HÀNH TRÌNH TÌM TỰ DO
HỒI ỨC CỦA MỘT NGƯỜI SUỐT ĐỜI KIẾM TÌM TỰ DO
Nguyễn Văn Hòa
CHƯƠNG 2
VƯỢT THOÁT VÙNG VIỆT MINH NĂM 1954
ĐẾN ĐIỂM HẸN
Mãi đến xế chiều chúng tôi mới tới được điểm hẹn là một nhà trọ và cũng là quán ăn gần trạm ga ngừng bên đường xe hỏa đi Hải Phòng, thuộc địa phận tỉnh Hải Dương. Xem bản đồ thì vị trí này nằm trong ranh giới được phân chia tạm thời giữa hai vùng quốc gia và Việt Minh khi Hà Nội đã được tiếp thu và Hải Phòng chưa được giao trả.
Vì quán ăn chỉ cách nhà ga xe hỏa khoảng chưa đầy 100 mét lại nằm trong vùng hỗn hợp nên khá đông người thuộc đủ thành phần lui tới, người buôn bán, kẻ cầy ruộng thuê mướn, người thích Pháp, kẻ thích Việt Minh, người hớn hở về Hà Nội, kẻ nặng trữu tâm tư đi Hải Phòng vào Nam.
Vì hãy còn nằm trong khu do Việt Minh kiểm soát, không biết rõ ai là bạn, ai là địch, nên thầy me tôi ra dấu hiệu cho chúng tôi là khi anh chị em gặp nhau, chỉ nhìn nhau bằng ánh mắt mà không được mừng rỡ nhận nhau.
Có một điều khó khăn cuối cùng phải kể trong cuộc trốn thoát là trước khi lên tầu hỏa, là ga này được kiểm soát bởi cả hai bên quốc gia và Việt Minh, nên việc kiểm tra khám xét rất gắt gao, nhất là phía Việt Minh. Những người đi Hải Phòng tức về vùng “địch” đều bị người Việt Minh lục xét tỉ mỉ. Chúng rà soát thân thể và hàng hóa để truy tìm vàng bạc và tiền mặt tức tiền Ngân Hàng Đông Dương để tịch thu, chỉ cho phép người dân đi tay không mà thôi. Về sau, thầy me tôi kể có người bị lột sạch hết vàng và tiền nên đã khổ sở quay về, không dám lên tầu hỏa đi Hải Phòng vào Nam khi chỉ có hai bàn tay trắng.
Chúng tôi không biết bằng cách nào mà thầy me tôi qua trót lọt trạm kiểm soát với ít tiền Đông Dương vừa đủ để xoay sở trong những ngày tháng đầu đặt chân đến Sài Gòn. Tôi cũng không tò mò hỏi chuyện này nhưng tôi đoán là tiền Đông Dương Ngân Hàng được ông bà dấu trong những bó cơm nắm muối vùng hay dưới đáy guốc.
Thế là cả gia đình được lên tầu. Lần đầu tiên, đi xe hỏa tôi cảm thấy rất thích thú nhất là khi nhìn ra cảnh vật bên ngoài cứ chạy thụt lùi mà không biết tại sao phong cảnh lại chạy lùi như thế. Và cứ nhìn mãi cho đến khi xe hỏa vào đến thành phố. Theo Hiệp Định Geneve, Hải Phòng được chính quyền Quốc Gia và Pháp cai trị thêm 300 ngày trước khi trao lại cho Việt Minh. Nhà ga xe hỏa Đỗ Xá thuộc địa bàn tỉnh Hải Dương là ranh giới hai bên quốc gia và Việt Minh tức giữa đường Hà Nội và Hải Phòng (hai thành phố cách nhau khoảng 100 cây số).