Thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt

03/08/20173:47 CH(Xem: 9520)
Thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt
THIÊN GIANG HỮU THỦY THIÊN GIANG NGUYỆT
Bài viết tham dự Ananda Viet Awards 2016 – 2017
Cư sĩ: Đông Khê Nguyệt Chiếu

Đông khê nguyệt chiếu khê nguyệt chiếu
Nguyệt chiếu thanh thiên nguyệt nguyệt đồng
Nguyệt đồng đại địa vô khiên ý
Khiên ý thùy tòng chiếu nguyệt khê

        Cũng như bao lần khởi sự ngôn ca, đều chẳng biết hòa từ đâu cho ăn nhịp hải hà. Dòng ngôn tưởng cũng khó điều biểu trưng đám du vân tư nghị, thôi thì tuế nguyệt vẫn miên trường tĩnh tịch một ánh trăng. Độc bộ đường đêm, ngẫu nhĩ giác tư tiếng thở dài, đèn vàng soi chân lê dài sạt sỏi. Tư lự cánh cò đêm đơn độc hay đang mơ cánh cò đêm phiêu bồng?

“Đời phố thị lá bay từ thuở
Đẫm hồng trang nguồn lạnh thu rời
Hồn du mục cỏ hoa mòn mỏi
Rừng đêm xanh trăng tạ không lời…” (BG[1])

        Giữa phố thị phồn hoa mà lá thu buồn bay từ thuở, hồng trang kia cũng mắt lạnh, thu rời. Để đứa mục đồng mòn mỏi cỏ hoa, nơi (hoặc mơ về) phương trời xứ lạ; đêm khuya, giữa rừng sâu, trăng vẫn tạ không lời…, có lẽ “nhớ rừng sâu nên khóe mắt rưng rưng” (TS[2]).

“…Ngày trống rỗng không gian trôi vào cõi
Xót xa thân sầu chảy máu bên xương
Ngày theo tháng tiếc thương không tiếng gọi
Nghe mùa xuân không đổ lục bên hường…” (BG)

        Từng ngày qua đi, chẳng còn cuộn trào niềm hứng thú, hay ai đánh mất đi dấu cát? Cái thuở “chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn” (BG) nay chẳng đủ thúc thôi tiến bước, mà cứ lạc giữa cát trắng sa mạc trong Sa Hành Đoản Ca - “nhất bộ nhất hồi khước[3]”; “đường vất vả vó ngựa chồn lảo đảo”, “tờ cảo thơm như lệ ứa pha hồng” (BG). Chẳng còn ý nghĩa của không gian và thời gian, cứ thế qua “ngày theo tháng tiếc thương không tiếng gọi”, mà vắng đi thanh sắc hoan ca, đến khi “nghe mùa xuân không đổ lục bên hường”.

“…Con đường thẳng con đường cong cỏ mọc
Nhịp mơ màng những quang gánh lên vai” (BG)

        Bỗng thấy nhớ một niềm thương làng cũ, nơi có những con đường xanh cỏ mọc, với những quang gánh bước dàitrên viễn lộ thuở anh niên, nhưng rồi biết chẳng bao giờ là thực tại, và cũng bởi:

“Hồn tuổi trẻ phiêu bồng trong tơ tóc
Trút tình hoa rụng gió ở bên ngoài…” (BG)

        Thơ ca, đơn giản chăng là biểu trưng ra những điều ám ảnh lúc cao trào. Người đời cứ tưởng Nguyễn Du đau khổlắm, nghĩ Bùi Giáng điên lắm, ta cứ cố hữu rằng thi ca ủy mị lắm. Người chê người yếu đuối, người chê người dung tục. Thực ai hiểu lòng ai muốn nói gì!? Nguyễn Du khóc Kiều ư? Đáng khóc nên là nhân sinh mới phải, nên là chúng ta mới phải; bởi chẳng biết mình mỗi mỗi đều như cô Kiều bèo dạt mà cứ tự lừa tìm vui trong tạm bợ mệt nhoài, “bi hân giao tập[4]”. Bùi Giáng viết:

“Tôi nằm khóc lóc bấy nhiêu bao
Bao bấy mà ra chẳng giọt nào
Lệ thắm u tồn sương tuế nguyệt
Xuân hồng trường tại tuyết ly tao”

        Có chăng đều là hiện hữu của cuộc tồn sinh, nơi thế gian đầy những điều chẳng toàn mỹtoàn thiện, vì còn hạn chế trong quốc độ tương đối của tư tưởng mà thường thấy biểu trưng ra ngôn từ. Nhưng những bậc thượng thừa thì khác, “trong cảnh giới của những tâm hồn thượng thừa thì công kích vẫn là đồng hội, bài bác vẫn là đồng thuyền, trongmâu thuẫn vẫn chan chứa cảm thông[5]”, đôi lúc người chẳng hiểu, phụ họa mà chia cái khác biệt này nọ.

        Đêm nay, trăng lại tạ không lời. Cái không lời chừng như âu sầu bất lạc, chẳng nói chẳng rằng những ngày làm quan của Nguyễn Du; như cái khóc lặng im của Tô Đông Pha lúc lạc bộ, thầm chảy trong tiếng đàn ca với người thiếpduy nhất còn chịu ở lại cạnh ông lúc đi đày; rồi như cái lặng im trong câu đáp của Khổng Tử bởi “trời có nói gì đâu mà bốn mùa vạn vật vẫn sinh trưởng vận hành[6]”; như cái lặng im của Thiền sư bao năm trong am tranhlặng im giữa trời đêm tĩnh tọa của ngài Xá Lợi Phất; hay cái lặng im không nói của cư sĩ Duy Ma Cật chẳng đáp ngài Văn Thù mà ba nghìn thế giới đến nhà tranh chỉ để lắng nghe cái im lặng của cư sĩ. Bởi pháp thế gian hay xuất thế gian, khổ hay lạc thì sự việc cũng là như vậy, có lúc ngoài tất cả ngôn từ.

        Muôn nẻo tầm xuân

        Trên bước đường rong dài lang thang ven bờ cổ độ, em đã tự hỏi nhiều câu viễn tượng xa mù lắm, cứ ngu ngơ nhìn phố thị và chìm trong suy tư trầm lặng theo những bước chân chậm lướt lá thu vàng. Ta từ đâu đến? Ta đi về đâu? Ta làm gì giữa cuộc đổi thay? Và ta nên đứng đâu giữa chênh vênh bất định của tư tưởng và ngôn từ?

        Rồi ngày nọ, em thấy mắt người khinh khỉnh nhìn nhau trong kỳ lạ. Người ta đo lường từng ly hơn thiệt, đong đếmvới nhau từng chút ân tình, rồi cãi tranh nhau sở hữu của tôi của anh những vật ngoài thân vời vợi. Người ta tồn tạitrong nhau bằng đếm đo thu nhập hay ngó qua đời nhau bởi giả tưởng hình tướng nông nổi bề ngoài. Trong sâu thẳmnội tâm em khi ấy, là tràn ngập cảm xúc ngổn ngang vang gọi vô vàn với chàng hoàng tử bé giữa sa mạc mênh môngkhông lời. Nhiều khi, em chỉ muốn trốn đi như một kẻ du ca trên bước đường hành cước, bỏ lại sau đời những danh tựgán tìm cùng châu quận tuổi tên:

“Hỏi tên rằng biển xanh dâu
Hỏi quên rằng mộng ban đầu đã xa
Gọi tên rằng một hai ba
Đếm là vọng tưởng, đo là nghi tâm.”(BG)

        Chẳng biết tường rằng, trong Tàng thức khối tư tưởng phức tạp nhân duyên lũy tích từ vô thủy ngàn đời tới nay, sao có thể tìm rạch ròi cho ra một chút nào nhỏ nhoi riêng thật là. Chỉ biết rằng, đâu đó từ xa xôi hoằng viễn lắm, vọng lại một đôi câu từ mà nhiều lúc chẳng biết đọc từ đâu, học từ ai, rồi bất chợt mời về giữa phiêu bồng lãng du vô định. Bởi mỗi độ hoan ca là tư tưởng và ngôn từ lại được thả sức chắp nối lung tung với tâm hồn lãng đãng rong chơi mà chẳng biết đâu là phương nhai, đâu là tuế nguyệt? Thế là cuộc vân du bắt đầu thị hiện, này đường xưa mây trắng, này tuyết nguyệt xuân phong, kìa sơn xuyên thủy lục, kia diêu lộ giang hà; rồi đào hoa xuân sắc, hạ thắm hồng liên, thu sương hoàng cúc, tuyết bạch sương đào.

        Nhưng sao đôi khi thấy khối tư tưởng em chỉ là một mớ hỗn độn ngổn ngang hoang tàn thụ lập mà chẳng thể định hình và nắm bắt? Ừ thì nó là vậy đó, tuổi trẻ non măng, tránh sao những lúc trắc trở tâm hồn trên bước chân đi tìm đường cho cuộc sống. Tồn tâm rằng muốn ghé bên đời em an ủi, mà không hiểu tại sao lại quá ư vụng dại tâm hồn, chẳng biết diễn ngôn sao cho trúng tiết tâm tình và hài hòa tương hợp. Mà thương hồn em trẻ dại giữa buổi nham phong nhật xuất trong cuộc tàn hoa tạ lạc ngút ngàn này. Em trách móc mình làm chi? Hãy cứ là như vậy, bởi thiên địa tác định ta là như vậy.

        Rồi một tâm hồn đứng bên đời lang thang bước đi và khóc lóc, ai cho em một bầu khoáng đạt vô tư, nơi mà chẳng còn thị phi nhân ngã? Ai lau nước mắt cho đời em bởi muôn ngàn thành kiến tư tưởng vách đá tường đồng và phân biệt tương đãi trùng trùng vây quanh? Em biết lạy vang lời khấn nguyện nào sẽ đập bỏ tất cả những sai biệt trong cõinhân quần phân biệt mình ta, trong lục đạo chúng sinh, trong ba ngàn thế giới, thậm chí là dị biệt ở cả mười phươngTịnh Độ; để mà vạn loại chúng sinh đồng như một thể, để mà ai ai cũng tương kính ái hộ huynh đệ thân tình, để những tâm lòng chẳng còn cách trở nhau xa lạ?

        Em đang tư lự rằng con người thật kỳ lạ, chả hiểu vì sao và từ đâu mà đến với cuộc đời này, rồi sống được bao độ xuân thu mà suốt sớm chiều phải làm biết bao điều kỳ quặc; mà cũng chẳng biết vì sao? Cũng chẳng biết mình sinh ra trên đời để làm gì, chẳng biết vì sao ngồi thu cánh nhỏ bên đường đời mà khóc lóc hoài với cuộc tồn sinh, rồi cũng chẳng hiểu vì sao lại phải chết đi? Ngày sinh ra đã là ngày bắt đầu sự chết; hồ đồ đến, rồi hồ đồ đi, đời lênh đênh cô độc. Âu có gặp nhau hẳn là trong những trang cổ lục ngàn xưa, và có trách nhau hẳn là tự trong tiền kiếp.

        Thôi, khóc làm chi em! Nàng Kiều đã khóc cho suốt cuộc nhân sinh chúng ta rồi. Nhưng chắc chẳng có hạt lệ nào cho riêng ai đâu? Là khóc cho đại địa nhân sinh ấy. Khóc làm chi bởi “xuân hồng trường tại tuyết ly tao”(BG) - lúc mà tuyết bạch tan lìa là khi đất trời chuyển tiết để trưởng dưỡng xuân hồng vốn hằng thường trong cuộc diệu kỳ càn khôntự vận. Hay là trong tâm lượng rộng lớn nói hộ tiếng đời giữa cuộc miên trường tồn sinh? “Đại bi vô lệ, đại ngộ vô ngôn”. “Trăm năm dâu bể thiệt thua. Cũng là Diệu pháp thượng thừa Liên Hoa.” (BG)

Dầu hao cạn khúc trùng hoan ly biệt
Và tháng ngày hoa lệ với càn khôn
Lượng nào thương dâu bể đã vô ngần
Ly tao đó, đoạn trường – Liên Hoa tạng.
Người hồ tỉnh giấc tàn sen liễu nguyệt?
Lá hoa tồn trút ngọc lộ thu sương
Hồ tịnh dương đáy nước ngậm trăng tròn
Đàn Diệu Pháp cao non bừng nhật xuất.

        Biết là vạn cảnh giai không, nhưng rồi cũng phải có người nhập vào pháp giới, bước vào đau khổ và nói hộ nhân quần, để từ nguyên tuyền kia nảy ra thị hiện, từ “chân không” mà xuất ra “diệu hữu”, từ khổ đế nức nở “lưu lệ ngâm thường dạ khúc cô ai” kia mà tìm về chân đế, như một phương tiện giải thoát để tái sinh những tâm hồn hữu duyên. Bởi, nếu một ngày chư Phật, Bồ Tát không còn trụ thế mà thường tịch ở cõi Niết Bàn hay chư thánh tăng ẩn cư sơn lâm hết thì chúng sinh biết tìm ai giữa đời đau khổ để nương? Ai thị hiện để chèo thuyền từ dẫn lộ chúng sinh hành Ba-la-mật mà hướng bờ bỉ ngạn?

        Rồi đó cũng chẳng phải là một chức năng của nghệ thuật là tạo dịp để con người có cái thảo luận với nhau, gặp gỡ nhau, đồng cảm và an ủi nhau giữa mong manh của quốc độ tương đối này. Và cũng chẳng phải bởi chính hai câulễ hội: “Thanh minh trong tiết tháng Ba. Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh” kia là nhân duyên khởi sự lên bộ Kiều đó ư?

        Tìm đâu một nẻo quê nhà quy lai?

        Một ngày nọ, em buồn như cánh vạc, đã chẳng còn niềm hân nhiên như giọt sương rụng mát trong bình minh khai rộ, mà bỗng thấy mình thổn thức cuộn trào như thác đổ đêm khuya, rồi gót rời chân em lạc lõng giữa quê nhà. Để ai phải lênh đênh đại hải, đồng vọng tương tầm rồi than “tìm cố quận xanh mờ thủy nguyệt, kiếm quê hương khóc bích ngạn nào” (BG)? Tiếng khóc của đời trẻ thơ lang thang giữa giang hà nhân thế, hay tiếng than nhớ nhà của cô kháchphong trần sương tuyết nắng mưa? Ai cứ cổ kim vinh nhục, mộng sự mộng hồn mà lênh đênh trên thuyền vô định xứ,nhân thế em biết khóc tìm đâu một nẻo an trú trong tâm hồn?

永為浪蕩風塵客,日遠家鄉萬里程
Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách
Nhật viễn gia hương vạn lý trình[7]

        Bởi vì đâu mà phải lạc bước phong trần nổi trôi mãi mãi, mà chốn quê xưa đã cách vạn dặm trình. Khóc vì bởi bước chân đi mới ngoảnh đầu thôi đã ngàn sơn biền biệt, lỗi hẹn mấy xuân thu, 回頭已隔萬重崖 – Hồi đầu dĩ cách vạn trùng nhai [8]; hay khóc vì “khả liên bạch phát cung khu dịch” mà chẳng được về với non ngàn để tương hẹn thủy chung - “bất dữ thanh sơn tương thủy chung[9]?

        Hay ai ngồi than nỉ non réo rắt tiếng đàn Tỳ Bà bên bến lau thưa thủy bạc, của “kiếp hồng nhan có mong manh[10]”, hay ai tương hội phân ly mà tấu mãi khúc cầm ca chốn Long thành, xót phận lỡ làng trôi cánh tàn hoa? Nàyhồng trần vô thủy duyên thêu mà bao khách đa tình chìm sâu trong bể ái. Bởi “tam giới hữu tình giai tùng nghiệp hữu[11], mà “con tằm đến thác cũng còn vương tơ[12]”.

        Rồi ai đã khóc cho kẻ lang thang trên chuyến đò lại qua sáu cõi mà bẵng quên mất quê nhà, từ thuở khăn gói ra đi? Từ cái độ đẩy mái chèo xuôi theo bờ tư tưởng tương đối mà lạc mất quê hương là hải đảo an trú tự tâm mình? Ai đã khởi sự cuộc hành cước vạn lý xa xôi, rồi hỏi ai đã khóc trong chuyến đi dặm khách thân cô của thi sĩ Basho suốt năm dài? Ở con đường thôn dã đó, có cánh quạ đêm đậu trên cành khô sương trăng gầy một độ, kìa, thi sĩ đang khóc: này khóc cho đất khách mười mùa sương; khóc cho về thăm quê ngoảnh lại; cho lệ trào nóng hổi, tan trên tay tóc mẹ, làn sương thu; cho tiếng vượn hú não nề, cho tiếng trẻ bị bỏ rơi than khóc, ngoài kia, gió mùa thu tái tê; rồi thương cho chú khỉ con giữa trời mưa đông giăng bụi mờ đại địa, mà thầm ước một tấm áo rơm tơi che lạnh tấm thân mình; thương cho tiếng ve ngâm giữa vắng lặng u trầm, thấu buốt sâu cả vào hồn trăm năm sỏi đá; rồi thương cả cánh hoa đào lả tảbay bởi gió từ bốn phương trời xa làm gợn sóng âm ba hồ Tỳ Bà. Thế rồi, trong cuộc lữ suốt năm dài “cô thân vạn lý du, vấn lộ bạch vân đầu[13] ấy, thi sĩ đã nằm xuống, nằm bệnh giữa cuộc lãng du, mộng hồn còn phiêu dạt, những cánh đồng hoang vu[14]. Chỉ gửi lại cho đời mộng hồn điêu linh phiêu dạt gió bến lau, hay trải khắp cánh đồng cô liêu nhân thế trong chuyến Nam du mùa sương thu tháng Mười năm ấy.

        Ai đã khóc cho khúc Ly Tao thương nhớ quê nhà mà biệt ly nhân thế? Ai đã khóc cho chút tình “江南雖樂不如歸 - Giang Nam tuy lạc bất như quy[15]”? Rồi tới nỗi thổn thức lòng thương những tàn văn khuyết cú nơi hoa uyển Tây Hồ khóc người thiên cổ. Trang thơ lần giở bên đèn, xuân thu cách biệt mây ngàn trăm năm. Ôi nguyên sơ sao, giọng lữ khách ngàn năm chung chân trên chiếc thuyền chở những tâm tình thế nhân tao ngộ!

Hồn thơm thảo dời chân về chốn nọ
Khói thu chiều lãng chiếu ánh tà huy
Sương tuế nguyệt thương tóc mềm mấy biếc
Tầm xuân xưa đã mấy độ trăng đò.
Thuở tráng sĩ đem đao mài dưới suối
Bóng ngàn sơn chiếu nguyệt ánh hàn quang
Nào có hẹn anh hoa mùa phát tiết
Là thiên thu bạc mệnh giữa miên trường.

        Tĩnh lặng đêm nay, trên lầu cao, ai người ngóng trông phương nao mà đợi nguyệt, non xa một bầu sơn thủy mông lung, bỗng thấy thương ai cô độc một mình?

Dạ tịch cao lầu vấn hà phương đắc nguyệt?
Sơn thủy mông lung dữ khứ nhân tương phùng!
 夜寂高樓問何方得月?
山水朦朧與去人相逢!

        Lặng nghe tiếng vọng hải triều in pha

        Rồi một ngày nọ trên bước đường dạo bộ quen thuộc, chú bỗng nghe thấy tiếng gió đông lạnh xào xạc lá rơi; nhưng trong cội nguồn tấm thân mình hạc xương mai, chú lại đang thấy an lạc lạ thường. Bởi sau buổi công phu khuya, chú đã biết tập nương về nơi mình để tưới cho hạt mầm tâm xuân đầu tiên nảy nở. Trong cõi hồn bé dại thuở ấy thì bầu trời như phủ rợp hoa vũ mãn thiên và mỗi gót thanh tân như xuân du trên miền phương thảo địa.

        Đêm nay, đường phố núi vắng lặng, và chẳng hiểu sao cứ thấy trời lạnh mới thấy vạn vật cỏ cây dậy được cái hồn linh khí của nó, và lúc ấy nhìn đại địa sao mà cõi lòng rất đỗi hân hoan? Đâu đó, bỗng thoáng hiện trong trang cổ lục xưa, cũng giữa sương đêm trên non cao nào đó, có người đương ngẩng đầu lên ngưỡng vọng cành mai trắng thanh khiết bên góc tường rêu lạnh ánh trăng xuyên, mà mỉm cười. Chú ngó trước nhìn sau đều chẳng một bóng người, rồi bỗng chắp niệm bài cổ thi đầy hoài vọng:

前不見古人
後不見來者
念天地之悠悠
 獨愴然而涕下

Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc sảng nhiên nhi thế hạ

        Chú thuộc bài thơ này của ông Trần Tử Ngang thời sơ Đường từ hồi còn bé, nhưng chỉ là thấy đọc lên hay hay vàám ảnh lạ thường. Nhưng rồi lớn lên, có một lần chú được nghe thuật lại, có vị trưởng bối nọ nhập sơn, chẳng rõ là ngọn cao phong nào ở đất Trung Hoa rộng lớn, nhưng vờn lại trong trí tưởng tượng của chú thì cứ mơ màng giống như ngọn Tuyết Sơn tĩnh mịch tự ngàn xưa, ở trên đó bốn mùa tuyết phủ, “cao xứ bất thắng hàn[16]”, chẳng một cỏ cây, chẳng một tiếng côn trùng, đêm đêm chỉ vọng lại những diệu âm như thiên nhạc tự Ngân Hà vọng xuống đại địa. Trên bước đường cao tuyết chon von, cách biệt nhân quần và tuyệt đối im lặng ấy; hãy cứ thử niệm lên lời thanh âm Hoa Nghiêm, hay ngâm nga lời đại nguyện, nguyện cho “chúng sinh khắp trong pháp giới, kẻ mất người còn đều tròn thành Phật đạo”, sẽ hiểu được cảnh giới của bài thơ, mà giọt nước mắt an lạctừ bi bỗng nhiên trào ra, rơi xuống. Hoặc một lần thử đến giữa sa mạc mênh mông hay đâu đó im lặng không người mà nhất tâm vang niệm, chắc sẽ xúc động như ông Trần Tử Ngang lắm!

“Tiền bất kiến cổ nhân, hậu bất kiến lai giả”

        Đẹp làm sao những thơm hương hoa màu niệm tưởng vẽ hình ấy, mà xin thứ cho tâm hồn thô sơ vụng dại ngại ngùng, chẳng thể diễn đạt được cái cảnh giới văn học gợi muôn vàn những phác nét kiêu sa tuyệt mỹ của đại địa sơn hà và nhân tâm đáng mến ấy.

        Rồi tương tục trong tâm là những lời hoa mơ lại hiện về, chú nhớ tuổi thơ, nhớ về cố quận, nhớ chút tình thân rất người, nhớ cành đào hồng phai trong mưa phùn giá rét, chú nhớ náo nức hội du xuân, nhớ bàn hương hoa ngũ quảthơm tho riêng một chút bày, chú cũng nhớ thanh âm của bối khúc Đại Bi, vừa trang nghiêm lại vừa từ hòa, ấm cúngđoàn viên, quyện trong khói kết lò trầm hương buổi công phu sớm lạnh.

        Trời lên, nắng xuân đang đẹp quá, bóng nắng bên thềm buông lá rủ, tuổi thanh xuân đóa đóa hoa hoa rực rỡ khắp sơn hà. Cái thuở thiều quang xuân sắc ấy, ai nỡ phụ ánh hoa đào mà chẳng dấn gót du xuân rồi ghé lại mái trúc đình mà thưởng ấm Thiền trà bên trụ lăng cẩm thạch? Thế rồi vẳng nghe chuyện kể xưa rằng tổ Thủy Nguyệt lặn lội xa xôi đi bộ cả năm trời sang tới đất Hồ Châu bên Trung Hoa cầu học đạo nơi tổ Trí Giáo, sau sáu năm miệt mài mà đắc pháprồi hồi hương. Từ thuở đó, một nhánh pháp mạch Tào Động truyền về phương Nam. Trước lúc viên tịch, tổ Trí Giáo nóibài kệ với tổ Thủy Nguyệt rằng:

春色色, 草茸茸
萬宇枝條開切切
 一莖楊發產重重
水浸月圓澄海底
 山頭日出露巖峰

        Xuân sắc sắc, thảo nhung nhung. Vạn vũ chi điều khai thiết thiết. Nhất hành dương phát sản trùng trùngThủy tẩm nguyệt viên trừng hải để. Sơn đầu nhật xuất lộ nham phong.

        Rằng: xuân sắc thắm, cỏ mơn nhung. Vạn lối cây cành đâm biếc biếc. Một nhành dương liễu trổ tầng tầng. Nước ngậm trăng tròn bừng đáy bể. Non đầu trời mọc chiếu cao phong.

        Có dịch thế nào cũng cứ thấy chẳng đủ tầm và cảnh giới trong tâm để hiểu và tả hết cái cõi hồn và khí khái trong thơ của chư vị tiền hiền thánh giả. Nhưng xuân đẹp quá mà thơ cũng đẹp quá, cũng đành mạo muội mượn lời vậy. Thế là lại rong dài đôi phút ngẩn ngơ ngồi dưới mái chùa, ngó nơi có vườn hoa thắm, nhìn phía cao xa mấy ngọn cau phất phơ, một cánh chim lượn bay quyện tròn trên dải mây trắng bồng bềnh, kìa, cánh chim viễn du ấy sao mà nhẹ nhàngtiêu dao đến vậy!

        Chú cũng nhớ cả đồng lúa gió vờn tháng Ba nắng chói, nhớ thiếu thời với chúng bạn níu hái cành đa. Chú nhớ dòng sông hai bờ mướt cỏ ngày bé dại hàn vi nô đùa. Chú nhớ khung cảnh thiêng liêng lễ chùa đầu năm, nhớ và nhớ khôn nguôi những tâm tình người Việt. Đó là nơi chú lớn lên, chẳng đâu bằng chốn quê nhà. Rồi nhớ cả những tháng năm xưa và những người bạn cũ, dù cố nhân nay đã bằng trình vạn lý, tứ tán muôn phương; bởi làm dị khách độc tại dị hương nên duy chỉ gặp nhau trong ý niệm khôn hàn. “Ta bước bên đường kêu gọi mãi, nhớ người bạn cũ thuở anh niên[17]”. Tuế nguyệt phôi pha, duy chỉ lưu tồn là những kỷ vật nhỏ thương gợi nhớ về những con người và những câu chuyện đời lãng đãng, nhưng những kỉ niệm "xiết bao đơn giản ấy bỗng đánh thức dậy trong nhau cả một chuỗi dàihình ảnh, một tràng dài cảm giác bóng vang: một kỷ niệm vô ngần của mùi hương điền dã, của châu quận cũ từ hang thẳm lãng quên, tiếng vang xa xôi của những hội hè nô nức của tóc tơ tuổi nhỏ qua rồi[18].

Hồn tuổi trẻ phiêu bồng trong tơ tóc
Trút tình hoa rụng gió ở bên ngoài…(BG)

        Để mà,

…Còn nghe điệu hát nghiêng mày
Sử xanh lần giở bên này phù du
Tráng hoa thêu gấm khơi mù
Dòng tuôn thúy lục xuân thu lên ngàn
Ta về ngóng lại dư vang
Rồi mai ly biệt lên đàng nhớ nhung..." (BG)

      Ta về ngóng lại dư vang, rồi mai ly biệt lên đàng nhớ nhau! Ai cũng một thời với liễu lục my mành và muôn ngàn sắc hương niên hường trẻ dại, để cho văn hóa nhân loại mãi mãi dừng ở tuổi thanh xuân ôn hinh bất tận, vị lai nguyên tồn này.

        Mà ở cao xứ xa, nơi khoảng trời thiên thu bồng bềnh mây trắng quá khứ, tịch dương vẫn vô hạn hảo! Đẹp làm sao,hoàng hôn cứ như đã từ vô thủy, mà tình tháng năm ngắn ngủi, hồn tuổi trẻ cứ mãi luyến tiếc nhau cái thuở bất khả vãn hồi?

Hỏi xa trời bể xanh dâu
Bờ quê diệu vợi lão đầu hoài tư?
Hỏi rằng như thị cổ xưa
Mùi hoa phương thảo tóc xưa nguyên tuyền?
Lá đò ru phận cô miên
Tịch nghe thủy bạc hàn huyên trăng tròn.

        Tàn hoa cho cuộc đong đầy vị lai

        Một ngày nọ trong cuộc lãng du, chú bé dừng chân nơi chùa núi. Đêm qua, mưa lạnh, gió Bắc gào, biết bao cánh hoa rơi? Chắc cành hoa đã tơi bời lắm!? 

 夜來風雨聲,花落知多少?
Dạ lai phong vũ thanh, hoa lạc tri đa thiểu[19]?

        Chú bé nhớ lại lời các thầy dạy, rằng thi nhân có một tâm hồn nhạy cảm với biến động của trần gian; mà ngày nay, vì thời thế đổi thay, đã vơi đi nhiều những tâm hồn như vậy. Người thời nay còn mấy ai luyến lưu văn thơ, nhân quầnquay lưng ruồng bỏ để kẻ bút nghiên phải tủi phận canh tàn. Những tấm lòng cũng dần phôi pha, âu sót lại những tàn hoa trước gió, coi như sống với cái nghiệp thiên thu tiền kiếp của mình. Người đời chẳng thích thơ ca, cũng chẳng còn yêu tìm sự thậtNhân thế chúng ta cứ mải miết tìm vui tạm bợ trong nhà lửa để rừng Pháp Hoa thưa người chăm chút mà héo tàn. Cuộc sống như dòng sông chảy dài biết bao ngàn năm tương tục. Cõi nhân gian như vậy vốn là như vậy, biển trần xao động, sóng lên sóng xuống, thái cực biến đổi là chuyện tất nhiên. Ai giữ được nhánh hoa chẳng tàn sớm tối, ai đoán được gió mây bất trắc vô thường?

        Nhưng đâu đó có những bờ tư tưởng, những phương trời viễn mộng ngao du xa xưa vẫn vọng tìm về qua những lời kim cổ, cùng duyên tương hội, rồi tâm truyền tâm chẳng phải tự cưỡng lòng. Chỉ với ước mong cho vườn tâm bừng rộ tiếng hoan ca, để thấy “thanh thiên bừng nở hằng thường, xuân xanh đóa đóa mộng trường hoa hoa”(BG). Nơi vườn tâm tỏa đầy ánh trăng vàng khai hội, nở thơm bay một đóa hoa quỳnh; được rộng cõi lòng thênh thang mà đắm mình thể hội chút ít cảnh giới ngôn từ của Hoa Nghiêm vô tận xứ.

        Ông Mạnh Hạo Nhiên kia thương một nhành hoa trước sân bị gió mưa vùi dập trong đêm lạnh, mà than rằng ôi biết bao cánh hoa rơi? Ai sợ làm phai bay những mong manh hương sắc ấy, và ai tịch độc một mình dưới nhật nguyệtđôi vầng với cát bụi hai tay? Rồi đến Tào Tuyết Cần lạc bút vẽ cảnh Lâm Đại Ngọc chôn hoa, lại làm rung lên cái mỹ cảm về nhân sinh mong manh ấy:

花謝花飛飛滿天, 紅消香斷有誰憐?
Hoa tạ hoa phi phi mãn thiên, hồng tiêu hương đoạn hữu thùy liên?
“Hoa bay hoa rụng ngập trời. Hồng phai hương lạt ai người thương hoa?”

 試看春殘花漸落,
便是紅顏老死時。
一朝春盡紅顏老,
花落人亡兩不知!

Thí khán xuân tàn hoa tiệm lạc
Tiện thị hồng nhan lão tử thì
Nhất triêu xuân tận hồng nhan lão
Hoa lạc nhân vong lưỡng bất tri!
“Ngẫm khi xuân muộn hoa tàn,
Cũng là khi khách hồng nhan về già
Hồng nhan thấm thoắt xuân qua,
Hoa tàn người vắng ai mà biết ai![20]

        Bẽ bàng sao khi xuân tàn hoa rụng, lúc hồng phai hương lạt, ai còn tiếc thương hoa? Mấy ai có cái tâm hồn như cô Lâm Đại Ngọc thương tiếc chôn cánh hoa tàn mà khóc lóc thương phận hồng nhan. Ta ngồi thương cuộc chôn hoa, khi mà ta chết ai người chôn ta? Khách hồng nhan khi tuổi xuân xanh đã chẳng còn thơm hương má hồng môi thắm, 百年易老風前發 – bách niên dị lão phong tiền phát[21], trăm năm ngắn ngủi dãi dầu, tóc mềm mấy biếc sương tuế nguyệt phôi pha?

        Hoặc như lời bài cổ thi: 美人自古如名將,不許人間見白頭 -  Mỹ nhân tự cổ như danh tướng, bất hứa nhân giankiến bạch đầu[22]: tướng tài với giai nhân cũng chung phận tự ngàn xưa rồi đó. Giai nhân suối tóc đã trắng tuyết hoa bay, danh tướng hoàn sơn đã chẳng màng binh luận. Nhưng nhân loại ở thuở thanh xuân vẫn thường tự phụ lắm, chắc phải ở cái lúc khí lực thanh xuân sắp vụt tàn thì tâm hồn mới thấy được cái nỗi niềm thức tỉnh cảm ngộ chân thườngtrong giây phút ấy.

        Nhưng như lời thơ của Trân Tự Cung thời Thanh viết:

 落紅不是無情物、化作春泥更護花。
Lạc hồng bất thị vô tình vật
Hóa tác xuân nê cánh hộ hoa.
Tàn hoa chẳng vật vô tình
Hóa bùn nuôi ủ hoa thì xuân sau.

        Cuộc vô thường là như vậy đó, xuân đến rồi xuân đi, hoa tàn rồi hoa lại nở, thịnh suy suy thịnh đổi thay tang điền. Cũng như có ai để ý tới mấy nhánh cành cây cong queo trơ trọi trong sương hàn đông giá kia đâu, rồi bỗng trở xuân mà diệu kỳ trổ ra muôn ngàn lá hoa tầng tầng biếc biếc. Cuộc khai lộc tàn hoa mỗi độ xuân hòa sao thoáng giống như phân đoạn tử sinh thịnh suy một kiếp, bồi đắp tư lương để tàn cuộc hoa này lại ấp ủ chờ cuộc hoa sau. Nhưng khó thay, thế gian bao người đủ phước được chân huệ nhãn và rộng lòng để nhìn ra xa hơn một cuộc tàn hoa hiện kiếp? Hay có phần nhiều người thường thì sống trong mê mờ nặng về phần tin (Tín) mà thiếu lòng học rộng, có người trí thức thì chìm trong kiến giải nặng về phần nghĩa (Giải) mà thiếu hụt đường tu? Hay người mê tín thì cứ tạp tin chẳng biết tìm đâu ngọn nguồn chính kiến, còn người trí thức thì vướng chấp ngôn từ học thuật mà đắp bồi tâm ngã mạn cống cao? Nhắc nhau được Hạnh - Giải song hành sao cho vẹn cả đôi đường song tu Trí – Tín.

   Chốn tùng lâm

   Được ở chùa mấy ngày nên sáng nào cũng dậy từ bốn giờ để công phu sớm. Khoác cái áo dày bước ra khỏi cửa thế là ngắm đất trời lúc mới ánh triêu dương. Sân chùa lát đá có cỏ xen, đặt quanh là vài bức tượng nhuốm rêu các vị Bồ Tát u trầm. Cạnh là khoảnh vườn có cả ngải cứu, tía tô, có cả rau khoai cùng dăm chậu húng quế dưới mấy cây quất sai quả. Mấy cây lớn đương phớt lộc bị gió lạnh sớm vờn cho tơi bời, gió cũng thổi cành đào rơi lả tả rụng hồng thảm cỏ xanh dưới gốc già, thổi luôn cả trận lá vàng đuổi đàn chim đang hót giữa đồi núi sớm. Thế là trời mưa. Mưa lạnh như mưa xuân Bắc bộ mình. Rồi tức cảnh mà có câu thơ rằng:

Gió lạnh phiêu vờn nhành thanh xuân chớm lộc
Xác phai đào xuy lạc gốc tàn hoa
Trút lá vàng khô hội quần anh tản tứ
Phổ rợp sơn hà hàn vũ lệ châu sa.

   Trăm năm duyên hợp duyên tan, có hội quần anh chim đậu cùng cành rồi cũng "人生似鳥同林宿 - nhân sinh tự điểu đồng lâm túc[23]", đến lúc cất cánh rồi là tứ tán muôn nơi. Thôi thì nóng lạnh nhân tình đậm sâu duyên nợ, xin gửi lại cho nhau trong thiện niệm hàm ân trân trọng ở cõi lòng. Bởi chẳng có gì để báo đáp những ân tình chân thật, chỉ gửi lại cho nhau cái quý trọng nhất và cũng là cái vô dụng nhất là tấm lòng.

        Mỗi chiều tà, lòng em an trú trong lời tán kệ U Minh giáo chủ vang lên nơi tùng lâm diệu vợi, mà mắt dõi vọng con đò bên bờ tả ngạn cách giang. Tưởng lạc bước chân trong mênh mang hoa hoa thế giới, mà đâu ngờ xứ xứ đều là bất nhị pháp môn.

        Trong thảo am nơi lâm tuyền tĩnh tịch xa xưa có vị Thiền sư đang ngồi tĩnh tọa, trong cái sát na bặt im thanh sắc,siêu việt vô ngôn ấy, cảnh giới Hoa Nghiêm bỗng góp lại hiện về trong một cánh hoa rơi.

 一花一世界,一葉一如來,
 一砂一極樂,一笑一塵埃。

Nhất hoa nhất thế giới
Nhất diệp nhất Như Lai
Nhất sa nhất Cực Lạc
Nhất tiếu nhất trần ai

   Tam thiên đại thiên thế giới hiện về trong một cánh hoa bừng nở; rồi trùng trùng duyên khởi từ quá khứhiện tại, vị lainay tụ về trong chiếc lá Bồ Đề rụng cội gió mây; một hạt cát thôi là cả một cõi Cực Lạc trang nghiêm thường hằng hiển lộ; một nụ hàm nhan vi tiếu, rồi để trôi đi một cuộc trần ai bẽ bàng. Cảnh giới của chư Phật, cảnh giới của Hoa Nghiêmluôn là an lạc, lung linh, sáng đẹp và hoa màu như vậy đó.

   Nhưng xin thưa! Vạn pháp muôn hình nở rộ, em đâu biết thế nào là hoa hoa thế giới, mà thế nào là bất nhị pháp môn? Em chỉ nhìn thấy đời khổ đau là sinh chút cảm thương tâm ly biệt ái trần, mà cõi đời ở trọ trần gian ngắn ngủi dần tàn như cá thiếu nước này có gì vui sướng đâu?

   Thưa! Đạo, nghĩa là con đường, đó là một “lộ trình Phật giáo”. Người này người kia có chỗ khác khi bước chân vào từng đoạn trên con đường chỉnh thể đó, nhưng tất thảy đều đến chung một đích, như sông muôn màu đều đổ về đại hảixanh biếc từ bi. Có người đến với đạo bằng Thiền định, bằng Tứ Niệm Xứ, bằng ngộ Nhân Duyên, bằng tụng kinh, bằng pháp hội; có người đến bằng thơ ca, nghệ thuật; cũng có người đến bằng từ thiện, y tế, giáo dục… Đó là nhân duyên gieo trồng từ quá vãng của từng người, nhưng đều là đạo Phật. Trong lộ trình Phật giáo ấy, thầy tùy nhân duyêncủa từng người mà nói pháp, tùy bệnh mà cho thuốc. Ví như khi còn sơ khởi thì nghiêng về Không quán, Nhân Duyênquán…để chặt bỏ những ràng buộc và ước thúc bản thân mình nghiêm mật; khi đã bước sâu hơn, chí nguyện đã kiên cường, chính là lúc bước vào nhân gian mà đồng sự với nhân quần, hiểu và thương chúng sinh rồi dùng phương tiệnđể hành Từ Bi mà ban vui cứu khổ.

   Đạo Phật mênh mông bồng bềnh vậy đó, và việc của chúng ta là phải đọc hiểu rộng sâu và nguyện hành tất cả như lời Tứ vô lượng tâm: “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”, chứ đừng mỗi người giữ mãi một phần của đoạn đường mình đi mà Đại ThừaTiểu Thừa hay phân biệt này nọ.

   Như thầy “Thiện Tài đồng tử ngũ thập tam tham”, năm mươi ba lần cầu học với các vị thiện tri thức, mà những vị đó, có người ở lề đường, có người trên núi cao, có người trong tửu lầu…nhưng thầy Thiện Tài đều đến cầu học. Đó là đại biểu cho tinh thần học hỏi tất cả, đại biểu cho tinh thần “nhập pháp giới”, bước vào cuộc đời để hiểu, để đi cùng, rồi sau đó dìu dắt chúng sinh hành Bồ Tát đạo. Từ nguyên bản “chân không”, vì độ chúng sinh mà nảy ra “diệu hữu”.   Cái “diệu hữu” ấy là phương tiện nương theo, cũng  biết mọi thứ đều mang bản chất tính không, nhưng phải có vạn hạnh thực tếấy nhân gian mới biết đến đạo, phải có biểu tượng mới truyền tải được chân lý; chứ đừng hiểu chưa thấu đáo về tính Không rồi không làm gì cả.

   Người Phật tử nay nên học và hiểu rộng tinh thần của cả lộ trình Phật giáokết hợp chỗ hay cả Tiểu Thừa và Đại Thừa, học của các nhà, ai có gì hay thì mình học. Học cái tu tập hành trì thường nhật trong ước thúc nghiêm mật để hướng tới giải thoát cá nhân; nhưng đồng thời cũng phải phát nguyện rộng hành Bồ Tát đạo, dùng mọi phương tiện y tế, giáo dụcvăn hóa nghệ thuật, từ thiện xã hội…để “nhập pháp giới”, để phương tiện mà nối đạo với đời. Nếu không, ai sẽ chỉ đường cho chúng sinh về nẻo giác, ai là người để chúng sinh nương theo tu tâm hành thiện cho đạo phápđược thường trụ giữa đời? Vẫn là những lời xưa ý cũ rằng nếu chư vị hiền giả ẩn cư sơn lâm hết, thì chúng sinh vô biên nhờ ai nương học, Phật đạo vô thượng lấy ai hoằng truyền?

   Hoa hoa thế giới, ngàn vạn phương cách đó để đưa đạo đến với đời, em có nhân duyên với ân tình nào thơm thảo thì cứ chuyên niệm hằng thường mà đi theo. Bởi mỗi mỗi pháp môn đều đưa đến một đích, hình tướng bề ngoài khác biệt mà công dụng nội tại lại như nhau nên gọi là bất nhị pháp môn. Nhưng em đừng tránh khổ mệt mà cầu an dật, cũng đừng hành Thiền chỉ vì mong cầu an lạc. Bởi chấp nhận vào thế gian là vào thế giới của tương đối, có người khen kẻ báng, và sẽ khổ mệt vì người nhiều. Nhưng cuộc đời vốn là như vậy, nếu với tâm thái ngại khổ mệt, trốn tránh xa lìachúng sinh thì sao mài giũa, tôi luyện cho ra đóa hoa sen vươn mình? Tu không phải vào núi sâu cầu tĩnh tâm an nhàn, nếu giữ cái tâm thái ấy thì dù nhập sơn mà nghe tiếng gió lay cỏ cây cũng đã khởi phiền não rồi; cũng không phải tu làtrốn tránh trách nhiệm cuộc đời, hay mạt lộ cùng đường mới quét lá đa! Tu là một con đường đi theo lộ trình Phật giáo, là một loại chí nguyện rộng lớn thiết lập trên cơ sở của trí tuệ và từ bi. Mà loại chí nguyện kiên cố ấy không phải làm trong một thời, một đời mà là một sự nghiệp hết đời này qua đời khác như phát nguyện rộng Phổ Hiền đến vô tận kiếp hành Bồ Tát đạo. Vì Bồ Tát Đại Thừa mang trong mình tinh thần nhập thế để tịnh hóa nhân gian: làm thanh tịnh nhântâm và thanh tịnh hoàn cảnh môi trường (y báo và chính báo).

   Từ đó, học Bát Nhãtu tính Không là việc của tu tâm phá chấp thường nhật cần làm, nhưng muốn thị hiện giữa đời thì phải hành cái Hữu[24]. Các vị Bồ Tát xuất giatại gia phải lăn xả đồng sự với nhân quầntùy duyên mà làm rộng tất cả các công việc xã hội để thắp sáng mạch truyền đăng giáo pháp tới vị lai. Mà cái tâm lòng, đạo đức và khí độ rộng như trời đất, bình đẳng không phân biệt, làm sinh trưởng vạn vật mà không cư công, gánh cái gánh nặng giáo pháp trên vai, tự xắn tay chèo thuyền từ dẫn đường chúng sinh đến bờ bỉ ngạn chân tu chân hạnh đó là cái tinh thần hy sinh tự ngã, cần chuẩn bị cụ túc cái tâm lượng cống hiến vô biên của thiện hạnh Bồ Đề. Lúc đó phải xem công phu tu tập tháng ngày tích lũy mỗi người kiên định ra sao. “Nguyện cho chúng sinh được thoát khổ, đâu cầu an dật chỉ riêng mình”. Chẳng tránh khổ mệt cũng chẳng cầu an nhàn, cái gì đến thì đến, cứ ngày ngày hành trì từng chút, không vọng tưởngảo ảnh, rồi cứu giúp chúng sinh, làm việc đồng sự cùng cuộc đời. Làm được đến đâu là chuyện sức của từng người khác biệt, nhưng cái tư tưởng dẫn lối hành động thì phải là tích cực làm rộng các Phật sự để cứu độ chúng sinhphụng sự xã hội. Vì không theo con đường nhập thế gắn với cuộc đời thì sẽ không còn thị hiện mà dần bị tiêu diệt.

   Xin mượn triết lý hai bên xuất thế và nhập thế qua tâm tình cảm ngộ bài thơ vẽ bức yên vũ xuân cảnh đồ của Mai Đỉnh Tộ thời Minh trong Đề Họa:

半水半煙著柳,半風半雨催花
半没半浮魚艇,半藏半見人家

Bán thủy bán yên trước liễu, bán phong bán vũ thôi hoa
Bán một bán phù ngư đĩnh, bán tàng bán kiến nhân gia.

   Hàng liễu nửa bóng hồ nửa khói, nhành hoa xuân nửa gió nửa mưa, thuyền ngư phủ nửa chìm nửa nổi, chốn làng xa nửa tỏ nửa mờ.

   Hay như bài ca chữ Bán (Bán Tự Ca) của Lý Mật Am thời Thanh:

…半郭半鄉村舍,半山半水田園 …姓字半藏半顯,
一半還之天地,讓將一半人間 …   

   …Bán quách bán hương thôn xá, bán sơn bán thủy điền viên… tính tự bán tàng bán hiển, “nhất bán hoàn chi thiên địa, nhượng tương nhất bán nhân gian”…

   Nửa phố nửa làng thôn xá, nửa non nửa nước điền viên… danh tính nửa tàng nửa hiện, “một nửa trả về nơi thiên địa, một nửa nhường lại với nhân gian”…Ý nói tư tưởng và hành động con người có hai phần xuất thế và nhập thếdũng mãnh tu tâm cầu giải thoát là xuất thế, nhưng vì đạo pháp vì người khác làm đủ mọi việc cống hiến là nhập thế. Sao cho quân bình giữa Không và Hữu, giữa xuất thế và nhập thế, mà đi con đường Trung Đạo lâu dài an vui.

   Nguyệt chiếu

   Ánh trăng rằm từ phương Đông hiện lên trong vắt giữa thanh thiên hằng thường. Trăng đẹp ngẩn ngơ, đã lôi bước chân phong trần trong căn phòng cố hữu dấn gót đi vào cuộc lữ độc bộ để mở cuộc giao tình với muôn ngàn mây núi gió trăng. Từ cái độ trăng tròn phương Đông tháng Tư ấy tới nay cũng mấy nghìn năm thấm thoắt, nhưng trăng vẫn đẹpviên minh như mùa trăng năm cũ. Bởi từ đó, trăng là nguyệt... Thiền quyên tố nguyệt một vầng, "làm gương cho kháchhồng trần soi chung".

   Đôi mắt nhìn trăng thanh trong không chán mỏi, chỉ muốn đối diện để mở cuộc giao tình trong mặc lặng vô ngôn với những nỗi niềm chân thànhthơ ngây, thuần phác nhất; được nằm trên đại địa để mà trở về với cội nguồn tố tâm, tố như, cho xứng với vầng tố nguyệt từ vạn đại xa xưa mời về.

        “Văn bất tận ngôn, ngôn bất tận ý”. Thế rồi cũng phải đến lúc tàn canh liễu nguyệt. Gió Đông phong lay thổi sương đào rụng, đĩa dầu hao chợt thức mộng giang hà. Những lời trên đây chẳng mấy lời mà kẻ mạt học này có đủ tài để nghĩ biện, mà chỉ là lụm lặt trùng tuyên học hỏi ngôn từtrí tuệ của tiền nhân; mà thứ cho kẻ vụng dại đường tu, ưa bàn hý luận này mạo muội chắp ghép trước sau; hoặc có chỗ do vì nặng nghiệp vô ký ngây ngô mà đến nay đã bất tường lai lịch, cũng chẳng biết từ đâu đó tồn tương vãn tứ hội tụ tập thành trong những lúc chênh vênh tuổi trẻ dại đời chẳng biết tỏ ngỏ cùng ai. Xin thưa, đó chỉ là những cảm niệm riêng tư chơi vơi mà chắp nhặt từ những tâm tình tự ngàn xưa qua trang cổ lục, như một chút ơn đời thắp nỗi niềm thơm thảo xa xăm trong những canh thâu trò chuyện với trăng tàn. Nỗi niềm chúng sinh là như vậy, nhiều khi có khổ mà nói không nên lời, đành cam nỗi “kiếp sinh ra thế biết là tại đâu[25]”, rồi tự mở cuộc giao tình với trăng thanh, diệp lạc, ngọc lộ, thu hoa, hoặc là trong mặc lặng vô ngôn; bởi nhiều khi nói sao cho rõ, mà ai người liễu tri?

       Nên các thầy dạy, thơ ca chăng cũng là một nỗi niềm an ủi, và chức năng của nó cũng như một tôn giáo, bởi nhiều lúc chất chứa khôn tỏ, ngẫm nghĩ nhân tình rồi cổ nhân ngồi lại bên song hiên làm đôi câu thơ, ngâm đôi khúc nhạc, phóng thích cái uất nghẹn nội tâm vào lòng thi tập, thế là tất thảy qua đi. Cũng như triết nhân Nietzsche nói: “we have art in order that we do not die of the truth” – chúng ta có nghệ thuật là để không bị chết tàn vì hiện thực.

        Xin cảm tạ những trùng trùng duyên khởi mà thiên địa tác hợp để tương ngộ chốn này để nối tiếp chở chung những tâm tình đáng quý. Rồi lúc nào đó, nhân duyên tác hợp, ta gặp lại người trong cổ lục hay trong những bờ cõi tư tưởng khơi gợi xa xôi, như lời đức Khổng Tử trong Luận Ngữ有朋自遠方來,不亦樂乎” - hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ? Bạn từ phương xa tới, há chẳng vui sao? Tri kỷ “tự viễn phương” chẳng phải chỉ nói về khoảng cách địa lý núi trở sông ngăn mà nhiều khi còn là khoảng cách về thời đạiHọc thuyết của đức Khổng Tử phải đến 500 năm sau mới được Hán Vũ Đế dùng để mưu lợi cho xã hội, còn thánh nhân lúc sống thì suốt đời cô độc, biết là chẳng thểcứu vãn thời thế nhưng cứ gắng sức mà làm tròn bổn phận cá nhân để vực nền đạo học. Mỹ từ là chu du liệt quốc, nhưng sử thực là bôn tẩu khắp nơi; bởi thời thế đổi thay, có mấy vị quân vương nguyện bỏ bá quyền mà thực thi vương đạo?

        Nên những người ôm chí nguyện giáo dục phải chuẩn bị sống một cuộc đời tịch độc, cũng phải chuẩn bị đối diệnvới một ngày đầy chướng ngại, bởi có lúc “miền cát lạnh chân lạc đà bé bỏng” (BG) , “áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang” (TS). Những lúc như vậy, ngoài việc tự tu để chuyển hóa ra thì cũng cần những lời động viên thượng tiến, dù chỉ là chắp nhặt câu từ nói lại những tâm tình đã có tự ngàn xưa, nhưng vẫn ngóng vọng những điều nhỏ nhoihợp lực góp nên một luồng gió mới, đẩy cánh buồm sương tuyết ra muôn dặm trùng dương, để ở đó ta được vươn bay đến những phương trời viễn mộng, đón nắng mai hồng và uống sương Cam Lộ. Để đến lúc cuối đời “buồng phổi giục phong lai về điền thổ”truyền tâm nhau hẹn mà “thưa rằng ly biệt mai sau, là trùng ngộ giữa hương màu nguyên xuân”(BG), để nhớ đoạn nhân duyên bước cùng trên đường tu học và hẹn hội ngộ ở vị lai nơi Phật quốc“về hội diện địa tầng đêm Tịnh Độ”.

        Xin viết về những người thầy nghiêm từ kính quý và gửi lại nơi đây lòng cảm niệm từ tâm công ơn đã khai tâm dẫn lối từ thuở non thơ trẻ dại. Cũng cảm niệm và gửi lại những tâm tình thơ ca và tấm lòng này đến thân hữu và tất cả những nhân duyên tương hội từ kẻ mất người còn trong cõi đời thanh xuân hữu hạn, mà nhiều khi trẻ dại sống quá ơ hờ chẳng kịp đôi lời kính mến nhau. Ngôn từ chắp nhặt này xin được cảm tạ những niềm tri ngộ cổ kim viễn cận và trải rộng lòng cùng dạ vũ lúc đêm đông.  

        Đông Khê Nguyệt Chiếu thừa ân bái tạ

        Tháng 1/2017       

 

AVF B 070 



[1] Thơ Bùi Giáng.

[2] Trang thơ Tuệ Sỹ.

[3] Nhất bộ nhất hồi khước: đi một bước như lùi một bước, thể hiện sự chán chường.

[4] Bi hân giao tập: vui khổ đan xen - nội dung bức thư pháp cuối cùng trước lâm chung của hòa thượng Hoằng Nhất.

[5] Trích: Bùi Giáng và nỗi đau hội thoại.

[6] 天何言哉?四時行焉,百物生焉, 天何言哉?

[7] Khóa Hư Lục - Trần Thái Tông.

[8] Vọng Quan Âm Miếu – Nguyễn Du.

[9] Vọng Thiên Thai Tự - Nguyễn Du: Khả liên bạch phát cung khu dịch可憐白髮供驅役. Bất dữ thanh sơn tương thủy chung不與青山相始終: Thương thay (cho mình) tóc đã bạc mà còn phải làm lụng vất vả. Chẳng thể cùng với non xanh giữ vẹn nghĩa thủy chung.

[10] Truyện Kiều 65.

[11] Các loài Hữu tình trong Tam giới đều do Nghiệp mà có.

[12] Vô Đề - Lý Thương Ẩn (thời Đường – Trung Quốc): 春蠶到死絲方盡, Nguyễn Du dịch thành: “con tằm đến thác cũng còn vương tơ” (Truyện Kiều 1651).

[13] Một thân đi nghìn dặm, mây trắng hỏi đường qua

[14] Cả đoạn là nội dung một bài thơ Haiku của Basho.

[15] Quy Hứng – Nguyễn Trung Ngạn thời Trần: ý nói đất khách phồn hoa nhưng chẳng bằng nơi quê nhà.

[16] Thủy Điệu Ca Đầu. Minh Nguyệt Kỷ Thời Hữu – Tô Đông Pha (thời Tống – Trung Quốc): 高處不勝寒 – nghĩa là nơi cao thì sẽ lạnh. Ngày nay dùng như một thành ngữ ám chỉ người quyền thế ở địa vị cao thường ít bạn.

[17] Tặng Bạn Bây Giờ - Ngô Xuân Diệu.

[18] Trích Mùi Hương Xuân Sắc – Bùi Giáng dịch.

[19] Xuân Hiểu – Mạnh Hạo Nhiên (thời Đường – Trung Quốc).

[20] Hồng Lâu Mộng – Tào Tuyết Cần (thời Thanh – Trung Quốc).

[21] Hàn Dạ Hữu Tác – Thi Xu (thời Tống – Trung Quốc).

[22] Điệu Kim Phu Nhân – Triệu Diễm Tuyết (thời Thanh – Trung Quốc).

[23] Tăng Quảng Hiền Văn – bộ sách thời Minh dạy cho trẻ nhỏ học, trong có đoạn: 父母恩深終有別,夫妻義重亦分離。人生似鳥同林宿,大限來時各自飛。Phụ mẫu thâm ân chung hữu biệt, phu thê nghĩa trọng diệc phân ly. Nhân sinh tự điểu đồng lâm túc, đại hạn lai thời các tự phi -  Cha mẹ ân sâu rồi cũng khuất, vợ chồng nghĩa nặng cũng phân ly. Nhân sinh chim đậu chung cành vội, đại nạn tới đầu cánh tự bay.

[24] Vạn pháp duy tâm của Duy Thức học

[25] Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh - Nguyễn Du.