Chỉ Có Pháp Hiện Tại

13/08/201410:58 SA(Xem: 5554)
Chỉ Có Pháp Hiện Tại

MỘT CUỘC ĐỜI

MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT

TẬP 4

Minh Đức Triều Tâm Ảnh

Nhà xuất bản Văn Học 2014


Chỉ Có Pháp Hiện Tại


Hôm kia, đột ngột chư vị trưởng lão như hai vị đại đệ tử, tôn giả Mahā Kassapa, Mahā Kaccayāna, Anuruddha, Kimbila, Nandiya... đồng đến đảnh lễ đức Phật và trình bày một số tệ trạng đang xảy ra trong các hội chúng tăng ni ở nơi này và nơi khác. Và rồi quý ngài đúc kết tóm tắt như sau:

- Một số vị tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni không mặn mà gì lắm trong việc duy trì hạnh trì bình khất thực chánh mạng, họ chỉ thích tầm cầu sự sự thọ thực được mời mọc, nghinh đón của hai hàng cư sĩ về các lễ trai tăng, lễ tân gia, tụng kinh lễ động thổ xây cất, lễ tang, lễ an lành trong gia đình, lễ may mắn trong kinh doanh, lễ thần tài, thần thọ, lễ hướng nhà, hướng cửa. Và chúng lấy việc ấy làm lẽ sống chính, không chịu công phu tu tập giới, định, tuệ.

- Một số vị khác được các phú gia, thương gia tín tâm hộ độ tứ sự nên họ tùy tiện kêu gọi xây dựng cốc liêu khá sang trọng cho mình. Từ đó họ thích sống một mình với lợi dưỡng có đủ, yên tịnh một mình, không chịu sinh hoạt với tăng, tụng đọc giới bổn và làm lễ sám hối vào các ngày bố-tát; càng ngày họ càng muốn rời xa tăng chúng.

- Một số vị có tu tập, nhưng cứ đắm chìm mãi trong các tầng thiền, hỷ tham, lạc tham ở đấy chớ không xuất ly để tiến bộ thêm.

- Một số chư vị có giới, có định, nhưng cứ thích tầm cầu những khả năng phép lạ này, khả năng phép lạ kia chứ không chịu tu tập nội quán, minh sát để lắng dứt tham sân si, phiền não.

- Một số khác nữa lại không chịu sự quản lý, hướng dẫn của chư trưởng lão, không chịu sống chung với tăng; chúng cứ lang thang đây đó, đôi khi trú cư từ chùa viện, tịnh xá này, sang chùa viện, tịnh xá khác; lại còn phát ngôn rất hay: “Một mình một bát thong dong. Lìa mọi trú xứ, rỗng không, nhẹ nhàng!” Hoặc: “Thiên nga cất cánh thênh thang. Ao hồ bỏ lại, mây ngàn thảnh thơi!” Họ nói vậy mà không phải vậy. Đa phần là hạng biếng nhác. Họ không có một trách nhiệm gì, chỉ làm khổ chư sư tại những trú xứ kia phải sắp đặt chỗ ăn ở, sàng tọa và những nhu cầu cần thiết khác cho họ. Rồi vài ba ngày gì đó, họ lại bỏ đi, công việc sắp đăt, dọn dẹp, giặt rửa, vệ sinh xem như không phải là việc của họ. 

Nói tóm là phần đông chúng không chịu tu tập hướng đến ly tham, chánh trí, giác ngộ, giải thoát; vậy xin đức Thế Tôn tùy nghi giáo giới để cho sinh hoạt giáo hội được trong sáng, lành mạnh hơn, chư tăng ni sẽ đi đúng với mục tiêu phạm hạnh hơn.

Thấy những điểm đưa ra của chư vị trưởng lão đều là quan trọng, cần yếu để duy trì nếp sống phạm hạnh nên đức Phật gật đầu đồng thuận, bảo chư vị trưởng lão công bố triệu tập ngay một cuộc họp rộng rãi, gồm đủ chư tăng ni trong kinh thành và các vùng phụ cận tụ họp tại Kỳ Viên tịnh xá để ngài giáo giới, giáo huấn.

Rồi thời pháp hôm ấy, đức Phật triển khai năm điều do chư trưởng lão yêu cầu một cách rộng rãi hơn để phá bỏ những tệ trạng đang phát sanh:

- Giáo pháp của Như Laigiáo pháp thoát khổ, chấm dứt ưu não trên trần thế, hướng đến chánh trí, giải thoát, Niết-bàn. Vậy việc trì bình khất thực để nuôi mạng là một nhu cầu cần thiết, nhưng nó phải được điều chỉnh chừng mực, vừa đủ. Ai quá ham mê, tầm cầu những món ăn ngon bổ, những bữa trai Tăng thịnh soạn tại các tư gia thì hãy xem chừng đã rơi vào đời sống lợi dưỡng. Đời sống của vị thánh Thinh Văn đệ tử của Như Lai khi trì bình khất thực để nuôi mạng phải là:

“- Như ong kiếm tí mật thôi
Sắc hương chẳng hại, lá chồi cũng không!
Khẽ khàng chút nhụy lót lòng
Bậc thánh cũng vậy, thong dong vào làng!”(1)

Còn nữa, khi người cư sĩ tại gia mời về nhà cúng dường tứ sự để tụng kinh các lễ hướng nhà, hướng cửa, hướng mộ, mua may bán đắt, sinh con đẻ cái, thăng quan, tiến chức thì phải biết từ chối. Chỉ đồng ý tụng phúc chúc an lành như những bài kinh paritta, tụng kinh cho người bệnh, tụng kinh sự thật về tam tướng, sự thật về sự bất tịnh của thân, sự thật về sự sống chết tất định của đời người hầu thấy rõ lý vô thường, vô ngã tự nhiên của trời đất để chấm dứt sầu bi, ưu não không đáng có. Chư vị trưởng lão, các vị luật sư, giáo thọ sư tăng cũng như ni phải biết giáo giới cặn kẽ đệ tử của mình như vậy.

- Điểm thứ hai, ngoại trừ các đại lâm viên, đại tịnh xá do vua chúa, hoàng tộc hoặc các vị phú gia kiến tạo, xây dựng để cúng dường cho Như LaiTăng chúng mười phương thì thường kiên cố, quy mô, có giá trị công phu và mỹ thuật; còn tất thảy cốc liêu của chư tăng ni tự động kêu gọi xây dựng nơi này và nơi kia bên ngoài các đại tịnh xá, đại lâm viên thì không được làm như thế. Cốc liêu, sàng tọa, chỗ ở của bậc xuất gia thì phải nên giản dị, khiêm tốn, tránh những xa hoa, xa xỉsang trọng hơn mức bình thường. Đừng nên kiến trúc cầu kỳ, sắc màu lòe loẹt, nhiều chi tiết mỹ thuật. Vật liệu sử dụng chỉ nên bằng gỗ, bằng đất, bằng đá, bằng tranh tre dị giản và thô mộc, tránh trau chuốt láng lẩy, đẽo gọt, điêu khắc công phu; nó không thích hợp cho đời sống xuất gia phạm hạnh đâu. Đừng biến chỗ ở tạm qua đêm ấy thành sở hữu của mình. Lưu luyến chỗ ở cũng phải được xuất ly. Hiện nay, có một số vị tỳ-khưu, tăng cũng như ni đã vượt quá giới hạn, đi xa giới hạn cho phép. Do họ có duyên, có uy tín với các hàng vua chúa, hoàng tộc, phú gia, doanh gia bởi một lý do nào đó nên chư vị ấy kêu gọi hoặc gợi ý người ta xây dựng cốc liêu cho mình rất là sang trọng. Gợi ý đã là tà mạng rồi. Kêu gọi lại là tà mạng hơn. Điều này phải được chấm dứt. Các vị trưởng lão, luật sư, giáo thọ sư phải biết răn đe đồ chúng của mình và phải xử lý nghiêm túc những trường hợp đã vi phạm.

Còn nữa, do khi đã có cốc liêu, sàng tọa, chỗ ngủ nghỉ tươm tất, tiện nghi hợp với sở thích rồi thì sẽ phát sanh những điều tai hại. Cái tệ thứ nhất, là vị tỳ-khưu ấy đã rơi vào lợi dưỡng, dính mắc trú xứ, hỷ tham phát triển sẽ càng ngày càng rời xa mục đích phạm hạnh. Cái tệ thứ hai là vị tỳ-khưu ấy bắt đầu rút vào tháp ngà, chỉ thích sống một mình với một nhóm đệ tử của mình, chỉ muốn làm thầy thiên hạ chứ không còn muốn làm học trò nữa. Vậy là căn nhà bản ngã ngày càng được củng cố, tăng trưởng. Cái tệ thứ ba, là càng ngày càng tách rời khỏi sinh hoạt Tăng chúng, xa lạ với tăng chúng, ngại gặp mặt tăng chúng. Tại sao? Vì ở đấy phải đảnh lễ các bậc cao hạ hơn, các bậc thầy tôn túc, trưởng lão nữa. Họ sợ sẽ bị giảm uy tín bởi nhóm đệ tử của mình từ lâu vốn coi xem mình như bậc tôn đức trưởng lão cao hạ. Về lâu về dài, những vị này sẽ tuyên bố mình “thích sống hạnh độc cư thanh tịnh” nhưng thật ra, họ ngại sám hối, họ ngại tụng giới, họ ngại gặp mặt các bậc thánh vô lậu sẽ nhìn rõ suốt tâm tư uế nhiễm của họ.

Có một số tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni có giới, có tu tập, đã đắc các định, các thiền. Định nào, thiền nào, từ cạn vào sâu, từ thấp lên cao đều đi qua hỷ, lạc, xả và nhất tâm. Đấy đều là những cảm thọ êm đềm, mát mẻ, dịu dàng, thư thái, khinh an, tĩnh lặng. Là những an vui, là những hạnh phúc vi tế, thanh lương đáng mến vô cùng. Có các định, các thiền này là tốt nhưng phải biết xuất ly để bước lên những cảnh giới cao hơn. Nếu chỉ biết dừng lại, thì coi chừng, các hỷ tham, lạc tham kia sẽ tăng trưởng; và lúc ấy họ sẽ dừng lại ở đấy, đắm đuối ở đấy, thích thúđam mê ở đấy. Lúc đó, định thiền của họ là định thiền của ngoại đạo, của bà-la-môn giáo từ ngàn đời, đấy không phải là định giải thoát, thiền giải thoát của Như Lai đâu.

Còn nữa, có các định sâu thường phát sanh những thắng trí, những thần thông, phép lạ nếu vị ấy có hướng tâm và biết cách tu tập. Trong giáo hội của Như Lai, hiện tại, cả bảy chúng học tu, những thắng trí có được không chỉ là một vài trăm người, mà phải nói là cả hàng ngàn người hay còn hơn thế nữa. Người có một thông, hai thông, ba thông, bốn thông hay năm thông thật là không kể xiết. Nhưng Như Lai và chư vị tôn túc trưởng lão thường cặn kẽ chỉ dạy rằng, chính cái thần thông chấm dứt tất thảy phiền não (lậu tận thông) mới là mục đích rốt ráo của phạm hạnh; còn các thần thông kia, có cũng được, không có cũng không sao, chẳng quan trọng gì. Có một chuyện rất là nghiêm trọng ở đây mà đại chúng cần ghi nhớ. Một vị tỳ-khưu nếu chưa giác ngộ, giải thoát, chưa diệt tận tham lam, sân hậnsi mê nếu họ đắc được ngũ thông thì chuyện gì xảy ra? Nếu có thiên nhãn thông, họ sẽ tò mò rong chơi tìm xem thế giới này, thế giới khác, xem sắc đẹp của chư thiên, cảnh giới của chư thiên cùng hằng trăm ngàn cảnh giới khác nữa. Nếu có thiên nhĩ thông thì họ sẽ tò mò lắng nghe tiếng nói của nhiều loại chúng sanh, của chư thiên các cõi trời và rất nhiều tiếng nói của thế giới khác nữa. Nếu có tha tâm thông, họ sẽ tò mò tìm biết tư tưởng của người này, tư tưởng của người kia. Nếu có thần túc thông thì họ sẽ tò mò lặn tìm vào các kiếp sống quá khứ để xem mình là ai, tên tuổi, dòng họ, hành nghiệp cùng nhân, duyên và quả ấy ra sao. Nếu có biến hóa thần thông thì họ sẽ biến thử ra cọp, ra rắn, ra người nam, người nữ, chư thiên, thành nhiều thân, xuyên tường, độn thổ, qua hư không mà chơi hoặc biểu diễn cho người khác xem để nhận được sự vỗ tay tán thưởng, sự hâm mộ, ngưỡng vọng của quần chúng! Hóa ra, thần thông cũng hay đấy, nhưng chuyện gì sẽ xảy ra khi vị ấy còn tham danh vọng, ham lợi tài, nói chung là hưởng thụ ngũ dục? Khi ấy, đừng nói là sẽ bỏ quên mục đích phạm hạnh mà chính họ sẽ bị tấp vào bờ này, bị tấp vào bờ kia, bị chìm, bị đắm, bị mắc cạn, bị người đời vớt, bị phi nhân vớt, hoàn toàn bị mục ruỗng bên trong thì họ sẽ còn tệ hơn cả người đời, họ không còn cơ cứu vãn được nữa, hoàn toàn bị bỏ đi. Khi ấy, chìa khóa vào bốn đường ác, họ nắm sẵn trong tay.

“- Ai còn thu nhặt hoa hương
Đắm si, tham nhiễm bên đường, biết hay?
Tử thần mang kẻ ấy ngay
Như cơn lũ cuốn ngủ say cả làng!”(1)

Hoặc là:

“- Ai còn thu nhặt hoa hương
Đắm say, tham nhiễm bên đường chẳng thôi?
Coi chừng thần chết tới nơi.
Bắt làm nô lệ rồi đời kẻ ngu!”(1)

Cuối cùng là những vị tỳ-khưu lang thang mà chư vị trưởng lão ở các trú xứ thường hay than phiền. Họ thường tùy nghi đến nơi này nơi kia, ăn ở năm bảy ngày rồi ra đi, tắc trách về sàng tọa, giường chiếu, tắc trách nơi nhà vệ sinh, phòng tắm hơi, chỉ làm khổ cho chư sư tại trú xứ phải bỏ ra nhiều công sức sắp xếp, dọn dẹp, vệ sinh... Vậy thì chư vị trưởng lão, các vị luật sư, giáo thọ phải giáo dục cặn kẽ về những bổn phận của thầy và trò, trò và thầy, bổn phận của một tỳ-khưu ở trong trú xứ, chung với Tăng, bổn phận của tỳ-khưu khách tăng khi đến một chùa viện khác...

Hãy sống sao cho trong sạch giáo hội, trang nghiêm giáo hội để khỏi bị chúng ngoại đạo chê cười, thế gian chê cười, chư thiên chê cười; và ngay chính chư thiện nam tín nữ, huynh đệ đồng tu cũng chê cười.

- Hãy tu tập! Hãy như khúc gỗ trôi sông, không vướng kẹt ở đâu, xu hướng về biển cả, giải thoát sinh tử khổ đau ngay hiện tại này, ngay đời sống này!


 (1) Pháp cú 49: “ Yathā pi bhamaro pupphaṃ vaṇṇagandhaṃ aheṭhayaṃ; paleṭi rasaṃ’ādāya evaṃ gāme munī care”.

(1) Pháp cú 47: “Pupphāni h’eva pacinantaṃ byāssattamanasaṃ naraṃ; suttaṃ gāmaṃ mahogho’va maccu ādāya gacchanti”.

(1) Pháp cú 48: “ Pupphāni h;eva pacinantaṃ byāsattamanasaṃ naraṃ’ atittaṃ yeva kāmesu antako kurute vasaṃ”.

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
23/02/2023(Xem: 4003)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.