THẤT BẠI CÓ ĐÁNG LO SỢ ?
Tâm Anh
Trong cuộc sống hàng ngày, có ai chưa từng một lần thất bại. Những thất bại dù nhỏ hay lớn đều có một tác động rất lớn đến mỗi con người. Có người đã không thể tự đứng lên sau mỗi lần vấp ngã. Vậy thất bại có đáng lo sợ không? Thất bại là gì mà khiến bao người chán nản, bỏ cuộc. Để khắc phục sự thất bại đó chúng ta nên làm gì?
Để hiểu sâu hơn, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu thất bại là gì? Phải chăng đó là những đòn thua trong cuộc sống, trong sự nghiệp, là những việc ai đó vạch định đích để hướng tới nhưng không đạt kết quả như mong muốn.
Mỗi ai trong chúng ta, ngay cả Đức Phật, những đấng cao siêu, những vị anh hùng, những nhà khoa học, ngay cả bản thân người viết ....cũng từng trải qua ít nhất một lần thất bại. Nhưng vượt qua thất bại như thế nào mới là điều đáng suy ngẫm và đáng bàn ở đây.
Tâm lý những người thất bại thường hay sợ sệt, bi quan, chán nản và thường sinh ra hai phản ứng khác nhau:
Kiểu phản ứng thứ nhất là sau mỗi lần thất bại trong học tập, sự nghiệp,...có thể họ tìm đến những khuây khỏa bằng những thú vui chơi, nhậu nhẹt, thậm chí tìm đến cái cùng cực của sự thất bại là quyên sinh.
Kiểu phản ứng thứ hai, khi gặp thất bại chắc chắn họ cũng khổ đau, chán nản, buồn thương, tiếc nuối...trong phút giây nào đó. Nhưng, cách tốt nhất cần hiểu thất bại là gì? Tôi nghĩ rằng điều mà bạn gọi là thất bại chỉ như là một sự trãi nghiệm. Trong cuộc sống, không ai đi tới thành công mà không một lần trải qua những thất bại, bởi vì chẳng có ai trải thảm đỏ cho chúng ta đi trên con đường dẫn đến thành công cả.
Tất cả những người nổi tiếng, những nhà bác hoc, kỹ sư, những nhà kinh doanh giỏi đều từng trải qua nhiều lần thất bại, mất mát đau thương. Qua đây, chúng ta làm sao quên được câu chuyện ông Thomas Edison đã thất bại hơn mười nghìn lần trong việc sáng tạo ra chiếc bóng đèn điện mà chúng ta đang sử dụng ngày nay. Hoặc những bậc tiền bối như các Cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh...cũng đã từng nhiều lần thất bại trên sự nghiệp tìm đường cứu nước. Tuy nhiên, sự thất bại của những tiền nhân, với những kiên cường mong muốn chinh phục đỉnh cao của sự thành công thì thất bại đó, đơn giản chỉ như những rào cản trên chặng đường tìm đến vinh quang.
Bản thân người viết cũng không ngoại lệ, đã từng nhiều lần thất bại, vấp ngã. Cũng từng nản chí và có tâm lý nghĩ mình là người vô dụng, và cũng thường có những ý nghĩ tiêu cực. Thế nhưng nhờ ánh sáng nhiệm mầu của Đức Phât, nhờ những lời vàng ý ngọc đâu đó mình góp nhặt được, giúp bản thân vượt qua thử thách. Vốn dĩ bản thân chẳng quá giỏi giang, hoàn hảo để có thể dễ dàng đạt được thành công. Chính những thất bại thử thách đã tạo nên cơ hội mới cho bản thân thử sức mình ở những lĩnh vực mới nhằm đeo đuổi ước mơ.
Cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng, không phải cứ nổ lực sẽ có được kết quả như mong muốn. Xã hội luôn phát triển, nếu chúng ta không cố gắng vươn lên, nổ lực học tập, đứng dậy, vượt qua sau mỗi lần thất bại đó là rút ra bài học cho bản thân để đi tiếp con đường của mình., thì làm sao gặt hái được thành công. Muốn đi trên con đường tiến về phía trước, chúng ta hãy kiên trì, nhẫn nại, cố gắng quyết tâm vươn lên, theo đuổi mục tiêu của mình cho dù gặp lắm gian nan.
Lòng kiên trì chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp chúng ta vượt lên thất bại, đi đến thành công. Ngược lại, nếu không kiên trì, suy xét tìm ra nguyên nhân dẫn đến chông gai, ắt hẳn chúng ta sẽ bị thụt lùi về sau và sớm muộn gì cũng gặp thất bại, bị đào thải khỏi vòng xoáy của xã hội thời hiện đại, Mỗi chúng ta phải có ước mơ thì mới có ý chí vươn lên, vượt qua những thất bại. Chúng ta hãy cố gắng sống tốt hơn để trở thành những công dân hữu ích có nhiều đóng góp hơn cho xã hội tùy theo khả năng, điều kiện của từng người, giúp quê hương không ngừng phát triển, hưng thịnh.
May mắn hơn cho những ai sớm tỉnh ngộ, không chùn bước, đó là kiểu người có ý chí tiến thủ, không nản lòng. Và may mắn hơn, nếu họ là người biết áp dụng giáo lý của Đức Phật vào cuộc sống hàng ngày, sẽ giúp họ vượt qua mọi khổ đau thất bại. Nếu những ai biết áp dụng bài pháp Tứ Diệu Đế ( Khổ - Tập - Diệt - Đạo ) mà Đức Phật đã thuyết pháp cho chúng đệ tử sau khi Ngài thành tựu quả vị Chánh Đẳng, Chánh Giác vào cuộc sống hàng ngày sẽ giúp họ sớm vượt qua những chông gai trong cuộc đời. Khi biết rằng thất bại là khổ đau nếu cứ than khóc cũng chẳng được gì đó là ngộ ra KHỔ. Khi thất bại chúng ta hãy phân tích, mổ xẻ, đối diện với thất bại một cách vững tâm nhất, tìm ra nguyên nhân dẫn đến thất bại đó. Thất bại khiến niềm kiêu hãnh và lòng tự trọng của chúng ta bị tổn thương. Chính điều đó thúc đẩy chúng ta tìm tòi học hỏi và làm việc nhiều hơn nữa để thực hiện bằng được công việc của mình, qua đây chúng ta ngộ ra Tập. Khi đã tìm ra được nguyên nhân dẫn đến sự thất bại sẽ tìm cách vượt qua thất bại đó bằng cách cần cù học hỏi, làm việc với tinh thần cầu thị, tinh thần ấy được gọi là DIỆT. Sau khi có ý chí vươn lên sẽ tìm cách rút ra bài học, hoàn thiện bản thân, nổ lực học tập để không ngừng đúc kết cho mình một phương pháp, quy trình đẫn đến sự thành công, đó là ĐẠO.
Tóm lại, chúng ta không nên nản chí sau mối lần thất bai. Bởi nhà thơ Tố Hữu từng nói:
“Ai chiến thắng mà không hề chiến bại
Ai nên khôn mà chẳng dại một lần”
Câu thơ trên mang một triết lý tuyệt vời, vô cùng ý nghĩa đối với tất cả chúng ta. Chúng ta nổ lực để vượt qua những thất bại tạm thời, nổ lực hơn vì những thành công lớn phía trước. Xin quý bạn hữu đừng lo thất bại, chỉ sợ chúng ta không đủ ý chí, kiên trì để vươn lên. Hãy lạc quan, nghị lực để vượt qua sau mỗi lần thất bại.
Chúc các bạn có duyên đọc được bài này dũng mãnh, tinh tấn, tự tin để vượt qua những gian nan thử thách trên đường đời. Nhìn nhận về sự thất bại một cách cởi mở hơn, lạc quan hơn khi hướng về tương lai.