Bồ Tát Quảng Đức Vị Pháp Thiêu Thân Đối Chiếu Qua Kinh Điển, Tâm Diệu

18/09/201012:00 SA(Xem: 28737)
Bồ Tát Quảng Đức Vị Pháp Thiêu Thân Đối Chiếu Qua Kinh Điển, Tâm Diệu

qd-title-2

Bản Tham Luận

BỒ TÁT QUẢNG ĐỨC VỊ PHÁP THIÊU THÂN
ĐỐI CHIẾU QUA KINH ĐIỂN NAM TÔNGBẮC TÔNG

Tâm Diệu

Cuộc Hội Thảo Về
“Bồ Tát Thích Quảng Đức Vị Pháp Thiêu Thân”
do Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
Tổ Chức tại Thành Phố Hồ Chí Minh ngày 29 tháng 5 năm 2005


Công cuộc vận động cho bình đẳngtự do tôn giáo của Phật Giáo Việt Nam bắt đầu vào ngày lễ Phật Đản 8 tháng 5 năm 1963 tại Huế và sau đúng 106 ngày tranh đấu cam go đã thực sự kết thúc vào đêm khuya ngày 20 rạng sáng ngày 21 tháng 8 năm 1963 khi chính quyền Ngô đình Diệm thi hành kế hoạch Nước Lũ tổng đột kích toàn thể chùa chiền, bắt giam hầu hết các thành phần lãnh đạo và những người tham gia phong trào vận động.

Cao điểm của công cuộc vận động là hành động tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức vào ngày 20-4 năm Quý Mão (tức ngày 11-6-1963) ngay trên đường phố Sài Gòn, đã làm xúc động hàng triệu đồng bào, tăng ni, và Phật tử cả nước lúc bấy giờ. Hình ảnh của Ngài ngồi ở tư thế kiết già trong lửa đỏ trên một ngã tư đường phố tấp nập ở Saigon, đã in một dấu ấn không bao giờ phai nhòa trong lòng người và trong lịch sử chiến tranh Việt Nam.
Ngày nay, sau hơn bốn thập niên trôi qua, vẫn còn có một số người thắc mắc: động lực nào thúc đẩy Ngài đã hành động như thế và sự việc tự thiêu như vậy có chống trái với pháp và luật của Phật không, có vi phạm giới luật không và có đi ngược lại giáo lý Trung Đạo không? Một số cho rằng hành động tự thiêu là một hình thức của sự tự sát, đi ngược lại với giáo lý của Phật Giáo Nguyên Thủy. Trong số những người đồng với quan điểm này phải kể đến ban biên tập một tạp chí Thiên Chúa Giáo ở Hoa Kỳ đã tranh luận vào thời đó và nhiều thập niên sau cũng có hai học giả Phật giáo Tích Lan [01] và Nhật Bản [02] tán đồng.

Hơn bốn thập niên, một quãng thời gian khá dài, đủ để chúng ta có thể nhìn lại hình ảnh tự thiêu của Ngài và giai đoạn lịch sử của miền Nam Việt Nam vào năm 1963 một cách khách quan hơn, không bị cảm quan và hoàn cảnh cá nhân chi phối.

Nói về động lực đưa đến hành động của Ngài thì sử sách đã ghi nhận. Ngài không vì lợi ích hay danh tiếng cá nhân mà vì lòng từ bi muốn cứu độ chúng sinh, muốn Phật tử Việt Nam được sống trong môi trường bình đẳngtự do tôn giáo, không bị kỳ thị, không bị ép buộc bỏ đạo, cũng như muốn cho thế giới thức tỉnh trước cuộc chiến tương tàn càng ngày càng trở nên khốc liệt. Còn về việc tự thiêu của Ngài có chống trái với pháp và luật của Phật không, thiết tưởng chúng ta nên nhìn sự việc qua hai nhãn quan Phật Giáo Nam TôngPhật Giáo Bắc Tông.

Theo giới luật Tỳ Kheo, [03] thì vịêc hủy hoại, làm thương tổn, hay đầy đọa thân xác của mình đều là những việc Đức Phật không cho phép. Tự hủy họai thân xác tức là tự sát, là phạm giới luật, đi ngược lại giáo lý của đạo Phật về các phương diện: (1) ngăn trở nỗi ước muốn giải thoát, (2) bỏ mất cơ hội may mắn được làm người vì tái sanh làm thân người là điều rất khó và chỉ có loài người mới có nhiều khả năng để thành tựu sự nghiệp giải thoát khỏi khổ đau, sinh tử, luân hồi, (3) huỷ hoại tinh thần từ bi, bình đẳng và (4) tạo sự liên hệ lẫn nhau giữa nhân và quả trong hiện tại cũng như trong tương lai qua định luật duyên khởi.

Tự sát đề cập ở đây (giới luật) được hiểu là hành động do chán nản cuộc sống, chán nỗi khổ đau của thân tâm và thiếu nghị lực đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống cũng như đánh mất hy vọngniềm tin nơi chính mình. Nguyên nhân khác dẫn đến việc tự sát đối với những người tu hành là do thiếu công phu tu trì, không rõ đường đi của luật Nhân Quả, chưa chứng ngộ thực tướng của vạn pháp, mà chỉ hiểu một cách lệch lạc rằng sau khi tự sát sẽ được giải thóat. Ví dụ như thời đức Phật còn tại thế, có một số Tỳ kheo tu pháp bất tịnh quán, nên chán ngấy nỗi khổ của thân bèn tự sát [04].

Tuy nhiên, nếu một vị Tỳ kheo lấy công phu tu trì, chuyên tinh thiền định, đã nhiếp phục được tâm tham, sân, si, biết rõ đường đi của nhân qủa và biết rõ sau khi xả bỏ báo thân này sẽ không tiếp tục sinh thân khác thì không phạm lỗi, tức không vi phạm giới luật. Cả hai hệ kinh điển Pàli của Nam Tông và Sanskrit của Bắc Tông đều nhắc đến ba trường hợp tự sát như vậy của các Tỳ-kheo Xiển Đà (Channa), Bạt Ca Lê (Vakkali) và Cù Đề Ca (Godhika):

Trường hợp thứ nhất: Kinh Trung Bộ 144 [05] và kinh Tạp A Hàm 47 [06] kể rằng Tỳ kheo Xiển Đà (Channa) bị thân bệnh đau đớn, khổ sở, bức bách, khó chịu đựng nổi, nên muốn dùng dao tự sát. Được tin, Tôn giả Xá Lợi Phất cùng Tôn giả Ma Ha Câu Hi La đến thăm và xét hỏi Phật Pháp. Sau khi chất vấn về căn trần thức và vấn đề sanh tử, Tỳ kheo Xiển Đà, mặc dầu thân bệnh đau đớn nhưng vẫn trả lời thông suốt những câu hỏi của hai Ngài và vẫn tỏ ý muốn được kết liễu thân mạng. Sau đó Tỳ kheo Xiển Đà đã dùng dao tự kết liễu đời mình. Hai vị Tôn gỉa Xá Lợi PhấtMa Ha Câu Hi La không phản đối. Ngài Xá Lợi Phất bạch sự vụ lên Phật và được Ngài dạy rằng: “Như vậy, Xá-lợi-phất, thiện nam tử bằng chánh trí mà chân chánh khéo giải thoát, thì có nhà cung dưỡng, nhà thân hậu, nhà khéo nói năng. Này Xá-lợi-phất, Ta không nói người kia có lỗi lớn. Nếu có người nào bỏ thân này để rồi tiếp tục thân khác, Ta mới nói người đó có lỗi lớn. Nếu có người nào bỏ thân này rồi không tiếp tục thân khác, Ta không nói người đó có lỗi lớn. Do không có lỗi lớn, Xiển-đà đã dùng dao tự sát ở thôn Na-la trong rừng Am-la.”

Trường hợp thứ hai: Kinh Tương Ưng Bộ Tập 3 [07] và Kinh Tạp A Hàm quyển 47 [08] có kể Tỳ kheo Bạt Ca Lê (Vakkali) đau nặng nằm liệt giường, muốn được diện kiến đức Thế Tôn nhưng sức yếu không thể tự đi đến chỗ Thế Tôn được.
Thế Tôn được báo tin và đến thăm. Tỳ Kheo Bạt Ca Lê bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, thân con đau khổ quá chịu không nổi, muốn tìm dao tự sát, con không thích sống khổ. Sau khi Phật xét hỏi Phật Pháp và khai thị chỉ giáo cho Bạt Ca Lê, Ngài trở về trụ xứ. Tỳ Kheo Bạt Ca Lê hoan hỷ phụng mệnh và tư duy suốt đêm về giải thoát.
Sáng hôm sau một vị Tỳ kheo đại diện Phật đến vấn an Bạt Ca Lê và chuyển những lời thăm hỏi của Như Lai và lời của hai vị Thiên tử bạch với Phật đêm hôm trước đến với Bạt Ca Lê.
Sau khi nghe lại những lời của chư Thiên tử và lời Thế Tôn thọ ký, Bạt Ca Lê thưa với vị Tỳ Kheo sứ giả: “Tôn giả, Đại Sư khéo biết rõ điều cần biết, khéo thấy rõ điều cần thấy, hai vị Thiên kia cũng khéo biết rõ điều cần biết, khéo thấy rõ điều cần thấy. Nhưng hôm nay, tôi đối với sắc thân này là vô thường, quyết định không còn nghi ngờ. Vô thường là khổ, quyết định không còn nghi ngờ. Vô thường, khổ là pháp biến dịch, đối với chúng không gì đáng tham, không có gì đáng muốn, đã quyết định không còn nghi ngờ. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Nhưng hôm nay tôi bệnh tật đau đớn vẫn bám theo thân. Tôi dùng dao tự sát, không thích sống lâu.” Nói rồi liền cầm dao tự sát.
Vị Tỳ Kheo đại diện Phật trở về trình tự sự với đức Thế Tôn. Thế Tôn cùng các Tỳ-kheo đi đến tịnh xá Kim-Sư, chỗ thi thể của Bạt Ca Lê. Thế Tôn và các Tỳ Kheo thấy thi thể Bạt Ca Lê có sắc viễn ly và có bóng bao quanh vây lấy thân thể. Phật bảo các Tỳ-kheo: “Đó là(hiện) tượng của Ác ma đi quanh để tìm thần thức của thiện nam Bạt Ca Lê sẽ sanh về chỗ nào?” Sau đó Phật lại bảo các Tỳ-kheo: “Thiện nam tử Bạt Ca Lê, với thần thức không sở trú mà cầm dao tự sát.” (bản Sanskrit) “thiện nam tử Vakkali đã nhập Niết-bàn một cách hoàn toàn!”(bản Pali) và Thế Tôn vì Bạt-ca-lê nói lời thọ ký đệ nhất.

Trường hợp thứ ba: Kinh Tương Ưng Bộ Tập I [09] và kinh Tạp A Hàm quyển 39 [10] có kể Tỳ kheo Cù Đề Ca (Godhika) nỗ lực hành trì tu giải thoát, ngày đêm chuyên tinh thiền định, không màng đến tánh mạng. Sau một thời gian, Sư đạt đến cảnh giới Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nhưng vì quá nỗ lực với pháp môn quán niệm nên sức khỏe bị suy giảm: tứ chi mỏi mệt, khí lực hôn trầm; Sư sáu lần gia công thiền định nhưng vẫn không thành. Đến lần thứ bảy, Sư đạt được chánh định, thâm nhập cảnh giới Phi phi tưởng, nhưng chỉ nhất thời. Trong lúc xả thiền, Sư nghĩ: “Ta đã qua sáu lần phản thoái mới trở lại được, chớ để cho thoái chuyển lần thứ bảy. Ta hãy dùng dao tự sát không để cho thoái chuyển lần thứ bảy.” Thế rồi tự kết liễu thân mạng. Phật biết được liền cùng các Tỳ Kheo đến hang Đá đen bên sườn núi Tiên Nhân, thấy Tỳ-kheo Cù Đề Ca đã tự sát nằm trên đất, chung quanh thân thể bốc khói đen. Phật bảo các Tỳ-kheo: “Đó là ác Ma Ba-tuần ở bên thân thiện nam Cù Đề Ca đang quanh quẩn tìm thần thức; nhưng Tỳ-kheo Cù Đề Ca với tâm vô trụ mà cầm đao tự sát!”(bản Sanskrit) “Godhika đã nhập diệt, với thức không an trú ở đâu cả” (bản Pali)

Đó là ba trường hợp của ba vị Tỳ kheo tự sát xảy ra trong thời đức Phật. Theo kinh, cả ba vị Tỳ kheo đều là những vị tu sĩ thuộc hàng trưởng lão, chuyên cần tinh tấn thiền định và đều tự sát kết liễu thân mạng với “tâm vô trụ”, với “thức không an trú”. Các ngài đều biết rõ sau khi xả bỏ xác thân này là sẽ không tiếp tục sinh thân khác. Các ngài biết rõ đường đi của Nhân Quả. Các ngài đã đi với tâm vô trụ, với tâm bất sinh và vì thế, theo lời của đức Phật dạy, các Ngài đã không phạm lỗi và đã vào Niết Bàn.

Đối với Phật Giáo Bắc Tông hay còn gọi Phật Giáo Đại Thừa, chư Tăng Ni khi thọ Giới Tỳ Kheo thường tự nguyện thọ thêm giới Bồ Tát phát đại nguyện trên thì cầu Phật đạo vô thượng để giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, dưới thì phát nguyện độ thoát vô lượng chúng sinh để cùng thoát khỏi biển khổ sinh tử, có nghĩa là tự độ và độ tha, thậm chí sẵn sàng hy sinh cả thân mạng của mình để cứu giúp chúng sinh. Ngay cả Đức Phật Thích Ca, ở kiếp trước, khi còn tu hành đạo Bồ Tát, Ngài đã nhiều lần xả thân để cúng dường, hy sinh mạng sống của mình để cứu độ chúng sinh. Ví dụ như có một lần, khi còn là Thái tử Ma Ha Tát Đoả, trong một dịp đi vào rừng, Ngài thấy một con cọp đói vì thiếu thức ăn mà mấy con cọp con sắp chết đói, Người đã động lòng thương và thầm nghĩ rằng: “Ta phải tích cực hành động để tạo an lành cho kẻ khác. Phải rải tâm từ đến tất cả chúng sanh. Phục vụ những ai cần đến ta là nhiệm vụ trọng đại. Ta hãy hy sinh tấm thân ô trược nầy để cứu mạng sống cho cọp mẹ và năm cọp con. Do hành động xứng đáng nầy, mong rằng ta sẽ bước lần đến mức giác ngộ hoàn toàn, hầu cứu độ chúng sanh ra khỏi vòng luân hồi đau khổ. Ước mong tất cả chúng sanh đều an vụi hạnh phúc”. Nghĩ vậy Thái tử xả thân cho cọp mẹ ăn để cứu sống bầy cọp con đang sắp chết vì đói. [11]

Nói đến Phật giáo Bắc Tông, chúng ta không quên nói đến giới Bồ Tát hay còn gọi là giới Đại Thừa. Đối với giới này có tính cách tích cực, không những không làm những điều ác (Nhiếp Luật Pháp Giới) mà còn phải tích cực làm tất cả các thiện pháp nữa (Nhiếp Thiện Pháp Giới). Ngoài ra còn phải cứu độ chúng sinh (Nhiêu Ích Hữu Tình Giới). Một vị Tỳ Kheo có thể nói rằng tôi không giết cho nên tôi không phạm giới, nhưng đối với một vị Tỳ kheo đã thọ giới Bồ Tát thì nếu có cơ hội cứu một sinh vật mà mình không cứu tức là phạm giới. Bồ Tát sẵn sàng hy sinh tất cả các vật sở hữu quí báu nhất, cho đến ngay cả mạng sống của chính mình đi nữa cũng không tiếc. Trong kinh "Phạm Võng Bồ Tát Giới" giới điều thứ 16 có nói: "… Nhẫn đến xả thịt nơi thân mình cùng tay chân mà bố thí cho tất cả những cọp, sói, sư tử đói, cùng tất cả loài quỷ đói..” [12]

Cũng trong mười pháp Ba La Mật, trong Kinh Đại Bảo Tíchpháp Bố Thí Ba La Mật. Trong pháp này có Dana Paramatthaparami tức là hy sinh mạng sống của mình cho kẻ khác, để cứu một hay nhiều chúng sanh. Hy sinh mạng sống hay hy sinh một phần thân thể trong đó có việc đốt thân cúng dường hay dùng thân làm thực phẩm cho chúng sinh, hoặc để cứu giúp chúng sinh là một hình thức bố thí vĩ đại nhất, cao quý nhất.

Có người thắc mắc rằng, nếu như việc bố thí thân mạng như thế thì lấy ai mà giảng chánh pháp cho chúng sinh nữa. Xin thưa, với Bồ Tát là luôn luôn đi vào trong cuộc đời, hết đời nay qua đời khác, mà làm lợi ích cho chúng sinh, cho nên không có hạn cuộc thời gian. “Đại Thừa Bồ Tát không lấy thời gian, hạn cuộc nơi một thân. Nếu ở đời đó có chết đi, tức làm nhơn duyên cho đời sau để độ. Thuở xưa, đức Phật đã kết nhơn duyên đem thịt nơi thân để bố thí cho mấy người đói, nên khi thành Phật rồi nhờ nhân duyên đó mới độ được cho họ đắc pháp.” [13]

Trong kinh Đại Bảo Tích đức Phật nói rằng: Một bậc Bồ Tát đã thành tựu Vô Sinh Pháp Nhẫn (Anutpattidharma- ksànti) [14] thì phải luôn luôn sẵn sàng an trụ bố thí ba thứ: (1) bố thí cả cái ngôi vua của mình, (2) bố thí vợ và con cái của mình, (3) bố thí đầu mình, hai mắt mình, tay chân mình. Bố Thí như thế mới là Đại Thí. Kinh văn viết:

Lúc đại Bồ Tát thật hành Đàn na Ba la mật đa cứu độ chúng sanh, đại Bồ Tátchúng sanh mà làm thí chủ. Nếu có Sa Môn hay Bà La Môn đến cầu xin, Bồ Tát đều thí cho, cần ăn cho thức ăn, cần uống cho món uống, những vật ngon của lạ đều thí cho hết. Hoặc có người cầu xin y phục, xe cộ, hương hoa, giường ghế, chiếu mền, thuốc men, đèn đuốc, âm nhạc, tôi tớ, vàng bạc, châu báu, voi ngựa, rừng vườn, suối ao, trai gái, thê thiếp, kho tàng, hoặc có kẻ cầu xin đồn dùng của Luân Vương, hoặc cầu xin tay chưn, đầu mắt, máu thịt, xương tủy. Bồ Tát đều có thể vui mừng thí cho. Nầy Xá Lợi Phất! Nói tóm lại đại Bồ Tát thật hành đại thí chỉ thấy người đến cầu tất cả vật cần dùngthế gian đều thí cho cả.” [15]

Trong lịch sử đương đại Phật Giáo Việt Nam, một số chư Tăng Ni và Phật tử theo truyền thống Bắc Tông Phật Giáo, đã noi gương Thái tử Ma Ha Tát Đoả, tiền thân của đức Thích Ca Mâu Ni xả thân cứu độ chúng sinh. Thái tử xả thân mình cho cọp mẹ ăn để cứu sống đàn cọp con thơ dại, còn các Ngài chọn tự thiêu để làm bó đuốc soi đường cho chúng sinh đang đi trong đêm tối, nguyện cầu các nhà lãnh đạo đương thời tỉnh thức và mong chúng sinh sớm thoát khỏi cảnh vô minh đen tối.

botat-thichquangduc-01010010_0Trong các vị đó, nổi bật lên một vị Bồ Tát. Đó là Hoà Thượng Thích Quảng Đức, một điểm sáng chói ngời thể hiện tinh thần đại từ, đại bi, đại trí, đại dũng và đại thí. Hình ảnh Ngài ngồi kiết già uy nghi thiền định trong ánh lửa hồng vô cùng từ bi, vô cùng tráng lệ và không tiền khoáng hậu, cho đến nay vẫn là điều bất khả tư nghì.

Muốn có được một hình ảnh thiên thu tuyệt tác như thế, phải đòi hỏi, ngoài lòng can đảm và đức bi trí dũng mênh mông không bờ bến, Ngài còn phải trải qua quá trình tu luyện thiền định lâu dài.

Quả là như vậy, Bồ Tát Quảng Đức đã vừa nỗ lực tu hành vừa nỗ lực hoá đạo trong suốt 49 năm. Ngài đi khắp mọi miền đất nước, nơi nào có chúng sinh cần độ, ngài ở lại độ, rồi lại ra đi. Ngài đã xây dựng 49 ngôi già lam để Phật tửnơi nương tựa học Phật. Đến giai đoạn đen tối nhất của lịch sử Phật Giáo và của đất nước, Ngài đem thân xác còn lại của Ngài sử dụng thành ngọn đuốc soi sáng thế giới vô minh, hy vọng đánh thức lương tâm nhân loại và những người lãnh đạo cuộc chiến tương tàn đang hồi khốc liệt. Ngài thiêu thân vì pháp, vì tiền đồ nguy khốn của Phật giáo, vì tự dobình đẳng tôn giáo, không vì một ước muốn danh tiếng hay lợi lạc vật chất.

Do vì mục đích cao cả như thế nên trước khi từ giã cõi đời, Ngài đã soạn trước bản di chúc một cách “bình thản và kín đáo” [16]. Ngôn từ Ngài dùng đầy nét từ hoà khi viết di chúc để lại. Ngài nhắn nhủ với mọi người và ngay cả với người lãnh đạo miền Nam lúc bấy giờ với lòng từ ái, không một niềm sân hận hay oán trách. Ngài nói với Tổng thống miền Nam: “Tôi xin trân trọng kính gởi lời đến Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nên lấy lòng từ bi bác ái mà đối với quốc dân”... [17]

Nói tóm lại, theo giáo lý Phật giáo nói chung và giới luật Tỳ kheo nói riêng thì việc tự sát hay tự thiêu là phạm lỗi, có tội phước nhân quả rõ ràng, tuy nhiên cũng tuỳ trình độ tu chứng, có trình độ tu chứng cao như đã trình bày ở trên thì ngược lại. Ngoài ra, với Phật giáo Nam Tông việc giữ giới tướng hết sức quan trọng. Đối với Phật giáo Bắc Tông, tuy tôn trọng giới tướng, nhưng coi Tâm giới quan trọng hơn. Tất cả mọi hành động đều do sự chỉ đạo của Tâm, tất cả do Tâm tạo. Tâm thanh tịnh thì các pháp thanh tịnh, không có tội cấu. Trong kinh điển Bắc tông có nhiều thí dụ điển hình các vị Bồ Tát vì lợi ích chúng sinh mà làm những việc mà người thường cho là phạm lỗi, nhưng đối với các Bồ Tát đã biết Ngũ uẩn là Không thì làm gì có lỗi hay không lỗi, có tội hay không tội. Dù thấy việc cứu người mà phạm giới thì người có tâm hạnh Bồ Tát quyết tâm làm, chỉ mong sao cứu giúp được chúng sinh thoát khỏi cảnh khổ, thoát khỏi nỗi chết, còn riêng mình bị thiệt thòi, bị phạm lỗi hay bị mất mạng cũng chấp nhận. Bồ Tát Quảng Đức tự thiêu, nguyện đem thân xác còn lại làm bó đuốc soi sáng, mong chính quyền Tổng Thống Ngô Đình Diệm đừng kỳ thị tôn giáo, trả lại quyền tự do tôn giáo cho mọi người, là một tỷ dụ nói lên sự hy sinh cao cả, một sự bố thí vĩ đại, quên thân mình vì chúng sinh. Hành động tự thiêu của Ngài, dù nhìn qua nhãn quan Phật Giáo Nam Tông qua các kinh Trung BộTương Ưng Bộ, như trường hợp ba vị Tỳ kheo tự sát thời đức Phật, hay qua nhãn quan Phật Giáo Bắc Tông qua các kinh Phạm Võng, kinh Đại Bảo Tích, và kinh Hiền Ngu như trường hợp Thái tử Ma Ha Tát Đoả xả thân cứu cọp, cũng không có điều gì chống trái với pháp và luật Phật.

Tâm Diệu

Ghi Chú và Kinh Sách Dẫn Chiếu:

[01] Walpola Rahula, trong chương 11 nhan đề "Self-cremation in Mahayàna Buddhism" (trong quyển Zen and The Taming of the Bull, trang 111 - 114) nói về sự tự thiêu của Bồ Tát Quảng Đức: "Một hành động như thế đòi hỏi lòng can đảm mênh mông, đức tin, lòng quyết định, sự làm trong sạch nội tại, và tiến triển qua sự thiền định lâu dài và quả thực là một hành động anh hùng. Nhưng hành động ấy không thích ứng với giáo thuyết nguyên thủy thuần túy của Đức Phật, Bát Chánh Đạo, tức là Trung Đạo.." (trang 114)

[02] Nikkyò Niwano - Kòjirò Miyasaka - Bản Dịch Anh ngữ: Buddhism For Today: A modern Interpretation Of The Threefold Lotus Sutra, Kose Publishing Co. Tokyo-Việt dịch Cư Sĩ Trần Tuấn Mẫn, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam TP. HCM ấn hành 1997: “Ở Trung QuốcNhật Bản, đó là chưa kể ở Việt Nam, đã có nhiều trường hợp các tu sĩ Phật giáo tự thiêu và chết mà vẫn ngồi an nhiên trong lửa rực. Tuy nhiên, những thực hành như thế là trái với giáo lý Trung Đạođức Phật đã dạy và những thực hành này tự thân không đáng được ca ngợi..” (trang 694)

[03] Năm giới của Cư sĩ, mười giới của Sa Di, đến 250 giới của Tỳ kheo, 348 giới của Tỳ kheo ni , tất cả đều là Thanh Văn Giới. Bồ Tát Giới hay còn gọi là Đại Thừa Giới gồm 10 giới Trọng và 48 giới Khinh, bao gồm hai phần: có phần thì tác là phạm, có phần không tác cũng phạm, tức là cần phải làm, nếu không làm thì phạm (chỉ trìtác trì). Đối với Thanh Văn Giới có làm mới phạm (tác phạm).

[04] Thích Phước Sơn, Luật Ma Ha Tăng Kỳ Đại Tạng Số 1425 Hán dịch: Tam Tạng Phật Đà La người Thiên Trúc, cùng Samôn Pháp Hiển, đời Đông Tấn, Trung Quốc Việt dịch: Thích Phước Sơn - Chứng nghĩa: Thích Đỗng Minh Sài Gòn, Việt Nam, PL 2543 (TL 2000) http://www.thuvienhoasen.org/tangky04.htm
“Có trường hợp một nhóm Tỳ-kheo tự gây tai họa cho mình do phản ứng quá đà và tâm thần tán loạn. Đức Phật đã dạy chư Tỳ-kheo tại Vesàli về sự bất tịnh của thân cùng khuyến giáo chư vị quán thân vô thườngbất tịnh. Sau đó Ngài nhập thất để độc cư thiền định. Khi Ngài trở lại, Ngài kinh ngạc khi thấy số Tăng chúng địa phương ấy giảm sút. Tỳ-kheo Ànanda giải thích: nhiều Tỳ-kheo quá chán ngán bản thân sau khi đức Phật giảng Pháp, nên đã tự kết liễu đời mình! Đức Phật lập tức triệu tập một buổi họp chư Tăng và đề nghị chư vị thay đổi phương pháp bằng cách thực hành niệm hơi thở.”

[05] Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ Majjhima Nikàya Tập 3 Kinh số 144 - Kinh Giáo giới Channa, http://www.thuvienhoasen.org/u-trung144.htm
Thích Minh Châu, Kinh Tương Ưng Bộ Tập 3 Samyutta Nikàya, (Đoạn VIII) - Phật Lịch 2537 – 1993 http://www.thuvienhoasen.org/tu3-22e.htm

[06] Thích Đức Thắng, Kinh Tạp A-Hàm, Quyển 47 (Kinh 1266) Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Đà-La, Việt dịch: Thích Đức Thắng - Hiệu đính & Chú thích: Thích Tuệ Sỹ http://www.thuvienhoasen.org/kinhtapaham-47.htm

[07] Thích Minh Châu, Kinh Tương Ưng Bộ Tập 3 Samyutta Nikàya, (Đoạn V) Phật Lịch 2537 – 1993 http://www.thuvienhoasen.org/tu3-22e.htm

[08] Thích Đức Thắng, Kinh Tạp A-Hàm, Quyển 47 (Kinh 1265) Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Đà-La, Việt dịch: Thích Đức Thắng - Hiệu đính & Chú thích: Thích Tuệ Sỹ http://www.thuvienhoasen.org/kinhtapaham-47.htm

[09] Thích Minh Châu, Kinh Tương Ưng Bộ Tập 1 Phẩm 3 Samyutta Nikàya, Phật Lịch 2537 – 1993 http://www.thuvienhoasen.org/tu1-04.htm

[10] Thích Đức Thắng, Kinh Tạp A-Hàm, Quyển 39 (Kinh 1091) Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Đà-La, Việt dịch: Thích Đức Thắng - Hiệu đính & Chú thích: Thích Tuệ Sỹ http://www.thuvienhoasen.org/kinhtapaham-39.htm

[11] Thích Trung Quán, Kinh Hiền Ngu, http://www.thuvienhoasen.org/u-hienngu0.htm và Narada Maha Thera, Đức PhậtPhật Pháp, (Việt dịch Phạm Kim Khánh), trang 618: http://www.thuvienhoasen.org/ducphatvaphatphap-41.htm

[12] Thích Trí Tịnh, Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới, Phật Học Viện Quốc Tế 1985 (trang 28) http://www.thuvienhoasen.org/nghithuctunggioibotat.htm

[13] Thích Trí Tịnh, Kinh Phạm Võng Lược Giảng, Van Hien Study Group USA, 2000

[14] Tiếng Sanskrit gọi là anutpattika- dharmaksànti (nhận rằng không có cái gì được sinh ra cả). Trong Kinh Lăng Già ( Lavikàvatàra-sutrà ), chúng ta được giảng như vầy:

"Chư Bồ Tát Ma Ha Tát thấy rằng tất cả mọi sự vật, bên trong và bên ngoài, đều vượt qua ngôn thuyết, rằng không có cái gì được thấy như có tự tính, rằng không có gì được nhìn thấy như là được sinh ra, và khi cái tà kiến (nhận rằng thế gian có được sinh), lúc tà kiến này sẽ được biến mất thì chư Bồ Tát Ma Ha Tát sẽ tự tùy thuận theo sự thấy rằng sự vật đều có tự tính giống như ảo huyễn, vân vân, và đạt tới sự ưng thuận chấp nhận thoải mái rằng những sự vật và sự việc đều không được sinh".

[15] Thích Trí Tịnh, Kinh Đại Bảo Tích, Pháp Hội Bồ Tát Tạng thứ 12, Xuất bản: Ban Văn Hóa Thành Hội TP. Hồ Chí Minh 1999 http://www.thuvienhoasen.org/kinhdaibaotich-03-12-06.htm

[16] Thích Trí Quang, Ngọn Lửa Qủang Đức,
http://www.thuvienhoasen.org/qd-tuongniem-08.htm

[17] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập 3, Ch. 38, Nhà Xuất Bản Văn Học – Hà Nội 1979 http://www.thuvienhoasen.org/vnphatgiaosuluan3-38.htm




Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
18/09/2010(Xem: 46909)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.