Phẩm Tựa Thứ Nhất

13/05/201012:00 SA(Xem: 72586)
Phẩm Tựa Thứ Nhất

Lục Tổ Huệ Năng
KINH PHÁP BẢO ĐÀN

Tỳ Kheo Thích Duy Lực Dịch và Lược Gỉai

Từ Ân Thiền Đường, Santa Ana Xuất Bản1992

Phẩm Tựa Thứ Nhất

Khi Sư đến chùa Bảo Lâm, có châu trưởng Thiều Châu tên là Vi Cứ và các quan chức vào núi thỉnh Sư ra chùa Đại Phạn ở trong thành vì tứ chúng khai duyên thuyết pháp. Sư thăng toà, Vi Thứ Sử (châu trưởng) và các quan chức hơn ba chục người, học sĩ nhà nho hơn ba mươi người, Tăng Ni cư sĩ hơn ngàn người, đồng thời đảnh lễ xin nghe Pháp Yếu.

Sư nói: Thiện tri thức, tự tánh của Bồ Đề vốn thanh tịnh, chỉ dụng tâm này trực liễu thành Phật. Thiện tri thức, hãy nghe việc đắc Pháp và sự việc của Huệ Năng. Huệ Năng quê quán ở Phạm Dương, cha bị giáng chức đến Lãnh Nam, lưu lạc làm dân Tân Châu. Thân thế chẳng may cha lại mất sớm, mẹ là goá phụ, nhà ở Nam Lộ, nghèo khổ phải đi bán củi ngoài chợ. Lúc ấy có vị khách mua củi nhờ mang đến nhà, Huệ Năng được tiền đi ra, gặp một vị khách đang tụng Kinh, Huệ Năng nghe được lời Kinh tâm liền khai ngộ, bèn hỏi khách tụng Kinh gì? Khách nói là Kinh Kim Cang.

Hỏi: Ở đâu có Kinh Điển này?

Khách nói: Tôi từ Chùa Đông Thiền, huyện Huỳnh Mai Kỳ Châu đến. Chùa ấy do Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn Đại Sư chủ hoá, môn đồ hơn ngàn người, tôi đến đó lễ bái lãnh thọ Kinh này. Ngũ Tổ thường khuyên Tăng tục trì Kinh Kim Cang thì được kiến tánh, trực liễu thành Phật.

Huệ Năng nghe nói, lại cũng vì xưa kia có duyên, nên được một người khách cho mười lượng bạc để cho mẹ già được sinh sống và bảo đi ngay đến Huỳnh Mai tham lễ Ngũ Tổ. Huệ Năng sắp xếp cho mẹ xong, liền từ giã lên đường. Trải qua hơn ba mươi ngày đường, đến huyện Huỳnh Mai lễ bái Ngũ Tổ.

Tổ hỏi: Ông là người phương nào, muốn cầu việc gì? Huệ Năng nói: Đệ tử là dân Tân Châu Lãnh Nam, từ xa đến lễ bái, chỉ cầu làm Phật, chẳng cầu việc gì khác.

Tổ nói: Ông là người Lãnh Nam, cũng là người kém văn hoá, làm sao có thể làm Phật được?

Huệ Năng nói: Người có Nam Bắc, Phật tánh vốn chẳng có Nam Bắc, thân hèn hạ này với thân Hoà Thượng chẳng đồng, nhưng Phật tánh đâu có sai biệt!

Ý Ngũ Tổ còn muốn nói thêm, nhưng thấy đồ chúng đứng xung quanh, nên bảo theo chúng làm việc.

Huệ Năng bạch Hoà Thượng: Tự tâm của đệ tử thường sanh trí huệ chẳng lià tự tánh, tức là phước điền, chưa rõ Hoà Thượng bảo làm việc gì?

Tổ nói: Tên kém văn hoá này căn khí lanh lợi, ngươi đừng nói nữa, hãy ra nhà sau đi!

Huệ Năng lui đến nhà sau, có một cư sĩ sai Huệ Năng bửa củi giã gạo, trải qua hơn tám tháng. Một ngày kia Tổ thình lình đến gặp Huệ Năng nói:Ta nghĩ cái thấy của ngươi dùng được, vì sợ có kẻ ác hại ngươi, nên chẳng nói chuyện với ngươi, ngươi có biết chăng?

Huệ Năng nói: Đệ tử cũng biết ý của Thầy, nên chẳng dám đi đến nhà trước.

Một ngày kia, Ngũ Tổ triệu tập môn đồ bảo rằng: Sanh tử là việc lớn, các ngươi suốt ngày chỉ cầu phước điền, chẳng cầu lià khỏi biển khổ sanh tử, tự tánh nếu mê, phước làm sao có thể cứu được? Các ngươi mỗi người hãy tự xem trí huệ, dùng bổn tâm Bát Nhã của tự tánh, mỗi người làm một bài kệ trình cho ta xem, nếu ngộ được đại ý, thì ta sẽ trao truyền y bát cho làm Tổ thứ sáu; hãy mau lên chẳng được chậm trễ, hễ lọt vào suy lường thì chẳng dùng được. Người kiến tánh vừa nghe phải liền thấy, nếu được như vậy thì khi ra trận giữa đao kiếm cũng phải thấy được.

Đại chúng nghe xong nói với nhau rằng: Chúng ta chẳng cần nhọc tâm mệt trí làm kệ, đâu có ích gì, vì có Thượng Tọa Thần Tú hiện làm giáo thọ sư, chắc chắn sẽ được, chúng ta làm kệ chỉ phí sức thôi, chúng ta về sau y chỉ Sư Thần Tú cũng được rồi. Ngài Thần Tú suy nghĩ: Đại chúng chẳng trình kệ, vì ta là giáo thọ sư của họ, ta phải làm kệ trình Hoà Thượng. Nếu chẳng trình kệ thì Hoà Thượng làm sao biết được kiến giải sâu cạn trong tâm ta, ý của ta trình kệ vì cầu Pháp thì tốt, vì mong làm Tổ thì không nên, chẳng khác nào dùng tâm phàm mà đoạt Thánh vị. Nếu chẳng trình kệ thì làm sao đắc Pháp được, thực khó! Thực khó!

Nơi hành lang trước Pháp đường, Ngũ Tổ định mời họa sĩ đến vẽ Biến Tướng Kinh Lăng GiàNgũ Tổ Huyết Mạch Đồ, để cúng dườnglưu truyền đời sau. Khi Thần Tú làm kệ xong, mấy lần muốn vào trình, nhưng khi đến trước Pháp đường thì trong tâm bấn loạn, mồ hôi ướt đẵm mình. Như vậy trải qua bốn ngày, mười ba lần muốn vào trình vẫn chưa trình được, sau cùng Thần Tú suy nghĩ: Chi bằng ghi trên vách tường hành lang để Hoà Thượng thấy được; nếu Tổ nói tốt thì ta ra lễ bái nói của Thần Tú làm, nếu nói là chẳng được thì uổng công ta ở núi mấy năm, lại tu Đạo gì mà được nhận lễ bái của người! Nửa đêm đó không cho ai hay, tự cầm đèn viết kệ trên vách hành lang phiá Nam, trình sở thấy của tự tâm, kệ rằng:

Thân thị Bồ Đề thụ,

Tâm như minh cảnh đài,

Thời thời cần phất thức,

Vật sử nhạ trần ai.

Dịch nghiã:

Thân là cây Bồ Đề,

Tâm như đài gương sáng,

Luôn luôn siêng lau chùi,

Chớ cho dính bụi trần.

Thần Tú viết kệ xong, liền về phòng, không ai hay. Tú lại suy nghĩ: Ngày mai, Ngũ Tổ thấy kệ hoan hỷ thì ta có duyên với Pháp, nếu nói không được thì đó là tại ta còn mê, nghiệp chướng xưa nặng nề, chẳng đặng đắc Pháp, Thánh ý thật khó lường! Tú ở trong phòng suy nghĩ, ngồi nằm chẳng yên cho đến gần sáng.

Tổ đã biết Thần Tú chưa được vào cửa, chẳng thấy tự tánh. Trời sáng, Tổ kêu hoạ sĩ đến hành lang để vẽ, thình lình thấy kệ, bèn nói với họa sĩ: Thôi, chẳng cần vẽ nữa, làm lao nhọc cho ông từ xa đến đây.

Kinh nói: Phàm tất cả tướng đều là hư vọng. Nay chỉ cần để bài kệ này cho người trì tụng, y kệ này tu, khỏi đọa ác đạo, y kệ này tu, được ích lợi lớn. Bèn kêu môn đồ đốt nhang kính lễ, bảo cả thảy đều tụng kệ này sẽ được kiến tánh. Môn đồ tụng kệ đều khen: lành thay!

Nửa đêm Tổ kêu Thần Tú vào phòng hỏi: Kệ phải do ông làm chăng? Tú nói: Thiệt là Tú làm, chẳng ham vọng cầu Tổ vị, mong Hoà Thượng từ bi, xem đệ tử có chút ít trí huệ chăng?

Tổ nói: Ông làm kệ này chưa thấy bản tánh, chỉ đến ngoài cửa, chưa vào trong, kiến giải như thế tìm vô thượng bồ đề chẳng thể được. Vô thượng bồ đề phải khi vừa nói liền nhận tự bổn tâm, thấy tự bản tánh, chẳng sanh chẳng diệt, với bất cứ giờ nào, niệm niệm tự thấy, chẳng kẹt vào vạn pháp, nhứt chơn nhứt thiết chơn, vạn cảnh tự như như, cái tâm như như tức là chân thật. Nếu thấy như thế tức là vô thượng bồ đề của tự tánh. Ông tạm đi ra suy nghĩ một vài ngày nữa, làm bài kệ khác cho ta xem, nếu kệ ông vào được cửa, thì ta sẽ truyền trao y pháp.

Thần Tú đảnh lễ lui ra, trải qua mấy ngày sau làm kệ chẳng được, trong tâm rối loạn tâm thần chẳng yên, cũng như trong mộng, đi ngồi chẳng vui.

Qua hai ngày sau, có một đồng tử đi ngang qua phòng giã gạo, xướng tụng bài kệ, Huệ Năng nghe được liền biết kệ này chưa thấy bản tánh, dù chưa được sự dạy bảo của Tổ, nhưng đã biết được đại ý, bèn hỏi đồng tử rằng: Tụng kệ gì? Đồng tử nói: Kẻ kém văn hoá này chẳng biết, Đại Sư nói: Sanh tử là việc lớn, muốn truyền trao y pháp, nên bảo môn đồ làm kệ trình xem, nếu ngộ đại ý thì sẽ được truyền trao y pháp làm Tổ thứ sáu. Thượng Tọa Thần Tú viết kệ Vô Tướng trên vách tường hành lang. Đại Sư bảo mọi người đều tụng, y kệ này tu khỏi đọa ác đạo, y kệ này tu sẽ được lợi ích lớn.

Huệ Năng nói: Thưa Thượng nhơn, tôi giã gạo ở đây hơn tám tháng, chưa từng đi đến nhà trước, mong Thượng nhơn dẫn tôi đến trước bài kệ lễ bái. Đồng tử liền dẫn đến trước bài kệ, lễ bái xong,

Huệ Năng nói: Huệ Năng chẳng biết chữ, xin Thượng nhơn đọc giùm. Lúc ấy có quan biệt giá Giang Châu là Trương Nhựt Dụng, liền lớn tiếng đọc, Huệ Năng nghe xong bèn nói: Tôi cũng có một bài kệ, xin Biệt Giá viết giùm. Biệt Giá nói: Ông cũng làm kệ à, việc này hi hữu!" Huệ Năng nói với Biệt Giá rằng: Muốn học Vô Thượng Bồ Đề, chẳng nên khinh bỉ kẻ sơ học, hạ hạ nhơn hữu thượng thượng trí, thượng thượng nhơn hữu một (chìm mất) ý trí. Biệt Giá nói: Ông hãy tụng kệ đi, ta viết giùm cho. Ông nếu đắc pháp phải độ ta trước, về sau chớ quên lời này.

Huệ Năng kệ rằng:

Bồ đề bổn vô thụ,

Minh cảnh diệc phi đài.

Bổn lai vô nhất vật,

Hà xứ nhạ trần ai?

Dịch nghiã:

Bồ đề vốn chẳng cây,

Gương sáng cũng chẳng đài,

Xưa nay không một vật,

Nơi nào dính bụi trần?

Kệ viết xong, đồ chúng đều ngạc nhiên tán thán với nhau: Lạ thay, chẳng nên theo tướng mạođánh giá người, không ngờ nay có nhục thân Bồ Tát mà chẳng biết!

Tổ thấy đại chúng kinh quái, sợ người ám hại, nên lấy giày bôi bài kệ, nói rằng: Cũng chưa thấy tánh. Mọi người cho là phải. Hôm sau Tổ lén đến nhà giã gạo, thấy Huệ Năng lưng đeo đá giã gạo, nói rằng: Người cầu Đạo cần phải như thế. Lại hỏi: Gạo trắng chưa? Huệ Năng đáp: Trắng đã lâu, còn thiếu giần sàng thôi. Tổ lấy gậy gõ trên cối ba cái rồi bỏ đi. Huệ Năng hiểu ý Tổ, nên canh ba vào thất. Tổ dùng Ca sa che lại không cho người thấy, rồi thuyết Kinh Kim Cang, đến câu: Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm thì Huệ Năng ngay đó đại ngộ tất cả vạn pháp chẳng lià tự tánh, bèn bạch Tổ rằng:

Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh,

Đâu ngờ tự tánh vốn chẳng sanh diệt,

Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ,

Đâu ngờ tự tánh vốn chẳng lay động,

Đâu ngờ tự tánh hay sanh vạn pháp!

Tổ biết Huệ Năng đã ngộ bản tánh, nên nói với Huệ Năng rằng: Chẳng nhận được bổn tâm, học pháp vô ích, nếu nhận được bổn tâm, thấy được bổn tánh, tức gọi là Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật. Nửa đêm thọ pháp chẳng ai biết, Tổ bèn truyền pháp đốn giáoy bát nói rằng: Ngươi là Tổ thứ sáu, khéo tự hộ niệm, độ khắp hữu tình, phổ biến lưu truyền cho đời sau, đừng để đoạn dứt.Nghe ta nói kệ đây:

Hữu tình lai hạ chủng,

Nhơn địa quả hườn sanh,

Vô tình diệc vô chủng,

Vô tánh diệc vô sanh.

Dịch nghiã:

Hữu tình được gieo giống,

Nhơn gieo quả ắt sanh,

Vô tình thì vô chủng,

Vô tánh cũng vô sanh.

LƯỢC GIẢI:Sinh vật có hai loại: hữu tìnhđộng vật, vô tình là thực vật. Hữu tình mới được gieo giống Phật, vô tình thì không; có giống là nhơn, ắt sẽ sanh quả. Nhơn địa là hữu tình, quả địa là Phật. Vô tình chẳng phải nhơn địa của Phật nên chẳng phải là giống (vô chủng). Tất cả pháp vốn chẳng có tự tánh, nên nói vô tánh. Vậy thì hữu tình và vô tình, Phật và chúng sanh đều chẳng có tự tánh, cũng là pháp vô sanh vậy. Nên nói: Vô tánh diệc vô sanh. Vì đây là kệ truyền pháp, kệ truyền pháp chẳng được lọt vào tứ cú.

Hỏi: Đã nói không lọt vào tứ cú, tại sao nói vô tánh diệc vô sanh? Như vậy là lọt vào cú thứ nhì rồi?

Đáp: Nói tất cả pháp vốn chẳng tự tánh thì làm sao có vô tánhvô sanh để làm tự tánh! Hành giả đọc đến chỗ này, chớ nên dùng ý thức để lãnh hội, cho là đúng hay không đúng: Đã nói pháp vô sanh thì làm sao sanh ra pháp đúng và pháp không đúng? Đây là cửa ải của Thiền môn, cần phải thấu qua (tự ngộ) mới được.Kệ này lược giải là để phá chấp, còn muốn hiểu ý Tổ, cần phải tự tham ngộ mới được.

Tổ lại nói: Khi xưa Đạt Ma Đại Sư mới tới xứ này, vì người ta chưa đủ lòng tin, nên mới truyền y bát để làm tín thể (vật làm tin) đời đời truyền nhau thành pháp tắc, lấy tâm truyền tâm đều bảo tự ngộ tự giải, từ xưa Phật Phật chỉ truyền bản thể, Tổ Tổ mật phó bản tâm. Y bát là mối tranh giành, tới đời ngươi phải ngưng truyền. Nếu truyền y bát là việc rất nguy hiểm, ngươi phải đi cho mau, kẻo có người ám hại.

Huệ Năng bạch rằng: Đi xứ nào?

Tổ nói: Gặp Hoài thì ngừng, gặp Hội thì ẩn.

Canh ba lãnh y bát xong, Huệ Năng được Ngũ Tổ đưa đến bến đò Cửu Giang. Xuống thuyền, Huệ Năng giành chèo.

Tổ nói: Đúng ra ta phải độ.

Huệ Năng nói: Khi mê thì Thầy độ, ngộ rồi tự độ." (Độ có hai nghiã: 1-Cứu độ. 2-Đưa đò.) Nói độ là một, nhưng chỗ dùng chẳng đồng. Huệ Năng sanh nơi biên địa nên giọng nói khó nghe. Được Thầy truyền pháp, nay đã được ngộ, chỉ nên tự tánh tự độ vậy.

Tổ nói: Như thế! Như thế! Về sau Phật Pháp do ngươi được thịnh hành, ngươi cứ hướng về phiá Nam mà đi, chẳng nên thuyết pháp sớm, vì Phật Pháp phải tùy duyên.

Huệ Năng từ biệt Tổ, hướng về Nam trải qua hai tháng tới núi Đại Du Lãnh. Ngũ Tổ trở về, mấy ngày chẳng thượng đường, đại chúng nghi ngờ hỏi: Hoà Thượng có bệnh gì chăng? Tổ nói: Bệnh thì không có, nhưng y pháp đã về Nam rồi. Hỏi: Ai được truyền thụ? Đáp: Kẻ nào Năng thì được.

Khi ấy đại chúng mới biết, nên có mấy trăm người đuổi theo để đoạt y bát, trong đó có một Tăng tên tục là Trần Huệ Minh ngày trước làm Tứ Phẩm tướng quân, tánh tình thô bạo, dẫn đầu đi trước, đuổi kịp Huệ Năng. Huệ Năng bỏ y bát trên tảng đá nói rằng: Y bát là vật làm tin, há dùng sức mà đoạt được sao? Liền ẩn mình trong đám cỏ. Huệ Minh đến, muốn lấy y bát mà chẳng nhúc nhích được, liền kêu: Hành giả! Hành giả! Tôi vì Pháp đến, chẳng vì Y đến. Huệ Năng liền ra ngồi trên tảng đá, Huệ Minh đảnh lễ nói rằng: Mong hành giả vì tôi thuyết Pháp. Huệ Năng nói:Ông đã vì Pháp mà đến đây, thì nên ngưng nghỉ các duyên, chớ sanh một niệm, ta sẽ vì ông mà thuyết.

Một hồi sau Huệ Năng nói: Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, đang khi ấy cái nào là bổn lai diện mục của Thượng Tọa Minh? Huệ Minh ngay đó đại ngộ, lại hỏi rằng: Ngoài lời mật ý kể trên, còn có ý nào bí mật chăng? Huệ Năng nói: Đã nói với ông thì chẳng phải mật rồi, nếu ông phản chiếu thì mật tại bên ông. Minh nói: Huệ Minh dù ở Huỳnh Mai, thật chưa tỉnh ngộ diện mục của tự kỷ, nay được khai thị, như người uống nước, lạnh nóng tự biết. Nay hành giả tức là Thầy của Huệ Minh vậy. Huệ Năng nói: Nếu ông như thế, thì ta với ông cùng thờ một Thầy Huỳnh Mai, hãy khéo tự hộ trì.

Huệ Minh lại hỏi: Huệ Minh về sau đi xứ nào? Đáp: Gặp Viên thì ngừng, gặp Mông thì ở.

Minh đảnh lễ giã từ. (Minh trở xuống chân núi, nói với đại chúng rằng: Chẳng thấy dấu vết nào hết, phải đi hướng khác mà tìm. Chúng đều tin. Về sau Huệ Minh đổi tên thành Đạo Minh để tránh sự trùng tên với Thầy).

Huệ Năng đến Tào Khê, bị bọn ác tìm theo, nên phải lánh nạn trong đám thợ săn nơi Tứ Hội, trải qua mười lăm năm, thường vì thợ săn tùy nghi thuyết pháp. Bọn họ bảo giữ lưới, mỗi khi thấy cầm thú lọt vào đều thả ra hết. Tới bữa ăn, gởi rau trong nồi thịt, có người hỏi thì trả lời: Chỉ ăn rau luộc bên cạnh thịt mà thôi.

Một ngày kia nghĩ rằng: Đã đến lúc phải hoằng Pháp, không nên ẩn hoài", liền ra chùa Pháp Tánh Quảng Châu, gặp Ấn Tông Pháp Sư giảng Kinh Niết Bàn. Có hai vị Tăng tranh luận về nghiã gió và lá phướn; kẻ nói gió động, người nói phướn động, tranh cãi không ngừng, Huệ Năng chen vào nói: Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, mà là tâm các ông động." Cả chúng đều ngạc nhiên. Ấn Tông mời Năng ra ngồi trên Cao Toà, hỏi những nghiã lý thâm sâu, thấy Huệ Năng lời gọn mà đúng lý, chẳng do văn tự.

Ấn Tông nói: Hành giả ắt chẳng phải người thường, lâu nay đã nghe Y Pháp Huỳnh Mai về Nam, có phải là hành giả chăng?

Huệ Năng nói: Không dám."

Ấn Tông liền đảnh lễ, xin thỉnh Y Bát ra cho đại chúng xem.

Ấn Tông hỏi rằng: Sự phó chúc của Huỳnh Mai truyền thọ như thế nào? Huệ Năng nói: Truyền thọ thì không, chỉ cần kiến tánh, chẳng cần thiền định giải thoát.

Ấn Tông hỏi: Tại sao chẳng cần thiền định giải thoát?

Đáp: Vì đó là nhị pháp, chẳng phải Phật Pháp. Phật Pháp là pháp bất nhị.

Ấn Tông lại hỏi: Thế nào là Pháp Bất Nhị của Phật Pháp?

Đáp: Pháp Sư giảng Kinh Niết Bàn, đã rõ Phật tánh là Pháp Bất Nhị của Phật Pháp! Như trong Kinh Niết Bàn nói: Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch Phật rằng: Phạm tứ trọng cấm (bốn giới trọng nhất trong giới Tỳ kheo, giống như người thế gian phạm tội tử hình), làm tội ngũ nghịchnhất xiển đề, phải bị đoạn dứt thiện căn Phật tánh không? Phật nói: Thiện căn có hai, một là thường, hai là vô thường, Phật tánh phi thường phi vô thường, nên chẳng đoạn dứt, gọi là bất nhị. Một là thiện, hai là bất thiện, Phật tánh phi thiện, phi bất thiện, gọi là bất nhị. Uẩn và Giới, phàm phu thấy cho là nhị, người trí liễu đạt thì biết tánh ấy bất nhị, tánh bất nhị tức là Phật tánh vậy. Ấn Tông nghe xong hoan hỷ chắp tay rằng: Tôi giảng Kinh như gạch nát ngói bể, ông giảng nghiã cũng như vàng ròng. Do đó, vì Huệ Năng xuống tóc, nguyện thờ làm Thầy.

Huệ Năng bèn ở nơi gốc cây Bồ Đề khai giảng Pháp môn Đông Sơn (Ngũ Tổ): Huệ Năng đắc pháp nơi Đông Sơn, chịu nhiều cay đắng, gặp nhiều nguy hiểm, tánh mạng tựa như chỉ mành, hôm nay được cùng các quan, các Tăng Ni đạo tục đồng tụ tại hội này, là do quá khứ nhiều kiếp cúng dường chư Phật, cùng gieo thiện căn mới được nghe cái nhơn đắc pháp và Pháp Đốn Giáo kể trên. Giáo Pháp là do bậc Thánh xưa truyền lại, chẳng phải tự trí của Huệ Năng. Người muốn nghe Giáo Pháp của bậc Thánh xưa, phải làm cho tâm thanh tịnh (trong sạch), nghe rồi phải tự đoạn trừ nguồn gốc nghi ngờ giống như các bậc Thánh xưa chẳng có khác biệt. Đại chúng nghe pháp xong hoan hỷ đảnh lễ lui ra.

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.