AN NHIÊN GIỮA CHỐN XÔ BỒ
Tâm Anh
Cuộc sống với bao lăng xăng, bộn bề lo toan, thậm chí đang đảo lộn, vật giá leo thang đắt đỏ, ai cũng sống vội vàng chỉ để giải quyết điều duy nhất là cơm áo gạo tiền, giải quyết những hóa đơn hàng tháng, giải quyết những mâu thuẩn cá nhân, gia đình và xã hội…Việc buông bỏ để có cuộc sống an nhiên giữa chốn xô bồ có hề giản đơn?
Thật vậy, cho dù người ấy là ai, tu sĩ hay tại gia; nam hay nữ; chính khách hay thường dân, già hay trẻ, giàu hay nghèo…vây quanh chúng ta là một mối tơ vò. Vậy làm sao để có được cuộc sống an nhiên?
An nhiên dùng để chỉ một trạng thái tĩnh lặng, một tâm hồn bình yên.
An nhiên cũng mang một ý nghĩa khác là buông bỏ, mong tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn để trở về một cuộc sống thong dong, tự tại.
Nhưng trong thực tế, cuộc sống an nhiên có dễ bắt gặp? Những nỗi muộn phiền, lo lắng luôn vây quanh, ai mà chả có lúc cảm thấy mệt mỏi, chán nản… Nhưng đừng vì thế mà gục ngã, buông xuôi. Hãy cố gắng vượt qua, vì tia sáng đang ở trước mặt tất cả chúng ta.
Khi bạn hiểu được giá trị của sự an nhiên thì mọi chuyện sẽ được giải quyết. Yên bình hay phiền não đều từ tâm mà ra. Quá khứ chỉ để ngắm nhìn, hoài niệm, còn hiện tại và tương lai mới là để sống và ước mơ.
Có người hỏi: “Thế tôi tìm an nhiên ở đâu?” Lúc tâm hồn bạn không sầu, không vui…bạn đang an nhiên. Bất luận bạn đang ở đâu, làm gì, nơi nào cốt yếu bạn có cuộc sống thật an bình, bạn phải biết cách buông bỏ, bình thản với đời, thuận theo tự nhiên…đó chính là một loại hạnh phúc mà không phải ai cũng có thể tìm kiếm được.
An nhiên cũng là một loại tu dưỡng, một cảnh giới ở đó tâm an bình hiện diện, cho dù muôn vàn gian khổ vẫn còn trước mắt nhưng bạn cảm nhận được sự an lạc trong tâm. Khi bạn biết đủ và không tham, biết đủ và không cầu, chính bạn đang an. Khi tâm không cầu nhưng mọi thuận lợi sẽ đến, đó là thứ bạn xứng đáng được nhận. Khi tâm không cầu, thì thứ không đến cũng không làm bạn tổn thương, thất vọng vì nó vốn dĩ không thuộc về mình.
Cố gắng tận hưởng hết niềm vui trong từng hơi thở. Dẫu đi trên con đường nào, bạn cũng sẽ thấy được giá trị của những đoạn đường bạn đã, đang và sẽ đi qua. Dẫu biết rằng trên con đường dẫn đến đích còn lắm gập ghềnh nhưng bạn hãy vượt qua và tự tìm cho mình những niềm vui bình dị nhất. Hãy cám ơn những điều nhỏ bé đời thường, tuy mộc mạc, giản đơn nhưng đong đầy tình yêu thương. Vì thế, dù gặp bất cứ chuyện gì đi chăng nữa, ta vẫn sống và khỏe mạnh. Do vậy, bạn hãy:
“Cám ơn đời mỗi sơm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”
Và dù thức dậy với tinh thần nào đi chăng nữa, bạn vẫn sẽ phải tiếp tục sống, tiếp tục làm việc, …Vậy hà cớ gì bạn không thức dậy với tinh thần, với tư tưởng lạc quan nhất?
Cuộc sống này do bạn bạn quyết định, số phận này do bạn làm chủ. Có những việc bạn đã, đang và sẽ làm cho dù đúng hay sai, được hay mất…kết quả vẫn sẽ do bạn nhận lấy. Do đó, hãy tự chủ động với những quyết định của riêng mình, không lệ thuộc quyết định của người khác, chẳng ai có thể làm tốt bằng bạn đâu.
Có người thắc mắc nhỡ những quyết định họ đưa ra sai thì sao? Mọi việc bạn đã làm ra, đã trải qua chúng đều mang đến cho bạn những trãi nghiệm, những bài học tuyệt vời, cho dù thất bại hay thành công. Dù kết quả cuối cùng tốt hay xấu, thắng lợi hay chua cay, thì quá trình để đem lại kết quả cuối cùng là quan trọng nhất.
Như Đức Phật, để đạt được quả vị Chánh đẳng Chánh giác, Ngài đã vượt qua vô vàn chướng ngại, vô vàn sự quậy phá của ma vương, tà đạo… Chính quá trình vượt bao thử thách đó - tám vạn bốn ngàn trần lao khổ ải, Ngài quán chiếu, suy xét, thực hành, thực chứng để dạy cho chúng sinh tám vạn bốn ngàn pháp môn tu chỉ mục đích cuối cùng đạt sự giải thoát, đạt được sự an lạc nội tâm.
Cũng vậy, đạt được đích cuối cùng là mục tiêu, là phương hướng mọi người đưa ra nhưng quá trình để có được kết quả luôn quan trọng nhất. Ví dụ, có học sinh muốn thi đậu vào một trường Đại bọc danh tiếng, thì quá trình học tập và rèn luyện suốt mười hai năm đèn sách là một điều kiên cần và đủ để dẫn đến thành công. Hoặc một người hôm nay trở thành một bác sĩ giỏi để chữa bệnh cho bao người họ phải trải qua một quá trình học tập, nghiên cứu trên cả lý thuyết và thực hành thăm khám ở từng bệnh nhân……Còn nhiều tấm gương sáng chung quanh để chúng ta tự soi mình và rút ra nhiều bài học cho bản thân trong quá trình đạt đến sự mỹ mãn.
Với người khác quan trọng là kết quả. Còn bạn thì sao? Sau khi hiểu rõ chắc chắn chúng ta sẽ nhìn nhận ra rằng thứ quan trọng hơn đó là quá trình. Trong quá trình dồi mài, rèn luyện để đạt kết quả cuối cùng đôi khi bạn sẽ thất bại. Nhưng thất bại thì có làm sao? Thất bại chính là chìa khóa để mang bạn đến với cánh cửa thành công. Chỉ cần bạn biết chấp nhận mình sai để khắc phục, để hoàn thiện…..
Hãy làm những điều mà bản thân mình yêu thích, miễn điều đó đang góp phần làm lợi ích cho bản thân và tha nhân, đang làm phồn vinh cho gia đình và quê hương. Vì bạn chẳng còn nhiều thời gian. Cứ một ngày lặng lẽ trôi qua, thời gian của bạn càng rút ngắn lại. Vì vậy đừng chần chừ. Hãy hành động, cho dù cuộc sống có lắm xô bồ hãy cố gắng an nhiên. Và đến đây, bạn sẽ hỏi “Làm cách nào để có được cuộc sống an nhiên?”
Xin thưa, điều trước tiên bạn hãy khám phá cho được nội tâm mình.
Cuộc sống vốn dĩ “núi cao sẽ có núi cao hơn” cho nên ta phải luôn rèn luyện. Lúc thấy “mình khổ” hãy nhìn ngoài kia có bao người khổ hơn mình. Khi có chút thành công hãy nhìn lên để thấy mình thật nhỏ bé trước sự thành công của người khác để học tập, rèn luyện. Khi đau khổ hãy nhìn xuống để thấy mình còn hạnh phúc hơn nhiều người. Điều quan trọng hãy biết đánh giá đúng bản thân, biết vị trí mình đang là…để có lối đi đúng hướng. Mọi vấn đề đều xuất hiện trong nội tại, cốt lõi vấn đề sẽ xuất hiện trong tâm ta. Nhìn rõ tâm mình, mọi thứ bên ngoài sẽ sáng tỏ thì lo gì giữa chốn xô bồ, đầy ắp những áp lực bon chen, lừa lọc…đôi khi khiến bạn mệt mỏi, chán chường thậm chí muốn buông xuôi, bạn không tìm được sự an nhiên. Những lúc như vậy, bạn cần lắm những giây phút bình yên, tĩnh lặng để cõi lòng nhẹ bớt những muộn phiền, ưu tư. Và nếu có thể, hãy mở lòng mình chia xẻ với ai đó, vì ít nhất bạn cũng tìm được một chút bình yên trong tâm hồn.
Chính bạn sẽ là người quyết định cho mình có được cuộc sống an nhiên hay muộn phiền. Vì thế hãy dành một chút thời gian ngắn trong ngày để lắng đọng tâm tư bằng nhiều cách như ngồi thiền, đọc sách, đọc những bài viết hay, tham gia buổi thuyết giảng…để tìm hiểu, khám phá nội tâm của mình.
Thứ hai, khi cần mở rộng tâm hồn hãy học cách buông bỏ.
Chúng ta hẳn ai cũng từng nghe câu: “Người tính không bằng trời tính”. Đúng vậy, cuộc sống đôi lúc có những điều không như bạn mong muốn. Những điều không mong muốn ấy ngoài của cải vật chất còn những mối quan hệ khác như chuyện tình cảm, mối quan hệ bạn bè, công ăn việc làm…Hãy buông bỏ những thứ không thuộc về mình. Cái gì buông được thì buông. Buông mà không mất thì thứ đó thuộc về bạn. Nếu cố níu giữ mà vẫn mất thì không phải là của mình. Đã không phải của mình thì dù bạn có cố tình níu kéo chỉ làm kéo dài sự khổ đau. Hiểu và làm được như vậy, bạn sẽ có cách nhìn nhận đa chiều hơn và bạn sẽ tự tìm thấy được an nhiên với những gam màu cuộc sống tạo nên những mảng tối sáng trong một bức tranh cuộc sống.
Cuối cùng, bạn hãy đặt cho mình những mục tiêu thực tế, không xa vời, hợp với điều kiện, khả năng, trình độ của riêng mình.
Tóm lại cho dù cuộc sống ngoài kia có xô bồ cỡ nào, hãy cố gắng giữ tâm mình an nhiên. Bởi tâm động thì vạn sự vạn vật sẽ loạn theo. Chỉ có bạn mới mang lại cảm giác an toàn cho chính bạn. Nội tâm mạnh mẽ giúp bạn có cuộc sống an nhiên, mặc cho ngoài kia quay cuồng nhảy múa. Vạn sự trên đời tùy tâm khởi và cũng tùy tâm mà diệt. Vậy thì lo gì giữa chốn xô bồ bạn không tìm được sự an nhiên cho riêng mình.