Gia đình đa tôn giáo

24/07/20172:39 CH(Xem: 5328)
Gia đình đa tôn giáo

Bài Viết Tham Dự 2016 & 2017

GIA ĐÌNH ĐA TÔN GIÁO  
Thích Quảng An
“Bài viết tham dự Ananda Viet Awards”

Beng...beng...! Beng...beng...! Tiếng chuông nhà thờ lại điểm như mọi ngày. Hôm nay là Chủ nhật nên đứa em gái của tôi lại phải dạy sớm để đi lễ. Tôi chúa ghét cái ngày này, vì đây là ngày nghỉ mà đứa em gái của tôi thức dậy là cả gia đình tôi cũng không thể ngủ được với nó. Nhiều lần tôi đã góp ý nhắc nhở, lúc thức dậy phải nhẹ nhàng tránh làm ảnh hưởng đến người khác khi đang ngủ nhưng nó vẫn tánh nào tật đó. Riết rồi tôi cũng chẳng thèm nói nữa, chỉ tự nghĩ trong tâm làm sao dẹp quách được cái ngày này cho xong.

Nghĩ cũng lạ, trong gia đình mẹ tôi theo đạo Phật, ba tôi (đã mất) thì theo tín ngưỡng thờ cúng ông bà. Tôi có một người chị là luật sư rất mực tồn sùng Khổng giáo, một người anh là bác sĩ lúc đầu theo Phật giáo sau này chuyển sang ca ngợi Yoga dưỡng sinh, một đứa em gái là phóng viên tin tuyệt đối vào đức Chúa trời, đứa em trai còn đi học thì chưa định hình trường phái tôn giáo nó sẽ theo. Còn tôi, một đứa cứng đầu chỉ một mực dựa trên cơ sở của khoa học, cộng với tôi là giảng viên ngành vật lý của một trường Đại học có tiếng ở thành phố nên có thể nói tôi theo chủ nghĩa vô thần.

Cuộc sống thường nhật của gia đình tôi rất hạnh phúc trên phương diện của vật chất nhưng về tinh thần thì có một chút sự bất đồng và thiếu hài hòa của mỗi thành viên. Riêng mẹ tôi, bà vẫn giữ được thái độ cởi mở, rộng lượngyêu thương các con của mình. Tôi không biết, không cảm nhận được cũng như chưa thể suy nghĩ sâu sắc đến nội tâm của mẹ; với tôi, mẹ là mẹ­-là người từng trải giữa cuộc đời sóng gió để mưu sinh nuôi các con của mình, tình thương của mẹ dành cho con là vô bờ bến, chỉ có thế. Tôi chưa bao giờ nghĩ mẹ tôi là một người cảm nhận sâu sắc và luôn thực hành theo lời Phật dạy, cho đến một ngày gia đình tôi xảy ra một biến cố, đó là vào ngày giỗ ba tôi.

Đây là ngày giỗ đầu tiên từ ngày ba mất. Sự ra đi của ba để lại cho gia đình tôi nhiều mất mát. Chúng tôi mất đi điểm tựa tinh thần, lạc đi chiếc gương soi, vắng đi những lời dạy về cách đối nhân xử thế, đạo lý làm người. Nhưng may thay chúng tôi vẫn còn một người mẹ-người đã thay ba làm điểm tựa, bắt tiếp nhịp cầu để chúng tôi tiếp tục bước đi trên đường đời.

Trước ngày giỗ ba hôm là buổi họp mặt gia đình để chuẩn bị cho ngày giỗ chính thức được chu toàn, mẹ lần lượt hỏi ý kiến các anh chị của tôi về những vấn đề liên quan đến việc thờ cúng. Có lẽ mọi việc sẽ ổn thỏa và kết thúc êm đềm nếu không có sự­­ ­“xen vào” của tín ngưỡng tôn giáo. Chị cả tôi đứng trên phương diện của Nho giáo nên một mực đề cao việc cúng kiến. Chị cho rằng việc thờ cúng ông bà cha mẹ sau khi qua đời là việc phải làm của bất cứ người con nào, phải làm cho chu đáo để mọi người thấy được sự hiếu nghĩa của con cái trong gia đình, đó cũng là một phần nào báo đáp lại ân đức của cha mẹ đã sinh thànhnuôi dưỡng. Anh tôi theo phép dưỡng sinh Yoga nên ai nói gì anh cũng chỉ ừ à cho xong. Em gái tôi ở góc nhìn của một tín đồ ngoan đạo Thiên Chúa nên không xem trọng việc thờ cúng gia tiên. Em trai tôi còn nhỏ nên chỉ biết lắng nghe ý kiến của các anh chị. Còn tôi, chắc có lẽ chịu ảnh hưởng nhiều từ ba nên vẫn giữ nét văn hóa thờ cúng ông bà. Tôi không tin mấy vào những điều thần bí của các tôn giáo, và việc thờ cúng cho người đã mất theo tôi chỉ là hình thức bên ngoài, không quan trọng. Nhưng thôi thì lâu nay ông bà mình làm sao nay mình làm vậy cũng chẳng ảnh hưởng gì.

Sau một hồi đưa ra hàng loạt ý kiến, tư tưởng cá nhân của mỗi người; nào là nấu chay, mặn, những món nào ba thích ăn lúc còn sống bây giờ phải cúng, giấy tiền vàng mã đã mua chưa, cúng lúc mấy giờ, việc xả tang phải để ba năm, có nên mời ai đó về làm chủ lễ cầu siêu, bà con khách khứa đã mời đủ cả chưa,...Vì anh chị em tôi không thống nhất quan điểm của mình nên dẫn đến việc lớn tiếng với nhau. Nhìn sang mẹ, tôi thấy bà ngồi yên lặng nghe các con của mình, gương mặt vẫn bình thản. Cuối cùngý kiến của mẹ tôi, bà nói:

-        Mẹ đã nghe các con nói hết những ý kiến của mình, mẹ không có ý phản đối. Tất cả các con đều đứng trên niềm tin, quan điểm tôn giáo mình đang theo. Cuộc đờivạn vật trên cuộc đời này đều không có gì đúng và sai hoàn toàn; trong cái đúng nó đã có cái sai, trong cái sai nó đã ẩn tàng cái đúng. Tùy vào cách chúng ta nhìn và tư duy về nó.

-        Hạnh, con theo Nho giáo đã lâu, đã đọc và nghiên cứu rất nhiều sách Thánh hiền nhưng có lẽ vì thời cuộc, vì danh tiếng với đời, vì sợ sự gièm pha dị nghị của dư luận nên chắc con đã quên. Mẹ hiểu rằng trong Nho giáo rất xem trọng việc thờ cúng gia tiên nhưng Khổng Tử cũng nói rằng: “Lễ nói chung đi kèm với xa hoa lãng phí thì không bằng tiết kiệm. Nghi thức mai tángcầu kỳ, lòe loẹt thì không bằng trong lòng thật sự đau buồn.”(1). Hình thức con bày biện ra có chắc là đã thể hiện được nội dung bên trong của con? Cúng cho người đã mất không phải để họ nhận những phẩm vật mà ta dâng lên. Nên cúng ít hay nhiều, là món họ thích hay không không quan trọng, quan trọng là ta tưởng nhớ đến người đã mất, học theo những phẩm hạnh cao quý, những cống hiến đóng góp của người đó cho nhân loạicuộc đời; xét lại mình điểm nào còn khuyết để sửa đổi, điểm nào tốt mà phát huy thêm. Ngày húy nhật cũng là ngày để anh em bà con trong gia đình có dịp cùng nhau gặp mặt, ôn lại những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông nên con đừng quá trọng vào hình thức cúng như thế nào, cúng những gì. Đức hiếu sinh thể hiện ở lúc cha mẹ còn sống con cái có vâng lời, có kính dưỡng hay không chứ nào phải thể hiện qua lúc cha mẹ đã quá vãng.

Tục đốt vàng mã các con cũng nên chấm dứt từ bây giờ, nó không có ích lợi gì cho người đã mất. Từ lâu ta đã bị ảnh hưởng bởi phong tục này của Trung Quốc, rồi dần dà chúng ta xem như đó là một tín ngưỡng của dân gian mình.

Sự mù mờ của niềm tin, sự thiếu sáng suốt trong nhìn nhận; chỉ biết nghe mà không tư duy, chỉ biết tin mà không có lý trí dẫn dắt, chỉ biết làm mà không nghĩ nó lợi lạc hay vô ích nên chúng ta tự mâu thuẫn với chính mình. Một mặt, mong muốn cho người thân được thác sanh về cõi lành, mặt khác lại đốt giấy tiền vàng mã để họ có thể tiêu dùng dưới âm phủ. Cái sợ đi đôi với mù quáng, cái tin của mê không bao giờ đồng hành cùng cái tin của trí và hiểu. Ta sợ thánh thần giáng tội, sợ ông bà quở trách, sợ người đời gièm pha chê cười nên ta chỉ biết nghe và làm theo hàng thiên niên kỷ mà không dành đôi phút vài giây để tư duythẩm định tỏ tường. Văn hóa, truyền thống là do con người tạo dựng nên vậy con người phải biết cái gì phù hợp, lợi ích từ đó uyển chuyển khéo léo để không mất đi giá trị tinh thần mà cũng vừa phải thích nghi với thời đại xu thế.

-        Phúc, con theo pháp dưỡng sinh để bảo vệ sức khỏe, điều đó rất tốt nhưng con không thể chỉ nghĩ đến bản thân con. Đồng ý rằng ta phải luôn để cho tâm hồn bình thản, nhưng không có nghĩa là mặc kệ không quan tâm. Con khỏe mạnh nhưng con phải có từ tâm, phải yêu thương mọi người thì năng lượng ấy mới duy trì bền bỉ. Tình thương là chất liệu để nuôi dưỡng sự sống. Con rèn luyện một thân thể tráng kiện nhưng lòng con ích kỉ, tâm con nhỏ hẹp, yêu thương con không đủ rộng thì cũng vô ích mà thôi. Sức khỏe phải ở cả hai phương diện thể xác và tinh thần, tinh thần bao dung thì thể xác mới khỏe mạnh, tinh thần vị kỉ sẽ đưa đến thể xác ốm đau.

Xung quanh con không chỉ có mình con, nên con sống không phải chỉ để cho riêng bản thân mà cần sống cho nhiều người. Con có mặt vì những người xung quanh con có mặt, những người xung quanh con có mặt vì con có mặt. Cuộc đờicon người trong cuộc đời này là sự cộng sinh, nhân duyên đến thì tụ, nhân duyên hết thì tan. Như ba của các con cũng thế, 63 năm hiện hữu trên cuộc đời là nhờ vào nhiều yếu tố tụ hợp, ba con đã có sẵn cùng khắp trong vũ trụ, khi những dạng vật chất hữu hình và vô hình ấy đủ duyên thì hợp thành thân thể vật lýcon người, rồi người ta gọi cho một cái tên để phân biệt người này với người khác. Ba con mất đi không đồng nghĩa là ba con đã không còn nữa mà trong từng hơi thở, từng tế bào, giọt máu nơi các con đều có ba của các con trong đó; ba luôn hiện hữu ở nơi các con.

-        Từ, con là giảng viên đại học, dưới con còn có bao nhiêu là thế hệ tiếp nối, là mầm xanh của đất nước trong tương lai. Mọi cử chỉ, hành động, nói năng của con đều là tấm gương cho các em noi theo. Con theo khoa học, tin vào những gì thực tế, những gì huyền xảo, phản khoa học thì con không tin. Nhưng trong vũ trụ bao la này, có những cái mà dưới tầm nhìn còn hạn hẹp của con người chúng ta không thể thấy, không thể nghe được. Mẹ không bắt buộc con phải tin vào một đấng thần linh, mẹ không khuyến khích con phải theo một tín ngưỡng tôn giáo nào, mẹ cũng không áp đặt con vào trong những khuôn khổ giáo điều. Niềm tin xuất phát từ nơi con, từ sự tư duy nhìn nhận của chính con. Con cảm thấy nó đúng, nó phù hợp, nó là chân lý thì con theo; ngược lại con có quyền khước từ. Nhưng con cũng nên nhớ một điều rằng có những cái là truyền thuyết hay truyền thống, có những cái được ghi chép lại trong sách vở, có những cái được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền, có những cái phù hợp với định kiếnlập trường của mình hay có những cái là của thầy mình tuyên thuyết đi chăng nữa nếu sau khi đã quán sát, suy tư, thể nghiệm mà con không thấy nó là tốt lành, đạo đức, hướng thiện và được người trí tán thán thì con chớ vội tin theo. Nên con hãy căn nhắc trước khi đặt niềm tin của mình vào một ai đó hay là một chuẩn thuyết nào đó trong cuộc sống này.

-        Tâm, con có duyên với Đức Chúa trời, con theo Thiên Chúa giáo đã gần mười năm nay. Mẹ cũng thấy ở nơi con có nhiều thay đổi. Con tốt hơn, hài hòa hơn, rộng mở lòng mình hơn, quan tâm đến mọi người xung quanh hơn, như Kinh Thánh đã dạy: “Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình.”(2). Nhưng con cũng nên nhớ một điều rằng một cá nhân-tổ chức, một đoàn thể cộng đồng hay bất cứ một nền văn hóa xã hội nào cũng phải nhớ lấy nguồn cội, phải biết “ẩm thủy tri nguyên”. Việc thờ cúng tuy chỉ là hình thức bên ngoài nhưng nó nói lên được ý nghĩa của việc nhớ ơn, nhớ đến tổ tiên ông bà cha mẹ-những người đã cho ta tấm thân, hình hài vóc dáng này. Sống ở đời các con phải biết tri ânbáo ân. Không có văn hóa nào, tôn giáo nào, đấng giáo chủ nào dạy con người vong ân bội nghĩa không nhớ đến nguồn cội của chính mình. Trước đây những ai theo Thiên Chúa giáo đều không được thờ cúng ông bà, nhưng có lẽ gặp phải sự phản kháng của người dân cũng như không muốn mất đi tín đồ nên ngày 2-10-1964, toà Thánh ban phép cho các Đấng bản quyền Việt Nam được áp dụng huấn dụ Plane Compertum Est(3) của Bộ Truyền giáo liên quan đến việc tôn kính các tổ tiên trong nước Việt Nam. Việc này chắc con cũng rõ hơn mẹ. Quán xét ta sẽ thấy, phải chăng có gì đó đằng sau những lời giáo huấn của Chúa? Ai có đủ thẩm quyền để thay đổi?

-        Tịnh, con đang còn là sinh viên, lối tư duy của con khác hẳn với thời đại của ba mẹ. Con sống trong một thế giới hiện đại, con tiếp cận được với nhiều nguồn thông tin, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, con người, nên sự hiểu biết, kiến thức, trực quan và sự nhạy bén của con hơn hẳn với những người như mẹ. Nhưng kinh nghiệm sống, đạo làm người, đức đối nhân con cần phải học hỏi thêm từ những người đi trước. Có lẽ mẹ cổ hủ, mẹ lạc hậu nhưng mẹ hiểu đâu là nhân, đâu là đạo, cái gì cần, cái gì chớ nên và tận sau trong tâm thức mẹ vẫn luôn ý thức đến chừng mực của muốn và đủ.

Kĩ thuật quá tân tiến sẽ dễ dàng làm cho con người đánh mất đi đạo đức. Thế giới hiện đại con người thông minh nhưng thay vào đó là tinh thần con đói rách nhân cách con lệch lạc. Mẹ chỉ mong khi con tiếp nhận bất kỳ một thông tin nào con phải dựa trên cở sở của đạo đức, trên nền tảng của giá trị làm người chớ vội chạy theo số đông, tin theo những bất công mà cứ nghĩ nó tuyệt vời.

Có lẽ hôm nay mẹ nói quá nhiều, nhưng ngày giỗ là gì nếu không phải là ngày để thay ba nhắc nhở các con, tiếp sức cho các con vững bước trên con đường hoàn thiện nhân cách. Nếu bác sĩ con phải thương yêu bệnh nhân như mẹ hiền thương con thơ dại, khó con phải giúp, đau con phải chữa. Con cứu người tức là con đang cứu lấy nhân cách của chính con.

Nhà giáo con phải lấy sự nghiệp trồng người làm chính. Thế hệ sau con có hay hay dở, tốt hay xấu phần quan trọng là ở nơi chính bản thân của người nhà giáo. Giáo dục người khác cũng chính là giáo dục cho chính con của con sau này.

Luật sư là người đại diện cho công lý, bảo vệ cho lẽ phải. Con dám nói lên tiếng nói của sự thật là con đang giữ gìn cho lương tâm của con được trong sáng. Hiểu luật để bảo vệ, giúp đỡ mọi người chứ không phải để luồn lách, hại người.

Trong gia đình chúng ta đã có ba người Thầy: Thầy thuốc, Thầy giáo và Thầy luật. Vậy các con hãy sống sao cho xứng đáng với danh từ mà người đời đã gọi - Thầy!

-        Tâm, con là Phóng viên, là người đưa tin tức đến cho quảng đại quần chúng. Vì vậy tin bài phải là sự thật, tránh giật gân câu view, việc chỉ ba lại pha thành bảy. Đạo đức nghề nghiệp không cho phép mình làm như vậy, vì nó liên quan đến nhân phẩm, danh tiếng của cá nhân, tổ chức mà mình đưa tin. Bài hay tin tốt sao lại ít thấy các tòa soạn đăng tải, các mục chính chỉ toàn dành cho những tin như: đánh, cướp, giết, hiếp, chiến tranh, bạo loạn, khủng bố, bạo lực học đường, bạo lực gia đình. Đồng ý rằng những tin như thế nhằm cảnh tỉnh, nhắc nhở mọi người nhưng với lượng tin về những chủ đề đó quá nhiều vô tình gieo rắc vào tâm thức của trẻ thơ những điều không hay; những mầm mống của sự háo thắng, vô tâm; những lối suy nghĩ lệch lạc, thiếu đạo đức. Suy cho cùng có phải chúng ta đang giết dần thế hệ trẻ, bào mòn dần nhân cách phẩm chất trong sáng của các em?

-        Cuối cùng, Tịnh! Con có lý tưởng dấn thân vào con đường của chính trị, của quan quyền. Mẹ không cấm cản, mẹ chỉ khuyên con phải biết yêu nước thương dân, giữ cần-kiệm-liêm-chính. Cái gốc của việc thu phục lòng người đấy là đức, cái nhân của đức đấy là tu dưỡng chính mình. Trên không ngay thẳng chính trực thì dưới tất sẽ loạn. Sự tồn vong của bất cứ chế độ nào phụ thuộc vào cách mà chế độ đó đang thực thi. Con hãy nhớ lấy điều đó.

Sau những lời dạy trên của mẹ khiến anh chị em chúng tôi lắng lòng suy ngẫm, nó như một dòng suối tỉnh thức mát dịu tưới tẩm lên những mảnh đất khô hạn, cằn cỗi với thời giancuộc đời. Đại diện, chị cả tôi thưa:

- Dạ, thưa mẹ! Chúng con thấy thật hổ thẹn. Những lời mẹ dạy chị em chúng con chắc đều đã từng nghe nhưng vì sự bon chen với đời nên chúng con cũng vô tình hay hữu ý đánh mất. Nhân ngày giỗ ba gần đến mà chị em chúng con lại được nhắc nhớ, lại được đánh thức. Chúng con xin cảm ơn mẹ, cảm ơn mẹ đã sinh ra chúng con, cảm ơn mẹ đã luôn sát cánh với chúng con trên mỗi bước đường đời, cho chúng con những bài học quý giá từ kinh nghiệm của bản thân. Chúng con sẽ gắng thực hiện theo lời mẹ dạy và xin mẹ hãy tha thứ cho chúng con nếu trong thời gian qua chúng con có làm cho mẹ phải phiền lòng hay buồn giận.

 - Các con hiểu được là mẹ vui rồi. Thôi, buổi họp gia đình hôm nay có thể dừng tại đây, anh chị em các con cứ chuẩn bị cho ngày giỗ của ba thật đơn giản mà đúng nghĩa.

Dạ, mà thưa mẹ. Chúng ta có cần mời quý Thầy về làm lễ cầu siêu cho ba không ạ? - Chị cả tôi thưa.

- Thôi, con thấy không cần đâu mẹ ạ. Dạo gần đây con thấy báo chí đưa tin quá nhiều về mấy Thầy; nào là Thầy chùa sử dụng đồ sang, Thầy chùa chém người, Thầy chùa đánh bài, Thầy chùa có quan hệ yêu đương với nam nữ bên ngoài...nên đâu còn sự thanh tịnh mà làm chủ lễ cầu siêu. Đạo Phật bây giờ biến chất rồi. - Đứa em gái tôi chen ngang, nói.

- Thật ra mẹ cũng không có ý định mời quý Thầy về tụng kinh cầu siêu. Không phải vì mẹ cũng nghĩ như Tâm mà mẹ nghĩ rằng khi một hòn đá ném xuống nước, nếu ta mời các Thầy tới tụng kinh để cho hòn đá nổi lên thời hòn đá sẽ nổi lên chứ? Hay như ta đổ dầu xuống hồ nước rồi mời quý Thầy đến tụng kinh để dầu chìm xuống, dầu có chìm hay không? Nghiệp mà chúng ta tạo ra lúc còn sống sẽ dẫn dắt chúng ta vào những cảnh giới tương xứng. Nếu lúc còn sống ba của các con làm những việc xấu ác thì sau khi chết sẽ bị đọa lạc vào chốn khổ đau, ai có thể giúp ba các con siêu thoát lên được? Và nếu tất cả những việc làm của ba các con là tốt lành thì ba các con sẽ siêu thoát, ai có thể kéo ông ấy xuống? Chính bản thân chúng ta là chủ nhân của những hành động, vậy chúng ta phải chịu trách nhiệm với hậu quả của những hành động đó.

Lời kinh tiếng kệ Phật dạy để cảnh tỉnh người sống, nhắc nhở chúng ta điều gì nên - không; phải - trái; tốt - xấu; đúng - sai; để có được hạnh phúc ngay trong thực tại và quả lành cho tương lai chứ không phải dùng để cầu siêu độ cho người đã chết. Lâu nay chúng ta đã nhìn nhận đạo Phật một cách lệch lạc, nghĩ đạo Phậtthần bí, mê tín nhưng thực chất Phật giáo luôn đi trước mọi thời đại, vượt xa hẳn những gì khoa học đã và đang tìm hiểu.

Trong một xã hội, đoàn thể hay tổ chức nào cũng có những thành phần tốt và xấu. Tăng đoàn cũng thế, ngay từ thời Phật còn tại thế đã có những vấn đề này nảy sinh nên với thời đại bây giờ không thể không có. Nhưng các con phải hiểu rằng: một cá nhân không tốt không phải là toàn bộ tổ chức ấy đều xấu. Chúng ta hay có thói quen quy nạp vấn đề, khi nhìn thấy một sự việc sai trái của đối tượng ta thường đánh giáđạp đổ đi những thành quả cống hiến mà họ đã làm lúc trước. Tăng chỉ là một phần trong ba ngôi báu của Phật giáo(4), nên chúng ta không thể quy chụp cho rằng Phật giáo là xấu, là hại; huống gì chỉ là một vài cá thể trong một Tăng đoàn rộng khắp.

           Y pháp bất y nhân-nghĩa là y cứ vào pháp mà thực hành chứ không y cứ vào người mà đánh giá. Pháp của Phật nói ra nhằm giúp cho chúng sanh y theo đó mà tu tập để được an lạc trong giây phút hiện tạigiải thoát được sanh tử ở những kiếp vị lai. Tại sao chúng ta không theo đó mà thực hành lại đi nhìn vào lỗi của một vài cá nhân nhỏ bé rồi cho rằng nó là xấu xa, là biến chất. Cũng giống như trong một gia đìnhhọc thức, có những thành quả và đóng góp cho xã hội nhưng có một thành viên không tốt, làm những chuyện ảnh hưởng đến cộng đồng, đến danh tiếng của tổ tông. Thông thường chúng ta sẽ có một cái nhìn phản cảm về gia đình đó vì một cá nhân đã đem đến nỗi khổ niềm đau, đem đến sự bất an cho xã hội. Do cách nhìn biên kiến, cùng với tâm nhỏ hẹp, cộng thêm tri thức nông cạn, rồi nghĩ về lỗi người, hiệp với tánh so đo hơn thua nên ta chỉ thấy cái xấu của một cá thể ấy mà không thừa nhận hay là phớt lờ đi những giá trị cống hiến của những thành viên còn lại. Giá như đời không gièm pha, người không dị nghị, xã hội không ruồng bỏ mà thay vào đó là động viên an ủi, khích lệ tinh thần, thông cảm vị tha thì sẽ tốt đẹp biết bao.

            Như thế các con đã hiểu ý của mẹ rồi chứ? Hãy mở rộng lòng mình ra hơn, nhìn đời với đôi mắt của yêu thươnghiểu biết. Được như thế thì hạnh phúcthiên đường ngay ở đây và tại thế giới này, các con không cần đi đâu xa để tìm kiếm. “Không có con đường dẫn đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường.”

Ngày giỗ của ba trôi qua trong niềm vui vầy của gia đình, tôi cảm nhận được hình dáng của ba vẫn đang ở đâu đây; trong những lời dạy của mẹ, trong ánh mắt của chị, trong nụ cười của anh hay là trong từng nhịp thở của tôi. Tôi cảm ơn mẹ đã mở ra cho tôi một chân trời mới, một cái nhìn hoàn toàn mới về Phật giáo. Nó là bước đầu học Phật của tôi, nấc thang đưa tôi đến với Chân-Thiện-Mỹ và hiểu rõ được chính mình, thấy sâu được sự thật của vạn hữu trên cuộc đời, thật mong manh như sương sớm trên đầu ngọn cỏ, như lá sẽ lìa cành lúc nào chẳng hay.

Cảm ơn Mẹ, vị Phật chân thật nhất đời con!

                                                                                            Thích Quảng An

                                                                                                   07-2017

1. Tứ Thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 146.

2. Mac 12:31.

3. Ban hành ngày 8 tháng 12 năm 1939.

4. Ba ngôi báu gồm: Phật-Pháp-Tăng.

 

AVF B 137 Gia-đình-đa-Tôn-giáo