Giản dị là sống hài hòa

08/04/20154:07 SA(Xem: 10683)
Giản dị là sống hài hòa

GIẢN DỊ LÀ SỐNG HÀI HÒA

Trần Nguyên Hào

 

Trong 12 giá trị sống đã được UNESCO khẳng định và định hướng cho nhân loại trong hiện tại và tương lai, “Giản dị” rất thân thuộc với giá trị văn hóa truyền thống dân tộc ta bởi nó được xem là một đức tính tốt đẹp vốn có của con người Việt Nam. Nói đến giản dị là nói đến một lối sống tích cực không phô trương hình thức, biết vừa đủtrân trọng những giá trị vật chất dù là nhỏ nhất trong đời sống. Một khía cạnh nữa về giản dị tôi muốn đề cập đến ở đây là sống một cách hài hòa.

Người giản dị trước hết biết sống hài hòa với thiên nhiên, chim muông, cây cỏ, hoa lá, rau quả - môi trường xung quanh. Bản thân môi trường thiên nhiên đã thể hiện một sự giản dị nhưng rất trong sạch, đẹp tươi. Những bông hoa dù khoe sắc cũng rất e ấp; những bông lúa hay chùm quả trĩu cành cũng cúi mình trước gió và ánh sáng của mặt trời. Vẻ đẹp và sự trù phú của chúng thể hiện sự không phô trương mà rất giản dị, mộc mạc, gần gũi. Vì vậy, người giản dị sống rất chan hòa, gắn bó với thiên nhiên, biết dựa vào tự nhiên và biết nâng niu, trân trọng, sử dụng những sản vật từ tự nhiên một cách có trách nhiệm để phục vụ cho cuộc sống của mình. Họ có một lối sống rất đạm bạc nhưng lại rất thanh cao. Họ biết sống vừa đủ, có chừng mực, không chạy theo những người xung quanh với những xu hướng đua tranh về vật chất hay danh vọng đơn thuần. Họ biết tận hưởng trân trọng và tận hưởng những gì mình đã có, đang có và có những ước mơ tươi đẹp nhưng không quá cao xa, vượt quá hiện thực.

Tôi vẫn thường nhớ như in lời nói thường ngày của mẹ tôi lúc tôi còn trẻ thơ “đói ăn rau, đau uống thuốc, thịt cá hương hoa, dưa cà căn bản” và đặc biệt là những bữa cơm rất đơn sơ với rau dưa mẹ tôi nấu mà đến bây giờ hương vị đồng quê vẫn còn vương vấn và nỗi thèm nhớ trong tôi vẫn chưa nguôi ngoai. Chắc các bạn, những ai sinh ra từ nông thôn hoặc đã được trải nghiệm cuộc sống ở những vùng quê chiêm trũng cũng có được những cảm giác như tôi - chúng đã trở thành kỷ niệm, ký ức và trở thành tình cảm giúp chúng ta yêu thương người thân hơn, gắn bó với quê hương hơn. Câu ca dao sau đã nói hộ chúng ta điều đó:

Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.

Điều đáng quý nữa là người giản dị biết sống hài hòa với mọi người xung quanh. Sống hài hòa với mọi người trước hết là sống thân thiện hợp tác, tôn trọng, trân trọng nhân cách của người khác. Phong cách sống hài hòa của người giản dị thể hiện rõ nhất ở chỗ không tô vẽ mình trở thành người nổi bật, không phô trương mình trước những người khác, trước tập thể và cộng đồng, nhất là không phô trương về vật chất. Thậm chí người giản dị còn cố gắng giấu mình đi, hạ mình xuống trước nhiều người khác cho dù điều kiện vật chất, điều kiện sống của mình hơn họ hay ngang bằng họ.

Tôi nhớ đến lời dạy của ba tôi thời tôi còn đi học phổ thông đó là một lần tôi được một đứa bạn có hoàn cảnh nghèo hơn gia đình tôi mời đến nhà chơi và ăn cốm rang đầu mùa gặt. Tôi rất háo hức và định chọn mặc bồ quần áo mới rất đẹp vừa được O ở thành phố tặng để đến nhà bạn thì ba tôi đã khuyên không nên. Thấy tôi mất hứng và chưa hiểu tại sao thì ba tôi bảo: “Con nên mặc giản dị như ngày thường vì nhà bạn cũng nghèo như nhà ta nhưng bạn thiệt thòi hơn con là không có quần áo mới để mặc. Nếu đến đó con mặc quá đẹp và nổi bật, sẽ tạo nên khoảng cách với bạn và làm bạn chạnh lòng.” Ngày ấy tôi đã nghe lời ba tôi nhưng chưa hiểu được ý nghĩa sâu sắc. Cho đến khi trưởng thành thì lời nói của ba tôi đã giúp tôi thay đổi nhưng vẫn còn mắc nợ ông nhiều vì chưa hình thành được ở mình nếp sống giản dị và thanh tịnh như ba tôi.

Sống hài hòa với người giản dị vì thế còn thể hiện ở sự cân bằng giữa giữa các mặt trong chính bản thân họ. Khi chúng ta ra đời, đấng sinh thành và tạo hóa đã ban cho chúng ta một hình hài riêng biệt để rồi ngày càng lớn lên, mỗi người góp vào các thế hệ loài người cái Tôi với Thân - Tâm - Trí không lẫn vào ai. Không phải ai sinh ra và lớn lên cũng may mắn được mang một khuôn mặt, dáng vóc khỏe mạnh và đẹp nhưng nếu bạn biết chăm sóc bản thân, biết làm đẹp cho bản thân và biết suy nghĩ tới những điều tốt đẹp, có tấm lòng nhân hậu, nhân ái và luôn thực hành những hành vi, cử chỉ đẹp thì bạn sẽ có một hình tướng đẹp, ưa nhìn hay thân thiện, dễ mến. Người giản dị biết làm điều đó với thái độ quý trọng bản thân một cách đúng mực; dù họ có những khiếm khuyết về hình thể, họ cũng không tự tin, xấu hổ, che dấu mà biết phát huy trí tuệ, làm đẹp tâm hồn đề bù đắp cho giá trị của con người họ. Nếu có một hình thể đẹp và khỏe mạnh hơn người khác, họ cũng không tự mãn phô diễn với mọi người hay trau chuốt hình thức mà xem mình là một bông hoa lặng lẽ dâng tặng cho thiên nhiêncon người. Họ biết tu Thân, luyện Trí, minh Tâm; hạ Thân xuống để nâng Tâm, Trí lên với thái độ khiêm nhường, mong muốn những điều tốt đẹp đến với người khác.

Sống hài hòa đã trở thành một nét văn hóa rất tao nhã của người giản dị và họ xem đó là niềm vui, hạnh phúc thường nhật của mình. Với họ giản dị tức là mình không trọng vật chất mà trọng tinh thần, tình cảm, tình nghĩa; là không coi trọng cái tôi cá nhân mà biết đề cao, trân trọngquan tâm tới người khác; là cách để xóa đi khoảng cách giữa họ với những người xung quanh, tạo nên sự dễ gần, sự thiện cảmbình đẳng trong quan hệ giao tiếp, sự thấu hiểu để từ đó có thể thiết lập một tình bạn trong sáng lâu bền hay một tình yêu thánh thiện.

                                                                                      T.N.H
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.