Cư Trần Lạc Đạo - Đối Cảnh Vô Tâm

30/07/20175:56 CH(Xem: 16309)
Cư Trần Lạc Đạo - Đối Cảnh Vô Tâm

  Bài Viết Tham Dự 2016 & 2017

CƯ TRẦN LẠC ĐẠO - ĐỐI CẢNH VÔ TÂM
“Bài viết tham dự Ananda Viet Awards”

  

“Cư Trần Lạc Đạo hảy tùy duyên,
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối Cảnh Vô Tâm chớ hỏi thiền.”1

Đây là bài kệ của vua Trần Nhân Tông và cũng là Tổ sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Việt Nam, được phổ biến, thưởng thức và bình giảng sâu rộng từ thế kỷ 17. Ngày nay hoàn cảnh xã hội, văn hóa, tôn giáo...thay đổi quá nhanh chóng, cuộc sống ngày càng phức tạp và khó khăn, không giản đơn như ngày xưa, nhất là về mặt ngôn ngữ, dùng để diễn đạt thực tại, vốn đã trừu tượnggiới hạn, những ý tưởng của những trí giả ngày xưa rất dễ bị hiểu sai lạcthiếu sót, với cái nhìn ngày nay, nhất là giới trẻ, bài kệ này có phảng phất hơi hướng phong trào hiện sinh của thập niên 60s trong xã hội Tây Phương. Bài viết này có chủ ý mang...“bình cũ và rượu...cũng cũ” ra để chúng ta cùng thưởng thức, cùng chiêm nghiệm với cái nhìn mới, con người mới, hoàn cảnh mới và cũng như Thầy Huyền Không có thơ rằng...

Sáng nay thức dậy choàng thêm áo
vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh”2.

Bài kệ này, Tổ nhằm nhắn nhủ mọi người rằng: ai sống ở trần gian cát bụi này—“cư trần”—mà biết “tùy duyên” thì người đó sẽ có được an vui và hợp đạo—“lạc đạo”. Đạo ở đây, có thể hiểu theo nghĩa rộng, như là “đạo trời đất” hay là những nguyên lý tự nhiên vận hành trong vũ trụ, như vậy, thì lời khuyên đó có thể áp dụng cho mọi người. Tuy nhiên ở đây, Tổ có ý nhắc nhở “riêng” cho những người con Phật, nên có dùng chữ “Duyên”, một thuật ngữ quan trọng trong Phật giáo, từ ngữ này thường đi chung với ý niệm về Nghiệp trong tiến trình vận hành theo lý Nhân Quả. Sau khi được “lạc đạo” rồi, Tổ muốn dẫn ta đi sâu hơn trong Phật pháp, với ý niệm về bản thể con người: “tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh—“nhà có báu”, và nhắc nhở chúng ta rằng, đạo Phật, có hàm chứa phẩm chất tự lập, tích cực, lạc quanbình đẳng: mọi người đều có khả năng thấy biết ẩn tàng, sẵn có trong mỗi người và tự mình có thể dùng để thăng tiến tâm linh, cũng như Tổ chỉ cho chúng ta thấy rằng con đường học đạo, dù hoàn cảnh thay đổi thế nào đi nữa, cũng không đến đỗi chông gai lắm, điều kiện cần thiết chỉ là biết sống “Tùy Duyên” và “đối cảnh vô tâm”.

Cư Trần

“Cư” là cách sống; “Trần” là cát bụi, cõi trần gian. Cư Trần là cách sống, cách sinh hoạt, cách ăn ở, quan niệmsuy nghĩ của con người trên thế gian này; “Lạc Đạo” là sống vui, sống an bìnhphù hợp với đạo lý.

“Cư Trần” bắt đầu từ khi ta được sinh ra cho đến khi lớn lên, bệnh hoạn, già nua rồi chết (sinh lảo bệnh tử). Con ngườivạn pháp cùng chịu chung sự chi phối bởi những nguyên lý sự vận hành tự nhiên của vạn pháp “thành trụ hoại diệt” theo chu trình vòng tròn, liên tụctái diễn, do đó, kiếp nhân sinh, theo Phật giáo, là một chuổi “luân hồi sinh tử” trong “ba cõi sáu đường”. Lý thuyết “tái sanh”, dù mọi ngườichấp nhận hay không, chắc chắn là ai cũng thấy rằng: ngay từ lúc sinh ra, rõ ràng có sự khác biệt giữa người này và người khác về mọi mặt từ hình tướng; hoàn cảnh; cha mẹ; gia đình; quốc gia; xã hội; kinh tế; giàu nghèo; sang hèn; đẹp xấu... Nhiều khi ta tự hỏi: con người có sự chọn lựa nào trong quá trình “sinh ra” này không? hay đó chỉ là sự ngẫu nhiên của tiến trình sản xuất với một xác xuất sai sót nào đó? Chúng ta thấy, với cái nhìn tuệ giác của Đức Phật, với ý niệm về nhân quả nghiệp báo, cho ta thấy rằng: nhân tố quyết định để “ta” sinh ra cõi đời này, không phải do ngẫu nhiên, mà là do “nghiệp lực” (dòng năng lượng tâm thức tương tục), nó là Nhân quá khứ tương tác (đưa đẩy hay bị thu hút) bởi Duyên hiện tại (cha mẹ) và sinh ra Quả hiện tại là “ta”.

Sự có mặt của “ta” trên cõi đời này, nếu không với cái nhìn bi quan bình thường, thì đó là một sự mầu nhiệm, ta có mặt trong cuộc đời này như là một chúng sanh nhỏ xíu “được” tham dự  với vai trò múa rối trong một màn khiêu vũ vĩ đại của vũ trụ (cosmic dance). Đồ nghề diễn xuất mà ta mang theo vào đời không phải chỉ có hình hài thể chất con người trơ trụi chưa trang điểm này, mà “trong đó” còn “cài đặt” một “program” dài...thòng quá khứ, nó đã được thảo chương bởi chính ta, từ nhiều đời nhiều kiếp, program đó được gọi là Nghiệp. Nghiệp, vận hành dưới dạng năng lượng vô hình, nên gọi là nghiệp lực, tương tác với hoàn cảnh bên ngoài, tác động ý thức bên trong, ảnh hưởng hành động ứng xứ, để rồi tạo thành nghiệp mới hiện tại. Sự vận hành đó biến chuyển liên tục không ngừng, nhân thành quả và quả trở thành nhân, khắng khít với nhau trong điệu “tango” trên sàn nhảy của vũ trường có tên “Hồng Trần”! Ta sinh ra với dòng sinh mạng của một chúng sanh hữu tình, với hình hài thân thể như thế này mà không như thế khác; người này là cha mẹ, anh chị em ta, cùng sinh sống quay quần trên mảnh đất gọi là quê hương ta, dù nơi đó có xấu xa, nghèo nàn, điêu tàn chinh chiến, nó vẫn là quê hương ta... Điều này cho thấy, ngay lúc sinh ra là ta đã có một duyên hiện hành, một mệnh số mà ta phải chấp nhậnđiều kiện, để rồi từ đó, với kiến thức trần gian lượm lặt được trong quá trình “cư trần”, ta sinh tâm so sánh duyên phận mình với người khác, phàn nàn và mơ ước và để rồi gây ra đau khổ triền miên.

Lạc Đạo

Với tư tưởng Tứ Đế (Bốn Sự Thật Căn Bản—Khổ Tập Diệt Đạo), Đức Phật đưa Khổ Đế làm tiền đề, không có nghĩa bi quan (đời là bể khổ và chỉ có khổ mà thôi) mà Ngài nhận thấy rằng: con người, trước hết, phải biết Khổ—Khổ Đế—thì mới có ý tìm hiểu nguyên nhân nào gây khổ—Tập Đế; cũng như phải biết khổ có thể Diệt được—Diệt Đế (niết bàn), diệt khổ bằng cách học hỏi thực hành theo con đường Đức Phật chỉ dạy—Đạo Đế.

Điều kỳ diệu của cuộc đời là, dù căn bản là khổ, nhưng nó vẫn có đầy đủ muôn vàn vẻ đẹp, cái đẹp bàn bạc khắp nơi, ẩn tàng trong mọi hình tướng, ta chỉ cần mở mắt ra là thấy: trời xanh, mây trắng...

“mặt trái đất dù mang đầy cát bụi,
nhưng trăng sao vẫn đẹp những đêm rằm.3 

Do đó, ta biết được rằng, cuộc đời, bên cạnh những xấu xa tương tàn, còn có mặt của vô số điều cao quý, Chư Phật và chư Bồ Tát, ẩn tàng trong mọi hình tướng sinh hoạt, trong mọi thời mọi lúc mọi nơi, đang trang trải tình thương và sự hiểu biết để hóa độ chúng sanh, cho dù họ có cầu xin hay không đi nữa. Nhờ đó mà đạo pháp được lưu truyền; những công trình kỳ diệu được tạo dựng, các ngành nghề hoạt động y khoa, văn hóa nghệ thuật, khoa học... được phát triển như ngày nay. Do đó, điều thiết yếu ở đây là cái “thấy biết”, đó là Chánh Kiến, là bước khởi đầu để chúng ta đi trên con đường Bát Chánh Đạo của Đạo Đế.

Thế nào là “lạc đạo”?

Lạc là “an vui” (well-being), an vui, nói chung, có nhiều nghĩa và “nồng độ” khác nhau, nó có tính đa dạng và tương đối—tùy đối tượng và chủ thể (người và cảnh)— “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” người buồn cảnh cũng buồn theo. Trạng thái an vui có thể được diễn đạt bởi nhiều từ ngữ khác nhau: dễ chịu, sung sướng, hạnh phúc, khoái lạc, “fẻ re” và cuối cùng là “đỉnh cao cực lạc”! Nhưng nói bao quát và chính xác hơn, thì là: tâm trạng của một người mà “thân không bệnh tật, tâm không phiền não” thì được cho là “an vui”. Lúc đó, nhu cầu vật lýtâm lý bình thường (ngũ dục lạc=tiền tài, danh vọng, sắc dục, ăn uống, ngũ nghỉ) được tương đối thỏa mãn. Có thể nói đây là sự an vui bình thường, một trạng thái quân bình trên cán cân cảm thọ.

Tuy nhiên, ở đây, “lạc đạo” thì là sự an vui đó có gia thêm mùi vị “tương chao”, có tác dụng làm loãng đi nồng độ, khiến cho sự an vui đó nhẹ nhàng hơn, không đậm đà và “tinh tấn” trong việc theo đuổi tiện nghi vật chất để phải đầu tắt mặt tối, suốt đời quay quần bên bồ lúa...Và cuộc sống của người lạc đạo còn có thấp thoáng đạo vị hương thiền, có ý hướng tâm linh, có học Phật, năng lui tới gần gũi thiện hữu trí thức...Sự an vui lúc đó sẽ “không bình thường” như mọi người, không tùy thuộc nhiều về đối tượng hay điều kiện để được an lạc, mà là tâm an vui tự nhiên không lý do, điều này, có khi bị người khác “chê” cho là sống cuộc đời nhạt nhẽo, vô vị, và nặng hơn, ngu ngốc vì không biết hưởng thụ. Người “lạc đạo” là người có khi tự hỏi: Con ngườiý nghĩa gì trong thực tại hiện hữu này? Con người sinh ra với mục đích gì? không lẻ chỉ có chuyện “đói ăn mệt ngủ”?...Đó là những công án ngàn đời không giải được và tự mỗi người học đạo phải hành thâm.

Tùy Duyên:

Làm thế nào để được lạc đạo ?

Tổ dạy đơn giản: chỉ cần biết sống tùy duyên thì được lạc đạo

Tùy là tùy thuận, nương theo, ở ống thì dài, ở bầu thì tròn, như dòng sông uốn khúc lượn quanh theo địa hình khi gặp cản trởtùy duyên (được định nghĩa theo thể phủ định): là sự ứng xử với hoàn cảnh bên ngoài và bên trong mà không tùy theo sở thích, không thuận theo tình cảm tham sân yêu ghét, mà là tùy thuận theo nguyên lý tự nhiên: “xuân đến bách hoa khai”, mùa thu hoa lá rụng...Vạn vật, các pháp nhờ tùy duyên mà mọi sự trôi chảy êm đềm, không gây xung đột, không gây khổ đau phiền não. Tùy duyên, khôngý nghĩa cuốn theo chiều gió: vui đâu mếch đó, không chạy theo hay “phang duyên” do duyên tác động mà sinh lòng thương yêu ghét muốn; tùy duyên cũng không “thụ động”: sống buông xuôi, thả trôi như lục bình lênh đênh sóng nước; cũng không phải “chủ động”: tìm cầu mong mỏi; cũng như tùy duyên sẽ không  “mù mờ” nhân quả, mà là chìu thuận nhân quả, biết rõ nhân quả, nên cẩn trọng thân khẩu ý.

Tóm lại, người “tùy duyên” sống và hành xử có trí tuệ hướng dẫn, rõ ràng thường biết, ứng xử phù hợp lý đạo trong từng hoàn cảnh thuận hay nghịch: khi thuận duyên, thì dè dặt không sinh tâm ngạo mạn, mà còn có lòng biết ơn, muốn chia sẻ những phước báo mình có được với người khác; lúc gặp nghịch duyên thì sẽ không quá khổ đau, than thân trách phận, mà lại gia tâm học hỏi, coi nghịch cảnh như là một nấc thang thăng tiến. Ý niệm Tùy duyên cũng còn có hàm chứa yếu tố tích cực: cố ý “tạo duyên”, bằng cách tự mình tạo cho mình có cơ hội học hỏi, gần gũi thiện hữu; thường hay lui tới môi trường thuận lợi cho sự an bìnhtiến bộ tâm linh; và cùng lúc đó người đó lại có ý “tránh duyên”: xa lánh người xấu và môi trường bất thuận lợi, tránh xa những ảnh hưởng không tốt.

“Duyên” vận hành trong lý nhân quả, là “chất” xúc tác giữa Nhân và Quả: tác động, hổ trợ, thu hút và thúc đẩy (push and pull) Nhân để hành động tạo ra Quả; là sợi dây ràng buột êm ái như tơ, bủa vây như màng nhện chờ ruồi sa chân và rắn chắn như dây thừng chờ tàu cặp bến! Sự vận hành Nhân-Duyên-Quả, mới trông như là quá đơn giản và dể hiểu, nhưng đi sâu thì phức tạpvi tế, rất khó mà giải đoán cho thấu đáo, vì bản chất “tương tức”, “tương sinh”, “duyên khởi”: do cái này có mà cái kia có, do cái này không thì cái kia không; cái này sinh nên cái kia sinh, vì cái này diệt nên cái kia diệt. Duyên vận hành cũng rất đa dạng: nhân gặp duyên thì thành quả, và quả lại trở thành nhân để cho duyên khác tác động rồi tạo một quả khác, chu trình vận hành có tính “trùng trùng duyên khởi”, mạng nhện nhân-duyên- nghiệp-báo cứ thế mà ràng buột chúng sanh quay cuồng với nhau kéo dài vô tận, sinh rồi tử, tử rồi lại sinh, để rồi từ đó, con người cứ thế mà trôi lăn trong vòng luân hồi sinh tử.

Nhà có báu...

Người Phật tử không ai xa lạ gì với ý niệm rằng “tất cả chúng sanh điều có Phật Tánh”; “chúng sanh là Phật sẽ thành”; Đức Phật sinh ra đời (thị hiện) để chỉ cho mọi người thấy điều đó (ngộ nhập Phật Tri Kiến). Ý niệm về Phật Tánh được các kinh Đại Thừa xuyển dương, điển hình nhất là Kinh Pháp Hoa với Phẩm Thường Bất Khinh Bồ Tát. Kinh Pháp Hoa diễn giải trình bày giáo pháp có tính đại chúng, thực tiễndễ hiểu, cấu trúc như một vở kịch từng màn với những thí dụ bình dị dân gian và xử dụng thể dạng ngôn từ biểu tượng, hay những thí dụ tượng hình (phẩm Tùng Địa Dũng Xuất) để nói về “Phật Tánh” và ý niệm Bồ Tát, với “tham vọng” có thể diễn đạt được cái mà ngôn ngữ sẽ không bao giờ có thể trình bày cho thấu đáo.

Quan niệm về bản thể vũ trụ của khoa học (nặng phần vật chất) cũng như giữa các tôn giáo lớn (nặng phần tâm linh) không có đồng quan điểm, hầu hết diễn giải thực tại rất khác nhau và đối nghịch: từ lý thuyết cực đoan về sự hình thành thực tại hiện hữu (kể cả vũ trụcon người) được cấu tạo do các thành phần thuần vật chấtbác bỏ yếu tố tâm thức (consciousness); các hoạt động tâm lý (mental, emotional) chỉ là những phản ứng sinh lý hóa học liên quan đến hệ thống thần kinh não bộ mà thôi; cho đến ngược lại, có những giáo phái nói về đấng Thượng Đế toàn năng, còn con người thì đầy tội lỗi cần phải cầu xin cứu rỗi... Chỉ duy có Phật giáo là đề cao Phật Tánh (tánh biết thường hằng) có sẵn trong mỗi con người (dù là Phật tử hay không, quan niệm này còn đi xa hơn: kể cả các chúng sanh hữu tình khác). Điều này rất quan trọng, vì nó thể hiện được tinh thần nhân bản, bình đẳng, trí tuệtừ bi rộng lớn mà chư Phật và chư Bồ Tác đang thực hànhgiáo hóa.

Ở đây, Tổ khẳng định lại điều đó, cho rằng “nhà có báu” và nhắn nhủ chúng ta hãy đem ra mà “xài”, mà dùng nó như phương tiện để “ngộ nhập”, để thăng tiến tâm linh, để trân quý và biết ơn. Lời nhắn nhủ này phảng phất câu chuyện “gã cùng tử” trong kinh Pháp Hoa, nhằm nhắn nhủ mọi người rằng mình có “hạt châu trong chéo áo” hãy “thôi làm thân cùng tử”, hãy “thôi tìm kiếm”, và “tự mình thắp đuốc mà đi”, vì đuốc đó có sẳn ở trong mỗi con người chúng ta. Đó là tinh thần “tự giác tự độ” của đạo Phật, quan niệm rằng an lạc hay đau khổ chỉ có do chính mình tạo nên chứ không thể tìm cầu nhờ vả bên ngoài mà được. Nhân quả nghiệp báo đều do mình gây nhân rồi gặt quả rất là công bình.

Đối cảnh

Đối cảnh khi con người là chủ thể, khi sáu căn (mắt tai mủi lưỡi thân ý) tiếp xúc với thực tại sáu trần (sắc thanh hương vị xúc pháp), thì sinh ra sáu thức để nhận biết đối tượng. Con người đã có “cư trần” thì phải có “đối cảnh”. Trần cảnh là những gì đang xảy ra trong cuộc sống hằng ngày (bên ngoài do năm căn đầu thu nhận) cũng như tình cảm tâm lý, hình ảnh lưu giữ trong tâm (bên trong do ý thức sinh khởi). Căn-Trần-Thức cùng vận hành sinh khởi với nhau, được gọi là mười tám giới: là phần quan trọng của thuyết Thập Nhị Nhân Duyên nhằm giải thích thực tướng của thế giới hiện hữu.

Con người tùy hoàn cảnh và mức độ nhận thức sâu nhạt mà “sanh tâm” khác nhau: một người sinh ra trong cảnh giàu sang quyền thế, ít có cơ hội tiếp xúc với cảnh nghèo nàn cùng khốn thì người đó khó sanh tâm thương người; một người quanh quẩn một chổ thì không thấy xa nhìn rộng, thường sanh tâm hạn hẹp; cũng như một người có nhiều kiến thức mà có thành kiến quá nặng, cũng khó mà có tâm thông cảm với người khác... Cảnh trần gian từ ngàn xưa vốn đã vương đầy cát bụi, cho đến ngày nay, khoa học kỹ thuật tiến bộ đã khiến cho cát bụi đó càng ngày càng dầy đặc, ô nhiểm, phức tạp và càng “trần” và bụi hơn! kể cả mảnh vườn Phật Pháp càng mầu mở thì lại càng lắm sâu bọ... Do thế nên con người ngày nay, khi đối cảnh thì tâm sanh muôn vàn sai khác với người xưa, tâm ý tình cảm con người ngày nay trở nên vô cùng phức tạp và không ngừng biến động với tốc độ mà người xưa không thể tưởng tượng được, cho nên từ đó sự “đối cảnh” có nhiều áp lực thúc đẩy con người hành động, tạo nghiệp nặng nề hơn xưa rất nhiều. Những lý tưởng giác ngộ, giải thoát đã trở thành xa vời và không thực tế, vì nghĩ là sẽ không bao giờ thực hiện được trong cõi ta bà này, nên ngày nay, đa phần, người ta, trong các sinh hoạt tôn giáo, kể cả Phật Giáo, đều sanh tâm mong mỏi, mơ ước nguyện cầu một ban ơn hay phước báo nào đó để có thể “sanh về” một thế giới khác hơn, một nơi lý tưởng như là thiên đàng hay tịnh độ, nơi mà chính mình chỉ nghe nói và tưởng tượng thêm mà thôi.

Vô Tâm

“Vô tâm” là như thế nào trong tiến trình sinh khởi khi đối cảnh?

Trước hết, từ ngữ này cũng có nhiều “rắc rối” nên cần được “giải phẫu” một chút: Bài kệ nguyên văn Hán, với cấu trúc văn phạm tĩnh từ đứng trước danh từ, thí dụ: mỹ nhân, trong khi đó văn phạm Việt thì có cấu trúc ngược lại: người đẹp. Do vậy, “vô tâm” (Hán) ở đây chỉ “trạng thái không của tâm” và được dịch là “tâm không” tâm rỗng không (Việt), điều này quan trọng, vì nó sẽ tránh được lỗi lầm cho là “vô tâm là “không tâm”=không có tâm.

Điều lý thú là, ngày nay, khoa học càng tiến bộ thì những học thuyết tâm linh Đông Phương, nhất là Phật pháp, càng sáng tỏ, rất nhiều những bậc trí giả ngày nay, kể cả khoa học, cho rằng, tư tưởng đạo Phật đã diễn tả rất gần với thực tại chân lý. Ý  niệm về duyên khởi, cho rằng đối tượng và nhận thức tương tức với nhau, đồng thời biểu hiện, không có cái nào có trước và không có cái nào có sau; cũng như ý niệm thực tại khách quan (cảnh) và chủ thể (tâm) “cùng có mặt”: “cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không”; và các học thuyết về tâm thức (Vi Diệu

Pháp, Duy Thức Luận)...đã được các giới khoa học, đặc biệt là ngành khoa học não bộ (neuroscience) và tâm lý trị liệu tiếp nhậnhọc hỏi, cũng như ngành khoa học lượng tử (quantum mechanics) cũng bắt đầu thấy được là vật chất không chỉ thuần vật chất mà còn ẩn chứa năng lượng có mang tâm thức con người. Theo Phật học thì tâm thức có mặt cùng khắp, trong vũ trụ cũng như con người, ẩn tàng không chỉ trong nảo bộ mà có trong từng hơi thở tế bào, những kiến thức trong ngành Genetics nghiên cứu về gene, DNA và genome... có thể soi sáng thêm những ý niệm trừu tượng khó hiểu của Phật phápbình thường ta khó mà nắm bắt được: (Tánh Không, luân hồi, tái sanh, nghiệp báo...).

Tóm lại, “vô tâm” trong nhà Thiền là chỉ cho trong tâm không có chứa vật gì; rỗng không. Đó là ý nghĩa của câu “bản lai vô nhất vật” của Lục Tổ Huệ Năng trong bài kệ đối đáp với Thần Tú, bản lai từ xưa đến nay cái thể của nó vốn là “không”. Vô tâm là khi năm thức đầu hoạt động đối cảnh, và lúc chưa có ý thức (thức thứ sáu) xen vào, lúc đó sự vật hiển bày như vậy thì nó tiếp nhận là như vậy và chân như, thực tướng của các pháp được thấy như nó là (thấy như thị). Nhưng sau đó, ý thức xen vào thì sự vật nhận thức bị biến đổi tướng trạng, tùy theo ý thức so sánh, và tình cảm ảnh hưởng mà sinh ra thương yêu ghét muốn, thêm vào đó còn có thêm ... thằng “mạc na thức” (thức thứ bảy) chi phối thì lúc đó, ý niệm “ta và của ta” phát sinh và hoằnh hành, do đó mà thực tại bị lệch lạc, mù mờ không còn trung thực nữa.

Hình ảnh trong bài thơ “nhạn quá hàn đàm” và “phong lai sơ trúc” đã diễn đạt tài tình về điều này: Khi chim nhạn bay qua hồ lạnh hay khi gió lên trúc dậy, thì lúc đó, vì có hình chim in đáy nước, và có tiếng trúc xôn xao, nên có thể tạm gọi là “đối cảnh hữu tâm”, nhưng đến khi chim bay đi và gió ngưng thổi, thì bóng nhạn đáy nước không còn, và trúc bặt tiếng “than”, đó là lúc ta có thể cho là “đối cảnh vô tâm”. Đây là bài thơ tuyệt diệu hương Thiền. Hàn đàm lúc nào cũng có đó, gió khi nào cũng thấp thoáng đâu đây, nghĩa là tâm lúc nào cũng có, và khi hình bóng và âm thanh không còn, thì là “tâm không”. Tổ nói là nếu người nào sống được như thế thì là đối cảnh vô tâm và người đó khỏi cần học Thiền!

Chúng ta thử nghiệm xem nguyên nhân nào khiến chúng ta khó mà sống được như thế. Ta thấy có những trường hợp xảy ra khi đối cảnh như sau:

1. vô tâm: không thấy, không biết, vì khiếm tật; không để ý; đang lo nghĩ chuyện khác... nên vô tâm=không có tâm.

2. “hữu tâm”: có thấy biết, nhưng không rỏ, không chính xác, không thấy như nó là, vì bị ngăn che bởi “những cặp kiếng màu” (thành kiến; điều kiện, văn hóa, xã hội; tình cảm thương yêu ghét muốn...), vì bị ảnh hưởng nên nhận biết không trung thực (chim đáy nước không giống chim bay qua), nên cũng không thể cho là đối cảnh vô tâm.

3. “hữu tâm” và sự nhận biếttuệ giác: thấy biết như thị: thấy thực tại như nó đang là, nhưng khôngtác dụng phản ứng, như như bất động, như mặt hồ lặng yên, như gương soi chiếu.

Trường hợp sau cùng này có thể cho là “đối cảnh vô tâm” mà bài kệ muốn nói. Điểm chính yếu cần phân biệt ở đây là “có tâm”, chứ không phải không có tâm, nhưng vì có “tuệ giác” chủ động soi chiếu, chỉ có “nhận biết” mà không có các phản ứng tâm lý và hành động phát sinh, vì vậy, nhìn từ bên ngoài thì giống là “vô tâm”, nhưng bên trong thì là “có tâm” vì có tuệ giác chủ động hướng dẫn cho các tâm hành (samskāra) tiếp tục xảy ra sau đó, vì tâm thức là dòng năng lượng chảy liên tục (continuum) nên không thể ngưng bặt và bất động ngang đó, mà phải có sự tiếp diễn: lúc đó, ta thấy, hoặc là “trúc bất lưu thanh” (vô tâm) hay là “hàn đàm có ý lưu ảnh”... để là kỷ niệm! (hữu tâm, hữu tác).

Qua những ức đoán như trên, ta nhận thấy rằng một đối cảnh để có thể gọi là vô tâm là khi đó ý thức có tuệ giáclàm chủ”. Tuệ giác, ngoài việc giúp chủ thể nhận thức trung thực thực tại khách quan, nó còn hướng dẫn chủ thể nên làm gì và không nên làm gì, đúng thời đúng lúc, đúng theo quy luật tự nhiên, đó mới đúng là “tùy duyên thuận pháp”.

Thử lấy thí dụ để thấy rỏ hơn về điểm này:

Có một người nào đó, đang đi trên con đường mòn, thấy cành cây chắn ngang cản trở lối đi (đối cảnh), có ba cách “hữu tâm tác ý” khác nhau:

1. người đó tránh sang một bên mà đi qua như không có gì xảy ra (vô tâm=không có tâm=vô tác, vô thưởng vô phạt, vô tạo nghiệp...);

2. người đó nghĩ rằng (tâm sinh): mình nên dẹp cây này đi để có lối cho người khác (hữu tâm, hữu tác, hữu thiện nghiệp...);

3. người đó dẹp cây và đi luôn, không nghĩ ngợi, chỉ có hành động và có kết quả là để cho lối mòn trở lại như cũ, trả thực tại trở về trạng thái tự nhiên của nó (thuận pháp), hành động này được gọi là “vô vi, vô tác”, làm mà như là không làm.

Lão Tử có câu: "Vi vô vi nhi vô bất vi" (Không làm gì mà không gì là không làm); và  Kinh Kim Cang, trong buổi vấn đạo của Ngài Tu Bồ Đề, Đức Phật cũng có rất nhiều câu “bí hiểm” như thế:

* Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Bồ Táttrang nghiêm cõi Phật chăng?

Bạch Thế Tôn, không có. Vì sao vậy?

Vì việc trang nghiêm cõi Phật đó, thật chẳng phải trang nghiêm nên gọi là trang nghiêm cõi Phật.

* Tu-bồ-đề! Như Lai dạy rằng bậc nhất Ba-la-mật, tức chẳng phải bậc nhất Ba-la-mật, nên gọi là bậc nhất Ba-la-mật.

* Tu-bồ-đề! Những vi trần ấy, Như Lai thuyết chẳng phải vi trần, nên gọi là vi trần. Như Lai thuyết thế giới chẳng phải thế giới, nên gọi là thế giới...

Và  ở đây, để kết luận bài viết, ta có thể “bắt chước” mà nói rằng:

Đối cảnh vô-tâm không phải đối cảnh vô-tâm thì mới thực sự là đối cảnh vô tâm;

Đói ăn mệt ngủ không phải là đói ăn mệt ngủ thì mới gọi là đói ăn mệt ngủ!   

Hahaha!

...
Buổi sáng
mùa xuân
trên con đường không lối mòn nguyên thủy
hai bên bờ cỏ dại
một mình
cẩn trọng
từng bước chân đi...

 

Tâm Dũng

San Jose, cuối xuân ’17

Phụ Chú:

1.  HT Thích Thanh Từ dịch.
2.  Thơ Huyền Không, http://vinhminh.net/th-tuy-but/463-nghe-ting-hoa-khai.html
3. “Chổ Đứng”, thơ Thích Nhất Hạnh
4.  Kinh Kim Cang, Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải.
https://thienphatgiao.wordpress.com/2013/06/15/kinh-kim-cang-bat-nha-ba-la-mat-doan-trung-con-nguyen-minh-tien-dich/

 

AVF B 141 Cư Trần Lạc Đạo-Đối Cảnh Vô Tâm