Con Ma Dễ Thương Hùynh Trung Chánh

01/09/201012:00 SA(Xem: 14156)
Con Ma Dễ Thương Hùynh Trung Chánh
Dầu ngưới, thú vật hay ma
Một lòng tôn kính như là Phật thân.

CON MA DỄ THƯƠNG
Hùynh Trung Chánh

honmaNghĩa háo hức theo mẹ về Việt Nam thăm viếng quê hương. Sau mấy ngày vui nhộn làm sống lại những kỹ niệm ấu thơ tại Thủ Đức với bà con họ nội xa gần, chàng theo mẹ về quê ngoại, tạm trú tại nhà cậu Út ở thành phố Phan Rang, Ninh Thuận. Vì thuở nhỏ chàng không có cơ hội liên lạc với họ ngoại, nên dù được cậu tiếp đón rình rang, nhưng chàng muốn thân thiết với hai đứa em cô cậu thật khó. Sáng dậy, vừa chào hỏi đôi câu chúng đã biến mất, khiến chàng cụt hứng lâm cảnh ngồi bó gối một mình. Ngồi mãi đâm ra cuồng chân, chàng định rủ mẹ đi biển, nhưng mẹ và cậu dường đang bàn bạc chuyện gì quan trọng gay go lắm, nên đành xin phép mẹ đi dạo phố một mình. Bà dặn: “Cẩn thận nghen con! đừng đi xa nguy hiểm nghen con!” Chàng lầm thầm cằn nhằn: “Bà già cứ tưởng mình là thằng bé con hoài hà!”. Tuy cười mẹ nhưng chàng vẫn vâng lời, ra quán nước đầu ngõ, gọi ly cà phê đá nhâm nhi, lơ đãng nhìn “ông đi qua bà đi lại” cho đỡ buồn. Ngồi khá lâu, độ chừng mẹ ở nhà bắt đầu lo lắng, Nghĩa lững thững trở về, vừa đến ngưỡng cửa chợt nghe âm thanh tiếng nói của cậu có phần gắt gỏng nên đứng khựng lại:

- Chị nói sao? Mồ mả gia tộc cả làng, cả tỉnh Ninh Thuận nầy ai cũng chung lo xây dựng lăng bia hoành tráng mà nhà mình lại để lượm thượm lù xù như vậy thì còn ra thể thống gì nữa?

- Chị cũng muốn lắm em ạ! Ngặt nỗi là chị nghèo quá hà! Chồng chị thuộc diện “lỡ thầy lỡ thợ”, lại còn bệnh hoạn cà rề, nên nào có nghề nghiệp gì chính thức đâu? Chị lãnh may, thì ảnh đi lấy hàng và giao hàng, chị giữ trẻ thì ảnh đưa rước con nít đi học... ráng lắm thì hai vợ chồng chỉ kiếm vừa đủ ăn thôi em à!

- Sao lạ quá hén! Gia đình của người ta như anh Tám Tàng bên xóm biển đó, họ sang Mỹ sau chị đến năm năm, mà nghe nói đã làm chủ mấy tiệm nail, là bậc triệu phú đại gia rồi! Thấy họ về nước xài tiền ào ào, tái thiết căn nhà hương hỏa, và xây dựng lăng mộ vĩ đại cho gia đình nội ngoại trị giá đến năm sáu chục ngàn đô, mà phát ham!

- Gia đình họ có năm cô con gái trẻ trung lanh lợi cùng chung làm “nail” nên họ mới sớm thành công như vậy, còn lớn tuổi lù khù như chị thì đâu hành nghề nầy nổi em ạ!

- Còn thằng Nghĩa, con Ân thì sao? Không lẽ chúng nó cũng không làm gì ra tiền sao cà?

Dì Hai ú ớ mà chẳng biết phải trả lời sao cho vừa bụng em trai. Thằng Nghĩa vừa tốt nghiệp cử nhân hạng magna cum laude nên được học bổng toàn phần tại trường y, còn con bé Ân cũng là sinh viên xuất sắc năm thứ hai đại học chuyên khoa kinh tế, kể ra thì chúng có tương lai mà chưa có tiền, nhưng dì không nỡ thố lộ điều nầy, vì sợ em mình tủi thân. Hai đứa con trai cậu Út chẳng được tiếp tục học cấp hai trung học mà theo cậu lý luận, chẳng qua chỉ vì không đủ tiền “chạy chọt” mà ra. Chúng bất mãn, nên không chấp nhận học hỏi nghề nghiệp tầm thường nào khác, thành thử suốt ngày cứ la cà hàng quán họp bạn nhâm nhi cà phê tán gẫu tiêu sầu. Thái độ gắt gỏng của cậu Út khiến Nghĩa ngạc nhiên tột độ. Mới hai ngày trước, khi hai mẹ con Nghĩa lủng lẳng mang quà cáp về, như kẻ “áo gấm về làng” thì cả nhà cậu xúm xít đón tiếp niềm nỡ kia mà. Nghĩa vội bước vào nhà, hi vọng tìm cách thay đổi đề tài nhằm “cứu nguy” cho mẹ, nhưng vừa thấy chàng dì Hai đã vội giả lả với em:

- Thật ra thì chị cũng tán đồng ý kiến của em, nhưng em phải để từ từ, cho chị có thời gian gom góp tiền bạc chớ. Chị sẽ cố gắng tối đa mà!

Cậu Út cũng dịu giọng:

- Ờ! Chị liệu sớm giải quyết càng nhanh càng tốt! Chớ chuyện đã cấp bách lắm rồi! Mới tuần trước đây, em đã khẩn khoản thỉnh thầy địa lý “Thiên Nhãn thượng nhân” từ thành phố Saigon về nghiên cứu mộ phần ba mẹ. Thầy phán rằng: “Mộ phụ mẫu táng không đúng cách nên con cháu lâm cảnh tha phương cầu thực, vì vậy, phải cải táng tức thời cho đúng hướng đắc địa, kèm theo bùa chú linh thiêng của thầy, thì thầy bảo đảm con cháu thịnh vượng tột cùng, ngồi rung đùi xơi nước mà tiền bạc cũng vô ào ào nữa...

Giận thái độ đàn áp mẹ của cậu út về một câu chuyện “bá láp” phản khoa học, Nghĩa muốn phang liền một câu: “Lạ thật! Cái ông Thiên Nhãn đại tài đó, sao không tự lo cải táng mộ phần gia đình để được ngồi rung đùi hốt bạc, mà phải chịu khổ cực bôn ba phục vụ bá tánh kiếm sống như vậy chớ?”. Nghĩa bực bội thầm nghĩ mà chẳng mở lời, chàng vốn tôn trọng người lớn và cũng không nỡ đôi co với cậu khiến mẹ đau lòng khó xử. Dì Hai biết con trai bất mãn, mà không khí trong nhà cũng ngột ngạt quá, viện cớ có hẹn với người bạn nối khố năm xưa để từ giã cậu ra đi sớm hơn một ngày. Thật ra, dì cũng muốn có thời gian về quê thoải mái viếng mộ song thân, nhân đó cũng có dịp cho con ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên tuyệt vời của xứ biển. Dì tìm đến một khách sạn nhỏ gởi hành lý, rồi thuê xe đưa con thăm Tháp Chàm Hòa Lai (Po Klong Garai), đến núi Đá Chồng hành hương cụm tổ đình Trùng Khánh, Trùng Sơn, bãi biển Ninh Chữ, vịnh Vĩnh Hy... sau cùng, quay lại thôn Tri Thủy, xã Tri Hải, bùi ngùi nhìn sở ruộng muối của ông bà ngày xưa. Muối vừa cào gom đống trên bờ, chồng chất thành những ngọn đồi muối che khuất lối đi, tràn ngập cả cổng nghĩa trang Yên Bình nữa. Nghĩa đang mãi mê ngắm cảnh đồi muối trắng xóa dưới ánh nắng lung linh hấp dẫn lạ lùng, thì dì Hai đã kéo chàng len lỏi qua cổng nghĩa trang viếng thăm mộ song thân. Mộ phần đá mài mới tân trang chưa tròn ba năm vẫn còn láng bóng, mà nay cậu Út lại áp lực đòi cải táng cũng hơi bất thường. Hai mẹ con đồng thắp nhang, thì thầm van vái, nhưng Nghĩa lễ lạy xong vẫn còn thấy mẹ xúc động nghẹn ngào, nước mắt ràn rụa nên lẩn ra xa, cho bà tự nhiên bộc lộ tình cảm của mình. Nghĩa nhìn quanh quan sát khuôn viên nghĩa trang vùng biển buổi chiều tuy lồng lộng gió nhưng lại đìu hiu vắng vẻ rợn người, chàng bỗng nghe có tiếng tụng kinh siêu độ âm điệu rất siêu thoát văng vẳng xa xa vọng lại. Thời kinh vừa kết thúc, thì bỗng có mẩu đối thoại nhỏ nhẹ ngọt ngào như của bậc cha chú thân thương vỗ về con cháu:

- Bé Vàng à! Con đã được quy y, con đã lắng nghe tụng kinh siêu độ, thiện duyên đó cộng với lòng trung hậu mà con đã tỏ bày với chủ con, thầy tin tưởng rằng con hội đủ phước báu cho kiếp tương lai cùa con. Thôi! con hãy an lòng ra đi nhé…

Nghĩa thầm nghĩ: “Thì ra, có ông sư nào đang tụng kinh cho đứa bé gái”, chàng tò mò dò theo hướng phát xuất âm thanh lần đến địa điểm tận cùng của khu nghĩa trang, rồi bỗng ngỡ ngàng khám phá một cảnh tượng có phần khác thường: Một nhà sư - chẳng biết có bệnh tâm thần không? - mà lại ngồi kề cận bên xác con chó hôi thúi, vuốt ve thương yêu lảm nhảm đối thoại một mình nảy giờ. Vừa thấy Nghĩa, nhà sư bỗng tỉnh táo lên tiếng:

- May quá! Con đến thật đúng lúc! Thầy nhờ con tiếp một tay đặt nhẹ xác chú khuyển vào hố nầy.

Nghiã cảm thấy ghê ghê, nhưng trước nghĩa cử của sư đành gượng gạo chiều ý. Sư nâng phần đầu, Nghĩa nâng phần đuôi xác chó trang trọng đặt nhẹ xuống hố. Có lẽ bắt gặp vẻ kinh ngạc của Nghĩa, vừa lấp đất, sư vừa giải thích:

- Nếu không có con thầy lôi kéo xác một mình thì thảm hại cho chú khuyển quá! Chú khuyển nầy rất trung tín, chủ bệnh nặng nó nằm lặng lẽ bên giường không ăn uống, chủ chết nó cũng lê lết theo ra phần mộ nằm thoi thóp cận kề. Sáng nầy khi ghé thăm pháp huynh tại chùa Linh Sơn, núi Cà Đú, tình cờ thầy nghe chuyện nầy, nên cảm thương bèn mượn cái cuốc xếp nhỏ tìm đến đây an táng cho chú khuyển có lòng.

Dì Hai chẳng biết đã hiện diện từ lúc nào, bỗng lên tiếng:

- Mô Phật! Thật là vô cùng quý hóa! Chúng con quả có duyên lành được chứng kiến hành hoạt của bậc Bồ Tát trải lòng từ bi vô lượng ban cho mọi loài chúng sinh! Chú chó nầy quả có phước duyên khó lường…

- Đừng có nói những lời long trọng cầu kỳ như vậy, thí chủ ạ! Thầy chỉ là một phàm tăng tầm thường, cũng đang học Phật như các con, nhưng mỗi người có sở hành riêng vậy thôi. Cứu độ mọi loài chúng sinhhạnh nguyện của người con Phật kia mà, huống chi thầy vốn đặc biệt quan tâm đến việc cứu độ vong linh lạc loài nên thường lang thang vào các nghĩa trang vắng, tạo cơ hội gần gũi những sanh linh đang mê mờ trong tăm tối mong cảm hóasiêu độ họ!

Nghĩa thắc mắc:

- Uả! Con yên trí người chết ai cũng đều đầu thai trong một thời gian ngắn mà thầy!

- Nói chung thì vong linh thường trải qua giai đoạn thân trung ấm, tức là một thân tạm chỉ kéo dài trong hạn tối đa 49 ngày mà thôi. Đây là giai đoạn nghiệp xấu và tốt đồng hiện bày để cân phân dành thế mạnh dẫn dắt vong linh tái sanh, trong thời gian nầy nếu thân nhân vì người chết gây tội ác hay tạo phước, thì nghiệp mới nầy có thể làm lệch cán cân nghiệp tốt xấu khiến vong linh tái sinh ngay. Đó là lý doPhật giáo ta đã có truyền thống thiết lễ cầu siêu liên tục trong bảy tuần, tức hết 49 ngày mới hoàn mãn.

- Thưa thầy! Có trường hợp nào vong linh bị trắc trở không đầu thai được không thầy?

- Ơ! Đây là vấn đề phức tạp dài dòng khó trả lời ngắn gọn được. Còn nói sơ lược thì ta có thể tạm chia thành hai loại: Loại nghiệp nhẹ(1) có thể sanh về cõi tương đối tốt nhưng trong phút cận kề bỗng sanh lòng vướng mắc vào mối nghi, niềm lo lắng hay một quyến luyến sâu đậm muốn bám víu vào cái gì đó, thí dụ như mê đắm mồ mả, của cải chôn dấu, mê đắm lý tưởng dở dang, thiên nhiên sông núi... mà kẹt lại... Và loại vong linh bị chết bất đắc(2), tâm bị giao động lớn chìm vào trạng thái tối tăm mù mịt của mối thù hận khủng khiếp hay mối bất mãn, nghi nan ngùn ngụt khiến cho diễn tiến tái sinh bình thường bị ngưng động kẹt cứng không khởi động được...

- Ủa! Như vậy số phận của những vong linh nầy sẽ ra sao thưa thầy? Họ thành ma phải không thầy?

- Theo Tử Thư Tây Tạng, nếu qua 49 ngày mà vong linh chưa đầu thai thì họ thành quỷ thần, có thể nói họ đã tái sanh sang kiếp quỷ thần. Chúng sanh nầy thuộc dạng hóa sanh: chuyển hóa tức khắc không qua giai đoạn trung gian nào, nên vẫn giữ nguyên hình ảnh kiếp sống vừa qua với ký ức kiếp người vẫn còn đậm nét, nên họ thường xuất hiện qua hình bóng cũ quanh quẩn nơi chốn cũ... như nhà cửa, địa điểm tắt thở hay tại mộ phần. Đây là một dạng quỷ thần vốn có nhiều liên hệ gần gũi với cõi người, do đó tùy theo nghiệp riêng, có những cá nhân do bẩm sinh hoặc tu luyện có khả năng liên lạc với quỷ thần, ngoài ra, trường hợp cá nhân do những liên hệ nghiệp duyên cũng có những giao cảm đặc biệt với thân thuộc mình. Tóm lại, nhóm quỷ thần tái sinh từ kiếp người nầy, do những quyến luyến gần gũi với cõi người mà ẩn hiện chập chờn, nên những truyền thuyết trong dân gian về ma hay quỷ cũng không hoàn toàn đều là bịa đặt...

Dì Hai bỗng ngập ngừng cất tiếng:

- Được thầy giảng dạy về thế giới quỷ thần, con đâm ra lo lắng cho số phận của cha con quá! Nguyên khi mẹ con chết thì con cận kề săn sóc, phần cha con khi từ trần thì con mới sang Mỹ hai năm theo diện H.O., không về kịp thời. Chuyện nầy khiến con bức xúc mãi vì chẳng biết sự việc vắng mặt con gái khi lâm chung, có khiến cha con sanh lòng phiền não mà trở ngại cho việc siêu thoát chăng?

- Nếu như sau 49 ngày mà người thân vẫn còn hiện về trong giấc mộng một cách linh động, rõ ràng... và cũng không có tình tiết tạp nhạp nào xen lẫn vào, thì vấn đề siêu thoát quả đáng nghi ngờ, cần thỉnh ý các bậc thiện tri thức để phân định. Thế nhưng, riêng trường hợp cha của thí chủ thì thí chủ có thể yên tâm được. Thầy khẳng định điều nầy qua kinh nghiệm và linh cảm của một tu sĩ thường vào các nghĩa địa tụng niệm giúp đỡ vong linh...

- Thưa thầy! Con xin cảm tạ ân thầy chỉ dạy! Con còn xin thỉnh ý thầy một nghi vấn khác là: Mộ cha mẹ con trong nghĩa trang nầy tương đối cũng tươm tất, nhưng em trai con viện cớ có thầy địa lý xưng danh “Thiên Nhản” phán dạy rằng “mộ phần không đúng hướng, phải cải táng lại thì con cháu mới thịnh vượng, ngồi chơi xơi nước mà tiền bạc vô ào ào!” Việc đó đáng tin không thầy?

mỉm cười đáp:

- Thầy là Phật tử nên chỉ tin vào thuyết nhân quả nghiệp duyên. Hễ gieo nhân lành thì có quả lành, chớ không có vấn đề gieo nhân ác, nhân biếng nhác, nhân lợi dụng công sức người, mà có thể giàu sang sung túc cả giòng họ chỉ bằng cách xây mồ mả đúng hướng mà thôi!

Mẹ con Nghĩa đang hào hứng tranh nhau “vấn nạn” thầy, bỗng nghe tiếng còi xe ngoài ngõ trổi lên inh ỏi. Dì Hai vội lên tiếng:

- Thưa thầy! Bác tài hối trở về thành phố vì trời sắp tối, thôn xóm nầy vắng vẻ nên hơi bất tiện. Chúng con xin phép đưa thầy về chùa nghỉ và xin thầy cho chúng con có thêm cơ hội nghe pháp nhủ của thầy.

Sư nhờ đưa về chùa Viên Ngộ, núi Đá Chồng tạm trú một đêm, nhưng khi mẹ con Nghĩa nài nĩ xin theo sư vào chùa tiếp tục thưa thỉnh Phật pháp thì sư viện lẽ chỉ là khách tăng, nên không tự tiện giao tiếp Phật tử. Sáng hôm sau, mẹ con Nghĩa bồn chồn trở lại, vào chùa xin gặp sư, thì vị tri khách cho biết “ông sư núi” đã ra đi từ khuya, chỉ để lại mảnh giấy nhỏ nhờ trao cho nam thí chủ. Mảnh giấy ghi mấy dòng ngắn ngủi: “Mô Phật! Hữu duyên thì có ngày hội ngộ, bất tất phải mong cầu. Nay thì hãy tạm chia tay với ước mong trên con đường nghề nghiệp thí chủ vẫn ghi nhớ trong lòng:

Dầu người, thú vật hay ma

Một niềm tôn kính như là Phật thân.

Sư núi.”

Nghĩa rời Ninh Thuận vào Saigon vui sống với gia đình bên nội một thời gian ngắn rồi trở lại Hoa Kỳ rộn ràng chuẩn bị nhập học đại học y khoa USC. Dù bận rộn thế nào, Nghĩa vẫn chẳng thể quên được mối duyên kỳ ngộ lạ lùng với nhà sư núi, mà âm vang pháp nhủ thâm trầm của người vẫn còn sống động trong lòng chàng. Chàng hứng khởi trao dồi Phật Pháp, về các vấn đề đặc biệt liên hệ đến sống chết trong các mạng lưới điện tử, phần kiến thức mà một cựu thiếu sinh Gia Đình Phật Tử như chàng hoàn toàn mù tịt.

Rồi ngày nhập học cũng đến, khởi đầu với nghi lễ truyền thống rất long trọng và dày đặc diễn văn dài dòng nhàm chán. Có lẽ thời điểm hấp dẫn mà các bác sĩ tương lai xôn xao chờ đợi, chỉ là lễ choàng áo trắng y nghiệp khá cảm động cho họ mà thôi. Những ngày kế tiếp được thư giản bằng nhiều buổi hướng dẫn tổng quát từ học trình, kỹ luật sinh hoạt, phòng học, thư viện kể cả các viêc linh tinh như vệ sinh, ăn uống... rồi mới chính thức bước vào giai đoạn miệt mài học hỏi ngày đêm. Buổi học đầu tiên về cơ thể học, lần đầu trực tiếp đụng chạm đến xác chết, là buổi học mà các tân sinh viên chuẩn bị đón nhận với niềm háo hức khôn nguôi: được thỏa mãn trí tò mò kèm theo chút rờn rợn sợ sệt bâng quơ. Tân sinh viên được hướng dẫn vào Phòng thực nghiệm giải phẩu cơ thể học. Hai mươi lăm cái bàn đặt thành hai hàng dài, mỗi bàn có một xác chết còn nguyên vẹn giao cho một toán bốn sinh viên phụ trách để nghiên cứu thực tập giải phẩu từng phần cơ thể cho đến cuối năm sẽ gom xương vụn, thịt vụn lại hỏa thiêu. Cảnh tượng hai mươi lăm xác chết nằm dài dài cũng khá kinh hoàng, nhưng thời gian qua Nghĩa đã từng thực tập “Dẫu người sống hay thây ma. Một niềm tôn kính như là Phật thân” nên chàng quán sát với lòng thương kính vô biên, thầm nói: “Con xin cảm tạ ân đức chư vị đã phát tâm hi sinh rộng lớn hiến thân mình cho các sinh viên ngành y chúng con học tập. Xin nguyện cho quý vị được siêu thoát về chốn thanh tịnh an vui”, rồi Nghĩa lầm thầm niệm chú vãng sanh 21 biến. Nghĩa, Rob, Lisa và Rosie được chỉ định nhận xác thứ 24 ở cuối phòng. Đó là một cô gái trẻ Á Đông, thân xác còn nguyên vẹn là một cái xác lý tưởng cho việc thực tập. Nghĩa tò mò đọc thẻ bài ghi tên Julia Ma, 22 tuổi, chết vì máu đóng cục trong phổi, nên đoán nàng phải là người Trung Hoa rồi. Vừa nhìn lên Nghĩa bỗng thấy, Rob thô bạo thò tay bóp mạnh nhũ hoa người chết, cười hô hố: “Nàng đẹp! Đẹp lắm!” Có thể hắn chỉ muốn chứng minh với đồng bạn tánh lì lợm dám bốc hốt cười giỡn với xác chết, chớ không đến nổi đang lên cơn dâm ác, nhưng Nghĩa cũng nóng lòng:

- Ê Rob! Mầy phải biết kính trọng nàng chớ!”

Hắn chẳng màng trả lời, móc túi lấy điện thoại cầm tay, với đưa Lisa nhờ chụp tấm ảnh với xác chết làm oai. Chẳng biết hắn ưỡn ẹo tìm một góc ảnh hấp dẫn như thế nào, mà bỗng nhiên hắn trật chân té đập đầu vô cạnh bàn xưng vù rướm máu, khiến cả bọn cười rộ lên. Hắn bỗng quắc mắt sừng sộ nhìn Nghĩa:

- Mầy hất chân tao hả?

- Đừng có quê rồi sủa càn mầy! Bộ tao là ma hay sao, mà đứng xa tít chỗ nầy lại có thể khều chân mầy được?

Thằng Rob bặm trợn nghe lời nói giỡn mà cũng xanh mặt, hắn lấm lét nhìn xác chết rồi lỏn lẻn lui ra khá xa. Cử chỉ của hắn khiến Nghĩa ngạc nhiên, chàng quan sát xác chết thì lạ chưa, trên khóe mắt nàng long lanh hai giọt nước: hóa chất hay nước mắt khó mà phân biệt.

Sau khi được hướng dẫn sơ khởi điều lệ nội quy phòng mổ, sinh viên lục tục ra về, vì còn hơn tuần nữa, họ mới chính thức thực tập mổ xẻ. Nghĩa giả vờ cũng trở về ký túc xá, nhưng theo chương trình dự định sẵn, chàng chờ sụp tối, Phòng thực nghiệm giải phẩu vắng tanh, thì quay lại. Vừa bước vào, chàng bỗng thấy có dáng cô sinh viên đang ngồi cúi mặt học bài. “Cô nầy gan dạ, quả đáng phục!”, Nghĩa thầm nghĩ. Chàng cố ý đến giờ nầy, hi vọng được tự do thực hiện chút lễ nghi tôn giáo nhỏ, nhưng thấy bóng dáng người lạ, nên dừng lại ở đầu hàng, thắp nhang van vái vắn tắt, niệm Phật A Di Đà, niệm chú vãng sanh, rồi hồi hướng. Chàng cẩn thận dụi tắt nhang, lau sạch tro, rồi dợm bước ra ngoài. Ngoảnh mặt lại nhìn xuống cuối phòng chẳng thấy ai, thì ra cô sinh viên học bài đã ra về lúc nào, mà vì chú tâm vào lễ nghi chàng nào hay biết. Bước ra hành lang, chàng ngạc nghiên thấy có cô gái tóc chấm vai, mặc áo đầm trắng lướt thướt cách chàng hai mươi bước. “Đúng là cô nàng học bài hồi nảy”, Nghĩa rảo nhanh theo để gợi chuyện, nào ngờ, bóng nàng bỗng trở nên mờ ảo mong manh rồi biến mất. Biết là đã gặp ma nhưng Nghĩa vẫn bình tĩnh lên tiếng:

- Cô ơi! Dầu cô không phải là người, tôi cũng quí trọng cô mà. Cô có thể cho tôi cơ hội để tiếp xúc cô nữa không?”

Một cái bóng mờ ảo chập chờn hư hư thực thực hiện rõ dần, một nàng con gái có nét đẹp liêu trai ẻo lả, mặt trái xoan nhợt nhạt lạnh lẽo không tình cảm lặng lẽ nhìn chàng. Thì ra nàng ma chính là xác chết trên bàn mổ thứ 24 mà chàng sẽ thực tập môn cơ thể học. Nghĩa long trọng:

- Thưa cô Julia! Tôi xin lỗi cô về hành động thô lỗ của thằng Rob. Phần tôi, tôi rất kính trọng cô và cảm tạ cô đã hiến xác cho chúng tôiđiều kiện học hỏi. Cô Julia à! Tôi rất mong hiểu biết cô nhiều hơn. Cô có tâm sự hay uẩn khúc nào khiến cô cảm thấy bất an không? Cô có thể chia sẻ cho tôi được không?”

Nàng vẫn im lìm không lộ chút tình cảm, đăm đăm nhìn như dò xét cả ruột gan chàng, thế rồi, bóng nàng bỗng lung linh, mờ nhạt rồi tan biến mất. Một âm thanh huyền ảo mong manh văng vẳng bên tai Nghĩa: “Tên tôi đầy đủ là Julia Mã hồng Nhung. Hãy gọi tôi là Nhung. Xin cảm tạ chân tình của anh. Xin hẹn dịp khác nói chuyện nhiều...” Nghĩa đinh ninh họ Ma phải là người Trung Hoa, không ngờ nàng mang họ Mã, người Việt Nam, khiến chàng cảm thấy hứng thú vô cùng. “Ma Việt Nam dù sao cũng dễ thương, dễ thông cảm hơn ma nước nào khác”, chàng thầm nghĩ và tủm tỉm cười. Nghĩa về ký túc xá mải miết học quên mất bóng ma, mãi đến khi sắp ngủ, chàng niệm Phật, hồi hướng đặc biệt cho vong linh chư vị hiến xác, thì bóng ma Hồng Nhung mới lãng đãng trong tâm. Hôm sau, chờ đến khi trời sụp tối, Nghĩa lại âm thầm tìm đến Phòng thực nghiệm giải phẩu, mở cửa bước vào đã thấy ngay bóng dáng tươi tắn của Hồng Nhung. Có thể chốn nầy u ám và có nhiều âm khí hơn ngoài hành lang, nên bóng dáng nàng có đường nét khá rõ. Nàng đang ngồi im lìm tại bàn thứ 24 chiêm ngưỡng xác thân của mình. Chẳng chút ngần ngại, Nghĩa tiến đến gần, mở lời:

- Chào cô Nhung!

- Chào Ông!

Cũng như hôm qua, lời chào của nàng huyền ảo mong manh dường như chẳng chút âm lượng nhưng chẳng biết tại sao chàng lại nhận biết rất rõ, có thể đây là “trường hợp do duyên nghiệp nào đó, chàng và ma vô tình có một tầng số tâm thức tương ưng nên chỉ cần nàng móng niệm thì chàng liền thâu nhận”(3). Vừa mở miệng đáp, thì bóng dáng nàng biến mất ngay, Nghĩa chỉ có thể nói với theo:

- Xin cô nán lại thêm một lúc.Tôi thật tâm muốn được bàn chuyện nghiêm túc với cô mà!

Tình trạng nầy tiếp tục lập lại mỗi ngày không có gì sáng sủa. Mãi đến ngày thứ tư, sau phần chào xã giao thường lệ, thấy nàng vẫn còn yên vị, Nghĩa rối rít lên tiếng:

- Xin lỗi đã làm rộn cô! Xin phép cô cho tôi được tán thán công đức vô lượng của cô trước nghĩa cử hiến thân xác cho nền y học nầy!

- Tôi phải cám ơn tấm lòng của anh mới đúng! Anh là người duy nhất biết quý trọng thân xác chúng tôi.

- Cô Nhung à! Cô có tâm nguyện nào chưa hoàn thành khiến cô mãi lảng vảng không nỡ rời chốn nầy không cô?

- Ơ! ..Tôi cũng không biết chắc nữa! Để tôi kể rõ mọi chuyện rồi xin anh góp ý dùm nhé!

- Tôi xin sẵn lòng nghe!

- Tôi là một con chiên ngoan đạo, lúc nào cũng giữ tấm thân trong trắng nguyện dâng hiến cuộc đời cho Thiên chúa. Chính vì vậy, mà trong mấy mùa hè liên tiếp, tôi hăng say tham dự công tác xã hội cứu trợ của Hội Thiện Nguyện Công Giáo Nam Cali tại Trung Mỹ. Làm việc chung với các “sơ” thánh thiện, thúc đẩy tôi cũng mang tâm nguyện cao cả, nên xin phép bố mẹ cho đi tu. Bố mẹ khuyên tôi nên chờ vài năm nữa để có thời giờ suy nghĩ chín chắn, kẻo sau nầy phải ân hận. Thật ra ông bà muốn tôi lập gia đình nên cứ lập lờ khất hẹn mãi, đồng thời vận dụng đủ cách ngấm ngầm giới thiệu tôi cho những chàng trai có nghề nghiệp tương lai vững chắc. Tôi rất tự hào về nhan sắc duyên dáng xinh đẹp của tôi, nên thấy lắm kẻ mơ ước cũng thích, nhưng ai si mê mặc họ, tôi chỉ mong muốn làm “sơ” mà thôi. Theo sự hướng dẫn và giới thiệu của ban lãnh đạo Hội Thiện Nguyện, tôi xin ghi danh ứng tuyển vào phân khoa đào tạo ngành y tá cao cấp tại USC và được nhận ngay. Trong thời gian bổ túc hồ sơ học bổng, khi nghe lời kêu gọi hiến xác cho Phòng thực nghiệm y học một nghĩa cử rất hợp với cõi lòng phục vụ của mình, nên tôi ký giấy ngay chẳng chút ngần ngại. Sau đó, tôi cùng bố mẹ về Việt Nam thăm họ hàng một tháng, rồi trở lại Los Angeles kịp thời chuẩn bị nhập học. Vừa bước xuống máy bay, tôi bỗng ngộp thở, xây xẩm mặt mày rồi khuỵu xuống. Tôi được chở vào phòng cấp cứu bệnh viện USC có lẽ quá muộn. Bác sĩ tận tình săn sóc, nhưng cuối cùng đành thất vọng tuyên bố tôi đã từ trần bởi chứng bệnh máu đóng cục làm nghẻn động mạch phổi do chuyến bay kéo dài mà co ro không cử động. Họ xét thấy tờ giấy hiến xác, vội chuyển thân xác tôi sang Phòng thực nghiệm giải phẩu cơ thể học, trước nỗi khổ sầu và phản đối vô vọng của bố mẹ tôi. Tôi ngỡ ngàng và đau xót tận cùng, chỉ biết bám sát theo thân xác mình chẳng rời. Xe cứu thương đưa tôi đến đây bàn giao cho ban Bảo quản tử thi. Người cán sự Phòng nầy khám phá xác tôi còn nguyên vẹn rất hào hứng, bèn tìm giáo sư cơ thể học khoe vang: “Úi chà! anh biết không? Mình vừa nhận được một “mẩu cơ thể toàn hảo đẹp tuyệt vời” tôi chưa từng thấy trên đời đó”. Viên giáo sư vội vã đến Phòng Bảo quản tử thi quan sát tỉ mì từng điểm một, rồi cũng hét loạn lên:“Tuyệt vời! Thật tuyệt vời!”. Thế rồi, cả đám trăm sinh viên cùng ùa tới, tranh nhau đưa cặp mắt cú vọ nhìn thân thể trần truồng của tôi. Tôi là đứa con gái trinh trắng, khi hai ông già quan sát với con mắt nghiên cứu của nhà cơ thề học thì tuy e thẹn tột cùng nhưng tôi còn ráng chịu đựng. Đến khi bị cả trăm người nham nhở chỉ chỏ thô tục thì làm sao chịu đựng nổi. Tôi hét lớn xua đuổi họ, tôi khóc lóc van xin họ buông tha, nhưng nào có ai nghe! Tối hôm đó, tôi về nhà khóc lóc với mẹ: “Mẹ ơi! Mẹ ráng tìm mọi cách đem xác con về nhà, chớ thân con gái trong trắng lâm cảnh nằm tô hô cho đám sinh viên dòm ngó mò mẫm con e thẹn quá chừng hà!” Tôi mỏi mòn trông đợi mẹ giải cứu, tức giận chết đi sống lại mấy lần(4) mà tình trạng vẫn không thay đổi. Một hôm có hai vị thiên thần bay xuống, thỉnh tôi lên xe đưa về cõi Chúa. Thế nhưng lúc đó, tôi đang bận rộn bảo vệ xác thân chẳng quan tâm chuyện gì khác, nên thầm hẹn từ từ sẽ tính sau. Không ngờ chư thiên thần chỉ kiên nhẫn chờ tôi hai ngày rồi không còn xuất hiện nữa, tôi có muốn về cõi Chúa cũng không được. Ôi! Giờ đây tôi muốn rời bỏ chốn nầy cũng chẳng biết đi đâu? Ngày tháng lê thê buồn thảm lắm anh à!

Nghĩa suy nghĩ thật kỹ rồi điềm đạm góp ý:

- Tôi theo đạo Phật và có thiện duyên nghiên cứu nhiều về các khía cạnh của sống chết nên hoàn toàn tin tưởng những điều cô vừa tường thuật. Tôi nghĩ rằng với tấm lòng trong trắng thánh thiện dâng cho Thiên chúa của cô, cộng với nhiệt tình tham gia thiện nguyện và nghĩa cử hiến xác thân, cô đã hội đủ phước báu để được thiên thần đón về cõi trời. Thế nhưng vào lúc đó cô lại phạm điều tối kỵ trong thời điểm tái sanhquyến luyến âu lo chuyện khác nên bỏ mất cơ hội tốt đẹp, thật là đáng tiếc! Bây giờ, cô đã biến thành loại chúng sanh khác, Phật giáo gọi là quỷ thần, dân gian gọi là ma, nên khó siêu thoát hơn thời điểm 49 ngày sau khi chết nhiều lắm.

- Ôi! Tôi phải làm sao đây? Xin anh tìm cách giúp tôi với!

- Nếu cô đồng ý, việc tiên khởi tôi muốn làm liền là tìm cách liên lạc với bố mẹ cô báo cáo hoàn cảnh cô, để bố mẹ cô thỉnh quí vị linh mục tìm giải pháp giúp cô. Cô có đồng ý không?

- Dĩ nhiên là tôi rất hoan hô đề nghị nầy.

- Phần tôi, tôi sẽ theo lễ nghi Phật Giáotụng niệm cầu siêu cho cô mỗi ngày, nhưng tôi là cư sĩ, học hỏi chút ít giáo lý còn lễ lạc thì lơ mơ lắm. Thế nhưng, chư tổ thường dạy rằng thân thuộc và lòng chân thành là hai yếu tố thù thắng để cứu độ vong linh, nên tôi cũng xin cố gắng xem sao. Cô Nhung ạ! Lòng chân thành thì tôi có thề hứa thực hiện được, nhưng để có yếu tố thân thuộc thì tôi đề nghị nhận cô làm em nuôi được chăng?.

- Cám ơn ông anh quý hóa! Được làm em của anh thì yên tâm biết chừng nào!

- Đừng yên tâm vội vàng như vậy cô em ạ! Tôi chỉ hụ hợ hộ trợ phần nào thôi. Còn cô mới chính là yếu tố quan trọng bậc nhất giúp cô chuyển hóa mà thôi. Nếu cô không tự tu sửa giúp cô thay đổi thì Trời Phật cũng bó tay, huống gì người anh tầm thường nầy!

- Ui! Tui đâu phải là Phật tử? Tui biết gì đâu mà tu?

- Tôi kể cô là em gái nên mới bạo dạn nói thẳng điều nầy. Suy cho cùng thì sở dĩ cô không siêu thoát chỉ vì cô quyến luyến thân xác trẻ đẹp nầy, bám víu bảo vệ nó, mà kẹt cứng với nó. Cô Nhung à! Thân cát bụi phải trả về cho cát bụi, đó là sự thật không thể chối bỏ. Trên đời nầy, ngay thân người đang sống cũng hư hoại dần, huống chi xác chết, nếu không ướp lạnh thì thúi tha mục nát tan rã mất tiêu rồi. Khi cô ý thức thân xác giả tạm, rồi buông bỏ nó, không kẹt cứng với nó thì cô có thể thênh thang sống lại với niềm tin thánh thiện dâng lên Thiên chúa cao cả, với tấm lòng bao la tràn đầy tình thương của người thiện nguyện của người dâng hiến thân xác cho y học. Cô chỉ cần tu như vậy, buông bỏ lòng thương tiếc xác thân, một lòng dâng hiến xác cho người mổ xẻ với lòng thanh thản an vui, không vướng bận gì với nó nữa, là đủ. Khi cô đã vững vàng như vậy rồi thì tôi tin chắc trăm phần cô sẽ giải thoát về cõi Phật, cõi Chúa tùy niềm tin của cô.

- Anh nói nghe cũng hợp lý, nhưng tôi quen thương xác thân tôi rồi! Chứng kiến người ta bạc đãi hành hạ nó làm sao tôi chịu đời cho thấu? Thôi! Nghe lời anh tôi cũng cố gắng thử xem sao?

...

Nghĩa dành trọn ngày lái xe xuống Santa Ana tìm đến nhà bố mẹ Hồng Nhung. Sau khi nghe Nghĩa thuật chuyện hồn ma con gái, bà mẹ khóc nức nở cho biết đúng thật bà có chiêm bao nghe con khóc than, bà kể lại mà chẳng một ai tin tưởng, tuy vậy lúc đó bà cũng hết lòng tìm cách xin đem xác con về. Tuy nhiên, vì giấy tờ hiến xác rõ ràng không phủ nhận được, nên năn nỉ thế nào cũng chẳng ai quan tâm giúp đỡ. Giờ đây, bà hứa sẽ liên lạc với cha xứ nhờ đặc biệt làm thánh lễ cho Hồng Nhung rồi sẽ liên lạc trả lời cho Nghĩa sau. Ngay tối hôm đó, bà điện thoại cho biết cha xứ không tin tưởng chuyện hồn ma giữ xác, nên giải pháp trông cậy vào Ngài kể như bế tắc. Nhung nghe tin rất thất vọng, nhưng về phần nàng khi Nghĩa vặn hỏi kết quả thực tập thân cát bụi trả về cho cát bụi nàng cũng trả lời ấm ớ chẳng mấy khả quan. Chàng kể nàng nghe mẩu chuyện Ông Cấp Cô Độc bệnh nặng khổ sở được Ngài Xá Lợi Phất khuyên quán niệm rằng "Thân này không phải là tôi, tôi không kẹt vào thân nầy”, nhờ đó Ông Cấp Cô Độc ý thức thân nầy giả tạm do nhân duyên sanh khởi và cũng do nhân duyênhoại diệt , kể từ đó ông thoát khổ(5). Nàng lắng nghe nhưng ai biết được nàng nghĩ điều gì?

Lụi hụi ngày sinh viên chính thức “hươi dao đồ tể xẻ thịt” đã đến. Lisa kéo Rosie và Nghĩa lại gần, lính quính báo tin:

- Hai người có nghe gì không? Tin từ Ban Bảo quản tử thi đồn ra rằng cái xác bàn thứ 24 thành ma quậy dữ lắm, nên nhóm thực tập năm trước sợ quá phải xin đổi xác khác. Chính thằng Rob sàm sỡ bị ma cho té dập mặt, hoảng kinh hồn vía phải năn nỉ xin hoán chuyển qua bàn số 9, thay chỗ con Lucy bị cúm nặng chưa vào học.

- Làm sao bây giờ?, Rosie hoảng hốt hét to.

Thấy hai cô bạn mặt mày dớn dác, Nghĩa ôn tồn:

- Người Việt chúng tôi chủ trương: “Mình đối xử tử tế với ma thì ma cũng tử tế với mình, chớ ma chẳng hề vô cớ hại ai!”. Xin hai chị đừng sợ. Đúng ra, cô ma nầy hiền lành lắm, tánh cô nhã nhặn khả ái nên mong muốn ai cũng nhã nhặn khả ái với cô mà thôi.

- Anh nói rành như từng quen với ma vậy? Thiệt không?

- Dĩ nhiên là tôi có quen, tôi đã tiếp xúc với cô ta rồi. Xin hai chị tin tưởng nơi tôi!

Trước khi mổ xẻ, Nghĩa hướng dẫn hai bạn cùng nghiêm trang lên tiếng : “Chào cô Julia Ma! Chúng tôi xin tán thán nghĩa cử hiến xác cao cả của cô cho sinh viên chúng tôiđiều kiện học tập tốt. Chúng tôi nguyện sẽ là bác sĩ lương tâm để không phải phụ lòng hi sinh của cô. Giờ xin phép cô cho chúng tôi bắt đầu thực tập nhé!” Dứt lời Nghĩa cầm dao xẻ một đường, Lisa và Rosie cũng tuần tự ra tay. Tuần sau, có thêm Lucy thay tế chỗ của Rob, cả nhóm mổ xẻ trọn năm chẳng có chuyện gì trắc trở, và ngoài Nghĩa ra, chẳng ai thấy ma xuất hiện phá khuấy chi cả.

Đêm đầu tiên học mổ, khi Nghĩa trở lại Phòng thực nghiệm tìm Hồng Nhung, thấy nàng ngồi ủ rũ thảm thương tội nghiệp vô cùng:

- Chắc cô thù tôi lắm hả?

- Không hề có chuyện đó! Anh biết không? Em đã chuẩn bị tinh thần rất kỹ, lại nghe nhóm thực tâp đồng ca ngợi nghĩa cử hiến xác nên cũng hả dạ trong lòng. Thế nhưng khi anh ghim con dao vào thân xác, em thoạt có cảm giác đau nhói tận cùng, may là em chợt nhớ ra “xác đó không phải là tôi, tôi không phải là xác đó” thì cái đau vật chất biến mất, nhưng dù sau, thâm sâu trong lòng em, em cảm thấy một mất mát phủ trùm, buồn thương chất ngất không vượt thoát nổi.

- Mình bám giữ xác thân quá lâu rồi, nay khi ý thức mất mát hiện về dĩ nhiên cũng gây ra sự rúng động trống vắng chơi vơi lạc lõng như vậy đó. Tôi tin rằng cô sẽ vượt qua trở ngại nầy không khó. Có một điều khi cô bị chúng tôi cắt bộ phận nào cũng nên thầm nhủ “Trái tim nầy... buồng phổi nầy... không phải của tôi, tôi nguyện vui lòng dâng hiến tất cả cho y học...” thì sẽ lợi lạc hơn...

Cứ thế rồi ngày qua ngày, Hồng Nhung tiến bộ vượt bực, mỗi khi bị cắt bộ phận nào, chẳng những nàng không buồn thương mà còn hoan hỷ an vui nhận thấy hạnh nguyện hiến xác của mình càng ngày càng sắp hoàn tất.

Niên học sắp kết thúc, giờ đây thân xác của Hồng Nhung đã trở thành một mớ thịt xương vụn chờ ngày thiêu tập thể, nhưng Hồng Nhung chẳng màng nghĩ đến. Nàng thanh thản sống với niềm tin Thiên Chúa bác ái bao la, nàng tung tăng thăm viếng thánh địa đạo Chúa khắp nơi... nên Nghĩa đỡ bận lòng, nhờ vậy, chàng có thể tập trung vào việc học mà bài vở ngày càng chồng chất. Một đêm, Nghĩa đang miệt mài ôn bài chuẩn bị cho kỳ thi cuối năm, bỗng thấy Hồng Nhung tràn vào rối rít:

- Anh Nghĩa ơi! Thiên thần đưa xe đón rước em anh ơi! Em đến từ giã anh rồi phải đi ngay, anh ạ!

Nghĩa mừng rỡ thúc hối:

- Tốt! tốt! Thôi đi nhanh đi em! Đi... đi... nhanh lên kẻo trễ...

Miệng hét, tay xua như đuổi tà... nhưng Nghĩa chỉ có thể giữ lòng cứng cỏi chừng nửa giờ, rồi thình lình như quả bóng xì hơi, Nghĩa thở dài não nuột than: “Con ma nó dễ thương quá mà! Thiếu nó mình cũng cảm thấy mất mát làm sao á!”

Tháng 09.2010

Lời cuối truyện:

Để tránh ngộ nhận tác giả xin minh xác rằng tuy câu chuyện về một nữ tu hiến xác cảm thấy xấu hổ khi “nằm tô hô” cho các sinh viên quan sát đã về nhà báo mộng khóc lóc cầu cứu là một câu chuyện có thật, nhưng tác giả đã phóng tác lại, thay đổi nơi chốn, trường ốc... cho mất dấu vết.

Ghi chú:

1. Loại nghiệp nhẹ: Loại có phước đức đáng lẽ có thể tái sanh về cõi lành nhưng trong lúc cận tử có điều gì luyến tiếc, tham luyến, hay có nguyện vọng muốn hoàn thành điều gì nên không siêu thoát được, thí dụ như:

- người tham đắm tài sản, lăng mộ, mong thọ hưởng cúng kiến có thể thành quỷ Hy Tự... để thỏa mãn ước mơ của mình (Theo luật Thuận Chánh Lý, quyển thứ ba).

- người nhân đức tha thiết hi sinh phục vụ cho một địa phương nào có thể trở thành quỷ thần để tiếp tục hoàn thành bản nguyện của mình: như chư thần bản địa, thần làng, thần núi, thần sông...

2. Loại chết bất đắc: Những người đã có cái chết kinh khủng hay đột ngột rất thường dễ rơi vào sợ hãi đau đớn, hoặc ở mãi trong kinh nghiệm khủng khiếp về cái chết của họ, do đó không thể tiến đến giai đoạn tái sanh, rồi trở thành ma quỉ (trích Tạng thư Sống chết).

3. Xin bạn đọc lưu ý: Phần nhận định nầy chỉ là một giả thuyết riêng của tác giả, không căn cứ vào một kinh sách nào cả.

4. Chết đi sống lại: Thân trung ấm cứ bảy ngày sẽ trải qua kinh ngiệm sống chết một lần, diễn tiến chết nầy giống hệt như lần chết chánh thức. Nếu đã chết như vào giấc ngủ an lành thì sẽ lập lại như giấc ngủ, chết khổ sở đớn đau cũng lập lại như vậy. (theo Tạng thư Sống chết).

5. Thân nầy không phải của tôi: Kinh Giáo hóa người bệnh (Trung A Hàm số 28, Tăng Nhất A Hàm số 51, Hán tạng tương đương với Kinh Giáo Giới Cấp Cô Độc, số 143. Trung A Hàm, tạng Pali), nội dung ghi lại lời thuyết pháp của Ngài Xá Lợi Phất cho Ông Cấp Cô Độc khi vị nầy bị bệnh nặng hành hạ khổ sở. Ngài Xá Lợi Phất khuyên cư sĩ quán niệm về mắt : "Mắt này không phải là tôi, tôi không kẹt vào con mắt nầy"… Tiếp đến cư sĩ được dạy quán niệm lần lượt đến tai, mũi, lưỡi, thân và ý, rồi sang đến sáu đối tượng giác quan, sáu thức, sáu yếu tố, năm uẩn, và ba thời : quá khứ, hiện tại, vị lai. Kế đó, Ngài Xá Lợi Phất chỉ dạy rằng các pháp đều do nhân duyên sanh khởi và do nhân duyênhoại diệt; nên thật ra, tự tính của các pháp là không sanh cũng không diệt, không tới cũng không đi.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.