CÔN TRÙNG, CÁ, TÔM HÙM, BẠCH TUỘC
CŨNG CÓ Ý THỨC VÀ CẢM THỌ
Tác giả: Evan Bush
Dịch giả: Nguyên Giác

tiểu bang mà các nhà lập pháp năm nay đã xem
xét lệnh cấm nuôi bạch tuộc, một loài mà các nhà
khoa học đã tìm thấy chứng cớ mạnh mẽ
về khả năng tri giác
(Lời Người Dịch: Sau đây là bản dịch theo NBC News ngày 19/4/2024. Nhan đề được dịch giả viết cho ngắn gọn, nhưng nhan đề gốc của bài viết của nhà khoa học Evan Bush là “Scientists push new paradigm of animal consciousness, saying even insects may be sentient. Far more animals than previously thought likely have consciousness, top scientists say in a new declaration — including fish, lobsters and octopus.” Chữ “sentient” trong nhan đề có nghĩa là sinh vật có nhận biết (perception) và cảm thọ (feeling). Để tránh vi phạm bản quyền hình ảnh, các hình trong bài sẽ lấy từ Wikipedia và YouTube.)
…. o ….
Các nhà khoa học đưa ra mô hình mới về ý thức trong các động vật, cho biết ngay cả côn trùng cũng có thể có nhận biết và cảm thọ.
Trong một tuyên bố mới, các nhà khoa học hàng đầu cho biết có rất nhiều loài động vật có ý thức, nhiều hơn người ta trước giờ nghĩ --- trong đó có loài cá, tôm hùm và bạch tuộc.
Ngày 19 tháng 4 năm 2024
Bài viết của Evan Bush
Những con ong chơi đùa bằng cách lăn những quả bóng gỗ - hiển nhiên là để tìm vui, giải trí. Con cá chài như dường nhận ra hình ảnh của chính nó trong một tấm gương dưới nước. Bạch tuộc như dường phản ứng với thuốc gây mê và sẽ tránh những nơi mà chúng có thể đã từng trải qua những cơn đau trong quá khứ.
Cả ba khám phá này đều được nhận ra trong 5 năm qua - các dấu hiệu cho thấy rằng, khi các nhà khoa học càng thử nghiệm động vật nhiều thì họ càng phát hiện ra rằng nhiều loài có thể có đời sống nội tâm và là loài có ý thức và cảm thọ. Một loạt sinh vật gây bất ngờ đã cho thấy bằng chứng về suy nghĩ hoặc trải nghiệm có ý thức, bao gồm cả nơi các loài côn trùng, cá và một số loài giáp xác.
Điều đó đã thúc đẩy một nhóm các nhà nghiên cứu hàng đầu về nhận thức của động vật công bố một bản tuyên bố mới mà họ hy vọng sẽ thay đổi cách nhìn của các nhà khoa học và xã hội - cũng như cách chăm sóc - đối với động vật.
Gần 40 nhà nghiên cứu đã ký bản văn “The New York Declaration on Animal Consciousness” (“Tuyên bố New York về ý thức của động vật”), lần đầu tiên được trình bày tại một hội nghị ở Đại học New York University vào sáng thứ Sáu. Nó đánh dấu một thời điểm quan trọng, khi hàng loạt các cuộc nghiên cứu về nhận thức của động vật va chạm với các cuộc tranh luận về cách chúng ta nên đối xử thế nào với nhiều loài vật khác nhau.
.
Bản tuyên bố nói rằng có “sự hỗ trợ khoa học mạnh mẽ” rằng các loài chim và các động vật có vú có những kinh nghiệm ý thức và một “khả thể thực tế” về ý thức đối với tất cả các loài động vật có xương sống - bao gồm cả các loài bò sát, loài lưỡng cư và loài cá. Khả năng đó mở rộng đến nhiều sinh vật không có xương sống, chẳng hạn như côn trùng, động vật giáp xác nhiều chân (bao gồm cả cua và tôm hùm) và loài động vật thân mềm nhiều chân, như mực ống, bạch tuộc và mực nang.
Bản tuyên bố viết: “Khi nhận ra có khả năng thực tế về kinh nghiệm ý thức ở một con vật, sẽ là vô trách nhiệm [nếu chúng ta] phớt lờ khả thể đó trong các quyết định ảnh hưởng đến con vật đó. Chúng ta nên xem xét các rủi ro về phúc lợi và sử dụng bằng chứng để đưa ra phản ứng của chúng ta đối với những rủi ro này.”
.
Jonathan Birch, một giáo sư triết học tại Đại học Kinh tế London School of Economics và là nhà nghiên cứu chính của dự án Foundations of Animal Sentience (Nền tảng của Cảm thọ Động vật), là một trong những người ký bản tuyên bố. Ông nói, trong khi nhiều nhà khoa học trước đây cho rằng các câu hỏi về ý thức của động vật là không thể trả lời được, thì tuyên bố này cho thấy lĩnh vực của ông đang chuyển sang một hướng mới.
GS Birch nói: “Đây là 10 năm rất thú vị đối với việc nghiên cứu về trí tuệ động vật. Mọi người đang bước vào nghiên cứu lĩnh vực này theo cách mà trước đây họ chưa từng làm và để nhận ra khả thể rằng các loài động vật như ong, bạch tuộc và mực nang có thể có một số dạng kinh nghiệm có ý thức.”
Từ 'máy-móc-vô-tri' đến có tri giác
Không có một định nghĩa tiêu chuẩn nào cho khả năng cảm thọ hoặc ý thức của động vật, nhưng nhìn chung các thuật ngữ này biểu thị khả năng có kinh nghiệm chủ quan: con vật đó cảm nhận và lập bản đồ về thế giới bên ngoài, có khả năng cảm thọ như vui mừng hay đau đớn. Trong một số trường hợp, điều đó có thể có nghĩa là các động vật có khả năng tự ý thức (self-awareness) ở mức độ nào đó.
Theo nghĩa đó, tuyên bố mới đã đảo ngược suy nghĩ chính thống của khoa học lịch sử trong nhiều năm. Vào thế kỷ 17, triết gia người Pháp René Descartes lập luận rằng thú vật chỉ đơn thuần là “máy móc vật chất vô tri” - thiếu vắng linh hồn, không có ý thức.
Rajesh Reddy, phó giáo sư và là giám đốc chương trình luật động vật tại Đại học Lewis & Clark, nói rằng Descartes tin rằng các loài vật “không thể cảm thọ, và cũng không ý thức về đau đớn. Khi có ai khởi tâm từ bi với loài vật, hay thấu cảm với chúng, sẽ là cái gì khá ngớ ngẩn hoặc đang nhân cách hóa chúng.”
Vào đầu thế kỷ 20, các nhà tâm lý học hành vi nổi tiếng đã thúc đẩy ý tưởng rằng khoa học chỉ nên nghiên cứu hành vi có thể quan sát được ở động vật chứ không phải là cảm xúc hay trải nghiệm chủ quan. Nhưng bắt đầu từ những năm 1960s, các nhà khoa học bắt đầu phải xét lại. Nghiên cứu bắt đầu tập trung vào nhận thức của động vật, chủ yếu là ở các loài linh trưởng khác.
Birch nói rằng bản tuyên bố mới cố gắng “kết tinh một sự đồng thuận mới đang nổi lên để bác bỏ quan điểm 100 năm trước rằng chúng ta không có cách nào nghiên cứu những vấn để này một cách khoa học”.
Quả thực, có rất nhiều phát hiện gần đây củng cố cho bản tuyên bố mới này. Các nhà khoa học đang phát triển các thử nghiệm mới về nhận thức và thử các bài kiểm tra đã có từ trước trên nhiều loài vật hơn, với một số điều bất ngờ.
Lấy ví dụ, thử nghiệm dấu gương (mirror-mark test), mà các nhà khoa học đôi khi sử dụng để xem liệu một con vật có nhận ra chính nó hay không.
Trong một loạt nghiên cứu, các con cá “cleaner wrasse fish” dường như đã vượt qua bài kiểm tra này.
Cá được đặt trong bể có gương bị che lại, chúng không biểu hiện phản ứng bất thường nào. Nhưng sau khi tấm che được vén lên, bảy trong số 10 con cá tấn công vào gương, báo hiệu rằng chúng có thể hiểu hình ảnh đó là một con cá đối thủ.
Sau vài ngày, các con cá ổn định lại và thử những hành vi kỳ lạ trước gương, như bơi lộn ngược, điều chưa từng thấy ở loài này trước đây. Sau đó, một số cá này dường như dành một khoảng thời gian bất thường trước gương để kiểm tra cơ thể của chúng. Sau đó, các nhà nghiên cứu đánh dấu cá bằng một vết màu nâu dưới da, nhằm mục đích trông giống một loài ký sinh trùng. Một số con cá cố xóa vết đó đi.
GS Birch nói: “Chuỗi các bước mà bạn chỉ có thể tưởng tượng được khi nhìn thấy ở một loài động vật cực kỳ thông minh như khỉ tinh tinh hay cá heo, bây giờ nhìn thấy sự thông minh này ở loài cá ‘cleaner wrasse’. Không hề có ai trong một triệu năm có thể ngờ rằng những con cá nhỏ bé này có thể vượt qua bài kiểm tra này.”
Trong các nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng cá ngựa vằn (zebrafish) lộ dấu hiệu tò mò khi đưa những vật thể mới vào bể của chúng và mực nang (cuttlefish) có thể nhớ những thứ mà chúng đã nhìn thấy hoặc đã ngửi thấy.
Một thí nghiệm đã tạo ra căng thẳng cho tôm càng (crayfish) bằng cách gây sốc điện cho chúng, sau đó cho chúng dùng thuốc giảm lo âu loại sử dụng cho con người. Các thuốc này dường như đã khôi phục lại hành vi bình thường cho chúng.
Birch cho biết những thí nghiệm này là một phần trong quá trình mở rộng nghiên cứu về ý thức động vật trong vòng 10 đến 15 năm qua. Ông nói: “Chúng tôi có thể có bức tranh rộng hơn nhiều, nơi chúng tôi nghiên cứu nó ở rất nhiều loài động vật, không chỉ động vật có vú và chim mà còn cả động vật không xương sống như bạch tuộc, mực nang. Và thậm chí ngày càng có nhiều người nói về ý tưởng này liên quan đến côn trùng.”
.
Khi ngày càng có nhiều loài có những dấu hiệu ý thức này, Reddy nói, các nhà nghiên cứu có thể sớm cần phải điều chỉnh lại toàn bộ hướng nghiên cứu của họ: “Các nhà khoa học đang buộc phải suy nghĩ về câu hỏi lớn hơn này -- không phải là, loài động vật nào có tri giác, mà là, loài động vật nào không có tri giác?”
Chân trời pháp lý mới
Theo Reddy, sự hiểu biết đang thay đổi của các nhà khoa học về khả năng nhận thức của động vật có thể có tác động đối với luật pháp Hoa Kỳ, ở cấp liên bang chưa hề phân loại động vật như là có tri giác. Thay vào đó, các luật liên quan đến động vật chủ yếu tập trung vào việc bảo tồn, nông nghiệp hoặc việc đối xử với chúng ở các vườn thú, phòng thí nghiệm nghiên cứu và các cửa tiệm bán lẻ thú cưng.
Reddy nói: “Luật pháp là một cỗ xe đi rất chậm và nó thực sự tuân theo quan điểm xã hội về nhiều vấn đề. Bản tuyên bố này và các phương tiện khác để làm công chúng đánh giá cao rằng động vật không chỉ là cỗ-máy sinh-học vô-tri, và rồi có thể tạo ra làn sóng ủng hộ để nâng cao các biện pháp bảo vệ động vật.”
Luật pháp tiểu bang rất khác nhau. Một thập niên trước, Oregon đã thông qua luật công nhận động vật là loài có ý thức và có khả năng cảm thọ đau đớn, căng thẳng và sợ hãi, điều mà Reddy cho rằng đã hình thành nền tảng cho các quan điểm tư pháp tiến bộ trong tiểu bang Oregon.
Trong khi đó, Washington và California nằm trong số các tiểu bang mà các nhà lập pháp năm nay đã xem xét lệnh cấm nuôi bạch tuộc, một loài mà các nhà khoa học đã tìm thấy chứng cớ mạnh mẽ về khả năng tri giác.
Nguồn bản tin NBC News:
.
Cá Bluestreak cleaner wrasse. Hình: Wikipedia.
Bạch tuộc (octopus). Hình: YouTube.
Tôm hùm (lobster) cũng có ý thức và cảm thọ. Hình: YouTube.
Xem thêm:
Cá Có Biết Đau Không? Tâm Linh Biên Dịch
Cá Có Biết Đau Không? Tâm Linh
Thay Đổi Cách Nhìn Về Loài Vật - Tâm Linh Chuyển Ngữ