Một Vòng Tay Cho Thanh Tạng

16/08/20143:22 SA(Xem: 6926)
Một Vòng Tay Cho Thanh Tạng

MỘT VÒNG TAY CHO THANH TẠNG

Toại Khanh

blankTôi là một người có đến 1001 lý do để không thể và không nên trở thành một tay du lịch chuyên nghiệp, nhưng thiệt tình trong bụng vẫn tự nhủ sẽ tìm dịp thăm viếng một vài nơi trước khi giũ sạch những giấc mơ xê dịch, để yên lòng lên non tìm động hoa vàng nào đó mà đánh giấc thiên thu. Một trong những nơi chốn mộng mơ đó chính là Machu Picchu ở tận xứ Peru. Chỉ là một di tích rêu phong, cũ kỹ thôi, nhưng nó có thể được coi là một Angkor hay Binh Mã Dũng ở Nam Mỹ.

Tôi biết đến địa danh này qua một bài viết trên Internet có tựa đề 1000 Places-To-See-Before-You-Die, giới thiệu những nơi chốn đáng viếng trong một đời người phù vân. Tôi đã bàng hoàng khi ngắm qua mấy chục tấm ảnh chụp ở Machu Picchu để lại giật mình khi được biết rằng nó sở dĩ còn nguyên vẹn như vậy là nhờ toạ lạc ở một vị trí cực kỳ hẻo lánh, nằm ngoài khu vực đi lại của những người Tây Ban Nha thực dân mấy thế kỷ trước, tránh được chuyện bị họ đào xới tìm vàng. Theo các sử liệu, công trình này được người Inca thực hiện vào khoảng năm 1450, hơn một thế kỷ trước khi thực dân Tây Ban Nha (conquistador) tìm sang Nam Mỹ và lật tung thế giới của người Inca để moi vàng rồi thiêu hủy gần như trọn vẹn nền văn minh rực rỡ của họ. Theo tôi, nếu chẳng kể đến lĩnh vực minh triết, nền văn minh Inca đáng được xếp vào vài ba chiếc nôi văn minh đáng nể nhất của trái đất xưa giờ.

Tôi dĩ nhiên chẳng có nhiều thời gian hay kiến thức để nói nhiều về một di tích du lịch nào hết, nhưng câu chuyện về Machu Picchu cứ khiến tôi suy nghĩ nhiều về vài điều liên tưởng. Vì sao Machu Picchu không bị giày xéo? Phải chăng mọi thứ trên đời đôi lúc cũng cần đến những bối cảnh thích hợp để tự bảo toàn. Ở đây tôi muốn dùng chữ Cõi Riêng. Có phải đó cũng là lý do ngày xưa đức Phật đã từng đề nghị các đệ tử của Ngài đừng tung tăng trong Ma Giới, chỉ nên vãng lai trong cảnh giới Chánh Pháp. Một bước rong chơi sa đà là khó có dịp quay đầu. Xưa nay biết bao người đã chết thảm chỉ vì bắt chước thiên hạ nói năng kiểu thánh hiền như cư trần bất nhiễm, hay vào địa ngục cứu người rồi thì an lòng lăn xả vào tục lụy ngay khi chưa kịp có đủ khả năng tự vệ. Tôi nhớ báo chí trong nước khi nói về sự cố sập cầu ở Cần Thơ năm ngoái, đã cho hay hai nhịp cầu khổng lồ kia bị đổ chỉ vì giàn giáo quá yếu không chịu nổi sức nặng hàng ngàn tấn của phần bê-tông chưa kịp khô, chưa đủ cứng.

taytang-04medTừ hơn một năm nay, gần như toàn bộ các nguồn thông tin của Trung Quốc đều đổ dồn một phía để đánh bóng sự kiện Olympic vào tháng 8 năm 2008. Ai có thường theo dõi CCTV9 của Trung Quốc hẳn đã thấy như vậy. Người ta đã bằng mọi cách kích thích sự chú ý của thiên hạ bằng những quảng cáo rầm rộ và chuyên nghiệp. Vậy mà chỉ trong non một tuần nay, hào quang của Olympic Bắc Kinh 2008 đã có nguy cơ bị đẩy lùi sau một loạt tin tức về những cuộc biểu tình đẫm máu ở Tây Tạng, và hôm qua, làn sóng xuống đường đã lan rộng đến Tứ Xuyên, nơi có một phần lãnh thổ của Tây Tạng ngày truớc. Tôi đã bàng hoàng khi nhìn thấy trên TV, rồi youtube, trên internet, những hình ảnh đổ máu của người dân Tây Tạng trong mấy ngày qua. Ai khổ tôi cũng thương, nhưng ở đây, còn có thêm một chút tình đồng đạo. Dân tộc đang lâm nạn kia cũng là những người thờ Phật như tôi.

So với những chủ nhân của nền văn minh Inca ở Mỹ Châu mà tôi vừa nhắc ở trên, dân Tây Tạng có nhiều điểm đồng dị rất đáng lưu ý. Cũng đều có một lãnh thổ nằm xa khuất cuối trời, cách ly hẳn những miền đất ồn ào nhất của hành tinh. Cả hai đều sở hữu một nền văn hóa độc đáo và hiện nay, cả hai đều bị thôn tính. Đó là những điểm giống nhau. Còn về chỗ khác nhau? Dấu vết còn lại của nền văn minh Inca bây giờ có lẽ chỉ là cái di tích Machu Pichu đáng gọi là kỳ quan kia. Trong khi đó, người Tây Tạng hình như có may mắn hơn một chút. Ngoài 6000 tự viện bị thiêu hủy sau năm 1959 với hàng trăm ngàn tu sĩ bị giết chết, họ đã kịp có một cuộc di tản đáng nể: Người thủ lãnh tâm linh của họ là đức Đạt-lai Lạt-ma vẫn còn đó ở xứ người với một chính phủ lưu vong, và bước chân hoằng pháp của tăng sĩ Tây Tạng cũng đã theo đời lưu lạc của họ mà in dấu khắp mọi châu lục, thậm chí thành công hơn cả Tăng ni Việt Nam hải ngoại. Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó một ý kiến rằng việc Trung Quốc đánh chiếm Tây Tạng không hẳn là cái họa cho xứ sở này. Tôi không dám có ý kiến trong chuyện đó, chỉ thấy rằng quốc vận của Tây Tạng đã cho tôi nhiều bài học vô giá. Và một trong số đó chính là cái ý tưởng mà tôi đã nêu ở phần đầu của bài viết này.

Người Tây Tạng nhờ có một vị trí địa dư hẻo lánh, nên đã được an toàn trong một thời gian dài. Trong khi Trung Hoa hùng mạnh là vậy mà từ ngàn xưa vẫn phải liên tục khổ ải với các dân tộc láng giềng phía Bắc. Thứ đến, với kiểu hành trì khép kín của Phật giáo Tạng Truyền, đạo Phật của người Tây Tạng tuy không phải là nguyên thủy so với thời Phật, nhưng xưa giờ vẫn không có nhiều lắm những xáo trộn biến tướng so với thời kỳ của các ngài Atisa, Padmasambhava, Marpa, Naropa, Milarepa... Thậm chí đến tận hôm nay, có lưu lạc ở đâu, Phật giáo Tây Tạng gần như vẫn giữ lại được hầu hết những nét riêng xưa giờ của mình. Có thể nói đó cũng là sự thành công đáng nể của dân tộc vong quốc này.

Tâm điểm của bài viết này chỉ quẩn quanh một ý: Dầu có phải tiếp cận với thiên hạ để phát triển và học hỏi, anh phải có một góc riêng để mà quay về. Bởi ăn nhờ ở đậu trên chỗ của người khác thì không làm sao lâu bền được. Và phương trời riêng tư đó của anh chỉ có thể an toàn vững chắc khi chính anh có được khả năng tự cố. Người còn của còn, người mất thì của cũng mất. Dân Inca hôm nay chỉ còn lại một di tích vật chất, thế là trang sử vàng của nền văn minh đó chỉ còn chờ ngày mục rã. Ở người Tây Tạng thì tình hình có khác. Cái họ giữ được không chỉ là những gì có thể sờ chạm. Cõi riêng của họ sâu thẳm hơn nhiều. Thậm chí nếu cả cao nguyên Thanh Tạng có biến mất như một làn khói, thì dấu vết của người Tây TạngPhật giáo xứ này còn có biết bao nhiêu là những vùng đất mênh mông để tiếp tục tồn tại. Đời sống, rồi cuộc tu của mỗi cá nhân hình như cũng vậy: Anh phải có được một cõi riêng thật sự là máu thịt của mình, để mai này trời có sập xuống, thì anh vẫn cứ thanh thản tự tại. Trong hoàn cảnh nào, màu áo nào, anh vẫn tiếp tục là một hành giả, một Bồ-tát, một Vô Vị Chân Nhân.

blankChiều nay tôi vào www.flickr.com như một thói quen những khi mệt mỏi. Và thật ngẫu nhiên tôi đánh chữ Tibetan Monk để rồi bắt gặp mấy tấm ảnh nhìn qua mà cứ nao lòng. Một khoảng trời xanh ngắt in đậm đỉnh núi tuyết cao ngất đâu đó thật xa, và đôi ba nhà sư Tây Tạng bên con đường mòn chân núi đang ngồi nhìn về cuối trời, như vẫn chờ đợi mỏi mòn một ngày về xa xôi của dân tộc. Họ bây giờ mất hết rồi. Một vùng đất cao nguyên với những hồ nước trong xanh ngàn đời, những thảo nguyên bốn mùa lộng gió, những tu viện rì rầm tiếng kinh cầu, những lối mòn chân núi vàng rực với màu vàng hoa cải, những đoàn du mục lâu rồi không biết gì đến chiến chinh... Không còn gì nữa. Họ đã im lặng suốt nửa thế kỷ, và mấy ngày qua, niềm im lặng đó đã tràn bờ và cái giá mà họ phải trả sao mà đắt. Máu họ đã chảy, họ đã ngã xuống cho một lối về của quê hương. Quê hương vẫn nghìn trùng, và họ thì lại phải đi xa ngay lúc này. Phải rồi, với họ, cái chết chỉ là một cuộc đi xa. Viết tới đây tôi lại nhớ đến một đoạn phim buồn trên youtube. Một người Tây Tạng bị bắt đứng úp mặt vào bức tường tu viện, và cảnh sát Trung Quốc đã nổ súng. Làn khói súng tan đi, xác người Tây Tạng ngã vật xuống, và vệt máu trên vách tường nơi anh vừa đứng đã ngẫu nhiên đọng lại một chữ VĂN () trong Hán Ngữ, chữ Văn viết theo lối cách điệu và đã được chọn làm biểu tượng cho Olympic Bắc Kinh 2008!

Bài viết này như một lời nguyện cầu, một vòng tay hướng về cao nguyên Thanh Tạng, nơi có hàng triệu trái tim đang có cùng một giấc mơ…

TOẠI KHANH

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
21/01/2018(Xem: 20239)
12/10/2016(Xem: 18184)
26/01/2020(Xem: 10679)
12/04/2018(Xem: 18951)
06/01/2020(Xem: 9681)
24/08/2018(Xem: 8459)
12/01/2023(Xem: 2805)
28/09/2016(Xem: 24132)
27/01/2015(Xem: 23436)
11/04/2023(Xem: 2047)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.