi với những chàng "hiệp sĩ quỉ chùa" cho được!

 Nghe vợ nhắc đến chữ "dượng" và "quỉ chùa", chú Bảy cảm thấy nhột nhạt, mà cũng sung sướng vô ngần. Thuở đó, hai thằng bạn thân: "Ba Gà" và "Bảy Ruột Ngựa" là hai hiệp sĩ anh hùng cầm đầu đám con trai trong hẻm, với những trò chơi bậm trợn: đá banh, vật lộn, đấu kiếm, bắn lộn..., la hét, rượt đuổi nhau huỳnh huỵch suốt ngày. Tuy vậy, ngoài những lần chỉ vì quá hăng say giao đấu, các hiệp sĩ đã lỡ tay làm hư hại chút đỉnh rào dậu, cây hoa của bà con láng giềng, đám con trai đâu đến nỗi mang tai tiếng phá xóm, phá chùa! Rủi ro lần đó, hứng chí thế nào mà Ba Gà thách bạn giao đấu kiếm thuật tại sân chùa.

Biểu diễn vài đường kiếm hoa mỹ coi bộ được đám con gái tán thưởng, hai kiếm khách bèn thi nhau trổ tài ráo riết. Bất ngờ, thừa lúc Ba Gà hơ hỏng, Bảy Ruột Ngựa dùng một "tuyệt chiêu thâm độc" phóng kiếm đúng ngay tim bạn. Theo "luật lệ giang hồ", đáng lẽ Ba Gà phải tử thương gục ngã, nhưng lần nầy, trước những cặp mắt hau háu của bọn con gái, Ba Gà bỗng phá lệ, chỉ ôm ngực như trọng thương mà nhứt quyết không chết. Chàng ta cứ tiếp tục vung kiếm loạn xạ, khiến đám cây kiểng mai chiếu thủy quí giá lãnh đủ tai vạ, tơi bời hoa lá. Chú tiểu Minh Trí sốt ruột la lớn:

 - Bác Hai ơi! anh Ba đập phá cây kiểng của chùa đây nè!

 Ba Gà hoảng hốt dừng kiếm, ngó dáo dác không thấy bà già, mới yên tâm quay sang chú tiểu gây gổ:

 - Im mồm mầy! nói lớ quớ tao bẻ đầu nấu canh chua bây giờ!

 Rồi Ba Gà còn lớn tiếng hát với sự phụ họa của Bảy Ruột Ngựa, lời ca chọc quê bọn thầy chùa nhái theo điệu nhạc "Hè về!": "Đầu thầy chùa, nấu canh chua, vài ba bữa còn chua...".

 Tiểu Minh Trí, vừa sợ, vừa thẹn, rơm rớm nước mắt, co giò vọt tuốt ra sau chùa trốn mất.

 Chuyện có gì là quá đáng đâu, thế mà con Tư, em ruột của Ba Gà, lại về nhà thóc mách ráo trọi cho bà già, để nội vụ bỗng trở thành lớn chuyện.

 Hai thằng nhóc con đang ba hoa tán hươu, tán vượn với đàn em, thình lình bị hai bà mẹ hầm hừ lôi cổ về nhà. Thế rồi, trong khi ở vách bên kia lồng lộng tiếng dì Hai ong óng hài tội Ba Gà, kèm với tiếng roi "trót trót" dòn tan, ở bên nầy, không khí có phần hòa hoãn. Sau khi bị xách lỗ tai đỏ nhừ, thằng Bảy được lệnh khoanh tay quì gối. Bà già thở dài năm bảy lượt, tằng hắng lấy hơi, rồi mới từ từ kể lể hạch tội. Bảy chỉ phụ họa câu hát diễu cợt mà bà lên án con như kẻ "hủy Phật, báng tăng, phá chùa, đốt miễu", ác báo ngập đầu. Càng kể lể thì tội mới lại dắt dây bà nhớ ra tội cũ, những chuyện từ thời nào thằng bé quên tuốt luốt, cũng được kê khai lôi ra có dây có nhợ, có tích có tuồng, để rồi cứ thế mà "tụng", tụng rỉ rả, đều đều, nhức nhối mà không có gì hứa hẹn sẽ kết thúc cả. Hết tụng thì bà lại "tán", bà tán dương những gia đình có phước có phần sanh được con cái hiếu kính, ngoan hiền..., đoạn bà mới thở than cho số phận mình hẩm hiu nên con cái lêu lỏng, bê tha, phá chùa, phá xóm...

 Sau khi dần hai thằng bé một trận tơi tả, hai bà mẹ mới lôi đầu chúng lên chùa để quì lạy sám hối hòa thượng Tắc Thuận. Thầy khoát tay bảo đứng dậy, hỏi cho rõ nguyên do. Chừng nghe xong câu hát diễu cợt, thầy mĩm cười khoan dung, rồi từ bi dạy:

 - Thầy ở chùa, gọi là thầy chùa thì đâu có gì sai trái? Vả lại, theo thầy thì danh xưng thầy chùa thân mật gần gũi hơn chữ thượng tọa, hòa thượng nhiều. Còn vụ nấu canh chua thì trẻ nhỏ ca cho có vần vậy thôi, trách chúng làm gì, tội nghiệp! Nè hai con! vào chánh điện lễ Phật cho ngoan rồi về!

 Sau biến cố đó, Bảy đâm ra ghét cay ghét đắng con Tư lẻo mép, áp đặt cho con bé hỗn danh "Tư tò le" để trả thù, mà vẫn còn hậm hực trong lòng. Than ôi! "ghét của nào, trời trao của đó", càng ghét gương mặt khó ưa của Tư tò le, Bảy càng nhớ đến nó. Điều trớ trêu, là chỉ mấy năm sau, con bé nhổ giò nhanh chóng, rồi cứ mơn mởn ra, ngày càng dễ nhìn, khiến Bảy đâm ra chết mê chết mệt. Bây giờ thì em Tư "nhứt cử nhứt động" gì cũng đều hay ho duyên dáng cả. Em có tò le xí xọn chăng nữa, thì đó cũng là thứ tò le xí xọn dễ thương. Nhờ sống gần gũi nhau từ nhỏ, lại được ông anh Ba Gà nội ứng, Bảy hiểu rõ tính tình người đẹp tường tận, nên chỉ cần tung hư chiêu thất tình thất chí, dọa phủi sạch bụi trần, thì cái con bé tò le cứng rắn đã mềm nhũn ra, ngã ngay vào vòng tay rồi. Chuyện yêu đương lẩm cẩm của con nít không ngờ đến tai người lớn, khiến Bảy mường tưởng đến cảnh "bị tụng, bị tán" mà kinh hồn hoảng vía. Ngờ đâu hai bà mẹ thân thiết nhau, khoái chí cái vụ xuôi gia chị chị em em, nên chẳng những không ngăn cản, mà còn hứa hợp thức hóa cho hai trẻ, miễn là hai đứa biết giữ lễ giáo thì thôi.

 Lật bật đến năm Bảy thi tú tài. Con Tư học kém người yêu một lớp, bỗng trở chứng tò le, nhứt quyết học nhảy, thì nhảy thử thời vận. Ông Trời cũng sanh tật rắn mắn, nhè khiến cho con Tư thi đậu cái rụp, còn Ba Gà và Bảy trợt vỏ chuối thảm thương. Thua sút người yêu, Bảy đã xẩu mình xẩu mẩy. Đã vậy, thừa lúc Bảy sa cơ, một tên tình địch lại giở trò móc họng gọi Bảy là "dượng tú", rồi cả xóm xúm nhau hùa theo mới là ngặt chớ. Chữ dượng mà đứng trước một chức tước, danh vị nào, cũng hàm ý danh vị đó của đàn bà, thằng đàn ông là kẻ ké danh vị mà thôi. Do đó, bị gọi là "dượng tú" có nghĩa là bị xỏ xiên là thứ cậu tú dỡm, còn tú thiệt là con Tư kìa. Càng suy nghĩ, Bảy càng thấm đòn đau điếng, mà chỉ biết ngậm câm, thở than một mình: "Em Tư ơi! anh thi rớt mà em cứ tò le đậu hoài, thì anh chỉ nước trốn đi, chớ để họ xách mé gọi là dượng tú, dưỡng cử, dượng giáo... thì anh chịu đời sao thấu!". Cũng nhờ chữ dượng ám ảnh hành hạ, Bảy học hành chết bỏ chuẩn bị cho kỳ nhì, nhờ vậy, mới thoát nạn. Thật là hú hồn hú vía!

 Kể ra, Bảy học hành không đến nỗi bết bát. Chuyện Bảy thi rớt kỳ nhứt, một phần vì không may, nhưng nguyên nhân sâu xa dài lòng thòng bắt nguồn từ ông anh Ba Gà khả ái. Phản ảnh trung thực với bí danh, Ba Gà vốn là kẻ lanh lợi, đầy mưu chước, là vua bày những trò chơi đặc biệt, thường đưa ra những sáng kiến lạ lùng. Một hôm anh ta bỗng hứng chí tung ra sáng kiến độc đáo là thay vì chúi mũi học hành nhọc xác, anh em cứ ăn chơi thỏa thích, rồi cuối năm hùn tiền tìm mua đề thi, để học tủ vừa khỏe ru vừa ăn chắc. Đưa đề nghị hấp dẫn, mà bạn bè không mấy ai hưởng ứng, Ba Gà bực mình tự lo liệu phần mình. Thế rồi, trong khi ai nấy ngày đêm học hành, Ba Gà tiếp tục vui chơi thả dàn, tà tà lượn đảo hết người đẹp nầy, sang người đẹp khác. Gần cuối năm, Ba Gà huênh hoang tuyên bố đã khám phá đường dây bán đề thi gian lận, thế rồi anh ta hứa cho bạn bè chia xẻ với giá tượng trưng, và nhờ đó Ba Gà có mòi làm ăn khấm khá.

 Một hôm, trong khi Bảy đang học thi trối chết, thì Ba Gà đến nhà lôi đi cho bằng được. Đèo nhau trên xe, Ba Gà mới giải thích là vừa bắt được tin Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng trần, chỉ bảo những điều linh thiêng huyền bí, nên mong mỏi được diện kiến. Bảy ngán ngược chuyện đồng cốt mê tín dị đoan, nhưng nể bạn thân cũng là anh vợ tương lai đành phải gắng gượng tháp tùng. Ba Gà đưa bạn đi tận Thủ Thiêm, đến một căn nhà cửa nẻo khép kín, mờ tối, rồi tự động mở cửa bước vào như người quen thuộc. Thiếu phụ chủ nhân phấn son lòe loẹt, tươi cười chào đón. Sau khi nghe Ba Gà lúng túng trình bày lý do viếng thăm, chủ nhân vui vẻ bảo: “Hai cậu quả thật may mắn! Đến đúng giờ hoàng đạo nên chắc được Ngài tiếp chuyện…”.

Thế rồi trong khi hai người khách lui cui lục túi vét hết tiền ra cúng tổ, thì nữ chủ nhân bắt đầu vận chiếc áo thụng sặc sỡ, lên hương đèn, cất tiếng vái van lễ bái bốn phương tám hướng, rồi quì trước bàn thờ chưng bày lủ khủ hình tượng. Chủ nhân cắm nhang, trùm khăn đỏ, rồi ngồi trên ghế bành, tiếp tục tuôn ra mớ âm thanh níu kéo nhau, dắt dây thành chuỗi dài dằn vặt. Âm thanh nhỏ dần, thưa dần rồi tắt hẳn. Bây giờ, thì toàn thân của bà đồng lại chuyển động, tay chân run bần bật, đầu lắc lư, cho đến khi những đợt ợ ngáp dài thượt trổi lên thì tốc độ chậm dần rồi từ từ ngưng động.

 Thế rồi, một thanh âm ấm áp hoàn toàn đàn ông, phát xuất từ người đàn bà trùm khăn đỏ, khiến Bảy rợn người:

 - Hai con làm lễ ra mắt Thượng Đế đi!

 Ba Gà kéo Bảy cùng quì lạy, làm Bảy thẹn thùng cứng cả người.

 - Dạ! bẩm Thượng Đế, xin Thượng Đế phán dạy cho con biết chút tương lai. Con có thi đỗ tú tài năm nay không ạ?

 - Con là người chánh trực, lại biết tin tưởng Trời Phật, nên luôn luôn có quới nhơn phù hộ! việc gì con phải lo!

 Hai chữ quới nhơn trúng ngay phóc vào niềm ước mơ, khiến Ba Gà mừng quýnh lên. Tuy nhiên, điểm ngặt nghèo của anh ta, là vì quá lanh lợi móc nối lung tung lòi ra đến ba đường dây bán đề thi khác nhau, nên khó mà phân biệt “chơn quới nhơn” là ai. Ba Gà vội ấp úng thỉnh ý tiếp:

 - Xin Thượng Đế ban thêm vài chi tiết của quới nhơn cho con dễ tầm cầu…

 Thượng Đế bỗng đổi giọng, ngâm nga:

 - Trong đầm, gì đẹp bằng sen.

 Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng!!!

 Câu trả lời giống như thai đề bí hiểm, nhưng Ba Gà thông minh lanh lợi có thừa, khám phá ngay ẩn ý. Anh ta đã chíp bụng quới nhân là con mụ bán đề thi thường mặc đầm, da trăng trắng, với nụ cười lóng lánh răng vàng, bèn quỳ lại cảm tạ lia lịa.

 Quay sang Bảy, Thượng Đế lên tiếng:

 - Còn thằng nam nầy! con cầu xin điều gì!

 Bảy ấp úng chẳng biết trả lời sao cho hợp lý. Chàng tự tin khả năng chính mình, không hề mơ tưởng một đấng linh thiêng nào trợ giúp chuyện thi cử, huống chi lại ấm ớ dọ hỏi đồng cốt. Nhìn cảnh hoạt kê của Ba Gà, Bảy tức cười lộn ruột mà phải rán đè nén giữ gìn ý tứ. Ngần ngừ một lúc lâu, Bảy mới rụt rè đặt một câu hỏi vu vơ:

 - Xin Thượng Đế cho chúng con được biết, vì nguyên doThượng Đế lại hi sinh giáng trần…

 Dường như câu hỏi vô tình lại phù hợp với điều mà Thượng Đế khát khao muốn nói, nên Thượng Đế say sưa giảng dạy:

 - Ôi! thời mạt kiếp đã đến, trần gian hổn mang đen tối, nhân loại phải lâm cảnh lầm than khổ nhục, khiến ta thương xót giáng trần để chỉ dẫn kẻ đạo tâm con đường giải thoát. Miền Nam nước Việt là chốn địa linh hội tụ khí thiêng trời đất từ Hi Mã Lạp Sơn chuyển về, nên ta đã chọn chốn này để lập Hội Long Hoa, đưa những linh căn từ Thiên đình qui tụ tại đây hầu hướng dẫn kẻ thiện duyên lập lại thời Thượng Ngươn thánh đức…

 Thượng Đế giảng giải rất nhiều, mà Bảy không chăm chú nghe nên chỉ nhớ loáng thoáng lờ mờ mà thôi. Thình lình, Thượng Đế nắm tay Bảy, thân thiết dạy:

 - Như con đây, chính là Văn khúc tướng quân, văn võ song toàn, từ chốn Trời Đâu Xuất, được ta phái xuống trần gian, chờ đến cơ tái tạo, nhận lãnh đại trọng trách cứu dân độ đời, tái lập ngươn thánh đức…

 Bảy chẳng mấy tin đồng cốt, chợt được đề cao là Văn khúc tướng quân, được Thượng Đế chuẩn bị trao cho trọng trách lớn là điều mà chí bình sanh chưa hề mơ tưởng tới. Bảy khoan khoái tột cùng, rồi bỗng nhiên đâm ra tin tưởng Thượng Đế hơn ai hết. Từ đó, Bảy trở nên lẩm cẩm chỉ mơ mơ màng màng đến vai trò, đến trọng trách độ thế của mình, mà chểnh mảng việc học, để rồi thi rớt đau thương.

 Kỷ niệm xưa nhắc nhở Bảy đến những lối truyền giáo mê tín dị đoan tại nước nhà, khiến Bảy chép miệng thở than:

 - Dân miền Nam mình coi bộ dễ tin người làm sao á! Ai tuyên truyền thế nào cũng nghe, ai xưng hô thế nào cũng tin tưởng. Vậy mới nảy sanh lắm lãnh tụ, vô số giáo chủ… nói nhăng nói cuội. Mà kinh nghiệm cho thấy cái hạng lãnh tụ bất tài dốt nát mới bạo mồm khoác lác là đại anh hùng, là đỉnh cao trí tuệ cứu nước, cái thứ giáo chủ đạo hạnh cạn cợt mới lăng xăng huênh hoang xưng là Phật, Bồ Tát độ đời.

 Thím Bảy nghe lời than vãn của chồng, nhăn mặt cất tiếng trách:

 - Ông nói sao nghe lạ tai quá vậy! Ông muốn nói gì thẳng thắn, chớ nói vòng vòng móc ngoéo sư phụ của anh em tôi thì không được đó!

 Thông thường, trừ những lúc đổ ghè tương ra, bao giờ thím cũng dịu dàng nhỏ nhẹ, mà hôm nay sao giọng nói của thím ra chiều gay gắt, khiến chú vô cùng ngạc nhiên. Chú vội cười giả lả đính chánh:

 - Tôi thực tình nhớ đến đất nước mình, thỉnh thoảng lại nảy sanh những vị tu hành khoe khoang từ Thất sơn, Tà Lơn hay Hi Mã Lạp sơn vừa xuống núi, với hành tung kỳ bí, tự xưng là Trời, Phật, Thánh, Thần… độ đời. Số người nầy cứ bổn cũ soạn lại, chỉ có bao nhiêu tuồng tích, mà cũng qui tụ được nhóm tín đồ trung thành mới là điều lạ lùng chớ. Còn về Thanh Hải vô thượng sư của anh Ba, thì thật ra, … thoạt xem mấy cuộn băng video của anh Ba cho xem, tôi rất tán thán công đức vô lượng của bà, đã khuyến khích thiện tín ăn trường trai, giữ giới không sát sanh, nhưng đến khi tìm hiểu sâu xa tôi lại thấy nhiều điều không mấy hợp với mình…

 - Điểm nào không phù hợp với ông? Ông tin Phật thì sư cô cũng giảng dạy Phật Pháp kia mà!

 - Quả thật sư cô có nhắc đến nhiều tên kinh Phật giáo, nhưng cho rằng sư cô giảng dạy Phật Pháp e rằng không đúng, vì dường như sư cô sử dụng kinh Phật với thâm ý gì khác kìa.

 - Sư côPhật hiện tiền, lời nói gì của sư cô chẳng là Phật pháp! Vả lại, từ khi Phật Thích Ca nhập niết bàn đến nay, chư tổ sư tu hành bất quá đắc quả a la hán, hay ngộ đạo… là cùng, mà có vị nào thành Phật như Thanh Hải vô thượng sư đâu? Sư cô đã thành Phật mà còn hứa khả sẽ truyền dạy đệ tử thành Phật liền trong một kiếp, một việc làm phi thường mà ngay Đức Phật Thích Ca trước kia cũng không làm nỗi nữa kìa? Lối tu hấp dẫn như vậy mà sao ông chưa chịu tin tưởng, mà còn thắc mắc nỗi gì?

 - Chà! Chính cái vụ tự xưng là Phật hiện tiền mới là điểm đáng nghi ngại. Đức Phật Thích Ca có di ký là vị Phật tương lai kế tiếp tại cõi ta bà nầy, sẽ là Phật Di Lặc, nhưng đó là chuyện sẽ xảy ra vào khoảng hơn tám triệu năm nữa, chớ không nghe nói đến danh hiệu vị Phật nào khác, nhứt là bộ kinhsư cô thường nhắc nhở, thì Phật và Bồ Tát, nếu có thị hiện để cứu độ chúng sanh, thì cũng chẳng bao giờ tự xưng là Phật, Bồ Tát[1] để làm nhiễu loạn lòng người, và như vậy, thì chỉ có “ma” và người tu thiền lạc vào “ma đạo” mới tự xưng mình là Phật, là Bồ Tát mà thôi.

 - Ơ! có lẽ vì sư cô Thanh Hải tài ba ứng dụng được pháp môn quán âm thành đạt quả vị Phật quá mau chóng nên Phật Thích Ca chắc cũng bất ngờ không tiên liệu để nhắc nhở nữa!

 - Điểm đó coi bộ lạ lùng quá cỡ hả bà! Tôi không hiểu tại sao vị Bồ Tát Quán Thế Âm chân chính, đã đời đời kiếp kiếp hành trì pháp môn quán âm, và phân thân thành hằng hà sa số để đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay vẫn chưa đạt quả vị Phật, trong khi kẻ học lóm pháp môn của Ngài, chỉ hành trì sơ sịa hơn một năm mà đã thành Phật mới là chuyện mê ly rùng rợn chớ!

Thím Bảy gắt gao chống chế: 

- Ông nói vậy nghe hổng thông rồi! Cùng một pháp môn, nhưng ai tài ba, tu hay thì thành Phật trước chớ sao?

- Kể ra thì cũng tài ba thật, nhưng tài ba theo nghĩa là lập lờ trích dẫn phẩm Phổ Môn, với pháp môn Quán Âm để làm chiêu bài, mà nội dung thực hành lại là một lối tu hoàn toàn trái nghịch. Pháp môn chân chánh của Bồ Tát Quán Thế Âm là phản văn tự tánh[2], từ cái nghe để trở về tự tánh của mình. Pháp tu bắt đầu với giai đoạn nhập lưu vong sở, nghĩa là khi nghe tiếp không khởi vọng niệm phân biệt theo tiếng, nên thinh trần tự vắng lặng; những giai đoạn kế tiếp nhằm phá bỏ chấp trước vi tế về tướng nghe, để cuối cùng đến giai đoạn cái không cũng không còn; đến đây, vọng niệm, chấp trước đều hết nên chân tâm tự nhiên hiển bày.

Lối tu gọi là “quán âm Thanh Hải” khác biệt lạ thường. Người hành trì ngồi chồm hỗm, hai ngón tay cái nhét sâu kín vào lỗ tai, mỗi lần một giờ để nhằm mục đích mong cầu nghe những âm thanh lạ lùng kỳ bí, được xưng tụngphạm âm, âm thanh của Phật, nghe được tức là đã thành công. Pháp môn Quán Âm chân chính phản văn tự tánh, là dứt vọng trở về chơn, còn lối tu quán âm Thanh Hải, từ vọng chạy theo cuồng vọng, từ cái nghe giả tầm cái nghe hư ảo. Theo kinh Kim Cương thì kẻ “lấy âm thanh sắc tướng cầu Phật, là kẻ theo tà đạo, không thể thấy được Phật”[3]. Theo kinh Lăng Nghiêm, thì kẻ tu hành do dụng tâm thái quá mà thấy hình tướng, nghe âm thanh, tất cả đều là giả, nếu tin tưởng đó là thực, đó là thành quả tu hành thì lạc vào ma đạo. Lối tu khác của sư cô Thanh Hải là quán quang. Đây cũng là lối tu vọng cầu bên ngoài, nhằm mong thấy được ánh sáng xuất hiện.

Người hành trì có tư thế ngồi thoải mái hơn, để có thể mật niệm năm danh hiệusư cô Thanh Hải bảo là Phật: Dốt nê răng Danh, Ông Ca, Ra Răng Ca, Xô Hăn và Xát Nam[4]. Điểm khó hiểu là trong kinh điển Phật giáo không bao giờ thấy nhắc tới vị Phật nào mang danh hiệu trên, trong khi vị thứ tư Xô Hăn, được tôn là bậc thánh, và vị thứ năm Xát Nam[5], lại là đấng tối cao theo tôn giáo Sikh. Tôi là một Phật tử thuần thành, nhưng tôi biết tôn kính tôn giáo khác. Người hành trì tôn giáo nào cũng đáng trọng, hơn kẻ lấp liếm, thiếu minh bạch dùng chiêu bài Phật giáo với dụng ý truyền thứ đạo khác. Vả chăng, truyền đạo thì cứ quang minh chánh trực xiển dương. Cớ sao phải lẫn tránh che dấu sự thật? chỉ dẫn vài lối hành trì sao lại phải khoa trương lớn lối là truyền tâm ấn, chủ trương niệm danh vị Phật sao phải buộc đệ tử thề dấu kín! ngồi xổm quán âm phải khóa cửa kín mít, trùm khăn che cả đầu[6], và lúc nào cũng phải lấm la, lấm lét không dám nhìn mắt ai, chỉ được khuyến khích để dành nhìn riêng sư phụ mà thôi!!![7]

Bảy cao hứng tuôn một hơi, chợt nhìn lại vợ, thấy vợ có vẻ nửa hờn giận, nửa “quê xệ”, nên cũng hòa hoãn:

- Bà à! Bà quá hiểu bụng dạ của thằng “Bảy ruột ngựa” nầy mà. Tui nói thẳng thừng quen rồi, bà buồn giận làm gì! Thật ra, tôi chỉ phân tách vài điểm căn bản vậy thôi, chớ còn nghiên cứu kỹ thì còn biết bao vấn đề đáng đề cập nữa.

Chú Bảy xuống giọng rồi mà bà vợ vẫn giở trò “đấu tranh bất bạo động” êm ru bà rù không trả lời, khiến chú xụi lơ cụt hứng. Chỉ vì điểm bất đồng về lối tu quan âm Thanh Hải mà hai vợ chồng chú cắn đắng nhau, mà viễn ảnh coi bộ nguy hiểm khó lường khiến chú buồn hiu. Chú thay đổi chiến thuật, ngọt ngào dỗ dành bà xã:

- Em Tư à! Em có nhớ vào dạo mới yêu nhau anh thường đưa em đến ngôi chùa Long Vĩnh, Phú Nhuận lễ Phật cầu duyên. Tại ngôi chùa nghèo sơ xác nầy, mình đã may mắn hội kiến với vị thầy trụ trì già, xuề xòa, tươi mát. Thầy đón tiếp tụi mình như đón con thơ về nhà, để thương yêu kể cho nghe một mẫu chuyện đạo, rồi giữ ở lại chùa, dùng bữa cơm rau đạm bạc. Thầy không hề giảng dạy giáo lý cao siêu, mà chỉ hướng dẫn Phật tử phương pháp tu tập thực tiễn, như ăn hiền ở lành, nhưng nếp sống bình dị, tầm thường, mà ngập tràn từ bi là bài thuyết pháp sống động, thâm nhập vào tâm tư người dân nghèo nàn, dốt nát trong xóm, giúp cho họ nếm được hương vị đạo.

Vị sư già khiêm cung vô danh đó, trong mùa Pháp nạn năm 1963, đã thao thức cho sự tồn vong của đạo pháp trước chế độ kỳ thị tôn giáo, đã nguyện xả thân làm đuốc, để đánh thức lương tâm nhân loại. Ngày 11.6.1963, sau khi tẩm xăng toàn thân, người đã thong thả tiến đến ngả tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt, quỳ lại chư Phật mười phương, rồi ngồi tĩnh tọa. Ngài bắt ấn trước ngực, và thì thầm cầu nguyện. Đoạn ngài ung dung bật lửa, ngọn lửa bùng lên cao ngất bao trùm thân hình Ngài, nhưng Ngài vẫn chắp tay vững vàng như trụ đồng, cho đến khi lửa tàn, ngài mới ngã người ra phía sau, thị tịch. Nhục thân của Ngài được hỏa táng trong lò điện cao độ mấy ngày, mà trái tim đại từ, đại bi của Ngài vẫn nguyên vẹn chẳng tiêu.

Từ đó, mình mới biết được pháp danh vị thầy già vô danh năm xưa tại chùa Long Vĩnh là thầy Thích Quảng Đức. Đạo nghiệp của Ngài: xây cất trùng tu hơn 31 tự viện khắp cả miền Nam mà thong dong không dính mắc, định lực vô biên của người hiên ngang trong lửa đỏ, và quả tim bất diệt thiêu đốt chẳng tiêu… là những hình ảnh sáng ngời của sự chứng đắc. Thế mà thuở sanh tiền, Ngài vẫn khiêm cung, giản dị hòa mình trong thế tục, chẳng lộ một chút khác thường, huống hồ kiêu căng xưng là Phật, là Bồ Tát như kẻ khác. Và như em cũng biết, anh đã may mắn có dịp theo học những lớp Phật Pháp buổi tối dành cho cư sĩ do thầy Thiện Hoa giảng dạy, tại chùa Ấn Quang. Thầy là bậc đạo đức cao tăng đã dâng hiến trọn đời mình cho công cuộc hoằng dương Phật Pháp, đào luyện tăng tài.

Dù đã là bậc tôn sư của bao thệ hệ tăng ni, mà đối với kẻ sơ cơ, hiểu biết lộn lạo, thắc mắc lăng nhăng như anh, thầy vẫn từ tốn lắng nghe, để thương yêu hướng dẫn. Anh đã tuần tự theo học nền giáo lý căn bản do thầy biên soạn công phu thành một nấc thang giáo lý vững chắc. Ngoài ra anh cũng đón nhận được những bài pháp sống động thể hiện qua nếp sống đạo đức, bình dị, khiêm cung của thầy. Sau mùa Pháp nạn, thầy dấn thân giữ trọng trách Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, một chức vụ lãnh đạo cao cấp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, được hàng triệu đồng bào ngưỡng vọng tôn kính. Công việc giáo hội bận rộn đa đoan, mà thầy vẫn không quên chăm lo hoằng pháp. Thầy làm việc không ngơi nghỉ, hi sinh trọn đời cho dân tộc và đạo pháp cho đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời.

Và ngay giây phút nầy, thầy vẫn ban cho anh điều lợi lạc. Ngày đó, sức khỏe thầy nguy ngập, đồ chúng buồn thương, có người không cầm được giọng lệ. Bỗng nhiên thầy tỉnh dậy, an nhiên bảo: “Thầy sắp đi đây. Các con hãy tụng chú đưa tiễn thầy!”. Thế rồi thầy tụng chú vãng sanh, và đồ chúng vội vàng tụng theo cho đến khi môi thầy ngưng động đậy. Thầy rời cõi Ta bà an nhiên, thanh thản, sắc diện tươi tỉnh, miệng phưởng phất nụ cười. Anh cảm thấy thân tâm an lạc, và bỗng nhiên niềm tin vô biên vào chánh pháp tràn dâng, khiến anh phát nguyện đời đời kiếp kiếp sẽ không bao giờ thối chuyển…

Chú Bảy ngưng mấy giây, chậm rãi rõ ràng từng tiếng:

- Em à! Vì vậy cho nên, bây giờ dẫu ai quảng cáo một pháp môn tân kỳ thành Phật chớp nhoáng như thế nào, anh cũng không động lòng. Anh cứ theo con đường chánh pháp của quý thầy giảng dạy mà tiếp tục tu trì…

- Hoan hô anh Bảy! Anh Bảy có quyết tâm như vậy em chịu lắm!

Chú Bảy thoáng giựt mình, dáo dác nhìn vợ không hiểu bà ta lẩm cẩm hay nỗi cơn điên gì, mà mới tức thời thì đả đảo, giờ lại hoan hô. Chú trịnh trọng sờ trán vợ, lo lắng hỏi han:

- Em! em cảm thấy ra sao? Em có bình thường không?

Thím Bảy cười lỏn lẻn, trổi giọng líu lo như thời con gái:

Lêu lêu mắc cỡ! Nảy giờ người ta giả bộ để thử lòng mà cũng không biết!

- Ơ! tui mần cái gì mà bà bày đặt thử lòng thử dạ tui!

- Ông từng có tiền án chạy theo đồng cốt mong cầu đỗ đạt mà khỏi học hành, thì dĩ nhiên tôi phải nghi ông dám mê pháp môn tu tắt thành Phật trong một kiếp chớ sao?

- Ơ! vậy mà tui tưởng bà nhẹ dạ yếu lòng dễ tin người chớ?

- Tôi đâu có ham hố như vậy ông? Phận tui là đàn bà, tuy ít nghiên cứu kinh điển, nhưng tui có cái kinh nghiệm của tui chớ. Cái kinh nghiệm thuần túy đàn bà đó mà. Bọn nầy đi chợ ai mà chẳng nằm lòng nguyên tắc “Tiền nào của nấy. Của rẻ của hôi”. Món hàng quảng cáo nào đại hạ giá rẻ thúi, dĩ nhiên là đồ dỡm rồi, có gì mà phải thắc mắc cho nhọc xác! phải vậy không anh Bảy!

Tháng 6. 1991 

[1]- Phật dạy:

- A Nan, ta có dạy các vị Bồ TátA La Hán: “Sau khi ta diệt độ rồi, các ông phải thị hiện thân hình, trong đời mạt pháp để cứu độ chúng sanh đang trầm luân, làm thầy sa môn, cư sĩ, vua, quan, đồng na, đồng nữ, cho đến hiện thành đàn bà góa, kẻ dâm nữ, người gian xảo, kẻ trộm cướp, người hàng thịt, kẻ buôn bán, để lẫn lộn trong từng lớp người chung một nghề nghiệp, đặng giáo hóa chúng sanh trở về chánh đạo”. Nhưng các vị ấy quyết chẳng bao giờ nói: “Ta đây thật là Bồ Tát hoặc A La Hán v.v… hay tỏ ra một vài cử chỉ gì làm tiết lộ sự bí mật, để cho người ta biết mình là Thánh nhơn thị hiện. Chỉ trừ sau khi mạng chung rồi, các vị ấy mới âm thầm để lại một vài di tích cho người biết thôi”.

(Trích Đại Cương Kinh Lăng NghiêmThượng Tọa Thích Thiện Hoa)

[2]- Pháp môn “Quán Âm” do chính Quán Thế Âm Bồ Tát tự thuật, ghi rõ trong Kinh Lăng Nghiêm như sau:

Khi đó đức Quán Thế Âm Bồ Tát đứng dậy lạy Phật cung kính thưa rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn, con nhớ từ hằng hà sa số kiếp về trước, có Phật ra đời, tên là Quán Âm. Con đối trước Phật Quán Âm phát tâm Bồ Đề. Ngài dạy con từ ngơi nghe rồi suy nhớ và tu (văn, tư, tu) mà được vào chánh định. Khi mới nghe tiếng, không chạy theo thinh trần, xoay cái nghe trở vào chơn tánh (nhập lưu vong sở). Vì chỗ vào đã yên lặng, nên động và tịnh hai món trần cảnh không sanh. Như thế lần lần tăng tấn đến cái nghe và cảnh bị nghe cũng hết. Cũng không trụ vào chỗ hết nghe. Cái biết hết và cái bị biết cũng không còn. Tiến một bước đến cái “không” và cái “bị không” cũng không còn. Khi cái sanh và diệt đã diệt hết, thì cái chơn tâm tịch diệt hiện tiền.

(Trích Đại Cương Kinh Lăng Nghiêm. TT. Thiện Hoa)

[3]- Kinh Kim Cang:

Nhược dĩ sắc kiến ngã

âm thanh cầu ngã

Thị nhơn hành tà đạo

Bất năng kiến Như Lai

Việt dịch:

Nếu thấy ta bằng sắc tướng

Nghe ta bằng âm thanh

Người nầy đi đường tà

Không thấy được Như Lai.

 [4]- Tên năm vị nầy chỉ truyền miệng, thề giữ kín. Trong quyển chỉ dẫn cho đệ tử truyền tâm ấn có nhắc nhở việc niệm 5 danh hiệu nhưng không hề hài rõ tên. Danh sách 5 danh hiệu nầy do đệ tử của Bà Thanh Hải kể, tác giả đã đọc một tài liệu phổ biến và đích thân tác giả được nghe vị khác xác nhận 5 danh hiệu nầy, cũng như kể rõ cách thức ngồi tu quán âm bí mật.

[5]- Đọc giả có thể đến thư viện chọn sách viết về đạo Sikh, để tìm hiểutôn chỉ của đạo. Vị thứ tư Xô Hăn (Sohan) là tác giả hai bộ thánh thi Gur.bilãs Pãtásãhĩ 10 và Gur-bilãs Chhevin Pãtásãbĩ đầu thế kỷ 19. Vị thứ năm Xát Nam (Sat Nãm) là đấng Thượng Đế vô cùng theo tôn giáo Sikh (Sat có nghĩa là chân lý; Nam là chư õ thiêng liêng để tôn xưng vị Thượng Đế vô cùng tận Akãl Purakh).

[6]- Xin xem phần phụ lục: Lời chỉ dẫn đệ tử đã truyền tâm ấn. Tiết mục: Điều phải nhớ. Điều 14.

[7]- Xem phần phụ lục. Điều 3 và 4

*** Ba trang kế tiếp là phần phụ lục gồm bản nhiếp sao những điều chỉ dẫn dành riêng cho đệ tử truyền tâm ấn của Hội Vô Thượng sư Thanh Hải. Ngoài ra, cũng xin đính kèm bản văn thơ của nhân vật tự xưng là Khâm Mạng của Vô Thượng sư, gởi đến một số chùa tại Cali, để bạn đọc tùy nghinhận định. Tác giả xin miễn góp ý về bản văn thơ nầy.

Đính kèm:
Phóng ảnh bản văn thơ của nhân vật tự xưng là Khâm Mạng của Vô Thượng sư, gởi đến một số chùa tại Cali trang 195 trong cuốn sách "Cửa Thiền Dính Bụi (Phật Học Viện Quốcc Tế xuất bản năm 1991)

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.