30 NGÀY THIỀN QUÁN VIPASSANA (MASTER S.N GOENKA)
SỰ CHUẨN BỊ
Được tham dự một khóa thiền Vipassana 30 ngày trong những trung tâm thiền theo hệ thống của thiền sư Goenka là một niềm hạnh phúc lớn lao cho những nhà tu hành. Ngày xưa khóa thiền 30 ngày là khóa thiền mà thiền sinh có thể trở thành thiền sư phụ tá. Ngày nay khóa thiền 30 ngày là bước đầu tiên cho những thiền sinh muốn thực sự tu hành và tìm kiếm con đường giải thoát.
Những lớp tu thiền 10 ngày được thiền sư Goenka gọi là những lớp mẫu giáo của Vipassana là dành cho đại chúng, bất kỳ người nào có đủ trình độ nhận thức, theo bất kỳ tôn giáo nào hoặc thuộc chủng tộc nào đều có thể ghi danh tham dự một khóa thiền 10 ngày. Những kinh nghiệm trong khóa thiền Vipassana 10 ngày dù chưa sâu đậm lắm nhưng cũng vừa đủ để thiền sinh bắt đầu cảm nhận có một sự thực vi tế hiện hữu ngoài những sự thật thô thiển, bề ngoài. Thiền sinh thay đổi tư duy, sống một cuộc đời bình an hơn, tốt đẹp hơn, hài hòa hơn với gia đình và xã hội.
Một số thiền cũ tiếp tục thiền và tham gia phục vụ trong các trung tâm thiền. Cuộc sống và các quan hệ xã hội của họ ngày càng tốt hơn và họ cảm thấy rất hạnh phúc. Họ kinh nghiệm trong chính cuộc sống của mình nếu họ sống thuận theo luật tự nhiên thì Dhamma (tự nhiên) sẽ tưởng thưởng cho họ ngay bây giờ và tại đây. Do đó họ phát triển tín tâm giữ giới tu tập thiền định và thiền quán hàng ngày. Do những pāramīs (ba la mật) tích lũy trong quá khứ và sự phát triển của những pāramīs trong kiếp hiện tại mà họ đến với khóa thiền 30 ngày. Ngài Goenka nói là những thiền sinh cũ là những người đã từng tích lũy thiện nghiệp nhiều kiếp trong quá khứ, nay duyên lành đã trổ nên họ đến thiền để tiếp tục phát triển những ba la mật của họ. Một trong số họ cũng đã từng ngồi thiền với ngài trong những kiếp quá khứ.
Nếu bạn là người hướng về Phật pháp, thực sự muốn tu hành và muốn đạt được những thành quả tốt đẹp trong sự tu tập của mình thì nên thiền trong một trung tâm thiền của ngài Goenka. Thứ nhất là bạn không phải lo về ăn uống, tắm giặt, chỗ ngủ. Bạn sẽ không bị phân tâm và thiền liên lục 24/24 được. Thứ hai trong một trung tâm thiền Vipassana, bạn sẽ được bảo vệ bởi từ trường của Dhamma.
Bạn có thể ngồi thiền ở nhà, trong chùa hoặc trong rừng nhưng bạn sẽ bị phân tâm nhiều hơn và khó có thể tiến sâu vào đại định. Khi tiến sâu vào đại định bạn cần phải được cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu bạn vào đại định mà không được bảo vệ. Cũng như những nhà thợ lặn chuyện nghiệp khi họ lặn đến một độ sâu nhất định nào đó họ cần được bảo vệ. Họ phải trồi lên từ từ, từng bậc một, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Tương tự như vậy với Tâm. Tâm lắng xuống từ từ, từ ngày này qua ngày khác và chìm sâu vào Định. Do đó Tâm cần được bảo vệ nếu không tình trạng tẩu hỏa nhập ma có thể xảy ra.
Cũng như những chuyển du lịch xa, bạn cần được chuẩn bị. Những phi hành gia phải tập luyện hàng tháng trời để quen với môi trường không trọng lực trước khi họ được phóng vào vũ trụ. Những thợ lặn phải khổ luyện để xuống những độ sâu 10m, 20m rồi 50m. Những dân leo núi chuyên nghiệp phải tập luyện và trang bị đồ nghề cần thiết để đối phó với điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Tương tự như vậy để đến với khóa thiền 30 ngày bạn phải tập luyện thường xuyên và trang bị đồ nghề cần thiết để đạt tới tầng thiền này. Bạn phải ngồi thiền 2 tiếng mỗi ngày để thân và tâm bạn thường xuyên ở trong Định. Bạn tu tập tứ niệm xứ (Satipatthana) trong đời sống hàng ngày để thu nhiếp tâm và thuần hóa nó. Ngoài ra Ngài Goenka còn yêu cầu thiền sinh tham dự khóa 30 ngày phải giữ giới cực kỳ cẩn thận.
Mục đích của một khóa thiền 30 ngày là thanh tịnh hóa tâm ở tầng lớp sâu thẳm nhất. Làm sao bạn có thể tiếp cận sơ thiền, một tầng thiền mà tham sân si không còn hiện hữu, nếu tâm bạn còn đầy rác rưỡi? Làm sao bạn có thể đưa tâm một cách từ từ từ vững chắc tới tầng định này nếu tâm bạn không được thuần hóa? Vì thế cho nên những điều lệ khắt khe của khóa thiền 30 ngày đã được đặt ra là cho sự an toàn của các thiền sinh chứ không phải vì lợi ích của một cá nhân hay tổ chức nào đó. Cho nên nếu các bạn không tuân thủ luật lệ, bạn vẫn có thể tham dự một khóa 30 ngày nhưng bạn chẳng chứng đắc được gì đâu. Những thế giới huy hoàng đẹp đẽ của tâm chỉ mở ra cho một tâm cực kỳ trong sạch.
Vậy bạn xem xét lại là bạn có tập luyện thường xuyên không? Bạn đã trang bị đầy đủ hành trang (đồ nghề) chưa? Nếu bạn đã thật sự sẵn sàng thì mời bạn lên đường tham gia vào cuộc hành trình nội tâm của các thiền sinh Vipassana dưới sự hướng dẫn của Ngài Goenka.
Cũng như những khóa thiền 10 ngày và 20 ngày, bạn bắt đầu thiền Anapana. Bạn tập trung vào hơi thở trên môi trên. Bạn cố gắng thiền và tập trung vào hơi thở ra vào 24/24 ngày cũng như đêm. Sau 10 ngày thiền định thì Vipsassana được giảng dạy. Bạn chuyển sự chú ý của mình vào các cảm giác xảy ra trên cơ thể.
Tâm bạn lắng xuống từ từ. Hơi thở càng ngày càng trở nên nhẹ nhàng vi tế. Hiện tượng khinh an bắt đầu xuất hiện. Hỷ (pīti) xuất hiện làm tâm trở nên an lạc. Càng an lạc thì tâm lại càng định. Do công phu tập luyện 2 tiếng mỗi ngày mà tâm bạn đã được thuần hóa. Nhiều thiền sinh chỉ cần 5 phút là tiến vào định. Tâm họ ở trong tình trạng ổn định vững vàng (bất thoái chuyển). Nhiều thiền sinh có thể ngồi hàng giờ mà không cần chuyển đổi tư thế.
Tư tưởng càng ngày càng thưa thớt và không còn đủ sức mạnh để lôi kéo bạn. Hơi thở càng ngày càng ngắn lại và đến một lúc nào đó hơi thở dừng lại. Và thế giới của tâm sẽ được mở ra từng bước một. Bạn kinh nghiệm trực tiếp bản chất của tâm vốn trong sạch. Những tư tưởng không đầu không đuôi, không có trình tự hay logic nào đều không phải là của bạn hoặc là bạn. Những tư tưởng này nổi lên do nghiệp lực, nếu bạn không chống lại nó mà chỉ quan sát thì nó ở với bạn một lúc rồi đi. Nó không còn sức mạnh để khống chế bạn nữa. Bạn đã tách ra khỏi tâm và quan sát như một thực thể khách quan. Bạn không còn ảo vọng và bị tâm lừa dối. Bạn luôn tỉnh thức, biết tâm làm gì, muốn gì và tâm hoạt động ra sao.
Bạn quan sát tâm ngày cũng như đêm và thực chất của tâm hiển lộ từ từ để cho bạn quan sát nó.
Trời sinh ra cây mía và bản chất của mía là ngọt. Bản chất của trái khổ qua là đắng. Bản chất của nai, thỏ là hiền lành và ăn thực vật. Bản chất của cọp, sư tử là hung dữ, là động vật ăn thịt. Bản chất của chó là trung thành. Nói chung tâm của thực vật và động vật rất đơn giản, có thể hiểu được và quan sát được. Còn tâm con người thì cực kỳ khó hiểu khi vui khi buồn khi thiện khi ác không biết đâu mà lường. Tục ngữ Việt Nam có câu: họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm (vẽ hổ dễ, vẽ xương cốt khó; nhìn người chỉ thấy được bên ngoài, không thấy được tâm bên trong) để diễn giải sự phức tạp của tâm.
Tâm có rất nhiều tầng lớp và muôn mặt, khó có thể nhận diện đâu là tâm chủ. Mỗi một thời khắc tùy theo nghiệp lực tại thời điểm đó mà một tâm (trong số tâm đó) hiện lên kéo dài rồi biến mất nhường chỗ cho một tâm khác xuất hiện.
Để thuần hóa dã thú thường thường người ta bỏ đói chúng trong một thời gian dài, sau đó những huấn luyện viên bắt đầu dùng thức ăn để nhử chúng và dạy dỗ chúng từ từ. Chỉ khi nào bị bỏ đói thì dã thú mới hết lồng lộn, tuân phục và nghe lời. Tương tự như vậy với tâm. Khi chúng ta quán cảm giác và không phản ứng thì tâm bị bỏ đói, nó không có gì để ăn. Trước tiên nó vào phần dự trữ để dòng chảy của tâm thức được tiếp tục, sau đó nó tìm cách làm đầy lại phần dự trữ của nó bằng cách tạo ra các giấc mơ thật hãi hùng làm cho thiền sinh cực kỳ lo sợ. Tâm sân hận của họ bắt đầu phát sinh và phản ứng lại các giấc mơ này tạo ra thức ăn cho phần Vô thức. Nhiều người mơ tưởng lượm được rất nhiều tiền. Khi bạn bắt đầu thích thú và cúi nhặt tiền trong mơ là bạn đã không giữ giới và tạo điều kiện cho tâm tham phát triển.
Tương tự như vậy, các giấc mơ về tình dục xuất hiện dày đặc và nếu bạn là nam giới thì những mỹ nữ đẹp như thiên thần sẽ hiện ra để xúi dục bạn phạm giới. Điều đó giải thích tại sao những nam giới không quan hệ tình dục trong một thời gian dài hoặc các vị sư diệt dục thỉnh thoảng bị mộng tinh (xuất tinh trong mộng). Hiện tượng này cũng bình thường vì tâm làm đủ kiểu, đủ cách để làm đầy lại phần dự trữ của nó. Chỉ có vậy thôi.
KINH NGHIỆM VỀ GIỚI LUẬT:
Khi chúng ta là thiền sinh Vipassana (Goenka) thì giới luật được đưa lên hàng đầu. Những lời dạy dỗ cuối cùng của Đức Phật thật là thấm thía:
‘Này các đệ tử, sau khi Như Lai qua đời, các vị phải trân trọng, cung kính giới luật như kẻ nghèo hèn được giàu có, như kẻ đui mù được sáng mắt. Phải biết rằng giới luật là bậc Thầy tối thượng. Dẫu có sống thêm ở đời bao nhiêu năm nữa, Như Lai cũng không ngoài mục đích răn dạy các vị về giới luật ấy thôi.
Giới luật đó là căn bản, là gốc rễ của giải thoát. Nhờ giữ giới trang nghiêm, thiền định và trí tuệ phát sanh, có thể tiêu diệt sự đau khổ. Thế nên các vị hãy giữ gìn giới luật một cách trọn vẹn. Người giữ giới thanh tịnh sẽ nuôi lớn pháp lành. Người thiếu mất giới thì không thể phát sinh công đức.’
Tại sao Đức Phật lại đề cao và trân trọng giới luật đến như vậy?
Trong một khóa thiền 20 ngày các thiền sinh đã từng kinh nghiệm lửa tham sân si đốt cháy tâm mình như thế nào nên họ phát tâm trì giới.
Ở đây thiền sinh kinh nghiệm chẳng những giới luật là nền tảng để tu tập thiền định và phát triển trí tuệ về vô thường mà còn là một bức tường thành để ngăn chặn đau khổ phát sinh. Tham sân si nhân lên trong tâm không bao giờ ngừng và kéo chúng ta xuống những thế giới thấp kém hơn. Cho nên giới luật bảo vệ chúng ta không rơi vào những thế giới này. Năm giới căn bản là không sát sanh, không trộm cướp, không nói dối, không tà dâm và không sử dụng các chất gây nghiện (rượu, cồn, ma túy) là năm thành trì căn bản cuối cùng của thế giới con người. Nếu con đê này được bảo vệ chắc chắn thì nó sẽ là nền tảng của hòa bình, an lạc và phát triển lâu dài của thiền định và trí tuệ. Nếu con đê này không được bảo vệ một cách nghiêm túc và bị các dục vọng xói mòn thì không chóng thì chày bạn sẽ sa xuống những thế giới rất thấp kém và không còn cơ hội để tu hành giải thoát. Những thế giới đó là gì?
Khi bạn thiền ở khóa 30 ngày tâm bạn đã đủ định tĩnh và trong sáng để kinh nghiệm nhiều loại chấn động lực xảy ra trong thân và tâm của mình. Do luật “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” mà mỗi loại chấn động lực mà bạn kinh nghiệm sẽ tương ứng với 1 trong 31 thế giới mà Đức Phật đã đề cập đến.
Đầu tiên là bạn cảm nhận được những chấn động lực (vibration) thô thiển của những thế giới thấp kém. Những chấn động lực ngày càng trở nên vi tế và bạn kinh nghiệm những thế giới cao hơn.
Thế giới của chúng ta là thế giới vật chất, có ba chiều không gian và một chiều thời gian. Mỗi thế giới được tạo nên bằng năng lượng và độ rung (vibration). Các thế giới này đều riêng biệt và được chia ra. Muốn đi từ thế giới này sang thế giới khác, chúng ta cần phải có một số năng lượng nào đó. Chẳng hạn như chúng ta muốn đi ra khỏi trái đất và du hành một hành tinh nào đó, chúng ta cần một năng lượng để thắng sức hút của Trái Đất, sau đó chúng ta mới bay được và thăm viếng các hành tinh khác như sao Hoả, sao Mộc… Tương tự như vậy tâm ta phải đủ năng lượng của sự trong sạch để kinh nghiệm những thế giới này.
Trên phương diện vật chất, do năng lượng và độ rung, mà vật chất được hình thành. Nếu độ rung càng cao, năng lượng càng mạnh và vật chất đựơc tạo thành rất vi tế, bé nhỏ khó nhận biết, nếu độ rung thấp, vật chất được tạo nên sẽ thô thiển, mộc mạc.
Đi cùng với vật chất là tâm. Thân và Tâm gặp nhau tạo ra cảm giác cho chúng ta kinh nghiệm. Vật chất và tâm tạo ra sự sống, tạo ra thế giới. Cũng như vật chất, tâm có một từ trường riêng của nó và ảnh hưởng ra môi trường xung quanh. Khi chúng ta thiền chúng ta nhận ra tâm chỉ là tập hợp của tham sân si. Tâm bị sai khiến bởi những thói quen, những nghiệp lực tích tụ từ nhiều đời nhiều kiếp.
Mỗi một thời khắc, một tâm tương ứng trồi lên tìm kiếm và đòi hỏi thức ăn cho nó dưới dạng cảm giác. Nếu bạn vô minh và phản ứng với những cảm giác này thì vô tình bạn cung cấp thức ăn cho tâm và tâm này lại lặn xuống sâu hơn và nhường chỗ cho một tâm khác xuất hiện.
Thật là khủng khiếp khi bạn kinh nghiệm điều này. Nghiệp lực bảo phủ Tâm như một đám ký sinh trùng đen kịt trùng trùng lớp lớp và lúc nào đám ký sinh trùng này cũng trong tình trạng đói khát và đòi cung cấp thức ăn liên tục. Khi con ký sinh trùng này được thỏa mãn thì con khác lại trồi lên làm cho Tâm lúc nào cũng trong tình trạng đau khổ, bất an và bất toại nguyện.
Mỗi một thế giới có nhiều đắng cấp khác nhau và được ngự trị bởi những qui luật khác nhau.
Thế giới súc vật
Thế giới súc vật là một thế giới mà ta có thể thấy được bằng mắt. Có nhiều thế giới bé nhỏ hơn như thế giới của những siêu vi khuẩn, chúng ta cần phải có kính hiển vi hay sử dụng một số năng lượng nào đó mới thấy được.
Có những thế giới rất vi tế, rất trong sạch, có thể cảm nhận được bằng tâm mà chúng ta thường không thấy, không cảm nhận được vì lục căn của chúng ta không chính xác và bị hạn chế.
Sự thông minh và hiểu biết của súc vật rất thấp vì trong thế giới này Vô minh ngự trị. Chúng phần đông chỉ biết hành động và phản ứng theo bản năng, không có sự suy nghĩ và sáng tạo và bị định luật ‘cá lớn nuốt cá bé ngự trị’.
Nếu chúng ta phán xét định luật này theo tầm nhìn của con người, định luật này có vẻ rất tàn ác và khủng khiếp. Con nào mạnh thì sống, con nào yếu phải chết.
Nhưng nếu không có luật tự nhiên này, thế giới súc vật sẽ không tồn tại. Tại sao như vậy?
Cũng dễ hiểu thôi. Hãy nhìn thế giới của chúng ta, nước nào càng văn minh, luật lệ của họ càng bớt khắt khe vì dân trí của các nước này cao, nên họ tránh vi phạm luật. Luật lệ được đặt ra là để duy trì an ninh và trật tự trong thế giới mà họ đang sống.
Nhưng nước nào nền văn minh kém hơn, luật lệ sẽ khắc nghiệt hơn. Có những nước, án tử hình phải được duy trì vì nếu không sẽ bị loạn.
Thế giới súc vật là thế giới của vô minh, bị vô minh ngự trị. Vậy luật cá lớn nuốt cá bé là định luật dùng cho thế giới vô minh.
Thế giới của tham lam
Trong kinh Phật, thế giới này được gọi là thế giới ngạ quỉ, hay là quỉ đói. Cũng như súc vật có nhiều loại khác nhau, quỉ cũng có nhiều loại khác nhau. Thế giới này là thế giới của lòng tham.
Những chúng sanh ở trong thế giới con người hay ở trong những thế giới khác, lúc còn sống bị trụy lạc trong tham đắm, bị lòng tham ngự trị một cách quá lố. Lòng tham này nhân lên từ kiếp này của kiếp khác và dần dần che mờ hết lý trí của họ. Khi phước phần đã hết, họ sẽ bị rơi vào thế giới này do nghiệp lực của họ.
“Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Những người có lòng tham lúc chuyển kiếp sẽ cùng nhau tái sinh trong thế giới này, thế giới của ngạ quỉ, thế giới dành cho những tâm tham đắm hiện hữu chung với nhau. Do lòng tham, chấn động lực do họ tạo ra là cùng một loại và chấn động lực này tạo nên thế giới tham.
Trong thế giới của lòng tham, chúng sinh sống rất đói khổ vì chẳng ai đoái hoài đến ai, mà cũng chẳng ai cho ai gì cả vì họ đều tham như nhau. Họ bị trói buộc vào thế giới này do chính lòng tham của chính họ. Họ sống ở đây cho đến khi tâm của họ biến chuyển (cũng do luật vô thường), chấn động lực của họ sẽ thay đổi và họ được đi qua một thế giới khác khi nghiệp lực hết.
Thế giới của sân hận
Trong kinh phật, thế giới này được gọi là Atula (Asura yoni), thế giới của những người sân hận.
Những người này lúc còn sống, tâm sân hận của họ quá mạnh và lấn ác các tâm còn lại. Trải qua nhiều đời nhiều kiếp tâm sân hận này được nhân lên, phát triển và trở nên rất mạnh mẽ .Đến khi phước phần hết và quả đã chín muồi thì lúc chết đi, nghiệp lực kéo họ vào thế giới này. Thế giới này là thế giới của chiến tranh vì chúng sinh ở đây đều mang tâm sân hận, hễ có chuyện là họ đánh nhau ngay. Sống trong thế giới này quả thật là đau khổ vì họ không biết hoà bình an lạc là gì.
Họ bị trói buột vào thế giới này do chính lòng sân hận của chính họ. Họ sống ở đây cho đến khi tâm của họ biến chuyển (cũng do luật vô thường), chấn động lực của họ sẽ thay đổi và họ được đi qua một thế giới khác khi nghiệp lực hết.
Thế giới của con người
Là thế giới của tham sân si. Thế giới của chúng ta cao hơn ba thế giới vừa kể trên vì ở đây tham sân si yếu hơn và không hoàn toàn ngự trị. Tuỳ theo nghiệp lực của mỗi người, tham sân si sẽ yếu hay mạnh. Trong thế giới này con người có ý thức (conscience), có sự lựa chọn, thông minh và sự sáng tạo. Nhưng đừng quên rằng tham sân si yếu nhưng vẫn hiện hữu, nó chỉ chờ cơ hội, bạn không cảnh giác một chút, là nó kéo bạn xuống thế giới của nó ngay.
Ở trong thế giới này, con người thường tự hỏi ta từ đâu đến? Lý do nào ta lại được sinh ra? Ý nghĩa của cuộc sống là gì? ...
Tuy rằng pháp môn của Goenka chỉ chuyên về giải thoát mà không chuyên về thiền định nhưng nhiều thiền sinh do công phu thiền định của những kiếp quá khứ mà họ cũng đã đạt được những tầng định đầu tiên trong vòng 10 ngày thiền định của khóa 30 ngày. Điều này giúp họ nhớ lại những chi tiết khi họ còn trẻ 10 tuổi, năm tuổi rồi 2 tuổi. Có một số trường hợp đặc biệt, họ nhớ lại các tiền kiếp của mình. Họ nhận ra rằng họ đã lang thang trong vòng luân hồi đã rất lâu rồi mà không có lối thoát. Kiếp này tiếp tục kiếp kia mà tâm họ không có gì biến chuyển. Họ sinh ra và lớn lên nơi này, chết ở nơi kia. Đau khổ nối tiếp đau khổ. Nghiệp lực quá sâu dày và biến thành định mệnh mà họ không có cách gì thay đổi được (phần này sẽ được bàn sâu vào khóa thiền 45 ngày).
Trong thế giới con người, vì chúng ta vô minh, không biết đang bị tham sân si thống trị, nên chúng ta muốn nắm giữ và sở hữu, tưởng cái này là của ta, cái này là ta nên sinh ra đau khổ. May là thế giới của chúng ta có duyên với Phật pháp, nên nhiều vị Phật đã ra đời và giúp chúng ta hiểu định luật này.
Khi chúng ta thiền theo phương pháp mà Phật đã chỉ dạy, định luật này sẽ phơi bày một cách rõ ràng, Vô Minh (avijjā) sẽ không còn ngự trị chúng ta.
Qua quá trình thiền quán, bạn sẽ kinh nghiệm rằng có những lúc những nghiệp quá khứ đang trỗi lên rất mạnh bạo trên con người của bạn. Những nghiệp do sân gây ra tạo nên những cảm giác cứng ngắc, nóng nảy, đau đớn, khó chịu. Những nghiệp do tham gây ra tạo nên những cảm giác vi tế, dễ chịu.
Muốn rửa những nghiệp này, bạn không được phản ứng, vì nếu bạn phản ứng, nghiệp lực này sẽ càng được nhân lên cho đến khi nó đủ mạnh để kéo bạn xuống tầng địa ngục của nó. Thật là khủng khiếp khi bạn kinh nghiệm được điều này khi bạn thiền quán. Do vậy khi kinh nghiệm những cảm giác này trên người, bạn hãy thư giãn, giữ cho đầu óc bạn được quân bình .
Hãy quan sát những cảm giác này một cách tỉ mỉ và không đồng hoá bạn với chúng. Giữ thân thể của bạn bất động, vì nếu bạn nhúc nhích khi bạn đang thiền nghĩa là bạn đang phản ứng. Hãy giữ chánh niệm và sự quân bình của tâm, không phản ứng và quan sát những cảm giác trên người bạn một cách khách quan và trung thực. Không phán đoán, không chê bỏ, không tham lam. Rồi từ từ những cảm giác này sẽ yếu dần đi và biến mất. Chấn động lực của những thế giới thấp kém không còn ảnh hưởng bạn được nữa. Bạn được giải thoát và tiến lên những thế giới cao hơn.
Đức Phật đã ca khúc khải hoàn đễ diễn tả sự chiến thắng và giải thoát này như sau:
“Ta thênh thang đi mãi trên con đường vô định của luân hồi Ta tìm mãi mà không gặp người thợ xây cái nhà này Này người thợ làm nhà, ta đã tìm được ngươi Từ đây, ngươi không còn cất nhà cho ta được nữa Tất cả nguyên liệu mà ngươi dùng để xây nhà đã bị phá tan. Ta đã rửa sạch mọi nghiệp chướng và giải thoát.“Các thế giới khác:
Tất cả các thế giới đều được ngăn cách bởi một tầng năng lượng (gap d”energie). Nghĩa là khi bạn muốn đi từ thế giới này sang thế giới kia, bạn phải tu tập để có đủ năng lượng (lớn hơn gap d’energie) để vượt lên một thế giới cao hơn.
Chẳng hạn muốn rời bỏ địa cầu để lên một hành tinh khác, phi thuyền phải có đủ năng lượng để vượt qua sức hút của Trái Đất.
Cũng như vậy, bạn đang ở đẳng cấp con người (ngay con người cũng đã có nhiều đẳng cấp khác nhau, người thì hung dữ, kẻ thì tham lam, lại có người giàu lòng vị tha, …). Bạn đang ở tầng năng lượng số 4, bạn muốn lên đẳng cấp số 5 là cõi trời Tứ đại Thiên vương, bạn phải tu hành, làm phước. Khi năng lượng đã được đầy đủ, nó giúp bạn vượt qua gap d’energie và tái sanh trong cõi trời này. Trong cõi trời này, bạn tiếp tục tu hành để tiến lên đẳng cấp cao hơn.
Thông thường muốn nhảy lên một đẳng cấp cao hơn đòi hỏi một sự tu hành bền bỉ qua nhiều đời, nhiều kiếp.
Đi lên là chuyện khó, nhưng rớt xuống là chuyện rất dễ. Chỉ cần chúng ta không cảnh giác, là vô minh, tham sân si chiếm chỗ ngay. Sự thu hút của những tầng chấn động lực thấp kém này rất mạnh. Nó không ngừng lôi kéo chúng ta, nên Phật nói làm kiếp người rất khó. Chúng ta luôn bị vô minh và tham sân si cám dỗ và kéo chúng ta xuống những đẳng cấp thấp kém hơn. Nhưng cũng không có nghĩa là nếu bạn làm ác thì kiếp sau bạn sẽ bị rớt xuống Địa ngục liền như trong kinh điển tả đâu. Nếu bạn không giữ giới nghiêm túc thì đẳng cấp của bạn bị thoái hóa từ từ, từ kiếp này sang kiếp khác cho đến khi Ý thức của bạn bị hoàn toàn lấn át và ngự trị bởi Tham sân si thì bạn mới rơi vào một trong ba thế giới kể trên.
Khi chúng ta bắt đầu thiền quán, chúng ta kinh ngiệm những đẳng cấp thấp trước. Khi tập luyện lâu dài, tâm của chúng ta sẽ trở nên trong sạch và ta có thể chứng ngộ những đẳng cấp cao hơn.
Lúc tâm chúng ta định, chúng ta có thể kinh nghiệm những thế giới này qua những chấn động lực mà những thế giới này tạo ra dưới dạng ánh sáng hoặc âm thanh. Khi thiền các bạn phải coi chừng những ánh sáng hoặc âm thanh này, tại vì lúc bắt đầu thiền, đẳng cấp của bạn chưa cao, nên những gì mà bạn chứng nghiệm đều rất là thấp. Đừng chạy theo những âm thanh hoặc ánh sáng này rất là nguy hiểm. Hãy tiếp tục tu theo đường lối của Phật đã chỉ trong kinh Tứ niệm xứ: thiền theo hơi thở để đi vào định. Sau khi định, dùng tâm định tĩnh để cảm nhận tất cả những cảm giác lạc thọ và khổ thọ đang xảy ra trên người bạn. Nhận biết chúng là vô thường, nên bạn xả bỏ và giải thoát. Đừng để ý đến những gì khác ngoài cảm giác và tư tưởng của bạn, nếu không bạn sẽ đi sai đường.
Thế giới của Đức Phật A di đà
A di đà nghĩa là vô lượng quang, vô lượng thọ. Thế giới này là thế giới của ánh sáng trong sạch, thuần khiết và vô lượng. Nó thật là đẹp đẽ, huy hoàng và tráng lệ nhưng không phải bằng vàng, ngọc hoặc pha lê hoặc có người sống ở đó như kinh điển ghi chép đâu. Thật ra con người không thể sống ở đất nước của đức Phật A di đà vì sẽ bị đốt cháy ngay do năng lượng của ánh sáng phát ra ở đây quá lớn. Những thiên thể (tạm gọi là các vị Bồ tát) ở đây chỉ là ánh sáng thuần khiết do tâm họ hoàn toàn trong sạch. Những chấn động lực của những thiên thể này khó nghĩ bàn, vì nó quá lớn.
Đức Phật Gotama (Phật Thích Ca) đã tả lại thế giới này như sau: ta là giáo chủ của 10.000 (mười ngàn) tiểu thiên thế giới, nghĩa là ánh sáng do đức Phật Gotama (Phật Thích Ca) toả ra bao trùm 10.000 tiểu thiên thế giới. Nói một cách khác, chấn động lực hay là từ trường của ngài xuyên thủng qua 10.000 thế giới này.
Còn đức Phật A di đà là Giáo chủ của 10.000 (mười ngàn) đại thiên thế giới. Mỗi đại thiên thế giới là 10.000 tiểu thiên thế giới (10.000 đại thiên thế giới = 10.000 x 10.000 tiêu thiên thế giới = 100.000.000 tiểu thiên thế giới). Chấn động lực của ngài phát ra quả thật là kinh khủng, không có gì có thể đo lường được, vì vậy người ta kêu ngài là Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ Phật, là A di đà Phật. Những nhà tu hành, giữ giới cực kỳ cẩn thận, tu theo pháp môn tịnh độ hoặc những thiền sinh tu thiền Vipassana đều có thể thể cảm nghiệm được ánh sáng này.
Nhờ công phu thiền quán, các bạn có đủ lực lượng để cảm nghiệm những thế giới vi tế này. Các bạn hiểu ra rằng niệm Phật là bước đầu giúp bạn tĩnh tâm, nó là một công cụ rất tốt. Nhiệm vụ của chúng ta là tiếp tục bước những bước tiếp theo, hành thiền để thanh lọc tâm. Khi tâm của chúng ta trong sạch, tự nhiên nó kinh nghiệm được những thế giới vi tế này. Điều quan trọng là bạn niệm hồng danh của Đức Phật A di đà như một phương pháp tĩnh tâm nhưng không phát tâm cầu mong sinh về Thế Giới của Ngài vì nếu làm vậy, các bạn đang làm tăng trưởng lòng tham của mình. Khi lòng tham nổi dậy, tâm của bạn sẽ bị vẫn đục, bạn sẽ không thể kinh nghiệm được những thế giới này khi tâm bạn bị lòng mong cầu ngự trị làm mất đi sự quân bình và sáng suốt.
KINH NGHIỆM VỀ LUẬT NHÂN QUẢ
Tóm lại thiền sinh Vipassana (Goenka) hiểu một cách thấu đáo qua kinh nghiệm thiền quán trực tiếp của mình tại sao giới luật lại cực kỳ quan trọng và chúng ta phải bảo vệ nó ngay cả khi chúng ta phải đánh đổi bằng mạng sống của mình. Giới luật là thành trì cuối cùng của đẳng cấp con người. Không giữ giới luật bạn sẽ mất tất cả. Giữ vững giới luật thì đẳng cấp của bạn được thăng hoa và những thế giới huy hoàng, tráng lệ sẽ lần lượt xuất hiện cho bạn kinh nghiệm như một món quà của Dhamma. Bạn kinh nghiệm rằng nếu giới luật bị xâm phạm thì cánh cửa địa ngục ngày càng mở rộng và bạn chắc chắc sẽ bị rơi xuống.
Bạn nhớ lại một vài kiếp hoặc nhiều tiền kiếp của mình. Bạn biết rõ một cách chính xác tại sao kiếp này bạn bị tai nạn này hoặc hậu quả kia. Bạn thấy rõ những thành công này hoặc chiến thắng nọ trong kiếp này là do một số ba la mật mà bạn đã tích lũy trong quá khứ. Bạn kinh nghiệm được luật nhân quả qua chính kinh nghiệm thiền quán của mình mà không phải qua sách vỡ. Lòng tin của bạn vào Phật pháp bây giờ thật là vững chắc. Bạn nhìn ra tâm mình và thấy nó luân hồi ra sao. Bạn hiểu rõ vì sao Đức Phật nói là Tâm vô thường và không có thực thể. Nó không có thực thể vì nó không phải là một thứ gì đồng nhất mà là một tập hợp tạp nhạp của những tâm khác nhau. Nó được hình thành do nghiệp lực và hành động mù quáng theo những thói quen tích tụ sẵn có. Nó không nghe lời bạn và không tuân thủ theo một luật lệ nào. Nó luôn thay đổi, trôi chảy vô thường.
Bạn cũng hiểu vì sao Thiên chúa giáo lại chủ trương có một linh hồn vĩnh cữu. Nếu chúng ta coi tâm này như một linh hồn đầu thai từ kiếp này sang kiếp khác thì thật tình nó vĩnh cữu thật. Cái khác biệt ở đây là tâm đi đầu thai khác tâm ở kiếp trước do nó đã đã tích lũy thêm một số nghiệp mới. Cho nên nếu chúng ta nói tâm là vĩnh hằng cũng đúng mà tâm là vô thường cũng đúng.
Mục đích của Tâm là tiếp tục trôi chảy, sống còn và hiện hữu bằng cách ép buộc, đòi hỏi thân phục vụ liên tục thức ăn tham sân si cho nó. Chúng ta vô minh nên chúng ta không nhận ra thực sự về Tâm, chúng ta hành động bất kể luân thường đạo lý để phục vụ cho nó và lầm tưởng nó là mình. Chúng ta là nô lệ mà chúng ta không biết vì bẫy của Tâm giăng ra quá tinh vi, quá hiểm độc.
Pháp môn của Ngài Goenka là “pháp môn bỏ đói Tâm”. Khi chúng ta tu tập pháp môn này thì tâm mới chịu xuất đầu lộ diện, nhe nanh múa vuốt làm đủ cách để chúng ta tiếp tục cung cấp thức ăn cho nó. Đây là lần đầu tiên bạn nhận ra bản chất thật của Tâm và kinh nghiệm rằng Tâm không phải là mình và mình chỉ là nô lệ cho Tâm. Bạn chỉ là một con rối không hơn không kém, chỉ chờ Tâm giật giây, bấm nút thì bạn lại hành động một cách máy móc theo mệnh lệnh của Tâm. Bạn chỉ là một con robot, một người máy thông minh mà thôi .
Cho dầu bạn là một nhà thông thái và hiểu biết rất sâu rộng về Tâm, bạn có tài diễn thuyết thao thao bất tuyệt và biết có bao nhiêu loại Tâm tất cả, hoặc là bạn trì giới, tu tập thiền định và đạt rất nhiều thần thông, hay là bạn chuyên gia thiền về pháp môn Niệm Tâm và nhận ra nó không phải là mình thì bạn cũng chỉ thay đổi được bề mặt của Tâm và không gây ảnh hưởng gì được tới Tâm chìm sâu trong phần Vô Thức này. Tâm Vô Thức này không sợ bất cứ thứ gì trừ khi chúng ta tu hành theo pháp môn Goenka và bỏ đói nó. Đó là kinh nghiệm mà các thiền sinh Goenka chứng ngộ được. Chỉ khi nào Tâm bị bỏ đói liên tục thì nó mới xuất đầu lộ diện để cho bạn kinh nghiệm và chỉ có lúc đó thì bạn mới mất đi ảo tưởng tâm đó là mình, mình là chủ. Tâm rất sợ hãi khi bạn tu tập theo pháp môn này và tìm mọi cách xúi dục bạn để bạn ngừng tu tập hoặc theo một pháp môn khác. Ma vương (Māra) là kẻ nhút nhát, chỉ hành động trong bóng tối nên rất sợ hãi khi chúng ta nhận diện được nó, không tuân theo lệnh của nó và bỏ đói nó.
Mỗi khi một ý tưởng bất thiện hoặc một cảm giác nổi lên bạn chỉ cần nhìn thẳng vào nó và nói thầm: Ma vương (Māra) ta đã nhìn thấy mi thì ma vương sẽ biến mất .
Nhiều trường phái quan niệm “Kiến tánh thành phật”, hoặc Đại Giác ngộ: ‘Satori’ là đắc quả. Không có chuyện đó đâu. Nhìn ra tâm chỉ mới là bước đầu trên con đường tu tập mặc dù trình độ này là một trình độ khá cao đòi hỏi nhiều năm công phu tập luyện.
PHẦN KẾT
Khi trở thành người quan sát và nhận ra bản chất thật của Tâm, biết nó không phải là mình thì bạn sẽ không còn than thân trách phận vì bạn đã hiểu rõ nhân nào thì quả đó. Do giữ giới nghiêm túc và thuần hóa tâm bằng cách thiền 2 tiếng mỗi ngày nên những thiền sinh Vipassan (Goenka) đã phát huy định lực của mình trong một khóa 30 ngày. Nhờ định lực này mà thiền sinh có thể duy trì sự quan sát liên tục hiện tượng vô thường sinh ra và diệt đi của các cảm giác hạnh phúc hoặc khổ đau (lạc thọ hoặc khổ thọ). Thiền sinh phát triển trí tuệ khi chứng ngộ hiện tượng vô thường của các cảm giác trên thân và bản chất của Tâm. Tất cả những gì phát sinh trong Tâm đều đi cùng với một cảm giác trên cơ thể. Đức Phật đã khẳng định như vậy và thiền sinh cũng kinh nghiệm được điều này thông qua việc thiền quán của họ. Khi đang quan sát các cảm giác trên cơ thể là thiền sinh đang theo dõi tâm mình một cách trực tiếp .
Vậy trì giới giúp định lực phát sinh. Định làm phát triển trí tuệ (paññā) về vô thường (anicca) thông qua kinh nghiệm cảm nhận được sự thay đổi cực kỳ mau lẹ của của các cảm giác vi tế. Phật đã dạy: trong các Pháp, quán vô thường là hơn tất cả. Thiền sinh Vipassana (Goenka) hiểu rằng Quán ở đây không phải là suy luận, chiêm nghiệm hoặc tụng niệm về Vô thường (anicca). Trí tuệ đạt được ở đây mà Đức Phật đề cập đến là trí tuệ phát sinh do kinh nghiệm trực tiếp từ Thiền quán. Với tâm định tỉnh, trong sạch, quân bình và được thuần hóa mà thiền sinh kinh nghiệm được những sự thay đổi cực kỳ mau lẹ và vi tế của các cảm giác. Sự thay đổi liên tục của các cảm giác này tương ứng với những thay đổi cực kỳ chớp nhoáng của Tâm vô thức. Thiền sinh bắt kịp sự thay đổi của Tâm muôn hình vạn trạng và không còn đồng hóa mình với nó. Thiền sinh có khả năng tách khỏi Tâm vô thức, quan sát tâm này và bắt đầu thoát khỏi tình trạng làm nô lệ cho Tâm.
Thiền sinh biết họ từ đâu đến vì họ đã thực tình kinh nghiệm rằng mọi hiên tượng đều do Tâm tạo ra. Tất cả đau khổ đều bắt nguồn từ Tâm này và họ biết tại sao họ vẫn mãi trôi nỗi trong luân hồi.
Thiền sinh Vipassana (Goenka) không còn một chút nghi ngờ nào vào Giáo pháp do Đức Phật giảng dạy vì họ đã thực sự kinh nghiệm được Giới - Định - Tuệ (Sīla – Samādhi – Paññā) thông qua việc Thiền Quán của mình. Thiền sinh kinh nghiệm một cách rõ ràng những gì Đức Phật đã giảng dạy và những gì Ngài đã trải qua. Thiền sinh phát lòng tri ân sâu xa Đức Phật đã rủ lòng từ bi và thương xót để lại tấm bản đồ chỉ đường một cách cực kỳ tường tận.
Tứ Diệu Đế, Bát chánh đạo, Thập nhị Nhân duyên, Ba mươi bảy phẩm trợ đạo được giảng dạy đều phát sinh từ kinh nghiệm trực tiếp qua việc thiền quán của Đức Phật chứ không phải qua lý thuyết. Và Phật đã giảng dạy các điều này vì Ngài muốn các bạn thực tập như Ngài, kinh nghiệm những khó khăn mà Ngài đã trải qua. Ngài đã tả lại các kinh nghiệm hành thiền của Ngài một cách rất chi tiết để giúp đỡ bạn khỏi các ma chướng mà bạn gặp phải khi hành thiền.
Do đó khi bạn hành thiền theo pháp môn Goenka, bạn cực kỳ xúc động vì bạn có cảm tưởng là các lời khuyên của Đức Phật là dành riêng cho chính mình .
Cầu cho tất cả mọi người kinh nghiệm được Tâm mình và thoát khỏi sự nô lệ.
Cầu mong cho mọi người được hạnh phúc và an lạc trên con đường Giới - Định - Tuệ
Kỳ tới: PHẦN 2: ĐỊNH và thần thông trong khóa thiền 30 ngày theo pháp môn Goenka
XEM BÀI TRƯỚC
●
KINH NGHIỆM TU TẬP THIỀN TỨ NIỆM XỨ THEO PHÁP MÔN CỦA NGÀI S.N GOENKA
●
KINH NGHIỆM TU TẬP KHÓA THIỀN 20 NGÀY THEO PHÁP MÔN CỦA NGÀI S.N. GOENKA