Cuộc Tấn Công Các Chùa Đêm 20-8-1963

30/08/201112:00 SA(Xem: 22979)
Cuộc Tấn Công Các Chùa Đêm 20-8-1963


CUỘC TẤN CÔNG CÁC CHÙA ĐÊM 20-8-1963 
Trích từ “Việt Nam Nhân Chứng” 
của cựu Trung Tướng VNCH Trần Văn Đôn
(từ trang 168 đến 179)

tranvandon_viet_nam_nhan_chung_-_bia_sachChiều ngày 20 tháng 8, ông Ngô Đình Nhu mời tôi, quyền Tổng Tham Mưu Trưởng, Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm, Tham Mưu Trưởng, Thiếu Tướng Tôn Thất Đính, Quân trấn Sài gòn, và Đại Tá Nguyễn Văn Y, Tổng giám đốc Công an Cảnh sát, đến dinh Độc Lập ra lệnh: “Tối nay sẽ bắt các sư sãi cộng sản”.

Đêm 20 tháng 8, lợi dụng lệnh giới nghiêm, dinh Độc Lập ra lệnh riêng cho Đại Tá Lê Quang Tung, chỉ huy trưởng Lực Lượng đặc biệt cùng Cảnh Sát Đặc Biệt của Dương Văn Hiếu, Mật vụ và Cảnh sát chiến đấu của ông Trần Văn Tư, Giám đốc Cảnh sát Đô thành bao vây tấn công các chùa trong đô thành để bắt các Thượng tọa, Đại đức, Tăng niPhật tử.
Lực Lượng Đặc Biệt là một tổ chức của quân đội, được thành lập từ năm 1956 gồm gần 10 Đại Đội (mỗi đại đội 120 người), võ trang súng ống tối tân nhất, được huấn luyện kỹ như Nhảy Dù, bơi lội, đột kích sau lưng địch… Một số ít chiến sĩ Lực Lượng Đặc Biệt này đã từng nhảy dù ra Bắc để hoạt động, vì vậy nên được chọn lựa rất kỹ, đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn. Đại Tá Lê Quang Tung chỉ huy lực lượng này.

Nghe lệnh tấn công chùa như vậy, chúng tôi biết là việc này sẽ làm sụp đổ thêm cho chế độ nhưng không thể can gián được. Đêm đó, tôi và Trần Thiện Khiêm theo dõi tại bộ Tổng Tham Mưu trên máy riêng Motorola của Cảnh sát nên chúng tôi biết được cuộc tấn công này do Đại Tá Lê Quang Tung chỉ huy tổng quát.

Tôi và ông Khiêm lấy xe đến chùa Xá Lợi vào khoảng 1 giờ khuya. Đến nơi tôi thấy đèn còn bật sáng, cảnh sát còn đi qua lại. Bước vào chính điện, tôi giở mũ, ông Khiêm cũng giở theo. Lính cảnh sát thấy vậy cũng giở mũ và đứng im. Tôi hỏi:
- Quý Thầy đâu hết rồi?
Họ nói dẫn qua Phú Nhuận, còn Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết rất mệt, mai sáng phải cho vô bịnh viện quân sự Cộng Hòa. Chúng tôi trở ra đi thẳng đến dinh Gia Long. Lúc đó khoảng 3 giờ sáng. Gặp ông Nhu, ông ta bảo chúng tôi ra lệnh thiết quân luật. Lịnh này ban ra là có ý đổ trách nhiệm tấn công chùa cho quân đội, tôi hiểu ý của ông Nhu nhưng im lặng thi hành.

Lúc 5 giờ sáng, ông Diệm tập hợp Nội Các chánh phủ để trình bày sự việc. Ngay trong phiên họp đó, Ngoại Trưởng Vũ Văn Mẫu từ chức để phản đối sự đàn áp Phật giáo của anh em ông Diệm. Sự từ chức nầy của ông Mẫu làm thế giới xôn xao, Phật tử xúc động, dân chúng cảm phục một người đã thẳng thắn từ bỏ chức vụ để phản đối hành động bất công và tàn bạo.

Lúc đó ông Trần Văn Chương đang là Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Mỹ, bà Chương là Quan sát viên cho Việt Nam Cộng Hòa tại Liên Hiệp Quốc, nhận thấy anh em Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo, con gái mình tiếp tay phát ngôn hỗn xược mà mình không thể cản ngăn được nên cả hai ông bà đều từ chức.

Sự từ chức của ông Vũ Văn Mẫu và ông bà Trần Văn Chương là những ngọn đòn đau đớn cho anh em nhà họ Ngô.

Giới nghiêm là hạn chế sự lưu thông về đêm, còn Thiết quân luật là phải đem quân đội ra đường canh gác. Một thứ phù hợp với một tình trạng mà Thiết quân luật chỉ áp dụng khi thật sự có nguy hiểm cho nước nhà. Bởi vậy nghe lịnh Thiết quân luật, các tướng ngơ ngác.

Trung Tướng Dương Văn Minh cho tôi ý kiến: Xin phép Tổng Thống triệu tập tất cả các tướng lãnh trong Đô thành mỗi ngày từ 9 đến 12 giờ để thảo luận và học tập ưu khuyết điểm của lệnh Thiết quân luật.

Chiều ngày 21 tháng 8, tôi đến gặp ông Ngô Đình Nhu, đề nghị thực hành ý kiến của ông Dương Văn Minh. Học tập tức là gián tiếp chấp nhận việc Thiết quân luật, tức là nhận lãnh trách nhiệm tấn công nhà chùa. Ông Nhu chấp thuận không nghi ngờ gì cả.

Ngày 21 tháng 8, đài VOA loan tin quân đội nghe theo lịnh Tổng Thống đi tấn công chùa. Tôi không biết làm sao cải chính tin đó với đài VOA nên tôi cho Đại Úy Lê Văn Khấn, sĩ quan tùy viên của tôi đi mời ông Conein, sĩ quan CIA quen tôi từ năm 1946 ở Hà Nội hiện đang ở góc đường Công Lý và Nguyễn Đình Chiểu đến bộ Tổng Tham Mưu gặp tôi đêm đó. Ông Conein sợ tôi gài bẩy nên mang theo súng tùy thân.

Chín giờ tối, ông Conein lại, chúng tôi cho biết quân đội không tham gia trong việc tấn công các chùa như đài VOA đã loan tin để ông Conein về trình lại đại sứ Mỹ. Ông Conein hỏi: “Các tướng lãnh Việt Namý định đảo chánh không?” Tôi trả lời: “Chuyện này rất quan trọng sẽ nói chuyện sau”. Rồi ông Conein ra về.
Hôm sau đài VOA cải chính, nói rõ là quân đội Việt Nam không tấn công chùa. Ông Nhu nghe tin cải chính nầy rất tức giận, buộc mấy ông tướng phải họp lại, tuyên bố đứng sau lưng Tổng Thống và tôi phải ra nhật lịnh nói rằng quân đội có tham gia việc đó. Tôi phải tuân lời. Tuân lời ra nhật lịnh kêu gọi quân đội xiết chặt hàng ngũ sau lưng Ngô Tổng Thống thì được, nhưng nói làm sao cho anh em quân nhân và đồng bào hiểu mình đang tìm cách hạ một chính quyền đang bị dân oán hận!

(…)

Tối ngày 21 tháng 8, hầu hết các chùa lớn ở các tỉnh đều bị cảnh sát, an ninh quân đội đến khám xét hoặc bắt các tu sĩ và cũng những người của hai cơ quan trên cùng chính quyền địa phương đến bắt một số Phật tử tham gia trong những cuộc biểu tình tuyệt thực, những Phật tử trung kiên thường có mặt tại chùa trong thời gian Phật giáo tranh đấu. Trong số bị bắt có rất nhiều Huynh trưởng và Đoàn sinh gia đình Phật tử, nhất là tại các tỉnh miền Trung, từ Bình Thuận đến Quảng Trị, tỉnh nào cũng có một số đông Huynh trưởng và Thanh thiếu niên gia đình Phật tử bị bắt đánh đập, giam cầm từ đêm 21 tháng 8. Hầu hết các trường Đại học và Trung học đều đóng cửa. Một phần do học sinh bãi khóa, một phần chính quyền sợ mở cửa sẽ tạo nơi tập trung cho sinh viên học sinh khởi xuất đi biểu tình phản đối chính quyền.

Mấy Thầy lãnh đạo Phật tử tranh đấu bị bắt, nhà chùa bị cảnh sát canh chừng, các Phật tử trung kiên dính líu vào vụ tranh đấu đa số đều bị bắt giam, vậy mà mấy ngày sau vẫn có một số đông Phật tử, dân chúng và sinh viên học sinh truyền miệng nhau, từng toán người vào chợ và đứng rải rác các ngả đường gần đó chờ đúng giờ ấn định tất cả kéo ra trước chợ Sài gòn trương biểu ngữ biểu tình phản đối chính quyền. Lần này cảnh sát nổi, cảnh sát chìm không phải chỉ giải tán biểu tình bằng hơi cay, bằng xịt nước hay bằng đấm đá mà bằng gậy gộc và bằng súng, cho nên Quách Thị Trang là một thiếu nữ thuộc gia đình Phật tử miền Vĩnh Nghiêm (Bắc Việt di cư) đã bị bắn chết trước chợ Bến Thành. Một số Phật tử bị thương vì bị đánh đập.

Việc một nữ sinh bị bắn chết làm cho chúng tôi thấy hổ thẹn với quần chúng khi khoác áo quân nhân ra đường. Việc Phật tử bị giam cầm làm cho tôi có mặc cảm tội lỗi. Nói làm sao cho dân chúng hiểu được rằng chúng tôi không làm chuyện đàn áp đó, chúng tôi không chủ trương giết người biểu tình bất bạo động, chúng tôi không đồng ý bắt giam người như vậy? Nhưng chúng tôi cúi đầu nhẫn nhục chờ ngày không xa chúng tôi sẽ trả lời với mọi người bằng hành động.

Chưa bao giờ nhà lao chứa nhiều tù nhân như trong thời gian đó. Nhiều anh em quân nhân rất khổ tâm khi phải ra đàn áp biểu tình. Trước ngày tấn công chùa vào 20 tháng 8, có những vụ biểu tình mà quân đội được lịnh của Tiểu Khu Trưởng tức là Tỉnh Trưởng ra lịnh chặn biểu tình đã đến gần đám biểu tình mà nói: “Chúng tôi được lịnh không cho đoàn biểu tình đi qua, tức là biểu chúng tôi phải chết tại nơi đây. Xin các anh chị hiểu giùm cho chúng tôi”.

Phật tử các tỉnh thừa nhận quân nhân ở các tỉnh dù được lịnh vẫn không nỡ thẳng tay đàn áp Phật tử biểu tình, chỉ có cảnh sát và cảnh sát dã chiến đàn áp mạnh vì phần đông các ông Phó ty cảnh sát hoặc Trưởng phòng Cảnh Sát Đặc Biệt, Trưởng phòng di động đều là cán bộ nòng cốt của đảng Cần Lao.

Vụ bắn Quách Thị Trang chết, bắt thêm sinh viên học sinh giam cầm không những khiến cho dân chúng trong nước căm hận mà Việt kiều và sinh viên Việt Nam ở ngoài nước cũng oán ghét gia đình nhà Ngô. Thế giới bất bình hành động đó của anh em Ngô Đình Diệm thêm nên bà Nhu quyết định lên đường đi “giải độc”.

Đầu tháng 10, bà Nhu có mặt tại Pháp. Ngoài việc tiếp xúc với chính giới ra, bà ấy ra lịnh tòa Đại sứ Việt Nam tại Ba Lê tổ chức một cuộc họp để giải độc vào chiều ngày 3 tháng 10 năm 1963.
Xe chở bà Nhu trên đường đi đến sứ quán, sinh viên và Việt kiều đã đón liệng cà chua, trứng và nước sơn để tỏ ý chống đối hiện thân của một chế độ độc tài. Lúc bà Nhu xuống xe, gần 200 sinh viên và Việt kiều đã đồng thanh đả đảo chính quyền Ngô Đình Diệm, hô hào đoàn kết tranh đấu đòi quyền tự do cho dân Việt. Trong số sinh viên chủ động có con trai tôi là Đức, đang học Đại học Y Khoa tại Ba Lê. Đức hướng dẫn sinh viên chống bà Nhu trong thời kỳ đó.
Vài ngày sau ông Diệm gặp tôi hỏi:
- Ông có đứa con đang học ở Ba Lê?
- Dạ.
- Học gì? Năm thứ mấy? v.v…
Ông Diệm chỉ hỏi chứ không nói lời phê bình nào, và tôi chỉ trả lời vắn tắt những câu hỏi của ông ta mà thôi.
Ngày 22 tháng 8, tôi đến thăm Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết. Với giọng nói mệt nhọc, ngài hỏi:
- Tại sao lại đánh chúng tôi?
Nghe hỏi tôi xót xa quá, nhưng không biết trả lời sao!

Vì thiết quân luật, chúng tôi ở trong trại không về nhà, nhiều anh em cũng như tôi nhận những cú điện thoại trách móc của vợ, không những chỉ các gia đình theo đạo Phật mà người phụ nữ thuộc các tôn giáo khác cũng có người trách chồng sao lại tham gia vào việc đàn áp Phật giáo… Đại Tá Trần Ngọc Huyến, một tín đồ Thiên Chúa giáo, người ủng hộ ông Diệm hết tình cũng chống vấn đề đàn áp Phật giáo đó của anh em ông Diệm.

Những gì chúng tôi nung nấu từ đầu năm 1960 đến nay đã đến lúc phải bộc phát. Những độc tài, bất công, đàn áp của chính quyền mà suốt mấy năm trời chúng tôi bất bình đến nay phải bùng nổ. Những chuẩn bị từ lâu nay đến lúc phải thi hành” (1.11.1963).

(Nguồn: Việt Nam Nhân Chứng, Trần Văn Đôn, nxb Xuân Thu, USA, 1989)



Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
18/09/2010(Xem: 47017)
31/05/2012(Xem: 10739)
16/10/2014(Xem: 25762)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.