Giáo Dục Ứng Dụng - Tt. Thích Thiện Hữu

04/02/201212:00 SA(Xem: 24575)
Giáo Dục Ứng Dụng - Tt. Thích Thiện Hữu

Giáo dục ứng dụng 
TT. Thích Thiện Hữu

blankChúng ta đang sống trong bầu không khí hết sức tươi đẹp và trong lành. Quanh đây, vẻ tĩnh lặng hằng nhiên vẫn còn lan tỏa. Đặc biệt là vào những sáng tinh sương hay khi hoàng hôn buông phủ, con người có thể cảm nhận những nét tinh anh của đất trời một cách hoàn toàn. Bởi vì, nơi đây, ít có dấu chân và bàn tay của con người thời đại bóp méo và tàn phá.

Trong khi đó, chỉ cần tận mặt xem hình ảnh đó đây, lắng nghe những thông tin trên thế giới, dù thành thị thôn quê, đều có chung một nhận xét là: 'Con người đang tàn phá thiên nhiên, đang hủy hoại núi rừng, chặt xẻ cây cối bừa bãi, để xây thêm cơ xưởng, nhà ở. Không khí bị ô nhiễm trầm trọng, do xe cộ và nhà máy gây ra. Các loài động vật quý hiếm đang trên đường đi đến diệt chủng. Chỉ còn lại rất ít động vật hoang dã, đang tìm cách lẩn trốn trong những khu rừng nguyên sinh.

Do dân số ngày càng gia tăng, cần nhiều đất đai sinh sống, con người đang tàn hại, hủy diệt thấu tận căn nguyên. Trong tương lai gần, có thể, con người sẽ tiến đến việc phá hủy mọi thứ trên trần gian này. Phá hủy để xây dựng một địa cầu mới, một thế giới mới và một trật tự mới.

Khi có dịp tham quan núi đồi hùng vĩ, đẹp đẽ tĩnh lặng, mật độ dân cư thưa thớt ở Tamborine, cách thành phố Brishane không xa. Chúng ta sẽ hết sức ngạc nhiên và cảm nhận sự lạ kỳ thú vị nơi vùng đất này. Không xây dựng nhà máy, không phát triển đô thị, hạn chế tối đa mọi nhu cầu vật chất xa hoa, trong đời sống dân cư.

Không ai bảo ai, chính do tự ý thức của người dân, do tự giáo dục tâm hồn của tất cả mọi người mà có được như thế. Điều này chứng minh rõ ràng là, mục đích của giáo dục, không phải chỉ có việc nghiên cứu, học hỏi từ sách vở, hay từ nhà trường. Mục đích của giáo dục, không phải chỉ có việc ghi nhớ vài sự kiện xảy ra trong quá khứhiện tại. Mục đích của giáo dục, phải đi kèm với sự hướng dẫn phương thức quan sát, trắc nghiệm những gì trong sách nói, kịp thời thích nghi với môi trường sống xung quanh. Mở cửa trái tim, mở cửa tâm hồn, sống thanh cao thánh thiện. Đương nhiên, những điều này, chỉ là một phần của giáo dục ứng dụng.

Thật vậy, giáo dục ứng dụng không phải là việc nghiên cứu, học hỏi từ sách vở. Không phải chỉ ghi nhớ những bài kinh, những câu chú, những lời luận giải của chư vị tổ sư, rồi khoe khoang, hơn thua hoặc coi đó là sự nghiệp. Mục đích của giáo dục, là biết ứng dụng những gì thiết thực vào cuộc đời, sống bổ ích, lợi lạc cho tha nhânxã hội.

Hơn nữa, giáo dục ứng dụng không những đưa ra những phương pháp quan sát bên ngoài, mà còn hướng dẫn phương pháp quay về bên trong con người thật của chính mình. Thường tĩnh tâm quan sát, trắc nghiệm, suy nghiệm, thực tập trong mọi thể thái, sao cho tâm hồn có được thảnh thơi, an lạc, giải thoát!

Giáo dục ứng dụng không phải chỉ để học giỏi thi đậu, lấy văn bằng, có nghề nghiệp, lập gia đình và ổn định cuộc sống. Giáo dục ứng dụng còn hướng dẫn cách thức lắng nghe tiếng chim hót, ngắm nhìn bầu trời xanh vô tận, quan sát vẻ đẹp lạ thường của cỏ cây đất đá, dáng điệu trầm hùng của non sông bát ngát. Hãy mở rộng trái tim, cảm nhận hoàn toàn, tiếp xúc vô tư, thanh tịnh. Nên nhớ là chỉ cảm nhận chứ không phê bình, đánh giá, chê trách hay chiếm hữu!

Con người khi đến tuổi trưởng thành, thường bị giới hạn khả năng quan sát, hoặc ngắm nhìn những hình ảnh thiên nhiên sống động, với tâm trí hồn nhiên bất động. Bởi lẽ, có nhiều lo âu, phiền muộn, ước muốn phát sinh. Ước muốn tiền bạc, công danh địa vị. Lo âu cho gia đình, cha mẹ, ông bà, vợ chồng, con cái. Con người dễ trở thành những kẻ ích kỷ, tham lam, ganh hờn. Chính vì thế, mà khả năng thưởng thức những vẻ đẹp thiên nhiên của vũ trụ bị hạn hẹp, mất dần.

Thế giới đang đến hồi nổi loạn. Chiến tranh, khủng bố và những phân hóa giữa các quốc gia, những mâu thuẫn nội bộ của các quốc gia ngày càng gia tăng.

Thế giới đang trên đà điên loạn. Những chứng điên đầu đấu tranh, gây gổ, dọa nạt, hận thù, cấu xé, thanh toán nhau qua nhiều hình thức, kiểu cách từ tinh vi đến thô lỗ xuất hiện quá nhiều. Con người sinh ra trong thời đại này, phải thích nghi với những điều kỳ quặc lạnh lùng đang xảy ra hằng ngày, đang thiêu đốt thế giới hằng giờ.

Một số ít con người tôn giáo, ngày nay cũng lạc bước, xuôi chân theo dòng chảy ác nghiệt này. Họ đang xâu xé, phân hóa, bất tín cẩn lẫn nhau. Thậm chí, những người có cùng một tôn giáo, cùng một màu áo, cùng tôn thờ một đấng cha lành, một đức giáo chủ tuyệt vời. Không khéo, con người sẽ mất dần niềm tin, và tôn giáo cuối cùng, chỉ là sự truyền bá học thuyết xuông, chỉ là hình thức thờ cúng trống rỗng!

Một tâm trí tươi trẻ, hồn nhiên, vô tư, mới có thể ngắm nhìn vẻ đẹp của đất trời, mới có thể phát sinh tình thương yêu chân thật. Nhưng khi lớn lên, chúng ta lại có khuynh hướng rập khuôn theo lối sống bê tha, trụy lạc, ích kỷ, nhỏ nhoi. Vì đây là lối sống dễ hấp thụ, dễ tiếp thu, dễ thực hiện nhất. Không cần ai chỉ dạy, chẳng cần hệ thống giáo dục nào mất thời gian và tiền bạc để hướng dẫn.

Ngày nay, nhiều nhà giáo dục trên thế giới, đang đặt lại vấn đề, đâu là nền tảng giáo dục chân chính và nền tảng giáo dục thế tục được sử dụng nhằm mục đích gì?

Con người trên toàn thế giới, dù ở Mỹ hay Úc, đều được giáo dục để tuân thủ, phù hợp với văn hóa, văn minh xã hội, nhằm thích nghi với mọi hoạt động trong đời sống đương đại. Lối giáo dục này, dễ bị cuốn trôi vào dòng chảy xã hội mênh mông, qua ngàn năm tồn tại. Người có lương tri, thường thắc mắc, đó có phải là cách giáo dục chân chính, hay là điều gì khác ngoài giáo dục?

Hệ thống giáo dục của các nước phương Tây có thể bảo đảm được tâm trí con người an bình không?

Nếu được vậy, bằng tâm hồn thánh thiện tuyệt vời, chúng ta mới có thể trở thành những người gương mẫu, những người có đức tính hiền lương nhân hậu, có trách nhiệm cao cả thiêng liêng với cuộc đời!

Giáo dục chân chính chỉ là sự huấn luyện, hướng dẫn tâm hồn con người, không những có khả năng siêu việt trong toán học, địa lý, lịch sử, điện toán, mà còn chỉ dạy con đường ra khỏi mọi hố sâu tội lỗi. Hố sâu tội lỗi cũng chính là lối sống sa đọa, phi đạo đức, tham lam, tàn bạo. Vấn đề then chốt là làm thế nào để xã hội có thể xây dựng nền giáo dục chân chính, hướng tâm hồn con người làm chủ mọi thứ cám dỗ. Giáo dục chân chính phải thoát khỏi những ảnh hưởng của nền văn minh cũ, của nền văn hóa phi đạo đức, phi nhân bản.

Mục tiêu tái tạo nền văn hóa, văn minh mới, phải đạt đến đỉnh cao của lịch sử, phải vượt ra ngoài những lề thói lỗi thời, những suy nghĩ nông cạn, những tâm hồn hẹp hòi, ích kỷ nhỏ nhoi. Nền văn hóa, văn minh mới, phải tự động sinh tồn, hoàn toàn khác hẳn những suy nghĩ trần tục. Không dựa vào thị trường tiêu thụ, công nghệ sản xuất bừa bãi, mà chỉ dựa vào tính chất đích thực, nhu cầu thiết yếu của con người!

Mục đích giáo dục chân chính, là làm sao thiết lập được một tâm hồn không còn bóng dáng của tham lam, dục vọng cho riêng mình. Xây dựng một mẫu người năng động diệu kỳ, có khả năng sáng tạo, khám phá những giá trị thường nhật, để phục vụ con người. Suy cho cùng, những tâm hồn biết nội quán, biết ứng dụng mọi trải nghiệm chân chính, có thể tự giáo dụcứng dụng giáo dục vào cuộc đời!

Lâu nay, tâm hồn của chúng ta bị đóng khung bởi những bức tường xã hội, bởi những định kiến tôn giáo. Giờ đây, qua con đường giáo dục tâm linh, chúng ta có thể nhất tâm xây dựng con đường phục vụ con người. Mọi người hãy tự hứa với lương tâm, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng sống vì lợi ích an lạc cho tha nhân. Đồng thời, mỗi cá nhân tự phấn đấu vươn lên, tự làm chủ thân-tâm, đừng để trôi dạt vào những bức tường xã hội đen tối, đừng cho lang thang vào sáu nẻo luân hồi mờ mịt.

Cơ hội học tập nơi nhà trường, ngoài xã hội vẫn chưa đủ. Chúng ta cần phải học mọi thứ từ bản thân mình. Phải biết lắng nghe tiếng chim hót, tiếng con người than thân, trách phận, tiếng rên la của cuộc đời. Vì tự học nơi bản thân mình, chúng ta sẽ không bao giờ trở thành người rập khuôn.

Do vậy, ngay bây giờ, mọi người nên tìm cho mình một lối sống vượt ngoài những ranh giới của giáo điều, của Tây phương hóa. Nhưng, điều này không dễ gì thực hiện trong một sớm một chiều!

Bởi vì, đa phần chúng ta đều tự tìm lối sống dễ dãi, tự theo những khuôn mẫu sẵn có. Chúng ta chỉ thích lập lại những gì người khác nói, và hành động những gì người khác đã làm. Đây là cách sống dễ dàng, ít gặp khó khăn sóng gió.

Nhưng, có nhiều điều cần học nơi chính bản thân mình, nó hấp dẫn vô cùng. Học nơi bản thân mình, trí huệ dễ bừng sáng phát sinh, và cuộc sống an bình hạnh phúc xuất hiện.

Ý nghĩa tu hành là gì, nếu không phải là con đường tự giáo dục bản thân, tự thay đổi con người xấu xa trở nên tốt đẹp, hiền lương nhân hậu. Nhưng khi trưởng thành, do hoàn cảnh xã hội, do môi trường xung quanh tác động, chúng ta dễ trở nên tàn nhẫn, hung tợn, lãnh đạm, thờ ơ giống bao người khác.

Nào ai thẩm thấu được quy luật dây chuyền tiếp diễn của cuộc đời. Thế hệ trước đi qua, chúng ta trưởng thành tiếp nối. Nếu tự bản thân cũng rập khuôn tàn nhẫn, thờ ơ, lãnh đạm, hung ác, thì chính chúng ta sẽ xây dựng một xã hội tương tợ, đáng sợ kinh khiếp hơn. Vì vậy, vấn đề then chốt nơi đây chính là, phải tự thay đổi bản thân, tự làm mới tâm hồn!

Nhưng, thói thường, chúng ta chỉ muốn thay đổi, hay làm mới người khác. Còn mình, vẫn nguyên vẹn cũ kỹ, vẫn hung tợn tàn ác, vẫn lãnh đạm, ích kỷ, nhỏ nhoi. Những điểm sâu kín này, nền giáo dục hiện đại vẫn chưa quan tâm đúng mức, vẫn chưa đáp ứng kịp thời!

Xin hãy cẩn trọng lắng nghe trong tận cùng tâm thức của mình. Xin hãy cố gắng tìm hiểu tham lam là gì và tại sao con người phải tham lam, sân hận, si mê? Những gì liên quan đến tham lam, sân hận, si mê?

Khi hiểu rõ được đặc tínhnguyên nhân gây ra tham lam, sân hận, si mê, chúng ta sẽ thoát khỏi mọi ràng buộc của cuộc đời!

Trong nỗi lo âu, đau buồn, chán nản, con người thường gặp những bạo lực, hung tàn, độc ác, lãnh đạm chi phối. Vì muốn có nghề nghiệp, hay nắm giữ quyền lực cho đến hơi thở cuối cùng, con người lại bất chấp thủ đoạn. Con người nghĩ ra nhiều mưu mô, lọc lừa xảo quyệt, nhằm đạt đến tham vọng cho riêng mình. Dù đó không phải là khả năng chuyên môn, không phải là lương tâm đạo đức, bản chất của mình. Chuyện này thường nhan nhãn xảy ra trong đời sống hằng ngày. Tâm hồn không mới mẻ tươi mát, không thiết tha hiểu biết, không cảm xúc dạt dào, không lợi tha, đồng sự. Tâm hồn chai cứng, khô khan, chỉ biết tuân thủ, rập khuôn. Sống máy móc, đơn điệu, nhạt nhẽo, bảo thủ, tật đố, tham lam, nhỏ nhoi, bươi móc, phê bình, chỉ trích tha nhân đủ cách, đủ kiểu là những khuôn mẫu thông thường trong xã hội!

Chỉ vì tham lam tật đố, con người tối ngày cứ tranh giành quyền lực, nuôi mộng đấu tranh để trở thành lãnh tụ, trở thành ngôi vị số một trong xã hội, hay trên trường quốc tế. Chỉ vì ích kỷ hẹp hòi, con người không ngừng nỗ lực, bằng những âm mưu đen tối, để thực hiện những ý định điên rồ, mờ ảo, hầu mang lại lợi ích cho bản thân! Nhưng, họ ít khi nhớ một nguyên lý bất di bất dịch là, tất cả không thoát khỏi bàn tay oan nghiệt, độc ác của vô thường biến ảo. Ai đến cõi đời này rồi cũng phải có ngày ra đi! Cỏ cây hết đâm chồi, nẩy lộc rồi héo úa tàn phai, hoại diệt. Tất cả trong vòng lẩn quẩn của sinh diệt, diệt sinh!

Hãy tĩnh tâm nhìn lại đi! Nhiều người đến Úc lúc trẻ trung, nay đã già nua, hoặc đã an nhiên về cõi vĩnh hằng. Nhiều người đến đây còn là sinh viên, học sinh, nay đã trở thành kỹ sư, bác sĩ, phục vụ, cống hiến cộng đồng xã hội. Thậm chí, nhiều người đến đây vỏn vẹn với hai bàn tay trắng, nay đã thành công trong công việc, và vươn lên từ cuộc sống gian khổ khó khăn. Nhưng, dù có thành công đến mấy đi chăng, dù ở địa vị tột cùng thế nào đi nữa, tất cả cũng không ngoài sự vận hành của quy luật vô thường biến đổi!

Biết thế, thấy thế, xin hãy ngừng tay, đừng sát hại lẫn nhau nữa!!!

Chùa Phật Đà, Úc châu

"Tạp chí Đạo Phật Ngày Nay - số 13


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
29/05/2019(Xem: 8393)
09/04/2013(Xem: 35138)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.