Thư Viện Hoa Sen

Đọc Văn Thầy Tuệ Sỹ Trong Sách: LÝ HẠ - BÀN TAY CỦA QUỶ | Nguyên Giác Phan Tấn Hải

19/07/20253:49 SA(Xem: 145)
Đọc Văn Thầy Tuệ Sỹ Trong Sách: LÝ HẠ - BÀN TAY CỦA QUỶ | Nguyên Giác Phan Tấn Hải

Đọc Văn Thầy Tuệ Sỹ Trong Sách:
LÝ HẠ - BÀN TAY CỦA QUỶ
Nguyên Giác Phan Tấn Hải

 

LY HA Bia
Khi một tác giả hoàn tất xong một bản thảo của một tác phẩm mới, câu hỏi đầu tiên có lẽ tác giả sẽ tự nêu lên rằng: ai sẽ đọc những dòng chữ này của mình? Hẳn là Thầy Tuệ Sỹ cũng có suy nghĩ như thế khi hoàn tất bản thảo tác phẩmLý Hạ: Bàn Tay Của Quỷ” vào ngày 19/1/1975. Xin chú ý con số rất tiền định: 1975. Người viết đã hình dung ra hình ảnh Thầy Tuệ Sỹ đứng nơi Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh nhìn ra sân trường, khi Thầy vừa hoàn tất tác phẩm trên khoảng gần nửa thế kỷ trước. Thầy Tuệ Sỹ đã suy nghĩ gì khi cất bản thảo trên vào một góc kệ sách và rồi đời Thầy sẽ không còn thì giờ để mở ra xem nữa?

Những gì đời sau biết về nhà thơ Lý Hạ của Trung Hoa không nhiều như các nhà thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, Tô Đông Pha, Lý Thương Ẩn... Nhà thơ Lý Hạ tuổi thọ chỉ khoảng 25 hoặc 26 hoặc 27 tuổi. Năm sinh của Lý Hạ mơ hồ: tiểu sử trên Wikipedia ghi rằng họ Lý sinh năm 790 hoặc 791. Một nhà thơ nổi tiếngthể không được biết rõ về năm sinh, nhưng bi thảm là, khi lìa đời cũng là một mơ hồ: Lý Hạ  từ trần khoảng năm 816 hoặc năm 817. Sống và chết giữa những sương mù sử học như thế, nhà thơ Lý Hạ xuất hiện trong văn học tiếng Việt cũng qua một màn sương khói dưới ngòi bút của Thầy Tuệ Sỹ.

Những dòng chữ của Thầy Tuệ Sỹ (1943-2023) viết về Lý Hạ hoàn tất trong thế kỷ 20, và rồi nửa thế kỷ sau, những cảm xúc văn học của Thầy Tuệ Sỹ về Lý Hạ mới in thành sách. Tác phẩm đã để đâu đó trên kệ, để Thầy Tuệ Sỹ tập trung viết và ấn hành các đề tài khác. Thầy Tuệ Sỹ đã hoàn tất bản thảo "Lý Hạ: Bàn Tay Của Quỷ" vào ngày 19/1/1975, và gần nửa thế kỷ sau, tác phẩm này mới được Hương Tích ấn hành vào tháng 12/2023. Nếu chúng ta nhìn lại những tác phẩm Thầy Tuệ Sỹ đã hoàn tất và đã ấn hành trong nửa thế kỷ qua, có vẻ như cuốn sách viết về nhà thơ Lý Hạ không được ưu tiên chú ý. Mặc dù, trên các trang sách Thầy viết về nhà thơ Lý Hạ như dường có một cảm xúc lân tài giữa hai nhà thơ thiên tài.

Chúng ta dễ hiểu những ưu tiên viết, dịch, chú giảiấn hành của Thầy Tuệ Sỹ trong gần nửa thế kỷ trước khi Thầy viên tịch. Thầy Tuệ Sỹ có mặt trong Hội đồng Phiên dịch Tam Tạng từ tháng 10/1973. Có nghĩa là, Thầy sẽ không có bao nhiêu thì giờ cho thi ca nữa. Thế rồi, trong những năm Thầy còn được cầm bút, Thầy đã dịch các bộ kinh A Hàm, Kinh Duy Ma Cật, Kinh Thắng Man, nhiều bộ luận A Tỳ Đạt Ma, nhiều kinh luận khác, và rất nhiều trang sách dở dang.

Lý Hạ từ trần khoảng năm 27 tuổi. Khi bắt đầu viết về nhà thơ Lý Hạ, Thầy Tuệ Sỹ có lẽ khoảng hơn ba mươi tuổi, và đã chính thức viết xong là ngày 19/1/1975, tức là khi Thầy sắp tròn 32 tuổi. Khi viết về Lý Hạ, Thầy Tuệ Sỹ lúc đó là đương nhiệm Giáo sư thực thụ Viện Đại học Vạn Hạnh, là Chủ bút Tạp chí Tư tưởng do Viện Đại học Vạn Hạnh phát hành, và là thành viên Phiên Dịch Tam Tạng. Và lúc đó, Thầy Tuệ Sỹ cũng đã là một nhà thơ nổi tiếng.

 

Cách viết của Thầy Tuệ Sỹ khi viết về Lý Hạ mang khí chất của một nhà thơ viết về một nhà thơ. Theo phần Giới Thiệu của sách "Lý Hạ: Bàn Tay Của Quỷ" do Hương Tích ghi rằng Thầy Tuệ Sỹ viết theo văn phong, trích:

“...ngẫu hứng, dạng tùy bút, không phân chương tiết như các sách truyền thống về tiểu sử danh nhân. Bản thảo đã nằm yên đâu đó gần nửa thế kỷ, may chưa thất lạc, nay tìm lại được thì tác giả đã gần 80, thân luy lão bệnh, việc còn mất đã coi như sự thường. Hương Tích xin phục hồi nguyên bản, chỉ hiệu chỉnh bổ sung vài chữ hoặc âm Hán do phương tiện nhập liệu lúc ấy còn thô sơ, và chua thêm vài cước chú cần thiết, được đánh dấu HT, bên cạnh các cước chú của tác giả; để lưu giữ một tác phẩm, và tri ân một đời người đã tận hiến cho học thuậtvăn chương.” (LH:BTCQ, trang 9)

Như thế, lúc đó, Thầy Tuệ Sỹ là một nhà thơ trẻ viết về một nhà thơ từ trần năm 27 tuổi. Bối cảnh quê nhà lúc đó là cực kỳ sôi động. Chúng ta nhìn lại sẽ thấy có rất nhiều chuyển động ở Việt Nam, khi đất nước còn trong cuộc nội chiến gay gắt. Nhà nước VNCH của Miền Nam có những đợt tổng động viên năm 1968 và rồi 1972-73. Hãy hình dung rằng, trong các năm này và sau đó, các đại học của VNCH liên tục có những đợt sinh viên nhập ngũ để ra chiến trường. Những kỳ thi cuối năm gay gắt hơn, sinh viên hễ thi rớt là không còn được hoãn dịch nữa. Trong cương vị một Giáo sư Đại học, Thầy Tuệ Sỹ đã chứng kiến các đợt sinh viên tăng và giảm như thế.

Thầy đã từng viết về nhà thơ Tô Đông Pha (1037-1101), đã ấn hành tác phẩm "Tô Đông Pha: Những Phương Trời Viễn Mộng" và cho thấy Thầy có một hướng nghiên cứu về thi ca Trung Hoa. Do vậy, Thầy viết về nhà thơ Lý Hạ là chuyện bình thường, trong cương vị của Thầy là một học giả, một nhà thơ và là một giáo sư đại học. Nhưng khi viết xong bản thảo vào tháng 1/1975, Thầy gác lại, cất vào kệ sách.

Tôi, một học nhân đời sau và không có cơ duyên gần Thầy Tuệ Sỹ, xin phép đưa ra suy đoán này. Tôi hiểu rằng sân trường các đại học đầu những năm 1970s rất căng thẳng, chứng kiến từng đợt sinh viên lên đường, ra chiến trường. Quân đội VNCH càng lúc càng suy yếu sau khi bị Hoa Kỳ cắt viện trợ. Quân Miền Bắc chiếm tỉnh Phước Long của VNCH vào ngày 7 tháng 1/1975, sau gần một tháng giao tranh. Nhiều ngàn chiến binh ở cả hai miền Nam-Bắc hy sinh trong trận Phước Long. Ngày 10 tháng 1/1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố trên đài phát thanh: “Toàn quốc dành ba ngày truy điệu, cầu nguyện cho Phước Long” và kêu gọi “kiên quyết lấy lại Phước Long.”

Thế rồi, khoảng một tuần sau, Thầy Tuệ Sỹ viết xong bản thảo về thơ Lý Hạ ngày 19/1/1975, rồi cất bản thảo đi. Dĩ nhiên, thơ Lý Hạ, cũng như thơ Tô Đông Pha, không liên hệ gì tới chuyện thời sự Việt Nam ở thế kỷ 20. Trong bầu không khí đó, thơ không phải là chuyện được nghe ở các sân trường đại học. Thầy đứng nơi Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh, khi hoàn tất bản thảo về thơ Lý Hạ, nhìn thấy sân trường vắng bóng dần sinh viên. Hẳn là Thầy cũng nghĩ về các sân trường Miền Bắc Việt Nam cũng có những đợt tổng động viên cho chiến trường. Ngay cả với lòng từ bi và trí tuệ của một nhà sư thiên tài, Thầy Tuệ Sỹ hẳn cũng không thể nhìn thấy một lối thoát êm ái cho lịch sử. Và Thầy cất bản thảo sách “Lý Hạ: Bàn Tay Của Quỷ” vào một góc kệ sách.

Thầy Tuệ Sỹ đã viết nơi trang 33, khi trích dẫn hai câu của Lý Hạ, đã nói lên cái tấm lòng đầy những lo ngại của những người trẻ Việt Nam ở cả hai miền trong một thế giới bất định lúc đó, trích:

“Quả thực, chỉ mới hơn 20 tuổi một chút mà Hạ đã tự thấy lòng mình mục nát, héo úa như chồi lan khô:

Ngã đương nhị thập bất đắc ý

Nhất tâm sầu tạ như khô lan.

(Khai sầu ca)” (Ngưng trích)

Tại sao những người trẻ lại thấy lòng mình mục nát, héo úa như chồi lan khô? Cả một cộng nghiệp hai miền như thế, khi lớp lớp người trẻ phải bước ra chiến trường và có lẽ rồi sẽ phạm sát nghiệp. Nhìn lại lịch sử, Đức Phật đã từng cố gắng can ngăn cuộc chiến giữa hai vương quốc — Sākya (Thích-ca) và Koliya (Câu-lị) — nhưng không thành công hoàn toàn. Hai vương quốc này nằm gần nhau, và đều có liên hệ huyết thống với Đức Phật. Ngài sinh ra trong dòng tộc Sākya. Tất cả các tăng nicư sĩ Phật giáo đều biết lịch sử đó. Thầy Tuệ Sỹ hiển nhiên là cũng nhìn vấn đề như thế. Lựa chọn của mỗi người, có thể, hẳn là khác nhau. Thầy Tuệ Sỹ trong vai trò một nhà sư, một học giả, một giáo sư, một nhà thơ và trong tận cùng là một người yêu thương hòa bình, muốn tất cả chúng sanh xa lìa sát nghiệp. Thế rồi trong cương vị một nhà thơ nghiên cứu về văn học Trung Hoa, Thầy hoàn tất tác phẩm viết về nhà thơ Lý Hạ, một người chết rất trẻ, chỉ mới khoảng 27 tuổi. Lý Hạ chết vì bệnh. Nhưng trong thời đại của chúng ta trong các năm 1970s, chết trẻ là bình thường khi ra chiến trường. Bùi ngùi, thương cảm.

Tác phẩm “Lý Hạ: Bàn Tay Của Quỷ” của Thầy Tuệ Sỹ dày 240 trang, ấn bản 2023 của Nhà Xuất Bản Đà Nẵng & Hương Tích thực hiện có thể thỉnh ở: https://sachtuesy.net/   

Bạn cũng có thể thỉnh sách này ở Amazon, xin vào:  https://www.amzn.com/B0CR7SJLSD/

Bìa sau của sách có trích lời giới thiệu sau của tác giả:

"... Lý Bạch, tiên tài, cho một thế giới thần tiên, ngoài cuộc thế. Đỗ Phủ, nhân tài, giữa những người cùng khốn. Lý Hạ, quỷ tài, cho những oan hồn chứa đầy u hận, hay chỉ là xảo thuật ma quái của vần điệu? Cũng có thể, quỷ tài được hiểu như là một thiên tài quái dị, mà ngôn ngữ được sử dụng trên mức độ ma thuật, ngụy quyệt. Đó là tư chất thiên phú, với những tưởng tượng đầy tính siêu thực. Sử dụng thi ca y như thủ pháp ma thuật không phải chỉ là một kỹ xảo. Đằng sau từ điệu huyễn hoặc còn ẩn chứa một thế giới huyễn hoặc; thế giới của thần mộng và cô liêu, có thể gọi như vậy. Trong tận cùng sâu thẳm đó là gì; có lẽ chúng ta không thể tìm đến chỉ do sự thúc đẩy của bản tính hiếu kỳ, mà phải đến bằng tất cả những lời kêu gọi thống thiết của định mệnh nhân sinh". TUỆ SỸ

.

Cái hay của tác phẩm “Lý Hạ: Bàn Tay Của Quỷ” không chỉ về nhà thơ Lý Hạ, mà thực sự cũng là những suy nghĩnhận định của Thầy Tuệ Sỹ. Nếu người khác viết về thơ Lý Hạ, hiển nhiên sẽ không có sức mạnh từ cái nhìn xuyên suốt ba cõi sáu đường như Thầy Tuệ Sỹ để thấy một “thế giới của thần mộng và cô liêu” và trong tận cùng sâu thẳm đó, theo Thầy, người đọc thơ “phải đến bằng tất cả những lời kêu gọi thống thiết của định mệnh nhân sinh.”

Xin đọc kỹ: người đọc thơ phải như thế, “phải đến bằng tất cả những lời kêu gọi thống thiết của định mệnh nhân sinh.” Những dòng chữ của Thầy Tuệ Sỹ không chỉ viết cho Lý Hạ, mà như dường viết cho vận mệnh của dân tộc Việt trong nửa cuối thế kỷ 20.

Nghĩa là, thơ không phải để ngâm nga cho vui. Từng chữ viết xuống là những đau đớn trong cõi người. Thầy Tuệ Sỹ đã viết: Thơ trước hết là tiếng nói của bi phẫn (trang 112). Vậy mà, khi Thầy Tuệ Sỹ viết xong bản thảo, là phải cất đi, may mắn là nửa thế kỷ sau, học trò tìm được bản thảo.

Nơi đây, chúng ta trích lời Thầy Tuệ Sỹ trong “Lý Hạ: Bàn Tay Của Quỷ” như dường Thầy cũng viết cho rất nhiều nhà thơ trong thế hệ của Thầy, chứ không riêng Lý Hạ, trích:

Thơ trước hết là tiếng nói của bi phẫn. Từ kinh Thi cho đến Khuất Nguyên, sự bi phẫn được phát tiết đến chỗ tuyệt diệu. Đời Đường, thơ của Mạnh Đông Dã cũng chứa đầy những cảm khái bi thương. Ở đây, cảm khái bi thương được mô tả như trận gió lớn cuộn sôi mặt nước, như cây rừng gãy ngã, đau khổ như đối đầu với cái chết. Nó cũng là sự cảm khái với ngày tháng qua mau, đi mà không trở lại; tấm lòng đã nguội lạnh với giàu sang; như tráng sĩ vung kiếm mà ca; như những chiếc lá rơi rụng tiêu điều; như những giọt mưa tỉ tách trên lớp rong rêu.

Tình tự bi phẫn là đặc điểm nổi bật nhất trong thơ Lý Hạ. Bởi vì, phong cách diễm lệ nơi thơ của Hạ vốn là tài năng thiên phú, chỉ có những uất hận bi thương mới là những gì Hạ lịch lãm. Có điều, sự lịch lãm ấy vây khốn Hạ trong thế giới riêng biệt, mà tuổi đời chưa đủ để trở thành lịch lãm trong kinh nghiệm nhân sinh. Thơ Hạ, vì vậy, vẫn bị coi là hoang đãng.” (LHBTCQ, trang 112-113)

Lý Hạ có bài thơ dài nhan đề Tặng Trần Thương, nơi đây có 4 câu là:

Trường an hữu nam nhi

Nhị thập tâm dĩ hủ

Lăng già đôi án tiền

Sở từ hệ chửu hậu

Và được Thầy Tuệ Sỹ dịch như sau:

Chàng trai trẻ nơi Trường An;

Tuổi hai mươi, lòng đã nát.

Lăng-già chất trước mắt.

Sở từ đeo sau lưng. (LHBTCQ, trang 148)

Phải chăng nhà thơ Lý Hạ muốn nhấn mạnh rằng Kinh Phật để trước mắt, và tập thơ Sở Từ đeo sau lưng? Lý Hạ là một học giả, dĩ nhiên đọc nhiều. Nhưng có lẽ, qua các dòng thơ trên, Lý say mê đọc nhiều nhất là Sở Từ và Kinh Lăng Già. Sở Từ được xem là tuyển tập thi ca lãng mạn lâu đời nhất và là nguồn cội của nền văn học lãng mạn Trung Hoa. Danh xưng Sở Từ xuất hiện lần đầu tiên trong Sử ký Tư Mã Thiên, qua đó chứng minh rằng tên gọi này đã có từ đầu thời nhà Hán. Nghĩa gốc của tên gọi này vốn chỉ ca từ nước Sở, về sau mới trở thành một thuật ngữ đặc biệt, dùng để chỉ một thể thơ mới do Khuất Nguyên thời Chiến Quốc sáng tác.

Trong khi đó, Kinh Lăng Già (Laṅkāvatāra Sūtra) là một bộ kinh Đại thừa, xoay quanh cuộc đối thoại giữa Đức PhậtBồ Tát Đại Huệ, nhằm khai thị chân lý vượt khỏi nhị nguyên, ngôn ngữphân biệt. Kinh nhấn mạnh đến tự chứng thánh trí — tức sự giác ngộ nội tại không thể truyền đạt bằng lời. Đây là nền tảng cho Thiền tông Trung Hoa, từng được Tổ Bồ đề Đạt ma dùng làm “tâm ấn” truyền pháp. Kinh Lăng Già ví tâm như biển cả, khi gió vọng tưởng ngừng thổi thì sóng thức lặng yên, hiện ra trí tuệ thanh tịnh.

Thầy Tuệ Sỹ, trong cương vị của một nhà sư uyên bác, đã chỉ ra một dị biệt, trích:

Thơ tặng Trần Thương, Hạ bộc lộ tâm tình nguội lạnh của mình, không còn chỗ ký thác nào nữa, duy chỉ Kinh Lăng-già chất trước án, và tập Sở từ quải sau lưng. Ôm Sở từ để ký thác tâm sự, điều này thì dễ hiểu, mặc dù vị trí xã hội cũng như về tuổi tác, Khuất Nguyên cách Lý Hạ quá xa. Nhưng, ở người ta không rõ Hạ tìm thấy chân lý gì về lẽ sống và chết trong kinh Lăng-già? Không đâu trong thơ của Lý Hạ dễ tìm thây phảng phất ấn tượng của tư tưởng Lăng-già.

Hoặc giả, như hai câu kệ của Kinh:

Thế gian ly sinh diệt

Do như hư không hoa

Hạ tự ví tài hoa của mình đẹp như bông hoa cho đời; song le, bông hoa ấy như là hoa trời, thế gian không thưởng thức nối. Tuy vậy, hoa trời trong Lăng-già ám chỉ bản chất vốn không sinh không diệt của thế gian, mà tâm tư của Hạ thì cay đăng vì đường đời trước mặt đã cụt.

Hoặc giả, với hai câu kệ khác,

Viễn ly ư đoạn thường

Thế gian hằng như mộng

Hạ đồng tình với Kinh rằng thế gian này chẳng gì khác hơn là một giấc mộng. Nhưng giấc mộng trong Lăng-già thì không gián đoạn cũng không thường hằng, sao tâm tư của Hạ thì chất đầy oán hận?”(LHBTCQ, trang 151-152)

Những dòng chữ của Thầy Tuệ Sỹ trong tác phẩm “Lý Hạ: Bàn Tay Của Quỷ” có sức mạnh lay động chúng ta. Nó không cho chúng ta bình yên. Thầy chỉ ra những đau đớn trong thơ Lý Hạ. Từ bi phẫn và rồi nguội lạnh. Thầy viết về Lý Hạ: “Tình tự bi phẫn là đặc điểm nổi bật nhất trong thơ Lý Hạ. Bởi vì, phong cách diễm lệ nơi thơ của Hạ vốn là tài năng thiên phú, chỉ có những uất hận bi thương mới là những gì Hạ lịch lãm.”

Và rồi, Thầy Tuệ Sỹ cất bản thảo tác phẩm vào một góc tủ sách cho bụi phủ dày nửa thế kỷ. Và chúng ta, người đời sau, khi đọc thơ “phải đến bằng tất cả những lời kêu gọi thống thiết của định mệnh nhân sinh.”

 

LY HA trang 165Phụ bản trang 165.

 

Tạo bài viết
03/09/2018(Xem: 15898)
free website cloud based tv menu online azimenu
Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng sống lưu vong, tuyên bố ông sẽ có người kế nhiệm sau khi ông qua đời, dập tắt mọi đồn đoán về việc liệu thể chế 600 năm tuổi này có kết thúc khi ông viên tịch hay không.
Tòa án Tối cao phán quyết rằng một nữ tu Phật giáo đã thọ giới đầy đủ phải được chính thức công nhận là một tỳ kheo ni—lần đầu tiên tòa án tối cao của Sri Lanka phán quyết rằng nhà nước có nghĩa vụ theo hiến pháp phải đối xử với một tỳ kheo ni ngang bằng như với một tỳ kheo.
Thầy Chân Pháp Từ, người xuất thân từ Làng Mai của thiền sư Nhất Hạnh, đang trụ trì đạo tràng Tâm Kim Cương, Hawaii, trao đổi với Nguyễn Hòa, tại chùa Phổ Giác, Novato, California. Ngày 25/5/2025.