Bảy điểm thiền định dựa vào quy luật nguyên nhân hậu quả

06/01/20174:05 SA(Xem: 13380)
Bảy điểm thiền định dựa vào quy luật nguyên nhân hậu quả

 

BẢY ĐIỂM THIỀN ĐỊNH
DỰA VÀO QUY LUẬT NGUYÊN NHÂN HẬU QUẢ
NHỮNG LỜI KHUYÊN GIÚP CHÚNG TA SỐNG VỚI ĐẠO PHÁP
(La méthode de cause à effet en sept points -
Conseils de méditation pour vivre le bouddhisme)
Đức Đạt-lai Lạt-ma
Hoang Phong chuyển ngữ

 

Dalai LamaLời giới thiệu của người dịch

            Phật giáo Tây Tạng hay Kim Cương Thừa nói chung rất thực tếcụ thể, giúp người tu tập trực tiếp biến cải tâm thức mình và đạt được giác ngộ. Dưới đây là một bài giảng ngắn của Đức Đạt-lai Lạt-ma về một trong các phép luyện tập thiền định chủ yếu và thiết thực của Phật giáo Tây Tạng, là "Phép thiền định gồm bảy điểm" do Atisha (A-đề-sa) đề xướng.

             Atisha (982-1054) là một vị đại sư xuất thân từ đại học Nalanda, sống vào một thời kỳ nhiễu nhương dưới sự xâm lược của các đạo quân Hồi giáo, từ thế kỷ thứ X đến XII, và đây cũng là thời kỳ đánh dấu sự suy tàn của Phật giáo trên đất Ấn. Atisha vượt biển đến quần đảo Sumatra của Inđônêxia và lưu lại đây 12 năm, thụ giáo với một vị thầy lỗi lạc là Dharmarakshita và học được phép thiền định Lojong, một phép luyện tập mang lại "tâm thức giác ngộ" hay "bồ-đề tâm" (bodhicitta). Ông trở về Ấn năm 1025 và giảng dạy tại đây, đến năm 1042 thì được mời lên Tây Tạng để giúp phục hồi Phật giáo tại xứ sở này. Tại đây ông đã triển khaihệ thống hóa phép luyện tập Lojong đưa đến sự hình thành của phép luyện tập mới là Larim, nêu lên thật chính xácminh bạch các giai đoạn luyện tập tuần tự đưa đến sự giác ngộ.

            Trong phép luyện tập này Atsha phân loại người tu tập theo ba cấp bậc:

      - cấp bậc thấp gồm những người tu tập còn kém, với lòng nhiệt tình thấp và tầm nhìn hạn hẹp, chỉ mong muốn được tái sinh trong những hoàn cảnh thuận lợi hơn.  
      - cấp bậc trung bình với những người có tầm nhìn xa hơn và lòng nhiệt tình cao hơn, có nghĩa là mong muốn được giải thoát khỏi chu kỳ của những sự hiện hữu và hòa nhập vào cõi niết bàn.
       - cấp bậc cao gồm những người có tầm nhìn thật rộng lớn, với một lòng nhiệt tình vô song, mong muốn đạt được bồ-đề tâm để trở thành một vị Phật toàn vẹn, hầu có thể giúp đỡ tất cả chúng sinh.

            Trong mỗi cấp bậc đều có các phép luyện tập và các chủ đề thiền định riêng. Trong số các phép luyện tập của cấp bậc cao có một phép gọi là "Giáo huấn về bảy điểm giúp người tu tập nhìn vào tất cả chúng sinh đều là mẹ mình". Phép luyện tập này dựa vào ý niệm cho rằng qua vô số kiếp sống của mình trong chu kỳ xoay vần bất tận của các sự hiện hữu, tất cả chúng sinh đều có thể từng là mẹ mình trong quá khứ, và đây cũng là chủ đề bài giảng của Đức Đạt-lai Lạt-ma dưới đây.

            Sở dĩ phải dài dòng như trên trước hết là để điểm qua vị trí của bài giảng này trong kinh sách vô cùng phong phú của Phật giáo Tây Tạng, sau đó là nhấn mạnh đến tính cách cụ thể, thiết thực nhưng đồng thời cũng hết sức chặt chẽ và chính xác trong các phép luyện tập của Phật giáo Tây Tạng nói chung. Bài chuyển ngữ dưới đây được dựa vào một tư liệu do bà Sofia Stril-Rever vừa đưa lên trang mạng Buddhaline. Bà là một học giả và nhà văn, đệ tử của Đức Đạt-lai Lạt-ma, được Ngài giao phó cùng với một số nhà sưhọc giả Phật giáo khác, soạn thảo bản "Tuyên Ngôn về Trách Nhiện Toàn Cầu" mà chính Ngài cũng đã duyệt lại trước khi phổ biền.     

Nguồn: http://www.buddhaline.net/La-methode-de-cause-a-effet-en-sept-points-Conseils-de-meditation-pour-vivre-le 

BẢY ĐIỂM THIỀN ĐỊNH
DỰA VÀO QUY LUẬT NGUYÊN NHÂN HẬU QUẢ
NHỮNG LỜI KHUYÊN GIÚP CHÚNG TA SỐNG VỚI ĐẠO PHÁP
(La méthode de cause à effet en sept points -
Conseils de méditation pour vivre le bouddhisme)
Đức Đạt-lai Lạt-ma
Hoang Phong chuyển ngữ

*** 

Giai đoạn chuẩn bị: phát huy thể dạng bình lặng

            Nếu muốn luyện tập về quy luật nguyên nhân hậu quả dựa vào bảy điểm thiền định thì trước hết phải phát huy một thể dạng tâm thức bình lặng (equanimity/bình thản, tĩnh lặng, thăng bằng). Khi chưa thực hiện được thể dạng này thì các bạn sẽ không thể tạo ra cho mình một tầm nhìn vị thavô tư được. Thiếu sự bình lặng đó thì các bạn sẽ khó tránh khỏi thiên vị những người thân thuộc và bạn hữu mình. Nếu muốn mang lại cho mình một thể dạng bình lặng thật vững vàng thì các bạn phải ý thức được là không nên có một thiển kiến, hận thù hay một sự bám víu nào đối với bất cứ một ai, dù đấy là kẻ thù, bạn hữu hay một người hoàn toàn xa lạ với mình.

            Nhằm thực hiện căn bản đó đúng theo những lời hướng dẫn trong tập luận "Các giai đoạn luyện tập trên Đường Giác Ngộ: Con Đường Phúc Hạnh mang lại sự Hiểu Biết Toàn Năng" của Panchen-lama Chökyi Gyaltsen (tức là tập luận "The Graded Stage of the Path: A Blissful Path"/"Lam-rim bde-lam" của Ngài Ban-thiền Lạt-ma thứ IV, 1570-1662), thì trước hết các bạn hãy hình dung ra một người dưng hoàn toàn xa lạ với mình. Sau khi hình ảnh người này hiện ra thật minh bạch, thì các bạn sẽ cảm thấy không có một xúc cảm rõ rệt nào hiện lên với mình, không có một sự cảm nhận thèm muốn hay hận thù nào, có nghĩa là mình hoàn toàn dửng dưng (vô cảm và thờ ơ đối với con người xa lạ ấy). Sau đó các bạn hãy liên tưởng đến một kẻ thù (một người mà mình ghét cay ghét đắng chẳng hạn), thì tức khắc một cơn giận hay sự thù hận sẽ bùng lên ngay trong tâm thức mình. Sau đó các bạn lại gợi lên trong tâm trí mình hình ảnh một người bạn hay một người thân thuộc trong gia đình, thì một thứ xúc cảm quyến luyếngắn bó nào đó sẽ tức khắc hiện lên với mình.

            (Tâm thức là một giác quan, ba loại cá thể trên đây là các đối tượng cảm nhận của nó. "Xa lạ", "kẻ thù" hay "thân thuộc" là ba cách diễn đạt của tâm thức về ba cá thể ấy. Các sự diễn đạt này là kết quả phát sinh từ sự liên kết giữa các cảm nhận của tâm thức về các cá thể trên đây và các nghiệp tồn lưu bên trong tâm thức liên quan đến các cá thể ấy. Sự diễn đạt này sẽ tạo ra các xúc cảm đủ loại bên trong tâm thức. Hình ảnh một người dưng không gây ra một xúc cảm nào đáng kể, bởi vì bên trong tâm thức không hề có một nghiệp nào được ghi khắc từ trước, liên quan đến cá thể hoàn toàn xa lạ này, "xúc cảm" nếu có thì chỉ là các xúc cảm "dửng dưng". Trái lại nếu tâm thức cảm nhận được hình dạng một cá thể liên hệ mật thiết với các vết hằn của nghiệp bên trong nó - chẳng hạn như người này trước đây từng gây ra những sự tổn thương hay oán hận - thì tức khắc các vết hằn này sẽ tạo ra các tác động khiến tâm thức diễn đạt cá thể này là một "kẻ thù", và sự diễn đạt đó sẽ tạo ra các xúc cảm bấn loạn và tàn phá trong tâm thức. Ngược lại nếu là hình ảnh một người mà mình yêu quý hay gần gũi với mình trong gia đình thì các xúc cảm hiện lên sẽ là sự quyến luyến, bám víu hay "thèm muốn". Ngay cả trường hợp chỉ cần tiếp xúc với một người nào đó tuy "xa lạ" nhưng hao hao giống với một người mà mình "quyến luyến", chẳng hạn như nghe thấy tiếng nói, trông thấy vóc dáng, mái tóc hay gương mặt của người này thì cũng đủ để gợi lên cho mình các xúc cảm giống như là mình gặp lại đúng người mà mình "quyến luyến" trước đây. Điều này cho thấy "nghiệp" rất tinh tế và bén nhạy, nó sẽ tức khắc hiện lên thành quả dưới hình thức xúc cảm một khi nó gặp được cơ duyên phù hợp, xúc cảm này có thể đưa đến sự hình thành của tư duy, tác ý trong tâm thức, hoặc ngôn từ, cử chỉ hay hành động trên thân xác.

            Đối với các cơ quan giác cảm khác cũng vậy, thí dụ mình đang đói và đi ngang một tiệm phở, mùi phở và hình ảnh các miếng thịt treo lủng lẳng ở tủ kính sẽ khiến mình thèm ăn. "Xúc cảm" thèm ăn - tức bám víu, thèm khát -  là sự thúc đẩy của bản năng sinh tồn, phía sau bản năng đó là nghiệp của mình, trói buộc mình với sự hiện hữu của chính mình. Thế nhưng nếu vừa ăn cơm xong thì mình sẽ hoàn dửng dưng trước những thứ ấy.

            Nói chung, đấy là các phản ứng khác nhau của tâm thức trong cuộc sống thường nhật. Nếu biết ý thức, phân tích và theo dõi các phản ứng đó hầu tìm hiểu nguyên nhân của chúng thì trước hết sẽ là cách giúp mình nhìn thấy sự vận hành của nghiệp và các tác động của nó bên trong tâm thức mình, sau đó cũng là một cách thiền định hướng vào từng xúc cảm, tư duytác ý cùng ngôn từ và hành động trên thân xác, giúp mình kiểm soát và chủ động chúng.

            Kinh Satipatthana-Sutta/Kinh về sự Chú Tâm Tỉnh Giác gọi đó là cách tập trung sự chú tâm tỉnh thức vào bốn lãnh vực là thân xác, cảm giác, tâm thức và những gì hiện lên bên trong tâm thức mình. Khi đã trở về được với tâm thức "từ bên trong nó, không dựa vào bất cứ gì trong thế giới", thì dù đang đói hay no, mùi phở và hình ảnh những miếng thịt treo lủng lẳng cũng chỉ làm hiện lên trong tâm thức mình một cảm nhận duy nhất là sự đau đớn của một con bò bị đập đầu và xẻ thịt, và ý thức về bản chất vô thường, khổ đau và vô thực thể của các hiện tương cấu hợp tạo ra chính mình. Sự cảm nhận đó tất sẽ khơi động trong con tim mình một quyết tâm nào đó.

            Những gì trên đây cho thấy là các thể dạng tâm thức có thể chỉ đơn giản là các phản ứng phát sinh một cách tự động từ nghiệp và bản năng, nhưng cũng có thể được tạo ra bởi sự quyết tâm của chính mình)

            Trước kẻ thù thì các bạn sẽ cảm thấy một sự cách biệt, một cảm tính hận thù hay ghét bỏ nào đó. Hãy tưởng tượng người Trung Quốc là các kẻ thù của mình chẳng hạn, họ ra lệnh hủy diệt Dharma (Đạo Pháp) không thương tiếc, gây tổn thương cho những người đồng hương, cai trị xứ sở bằng sự độc đoán, bất chấp các phẩm tính căn bản của con người, chẳng hạn như lòng tin và sự tín nhiệm. Các bạn hãy hình dung ra các luận cứ nhằm biện minh tính cách chính đáng của các xúc cảm tiêu cực trên đây của mình trước các hành vi đó của họ. Quả thật họ đã gây ra không biết bao nhiêu đổ vỡ cho cuộc sống này, thế nhưng trước đó thì họ có như thế hay không? Tất nhiên các bạn sẽ nhận thấy là không, trong quá khứ họ từng mang lại nhiều điều tốt đẹp cho mình và kẻ khác. Thế nhưng hiện nay thì họ chẳng những không còn giữ được một chút lòng tin nào nơi Đạo Pháp mà còn làm tổn thương đến thật nhiều người. Họ gần như không còn chủ động được mình nữa. Tuy nhiên các khiếm khuyết đó đều là do vô minh, hận thù, v.v. gây ra cho họ, nhưng tuyệt nhiên không phải là bản chất tự nhiên của họ.   

            Các bạn đừng quên là kể cả tâm thức mình cũng không sao tránh khỏi ảo giác, tuy không mang cùng một bản chất tàn phá như của họ nhưng không phải vì thế mà kém ảo giác hơn. Do đó các bạn nên hiểu rằng các phản ứng xúc cảm [tiêu cực] mà mình dán lên trán những người mà mình xem là kẻ thù, không hề mang tính cách chính đáng nào cả.

            Đến đây chúng ta lại tiếp tục nhìn vào thái độ của mình đối với những người thân thuộc và bạn hữu của mình. Có thể các bạn nghĩ rằng đó là những người rất tốt, lúc nào cũng mang lại mọi điều tốt đẹp cho mình, v.v. Họ đối xử tốt với các bạn đến độ các bạn cảm thấy nếu cần thì mình cũng có thể hy sinh cả tánh mạng mình vì họ. Dù là những người vô cùng tử tế với mình trong kiếp sống này thế nhưng trong các kiếp quá khứ biết đâu họ cũng từng là kẻ thù của mình, hoặc cũng có thể là những người đã gây ra cái chết cho mình trong các kiếp sống trước đây của mình. Hoặc cũng có thể họ từng là những người thật hung dữ, gieo rắc đau thương và tàn phá chung quanh họ. Vì thế không có một lý do nào để bám víu vào họ một cách tuyệt đốivĩnh viễn như là những người thân thuộc hay bạn hữu của mình.

            Tóm lại đối với mình, giữa kẻ thù và bạn hữu không có một ranh giới tuyệt đối nào cả. Kẻ thù hay bạn hữu cũng không khác gì nhau, lúc thì mang lại những điều tốt đẹp, lúc thì gây ra mọi thứ đổ vỡ cho mình. Do đó không có một lý do nào để mà chấp nhất hay thiên vị đối với bất cứ ai cả. Vậy các bạn nên tạo ra cho mình một thể dạng bình lặng (equanimity/tĩnh lặng, thanh thản, không phân biệt hay thiên vị) đối với tất cả chúng sinh. Dầu sao thể dạng tâm thức đó cũng không thể hiện lên với mình được sau một hay hai buổi hành thiền, mà cần đến một sự luyện tập kiên trì kéo dài hàng tháng hay hàng năm.

            Sau đây là bảy điểm thiền định dựa vào quy luật nguyên nhân hậu quả:

1- Điểm thiền định thứ nhất: trông thấy bóng dáng mẹ nơi tất cả chúng sinh

            Giai đoạn đầu tiên trong phép thiền định về nguyên nhân hậu quả dựa vào bảy điểm là phát huy một sự quán thấy tất cả chúng sinh đều từng là mẹ của mình. Trong mỗi kiếp sống trong chu kỳ xoay vần bất tận không khởi thủy của sự hiện hữu, chúng ta đều có một người mẹ. Do đó chúng ta không thể nào khẳng định một cách chắc chắn là một chúng sinh nào đó đang sống hiện nay chưa từng là một người mẹ của mình trước kia trong quá khứ. Các bạn nên nhìn vào tất cả chúng sinh qua góc nhìn đó. Thế nhưng các bạn cũng có thể nghĩ rằng chúng sinh thì nhiều vô kể, vậy làm thế nào mà tất cả lại có thể từng là mẹ mình được. Tuy nhiên cũng phải hiểu rằng nếu chúng sinh nhiều vô kể thì các kiếp sống của mình trong chu kỳ hiện hữu cũng nhiều như thế. Hoặc các bạn cũng có thể nghĩ rằng dù cho họ từng đúng thật là những người mẹ của mình thì đấy cũng chỉ là các người mẹ trong quá khứ, không phải là mẹ của mình trong kiếp sống này. Tuy nhiên các bạn cũng thử nhìn lại xem, chẳng phải người mẹ của mình trong ngày hôm qua cũng vẫn còn là mẹ của mình trong ngày hôm nay hay sao?   

            Nếu đủ sức hình dung được sự sống không khởi thủy thì các bạn tất sẽ phải hiểu được trong quá khứ sự sống đó của mình dù là dưới hình thức nào (trong sáu cõi luân hồi) cũng đều phải được sinh ra từ một người mẹ - từ một quả trứng hay bên trong một tử cung. Do đó không có một chúng sinh nào lại không có thể là mẹ mình (dù đấy là những con thú). Chấp nhận sự thật này không phải là chuyện dễ (dưới một góc nhìn khác thì dù chúng ta tin hay không tin vào sự tái sinh cũng vậy, chủ đích của phép luyện tập này là giúp mình nhìn vào tất chúng sinh đều là mẹ mình, và đó là cách khơi động một thứ xúc cảm thật mạnh bên trong chúng talòng hiếu thảo, giúp chúng ta phát huy bồ-đề tâm thật rộng lớn trong tâm thức mình). Vậy các bạn hãy thử suy nghĩ theo một chiều hướng ngược lại xem sao, tức là tìm cách loại bỏ những người không phải là mẹ mình trong quá khứ. Vậy thì đối với các chúng sinh mà mình gạt sang một bên đó thì các bạn có thể quả quyết một cách chắc chắn là họ chưa từng bao giờ là mẹ của mình hay không? 

            (Thật vậy, trông thấy hình bóng của mẹ trong tất cả chúng sinh kể cả những con thú không phải là dễ thực hiện, một khi lòng từ bi bên trong chính mình chưa chín mùi, tức có nghĩa là "cái tôi" của mình còn quá to lớn và nặng nề, không cho phép mình "bay lượn" xuyên qua không gianthời gian cùng với tất cả các chúng sinh khác trong sự xoay vần của thế giới hiện tượng. Bên trong thế giới đó tất cả các chúng sinh khác đều hiện lên với mình như trong một giấc mơ thật dài. Trong giấc mơ đó mình "gặp lại" cha mẹ mình, ông bà mình, những người mà mình từng thương yêu, kể cả các kẻ thù của mình. Tất cả đều bay lượn trong thế giới ảo giác đó, lúc thì hiện lên thật rõ ràng lúc thì mờ đi và biến mất, hun hút trong không gianthời gian, tương tự như ảo giác. Thế nhưng cũng có một cái gì đó rất thật và cụ thể đó là sự hiện hữu của chính mình. Sự hiện hữu đó chính là món nợ mà mình phải trả cho một người mẹ, có thể là rất gần trong ngày hôm nay, nhưng cũng có thể là rất xa, hun hút  ở một nơi nào đó trong thế giới hiện tượng này. Trong sự hiện hữu rất thật đó của mình cũng có một thứ xúc cảm cũng rất thật và vô cùng cao quý, đó là lòng hiếu thảo đối mẹ mình trong ngày hôm nay, hay trong ngày hôm qua thì cũng vậy. Vậy hãy biến lòng hiếu thảo rất thật đó trở thành bồ-đề tâm cũng rất thật trong tâm thức để hồi đáp món nợ ấy cho từng người mẹ của chính mình).

            Sau hết các bạn nên tự hỏi như thế này: vậy nếu cứ xem tất cả chúng sinh là mẹ mình thì sẽ phải chịu thiệt thòi hay được lợi? Nếu muốn phát huy bồ-đề tâm - tức lòng thương người - thì các bạn cũng nên ý thức một điều là nếu không chấp nhận cách nhìn đó đối với kẻ khác (tức xem họ là mẹ mình), thì dù có cố gắng cách mấy thì các bạn cũng không thể thành công được. Khi nào chưa chấp nhận cách nhìn đó thì những điều mong cầu của các bạn (bồ-đề tâm) vẫn còn hết sức xa vời. Nên hiểu rằng trong chu kỳ xoay vần bất tận của sự hiện hữu, các kiếp sống không có một điểm khởi thủy nào, do đó trong quá khứ tất cả chúng sinh đều có thể từng là những người mẹ sinh ra mình và nuôi nấng mình.

            Nhìn vào kẻ lạ và xem họ từng là những người thân thuộc của mình không có nghĩa là trong quá khứ họ nhất thiết cũng phải là những người xa lạ với mình. Vị đại sư Maitreya (Di Lặc, được xem là thầy của Asanga/Vô Trước, thế kỷ thứ IV) trong tập luận "Abhisamayalankara"/ "Hiện tráng trang nghiêm luận" cho biết rằng chúng ta cũng có thể nhìn vào một người bạn quý nhất hay một người thân thuộc gần gũi nhất với mình và xem họ cũng từng là những người thân thiết với mình trước đây trong quá khứ. Chẳng hạn nếu mình cảm thấy gắn bó với cha mình hơn là mẹ mình thì cứ hình dung cha mình trong kiếp sống này cũng từng là cha mình trong quá khứ, hoặc cũng có thể nhìn vào đứa con yêu quý hiện nay của mình và hình dung nó cũng từng là con mình trong các kiếp sống trước, đó là cách giúp mình bộc lộ tình thương yêu đối với những người khác. Điều quan trọng là phải làm thế nào để phát huy một thể dạng tâm thức giúp mình bộc lộ được tình thương yêu và sự quý mến thật sâu xa của mình đối với tất cả chúng sinh. Đấy là cách giúp mình trông thấy được bóng dáng mẹ mình nơi mỗi chúng sinh.

            Dù có kinh sách nào bài bác quan điểm cho rằng tất cả chúng sinh vào một lúc nào đó đều là những người mẹ hết lòng nuôi nấng mình thì cũng không hề hấn gì. Tuy nhiên cũng phải hiểu rằng các trường hợp ngoại lệ đó (tức có những người không phải là mẹ mình hoặc không chăm sóc gì đến mình) không phải là một bằng chứng để phủ nhận sự kiện trên đây. Ngay cả ngày nay cũng có những đứa con sau khi lớn lên không còn đoái hoài gì đến mẹ của chúng nữa. Đối với trường hợp của các bạn cũng vậy, dù được mẹ hết lòng thương yêu và chăm sóc nhưng không phải vì thế mà các bạn bắt buộc tất cả các chúng sinh khác cũng phải cư xử như thế đối với mình.

2- Điểm thiền định thứ hai: biết ơn lòng tốt của tất cả chúng sinh

            Giai đoạn thiền định tiếp theo là nhớ lại ơn nghĩa của tất cả những ai đã từng chăm sóc mình. Nhằm giúp mình khơi động lòng biết ơn đó đối với họ các bạn hãy hình dung ra một người thân thiết nhất với mình, chẳng hạn như mẹ hay cha mình trong lúc tuổi già. Hãy hình dung ra họ một cách thật chính xác, chẳng hạn như đang trong hoàn cảnh phải cần đến sự chăm lo của những người chung quanh (hầu giúp mình ý thức được bổn phận của mình). Đấy là cách giúp mình thiền định (về lòng biết ơn) thật cụ thểthiết thực

            Sau đó các bạn hãy nghĩ đến mẹ mình chẳng hạn, không những đấy là mẹ mình trong kiếp sống này mà cả trong các kiếp sống khác của mình trước đây. Trong kiếp sống này, tình thương của mẹ đối với mình thật vô biên, không những từ lúc mới lọt lòng mà cả truớc đó, khi mình còn trong bụng. Trong những lúc đó mẹ mình cũng đã phải chịu đựng đủ mọi thứ khổ nhọc; và gần đây hơn mẹ mình cũng vẫn còn phải hy sinh hạnh phúc và cả các thú vui khác vì mình. Khi mình vừa lọt lòng thì mẹ cảm thấy vô cùng sung sướng như vừa tìm thấy một kho tàng. Mẹ hết lòng bảo vệ, chăm lo, tắm rửa, bồng bế, cho đến khi mình chập chững biết đi.   

            Đối với các loài thú vật chẳng hạn như chim chóc, chó, mèo, thì cũng vậy, các bạn cũng sẽ nhận thấy sự chăm sóc đó, tuy không được lâu bền như con người, thế nhưng tình thương và sự hy sinh của chúng cho con cái cũng hết sức vô biên. Dưới một góc nhìn khác thì tình mẫu tử của các loài thú thật rõ ràng là bất vụ lợi, khác hơn đối với con người, bởi vì con người thường nuôi hy vọng sau này con cái sẽ đối xử hiếu thảo với mình (đôi khi chúng ta cũng nên học điều đó nơi các loài thú vật để hiểu rằng mình nên chắp cánh cho con cái bay cao. Nếu chúng ta từng tập chúng từng bước khi chúng mới chập chững, thì khi lớn lên cũng nên để chúng tự do bước đi trên con đường mà chúng đã chọn. Bám víu dù dưới hình thức nào cũng đều không tốt cho mình cũng như cho chúng. Phải tìm cách hóa giải nghiệp nhưng không nên ngăn chận sự vận hành của nghiệp - dù là của chúng hay của mình - bởi vì đó chỉ là cách tạo ra thêm nghiệp mới).

            Chẳng hạn như các loài chim, một số phải tìm bắt sâu bọ để nuôi con, có khi phải ra sức nuôi cả một đàn con trong tổ; chúng tự gánh vác một mình, không như chúng ta được sự giúp đỡ của những người chung quanh. Cách chúng cố gắng nuôi con không khỏi khiến chúng ta cảm động. Mỗi khi thấy chim con gặp hiểm nguy, chẳng hạn như gặp mèo hay kên kên, thì chim mẹ có thể hy sinh cả mạng sống của mình. Tuy thái độ đó của chúng dù chỉ là một hình thức bám víu nhưng cũng phản ảnh cả một tình thương bao la. Vậy nào có phải chỉ có sự hy sinh của người mẹ nơi giống người thì mới là vô biên đâu. Sự hy sinh đó không phải chỉ xảy ra trong một kiếp sống duy nhất mà qua không biết bao nhiêu sự hiện hữu. Biết suy tư như thế sẽ tạo ra những tác động thật mạnh trong tâm thức mình.   

            Sau khi đã hiểu được thế nào là tình thương yêu của mẹ nhất là trong kiếp sống này, thì các bạn hãy hình dung ra những kẻ mà mình cảm thấy xa lạ và ghê tởm, kể cả súc vật, hầu giúp mình suy tư. Các bạn hãy suy nghĩ như thế này, các chúng sinh ấy hiện nay có thể là nguy hại, cư xử với mình như kẻ thù, thế nhưng trong các kiếp sống quá khứ các chúng sinh ấy cũng có thể từng là ân nhân của mình, nhiều lần cứu mạng mình, vì thế lòng nhân từ của họ thật vô biên. Đấy cũng là một cách suy nghĩ giúp mình luyện tập tâm thức.

3- Điểm thiền định thứ ba: đền ơn cho kẻ khác

            Sau khi đã ý thức được lòng tốt của tất cả chúng sinh (và cũng là những người mẹ của mình) thì phải tìm cách hồi đáp lại lòng tốt ấy. Mỗi khi hồi tưởng lại sự hy sinh của mẹ thì tự nhiên niềm ước mong đền đáp công ơn mẹ sẽ hiện lên với mình, thế nhưng niềm ước mong đó phải bùng lên từ một nơi sâu kín nhất tận đáy tim mình. Không đền đáp được công ơn đó của mẹ là vô trách nhiệm và bất hiếu. Vì thế phải cố gắng với tất cả khả năng mình hầu mang lại sự tốt lành cho tất cả mọi người (vì tất cả từng là mẹ mình). Đấy là cách đền ơn cao quý nhất (dù mẹ không còn sống để đền ơn thì hãy đền ơn cho các kẻ khác, vì đó cũng là cách gián tiếp đền ơn cho những người mẹ của chính mình).

4- Điểm thiền định thứ tư: tình thương yêu và lòng tốt

            Sau khi đã phát huy được sự bình lặng (equanimity/thanh thản, đồng đều, không phân biệt)lòng hiếu thảo đối với mẹ qua hình bóng của tất cả chúng sinh, thì khi đó các bạn cũng sẽ phát động được tình thương yêu và sự trìu mến của mình đối với tất cả chúng sinh.  Các xúc cảm đó càng sâu xa thì lòng ước mong loại bỏ khổ đau cho chúng sinh và mang lại hạnh phúc cho họ cũng sẽ càng mãnh liệt hơn. Hình bóng mẹ hiện lên qua bóng dáng của tất cả chúng sinh sẽ làm nền tảng cho các giai đoạn luyện tập tiếp theo. Sau khi đã thiết đặt được nền móng vững chắc đó thì các bạn nên hồi tưởng lại công ơn của mẹ và cầu mong thật chân thành sẽ đền đáp công ơn ấy của mẹ. Đấy là cách giúp mình đạt được một thể dạng cảm nhận tất cả chúng sinh đều trở thành những người thân thiết và gần gũi với mình (một cách vắn tắt: 1- "chắp" hình bóng mẹ với bóng dáng của tất cả chúng sinh, 2- hồi tưởng lại công ơn của mẹ, 3- đền đáp công ơn đó hướng vào tất cả chúng sinh qua hình bóng của mẹ mình).

            Đến đây các bạn hãy chuyển sang suy tư về sự kiện tất cả chúng sinh, dù lúc nào cũng mong cầu tìm thấy sự an lànhtránh khỏi mọi khổ đau, thế nhưng trên thực tế thì phải gánh chịu trăm ngàn nỗi đớn đau và khổ nhọc. Các bạn hãy suy nghĩ như thế này, các chúng sinh ấy cũng chẳng khác gì mình, tất cả đều ước mong tìm được hạnh phúc, thế nhưng những niềm hạnh phúc đó thật hết sức xa vời đối với họ. Đấy là cách giúp mình phát động tình thương yêu và lòng vị tha đối với họ.  

5- Điểm thiền định thứ năm: lòng từ bi bao la

            Nhằm giúp mình thiền định về lòng từ bi thì các bạn nên hình dung tất cả chúng sinh đều phải gánh chịu mọi thứ khổ đau. Nếu muốn phát huy lòng từ bi đó to rộng hơn thì các bạn hãy bắt đầu hướng vào một chúng sinh duy nhất thật cụ thể, đang lâm vào hoàn cảnh đau thương không lối thoát, chẳng hạn như kinh sách thường nêu lên trường hợp một con vật đang bị đưa vào lò sát sinh. Hãy hình dung tâm trạng của nó trước hoàn cảnh thương tâm ấy hầu khơi động lòng thiết tha mong cầu giải thoát cho nó trước cảnh khổ đau đang chờ đợi nó.   

            Hoặc các bạn cũng có thể hình dung ra các cảnh huống đáng thương khác của các chúng sinh khác. Thí dụ thì quả không thiếu, chẳng hạn như khi di chuyển bằng xe lửa ở Ấn Độ, chúng ta tất sẽ có dịp trông thấy vô số cảnh tượng đáng thương, đối với con người và cả súc vật. Hãy hình dung ra các chúng sinh ấy, tất cả cũng như mình đều thiết tha mong cầu đạt được hạnh phúc, thế nhưng thật hiển nhiên các chúng sinh ấy đang phải chịu đựng toàn là những điều bất hạnh. Chẳng hạn như cảnh tượng con người sử dụng thú vật để chuyên chở hàng hóa, khắp các làng mạc và đô thị nơi nào cũng thấy các con bò già yếu đã trở thành vô dụng (không còn sức chuyên chở hay kéo xe được nữa), xã hội thì cấm giết, không một ai ngó ngàng đến chúng. Trên đất Ấn người ta cũng thấy những kẻ ăn xin mù lòa, câm, điếc, tàn tật, rách rưới. Chẳng những không ai giúp đỡ họ vì lòng từ bi, mà mọi người còn tìm cách tránh ra xa, hoặc xô đuổi họ, đôi khi còn đánh đập họ nữa. Đấy là các cảnh tượng xảy ra nhan nhản tại bất cứ nhà ga nào ở Ấn. Các bạn hãy hình dung ra bất cứ một hoàn cảnh đáng thương nào mà mình nghĩ rằng không sao chịu đựng nổi. Sự quán tưởng đó sẽ mang lại cho các bạn một sức mạnh từ bi vô song và rộng lớn.

            Sau đó các bạn tiếp tục hướng sự suy nghĩ của mình vào các thể loại chúng sinh khác: dù hiện nay các chúng sinh này chưa gặp cảnh khổ đau, thế nhưng sự tích lũy nghiệp phát sinh từ các hành động tiêu cực của họ sẽ không tránh khỏi mang lại cho họ những hậu quả mà họ không hề mong muốn.

            Lòng ước mong tất cả chúng sinh đạt được hạnh phúc mà họ chưa bao giờ được hưởng gọi là tình thương yêu toàn cầu, và lời thệ nguyện giải thoát tất cả chúng sinh khỏi khổ đau thì gọi là lòng từ bi. Các bạn có thể luyện tập cả hai phép thiền định này cùng một lúc, và cho đến khi nào tác động của chúng có thể biến cải được tâm thức mình.

6- Điểm thiền định thứ sáu: thái độ phi thường

            Đối với việc luyện tập giúp phát động tình thương yêu và lòng từ bi thì không được dừng lại ở cấp bậc tưởng tượng hay mong cầu, mà phải tạo ra một sự quyết tâm chân thành mong sao có thể làm vơi bớt khổ đau cho chúng sinh và mang lại hạnh phúc cho họ. Và đấy cũng chính là trọng trách mà người tu tập phải gánh vác. Càng phát huy thật mạnh lòng từ bi thì các bạn sẽ càng cảm thấy vững mạnh và tự tin hơn. Thật vậy, chúng sinh chỉ vì vô minh nên không trông thấy được các phương pháp luyện tập mang lại cho mình những điều tốt đẹp. Do đó những ai một khi đã ý thức được điều này thì phải quyết tâm nhận lãnh trách nhiệm mang lại sự tốt lành cho họ.

            Lòng quyết tâm đó gọi là thái độ phi thường hay thượng thặng. Dầu sao sức mạnh của lòng từ bi thúc dục mình phải nhận lãnh trách nhiệm cũng không thể xảy đến với những người tu tập còn kém cỏi. Theo các nghi thức truyền khẩu (các nghi lễ thụ giáo của Kim Cương Thừa) thì thái độ phi thường đó phản ảnh cả một sự dấn thân, tương tự như ký vào một bản giao kèo (trong các nghi lễ thụ giáo, người tu tập phải thệ nguyện trước chư Phật và các vị thầy mình là sẽ quyết tâm đạt được giác ngộ để giúp đỡ chúng sinh một cách hữu hiệu).

            Mỗi khi khơi động thái độ phi thường đó trong tâm thức mình, các bạn cũng nên tự hỏi ngoài sự can đảmquyết tâm ra thì thật sự mình có hội đủ khả năng mang lại hạnh phúc đích thật cho các chúng sinh khác hay không? Chỉ khi nào đủ sức chỉ cho chúng sinh trông thấy được con đường của sự hiểu biết toàn năng, giúp họ xóa bỏ tấm màn vô minh che lấp tâm thức mình, thì khi đó các bạn mới có thể đặt hạnh phúc lâu bền vào tầm tay của họ được. Nếu không thì dù có cố gắng cách mấy đi nữa các bạn cũng chỉ có thể mang lại cho họ một sự an vui tạm thời, bởi vì mục đích tối hậu chỉ có thể thực hiện được bằng cách loại bỏ tấm màn vô minh trong tâm thức họ, và cũng chỉ có họ mới làm được việc ấy cho họ và bởi chính họ mà thôi. Ngay cả đối với các bạn cũng vậy, nếu muốn đạt được sự giải thoát thì phải tự mình gánh lấy trọng trách đó (đối với người đọc hay người nghe, sau khi xếp sách hay nghe giảng xong thì không nên để cho mọi sự đâu lại vào đấy. Đối với người viết hay người giảng cũng thế, sau khi gửi bài hay giảng xong thì không nên ngồi chờ xem có ai khen mình hay không. Cung cách hành xử đó không phải là một sự ý thức mà chỉ là một cách mang lại cho mình một chút an vui hay giải khuây tạm thời mà thôi).   

            Như tôi vừa nói trên đây, chính các bạn phải chỉ cho mọi người trông thấy con đường đúng đắn, thế nhưng việc đó sẽ không thể nào thực hiện được khi các bạn vẫn chưa thực hiện được một sự hiểu biết đúng đắn. Có nhiều phương tiện giúp mình đạt được sự hiểu biết đó, chẳng hạn như sự hiểu biết trí thức cũng có thể là một trong số các phương tiện ấy, thế nhưng sự hiểu biết sâu xa hơn thì chỉ có thể đạt được qua các kinh nghiệm cảm nhận của chính mình mà thôi (tức bằng sự tu tập của chính mình)

            Trước khi đưa ra những lời giáo huấn thì chính mình cũng phải thấu triệt thật minh bạch những lời giáo huấn ấy. Các bạn phải tạo được cho mình một trí tuệ hoàn hảo hầu đưa ra những lời giáo huấn hợp thời và thích nghi, phù hợp với xu hướng và khả năng của từng người. Không nên mang một số khái niệm quá sâu sắc để thuyết giảng cho bất cứ ai, bởi vì các khái niệm này thay vì mang lại lợi ích thì có thể trở nên độc hại cho họ.

            Nếu muốn quán thấy được khả năng của kẻ khác thì trước hết chính mình phải tự loại bỏ được tất cả các chướng ngại tinh tế ngăn chận sự hiểu biết. Khi còn tại thế chính Đức Phật cũng đã từng đưa ra một quyết định trong trường hợp trên đây: có một người chủ gia đình xin được xuất gia, thế nhưng các đệ tử uyên bác của Ngài, trong số này có cả Sariputra (Xá-Lợi-Phất) đều cho rằng người này chưa hội đủ tiềm năng đạo đức để được thụ phong. Duy nhất chỉ có Đức Phật nhờ sức mạnh của sự hiểu biết toàn năng đã quán thấy được tiềm năng của người này (và đã thụ phong cho người chủ gia đình này). Vì thế khi chưa đạt được sự giác ngộ hoàn hảo, thì khi đó vẫn còn một thứ chướng ngại (nivarana/triền cái, ngũ cái) nào đó bên trong tâm thức ngăn che sự hiểu biết, khiến việc trợ giúp kẻ khác không được toàn vẹn.   

            Tuy nhiên các bạn cũng có thể tự hỏi nếu việc thực hiện ước vọng mang lại sự tốt lành cho kẻ khác tùy thuộc vào quyết tâm của chính họ thì: "Tôi nào cần phải gắng sức để đạt được giác ngộ làm gì? Dầu sao thì cũng có vô số chư Phật giúp họ, và đối với họ thì cũng chỉ cần một bước đầu tiên là đủ".

            Dầu sao nếu muốn có một vị hướng dẫn tâm linh hay một vị giáo huấn giúp đỡ mình, thì giữa hai bên phải có một sự kết nối của nghiệp (giữa thầy trò hay bạn hữu, giữa những người trong cùng một gia đình, chủng tộc hay quốc gia đều có một mối dây liên kết của nghiệp, sự khác biệt là mối dây đó lỏng lẻo hay thật chặt). Do đó một số vị thầy cũng chỉ có thể đưa ra những lời giảng huấn mang lại hiệu quả cho một số đệ tử nào đó của mình mà thôi. Nếu muốn thấu triệt được điều này thật sâu sắc thì nên xem thêm kinh sách chẳng hạn như tập luận "Sự hoàn hảo của Trí Tuệ" với phiên bản gồm tám ngàn câu (tức là tập Prajnaparamita/Bát-nhã Ba-la Mật-đa, gộp chung một số các kinh chủ yếu nhất của Đại Thừa. Phiên bản 8000 câu là phiên bản xưa nhất được xem là do Nagarjuna/Long Thụ trước tác. Bởi vì sau đó trên dòng tiến hóa của Đại Thừa từ thế kỷ thứ II đến thứ IV, phiên bản đầu tiên này được khai triển thêm và trở thành nhiều phiên bản mới gồm:10.000, 18.000, 25.000 và 100.000 câu, và được gọi chung là Maha-prajnaparamita/Ma-ha Bát-nhã Ba-la Mật-đa - maha có nghĩa là lớn. Vào các thế kỷ tiếp theo sau đó thì ngược lại tập kinh này được tóm lược ngắn hơn, trong đó có một bản thật ngắn gọi là Prajnaparamita Hrdaya/Tâm Kinh, thường được mang ra tụng niệm). Trong tập kinh này có nêu lên trường hợp chư Phật và chư Bồ-tát mỗi khi nhận thấy một người tu tập có một mối dây liên kết của nghiệp mạnh hơn hướng vào các nơi khác (tông phái, chi phái hay các người khác) thì thường khuyên người này hãy tự tìm một vị thầy khác phù hợp với mình hơn. Do đó đối với một số người, dù đủ khả năng trông thấy được một vị Phật bằng chính mắt mình, thế nhưng cũng có thể không gặt hái được nhiều lợi ích so với trường hợp được kết nối với chính bạn, nhờ vào các mối dây liên kết của nghiệp buộc chặt hơn giữa họ và chính bạn. Vì nguyên nhân chu kỳ hiện hữu không có điểm khởi đầu nên các mối dây liên kết của nghiệp cũng vậy (tức cũng không có một điểm khởi thủy nào); do đó theo tôi thì cũng có thể xảy ra các mối dây liên kết của nghiệp thật mạnh ngay trong kiếp sống hiện tại (có nghĩa là giữa thầy và trò cũng có thể có những mối dây liên kết của nghiệp không nhất thiết liên hệ gì với quá khứ, mà là do cả hai tự tạo ra cho mình trong kiếp sống hiện tại này)

            Dù sự hiểu biết toàn năng mà các bạn đạt được không thể mang lại lợi ích cho tất cả chúng sinh đi nữa, thì nhất định nó cũng có thể mang lại nhiều lợi ích cho một số nào đó. Vì thế thật hết sức quan trọng là các bạn phải đạt cho bằng được sự giác ngộ toàn vẹn cho chính mình.

            (Sự giác ngộ của một vị Phật dù không đủ giúp đỡ tất cả chúng sinh thế nhưng cũng phải đạt được thể dạng đó. Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng thế, Ngài có thể giúp được rất nhiều người nhưng không thể giúp được tất cả mọi người trên hành tinh này. Vị Phật lịch sử cũng vậy, Ngài cũng giúp được rất nhiều người trong thung lũng sông Hằng cách nay 2500 năm và rất nhiều người trong số chúng ta hôm nay, thế nhưng cũng không thể cứu vớt được tất cả nhân loại. Vào thời đại của Đức Phật cũng có các vị thầy khác, các tín ngưỡng khác. Ngày nay cũng vậy, có nhiều người hướng vào những lời giảng của Đức Đạt-lai Lạt-ma, nhưng cũng có nhiều người khác tin vào những lời thuyết giáo của các vị "thầy" khác hay những lời hô hào của các vị "lãnh đạo" khác. Vô minh của con người thật đa dạng và mênh mông).

            Một số chúng sinh rất cần đến sự giúp đỡ của các bạn trên đường tu tập tâm linh, do đó thật hết sức chủ yếu là các bạn phải nhận lãnh trách nhiệm mang lại mọi sự tốt lành cho họ. Sự ý thức đó sẽ mang lại một niềm tin vững chắc là khi chưa đạt được một sự hiểu biết toàn năng thì khi đó các bạn sẽ vẫn chưa thực hiện được  mục đích mà mình đặt ra cho mình và cũng sẽ không thể mang lại được sự tốt lành đích thật cho kẻ khác. 

7- Điểm thiền định thứ bảy: bồ-đề tâm

            Từ một nơi sâu kín nhất của con tim mình và với tất cả tình thương yêu và lòng từ bi, các bạn hãy khơi động niềm ước vọng đạt được thể dạng giác ngộ toàn vẹn hầu mang lại sự tốt lành cho tất cả chúng sinh. Nuôi dưỡng niềm ước vọng đó trog tâm thức mình tức là cách giúp mình thực hiện bồ-đề tâm.

            Sau khi đã hiểu được phải làm thế nào để thực hiện bồ-đề tâm, thì các bạn cũng nên mang ra để luyện tập và phát huy nó và cũng nên xem đấy là kết quả mà con đường đã mang lại cho mình. Hãy tưởng tượng vị thầy tâm linh đang ngụ trên đỉnh đầu mình, hãy hình dung vị ấy thật vui lòng, ngợi khen sự cố gắng của mình và nói rằng sẽ hết lòng chăm lo cho mình. Hãy tưởng tượng vị ấy thật mãn nguyện, tan biến và đi vào đỉnh đầu mình, di chuyển xuống phía dưới và hòa nhập vào tim mình. Đồng thời chính mình cũng tan biến theo và hóa thành Tánh Không, và từ bên trong Tánh Không đó mình sẽ hiện ra trở lại dưới thể dạng của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Hãy tưởng tượng mình hòa nhập với Ngài, không có một sự tách biệt nào cả, và hãy cảm thấy thật hân hoan trong thể dạng đó. Hãy hình dung tất cả các phẩm tính do việc luyện tập bồ-đề tâm mang lại cho mình, hóa thành các tia sáng tỏa ra từ tim mình, chan hòa và chiếu rọi tất cả chúng sinh, mang lại những điều tốt lành cho họ, làm vơi bớt khổ đau của họ và tạo điều kiện giúp họ tìm thấy sự giải thoát và được tái sinh trong các hoàn cảnh thuận lợi hơn, và sau hết là đạt được sự hiểu biết toàn năng (có nghĩa là trở thành những vị Phật toàn vẹn).

            Ngoài những lúc hành thiền ra thì các bạn cũng nên xem thêm kinh sách và các bài thuyết giảng về phép luyện tập bồ-đề tâm trên đây.     

            Đến đây xin chấm dứt buổi thuyết giảng về quá trình phát động bồ-đề tâm theo phương pháp nguyên nhân hậu quả dựa vào bảy điểm ("nguyên nhân" là trông thấy bóng dáng mẹ mình trong tất cả chúng sinh, "kết quả" là bồ đề tâm hiện lên trong tâm thức mình qua bóng dáng của mẹ, hầu giúp mình đạt được sự giác ngộ toàn vẹn của một vị Phật).

 

Vài lời ghi chú của người dịch

 

            Điểm nổi bật đáng lưu ý trước hết trong bài giảng trên đây là Đức Đạt-lai Lạt-ma cho biết rằng dù là một vị Phật toàn năng cũng không sao giúp đỡ được tất cả chúng sinh. Thế nhưng vì sự an vui của chúng sinh, chúng ta phải đạt cho bằng được thể dạng ấy, và đấy cũng chính là cốt lõi của Đại Thừa Phật giáo. Đối với Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng vậy, Ngài không thể giúp đỡ được tất cả nhân loại, khi mà nghiệp vẫn còn chi phối quá nặng nề nơi mỗi con người. Ngày xưa Đức Phật lịch sử cũng không sao giải thoát được tất cả chúng sinh trong thung lũng sông Hằng.

            Nghiệp là động cơ thúc đẩy sự vận hành của thế giới hiện tượng. Dưới một góc nhìn khác thì đấy là quy luật nguyên nhân hậu quả nằm trong một quy tắc chung là sự tương liên, tương kết và tương tạo (interdependence/lý duyên khởi) chi phối toàn thể thế giới hiện tượng. Trong cái thế giới vô cùng phức tạp đó, nếu có thể giúp cho chúng sinh giải tỏa phần nào nghiệp của họ thì cũng nên làm. Nếu vì nghiệp hay một lý do nào khác mà mình không ý thức được trọng trách đó thì hãy cứ nhìn vào tâm thức mình, quê hương mình và thế giới này, xem có nơi nào không có khổ đau hay không? Khi nào nhận thấy được điều đó thì chúng ta sẽ bớt tìm cách thụ hưởngý thức dễ dàng hơn trọng trách của mình.

            Điểm đáng lưu ý sau đó trong bài thuyết giảng trên đây, khá tế nhịtinh tế, liên hệ đến nhiều yếu tố như xu hướng và sự bén nhạy của mỗi người, có nghĩa là liên hệ đến nghiệp của mỗi cá thể, do đó người chuyển ngữ cũng chỉ mạn phép trích dẫn dưới đây một vài câu trong bài thuyết giảng của Đức Đạt-lai Lạt-ma trên đây với mục đích gợi ý và xin dành mọi sự suy luận cho mỗi người trong chúng ta.

"Chỉ khi nào đủ sức chỉ cho chúng sinh trông thấy được con đường của sự hiểu biết toàn năng, giúp họ xóa bỏ tấm màn vô minh che lấp tâm thức mình, thì khi đó các bạn mới có thể đặt hạnh phúc lâu bền vào tầm tay của họ được".

......

"[...] các bạn phải chỉ cho mọi người trông thấy con đường đúng đắn, thế nhưng việc đó sẽ không thể nào thực hiện được khi các bạn chưa thực hiện được một sự hiểu biết đúng đắn. Có nhiều phương tiện giúp mình đạt được sự hiểu biết đó, chẳng hạn như sự hiểu biết trí thức cũng có thể là một trong số các phương tiện ấy, thế nhưng sự hiểu biết sâu xa hơn thì chỉ có thể đạt được qua các kinh nghiệm cảm nhận của chính mình mà thôi".

......

"Trước khi đưa ra những lời giáo huấn thì chính mình cũng phải thấu triệt những lời giáo huấn đó. Các bạn phải tạo được cho mình một trí tuệ hoàn hảo hầu đưa ra những lời giáo huấn hợp thời và thích nghi, phù hợp với xu hướng và khả năng của từng người".

"[...] khi chưa đạt được sự giác ngộ hoàn hảo, thì khi đó vẫn còn một thứ chướng ngại nào đó bên trong tâm thức ngăn che sự hiểu biết, khiến việc trợ giúp kẻ khác không được toàn vẹn".

            Phía sau những câu giảng trên đây thiết nghĩ cũng không phải là khó để hình dung ra một người đã đạt được một sự hiểu biết toàn năng, một trí tuệ siêu nhiên và một khả năng đạo đức toàn vẹn. Thật vậy Đức Đạt-lai Lạt-ma là một người vô cùng khiêm tốn, thành thật và ngay thẳng, và luôn chỉ nhận mình là một nhà sư Phật giáo. Thế nhưng qua trí tuệ siêu nhiên và tiềm năng đạo đức toàn vẹn của mình, Ngài trông thấy và thực hiện nhiều điều mà Ngài không thể nói ra được với tất cả chúng tatâm thức còn đang bị che lấp bởi một tấm màn vô minh dầy đặc. Vậy chúng ta hãy đọc tiếp những câu sau đây để tự suy ngẫm theo sự hiểu biết và bén nhạy của chính mình:

"Không nên mang một số khái niệm quá sâu sắc để thuyết giảng cho bất cứ ai, bởi vì các khái niệm này thay vì mang lại lợi ích thì có thể trở nên độc hại cho họ"

"[...] chính mình cũng tan biến theo và hóa thành Tánh Không, và từ bên trong Tánh Không đó mình sẽ hiện ra trở lại dưới thể dạng của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni"

            Bài giảng trên đây được dựa vào sự quán tưởng là một trong các kỹ thuật thiền định quan trọng nhất của của Phật giáo Tây Tạng. Vậy chúng ta cũng nên thử tìm hiểu lướt qua về các phương pháp thiền định của tông phái Phật giáo này mà người Tây Phương ngày nay ngày càng thán phục.

            Dưới một góc nhìn nào đó thì Phật giáo quả đúng là một nền tư tưởng thực dụng nhưng vô cùng siêu việt, được hình thành từ kết quả suy tư, chiêm nghiệm và sự hiểu biết của một con người có một trí tuệ siêu phàm. Hình ảnh vị hoàng tử Siddharta Gautama chấp nhận mọi gian khổ, ngồi yên lặng, trầm tư và suy nghiệm dưới một cội cây giúp mình "khám phá" ra một sự thật nào đó, một phương pháp luyện tập nào đó hầu biến tâm thức mình trở thành một sự hiểu biết siêu nhiên, đã nói lên thật cụ thể sự hình thành của Phật giáo. Sự hiểu biết siêu nhiên đó ngày nay chúng ta gọi là sự Giác Ngộ (Bodhi), và sự khám phá đó là kết quả mang lại từ sức mạnh suy tư và sự biến cải tâm thức mang lại một sự hiểu biết siêu phàm cho vị hoàng tử ấy. Ngày nay chúng ta gọi sự suy tư và biến cải đó là "Thiền định", tiếng Phạn và tiếng Pa-li gọi là Bhavana, gốc từ chữ bhava nguyên nghĩa là "phát huy", "trau dồi", "tạo ra", hay "biến thành" (becoming) một cái gì đó, một thể dạng tâm thức hay một hình thức hiện hữu nào đó, mà ngày nay chúng ta gọi là sự Giải Thoát.  

            Ngôn ngữ Tây Phương dịch chữ này không hoàn toàn đúng là Meditation, bởi vì chữ này chỉ có nghĩa là "suy tư" hay "suy ngẫm" về một thứ gì đó. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì triết học và các tín ngưỡng độc thần của Tây Phương dựa vào đức tin và sự cầu xin ơn trên, không có một ý niệm nào về sự "biến cải" và "phát huy" tâm thức của chính mình tương tự như trong Phật giáo.

               Một sự lẫn lộn khác về thuật ngữ Bhavana trên đây cũng thật đáng quan tâm, đó là cách dịch âm trong tiếng Hán về chữ Jhana (tiếng Pa-li) hay Dhyana (tiếng Phạn) là "Channa" hay "Chan" (), các chữ này lại tiếp tục được dịch âm sang tiếng Nhật là "Zenna" hay "Zen", và tiếng Việt là "Thiền-na" hay "Thiền". Thế nhưng tiếc thay các chữ Jhana hay Dhyana chỉ có nghĩa là một thể dạng "lắng sâu" của tâm thức hay một thể dạng "chú tâm" thật mạnh và sâu xa của tâm thức, trong khi đó thì chữ Bhavana là một "kỹ thuật hay phương pháp luyện tập nhằm biến cải tâm thức".  

            Thật hết sức rõ ràng, chữ bhavana thường được ghép chung với các chữ khác trong kinh sách để nêu lên các phép luyện tập của Phật giáo, thí dụ:

            - Citta-bhavana: sự tập luyện hay phát huy tâm thức

            - Metta-bhavana: sự trau dồi hay phát huy lòng từ tâm hay từ bi

            - Panna-bhavana: sự trau dồi hay phát huy sự hiểu biết

            - Samatha-bhavana: phát huy thể dạng bình lặng, tĩnh lặng của tâm thức

            - Vipassana-bhavana: phát huy sự quán thấy sâu xa của tâm thức.

            Do đó khổng thể đồng hóa hai chữ BhavanaJhana để gọi chung là "Thiền định" (Jhana/Dhyana) được. Dầu sao thì chữ Thiền định/Meditation đã trở thành thông dụng, khó thay đổi được, do đó chúng ta cũng nên tiếp tục sử dụng từ này nhưng phải lưu ýý nghĩa của nó là sự "tập luyện tâm thức giúp quen dần với một cung cách suy nghĩ hay tạo ra một thể dạng cảm nhận nào đó". Tiếng Tây Tạng dịch chữ Bhavana thật tài tình là "sgom-pa", có nghĩa là "tập quen dần" với một cái gì đó hay một thể dạng tâm thần nào đó. Trong trường hợp bài giảng trên đây là "tập cho tâm thức quen dần với cách nhìn vào chúng sinh và trông thấy bóng dáng của mẹ mình qua hình bóng của họ".

            Trong Phật giáo Tây Tạng có rất nhiều phép luyện tập theo đường hướng trên đây, tức là rất cụ thể, minh bạchchính xác, nhằm mục đích biến cải tâm thức mình, tập cho nó suy nghĩ theo một chiều hướng nhất định nào đó, hoặc tạo ra cho nó một cung cách cảm nhận đặc biệt nào đó. Xin đơn cử một vài phép luyện tập thường thấy nói đến như sau:

            - Sự tỉnh thức hay tỉnh giác (Mindfulness/Awareness), tiếng Tây TạngSi-ne, đó là một cách luyện tập tâm thức hầu tạo ra cho nó một thể dạng thăng bằng, tĩnh lặng, thanh thản, không xao động (equanimity). Theo cách định nghĩa từ chương của Phật giáo Tây Tạng thì đó là cách giúp người tu tập "an trú trong sự bình thản của tâm thức". Thật ra đây cũng là giai đoạn "chuẩn bị" chung cho tất cả các phép luyện tập thiền định của toàn thể các học pháitông phái Phật giáo. Bởi vì khi nào chưa thực hiện được thể dạng tĩnh lặng và thăng bằng đó thì tâm thức sẽ không thể nào suy nghĩ đúng đắnsáng suốt về bất cứ một điều gì cả. Tất cả các sự suy nghĩ của mình đều bị ô nhiễm bởi các sự thúc đẩy của bản năng và các tác động của nghiệp. Trong bải giảng trên đây thì phép luyện tập căn bảnsơ đẳng này được giải thích ngay trong phần mở đầu: "Giai đoạn chuẩn bị: phát huy thể dạng bình lặng".

            - Nhận chịu và hiến dâng (Tonglen), có nghĩa là nhận chịu khổ đau của kẻ khác và hồi đáp hay hiến dâng cho họ hạnh phúc của chính mình. Sự nhận chịu và hiến dâng đó phải thành thực và thiết tha, phải cảm nhận được sự đau đớn của kẻ khác một cách thật sự từ trong tâm thức và con tim mình. Đối với sự hiến dâng cũng vậy, phải hết lòng trao lại cho kẻ khác tất cả công đức mà mình gom góp được.

            - Sự quán thấy hay quán tưởng (Visualization), là một phép luyện tập hướng vào một vị thần linh hay một vị Phật mà mình mong muốn trở thành chính vị ấy. Người hành thiền có thể quán tưởng một thần linh đạo hạnh hầu mượn sự quán tưởng đó để phát huy các phẩm tính của vị ấy bên trong chính mình, hoặc cũng có thể quán tưởng một vị thần linh hung tợn để giúp mình chống lại các khiếm khuyết, dục vọng cũng như các xúc cảm tàn phá và bấn loạn bên trong tâm thức mình. Thế nhưng trước khi quán tưởngtrở thành các vị thần linh hay một vị Phật thì phải thực hiện được bản chất vô ngã (không có "cái tôi") và Tánh Không của mình, và nhờ đó vị thần linh hay vị Phật mà mình mong muốn được trở thành mới có thể hiện ra từ Tánh Không đó.

            - Bánh xe Man-ni và các câu Tụng niệm Man-tra, là các phương tiện góp phần vào việc thiền định. Bánh xe (còn gọi là cối xay) có thể rất lớn hay thật nhỏ có thể cầm trên tay, trên đó có khắc các câu man-tra. Quay chiếc bánh xe là một cách tinh khiết hóa tâm thức mình và làm phát ra trong không gian các câu man-tra ghi khắc trên bánh xe, và cũng là một cách thay cho sự tụng niệm của mình. Tính cách thực dụng trong phép luyện tập này của người Tây Tạng thật đáng khâm phục, bởi vì chỉ cần quay một vòng cũng đủ tung vào không gian vô tận hàng trăm hay hàng ngàn câu man-tra ghi khắc trên đó. Man-tra là các câu tụng niệm thật ngắn mang tính cách thiêng liêng, nhằm mang lại lợi ích cho sức khỏe trên thân xác và biến cải tâm thức mình.

            Những gì trên đây có thể mang lại cho chúng ta một ý niệm thật bao quát về thiền địnhphương pháp tu tập chủ yếu của toàn thể Phật giáo nói chung. Chúng ta thường xuyên sống với một tâm thức lầm lẫn, hoang mang và cả những khổ đau thật sâu kín, nhưng chúng ta không hề ý thức được điều đó. Vì thế thiền định trong Phật giáo không phải là một phương tiện "đi tìm" bất cứ một thứ gì cả, mà là một phương pháp tinh tế, sâu sắc và hữu hiệu nhằm "cải thiện" tình trạng lầm lẫn, hoang mang và khổ đau đó trong tâm thức của chính mình.

            Tâm thức thường xuyên bị xao lãng thế nhưng không mấy khi chúng ta ý thức được điều đó. Chúng ta ăn nhưng không ý thức mình đang ăn những thứ gì; chúng ta nói nhưng không ý thức được ý nghĩa và các xúc cảm ẩn chứa trong những lời mình nói; chúng ta đi nhưng không ý thức được là mình đang đi, chỉ khi nào đến nơi thì mình mới biết là đã đến. Ở một khía cạnh khác sâu xa hơn thì mình cho rằng mình rất tỉnh táo, thế nhưng thật ra thì vô số các thứ khổ đau sâu kín chi phối mình thật kín đáo bên trong tâm thức, chúng tác động đến từng tư duy, xúc cảm, tác ý, ngôn từ và hành động của mình.

            Mặt khác, chúng ta luôn sống trong một tình trạng quán tưởng nhưng không hề hay biết là mình đang quán tưởng. Sáng sớm thức dậy, trông thấy trời âm u và mây đen, chúng ta "nghĩ" rằng hôm này trời sẽ mưa. Chuẩn bị đi ăn sáng ở quán phở gần nhà, chúng ta "nghĩ" đến góc bàn mà mình thường ngồi, chọn bát phở với các miếng thịt mà mình ưa thích. Ngồi ăn phở chúng ta "nghĩ" đến các công việc mà mình sẽ phải làm ở sở, trong khi làm việc thì "nghĩ" đến người này hay người kia, hay là những gì mình sẽ làm vào tối hôm nay, v.v., đó là những sự "quán tưởng". Mặt khác, quảng cáo, quần áo, hàng hóa trưng bày hào nhoáng ở các cửa hiệu hay trong siêu thị là các cách gợi lên sự quán tưởng của mình, chẳng hạn quần áo đúng mốt sẽ làm cho mình xinh đẹp hơn. Những lời tuyên truyền hay hô hào, các bài diễn văn, các khẩu hiệu, biểu ngữ là các phương tiện mà người làm chính trị khai thác và lợi dụng sự quán tưởng của mình.

            Thiền định trên phương diện tổng quát là một phương tiện trước hết là để phát huy một sự chú tâm thật tỉnh táo và sắc bén, hầu "đánh thức" sự suy nghĩ của mình, sau đó là nhờ vào sự tỉnh táo hay thức tỉnh đó mình mới có thể quan sát, phân tích, tìm hiểu những gì hiện lên bên trong tâm thức mình và thế giới bên ngoài. Sự hiểu biết mang lại từ sự quan sát tỉnh táo đó gọi là sự giác ngộ.

            Sự hiểu biết tỉnh táo tức là phép luyện tập thiền định mang lại sự hiểu biết đúng đắn trên đây gồm có hai khía cạnh hay lãnh vực. Trước hết là mang lại cho cho mình một thể dạng tâm thức bình lặng, thăng bằng và tỉnh thức (mindfulness/awareness). Đó là cách loại bỏ mọi sự xao lãng giúp mình trở về với chính mình, tìm thấy sự trong sáng và tĩnh lặng bên trong tâm thức mình. Khía cạnh hay lãnh vực luyện tập thứ hai là nhờ vào thể dạng trong sáng và bình lặng đó của tâm thức, chúng ta sẽ quán thấy được thật sâu xa bản chất của chính mình và thế giới, đó là bản chất "vô thường", "khổ đau" và "vô thực thể" của mọi hiện tượng cấu hợp tạo ra chính mình và toàn thể vũ trụ, hầu buông bỏ chúng. Buông bỏ chúng có nghĩa là tháo gỡ "cái tôi" và các thứ khổ đau của mình, và cả sự trói buộc của mình trong chu kỳ xoay vần bất tận của những sự hiện hữu. Phép luyện tập trong lãnh vực thứ hai này thường được gọi là "Thiền định phân tích" hay "phân giải" (Analytical meditation). Thế nhưng Phật giáo Tây Tạng thì hết sức thực tế, không những chỉ "phân tích" và "buông bỏ" mà còn lợi dụng tất cả các sức mạnh của xúc cảm, tiêu cực cũng như tích cực, nhằm mục đích đạt được thể dạng giác ngộ nhanh chóng hơn. Trong bài giảng trên đây thì sức mạnh đó là do các xúc cảm của sự quán tưởng tích cực mang lại.

            Thay vì quán tưởng đến trời mưa hay trời nắng, quán tưởng đến bát phở, đến hàng hoá trong siêu thị hay những lời hô hào và khẩu hiệu, thì chúng ta nên quán tưởng bóng dáng của mẹ mình nơi tất cả chúng sinh. Sự quán tưởng đó sẽ làm hiện lên bồ-đề tâm trong tâm thức mình, và đấy cũng chính là bản chất của một đấng giác ngộ.

                       

                                                                                                Bures-Sur-Yvette, 06.01.17

                                                                                                 Hoang Phong chuyển ngữ

 

 

 

Tạo bài viết
11/02/2021(Xem: 8492)
08/09/2015(Xem: 19821)
05/10/2014(Xem: 23602)
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…
Nhà sư Ajahn Santamano, người đã tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine trên khắp Anh quốc trong năm qua, đang liên tục cư trú tại lều trại, nói chuyện với người qua đường và tổ chức các cuộc biểu tình để nhắc nhở mọi người về "sự thông đồng" của Hoa Kỳ và phương Tây trong cuộc diệt chủng dân Palestine. "Hoa Kỳ là thủ phạm chính gây ra cuộc diệt chủng này đang diễn ra ở Palestine", Thượng Tọa Santamano nói với Anadolu, trích dẫn việc Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp vũ khí và tài trợ Israel. Thầy đặc biệt chỉ trích các vụ đánh bom bệnh viện và vụ thảm sát hàng loạt trẻ em.