Bạch Ẩn Huệ Hạc - Cuộc Đời

20/04/20205:57 SA(Xem: 41723)
Bạch Ẩn Huệ Hạc - Cuộc Đời
BẠCH ẨN HUỆ HẠC
CUỘC ĐỜI
Biên Dịch: Thích Nữ Thuần BạchNgọc Bảo
Nhà xuất bản Hồng đức

Bạch Ẩn Huệ Hạc-Cuộc Đời
Lời Giới Thiệu


Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc (1685–1768) là vị Tổ trung hưng thiền Lâm Tế tại Nhật Bản. Xa rời phương thức đánh hét cùng các ngôn ngữ siêu tuyệt, Ngài cố công diễn tả Thiền bằng ngôn ngữ dễ hiểu để tầng lớp bình dân có thể hiểu được. Khi hiểu được tức là tu được. Mọi người nhận được làn gió mới làm sống dậy niềm tin vào chính mình, đưa cuộc đời qua hết khổ ải. Muôn người nhớ ơn Ngài. Năng lực cứu bạt của một vị thiền sư không nằm ở chỗ khiến người ta kính ngưỡng tôn thờ mình, mà nằm ở chỗ làm cho người hết khổ.

Cuộc đời của thiền sư Bạch Ẩn là bức tranh sống với câu chuyện ―Thế à! cho đến bây giờ vẫn được nghe kể. Biên dịch lại là góp thêm công hạnh của Ngài. Đây là một tác phẩm công phu trong vườn Thiền Phật giáo, xin trân trọng giới thiệu.

Viên Chiếu 2008

Lời Đầu Sách


Ngọn gió nhân duyên từ đâu đến đã đặt vào tay tôi những quyển sách của thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc. Quyển đầu tiên khi vào chùa được vài năm là The First Zen Reader, trong đó có một bài bình luận về Toạ Thiền Hòa Tán. Kế đó là quyển Rien Qu’un Sac De Peau, ấn bản tiếng Pháp của quyển Penetrating Laughter. Đọc xong tôi không tránh khỏi bàng hoàng: Đâu ngờ ngoài nước Trung Hoa và sau đời Đường còn có thiền sư kiệt xuất. Và từ đó chân trời sách thiền của Sư rộng mở với The Essential Teachings of  Zen Master Hakuin, Wild Ivy— The Spiritual Autobiography of Zen Master Hakuin, The Zen Master Hakuin—Selected Writings, A Venomous Commentary on the Heart Sutra…

Hạc Lâm sơn - Tùng Âm tự, ngôi chùa nơi sinh quán ở làng Hara, dưới chân núi Phú Sĩ, phải chăng là chốn “địa linh nhân kiệt” mới có thể hun đúc đạo nghiệp vị thiền sư quá ư siêu đẳng này, từ lúc xuất gia đến khi viên tịch, cách đây khoảng ba trăm năm. Thật khó diễn tả hết đức tính của Sư dù dùng biết bao danh từ. Chúng ta chỉ có thể tóm gọn trong hàng chữ “tròn bổn phận”. Bổn phận tự độ qua đại ngộ nhiều lần và tiểu ngộ vô số lần. Bổn phận độ tha qua suốt năm mươi hai năm hoằng dương chánh pháp không biết mệt mỏi. Những khi đệ tử thấy Sư già yếu thử đề nghị ngưng giảng pháp, Sư vẫn trả lời một câu duy nhất: “Ta mệt thì có nghĩa lý gì so với nỗi khát khao tu học của học nhân.” Nhưng bổn phận độ tha nơi một vị thiền sư sẽ khó chu toàn nếu không giáo dưỡng được lớp người thừa kế đủ đạo lựcđức độ lèo lái con thuyền Thiền tông giữa bão táp phong ba thời bấy giờ.

Sau khi trở về chùa Tùng Âm năm 1716, mười ba tháng sau, Bạch Ẩn tiến hành lễ khai tự và tự tấn phong chính thức trụ trì. Ngày ấy Sư tròn ba mươi hai tuổi, và từ đó chấm dứt quãng đời tha phương cầu đạo. Về sau có một ngôi chùa bỏ hoang tên Long Trạch, gần bưu cục Mishima, cách Hara khoảng bảy dặm phía tây, được giao cho Bạch Ẩn. Tháng 2 năm 1760 Sư bổ nhậm đệ tử lớn là Đông Lãnh Viên Từ đến trụ trì. Đến tháng 7 năm 1764 Bạch Ẩn cử Túy Ông Nguyên Lư, vị đệ tử lớn thứ hai, thay thế Sư trụ trì Tùng Âm. Năm đó Sư tám mươi và Nguyên Lư bốn mươi tám. Năm 1765 đánh dấu một bước ngoặt trong đạo nghiệp của Sư khi Nguyên Lư, sau một trận cãi vã với thầy, rời chùa Tùng Âm đến chùa Quan Âm cũng ở Hara (nhưng sau này có trở về), và khi một thiền nhân là Nga Sơn Từ Trạo, sau khi đi khắp nước tham kiến với hơn ba mươi thiền sư đương thời, đến bái phục Sư làm thầy và trở thành vị đệ tử lớn thứ ba. Trong truyện Lùm Bụi Gai Góc, Nga Sơn kể lại ba lần tham kiến với Bạch Ẩn như sau:

Tôi không lưu ý đến đức hạnh cao vời của thầy (Bạch Ẩn). Tôi không quan tâm đến danh tiếng của thầy trùm khắp nước Nhật. Tôi cũng chẳng cần đến tri kiến vượt bực của thầy so với chư thiền sư trước đây và hiện nay, hoặc thầy có ba trăm, năm trăm hay tám trăm tăng nhân vây quanh như thời đức Phật còn tại thế. Riêng chỉ có một việc: vị thiền sư cao vĩ nhất nước này đã ba lần tay cứng chân mạnh xô đạp tôi đến đích điểm.

Tuy đạt ngộ với Bạch Ẩn nhưng vì thời gian này Sư đau yếu nên Đông Lãnh, “quyền huynh thế phụ”, đã tiếp tục chỉ dạy Nga Sơn, và chín năm sau khi Sư tịch, đã truyền tâm ấn cho Nga Sơn. Về sau chính Nga Sơn đã thực sự gánh vác sự nghiệp chấn hưng Thiền tông sau này với hai đệ tử là Trác Châu Hồ Thiên và Ẩn Sơn Duy Diễm. Khi Thiền tông du nhập Nhật Bản, có hai mươi bốn vị tổ hoặc từ Trung Hoa sang, hoặc từ Nhật du học Trung Hoa về nước. Nhưng thời gian sau chỉ còn lại năm hệ phái thuộc chư tổ: Đạo Nguyên Hi Huyền, Viên Nhĩ Biện Viên, Lan Khê Đạo Long, Vô Học Tổ NguyênNam Phố Thiệu Minh. Cho đến ngày nay chỉ còn lại hai dòng chính là Tào Động của Đạo NguyênLâm Tế của Bạch Ẩn. Tông Lâm Tế đứng vững tại Nhật, truyền bá đến Tây phương và khắp thế giới ngày nay, hầu hết do công lao những vị thiền sư lỗi lạc phát xuất từ hai dòng Hồ Thiên và Duy Diễm này.

Ngoài ba đại đệ tử kế thừa, số học nhân ở xa đến tu họcngộ đạo với Bạch Ẩn không kể xiết. Sư đã ấn chứng khoảng năm mươi đệ tử, nhưng có người cho rằng sĩ số nhiều gấp đôi.

Trong số nhiều học tăng đến tham học với sư ở Tùng Âm, có một lão ni sáu mươi tuổi tên là Satsu. Bà chứng ngộ chỉ sau một thời gian ngắn. Một hôm bà ngồi trên một thùng gỗ, thân phụ bà đến bảo: “Này, sao lại ngồi đấy? Có biết tượng Phật ở trong thùng không?” Bà đáp: “Chỗ nào không có Phật, thử chỉ xem!” Trong một lần tham kiến, Bạch Ẩn giải một công án cho bà, rồi hỏi lại: “Có hiểu không?” Bà thưa: “Xin thầy giảng lại một lần nữa.” Ngay khi Bạch Ẩn vừa mở miệng, bà cắt ngang: “Cám ơn thầy đã nhọc lòng.” Xong bà cúi lạy và bỏ đi.

Một bà lão khác ở Hara nghe Sư thuyết pháp: “Tâm tịnh độ tịnh và tự thân là Phật A-di-đà. Khi đức Phật A-diđà xuất hiện, khắp đất đai, sông núi, cây cỏ chiếu ngời đại quang.” Bà lão nghĩ: “Chà! Không hiểu nổi!” Bà liền suy tư ngày lẫn đêm. Một hôm, khi đang rửa chén, một tia sáng lóe lên trong tâm. Bà quăng cả chén bát, chạy ngay đến gặp Sư, nói: “Đức Phật A-di-đà đâm sầm vào thân tôi! Núi sông, cây cỏ tất cả chiếu sáng ngời. Ôi kỳ diệu! Ôi tuyệt vời!” Bà nhảy lên vui mừng. Sư bảo: “Chẳng có gì chiếu sáng trong cái lỗ trôn của bà!” Bà xô mạnh sư, nói: “Ủa! Ông thầy này chưa chứng ngộ!” Sư cất tiếng cười to.

Trong thời gian tuổi từ bốn mươi đến hơn năm mươi, sư không rời chùa Tùng Âm, và giảng pháp vài lần một năm. Lúc ấy khi hội chúng còn chưa đông, khoảng ba mươi người, Bạch Ẩn bắt đầu giảng kinh Duy-ma-cật (mùa xuân năm 1736), về sau là kinh Pháp Hoa, Lâm Tế Ngữ Lục, Bích Nham Lục. Năm 1740, Pháp hội mùa xuân bình xướng Hư Đường Ngữ Lục, mở đầu thời kỳ hưng thịnh trong sự nghiệp hoằng hóa độ sanh của Sư với khoảng bốn trăm học nhân vân tập từ bốn phương. Qua năm sau, nhiều thính chúng muốn tiếp tục nghe giảng, đã tìm chỗ trú ngụ chung quanh chùa Tùng Âm, có khi xa tới tám dặm.

Vài năm sau, Bạch Ẩn đến chùa Từ Chiếu ở tỉnh Kai giảng Bát-nhã Tâm kinh. Sư nói: “Tai như điếc, mắt như mù, Trong cái trống không giữa đêm toàn thân vắng bặt.” Và khi bình đến câu; “Sắc chẳng khác không,” Sư nói: “Một tô canh ngon, hỏng bét vì hai cục cứt chuột.” Những lời này về sau được xuất bản thành tập Độc Ngữ Tâm Kinh. Vào năm cuối (1768), sau khi ăn Tết Nguyên Đán ở chùa Long Trạch với Đông Lãnh, Sư bắt đầu bệnh nặng. Sư trở về chùa Tùng Âm tháng 11. Đến mồng 10 tháng chạp, Sư gọi Nguyên Lư và căn dặn hậu sự. Và trong giấc ngủ an lành hừng đông sáng hôm sau, Sư bỗng nhiên kêu lên một tiếng, trút hơi thở cuối cùngviên tịch.

 Bạch Ẩn không để lại bài kệ từ thế như thông lệ đối với một vị thiền sư. Phải chăng vì Sư thực hiện đúng ước nguyện của mình khi tự chọn Pháp hiệu cho mình là “bạch ẩn”—bặt dấu trong cái Không. Cũng như đặt cho ngôi chùa, chiếc nôi sinh trưởng huệ mạng của mình đồng thời là nơi quay về vĩnh viễn, mang tên “hạc lâm”—rừng cây sa-la chỗ Thế Tôn thị tịch—và “tùng âm”—bóng mát êm đềm dưới cội tùng quê hương?

Đạo nghiệp của Sư có thể gói gọn trong lời nói của vị trụ trì tổ đình Diệu Tâm: Quê quán của Bạch Ẩn là hạt Suruga có câu “Suruga có hai điều kỳ vĩ vượt bực là núi Phú Sĩ và Bạch Ẩn.” Tôi tin rằng trong tương lai không xa câu trên sẽ đổi là: “Nhật Bản có hai điều kỳ vĩ vượt bực là núi Phú Sĩ và Bạch Ẩn.”

Tâm nguyện của chúng tôi, hàng hậu học đã đọc và ghi lại đây Cuộc ĐờiTác Phẩm để lại của Sư, chỉ mong đánh lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho chính mình và những Pháp lữ đồng cảnh ngộ: thường nhớ xem lại đời tu của mình. Tu như vậy có huỡn đãi lắm không? Có lệch qua “tiểu lộ” không? Và còn đủ thì giờ để khắc phục và điều chỉnh chăng?

 Lộc Khê, mùa an cư 2007         

Thuần Bạch





XEM NỘI DUNG (Phiên bản PDF)
Bạch Ẩn Huệ Hạc-Cuộc Đời






Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
25/11/2010(Xem: 86048)
30/10/2010(Xem: 24177)
08/10/2010(Xem: 27974)
04/08/2010(Xem: 71004)
27/06/2010(Xem: 40085)
27/06/2010(Xem: 36415)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.