[PHÁ HỦY TÀ KIẾN NGÀN NĂM]
KỲ 1 - CĂN BỆNH BÁT NHÃ
Trong bài viết này, tôi sẽ làm sáng tỏ tất cả những quan điểm, những giọng lưỡi của ngoại đạo đã phá hoại Phật pháp hàng ngàn năm qua như thế nào.
Trước hết, chúng ta hãy bắt đầu từ lời dạy của Đức Phật Phổ Hiền[1]:
"Hô! Vạn pháp - Hiện tướng và hiện hữu, luân hồi và niết bàn - tuy cùng một Bản Tâm, nhưng có hai con đường và hai kết quả, rốt ráo được hiển bày một cách nhiệm màu qua sự Tỉnh Giác hoặc không tỉnh giác....
Nhận thức được như vậy, bạn là một vị Phật. Không nhận thức được vậy, bạn là chúng sanh lang thang trong luân hồi. Ta nguyện tất cả chúng sanh trong tam giới nhận rõ thật nghĩa của Bản Tâm không thể nghĩ bàn."
Để nhận thức đúng về Bát Nhã, không nên hiểu Sinh tử và Niết bàn là một, mà nên hiểu Sinh tử và Niết bàn có cùng một bản TÂM, nhưng là hai con đường khác nhau. Nếu mê lầm thì ở trong Sinh tử, nếu tỉnh giác thì ở Niết bàn; chúng hoàn toàn khác nhau, một cái là MÊ và một cái là TỈNH.
Khi đang mê, chúng ta thấy bất cứ thứ gì trong thế giới luân hồi cũng là thật, giống như kẻ ở trong giấc mộng, cảnh nào trong mộng cũng sống động, cũng tồn tại như thật; nhưng bản chất của mộng là không thật có, sở dĩ giấc mộng tồn tại vì mê lầm, còn khi tỉnh thì giấc mơ sẽ biến mất.
Vì vậy đối với hành giả đã giác ngộ được Phật quả, đạt được sự tỉnh giác hoàn toàn và chứng Niết bàn, hành giả sẽ thấy tất cả hiện tướng của Luân hồi là không có thật, vì khi đó, bạn là sự thật của chính Bản Tâm của bạn.
Nếu cho rằng, Sinh tử và Niết bàn là một, và chúng ta đang sống ở đời sống luân hồi này là Niết bàn, vậy Đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn để làm gì, Chư Phật nhập Niết bàn để làm gì?
Nếu ngay đây là Niết bàn, nếu Sinh tử và Niết bàn là một, thì Đức Phật chẳng cần phải nhập Niết bàn, ngài sẽ dạy cho chúng sanh cách sống Bất tử luôn ở tại đây, cách sống làm sao mà cái sắc thân của Luân hồi này nó không bao giờ chết nữa.
Đức Phật đã dạy chúng ta vô số điều quý giá, dạy chúng ta cách làm sao để thoát khỏi niệm mê lầm này, giải thoát khỏi giấc mộng Luân hồi này để thấy được sự thật. Chứ không phải để chúng ta suy diễn ra, sự thật là như thế này, Bát nhã là như thế kia.
Cho nên, Bát nhã chỉ dành cho người nào đã nhập được Vô dư y Niết bàn, đạt sự Tỉnh giác hoàn toàn mới có thể thuyết về Bát nhã. Để chiến thắng được niệm mê lầm và phá tan được ảo tưởng Luân hồi này, không phải cứ suy diễn, suy nghĩ về Bát nhã mà chúng ta phải có định lực, phải đạt được Chánh Định, rồi từ Chánh Định phải đạt được Vô Niệm.
Tại sao gọi là Vô Niệm?
Vô Niệm không phải là không có ý niệm, không có suy nghĩ. Mà Vô Niệm tức là chúng ta phải ngăn chặn, không cho ý niệm kịp rơi vào tiến trình của Sắc - Thọ - Tưởng - Hành - Thức. Cho nên Vô Niệm hay còn gọi là Diệt Thọ Tưởng Định mà Đức Phật nhắc đến trong Kinh Nguyên thủy.
Khi hành giả Diệt được Thọ Tưởng Định, thì hành giả mới thể nhập Niết bàn. Chứ không phải cứ sống trong Luân hồi của ảo tưởng rồi cho rằng Niết bàn là ngay đây. Hay còn có tư tưởng cho rằng "Ta với vũ trụ là một", hiểu như thế thì đúng nhưng lại không đủ, rơi vào cảnh giới Đại ngã, vì mặc nhiên cho rằng vũ trụ này là Thật có; hiểu đầy đủ phải là "Ta với vũ trụ là một, nhưng là cùng một ảo ảnh không thật" thì mới không lọt vào tà kiến.
Hãy nhớ, tỉnh giác thì mọi ảo tưởng sẽ biến mất. Chúng ta hãy cẩn thận trên bước đường tu, đừng vướng vào căn bệnh Bát nhã, đừng để quan điểm của ngoại đạo rình rập, phá hoại, khiến chúng ta hiểu sai hoàn toàn về Niết bàn, về Phật quả./.
___________________
___________________
[1] Trích ra từ Chương Thứ Chín mang tên: "Lời Khẩn Cầu Của Bài Nguyện Mạnh Mẽ Mà Qua Đó Chúng Sinh Nhất Tâm Tha Thiết Thôi Thúc Thành Phật," thuộc giáo lý Đại Viên Mãn, "Tâm Giác Ngộ Vô Chướng Ngại của Đại Toàn Thiện Phổ Hiền Như Lai," trích trong Kho Báu Phương Bắc có tên là Zangthal Gongpa.