Con đường duy nhất?

02/06/20244:05 SA(Xem: 18323)
Con đường duy nhất?
CON ĐƯỜNG DUY NHẤT?
Bình Anson

the only way
Con đường duy nhất đến Niết Bàn?

Trong đoạn đầu của bài kinh Niệm Xứ (Satipatthana Sutta, Trung Bộ 10, Trường Bộ 22), chúng ta thường đọc là:

Đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Đó là Bốn Niệm xứ (Hòa thượng Minh Châu dịch).

Hay:

Đây là con đường duy nhất để thanh lọc tâm chúng sanh, chấm dứt lo âu phiền muộn, uất ức than khóc, diệt khổ thân và khổ tâm, đạt Thánh Đạochứng ngộ Niết Bàn. Đó là Tứ Niệm Xứ (Tỳ khưu Khánh Hỷ dịch).

Đây là bài kinh quan trọng, thường được xem là bài kinh cẩm nang cho nhiều hành giả thực hành pháp thiền Minh Quán (Vipassana Bhavana). Các vị thiền sinh đó thường cho rằng pháp hành của mình là “con đường duy nhất” hay “con đường độc nhất” — nghĩa là không có con đường nào khác — để chứng ngộ Niết Bàn. Hiểu như thế, từ chữ “ekayano-maggo“, có đúng theo tinh thần bài kinh không?

Mặc dù có nhiều dịch giả dùng cụm từ “con đường duy nhất / độc nhất” (the only way, the sole way) để dịch chữ “ekayano-maggo“, nhưng cũng có những dịch giả khác không đồng ý như thế.

Giáo sư M. Walshe, dịch giả bản Anh ngữ Trường Bộ (The Long Discourses of the Buddha), dịch chữekayano-maggo là “this one way” (đây là một con đường) trong bài Đại Kinh Niệm Xứ (Trường Bộ 22).

Trong bản dịch đầu tiên của bài kinh Niệm Xứ (Trung Bộ 10), Tỳ khưu Nanamoli dịch là “a path that goes one way only” (con đường chỉ đi theo một hướng). Tuy nhiên, trong bản hiệu đính, Tỳ khưu Bodhi sửa lại là “the direct path” (con đường trực tiếp, hay con đường thẳng). Các dịch giả này đều cho rằng nếu dịch là “the only way, the sole way” (con đường duy nhất) thì nó có hàm ý là độc nhất, loại trừ các con đường khác, và như thế là không hoàn toàn chính xác (xem “The Middle Length Discourses of the Buddha”).

Theo Tỳ khưu Bodhi, Chú giải Trung Bộ bình luận rằng chữ “ekayano-maggo” có thể hiểu như là conđường đơn thuần, không có ngã rẽ; như là con đườnghành giả phải tiến bước một mình, không bạn bè; và như là con đường đưa đến một mục tiêu, Niết Bàn. Ngài chọn dịch “the direct path” (con đường trực tiếp) với hàm ý để phân biệt Satipatthana với pháp tu tiến qua các tầng thiền-na (jhanas) hoặc qua tứ vô lượng tâm (tứ phạm trúbrahmaviharas). Mặc dù pháp tu tiến này có thể đưa đến Niết Bàn nhưng chúng cũng có thể rẽ qua ngõ khác, trong khi Satipatthana là đưa thẳng đến mục đích tối hậu.

Trong quyển “Satipatthana – The Direct Path to Realization” (Buddhist Publication Society, Sri Lanka, 2003), Tỳ khưu Analayo cũng có quan niệm tương tự, và dịch chữ “ekayano-maggo” là “the direct path” (con đường trực tiếp). Ngài giải thích chữ ekayano-maggo gồm có những từ eka (một), ayana (đi) vàmaggo (đường), dịch sát nghĩa là “một con đường đi. Truyền thống chú giải thường đề cập đến 5 ý nghĩa của chữ này:

1) Con đường trực tiếp hay con đường thẳng, là vì nó đưa thẳng đến mục tiêu;
2) Con đường phải đi một mình;
3) Con đường vạch ra bởi “Một Đấng” (ám chỉ Đức Phật);
4) Con đường duy nhất trong Đạo Phật; và
5) Con đường đưa đến một mục tiêu (đó là Niết Bàn).

Đa số các dịch giả đều chọn cách dịch thứ tư nêu trên, nhưng Tỳ khưu Analayo chọn cách dịch thứ nhất.

Ngài cho rằng muốn tìm hiểu rõ ràng ý nghĩa của một thuật ngữ Pāli, chúng ta cũng cần xem thuật ngữ đó được dùng trong các bài kinh khác như thế nào, để đối chiếu. Trong Đại kinh Sư tử hống (Maha-sihanada Sutta, Trung Bộ 12), chữ ekayano dùng để chỉ con đường mà một người đi theo sẽ đi thẳng xuống hố, mang ý nghĩa là “thẳng tiến, trực tiếp”, không phải là “độc nhất, duy nhất”. Trái lại, trong bài kinh Tam Minh (Tevijja Sutta, Trường Bộ 13), khi hai người Bà-la-môn tranh cãi về con đường nào là “con đường duy nhất” để đưa đến sự hòa nhập với Phạm thiên thì lại không thấy dùng chữ “ekayano“. Rõ ràng hơn hết là trong câu kệ 274 của kinh Pháp Cú, ý nghĩa “con đường duy nhất” – là Bát Chánh Đạo – đã được nói đến, nhưng chữ “ekayano” lại không thấy xuất hiện. Vì thế, Tỳ khưu Analayo cho rằng cách dịch thứ tư của chữ “ekayano” (con đường duy nhất) là không thích hợp.

Ngoài ra, Giáo sư R. Gethin (“A Buddhist Path to Awakening: A Study of the Bodhi-Pakkhiya Dhamma”, Oxford, 2001) có cùng quan điểm dịch chữ “ekayano-maggo” là con đường thẳng tiến (the direct path) trong bài kinh Niệm Xứ, vì ông cho rằng: “căn bản những gì muốn nói ở đoạn này trong bài kinh là bốn pháp quán niệm (satipatthana) biểu trưng cho một con đường trực tiếp và thẳng tiến đến mục đích tối hậu”. Tỳ khưu Thanissaro cũng dùng chữ “the direct path” trong bản dịch Đại Kinh Niệm Xứ (Trường Bộ 22, xem http://www.accesstoinsight.org) từ bản Pāli-Thái.

Xin ghi nhận ở đây là trong bộ A-hàm thuộc Hán tạng, hai bài kinh tương đương với kinh Satipatthana Sutta là kinh Niệm Xứ (kinh 98, Trung A-hàm) và kinh Nhất Nhập Đạo (Tăng Nhất A-hàm, XII). Trong bài kinh Niệm Xứ của bộ Trung A-hàm, đoạn kinh tương ứng là:

“Có một con đường tịnh hóa chúng sanh, vượt qua lo sợ, diệt trừ khổ não, chấm dứt kêu khóc, chứng đắc Chánh pháp. Đó là Bốn niệm xứ” (Thượng tọa Tuệ Sỹ dịch).

“Một con đường” là dịch từ chữ “nhất đạo”, hoàn toàn không có ý nghĩa “duy nhất, độc nhất”, loại trừ các con đường khác.

Đặc biệt hơn nữa, trong kinh Nhất Nhập Đạo thuộc Tăng Nhất A-hàm, bốn niệm xứ chỉ là một lối vào đạo, và “đạo” ở đây là Bát Chánh Đạo:

“Có một lối vào đạo làm trong sạch hạnh của chúng sanh, trừ bỏ sầu lo, không có các não, được đại trí tuệ, thành tựu chứng quả Niết-bàn. Đó là nên diệt Ngũ cái, tư duy Tứ ý chỉ (Tứ niệm xứ). Thế nào là một lối vào? Nghĩa là chuyên nhất tâm. Đó là một lối vào. Thế nào là đạo? Nghĩa là con đường tám phẩm của Hiền Thánh: Chánh kiến, Chánh chí (tư duy), Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh phương tiện (tinh tấn), Chánh ngữ, Chánh niệm, Chánh định” (Hòa thượng Thanh Từ và Hòa thượng Thiện Siêu dịch).

Trong bài kinh trên, không thấy đoạn nào nói rằng tứ niệm xứ là “con đường duy nhất”.

4. Satipatthana là Niệm Xứ hay Lập Niệm?

Nhân đề cập đến bài kinh Satipatthana Sutta nêu trên, chúng ta thử tìm hiểu thêm: Satipatthana được dịch như thế nào? Chúng ta thường thấy dịch là Niệm Xứ hay Nền Tảng Của Niệm (Foundation of Mindfulness). Ngay cả bài kinh tương đương trong Trung A-hàm (Hán tạng) cũng có tên là Kinh Niệm Xứ.

Có lẽ lối dịch nầy là dựa theo quan niệm xem chữ Satipatthana như là kết hợp của chữ Sati (Niệm) vàPatthana (Xứ, Nền Tảng). Nhưng cũng có nhiều dịch giả — như các ngài Tỳ khưu Bodhi, Tỳ khưu Analayo — không đồng quan điểm, mà cho rằng nên dịch là Sự Thiết Lập Niệm (Establishment of Mindfulness). Quý ngài xem Satipattha như là kết hợp của chữ Sati và Upatthana (thiết lập), và như thế, tựa đề sẽ là Kinh Lập Niệm và Đại Kinh Lập Niệm. Tỳ khưu Soma trong quyển Con Đường Chánh Niệm (The Way of Mindfulness), dịch là Bài Giảng Về Sự Khơi Dậy Niệm, hay Bài Giảng Về Thẩm Thấu Niệm (the Discourse on the Arousing of Mindfulness, the Discourse on Penetrating Mindfulness).

Tuy nhiên, Tỳ khưu Thanissaro, mặc dù nghiêng theo lối dịch dựa theo sự kết hợp Sati và Patthana, công nhận rằng cả hai lối dịch đều chính xác, đều phản ảnh ý nghĩa của bài kinh.




Tạo bài viết
06/08/2017(Xem: 81517)
25/12/2015(Xem: 17760)
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…
Nhà sư Ajahn Santamano, người đã tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine trên khắp Anh quốc trong năm qua, đang liên tục cư trú tại lều trại, nói chuyện với người qua đường và tổ chức các cuộc biểu tình để nhắc nhở mọi người về "sự thông đồng" của Hoa Kỳ và phương Tây trong cuộc diệt chủng dân Palestine. "Hoa Kỳ là thủ phạm chính gây ra cuộc diệt chủng này đang diễn ra ở Palestine", Thượng Tọa Santamano nói với Anadolu, trích dẫn việc Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp vũ khí và tài trợ Israel. Thầy đặc biệt chỉ trích các vụ đánh bom bệnh viện và vụ thảm sát hàng loạt trẻ em.