Theo Lời Phật Dạy Tâm Linh Tỉnh Thức

01/02/20174:28 CH(Xem: 3604)
Theo Lời Phật Dạy Tâm Linh Tỉnh Thức

Bài Viết Tham Dự 2016 & 2017

THEO LỜI PHẬT DẠY TÂM LINH TỈNH THỨC

Nguyễn Nguyên An

 

Năm lên sáu tôi đi Phật tử chùa Bà Năm, thị xã Quảng Trị, trước khi học chữ tôi được học đạo. Sau chiến tranh tôi về lại, Quảng Trị điêu tàn. Trong tôi vẫn còn đọng lại những buổi sinh hoạt các anh chị lớn dạy sắp vòng tròn, ca hát… Tôi nhớ nhất là được thỉnh chuông cùng với chú tu ở chùa. Tôi ngồi bên chú, chú thỉnh một tiếng, tôi kéo một thẻ tre qua phải. Có hôm tôi tỉnh chuông chú kéo thẻ. Trong mơ hồ của vùng ký ức xa ngái, thi thoảng vang lên hổi chuông tuổi nhỏ. Hương vị đầu đời tôi nhấm nháp Phật Pháp, đến nổi tôi đòi mẹ tôi cho tôi đi tu. Mẹ tôi không đồng ý vì tôi là con trai đầu của mẹ. Sau này tôi nghĩ, do tôi thiếu duyên lành. Tiếng chuông đã ngân vào tâm hồn nguyên khôi của tôi một chữ Phật. Năm tôi lên tám, tôi trèo cây bị té rạng não. Bác sĩ người Pháp nối một sợi gân sau đầu trên ót phải của tôi. Từ đó tôi hay quên. Mười tám tuổi tôi bị thương. Tôi dại ngộ đứng lớ ngớ bên gốc cây, nghe hai người hấp hối rên la. Ai bị đạn cũng rên một hồi mới chết. Bất chợt, tôi thấy người nhắm bắn tôi là một anh mặt to tròn như cái mâm. Tôi bị viên đạn bắn gãy cánh tay trái trên, cách tim chừng năm phân may, tôi xê dịch mới sống. Hú hồn, về viện, tôi thường niệm Phật cầu thương tật nặng, về nhà. Hồi sau Tết Mậu Thân, nhà tôi bị sập, gia đình cha mẹ tôi ở giữ nhà, trông coi vườn tược cho một quan chức, họ vào Sài Gòn ở. Tôi tìm được một cuốn sách dạy thiền, tôi tập thiền khi tôi 16 tuổi. Thường ngồi kiết già trong vườn cây, tàn một cây nhang. Đến khi bị bắn thoát chết, tôi nghĩ: “nhờ nhỏ mình đi chùa và đã ngồi thiền trước đây, cũng có thể duyen lành từ kiếp trước mà ai đó đẩy mình nghiêng một chút, đạn không trúng tim.”

Hồi nhỏ tôi mê đọc truyện. Thuê được cuốn truyện nào tôi tìm xó nhà, ngồi đọc ngấu nghiến, có bữa quên ăn. Về nhà, tôi đến thư viện Phật giáo Liễu Quán Huế đọc kinh sách từ 1972 đến năm 1975, cho dù phố thị đầy các sắc lính lừ lừ súng ống, gái bán Bar bê bết phấn son; sinh mạng con người như ngọn đèn loe loét trước gió giông tao loạn! Phần nhiều thanh niên cùng trang lứa tôi không hoài bão lý tưởng, nhiều người ngập ngụa trong những cuộc truy hoan, quên đời!.. Riêng tôi, nhờ đọc kinh sách ngày hai buổi, tôi ăn cơm gạo lức muối mè thanh lọc ô trượt, tập tễnh làm người làm thơ cho đến khi Cách mạng về, tôi vẫn nguyên niềm mê đọc sách, tôi tìm đến thư viện Nhân Dân, đọc văn chương Cách mạng. Đọc riết, tôi ngộ ra rằng, trước đây viết sao cũng được, miễn hay. Giờ viết văn khó hơn, khó ở chỗ, trước hết anh phải là người tốt, viết ra những điều tốt, đừng đứng trên bục lên lớp ngừoi khác và tải được ý tưởng gì đó có thể giúp ích cho đời, dù chỉ viên sỏi nhỏ bé, mới đạt cái hay. Có nghĩa, trước đây vẽ ma, muốn vẽ sao cũng đặng, miễn con ma ấy đẹp, ly kỳ, rùng rợn, không tính tới sự tác hại của nó. Còn giờ, vẽ một cục đất tầm thường mà ngời sáng lên vẻ đẹp vô ngôn bao dung sinh nở của đất, mới tài! Trong khi nhiều bạn tôi phải đến thập niên tám, chín mươi mới có thơ in trên báo… Rồi tôi lấy vợ, bận mưu sinh, tôi gác bút hơn mười lăm năm nhưng vẫn đều đặn đọc sách khi rỗi. Tôi luôn coi việc đọc sách báo và lao động là góp nhặt tích luỹ kiến thức cho mình ngày càng thâm hậu.  Vợ tôi bỏ tôi, khi tôi đi kinh tế mới ở miền Nam. Tôi bồng, dắt bốn con nhỏ về quê nương nhờ cha mẹ, rảnh tay lao động nuôi con. Khi tôi bỏ kinh tế mới về, gia đình cha mẹ tôi không ở trên miếng đất 3000m2 nằm trên con đường nhựa 132 Lam Sơn của ông bà để lại mà vào ở sau con đường đát lổm ngổm đá sỏi. Bao năm, tôi dạy học ở vùng cồn và xao xác phận làm thuê ở sông Cửu Long, ky cóp chút đỉnh nhờ cha tôi dựng cho gia đình tôi mái nhà trong miếng đất ông bà vừa mua lại. Tôi làm được căn nhà tranh tre cho cha con tôi trú ngụ. Nhà tôi trong thung lũng gió, nhiều ngôi chùa bao bọc, sớm chiều chuông mõ ngân nga. Trải qua bao nghề, giáo viên cấp một, đi núi sơn tràng, chụp ảnh dạo rồi đạp xe thồ. Tôi, ngày cuối chợ, đầu ga cùng chiếc xe đạp cà tàng chở khách với lòng ao ước xây nhà cấp bốn, có phòng học cho các con, có phòng riêng cho con gái đang lớn dậy từng ngày thích những phút riêng tư. Ứớc mơ ấy đối với tôi như chạm tới thiên đàng, nhưng tôi vẫn ôm hy vọng... Tôi đạp xe lang thang về làng quê, chợ Đông Ba, An Cựu, Phú Thứ… chụp ảnh lấy tiền hoặc đổi khoai, gạo… miễn có cái đem về cho những con tàu háu ăn, há miệng khát cơm. Người ta chụp ảnh do ham vui, kỷ niệm. Chẳng hạn tôi chụp một cô gái bán bành mì với thúng mì nóng giòn ở chợ Đông, các cô khác cũng thích có ảnh, bắt chước nhau gọi chụp và cứ thế tôi bấm lách tách hết cuốn phim lúc nào không hay. Rồi tôi đi chụp cho các em thiếu nhi các trường mầm non. Các em lúc nào cũng đẹp, dễ thương, tươi tắn, sự hồn nhiên mũm mĩm của các em giục tôi đến với nhiếp ảnh nghệ thuật, báo chí. Chụp ảnh đăng báo, hưởng nhuận bút. Trong giai đoạn này, được sự trợ giúp của cha mẹ và mấy năm lao động khó nhọc của tôi, tôi xây một ngôi nhà cấp bốn. Những buổi trưa hè, nằm ngửa trên nền xi măng mát rượi, nhìn lên lớp rui, mèn đen ngù và lớp lớp ngói, thứ tự, thẳng tắp lòng lâng lâng. Ngôi nhà như được hạo khí trời đất, cho tôi “an cư lạc nghiệp” nhiều nguồn vui ập đến gia đình tôi. Bước vào thập niên 1990, tôi viết truyện ngắn Tôi được giải thưởng ảnh nghệ thuật do báo Tuổi Trẻ tổ chức, giải thưởng ảnh nghệ thuật toàn quốc đầu tiên của Huế, Huy Tượng quận Năm, giải thưởng Việt Nhật… sau này chuyển qua viết, tôi được giải Cuộc thi viết “Dưới Mái Trường” do Nguyệt San Kiến Thức Ngày Nay tổ chức và nhiều giải khác… Tôi có tiền bắt điện, điện thoại… cho ngôi nhà, làm thêm phòng cho các con học hành, ngủ nghỉ và tôi có vợ, các con tôi có mẹ mới chăm lo, con gái đầu tôi đang khao khát bàn tay mẹ.

Tôi lại lấy vợ, vợ tôi là cô giáo Hạnh, khi ấy Hạnh 39 tuổi. Với tuổi này, thời gian đã gọt giũa đến nguội lạnh những háo hức, khát khao của người phụ nữ. Hạnh đang sống ổn định và bình lặng với nghề gõ đầu trẻ. Gặp tôi, Hạnh thương cảnh gà trống nuôi con, thương lũ con tôi đầu xanh không mẹ. Tôi đem đến cho Hạnh chùm hạnh phúc muộn màng lúc lỉu trái đắng! Hạnh vui vẻ chấp nhận, cùng tôi đi dưới bóng nợ nần. Không ngờ cuộc đời lận đận truân chuyên của tôi lại có duyên lành. Hạnh đi dạy học giúp tôi, nuôi các con riêng của tôi thành người. Trong mục: “Người tốt việc tốt” của Báo  Thừa Thiên Huế số 962, ra ngày 02- 06-1997. nhà báo Đinh Hoàng Xuân Hồng đã viết: “Trong hội nghị tổng kết “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” của ngành giáo dục tỉnh, tôi chú ý đến cô giáo… nụ cười cũng buồn nhưng thật đôn hậu. Chị là Nguyễn Thị Kim Hạnh… người mẹ của 5 đứa con (trong đó có 4 đứa con riêng của chồng) luôn tất bật, vất vả,  phải dạy thêm, chi tiêu tằn tiện mới trang trải đủ cho cuộc sống của gia đình… Khi tôi đến thăm gia đình chị, tôi đều nghe bọn trẻ gọi chị bằng mẹ một cách trìu mến…”.

Hạnh con nhà gia giáo, nhà ở Vỹ Dạ. Thời thơ ấu, Hạnh ở trong ngôi nhà bề thế. Nhà chính gồm ba gian lớn và hai gian nhỏ. Nhà dưới gồm một dãy liên tiếp năm gian nhỏ. Gian giữa nhà chính là phòng khách, với bộ ‘’xa lông’’ tròn bằng gỗ có bốn ghế dựa chạm đá cẩm thạch. Trong gian thờ đạt chiếc khám thờ chạm trổ tinh vi với đây đủ bài vị thẻ bài của ông bà tổ tiên tôi, ngoài ra hai bên tường còn treo hai vòng cườm có ảnh vẻ ông bà nội Hạnh. Tường của gian nhà chính được trang hoàng bởi những tranh thêu của Tàu trình bày cảnh Ngư, Tiều, Canh, Mục. Chính giữa bức tường phòng khách có treo bức sơn mài,  Bà Triệu cỡi voi ra trận. Cách tường non thước đặt một cái sập gụ đen tuyền, trên sập chỉnh chệ một chiếc hộp tộ gỗ mun, khảm xà cừ. Trên tộ điểm mấy cánh hoa đồng tiền thanh thoát trong dĩa thuỷ tinh. Cổ nhất là cái bàn bằng mâm đồng hình bát giác, khắc chữ Nôm và chạm nhiều hoa văn. Thuở ấu thơ có cúng thôi nôi, Hạnh đã bốc cây bút đầu tiên. Điều đó khiến ba mẹ Hạnh nghĩ rằng lớn lên Hạnh học hành thông minh, do vậy ba mẹ Hạnh đã tổ chức ngày lễ khai tâm cho Hạnh. Ngày được chọn là ngày mùng hai Tết. Người được mời để cầm tay cho Hạnh viêt chữ đầu tiên là cô Công Huyền Tôn Nữ Phùng Khánh, cô gái hàng xóm đang dạy Đại học Sư phạm, người mà ba mẹ Hạnh cho là thông minh đạo đức hơn người. Cô Phùng Khánh mặc một chiếc áo dài màu trắng. Trên bàn học có cắm hoa hồng vàng nhạt, trong phòng thoang thoảng mùi trầm hương. Cô cầm tay Hạnh nhẹ nhàng đồ lên tờ ‘’pơ lua’’ trắng tinh một chữ “Mẹ”. Cô nói với ba mẹ Hạnh: “Nếu không có mẹ đứa trẻ sẽ rất khổ sở khi vào đời, em nó là gái  sau này cũng sẽ làm mẹ’’. Lòng thương mẹ và sự ao ước làm mẹ in sâu trong Hạnh cho đến bây giờ. Nhưng trớ trêu thay cô giáo dạy chữ “Mẹ” đầu tiên cho Hạnh trở thành Ni sư Thích Nữ Trí Hải. Sau này, Ngài viên tịch trong một chuyến đi làm từ thiện.

Mấy năm sau, Hạnh xây thêm một cái cốc trên đồi, hướng Tây Nam, gần trường học, bãi tha ma, phía xa có núi Kim Phụng án ngữ. Mỗi đêm, tôi được im lặng, được một mình không nói chuyện với ai và được hít thở không khí trong lành cho đến 11 giờ hôm sau mới “hạ san”.. Ngày, lủi thủi một mình với tịnh cốc và cả ngọn đồi, đi hái củi, nhặt phân trâu bò vương vãi thật thanh thản, bớt đau đầu và cũng bớt sân, si, ham muốn, bon chen... Rồi tôi lập bàn thờ Phật, ăn chay, tu thiền, trì tụng Chú Đại Bi, Chú Lăng Nghiêm, tụng Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện. Chị bên vợ tôi cúng dường tượng Phật Quán Thế Âm, chuông mõ, đèn... và đạo hữu đồng tu cúng cúng dường hương hoa. Tôi không có minh sư. Cứ lọ mọ tu tập. tụng niệm, thiền tịnh một mình. Dù tôi thành tâm cầu đạo nhưng tu sửa trúng trật chi cũng không biết. Hành thiền, tu tụng, ăn chay nơi tĩnh lặng được 7 năm. Tôi theo học Khóa thiền 10 ngày ở tịnh xá Ngọc thành Tp HCM. Thiền 10 giờ một ngày. Học thiền về tôi tập không ăn quá giờ Ngọngồi thiền kiết già hơn 1 giờ, ngày 3 thời. Hai thời sau không thể ngồi đến 1 giờ. Tôi phấn đấu cố vượt lên chính mình từng phút. Ghi mỗi thời thiền vào sổ nhât ký thiền. Vây mà không thể nhập định lâu hơn mà không tê cứng hai chân. Cứ thế thời gian lặng lẽ trôi đi, tôi không bỏ sót một buổi tụng kinh, buổi thiền nào. Có đi Trại viết hay đi đâu tôi cũng thiền và niệm chú thay tụng kinh.

 Hạnh hộ pháp cho tôi tu tập. Hạnh phát tâm bậc thánh… nuôi mẹ tôi 84 tuổi và đứa con riêng của tôi bị tâm thần phân liệt, tên No. Vợ tôi và hai cô em dâu thứ sáu, thứ tám chung sức chăm sóc mẹ. Nhưng chuyện giặt áo quần, cơm nước, thuốc thang hàng ngày và tắm giặt cho mẹ chỉ một mình Hạnh có đủ tâm từ mới làm nổi. Có lần tôi chảy nước mắt khi Hạnh đưa tay trần giặt quần bị bệnh trĩ cho mẹ. Một thau nước bẩn làm tôi rùng mình. Hạnh  nói: “Máy giặt không sạch, em phải vò tay” Một cô em chồng thấy Hạnh săn sóc mẹ, cô đã không săn sóc mẹ, cô còn nói: “ Đó là nghiệp!”. Hạnh bảo: “Cô nghĩ nuôi mẹ cha là nghiệp, còn tôi cho đó là phước. Phước của cô nhường cho tôi, tôi nhận. Nuôi con hư mới là nghiệp. Nuôi cha mẹ, dù đội cha mẹ trên hai vai, cha mẹ đại tiểu tiện lên đó cũng là phước báu

Ngày vẫn ngày qua, Hạnh đều đặn bưng cơm nước và thuốc thang  hầu mẹ, thi thoảng tắm giặt quần áo, ra, màn, hớt tóc cho mẹ. Hạnh nói:  “Nhìn mẹ ăn, cũng như  cho thằng No ăn. Mẹ và No vui là em vui rồiBà con phường Trường An, TP Huế ai cũng khen. Và, anh C… Công an phường thường chào vui Hạnh: “Chào Mẹ anh hùng”. Sau khi về hưu, Hạnh vẫn làm lụng siêng năng, cần cù nuôi con trai học Đại học Sư phạm năm thứ VI, cháu là sinh viên giỏi, được chon Bảo vệ luận và một cô con gái học lớp 10. Hai con đều học giỏi và ngoan. Nhớ hồi mới lấy Hạnh, tôi đã phát tâm ăn chay trường nen Hạnh sinh con trai đầu đúng vào ngày vía bồ tát Quán Thế Âm.  Đối với mẹ chồng Hạnh xứng là cô con dâu hiếu thảo hiếm hoi của thế kỷ 21 này; với xã hội Hạnh còn giáo viên từ thiện, “Bồi dưỡng kiến thức cho các em nghèo vượt khó thuộc Hội Bảo Trợ Trẻ Em tỉnh Thừa Thiên Huế. Thật là công đức vô lượng!

Hồi nhỏ, tôi còn trong sáng, nhiều lần thấy lửa bay “xèo…xèo…” Trong bầu trời đêm, trên những lùm lồ ô tối sẫm hoặc trên cồn hoang”. Lớn tuổi không hề  thấy nữa. Tôi có một người em ruột bị ung thư bệnh viện trả về, tôi đến thăm em, em tôi quằn quại, tôi bất lực. Nhớ lời Phật dạy, tôi khuyên em niệm Phật: “Em niệm A Di Đà Phật cho bớt đau, ra đi nhẹ nhàng”. Thật sự chẳng mong em tôi sống, tôi giảng cho em nghe cận tử là phút giây léo sáng, dễ sinh cõi lành khi mình kính tin Phật. Các em khác lại nói: “Người ta đau đớn mà anh cứ nói chuyện Phật!”. Tôi có người bạn phó Khoa Ung bứu, Tôi hỏi: “Ung thư đau như thế nào?. Người bạn nói”  “tiếng Anh nói đau như dao đâm”. Tôi hỏi em, em tôi nói: “Anh biết đau răng không, em bị chín chỗ đau răng như thế”. Sau đó em tôi còn nói” “Khuya chừng 2, 3 giờ sáng, em nghe vi trùng ăn trong gan rạo rạo”. Tôi không biết em tôi đau quá hóa nói sảng, nhưng chắc chắn một điều ung thư gan rất đau, đau như ai cắt gan mình từng miếng, từng miếng! Tôi thương em chỉ biết niệm Phật to hơn. 21 giờ, em tôi bảo tôi về nghỉ, 23 giờ có điện thoại gọi báo cho tôi là em tôi đã chết. Tôi qua hộ niệm cho em. Vợ em tôi bảo” “Anh ạ, chồng em niệm Phật đến hơi thở cuối cùng. Tắt thở bằng một chữ: “PHÂ…Ậ…Ậ...T… ra đi thanh thản”. Tôi khóc nức nở vì em đã nghe lời tôi và đội ơn đức Phật đã gia hộ.  Một, hai giờ sáng tôi về cốc của tôi để công phu khuya và sớm. Hơn nữa cả nhà em đều ngồi hộ niệm, có cả vợ tôi ở lại. Khi gần đến cốc, tôi dắt xe đạp đi về, thấy một bà già trên bảy mươi tuổi, cắp nón lá sau lưng đi xuống một bợt đất. Vào phòng nằm ngủ, tôi giật mình nghĩ: “Giờ này làm gì có người đi!?”. Sáng mai tôi đến chỗ người đàn bà bước xuống, ở đó chỉ lùm bụi rậm không có lối đi. Tôi nghĩ, tôi tiếp cận với người chết. Nhiễm tử khí nên mới thấy bà già chắc không phải là người.

Những năm chưa tu thiền tịnh, tôi bị gan nhiễm mỡ, tu riết gần mười năm đi siêu âm lại gan rất tốt. Trong người lục phủ ngũ tạng đều tốt chưa hư hại gi, da hồng sáng, rất nhạy cảm với thời tiết chung quanh.  Tôi đi bộ mỗi ngày. Vâng lời Phật dạy tập tha thứ – bố thí- không bám dính vào tiền củadanh vọng. Ăn chay trường, tập không ăn quá ngọ, chiều tối có thề ăn nhẹ chén cháo, vài trái cây để bụng đói qua đêm.  Vượt qua tất cả các nỗi sợ hãi lo lắng. Thiền và tụng kinh mỗi ngày ít nhất bốn thời công phu. Thân tâm là một. Con ngườivũ trụ là một. Hãy trở về với mẹ vũ trụ.

Tôi đã bước những bước đầu tiên về cõi an lạc diệu vợi, thực hành hạnh của Phật, công phu thiền tịnh song tu hôm nay sẽ còn mãi mãi trong nhiều kiếp sau…

Huế, ngày 28012017

NNA

 

 

AVF B 033