THÂN LOAN
親 鸞
教 行 信 證
QUẢNG MINH dịch chú
Hiển Tịnh Độ Chân Thật Giáo Hành Chứng Văn Loại
No. 2646
Giáo Hành Tín Chứng Văn Loại
DẪN NHẬP
Tịnh độ Chân tông là một con đường đặc thù cho những phàm phu “ác nặng chướng nhiều” như chúng ta, dẫn đến cõi Niết-bàn của sự an lạc và thanh tịnh tối thắng, đó là Tịnh độ. Chính ở Tịnh độ An Lạc này, chúng ta nhận ra Phật trí và đại từ bi tâm cứu độ chúng sinh thông qua Bản nguyện của Đức Phật A Di Đà.
Những người đã sinh, đang sinh và sẽ sinh về Tịnh độ An Lạc có trách nhiệm truyền bá chánh pháp trong thế giới luân hồi. Các tiền nhân của Tịnh độ giáo ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và các nơi khác, chẳng hạn như Long Thọ, Thiên Thân, Đàm Loan, Đạo Xước, Thiện Đạo, Nguyên Tín, Pháp Nhiên, cũng không ngoại lệ. Thân Loan sinh ra ở Nhật Bản và đã đưa Tịnh độ giáo lên mức độ phát triển cao nhất với sự nhấn mạnh vào Tha lực.
Trong Lời Tựa của Giáo Hành Tín Chứng, Thân Loan viết: “Giáo pháp Phật thuyết một đời, không sánh với biển đức như thế.”
Ở đây, Thân Loan đang ca ngợi Bản nguyện Niệm Phật là lời dạy của Đức Thích Ca Mâu Ni mà những lời dạy khác của Ngài không sánh bằng và vượt trội. Những lời này cho thấy ý định giác ngộ sâu sắc của chính Thân Loan và cũng trình bày Phật Đạo chân chính trong giáo lý của Đức Thích Ca Mâu Ni mà những chúng sinh “ác nặng chướng nhiều” đạt được. Nói cách khác, đối với Thân Loan, tìm hiểu giáo lý của Đức Phật là làm sáng tỏ những lời dạy chân chính cho "phàm phu đầy đủ phiền não". Điều này có thể được nhìn thấy rõ ràng trong các từ theo sau những điều trên: “[Những ai] bỏ uế ưa tịnh, hành tín sai lầm, tâm mê thức ít, ác nặng chướng nhiều, [thì] cậy nhờ Như Lai đưa đi, mong về đường thẳng tối thắng. Riêng kính vâng hành này, chỉ tôn trọng tín đây.” 3
Trong khi Thân Loan tìm cách đạt được Phật đạo trong con đường của Thần đạo tại Enryakuji trên núi Tỷ Duệ cho đến năm hai mươi chín tuổi, cuối cùng, ông chỉ tiếp tục bối rối không biết đâu là cách thực hành và niềm tin thực sự hiệu quả vào Phật giáo. Điều này vượt xa kinh nghiệm cá nhân của ông theo cách khiến ông hiểu vấn đề sâu xa của việc “đầy dẫy phiền não” mà loài người phải đương đầu. Trong khi toàn tâm toàn ý tìm kiếm những giáo lý mà những người như vậy có thể áp dụng vào thực hành, Thân Loan đã gặp những lời của Đức Phật về Bản nguyện của Đức Phật A Di Đà và làm cho ý nghĩa của chúng trở nên rõ ràng.
Nói một cách cụ thể, làm thế nào Thân Loan hiểu được “Giáo pháp Phật tuyết một đời” và tại sao ông có thể nói rằng “không sánh với biển đức như thế”? Mặc dù câu hỏi này phải được hiểu từ nhiều góc độ khác nhau, nhưng theo cách hiểu của Thân Loan, những lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được phân thành hai: Chân thật và Giả tạm.
Khi bị đày đến miền bắc Nhật Bản, Thân Loan đã tuyên bố rằng ông không phải là một tu sĩ hay một cư sĩ. Khi xuống núi Tỷ Duệ, ông đã rời bỏ Tăng đoàn Phật giáo một lần và mãi mãi, và trở thành đệ tử của Pháp Nhiên. Giống như Thầy mình, việc Thân Loan rời khỏi Giáo hội càng làm tăng thêm quyết tâm truyền bá thông điệp cứu độ của Đức Phật A Di Đà đến những người đàn ông và phụ nữ bình thường trên cánh đồng và trên đường phố.
Lời dạy Niệm Phật của Pháp Nhiên rất đơn giản và chân thật, dễ hiểu và dễ thực hành. Lập trường cơ bản về đức tin vào tha lực của Thân Loan cũng vậy. Khi sống ở vùng Kanto, ông đã tham gia vào việc truyền bá lời dạy về Đức tin Niệm Phật cho người dân địa phương. Họ quá hạnh phúc khi nhận được lời dạy và sống theo nó. Nhận thấy rằng thông điệp của mình đang tiếp cận một cách hiệu quả ngay cả với những người có trình độ học vấn thấp hoặc không có học vấn, Thân Loan đã củng cố niềm tin của mình vào giáo lý Tha lực và cảm nhận sự cần thiết phải thiết lập hệ thống giáo lý Hoành siêu và Hoành xuất của sự cứu độ của Đức Phật A Di Đà. Người ta tin rằng Thân Loan đã từng đến thư viện địa phương để thu thập tài liệu cho mục đích này.
Có một động cơ khác khiến Thân Loan viết tác phẩm toàn diện này về Bản nguyện Niệm Phật. Ký ức của ông vẫn còn rõ ràng khi Tuyển Trạch Bản Nguyện Niệm Phật Tập của Pháp Nhiên được công bố sau khi ông qua đời. Các tu sĩ uyên bác của các trường phái cũ ở núi Tỳ Duệ và Nại Lương đã tung ra những cuộc tấn công kịch liệt vào lời dạy của Pháp Nhiên. Các đệ tử của ông đã cố gắng hết sức để chống lại họ để bảo vệ giáo lý Niệm Phật của đạo sư. Thân Loan làm theo nhưng phải mất nhiều thời gian chuẩn bị, rất tỉ mỉ trong việc đưa ra một hệ thống Tịnh độ mới với quy mô và chiều sâu chưa từng có.
Giáo Hành Tín Chứng của Thân Loan không chỉ bảo vệ giáo lý Niệm Phật trước sự tấn công từ các trường phái truyền thống mà còn tuyên bố Đức tin và sự thực hành Tha lực là giáo lý Đại thừa tối thượng. Thân Loan bắt đầu sáng tác Giáo Hành Tín Chứng vào năm 1224, khi ông đang ở vùng Kanto. Ông vẫn tiếp tục sửa lại nó ngay cả khi đã trở lại Kyoto với tuổi tác đã ngoài sáu mươi.
Lý thuyết cứu độ của Thân Loan được xây dựng trong Giáo Hành Tín Chứng đại diện cho đỉnh cao tín ngưỡng Di Đà, không chỉ của Tịnh độ giáo mà còn của Phật giáo Đại thừa nói chung. Nó có vị thế cơ bản độc nhất, nhưng, như ông đã tuyên bố, ông chỉ đơn giản là một tín đồ của những người đi trước - Bảy bậc Thầy. Trong khi trích dẫn rất nhiều từ các tác phẩm của họ, Thân Loan đã phát triển hệ thống Giáo lý, Thực hành, Đức tin và Chứng ngộ của mình. Tựa đề của kiệt tác này là Hiển Tịnh Độ Chân Thật Giáo Hành Chứng Văn Loại (顯淨土眞實教行證文類, Kenjōdo Shinjitsu Kyōgyōshō Monrui), thường gọi tắt là Giáo Hành Tín Chứng (教行信證, Kyōgyōshinshō), thu tàng Đại Chánh Tạng, Tập 83, No. 2646.
Tựa đề tiếng Anh thường được dịch là The True Teaching, Practice, and Realization of the Pure Land Way. Nó mô tả hệ thống cứu độ trong Phật giáo Chân tông, trái ngược với những lời dạy về Tự lực mà thường tuân theo hệ thống ‘Giáo – Lý – Hành – Quả’. Theo tiến trình tu tập thông thường của Phật giáo, trước tiên chúng ta lắng nghe và tư duy lời dạy, rồi hiểu chân lý của sự thật. Sau đó, chúng ta thực hiện phương pháp thực hành đã quy định để chứng ngộ chân lý của sự thật. Khi thực hành thành công, chúng ta đạt được giác ngộ. Trong giáo lý về Tự lực, sự thực hành của một hành giả có tầm quan trọng hàng đầu; kết quả cuối cùng phụ thuộc vào mức độ hiệu quả mà người đó thực hiện sự thực hành đã quy định. Tuy nhiên, Giáo Hành Tín Chứng chứng minh rằng, “Quá trình giải thoát đến từ bên trên”, tức là từ Đức Phật A Di Đà. Đầu tiên, Đức Phật A Di Đà đến với chúng ta qua lời dạy của Kinh Vô Lượng Thọ. Tiếp theo, chúng ta nghe danh hiệu “A Di Đà Phật” mà được chư Phật ca ngợi, như trong Lời nguyện thứ 17, và qua đó, chúng ta nhận ra được năng lực cứu độ của Phật. Như vậy, khái niệm tu tập đã thay đổi hoàn toàn so với quan niệm tu tập thông thường. Sự tu tập Tha lực đòi hỏi sự đảo ngược lối tu tập Phật giáo thông thường. Trong Tịnh độ Chân tông, sự tu tập là năng lực của Đức Phật A Di Đà được truyền đến cho chúng ta qua danh hiệu. Khi danh hiệu của Phật đến với chúng ta và được chấp nhận trong tâm chúng ta, chúng ta trở thành một với Đức Phật A Di Đà trong sự tín lạc – như được thể hiện trong Lời nguyện thứ 18. Đức tin như vậy được thiết lập trong chúng ta là tâm quang của Đức Phật A Di Đà và Bồ-đề tâm, và vì vậy nó là nguyên nhân của sự giác ngộ.
Giáo Hành Tín Chứng thể hiện sự tổng hợp của nhiều kinh điển Phật giáo khác nhau trong văn học Đại thừa, bao gồm Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Niết Bàn, Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Đại Bát Nhã. Bằng cách này, Thân Loan trình bày tư tưởng Tịnh độ Chân tông. Tác phẩm được chia thành sáu chương, không bao gồm Lời Tựa của Thân Loan, khéo léo kết hợp và dung hóa nhuần nhuyễn những dẫn chứng từ các kinh điển, những luận giải, cùng những chiêm nghiệm nội quán của tác giả.
Chương 1 – Hiển Tịnh Độ Chân Thật Giáo Văn Loại Chương
2 – Hiển Tịnh Độ Chân Thật Hành Văn Loại Chương
3 – Hiển Tịnh Độ Chân Thật Tín Văn Loại, cùng với Tựa bổ sung Chương
4 – Hiển Tịnh Độ Chân Thật Chứng Văn Loại Chương
5 – Hiển Tịnh Độ Chân Phật Độ Văn Loại Chương
6 – Hiển Tịnh Độ Phương Tiện Hóa Thân Độ Văn Loại
Xem thêm:
Sống Với “Thán Dị Sao” Của Ngài Thân Loan (Thich Như Điển)