Cam Lồ Xa Mạc

31/01/201212:00 SA(Xem: 4693)
Cam Lồ Xa Mạc


Cam Lồ Sa Mạc

Huỳnh Trung Chánh


Arizona đích thực là chốn quê hương lý tưởng của giòng giống xương rồng. Xương rồng độc tôn sinh sôi vùng sa mạc, đồi núi khô cằn. Xương rồng lại lũ lượt xâm lăng đến thành thị, dàn chào dọc đường phố, lểnh nghễnh khắp công viên, vườn tược sang trọng, trên cương vị một thứ kiểng thời trang, thanh lịch. Xương rồng là niềm tự hào của người dân Arizona. Người ta ca tụng, mở kỹ nghệ khai thác, làm luật bảo vệ giòng giống, và hình ảnh loài xương rồng Saguaro (1) độc trụ, hình dáng to lớn tròn như cây cột đình, hiên ngang sừng sững thi gan với khí hậu khắc nghiệt sa mạc, được long trọng chọn làm biểu tượng chánh thức của tiểu bang Arizona. Arizona còn được nổi tiếng là xứ sở có vầng thái dương đủ cả bốn mùa. Mặt trời thu đông, trong sáng, ấm áp đã biến vùng sa mạc nắng cháy thành nơi giải trí lý tưởng cho hàng triệu du khách qui tụ về, chơi golf, tắm nắng và trốn lạnh…

Chú Năm trôi giạt về Tucson, Arizona khá lâu mà vẫn chưa mấy cảm tình với loài xương rồng gai góc. Chú cũng kị với mặt trời Arizona hừng hực, lầm lì thiêu đốt giết người ở mức 110 độ F, trong suốt mùa hè. Thời gian nầy, ngoài lúc bất đắc dĩ phải lái xe đi làm, chú chủ trương đóng kín cửa, trốn biệt trong nhà. Thế nhưng, vừa được Thịnh điện thoại báo tin đã tìm ra tung tích của Hoàng, rủ chú về San Diego họp mừng bạn cũ, thì chú vội vã cấp tốc lên đường. Hoàng, người bạn thâm giao của chú, bị kẹt lại nước nhà trong biến cố 1975, học tập tám năm, rồi được sang Mỹ đoàn tụ với gia đình từ mấy năm về trước. Thế nhưng, chú mới liên lạc với Hoàng đôi lần bằng điện thoại, chưa kịp viếng thăm thì Hoàng bỗng biến dạng không rõ nguyên nhân.

Lần nầy, quyết tâm không để mất dấu người bạn thân, chú Năm nôn nóng phóng xe như bay trên xa lộ số 8 tìm về San Diego. Mặt trời càng lúc càng hung hăng, chiếu ánh nắng chói chang như xuyên thủng khung kính đậm màu, khiến chú cảm thấy rát bỏng cả mặt, đầu óc ngầy ngật khó chịu. Chú điều chỉnh cho hệ thống máy điều hòa không khí hoạt động tối đa, bất chấp những bảng cảnh cáo bên đường khuyên tài xế đình chỉ sử dụng máy lạnh tại vùng sa mạc hoang vắng. Xe chạy cả trăm dậm mà hai bên đường toàn sỏi nứt nẻ, rải rác đây đó, chỉ còn vài cụm xương rồng trơ vơ bám víu sống còn trên vùng đất chết. Chú Năm lầm bầm cằn nhằn : "Xứ gì tàn tạ khô khan ! Miền Nam mình nắng cũng nóng quanh năm, mà cây cối vẫn xanh um bốn mùa, chớ đâu tệ như vầy ! Người Mỹ dở quá ! có phương tiện như họ mình sẽ dẫn nước về, biến sa mạc thành khu trồng tỉa dễ như chơi.

Khí hậu nầy trồng cây ăn trái miền Nam thì hết "xẩy" ! Mơ mộng đến vườn xoài, mận, vú sữa, ổi… đơm trái nặng trĩu cành, chú vô cùng sung sướng với kế hoạch không tưởng của mình." Chú chợt cười xòa khi nhớ đến miếng đất con con sau nhà, chú bê bối không săn sóc để cỏ hoang mọc loạn cào cào, mà nay lại tơ tưởng chuyện kinh thiên động địa khẩn đất sa mạc lập vườn. Niềm cảm ứng tan biến, chú mới lưu ý thấy chiếc xe lăn bánh có phần nặng nề và chậm hẳn lại, dù chú đã đạp lút ga. Chú hốt hoảng nhìn lên thấy đèn báo động máy quá độ nóng chớp liên tục. Chú vội lách xe vào lề, tắt máy, mở nấp đầu máy, thấy bình nước sôi sùng sục, khói tuôn mù mịt. Chú hi vọng xe chỉ bị cạn nước bình, châm thêm nước thì đi được, nhưng điểm ngặt nghèo là làm sao chú đào đâu ra thứ nước nầy ! Đi gấp quá, chú chẳng dự phòng mang theo chút nước uống, huống gì nước châm bình xe.

Chú bối rối nghĩ, trời nắng thiêu đốt dễ dầu gì tìm được người tốt bụng ngừng lại để giúp đỡ, chú chỉ có một phương pháp là chờ máy nguội rồi cố gắng nhích từ từ đến trạm xăng gần nhất để sửa chữa. Rủi ro mà xe trục trặc nặng không lết nỗi, chú dám ngủ đường ngủ xá chớ chẳng chơi. Chú áo não nhìn theo những chiếc xe xuôi ngược vùn vụt, mà chỉ biết thở dài thườn thượt. Bất ngờ, ngoài sự mong đợi của chú, một chiếc xe cà tàn bỗng lách vào lề, thắng đứng lại, rồi một chàng thanh niên da sậm như tượng đồng, to lớn, mập mạp tươi cười bước xuống. Chú Năm thoáng mừng, chen lẫn chút nghi ngại : người tốt bụng và kẻ gian đều có thể xuất hiện lúc nầy ! Người lạ vồn vã :

- Chào anh ! xe anh bị trục trặc ra sao ?

- Ơ ! chào chú ! xe bị quá độ nhiệt, bình nước bốc khói ! 

- Nếu vậy thì chẳng có chi trầm trọng ! chỉ chờ bình nước nguội châm thêm coolant thì đi được.

Chú Năm nhăn nhó :

- Khổ nỗi là tôi quên mang nước bình xe theo chớ !

- Đừng lo ! tôi có sẵn đây ! xin biếu anh vậy !

Chú Năm ái ngại nài ép người thanh niên nhận tiền bán lại bình coolant nhưng anh ta một mực lắc đầu.

Đưa cho chú Năm bình nước, anh lại lên tiếng :

- Tôi ở đây chơi với anh nửa giờ, chờ xe anh nguội châm nước bình, rồi nổ máy an toàn thì tôi mới yên tâm...

- Có lẽ không hề chi đâu ! Anh giúp đỡ tôi như thế nầy là quá đủ rồi, tôi không dám để anh chịu thiêu đốt dưới ánh nắng khủng khiếp nầy thêm nữa !

- Chẳng hề gì đâu ! Tôi đã quen khí hậu chốn nầy. A ! muốn tránh nắng thì mình núp dưới bóng cây xương rồng vậy !

Cây xương rồng độc trụ saguaro bên đường thuộc loại kỳ lão nên nhú ra được hai nhánh, hình dạng giống như một người khổng lồ đang giơ hai tay mời mọc. Cái thân gai góc khó ưa không ngờ tạo cho chú một bóng mát lý tưởng giữa vùng sa mạc. Chú Năm bỗng khám phá được nét tươi mát của giống xương rồng, mát như tình người cao đẹp mà người thanh niên lạ vừa trao, khiến chú cảm động nghẹn ngào. Chú lại cảm thấy chút xấu hổ vương vấn, khi nhớ lại lúc thanh niên vừa dừng xe, chú vốn có thành kiến với màu da, nên để chụt dạ nhỏ nhen nghi ngờ người.

Trong câu chuyện hàn huyên, chú Năm được biết anh chàng tên Tony, sinh viên triết học đại học Tucson đang trên đường về thăm nhà tại San Diego.

- Dường như, rất ít người Việt Nam sinh sống vùng nầy ! Tony lên tiếng dọ hỏi.

- Arizona thì rất ít, nhưng tại Nam Cali thì người Việt tập trung rất đông đảo, sinh sống đủ mọi ngành nghề, có những khu thương mãi toàn người Việt. Về phương diện tín ngưỡng thì có những nhà thờ, hội thánh riêng cho người Việt, chùa chiền thì tổ chức theo truyền thống Việt Nam cũng đã xây dựng được cả trăm ngôi !, chú Năm hừng chí khoe khoang.

- Cả trăm ngôi chùa không chống đối nhau để cùng hướng dẫn tinh thần cho đồng bào, Phật giáo Việt Nam thật đáng khâm phục !

Chú Năm bỗng nhiên ngượng ngập, ấp úng đáp :

- Thật ra, thì trước đây cũng có rất nhiều phe nhóm kình chống nhau loạn xạ. Nhưng gần đây, nhờ lờ詠kêu gọi thống thiết của vị lãnh đạo Phật giáo trong nước, Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ đã kết hợp được trong một tổ chức thống nhất, tuy vẫn có vài phe nhóm lẻ tẻ mơ làm lãnh tụ, tăng thống, còn hậm hực đứng ngoài giở các trò bôi lọ, chụp mũ như những kẻ thế tục, làm đau lòng người Phật tử chân chính !

- Chuyện đó cũng là thường tình mà ! tôn giáo nào chẳng vậy ! đạo Chúa của tôi cũng chia rẽ như vậy đó !, Tony an ủi.

- Thế Tony thuộc hội thánh nào ? Lutheran church chăng ?

- Tôi không thuộc hội thánh nào cả, dù tôi là một con chiên thuần thành !

Thấy chú Năm lộ vẻ ngạc nhiên, Tony tiếp lời :

- Tôi có quan niệm lạ lùng là không mấy thích tổ chức tôn giáo ! Tổ chức càng lớn thì chân lý càng bị đóng khuôn cứng ngắt, ép buộc tín đồ phải rập theo lối nhìn một chiều, đầy thành kiến, bóp chết sáng tạo, và sức sống sinh động của thánh Chúa. Người ta đã nhân danh Chúa để giết Chúa và bôi lọ Chúa. Vả chăng, tổ chức tôn giáo nào chẳng biến dạng thành nhóm thế lực, bè phái, mang chiêu bài thánh thiện để bao che nhũng lạm lường gạt tín đồ. Tôi có câu chuyện vui liên quan đến điều nầy, chẳng biết anh thích nghe chăng ?

- Dĩ nhiên, tôi thích lắm chứ !

- Câu chuyện không nhất thiết đóng khuôn vào một tôn giáo nào, tôi là người Cơ đốc nên xin kể chuyện tôn giáo tôi :

"Xưa lắm rồi, vào một buổi chiều đông lạnh lẽo tại một lữ quán vắng vẻ miền Đông Hoa Kỳ, tình cờ hợp mặt ba nhà giáo sĩ trẻ trên bước đường phụng sự Chúa. Cả ba đều nguyện dấn thân cho lý tưởng rao giảng đạo Chúa cao cả, nhưng lại thuộc ba tổ chức nhà thờ khác nhau, nên tuy cùng mang chung sứ mệnh mà câu chuyện lại lạt lẽo lạnh lùng. Thình lình, có tiếng gõ cửa và một nông dân trẻ xuất hiện, khiến ba nhà truyền giáo khấp khởi mừng thầm. Cả ba mừng rỡ săn đón "con mồi", hi vọng tìm được một con chiên ngoan đạo, đặt nền móng cho tổ chức của mình tại đây ! Sau những câu chào khách sáo chiếu lệ, thanh niên chưa kịp ngồi yên, thì vị giáo sĩ thứ nhất đã lên tiếng dọ dẫm :

- Con có điều chi bất an, mà trông có vẻ bơ phờ mệt nhọc dường ấy !

- Chán chường quá cha ạ ! con vợ của con cuỗm hết tiền bạc, cuốn gói theo tình nhân, con truy tầm cả tuần nay mà vẫn không ra manh mối !

- Ôi ! trong cuộc sống giả tạm nầy tình tiền nào chẳng tan rã ! chỉ có kẻ biết tin Chúa mới khơi mở được cuộc sống miên viễn tại chốn thiên đàng hoan lạc !, nhà truyền giáo thứ hai lên tiếng.

- Cha ơi ! con nản tình đời quá ! con không còn tin tưởng được ai ! con chỉ muốn tự kết liễu sinh mạnh mình mà thôi ! 

- Con ạ ! tình người đối với nhau khi vơi khi đầy, khi yêu thương, khi thù hận, sao bằng trao trọn niềm tin mình trong tình thương bao la của Chúa. Chúa thí thân chịu đóng đinh trên thập tự giá để chuộc tội cho loài người, Chúa thương yêu, đùm bọc, che chở cho từng con chiên nhỏ, dù là thứ con chiên hư hỏng lạc bầy…

- Nầy con ! con có bao giờ nghe đến Hội Thánh X chưa ? nhà truyền giáo thứ ba đột ngột hỏi.

Tốn công săn đón, màu mè gợi ý mà bị kẻ khác mưu toan "cưỡm" mất con mồi, nhà truyền giáo thứ nhứt hậm hực :

- Nầy cậu trẻ ! con phải cẩn thận để tránh sa vào bẫy rập của những tổ chức dùng chiêu bài tôn giáo để lường gạt tín đồ ! Họ quanh co giải thích sai lệch Thánh Kinh, lợi dụng tôn giáo cho mưu cầu chính trị, kinh tài… mờ ám.

- Ơ ! tệ hại như bọn bày trò chữa bịnh nan y bịp để vét tiền tín đồ, nổ "xì căn đan" thối um tại Los Angeles phải không Ngài ?

- Thối đâu bằng chuyện mấy nhà giáo sĩ tằng tịu với đám đàn bà con gái, bốc hốt cả bầy con nít… báo chí đăng tải rùm beng tại Boston phải không các vị !

Thế rồi mỗi người một câu, vị nào cũng cố bới lông tìm vết nhơ của hội thánh kẻ khác, dìm tất cả xuống bùn để tuyên dương chỉ có tổ chức mình mới chánh thống, mới đích thực là con đường một chiều duy nhất đưa về nước Chúa. Thời thuyết giảng khởi đầu có vẻ thánh thiện, bỗng chuyển biến thành trận cãi vã hậm hực, dai dẳng, không có cơ chấm dứt vì chẳng ai chịu thua ai. Muốn định phân thắng bại cần có kẻ bàng quang làm trọng tài phân xử. Thế nhưng, thình lình lúc nầy chẳng có ai hiện diện, ngoài anh chàng William thất thiểu, khờ khạo, nên ai cũng muốn kéo chàng William về phe mình. Do đó, anh nông dân lù khù vô tích sự bị lôi vào vòng chiến, bị bắt buộc phải đảm nhận chức quan tòa bất đắc dĩ xử kiện cho ba nhà truyền giáo khả kính. Anh chàng ba phải chỉ biết ấp a ấp úng "xử huề" :

- Theo tôi, ba vị đều hay, đều đúng cả…

- Không thể nói mập mờ như vậy được ! anh đừng sợ mất lòng họ cứ xác định cho họ biết ai chánh ai tà, ai phù hợp thánh Chúa, ai mập mờ theo quỉ satan…

- Ơ ! chuyện quí vị tranh luận là chuyện thiên đường, chỉ biết chắc là đúng hay sai tại thiên đường, vậy tại sao quí vị không chịu khó chờ đến khi về đó mà phân rõ trắng đen !

Đề nghị của quan tòa ba phải có mòi hợp lý, ba nhà truyền giáo đồng giơ tay long trọng thách thức đối thủ gặp lại nhau tại thiên đường đúng một trăm năm sau để giải quyết một lần việc hơn thua. Hứa hẹn xong, cả ba mới ngầm thấy có điều không ổn. Ai cũng tự tin mình là người duy nhất được lên thiên đường còn đối thủ và tên nông dân ngu muội chắc chắn phải bị thiêu đốt đời đời dưới mấy từng địa ngục. Người ở thiên đường còn thong dong đi lại, chớ kẻ ở địa ngục chịu trừng phạt thì đâu có điều kiện léo hánh đến thiên đường. Trở ngại đó khiến việc thực hiện cuộc gặp gỡ tại thiên đường trở thành nan giải. May mắn là có vị đã nhanh trí tìm ra giải pháp :

- Để có thể hội đủ bốn người trong buổi họp mặt tương lai, tôi đề nghị sửa đổi điểm hẹn là địa ngục, quí vị đồng ý không ?

Trừ anh chàng William miễn cưỡng gật đầu, ba nhà truyền giáo hăm hở chấp nhận cuộc thách hẹn hào hứng nầy. Cuộc cãi vã xô bồ, nhờ vậy mà có cơ chấm dứt.

Thế rồi, giòng thời gian trôi nhanh, mỗi người mỗi ngả, ai cũng bận rộn theo đuổi nếp sống lý tưởng riêng của mình, và cuộc thách thức sôi nổi tại lữ quán miền Đông thuở trước cơ hồ phai nhạt. Ba nhà truyền giáo trẻ, trở thành những nhà lãnh đạo cao tột trong giáo hội của họ, nổi tiếng là những bậc thánh đương thời được triệu triệu người tôn kính. Dù vậy, cũng như mọi người, rồi đến lúc họ phải từ giã cuộc đời, một mình trơ trọi ra đi.

Không hò hẹ mà cả ba, kẻ trước người sau, đều được đưa về một nơi. Thấy mặt nhau, nhớ đến lời thách hẹn năm xưa, nhưng ba vị lơ là xa lạ, vì chốn nầy lửa cháy phừng phừng, nóng thiêu đốt chết lên chết xuống, không đủ hơi sức rên siết, thì đâu còn ý thức tranh luận hơn thua chi nữa. Thời gian kéo dài cho đến một hôm, gian phòng đang nóng bức bỗng êm dịu mát mẻ lạ thường, rồi một vị thiên thần hào quang sáng ngời, xuất hiện. Ba vị mừng rỡ, quì xuống long trọng làm lễ chào đón :

- Khải bẩm thánh Phê Rô ! cả ba đồng cất tiếng.

- Thưa quí Ngài, tôi không phải là thánh Phê Rô. Tôi là William. Hôm nay, giữ đúng lời hẹn trăm năm về trước, nên tôi đến để hầu chuyện với quí Ngài.

Ba nhà tu hành ngỡ ngàng nhìn kẻ đối diện. Thật là bất ngờ ! thật là điều bất công vĩ đại khi những kẻ suốt đời tận tụy hầu việc Chúa thì Chúa bỏ bê lạc lõng chốn nầy, trái lại, tên nông dân tầm thường, ngu dốt, ngớ ngẩn, lại được rước lên cõi Thiên đường ! Chắc có điều gì mờ ám, lầm lộn sổ sách ở chốn thiên đình rồi !

- Xin hỏi thiệt William nhé ! anh tìm được đường giây nào để "móc nối" lên thiên đường, xin bày vẽ lại chúng tôi được không ?

- Ơ ! ơ ! thật ra, thì tôi chỉ thực hành theo lời dạy của ba vị, chớ chẳng có làm điều chi lạ lùng cả !

Rồi có lẽ biết họ chẳng tin lời mình, thánh William dẫn giải thêm :

- Ngày đó, thất tình thất vọng định quyên sinh tôi may mắn được quí vị nhắc nhở đến tình thương bao la của Chúa khiến lòng tôi cực kỳ xúc động. Tôi thành khẩn lắng nghe nhưng quí vị bận rộn hơn thua nhau không nhắc nhở gì đến Chúa nữa. Thời may, trước khi đi ngủ, quí vị mỗi người quì một góc, nghiêm trang, tha thiết cầu nguyện : "Lạy cha chúng con ở trên Trời. Danh Cha được thánh, nước Cha được đến, ý Cha được nên, ở đất như trời. Xin Cha cho chúng con bánh mì đủ ăn ngày qua ngày. Xin tha tội lỗi chúng con, như chúng con tha cho kẻ phạm tội nghịch cùng chúng con. Xin chớ để chúng con bị cám dỗ. Xin cứu chúng con ra khỏi điều ác… A men ! (2)." Tôi đón nhận những lời cầu nguyện đó với tất cả chân thành, và trong giây phút tuyệt vời đó, tôi bỗng nhiên từ bỏ cuộc đời phóng đãng của mình để thường trực sống trong tình thương của Chúa.

Nhờ ý thức Chúa luôn ở trong tôi nên tôi hạnh phúc, tươi mát với mọi người, mọi loài. Tôi cầu nguyện chỉ xin đủ ăn một ngày, nên lòng tham lam giảm dần, biết sống giản dị đạm bạc, để thương yêu chia xẻ, và đùm bọc kẻ khác. Tôi hằng cầu xin tha tội, xin cứu khỏi đường ác, nên thường quán sát tư tưởng và hành động mình để tránh bớt lỗi lầm. Tội nguyện tha tội người nên loại bỏ được tính sân hận, và phát triển được lòng khoan dung, nhân hậu… Tôi đã thay đổi cả cuộc đời nhờ quí vị, quí vị chính là những bậc ân nhân đã hướng dẫn tôi nương về Chúa, nhờ vậy tôi mới có được ngày hôm nay.

- William chỉ nghe có một câu cầu nguyện mà về cõi thiên đàng, còn chúng ta suốt đời rao giảng đạo Chúa, sao lại ở chốn nầy ! Tại sao lại có chuyện vô lý và bất công như vậy ?

- Quí Ngài rao giảng đạo Chúa, nhân danh Chúa, nhưng quí Ngài có thực sự "sống" trong Chúa hay không ? đó là vấn đề mà quí Ngài mỗi người nên tự mình chân thành soi xét mình, để tìm ra lời giải đáp…

Nhìn lại con người thực của mình dấu kín mít sau bề ngoài đạo đức thánh thiện là điều mà ai cũng muốn tránh né không dám nhớ nghĩ đến, do đó, ba vị tuy vẫn ấm ức mà ngần ngừ rồi yên lặng.

- Thôi thì bỏ qua chuyện nầy đi, mình phải giải quyết thách thức trăm năm trước chớ !

Sau vụ đấu khẩu thuở thiếu thời, trên bước đường tranh đua hoạt động, vì lợi danh xung đột, họ từng tung đòn phép mánh mun đối phó nhau, nên hiềm khích theo tháng năm mà chồng chất. Một vị vừa nhắc nhở, thì ba vị cùng phừng phừng nổi giận.

- Bây giờ Ngài là bực thánh, Ngài hiểu rõ đâu là sự thực. Xin Ngài tuyên bố một lời Hội thánh nào thánh thiện, chân chính nhất !

- Còn gì phải hỏi nữa, chỉ có Hội Thánh X là chánh thống… ngoài ra, chỉ toàn là thứ bịp bợm, rẻ tiền mà thôi…

- Nầy tên tồi bại, vô liêm sĩ ! Tổ chức ngươi mới bịp bợm, lưu manh…

Ngày xưa, tuy cãi vã hậm hực nhưng nhờ lớp áo truyền giáo nên lời lẽ quí Ngài vẫn chừng mực, giờ đây ở chốn nầy, thì đâu còn gì để úy kị nữa, những ấm ức bình sanh cứ tự do tuôn trào. Trận khẩu chiến do đó mà tăng thêm phần hung hăng và thô lực.

Thánh William chán nản, lắc đầu dợm bước đi, thì bị ba người níu áo kéo lại, nhất quyết yêu cầu thánh phải tuyên bố một lời cho biết rõ trắng đen : kẻ thắng người bại là ai ? Thế rồi, thật thà nhân hậu như một nông dân chân chính, Thánh từ tốn lên tiếng :

- Tôi đâu có thừa thải thời giờ để phán xét người. Tôi phải trở về thường trực chăm sóc thửa vườn của tôi chớ ! 

Nói xong, thánh William biến mất, để cho ba nhà đạo đức mặc tình tiếp tục hơn thua, cùng lắm nếu như họ bày ra cuộc thánh chiến thì cũng không phải là điều lạ lùng !".
 
 

Câu chuyện kết thúc bằng thái độ khó hiểu "bỏ đi về chăm sóc thửa vườn nhà" của thánh William khiến chú Năm sửng sờ trong giây phút. Chú chợt nhớ mảnh vườn con con hoang phế sau nhà cùng với kế hoạch khẩn đất sa mạc của chú, rồi bỗng cười xòa. Chú vừa thấy rõ được con người thật của chú : cả đời cứ vọng ngoại lăng xăng chạy theo được thua, vinh nhục, thành bại…, luận bàn toàn chuyện đại sự "trị quốc, bình thiên hạ", mà chẳng bao giờ nhìn lại tâm buông lung của mình đang quay cuồng vọng động… Chú lại khám phá ra sự kiện bất ngờ là chú vừa đón nhận Phật Pháp tiềm ẩn trong câu chuyện vui của người ngoại đạo.

Thì ra, nếu biết mở tâm đón nhận, thì thế gian pháp nào cũng có thể là Phật Pháp nhiệm mầu. Trời sa mạc nóng thiêu đốt nhưng chú Năm cảm thấy an vui, thơi thới, nhẹ nhàng : thân tâm chú vừa được rưới bằng những giọt nước "pháp" cam lồ thanh lương, mát mẻ. Chú xúc động trang nghiêm chấp tay hướng về Tony, kính cẩn lên tiếng :

- Xin cảm tạ Tony nhắc nhở ! Tôi nguyện thường trực chăm sóc vườn tâm của mình, không để cho các loại cỏ tham sân si mọc tràn lan loạn xạ đâu !

Tảng lờ như vô tình không hiểu biến chuyển nội tâm của chú, Tony lảng sang chuyện khác :

- Ơ ! Có lẽ máy xe đã nguội rồi ! mình chuẩn bị lên đường là vừa !

Thế rồi Tony châm nước bình xe cho chú, chờ chú nổ máy xe an toàn, rồi mới khoác tay từ giã ra đi. Chú Năm lặng lẽ chiêm ngưỡng từng động tác của Tony. Đối với chú, đó là hình ảnh sống thực của những vị bồ tát, xuất hiện trong mọi hoàn cảnh, dùng hằng hà sa số phương tiện, thuận nghịch để trao truyền Phật Pháp.


Ghi chú

1. Xương rồng Saguaro là loại xương rồng khổng lồ, hình dáng như cột đình, với những hàng gai tua tủa, đặc biệt chỉ sinh sôi trong lãnh thổ tiểu bang Arizona. Cây có thể cao đến 50 feet, nặng 3 ngàn pounds và sống lâu hằng hai thế kỷ. Xương rồng lớn tương đối chậm : một tuổi chỉ cao 1 phân, 20 tuổi cở 1 thước, 30 tuổi chừng 2 thước. Bắt đầu từ khoảng năm 35 tuổi, xương rồng trổ bông trắng, nhụy vàng và kết thành những chùm trái chín đỏ, thơm và ngọt ngào. Trái xương rồng là một nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng của vài bộ lạc da đỏ thuở xưa. Khi đã thành lão niên, khoảng 75 tuổi cây mọc nhánh, được gọi là những cánh tay, tạo thành những hình thù đặc biệt.

2. Tân ước, LUKE, chapter 11 : "… Lord, teach us to pray, as John also taught his disciples. Anh he said unto them. When ye pray, say, Our Father which art in heaven. Hallowed be thy name. Thy kingdom come. Thy will be done, as in heaven, so in earth. Give us day by day our daily bread. And forgive us for sins; for we also forgive every one that is indebted to us. Anh lead us not into temptation; but deliver us from evil…"

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.