Sư Về Núi (bài viết tham dự Ananda Viet Awards)

10/01/20174:12 SA(Xem: 2828)
Sư Về Núi (bài viết tham dự Ananda Viet Awards)

Bài Viết Tham Dự 2016 & 2017

SƯ VỀ NÚI

Tâm Uyển
(Bài viết tham dự Ananda Viet Awards)

thien hanhChẳng bao lâu nữa, Sư về núi, tiêu sái với cảnh hái rau hoang, ngắt hoa dại. Tuổi trẻ bỏ lại sau lưng, với những ngày tháng lấm bụi chốn phồn hoa, náo thị. Không chỉ riêng Sư mà những bằng hữu của Sư cũng vui cùng cảnh ngộ. Vẻ thanh u không một bóng dáng người, không một tiếng cười dù của sơn dân hay bác tiều phu đốn củi. Dường như, gặp lại Sư giữa bốn bề tĩnh mịch, không một dấu vết mò mẫm, nếu chưa từng đến thì thật nan giải. Cuộc đời có lúc, có bậc chân nhân như thế. Ẩn dật giữa nguồn sống thiên nhiên, nơi vốn dĩ tạo nên năng lượng sinh tồn và phát triển. Đến rồi đi, không cần để lại dư âm, dư ảnh gì; thế mà, âm baảnh tượng không thể phôi pha trong ký ức của những chàng lãng tử chu du, rong ruổi, vùng vẫy trong giấc mộng hoang đường, lỡ bắt gặp trong một chiều vàng khát khô cháy họng. Rồi lại tấu khúc ngao du, lăn lộn, chạm trán với quáng nắng, ba đào quên lãng cuộc tương phùng kỳ diệu thuở nào.

Tuổi Sư còn trẻ, ấy vậy mà, những bước đi, những cử chỉ cho đến những nghĩ suy đã kéo Sư về cuộc lữ của chuỗi ngày dài vô tận, thừa tự, tương tụctăng tiến. Phương pháp huấn luyện thân và đào luyện tâm một mai thuần thục ắt hẳn sẽ bùng sinh một tâm điểm đầy hứa hẹn. Nay Sư đã về núi, nhường chỗ cho bao cuộc tồn sinh giữa cõi bụi hồng đang hoạt diễn vô cùng. Lung linh của giọt sương sa chợt tan biến dưới ánh nắng ban mai nồng ấm đang biến hoá vô vàn tia lấp lánh. Những tinh thể sương lại ẩn mình trong hàng triệu tế bào diệp lục, tiếp nối một cách mầu nhiệm của sự sống. Sư về núi cũng chính là nối gót theo các bậc thượng nhân tu tập vô tránh hành. Chỉ có núi non, chỉ có đồng trống, chỉ có nơi quạnh quẽ mới hấp thụ được tinh hoa của đất trời. Nơi mà các bậc thầy tâm linh nỗ lực nhiếp phục và hàng phục tâm của mình. Từ dãy Himalaya đồ sộ, hùng vĩ cho đến dãy Trường Sơn uy hùng, mạnh mẽ cũng đã, đang và sẽ có những bậc thượng thặng công phu xuyên suốt theo trục thời gian ấy.

Sư làm bạn với ai? Sư hàn huyên cùng ai? Và ai là tri âm, tri kỷ của Sư? Trong khi, mù sa sáng sớm hay xế chiều tụ rồi tán, hiện chợt ẩn khôn cùng, bất tận. Nơi thác ghềnh cũng thế, tấm lụa trắng ngày đêm ồn ào, vồn vãgiãy giụa những phân tử tinh khiết không một khoảnh khắc ngừng chân. Bọt sôi sùng sục, nổ tung để bùng sinh hình hài, quyện hòa chất lỏng trong veo, mát lạnh. Áng mây bạc như lạc vào không gian Sư ngự, cũng vội vàng từ giã phiêu bồng xa gần theo từng hồi gió đẩy đưa. Hương của hoa, mùi của cỏ thoang thoảng nhưng cũng nhún nhường vị đất trời ngào ngạt. Khung cảnh tràn đầy thơ mộng, nhưng ắt hẳn, Sư cảm thụ đời sống thường nhật có gì đó gọi là siêu việt ngữ ngôn, nơi mà âm vang tịch tĩnh ngự trị trên đỉnh cao hí luận. Bởi rằng, Sư hóa thân là người nông phu ru đời bằng những chất liệu không làm nên người nông phu:

Trong sư hạt giống, niềm tin
Khổ hành, mưa mát chính mình tạo ra
Ách cày mang vác theo ta
Làm bằng tuệ giác trổ hoa mỗi ngày
Tự tha hổ thẹn, cán cày
Ý căn gìn giữ, sợi dây vững vàng
Tâm tư câu thúc mơ màng
Làm thành gậy gộc, làm trang lưỡi cày

Phép mầu của sự sống thực sự đã diễn bày qua hình tượng chân chất như thế. Nơi tình ý gặp nhau cũng chính là nơi lòng bi mẫn và trí hiểu biết bắt đầu nẩy nở. Sư đắp một ao nho nhỏ, lấy nước từ nguồn thác chảy qua. Nơi ấy, từng nụ súng hồng, súng trắng, súng xanh, cùng súng vàng thơm ngát trổ bông. Súng thơm, bông đẹp nhưng xuất thân từ sình xám, bùn tanh. Thế nhưng, súng chưa có lần thở than, buồn tủi từ nơi xuất phát điểm của mình. Ngược lại, súng vô cùng trân trọng, quý mến nơi chôn nhau cắt rốn thấm đẫm tình quê mặn mà. Với tấm chân thành, thực tình ấy, súng đã xem bùn là chính mình để tăng trưởng phẩm chất bản thân trở nên thanh tao, cao quý. Trong nỗi khốn khổ, đọa đày của mỗi thân phận kiếp người, đó là dưỡng chất trưởng dưỡng niềm an lạc, giải thoát bao ứng thân Thánh hiền. Thùy liễu nhẹ nhàng cạnh ao, thả mình rũ rượi với mơ mộng được một lần tắm gội trong muôn lần mong ước. Liễu có lẽ chưa từng mãn nguyện, nhưng liễu vẫn kiên cường, mạnh mẽ với dáng điệu hồn nhiên, yểu điệu từng ngày. Mơ ước mà không thành hiện thực là nỗi niềm dằn vặt, sầu đau trong thế thái nhân tình. Bỗng chợt tỉnh, tiếng réo rắt của đôi chào mào gọi cuộc lữ dừng dòng thác thức.:

“Thúy liễu phất khai kim thế giới
Hồng liên dũng xuất ngọc lâu đài.”

Dừng dòng thác thức cũng dễ dàng liên tưởng đến những vị Thánh giả thời Phật biết thực tập cách sống mỗi khoảnh khắc có giá trị. Nhìn Sư, hình ảnh trong kinh sinh động đến bất ngờ. Ở đó, không thấy gì sự vướng bận chuyện dĩ vãng hay điều toan tính nơi Sư. Có lẽ, dĩ vãng đã đi qua, toan tính cũng chưa đến. Chuyện đã qua, cái chưa đến là đôi thúng làm oằn tâm nhọc trí trên đòn gánh thời gian nơi hình hài diễn giả giữa tuồng bi hài kịch cuộc đời. Nhưng sự sống bắt nhân loại phải thế, con người phải cam chịu những gì đã phát tác và tiếp nhận. Chúng vận hành liên lũy trong mơ màng ý thức tự nhận ‘là tôi’. Cảnh sẽ đẹp, vật sẽ xấu, khi ‘tôi’ được gắn vào, tựa hồ như biển bao la cũng cần tiếng nổ đùng đùng của sóng vỗ. Thế nhưng, đẹp hay xấu không làm nhạt nhòa cảnh vật. Sóng xôn xao không làm lung lây biển cả.

Dạo chơi triền núi, dõi mắt nhìn từng tia nắng dìu dịu của buổi chiều tà, hít hơi thở sâu đón bầu khí lạnh miền sơn cước. Ắt hẳn, niềm mơ ước đến tột đỉnh đơn thuần là được nâng niu chén trà ấm. Thoáng nhớ buổi trà đạo gần đây, không gian cố tạo nét thân thiện môi trường giữa thành đô ô nhiễm, nhưng chén trà nóng, thơm và chát làm vơi đi những mệt nhọc ưu tư. Uống trà quả là cả nghệ thuật: nghệ thuật pha chế, nghệ thuật ẩm thực, nghệ thuật giải trí, nghệ thuật nhân văn. Dưới góc độ này, uống trà không chỉ đơn thuần giải khát, quan trọng hơn hết chính là giải nhiệt. Nhiệt được xem như là sự hội tụ của những muộn phiền, lo toan, sầu não hay những diễn biến tâm trạng tiêu cực. Sự hội tụ đó làm nung và nấu tâm trí cá thể loài người. Uống trà giải nhiệt khi người thưởng thức trong tư thế thoải mái, tĩnh tâm và lắng dịu những xung đột tâm tư. Đó là bức ảnh còn lưu lại trong một tế bào nho nhỏ chưa tái sinh. Nơi đây, sơn cốc hiu quạnh. Suối nước trong vắt, róc rách đến tê người. Hái vội nắm lá chè xanh cũng thổi bùng bình trà thơm ấm áp. Màu, mùi và vị thấm đượm cái chất thiên nhiên hiền hòa, quyện cùng không khí nguyên sinh. Toàn thân như nhuận thấm những sinh khí tốt lành, nhựa sống len lỏi theo từng nhịp điệu trái tim, làm an ổn đến vô tận.

Chè tươi ngào ngạt nhuận mình ta
Đủ vị đủ hương đủ đậm đà
Trong thất tan dần cơn mộng mị
Bên ngoài còn phủ màn sương sa
Đất trời lơn lớn tiết lành lạnh
Phòng ốc hơi hơi lòng mặn mà
Một niệm thân mời vô số bạn
Chum trà đong cả đại dương xa.

Thi thoảng, Sư xuống núi hành khất chút ít thức ăn. Đôi khi, những người hữu duyên mang thực phẩm lên cho Sư. Lắm lúc, trong số đó, có người dành trọn nhiều ngày để tạo dựng vườn rau khung cảnh. Họ đến với sư tìm thấy được nguồn lạc an đầy thi vị. Cũng chén chè xanh, cũng dăm ba câu chuyện bình dị, dí dỏm, ấy vậy mà, họ cảm nhận mạch sống tràn bờ tuổi trẻ. Khi xưa, đức Phật nói rõ đời sống cư sĩ lắm bụi hồng, khối ràng buộc, và quay cuồng trong điên đảo mộng tưởng. Dĩ nhiên, hàng hộ trì Tam Bảo không ít vị đạt đến đỉnh cao của Thánh vị, thế nhưng, con số ấy vô cùng khiêm tốn trong suốt lộ trình giáo hóa của đấng Từ Phụ. Ngài cũng thường ngợi ca sống đời tự do với mảnh y vàng, bình bát nhỏ và an lạc trong tỉnh thức lý tưởng. Hành khấtnếp sống nhẹ nhàng, thong dong; dường như, những gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền của cuộc đời được thả xuống. Từ chỗ ăn no mặc ấm, ăn ngon mặc đẹp, rồi ăn chơi mặc kệ khiến cho nhân sinh không thể nào điềm tĩnhthoái lui trước vị ngọt của sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, mùi vị và xúc chạm. Mỗi vị ngọt đều có những đặc thù tinh xảo, một hấp lực lôi cuốn, nhưng con người chưa kịp thỏa chí thì sinh mệnh đã vội khép lại. Hành khất không tiêu tốn sinh mệnh vào cuộc rong chơi đánh cược cuộc đời. Hành khất ban tặng thời gian cho tự thân và hiến dâng bình an đến nhân gian. Xã hội đổi thay, từ lâm cư chuyển dần về địa cư bao quanh bởi đường xá, xóm làng. Hành khất chuyển hóa thành trụ khất, tuy hình tướng khác nhau nhưng thể trạng đồng nhất.

Một bát cơm xin ngàn nhà
Thân hành khắp chốn gần xa vui cùng
Nơi nào khổ nguyện ở chung
Gieo duyên Phật Pháp muôn trùng thời gian.

Sư về núi, không ngoài mục đích luyện công. Từng kệ sách mộc mạc nhưng không kém phần vững chãi. Ba tạng kinh điển lưu truyền với nhiều nghĩa u huyền, thâm diệu. Đọc kinh không giống đọc sách, bởi lẽ, ngoài sự tập trung còn có cả sự cúi mình kính cẩn. Từng lời, từng chữ, từng ngữ, từng câu mang những sắc thái ý nghĩa khác nhau tùy thuộc tâm tư, hiểu biết mỗi người. Đôi khi, nghĩa thâm huyền của kinh cần phải dán chặt trong não bộ, khi ăn khi uống, khi đi khi ngồi, khi làm khi nghỉ, đều phải nghĩ suy, may ra gặp đúng thời tiết nhân duyên, điều lãnh ngộ bỗng nhiên hiện hành. Đây là điều các bậc tiền bối chỉ rõ “nội cần khắc niệm chi công, ngoại hoằng bất tránh chi đức”. Ngày trước, ngài Huệ Năng tỏ rạng nghĩa huyền về ‘’tâm vô trụ’’ khi còn là chú tiều phu tìm củi sinh nhai. Nhưng hoa thơm quả ngọt ấy đâu phải là một sớm một chiều hóa hiện, chí ít trong lúc kiếm củi, Ngài cũng trầm tư về bài kinhmay mắn được thính giảng đâu đó, hay nói theo chuỗi tương tục sanh tử thì Ngài đã gieo trồng gốc rễ tỉnh giác trong một kiếp lâu xa nào đó rồi. Đức Phật cũng nói về thực hành phápthực hành tùy pháp, mà những ai từng đọc Nikaya hay Agama cũng sẽ thưởng lãm một lần. Sự thực hành ấy nhấn mạnh một điều, Thánh quả là quá trình tiệm tiến, một sự tinh tiến tràn bờ thời gian.

Không gian nghiên cứu học thuật của Sư khá đơn sơ nhưng ấm cúng. Từ sự tìm tòi ngữ vựng cho đến tỉ giảo thuật từ, Sư biểu hiện một người nghệ sĩ đầy kỹ năng. Một vị Thánh đệ tử của đức Thế Tôn thường gắn liền với cụm từ Đa văn Thánh đệ tử, và ngược lại là Vô văn phàm phu. Đa văn là sự học hỏi, sự tìm hiểu, sự lắng nghe không biết nhàm chán và mỏi mệt. Tích lũy kiến thức dường như là nhu yếu của tồn sinh, nhưng tích lũy kiến thức theo chiều hướng, theo lộ trình nào để sự sinh tồn ấy có giá trị, có phẩm chất hướng thượng, hướng thiện, đó là điều ẩn tàng nơi kinh điển đạo mầu. Chính vì lẽ đó, không chỉ Sư mà những bằng hữu của Sư đang đắm mình du hành nơi kho tàng bí điển kia. Những buổi trầm mình lặng thinh quên cả giờ giấc dường như không còn lạ với Sư nữa. Sư có pháp lạc trong những khoảnh khắc như vậy. Niềm vui là điều mọi người mong cầu. Và trong số vô vàn niềm vui ấy, có những niềm vui nâng bổng tâm hồn, và có những niềm vui đọa đày khổ lụy. Đấng Thiện Thệ đã trải nghiệm những niềm vui như thế, và hơn thế nữa, Ngài còn sống trong niềm vui bất diệt, nơi mà phát nguồn từ tuệ giác và tình yêu cao tột.

Để tích lũy kiến thức trở nên có dưỡng chất, tức là có cái tăng trưởng tâm hồn cùng trí thức, thì sự tích lũy ấy cần gắn liền với sự chiêm nghiệm. Chiêm nghiệm cần trú xứ an tĩnh, nhàn cư và sự soi rọi liên hệ khắng khít đến kinh nghiệm bản thân. Sư dành khoảng thời gian đầu đêm và cuối đêm cho mục đích đó. Thời gian ấy là khoảng thời gian thích hợp để trầm tư sâu lắng. Cái học hỏi rất cần cái chiêm nghiệm để chuyển mình đến sự ứng dụng chánh chân. Một khi vận dụng đúng, hệ quả tất yếu xảy ra chính là an lạcnhận thức rõ về thế giới hiện tượng xung quanh. Dĩ nhiên, điều đó cần sự đánh đổi cuộc đời. Dòng nước cuộc đời thuận theo chiều xuôi bản tính thiên hướng ái nhiễm. Đánh đổi cuộc đời không khác hơn chèo ngược dòng nước ấy, thay vì với tâm ái nhiễm thì hóa thành ái kính. Nguồn năng lượng ái kính đầy kì bí, tạo nên sức mạnh ruổi rong tham cầu hiểu thương vĩ đại. Chàng thanh niên khôi ngô khả ái, khôn ngoan hiền lành Thiện Tài đã từng như vậy. Sư dấn mình nghiên cứu tư tưởng minh triết nhân loại cũng là hóa thân một phần về chàng trai Thiện Tài.

Rồi một ngày mỏi gối, chùn chân, hay chán ngán với cảnh du lãm đó đây, những chàng lãng tử trong giây phút nghỉ ngơi, chợt nhớ đến Sư. Bao diệu âm được trỗi dậy tợ nắng hạn gặp mưa rào, giải cứu những tâm thức đang khô khan, vàng úa. Nhưng qua cơn hạn hán, thì những thói quen của lãng du có hồi sinh để rồi đẩy đưa cuộc rong chơi triền miên bất tận? Công năng ấy ẩn tàng, sâu kín khó chặn đứng, khó nhiếp phục; ngoại trừ, công năng khác, đáng quý hơn, được sinh khởi trong những điều kiện thuận lợi, suôn sẻ và lợi lạc. Nếu như gã cùng tử vừa ôm lòng tự ti, vừa gặp những nghịch duyên ngăn ngại, thì e gia sản của cha mình cũng khó mà có cơ hội thừa tự. Tác động của hoàn cảnh, tác động của ý tư thực sẽ nuôi lớn những công năng siêu việt, và dĩ nhiên sẽ truyền thừa tương xứng với những giá trị cho và nhận.

Sư về núi. Núi rừng thoảng hương bay. Suối nguồn tuôn diệu ngọt. Bốn bề quần sinh qui tụ, như là bạn lữ giữa trăm thương ngàn nhớ. Đức Phật cũng từng dạy rằng thế giới nhiều nhiễm ô, nhưng với cái nhìn của bậc Thánh thì vốn dĩ thanh tịnh. Nhận thức này còn xa vời vợi với tâm trí tràn ngập phiền muộn, nhuốm màu tự ngã cùng bức tường thành kiến dày kiên cố. Sâu thẳm trong tâm khảm, ý niệm tương đãi dường như khởi sự cho sự cạnh tranh khốc liệt. Lập thân, lập danh tạo nên bao nỗi niềm nặng nề chốn nhân sinh. Vui buồn, hỷ ưu cũng từ đó phát sinh. Bềnh bồng trong ‘ngã tưởng, nhân tưởng, chúng sanh tưởng, thọ giả tưởng’ mãi mãi phiêu bạt trong mê man vô định. Cuối biên tế tử sinh, vị giác ngộ sơ sanh phải dùng ‘kim cang dụ định’ để thức tỉnh cơn mê. Sư cho quá nhiều, nhưng đón nhận không bao nhiêu. Sương mờ lữ thứ lãng đãng từ đỉnh non xanh ngã màu bàng bạc lan tận chân đồi. Thế sự chưa buông, chuyện gia đình chưa xả. Về xuôi vùi mình trong cảnh âu ca, nhưng cũng chính là tiếng lòng thoi thóp mơ cảnh bình an chân thật. Bỗng một ngày như mọi ngày, lang thang trên đoạn đường sơn cốc, trong Sư nhận ra rằng: "Thấy vũ trụ trong một hạt bụi và thấy thiên đường trong một đóa hoa dại ven đường.". Còn ngoài kia, những chàng lãng tử đang ngắt hoa, lấm bụi chỉ nhận ra được một điều: "trong mình có Sư"...

Tên: Thích Hải Hiếu (Tâm Uyển)
Sanh: 1987
Hiện đang theo học khoa Phật học tại đại học Delhi, Ấn Độ

 

 

AVF B017