KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ (PHẦN 8)
Pháp Sư Tịnh Không
Nguyện thứ hai, “Xưng tán Như Lai”
Câu này rất quan trọng đặc biệt ở xã hội ngày nay. Xã hội có an định hay xã hội động loạn đương nhiên phụ thuộc nhiều nhân tố, nhưng có một nhân tố quan trọng nhất, Phật pháp gọi là duyên. Một trong số các duyên chính là tán thán, cũng chính là ngôn ngữ lời nói của chúng ta. Phật Bồ tát hy vọng chúng ta ở xã hội này phải ẩn ác dương thiện. Kinh văn phía sau, Phật dạy “Khéo giữ khẩu nghiệp không nói lỗi người”. Người ta có điểm tốt, chúng ta phải tán thán, biểu dương, xã hội này liền có thể từ trong hỗn loạn chuyển thành an định. Toàn thế giới ngày nay đều loạn, căn nguyên đó do người thế gian tán thán ác mà che giấu cái thiện. Thiện thì không nói đến, ác thì lại tận lực tuyên dương, tô vẽ khiến lòng người bất an.
Lời nói của chúng ta phải vì xã hội gánh trách nhiệm, phải vì nhân dân cả thế gian gánh trách nhiệm, không thể tuỳ tiện mà nói. Xã hội ngày nay, có thể nói luân lý đạo đức không có người giảng. Nếu trên miệng ai nói đến luân lý đạo đức thì bị mọi người đều mắng là lạc hậu, lỗi thời, không hợp trào lưu, không hợp thời đại, khó nghe hơn là bị cho rằng “tư tưởng phong kiến”. Thế cái gì là hợp thời? Bất trung, bất hiếu, bất nhân, bất nghĩa là hợp thời?
Cho nên xã hội ngày nay, bao gồm giáo dục ở trường học, học sinh tiểu học nhận giáo dục đã bị tiêm nhiễm công lợi, chỉ có lợi hại, không có đạo nghĩa, cho nên thế giới này làm sao không gặp nạn. Băng của Nam Bắc Cực làm sao không tan ra? Chúng ta học Phật luôn được xem là người sáng suốt, học Phật là người giác ngộ, chúng ta phải toàn tâm toàn ý giúp đỡ xã hội này, thay đổi thói xấu, phong tục tập khí không tốt, làm thế nào chuyển đổi chúng lại. Phương pháp tốt nhất là hoàn toàn dựa vào chính chúng ta, không thể đổ trách nhiệm cho người khác. Chính ta phải làm được. Người thế gian bất trung, ta phải tâm trung tâm; người thế gian bất nghĩa, ta phải nghĩa khí; người thế gian bất hiếu, ta phải tận hiếu. Giáo huấn của đại thánh nhân thế xuất thế gian, ta phải y theo toàn bộ, nhất định tin tưởng mình có thể làm được. Người người đều có tín tâm kiên định, ý nguyện kiên định, nỗ lực làm theo, như phía trước đã nói: “Tín huệ, Nguyện Huệ, Hương Tượng Bồ Tát”, thì thế giới này có thể cứu vãn, kiếp vận có thể vãn hồi, tai nạn có thể hóa giải.
Do đây có thể biết, chính ngay ở mỗi vị đồng tu chúng ta phải phát đại tâm. Kinh Hoa Nghiêm nói “Đại tâm phàm phu”, chúng ta là phàm phu phát đại tâm, công đức, uy đức vượt qua Thanh Văn Duyên Giác Quyền Giáo Bồ Tát. Thanh Văn là A La Hán, Duyên Giác là Bích Chi Phật, Quyền Giáo Bồ tát nếu lấy Thiên Thai, Biệt Giáo để nói chính là Bồ tát từ thập hồi hướng trở xuống gọi là Tam Hiền Bồ tát. Cái gì gọi là phát đại tâm phàm phu? Người vừa phát tâm, đem giáo huấn trong kinh Vô Lượng Thọ đã dạy thảy đều làm được. Công đức người đó lập tức liền vượt qua bậc Tam thừa, liền được siêu việt. Kinh Hoa Nghiệm Phật nói “đại tâm phàm phu” nhằm khích lệ chúng ta. Nếu Ngài nói A La Hán mới có thể làm được thì chúng ta sẽ cảm thấy không có phần, nhất định không làm được, tâm này không thể phát. Hoặc nói Bồ tát mới có thể làm, cự ly phàm phu chúng ta quá xa với Bồ tát, cho nên Phật nói phàm phu. Chúng ta là phàm phu, đại tâm chúng ta phát ra liền có thể siêu việt ba thừa. Lời của Phật nói là thật, không phải giả, chỉ sợ chính chúng ta không chịu phát tâm, còn nếu phát tâm liền siêu việt, gọi là “buông bỏ đồ đao lập địa thành Phật”.
Phát tâm rất quan trọng, không chỉ siêu việt ba thừa mà hiện tại còn có lợi ích. Tầm nhìn của người thế gian rất cạn, chỉ mong cầu cái lợi trước mắt, nếu không có lợi ích, dù bảo người đó làm Phật, họ cũng không làm. Phát tâm được lợi ích gì? Đời sống vật chất không hề thiếu kém, đây là lợi ích mà hiện tiền người phát tâm có được. Việc này Phật giảng rất có đạo lý. Không phải sẽ có rất nhiều, nếu nói rất nhiều thì hành giả liền sẽ tăng lòng tham. Chỉ nói “Không thiếu hụt”, mỗi ngày có được cái ăn, có quần áo mặc, có nơi để ở. Chỉ cần chúng ta không thiếu hụt, không cần phải có nhiều, vì có nhiều sẽ tăng lòng tham. Đó là lợi ích trước mắt.
Lợi ích thứ hai, thân thể khoẻ mạnh, trẻ mãi không già. Người ở tuổi hai mươi phát đại tâm, làm đại tâm phàm phu sẽ mãi mãi hai mươi tuổi. Dù sống đến bảy tám mươi tuổi, khuôn mặt người đó vẫn tuổi hai mươi. Thân thể khoẻ mạnh, vĩnh viễn không bệnh. Đó là lợi ích hiện tiền, lợi ích chân thật. Làm quan lớn, phát tài to mà thường hay bệnh tật thì đó là việc rất đáng tiếc. Tiền tài cũng dùng hết vào phí thuốc thang. Cho nên đại tâm phàm phu vĩnh viễn trẻ trung, vĩnh viễn khoẻ mạnh, dung mạo sáng lạng, pháp hỉ tràn đầy, an vui tự tại.
Phật pháp rất hiện thực, hiện thực hơn bất cứ thứ gì. Nếu trái với kinh giáo, không luận tu hành thế nào, người sáng mắt vừa nhìn là biết ngay, vì sao? Vì trên mặt không có ánh sáng, người không cần có công năng đặc dị cũng nhìn thấy. Nếu có công năng đặc dị vừa nhìn sẽ thấy rõ ràng hơn. Chúng ta thường nói: “thần khí không tốt”, có thể thấy được khí sắc của họ tối đen, không phải khí sắc sáng lạng. Tỉ mỉ quan sát tiếp, dung mạo không tốt thì dù hoá trang thế nào cũng không cách gì giấu được. Ngay thế gian xem tướng đoán mạng cũng thường nói “tướng tuỳ tâm chuyển”. Cái đại tâm vừa phát ra là Phật tâm, tướng của Phật đẹp dường nào. Cái tướng này của chúng ta cũng dần dần chuyển thành tướng Phật, đức tướng viên mãn, không có chút kém khuyết.
Tâm chúng ta thường giữ mặt thiện của tất cả chúng sanh, miệng chúng ta thường hay tán thán mặt thiện của chúng sanh, chúng ta liền tâm thiện, làm thiện, lời nói thiện, tướng mạo liền thiện, thân thể thiện, không có thứ nào bất thiện. Còn nếu thường giữ tâm ác, chuyên gây phiền phức cho người, chuyên nhìn khuyết điểm của người, tâm của chúng ta ác, làm ác, nói ác, cuối cùng tướng mạo chính chúng ta cũng biến thành ác, thân thể ác, làm sao có thể tránh khỏi họa. Người học Phật ngay đạo lý này cũng không hiểu, vậy còn học cái gì.
Vận mệnh của mình hoàn toàn do chính mình nắm lấy. Ngày trước tôi đã giảng rất nhiều lần, rất tỉ mỉ Liễu Phàm Tứ Huấn. Tiên sinh Liễu Phàm là người thành thật, chịu nhận sai, mạnh dạn thay đổi. Ông đã thành công trong việc chuyển biến vận mạng của mình. Sau khi chuyển được vận mạng, ông giúp đỡ rất nhiều chúng sanh chuyển biến vận mạng. Đó là Bồ tát hiện thân. Thời đại này, chư Phật Như Lai hết lời khuyên bảo chúng ta phải phát đại tâm.
Cái gì là đại tâm? Ngay đây tôi có thể nói cụ thể, nhất định phải phát tâm đem những lời giáo huấn trong kinh Vô Lượng Thọ thảy đều làm được, đều thực tiễn ngay trong cuộc sống thường ngày, trong công việc của chúng ta, và trong đối nhân xử thế. Đó là phàm phu phát đại tâm. Làm theo như vậy, tương lai nhất định vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, thượng thượng phẩm vãng sanh. Làm đến 90% thì thượng trung phẩm vãng sanh. Không nên rơi xuống dưới bậc thượng, thượng hạ phẩm cũng phải làm đến được 80%. Chúng ta phải đặt tiêu chuẩn, nhất quyết tranh thủ thượng phẩm vãng sanh mới chân thật đại tâm phàm phu. Đại tâm này không phải Bồ tát mà là Phật, “chỉ có pháp Nhất thừa, không hai cũng không ba”. Phàm phu phát đại tâm chính là pháp nhất thừa, chúng ta nhất định phải làm được.
Phải xưng tán “Như Lai”, không dùng “chư Phật”, hai cú từ này khác nhau. Trên kinh Phật, việc chuyển đổi danh từ cũng có dụng ý đặc biệt của nó. Trong “Kinh Kim Cang giảng nghĩa” của cư sĩ Giang Vị Nông, ông chú giải rất tường tận. Kinh Kim Cang, có lúc thì nói “chư Phật”, có lúc thì nói “Như Lai”. Cư sĩ Giang giải thích, phàm hễ nói “chư Phật” là từ trên tướng mà nói, từ nơi sự mà nói. Phàm hễ gọi “Như Lai” đều là từ trên tánh mà nói.
Kinh này không ngoại lệ. Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm cũng như vậy, cho nên chúng ta phải thông hiểu. “Lễ kính chư Phật” là từ nơi sự tướng mà nói. Trên sự tướng, tất cả cung kính. Còn nói “Xưng tán Như Lai” là từ nơi tánh đức mà nói. Tương ưng với tánh đức, chính là thiện, chúng ta phải xưng tán. Ac, chúng ta không nói cũng tốt nhưng không thể xưng tán mà phải xưng tán cái thiện. Đối với “lễ kính”, chúng ta lễ kính người thiện cũng phải lễ kính người ác. Không thể chỉ tôn kính người thiện, còn với người ác thì không. Như vậy là sai. Chúng ta tôn kính người ác nhưng không tán thán họ. Khác biệt chính ở chỗ này. Tâm cung kính đó không được khác biệt, nhất định phải bình đẳng.
Việc xưng tán nhất định tương ưng với tánh đức, khen cái thiện của người. Tất cả chúng sanh trên thế gian, không ai chưa từng làm việc tốt, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, thiện ác lẫn lộn. Vì chúng sanh thời nay, nghiệp chướng tập khí sâu nặng, ác nhiều lành ít. Nếu có thể chuyển biến lại, làm thiện nhiều ác ít thì toàn phong khí của xã hội đó sẽ được chuyển biến. Chúng ta tán dương thiện, không nói ác, những người làm ác đó theo thời gian dần dần sẽ giác ngộ. Người ác cũng có lương tâm, lâu dần họ sẽ phản tỉnh, sanh tâm hổ thẹn: “Ta tạo nhiều việc ác, mọi người đều không nói, đều có thể bao dung. Ta làm chút việc thiện nhỏ như vậy mà mọi người đều tán thán”. Từ đó họ sẽ liền hồi tâm chuyển ý, ít làm ác, làm thiện nhiều.
Nếu không tán thán cái thiện của người khác, ác nhỏ của họ thì chúng ta làm ầm lên, như vậy sẽ sanh ra hậu quả ngược lại. Người đó sanh tâm hối hận vì đã làm việc tốt, vì làm tốt không ai biết đến, không ai khen ngợi, còn làm chút việc ác liền được thiên hạ biết đến. Người muốn làm thiện nhìn thấy cũng sẽ dần bỏ luôn ý niệm thiện. Trên thế giới, người ta đều làm ác dẫn đến quan niệm sai lầm cho rằng làm ác mới hợp thời. Quan niệm đó dẫn dắt người trên thế gian bỏ đi ý niệm thiện, tăng trưởng ác niệm, liều mạng làm ác, mang đến cho xã hội này những tai nạn lớn, chúng sanh vô cùng thống khổ. Truy cứu nguyên nhân căn bản chính là ở ngay cuộc sống thường ngày của chúng ta. Ngay cả lời nói không cẩn trọng cũng tạo thành hậu quả, mang đến tai họa. Phật đã nói rất nhiều trong tất cả kinh luận nhưng chúng ta không lưu ý, không tỉ mỉ quan sát, và không cố gắng học tập.
“Xưng tán Như Lai”, đặc biệt trong 53 đồng tham, Phật cho chúng ta xem một tấm gương. Chương sau cùng của Hoa Nghiêm nêu ra thiện tài đồng tử, một tấm gương tu học Đại thừa. Thiện Tài đồng tử là mẫu mực đại tâm phàm phu. Ngài gặp Phật pháp, hoan hỉ tín thọ, lễ Bồ tát Văn Thù làm thầy. Nhiều người nghe đến đây sẽ cho rằng Thiện Tài gặp vận may, được thầy giáo tốt là Bồ tát Văn Thù, liệu người khác có được may mắn như vậy và đến nơi đâu để tìm thiện tri thức? Thực ra Bồ tát Văn Thù ở ngay trước mặt mà nhiều người không nhận biết. Đó là “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh”. Văn Thù biểu thị trí tuệ. Kinh này tràn đầy trí tuệ viên mãn. Y theo bộ kinh này mà tu học, đó chính là chúng ta đang thân cận Bồ tát Văn Thù, trở thnh học trò của ngài. Sau khi học thì lập tức ứng dụng, đó chính là tham học. Thiện Ti trong hội của Bồ tát Văn Thù, thành tựu được căn bản trí, sau đó Văn Thù khuyên bảo ngài đi tham học. Tham học biểu thị đời sống. Làm thế nào đem cái mình đã học thực tiễn ngay trong đời sống. Năm mươi ba vị thiện tri thức đều là Bồ tát. Họ thị hiện tướng nam nữ già trẻ, các ngành nghề y như đời sống của chúng ta. Từ sớm đến tối, chúng ta tiếp xúc tất cả mọi người, tất cả việc, vật, đó chính là năm mươi ba tham học, thảy đều là hoá thân của chư Phật Như Lai.
(Còn tiếp ...)
KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC
Pháp sư: HT. TỊNH KHÔNG
Biên dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: PT. Giác Minh Duyên