PHẬT BỒ TÁT CÓ NHẬP NIẾT BÀN KHÔNG? (Bài viết của Diệu Âm Trí Thành) Kinh Vô Lượng Thọ bảo, đối với các căn trung hạ, chư Phật Bồ tát thị hiện có “diệt độ”, tức là có nhập Niết Bàn. Kinh Niết Bàn dạy: “Diệt các phiền não gọi là Niết Bàn. Lìa các hữu cũng là Niết Bàn”. Niết Bàn là tiếng Phạn, dịch nghĩa là “Diệt Độ” hay “Viên Tịch”. “Diệt Độ” là diệt hết nhân quả sanh tử. “Viên Tịch” là thành tựu đầy đủ tất cả các quả đức, đồng thời diệt tận tất cả các phiền não chướng. Đức Như Lai chẳng từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu. Đức Như Lai vốn đã thoát khỏi sanh diệt thì làm gì có việc nhập Niết Bàn? Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vẫn còn đang thường luôn thuyết kinh chưa bao giờ ngừng nghĩ, thì làm gì có việc đức Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn. Phật nhập Niết Bàn chỉ là tướng thị hiện, chớ Ngài chẳng phải là thật diệt độ. Khi xưa, Trí Giả đại sư đời nhà Tùy, lúc đọc đến Kinh Pháp Hoa đến phẩm Dược Vương thì bổng dưng thấy một pháp hội Linh Sơn nghiễm nhiên chưa tan. Vì sao chư Phật phải thị hiện có tướng diệt độ? Bởi vì nếu Phật trụ thế lâu dài trong đời thì những người đức mỏng, trí thô, tham đắm ngũ dục lục trần như chúng ta chẳng chịu chăm lo tu hành, gieo trồng căn lành. Vì sao? Vì phàm tình chúng ta đều là bị vướng vào lưới ức tưởng vọng kiến; nếu thấy Như Lai thường trụ bất diệt sẽ khởi ý kiêu ngạo, phóng túng, sanh lòng ỷ lại, lười biếng nên chẳng thể sanh nổi ý tưởng khó gặp Phật và tâm cung kính được... Vì vậy, tuy rằng Như Lai thật sự chẳng bao giờ diệt độ mà lại thị hiện có “diệt độ”. Cũng giống như vậy, Pháp thân Đại sĩ chuyên chí Phật quả, chẳng trụ vào diệt tận; nhưng vì muốn làm lợi ích cho hai thừa: trung và hạ, nên dùng phương tiện khéo léo thị hiện có tướng diệt độ; chớ thật ra, các Ngài chẳng phải là thật sự diệt độ. Các Ngài “thị hiện diệt độ” như vậy chỉ là để độ các căn cơ trung và hạ. Lão Hoà Thượng Hải Hiền dạy bảo: “Trong tâm có Bồ Đề, việc gì phải ôm chân Phật lúc lâm chung. Thân không nghĩ chuyện thế tục, tự nhiên Cực Lạc ở trong lòng”. Câu nói này của lão hòa thượng không có ý bảo chúng ta không nương vào Phật A Di Đà để cầu sanh Cực Lạc mà có ý bảo chúng ta không nên ỷ lại sự gia trì của Đức Phật A Di Đà mà sanh vọng kiến, lười biếng, phóng túng, chẳng chăm lo gieo trồng thiện căn, phước đức v.v... Ngài cũng muốn nhắc nhở chúng ta rằng A Di Đà Phật vốn là Chân tâm, Tự tánh của mình, nếu mình không chăm lo tu hành, niệm Phật để quay trở về với Tự Tánh Di Đà của chính mình thì làm sao thấy được Tịnh độ. Nói tóm, lại “Trong tâm có Bồ Đề” tức là phát Bồ đề tâm: tâm chính này là Phật A Di Đà, tâm này chính làm Phật A Di Đà; Phật A Di Đà ngự ngay nơi tâm của từng mỗi chúng sanh thì làm gì có “diệt độ”. “Thân không nghĩ chuyện thế tục” là buông xả hết thảy thân tâm thế giới. “Cực Lạc ở trong lòng” tức là Tịnh độ tại tâm. Nếu, tâm này luôn nhớ niệm Phật A Di Đà, tức tâm tức Phật, thì Tây Phương Tịnh độ tất nhiên sẽ tự nhiên hiện ra. Lão Hòa Thượng Hải Hiền là lấy sự chứng ngộ của bản thân này mà nói lại cho chúng ta nghe; bởi vì lúc còn tại thế, Ngài đã nhiều lần tiếp kiến với Phật A Di Đà và xin cho sớm được vãng sanh; nhưng đức Phật bảo Ngài phải trụ thế lâu thêm để giáo hóa chúng sanh. Ngài vâng lời Phật ở lại trong đời cho đến 112 tuổi, được Phật đến tiếp dẫn vãng sanh. Trên lẽ thật, Hòa Thượng Hải Hiền chính là ứng thân của Phổ Hiền Bồ tát thị hiện trong đời để chuyển pháp luân, sau khi nhân duyên hết Ngài “thị hiện diệt độ”, chớ thật ra Ngài chẳng bao giờ có diệt độ. Diệu Âm Trí Thành |