Thư Viện Hoa Sen

Trăng Thu

02/09/20224:04 SA(Xem: 2609)
Trăng Thu

TRĂNG THU

Vĩnh Hảo

 

trăng thuMặt trời khi xuất hiệnrạng rỡ, bừng sáng, dứt khoát xóa tan bóng tối để chiếm lĩnh cả không gian của thiên địa càn khôn.

Mặt trăng thì không như vậy. Sự xuất hiện của trăng là sự xuất hiện từ từ, nhẹ nhàng, dịu dàng, êm đềm… và dù có những lúc được xem là sáng vằng vặc, thì vẫn cứ giữ cho đêm vẫn là đêm, buổi tối vẫn là buổi tối. Trăng không đánh phá, hủy diệt bóng tối, mà luôn làm hòa với bóng tối. Trăng làm cho đêm được sáng lên bằng ánh sáng huyền diệu, trang nghiêm, lặng lẽ.

Trong khi bóng tối nghìn năm ngập phủ với tham lam, thù hận, si mê, con người càng lúc càng nhiều cơ tâm, man trá, ích kỷ; chỉ nghĩ đến lợi ích riêng của mình hay gia đình, bè phái của mình, không quan tâm đến đời sống của ai. Vậy mà vẫn có nhiều người thích sống trong bóng tối, thích gần gũi, ngợi ca kẻ xấu và điều ác; là bởi cái mầm xấu-ác ở trong họ tương thích với bóng tối tham, sân, si kia. Khi điều xấu-ác, bất thiện được xuề xòa chấp nhận và xem là lẽ thường trong đời sống thì cõi này đã sa đọa đến tận cùng của sự thấp kém đạo đức, văn hóa.

Tục ngữ có câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Lý này xưa nay rất đúng trong nhiều trường hợp, được ông bà, cha mẹ dùng để răn dạy con cháu trong nhà, và thầy cô giáo dạy học sinh ở trường. Tránh chơi với bạn xấu, bạn ác, bạn ngu dốt; nên tìm chơi với bạn ngoan hiền, thiện lương, học giỏi. Nhưng thực tế ngày nay cho thấy không ít những nhà trí thức, có danh bằng học vị, cho đến những nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo… lại thường có khuynh hướng hùa theo, phù trợ những kẻ xấu-ác, đánh mất lương tri, che mờ lý trí, quên bẵng lý tưởng cao xa của mình là cống hiến tài năng làm đẹp cuộc đời. Như bầy đom đóm sau giấc ngủ miên đông, ồn ào trỗi dậy, túa nhau bay khắp nẻo những đêm đầu hạ. Nhìn sự phát quang lập lòe của chúng trong đêm tối như mực thì thấy đẹp kỳ diệu, nhưng thực ra thì ánh sáng sinh học từ thân của chúng rất độc hại, chính là vũ khí tự vệ để khỏi bị ăn thịt bởi loài côn trùng khác. Sinh sôi tràn lan trên cây lá và rơm rạ ủ mục, chúng rầm rộ kéo nhau bay về hướng bóng tối, và chỉ sinh hoạt trong bóng tối. Bầy đàn đom đóm bát nháo, chỉ biết hăm hở kiếm mồi, tấn công, ăn thịt những loài sâu bọ, ốc, sên… Ra nông nỗi như thế là do vì bẩm chất vị ngã ngủ sâu trong tâm thức được đánh thức đúng lúc bóng tối vô minh phủ xuống. Tối tìm đến tối. Vô minh tìm đến vô minh. Người u mê chỉ muốn gần mực.

Trong khi đó, ánh trăng vẫn lặng lẽ, dịu dàng như muôn thuở nào. Trăng có tròn, có khuyết, nhưng muôn đời vẫn vậy, không thêm không bớt (1). Hành giả đi vào cuộc đời như vầng trăng khi ẩn khi hiện, đi trong ngày, đi trong đêm, không nơi nào lúc nào mà chẳng đến. Thong dong tự tại đi vào trần gian điên đảo mà lúc nào cũng tự tỏa sáng. Ánh sáng tự thân không mất thì ngại gì dấn thân vào những nơi mê vọng tối tăm! Ai cũng tìm đèn tránh mực thì những người u mê đến khi nào mới được thắp sáng? Ta không vào địa ngục thì ai vào! (2)

Có vầng trăng lừng lững đầu núi. Ánh trăng tưởng chừng như dòng suối mát, chảy dài từ đỉnh núi xuống đồng hoang, loang trong đêm vô tận. Kỳ thực có khi nào trăng không tỏa sáng. Trong khi trần gian say ngủ, đâu đó vẫn có người cùng thức với trăng tròn mùa thu.

 

California, đầu thu 2022

Vĩnh Hảo

(www.vinhhao.info)

Xem thêm:
Nguyệt san Chánh Pháp số 130 tháng 9 năm 2022 

___________

 

(1)    “Nước chảy thế kia mà chưa từng đi bao giờ, mặt trăng khi tròn khi khuyết như vậy mà chưa thêm bớt bao giờ. Bởi vì ta tự ở nơi biến đổixem ra thì cuộc trời đất cũng chỉ ở trong một cái chớp mắt, mà nếu tự ở nơi không biến đổi mà ra thì muôn vật cùng với ta, đều không bao giờ hết cả; cần gì phải khen đâu! Vả lại ở trong trời đất, vật nào có chủ ấy, nếu không phải là của ta thì dẫu một li ta cũng không lấy. Chỉ có ngọn gió mát ở trên sông, cùng vầng trăng sáng ở trong núi, tai ta nghe nên tiếng, mắt ta trông nên vẻ, lấy không ai cấm, dùng không bao giờ hết, đó là kho vô tận của Tạo hóa mà là cái vui chung của bác với tôi.” (Tô Đông Pha, Tiền Xích Bích Phú, Phan Kế Bính dịch – trích từ tác phẩm Tô Đông Pha, chương 7: Đông Pha cư sĩ và thanh phong minh nguyệt, biên khảo của Nguyễn Hiến Lê)

(2)    Đây là lý tưởng dấn thân nhập thế qua biểu tượng Bồ-tát Địa Tạng, với lời nguyện rộng: “Địa ngục chưa trống không, thề không thành Phật; chúng sinh độ hết mới chứng quả vị Bồ-đề.”

Tạo bài viết
26/01/2020(Xem: 13167)
30/09/2012(Xem: 10413)
30/08/2014(Xem: 6750)
06/06/2019(Xem: 16136)
01/10/2013(Xem: 7632)
01/10/2013(Xem: 5864)
02/11/2023(Xem: 2976)
02/04/2024(Xem: 1444)
26/10/2021(Xem: 5662)
02/07/2024(Xem: 2295)
27/09/2015(Xem: 5158)
03/10/2022(Xem: 3920)
23/09/2018(Xem: 10514)
01/06/2023(Xem: 3868)
free website cloud based tv menu online azimenu
Sau những ngày Miến Điện nghỉ Tết, nhóm thiện nguyện Ánh Sáng Từ Bi do Sư Cô Tn Như Hiếu điều hành đã tiếp tục dấn thân cứu trợ. Hôm nay 22. April 2025 chúng con xin tiếp tục tường trình hình ảnh cứu trợ động đất Myanmar đợt 5. Cũng như 4 đợt cứu trợ vừa qua, lần này chúng con cũng kết hợp cùng với chư vị Bhante, chư Tăng Ni VN tại Myanmar (Nhóm thiện nguyện Ánh Sáng Từ Bi, Quỹ Phụng Sự Tâm An, Quỹ Từ Tâm, nhóm Sư Cô Thích nữ Như Hiếu- Suriyavati) Xin tường trình Lộ trình đi cứu trợ miền động đất Myanmar.
Kính gửi : Chư tôn Hòa thượng Trưởng lão,Chư Hòa thượng,Chư Thượng tọa, Đại đức Tăng ni,Quý Phật tử trong vả ngoài nước : THÔNG BẠCH ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PHẬT LỊCH 2569 của HĐGPTƯ Chánh thư ký Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống,Tỳ kheo Thích Đức Thắng
Khởi sự với lòng từ mong muốn đem nguồn nước của đức “Đại Bi” khơi nguồn nơi khô cằn sỏi đá và thiếu nguồn nước vào mùa khô ở Đăk Nông, từ ngày 19 tháng Giêng năm Ất Tỵ (19/2/2025) chúng con đã đi tiền trạm, khảo sát các trường học/ khu dân cư cần giếng nước sạch ở Đăk Nông. Sau khi tiến hành khảo sát đợt 1 vào ngày 19/2/2025 và đợt 2 vào ngày 17/3/2025, chúng con đã chọn lọc trong số các trường đã khảo sát và quyết định tặng 18 giếng nước/công trình lọc nước phèn/máy phát điện cho 20 trường học thuộc tỉnh Đăk Nông (có 4 trường trong cùng khuôn viên đất ở 2 địa điểm sẽ sử dụng chung công trình được tặng).