CƠN MÊ DÀI
Vĩnh Hảo
Lá thu đã rơi; vàng ngập quanh những gốc cây già cỗi, tràn lấn qua những con đường nhỏ trong khu xóm. Nhưng ngoài đường lớn, hàng thông vẫn xanh lá bất kể thu đông.
Đâu đó trên khắp các trang báo, người ta vẫn như mọi năm, nói về mùa thu lá vàng, và nói về vô thường biến dịch. Có vẻ như lý vô thường đã được hiểu là cái thường nhất của thế gian, như kinh điển từng minh thị từ hơn hai nghìn năm qua (1). Lý này không còn xa lạ với những người học đạo, hiểu đạo ngày nay. Nhưng học, hiểu về vô thường để làm gì?
Vô thường là cơn động chuyển sinh-diệt miên tục (2), một cách hiển nhiên của các hiện tượng tâm lý và ngoại giới, trên từng sát-na nhỏ nhiệm nhất của thời gian. Hiện tượng này, nếu chỉ thấy, hiểu một cách tổng quát và hời hợt, hoặc chỉ nói suông như một lời cảm thán, sẽ chẳng mang lại lợi ích gì ngoài niềm an ủi nhất thời, nếu không muốn nói là chỉ gợi cho ta một ý niệm bi quan trước cảnh già, bệnh, chết. Trong khi đó, quán chiếu thường xuyên và sâu xa về vô thường là một phép thiền định có thể dẫn đến sự buông xả, dứt bỏ những tà kiến, vọng niệm, và sự chấp thủ đối với tâm, thân và ngoại cảnh.
Từ nơi vô thường, từ nơi già, bệnh, chết của chúng sinh mà đức Phật xuất hiện ở đời để trình bày những gì mà ngài đã chứng nghiệm, và hướng dẫn phương cách vượt khỏi chúng (3). Chính từ vô thường mà nghiệm ra sự thực về khổ não của chúng sinh. Chính từ vô thường mà nghiệm ra không có một thực ngã (vô ngã) (4), một thực thể độc lập cố định, bởi vì tất cả tâm và cảnh đều có liên hệ hỗ tương, duyên với nhau mà sinh và diệt.
Chúng ta sinh ra nơi đời này là đã trầm mình trong một cơn mê dài. Có những khoảnh khắc tỉnh thức, nhưng cũng chỉ thoáng qua, rồi lại tiếp tục mê mộng. Biết thân này vô thường từ lâu, nhưng vẫn đắm trước, trói buộc. Biết tâm này, với suy tưởng và cảm giác, là vô thường, mà vẫn cứ bám chặt, không rời. Biết là sai mà không chịu sửa. Biết là hệ lụy mà không chịu cởi trói. Khổ não đi theo suốt cuộc đời là vì lẽ đó.
Lá thu điểm tô cả một công viên tĩnh mịch bằng những mảng màu vàng, cam, đỏ. Hãy cứ tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên trong từng phút giây tĩnh lặng. Nhưng trong những cơn sóng chập chùng của sinh, trụ, dị, diệt (5), một lúc nào đó, hãy thể nghiệm một cách chân xác về bản chất vô thường của mọi sự, mọi vật. Có như vậy, mới có thể ra khỏi cơn mê dài, ra khỏi cuộc trầm luân khổ ải từ nhiều đời kiếp.
(Lá Thư Tòa Soạn Nguyệt San Chánh Pháp Số 144 1-11-2023)
___________
(1) “Vô thường thị thường” (無常是常) Vô thường chính là lẽ thường (được cho là xuất xứ từ Kinh Pháp Hoa; người viết chưa xác thực).
(2) Trường kỳ và liên tục 綿續.
(3) “Phật nói Kinh Vô Thường”, Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh dịch ra chữ Hán, HT. Thích Trí Thủ dịch ra chữ Việt. Trong bài kinh ngắn này, đức Phật dạy “thế gian có ba pháp không thể yêu, không trong sạch, không thể muốn, không vừa ý. Ba pháp là gì? Là già, bệnh, chết. Này các Tỳ kheo, nếu trong thế gian không già, bệnh, chết thì Như Lai ứng chánh đẳng giác không xuất hiện ra đời vì các chúng sanh nói pháp đã chứng và cách điều phục.”
(4) Ba pháp ấn (ba dấu ấn nền tảng) của giáo lý Phật là Vô thường, Khổ và Vô ngã. Giáo lý nào được cho là Phật nói mà không y cứ nơi ba pháp ấn này thì cần nghiệm xét lại.
(5) Sinh, trụ, dị, diệt: bốn tướng trạng vô thường của thân tâm. Thành, trụ, hoại, không: bốn tướng trạng vô thường của thế giới.
- Từ khóa :
- Cơn Mê Dài