NĂM MƯƠI NĂM NHÌN LẠI
TẬP HAI (2/3)
Tuyển tập của 99 tác giả
và những lời Phê phán của 100 Chứng nhân
về chế độ Ngô Đình Diệm
Nhà xuất bản Thiện Tri Thức Publications 2013
TẬP MỘT TẬP HAI TẬP BA
Chương Bốn
BÁNH XE LỊCH SỬ
Thiên thời Địa lợi Nhân hòa
CÁCH MẠNG RỒI LẠI CÁCH MẠNG
Chính Luận, số 94, ngày 22-7-1964, Năm thứ I
[Chủ nhiệm: ĐẶNG VĂN SUNG - Thư ký Toà soạn: TỪ CHUNG]
Dưới thời Nhu, Diệm, không
biết có anh nào cắc cớ đã đẻ ra một đoàn thể có danh hiệu rất kêu: Công chức Cách mạng Quốc gia.
Suy đi xét lại, người ta không hiểu các ông công chức ấy, ngoài việc o bế nồi cơm, cách mạng ở chỗ nào, chứ thực ra họ chẳng “cách mạng” chỗ nào hết! Đây là một thí dụ nhỏ nhặt trong muôn ngàn thí dụ khác:
Có một số thư ký phục vụ tại những tỉnh nhỏ đã lâu năm, vì hoàn cảnh gia đình, xin thuyên chuyển đến tiếp tục công vụ tại những nơi thuận tiện cho họ hơn, nhưng đơn xin của họ chẳng bao giờ được xét tới, mặc dầu dưới thời “Cách mạng Nhân vị” người ta thường lập đi lập lại câu châm ngôn “Cách mạng Quốc gia nhằm thực hiện công bằng xã hội”.
Tức cười hơn hết là cựu Bộ Trưởng Nguyễn Đình Thuần hồi đó đã trả lời trước Quốc hội bù nhìn, câu hỏi của một vài dân biểu về việc thuyên chuyển công chức: “Những nhân viên được chỉ định đến làm việc tại các tỉnh là những người phạm kỷ luật hoặc là những người phục vụ đắc lực tại địa phương” Câu trả lời đầy mâu thuẫn đó đã làm cho một số người thắc mắc. Người ta tự hỏi: “Ngoài hai hạng công chức này, còn có thể có hạng công chức thứ ba phải ở lại các tỉnh nhỏ... muôn năm nữa không? Hạng công chức ấy phải chăng là những kẻ không có khả năng... “chè lá” cho những ông công chức khác có trách nhiệm về việc quản trị nhân viên công chức?”
Cuộc cách mạng trước mệnh danh là cuộc “Cách mạng Nhân vị” do bè lũ Nhu, Diệm đẻ ra để che mắt quốc dân trong việc thỏa mãn túi tham vô đáy của một tộc họ, đã đưa đến một chế độ thối nát. Chế độ đó lẽ dĩ nhiên không thể tồn tại mãi được và đã xụp đổ sau ngày Cách mạng 1-11-1963.