Trong cuộc sống có vô vàn những điều trái ý, không vừa lòng, đó là nguyên nhân khiến tâm ta không được yên, gây phiền não khổ lụy không những cho ta mà hệ lụy cho những người bên cạnh ta. Chung quy xét ra thì có hai yếu tố tác động đến tâm thức của ta, bao gồm yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan.
Yếu tố khách quan là các yếu tố bên ngoài ta, như thời tiết nóng lạnh, mưa gió bão lũ tác động...bao gồm tất cả các yếu tố về tự nhiên. Còn về con người thì nhiều lúc "mình không phạm người mà người hại mình, mình không gây người mà người chơi mình". Như bị nói xấu chửi rủa, đánh đập xúc phạm, hãm hại tranh dành, chèn ép ghét bỏ...Còn về nhu cầu ăn uống thì thiếu cũng khổ mà nhiều thì hoang phí tham đắm. Ham ăn ham uống là nguyên nhân gây hại cho biết bao loài vật đưa tới việc giết chóc sát sinh để phục vụ cho nhu cầu ăn uống nhằm " sướng cái miệng " và " thỏa cái lòng" mà thôi. Ngoài ra, còn các con vật bên ngoài như ruồi muỗi, sinh vật độc hại tác động đến mình làm tâm thức mình không được yên hay lo sợ...Có rất nhiều thứ mà sự hiện hữu được mất, thiếu dư, ít nhiều...của chúng lại làm tâm thức ra không được yên ổn thanh tịnh.
Yếu tố khách quan bao gồm ngũ dục thế gian như tài, danh, sắc, thực, thùy. Sự không vừa ý của tâm đối với ngũ dục là nguyên nhân khiến phiền não khổ đau sinh khởi.
Yếu tố chủ quan là các yếu tố bao hàm những gì trong thân ta như bệnh tật làm sinh khởi sự phiền não khó chịu đau đớn, đói khát làm bức bách thân tâm, thân bị sự xúc chạm tác động làm khó chịu thì gây phiền não, mà vui thích thì tham đắm khổ lụy. Khẩu cũng là nguyên nhân gây nghiệp, có khi "lời nói như dao, giết người không thấy máu", lời nói có khi khiến bao hạnh phúc lứa đôi gia đình tan vỡ, khiến bao án mạng oan khuất cũng lại là do "lỡ lời" gây ra. Ngoài về khẩu thì yếu tố chủ quan còn thêm về ý, ý khởi vọng niệm thì chấp mê tạo nghiệp, ý khởi việc lành thì tốt mà khởi việc xấu thì đọa trầm luân. Và trong ý có tình, mà tình thì có thất tình của thế gian tác động làm ý bất an không thanh tịnh. Ý tạo tác bao thiện pháp ác pháp. Nên công năng của ý rất lớn. Muốn dụng công phu tu tập thì người tu hành lấy ý làm chủ đạo mà tu học thực hành giáo lý đạo Phật.
Qua đó, có hai yếu tố là yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan tác động đến thân tâm mình, sinh khởi bao phiền não khổ đau, đưa đến bất hạnh cho ta cũng như tác động hệ lụy bao người quanh ta. Để chiến thắng được hai yếu tố gây phiền não trên thì người tu hành lấy NHẪN NHỤC làm sức mạnh mà chiến đấu, kham nhẫn những điều trái ý, không tốt, không vừa lòng nhằm đem lại cho thân tâm sự an vui yên ổn và thanh tịnh.
Theo Kinh Tăng Chi Bộ nói có 8 loại sức mạnh:
- Sức mạnh của TRẺ THƠ là TIẾNG KHÓC
- Sức mạnh ĐÀN BÀ là PHẪN NỘ
- Sức mạnh của KẺ ĂN TRỘM là VŨ KHÍ
- Sức mạnh của VUA CHÚA là QUYỀN UY
- Sức mạnh của KẺ NGU SI là ÁP ĐẢO
- Sức mạnh của BẬC HIỀN TRÍ là CẢM HÓA
- Sức mạnh của NGƯỜI ĐA VĂN là THẨM SÁT
- Sức mạnh của SA MÔN là NHẪN NHỤC.
Như vậy, người tu hành lấy Nhẫn nhục làm sức mạnh. Nhẫn nhục là nhẫn về thân, khẩu, ý.
NHẪN NHỤC VỀ THÂN KHÔNG LÀM ÁC
NHẪN NHỤC VỀ KHẨU KHÔNG NÓI ÁC
NHẪN NHỤC VỀ Ý KHÔNG NGHĨ ÁC
SỨC MẠNH KHÔNG GÌ BẰNG NHẪN NHỤC. Người biết tu là biết nhẫn nhục, còn chưa nhẫn nhục được thì biết người đó TÂM THAM SÂN SI CÒN NHIỀU. CÒN NGÃ CHẤP, CÒN VỌNG ĐỘNG, CÒN PHIỀN NÃO, CÒN CHẤP TRƯỚC.
Vậy đã là người tu hành hãy LẤY NHẪN NHỤC LÀM SỨC MẠNH để cho tâm thức không bị tác động bởi phiền não ngũ dục lục trần của thế gian chi phối. Tâm thức được yên tĩnh thì giải thoát mọi buộc ràng trong tâm, đem lại sự yên ổn an vui hạnh phúc trong chốn hồng trần đầy khổ lụy.
Quang Minh
Thư Viện Hoa Sen
- Từ khóa :
- Cái gì là mạnh nhất?