Chuyện ở chùa

31/03/20174:48 CH(Xem: 3168)
Chuyện ở chùa

Bài Viết Tham Dự 2016 & 2017

CHUYỆN Ở CHÙA
Quảng Tịnh
(Bài viết tham dự Ananda Viet Awards)


Sau vài tháng vắng bóng Nghĩa trở lại chùa Tịnh Phước , trong lòng không vui. Anh ngại ngùng chỉ sợ gặp lại Xuyến, tuy anh nghe đồn Xuyến từ khi lấy chồng đã dọn nhà đi xa .

Anh không muốn đến chùa vì cảnh chùa như một sân khấu nơi đã diễn ra mối tình của anh và Xuyến .Ngày nào lòng anh rộn ràng khi nghĩ tới chùa , tới lúc anh sẽ gặp Xuyến, thì ngày nay nghĩ đến những kỷ niệm cũ anh chỉ thấy một niềm chua chát dâng ngập trong lòng.

Chùa Tịnh Phước là một ngôi chùa làng nhỏ, gồm vài nếp nhà với mái ngói rêu xanh . Chùa nằm ở cuối làng, xung quanh là đồng trống.Nơi chốn hẻo lánh nên thiện nam tín nữ  đến viếng chùa không nhiều.Phần lớn chỉ có những đệ tử đã được thầy qui ythường xuyên đến chùa làm công quả ,nhất là vào những dịp lễ Phật giáo.

Thật ra ban đầu Nghĩa đến chùa cũng vì thói quen . Thuở nhỏ anh vẫn thường đi theo mẹ vào chùa . Anh đã từng được thầy làm lễ qui y và cho một pháp danh.

Lâu dần anh thấy thích cái không khí yên tịnh của chùa những khi vắng khách vãng lai, thích cách sống thanh đạm của các sư ,thích nghe thầy giảng kinh cho vài đệ tử lèo tèo, những lúc đó anh cảm thấy tâm hồn dường như trong sạch hơn, gần gũi với Phật pháp hơn.

Hòa thượng trụ trì chùa tuy không phải là một bậc danh sư , nhưng ông được các đệ tử kính mến vì tính tình hiền hòa , gần gũi mọi người.Vài ba sư huynhchú tiểu lo chăm bón mấy công đất sau chùa, trồng rau trồng sắn.

Thầy trụ trì đã già, chủ yếu lo tu tập,việc giao dịch với bên ngoài như cầu siêu cầu an cho các gia đình thầy đều giao phó cho các sư huynh. Thu nhập không nhiều, chùa Tịnh Phước không được tu sửa, mái ngói phủ rêu xanh rì, mấy bức tường ở sân sau bắt đầu rạn nứt.

Nghĩa vốn không thích những nơi ồn ào nhộn nhịp, thấy ngôi chùa nhỏ vắng vẻ nghèo nàn này rất hợp với mình .

Nghĩa có một nhóm bạn đồng đạo , trong đó có bác Tường và hai vợ chồng bác Hiếu là thường sinh hoạt chung với anh nhất . Bác Tường người hiền lành ,tu tại gia đã lâu, không thích tranh cãi, ngược lại hai vợ chồng bác Hiếu thì cãi nhau tối ngày. Tuy nhiên họ đều là những ngưới thành tâm mộ đạo, đã đóng góp rất nhiều vào Phật sự ở chùa. Sau đó thì có thêm Xuyến cháu của bác Hiếu vào nhập bọn.

Xuyến là một cô gái không những xinh xắntính tình còn rất vui vẻ. Từ ngày có cô nhóm bạn đạo dường như sinh động hơn. Cô còn khéo léo, thường làm bánh trái vào những dịp lễ để gây quĩ cho chùa.

Nghĩa thường phụ cô trong những việc nặng nhọc. Từ những lúc gần gũi hai người cảm mến rồi yêu nhau. Nhưng Nghĩa lúc đó còn đi học, anh tự hẹn lúc nào ra trường tìm được việc làm sẽ đến hỏi Xuyến làm vợ. Nhưng Xuyến không đợi anh. Anh sắp ra trường thì nghe Xuyến đã lấy chồng.

Lúc đầu vừa nghe tin Nghĩa rất buồn rầu chán nản. Hàng mấy tháng trời anh không muốn làm gì cả,lúc nào đầu óc cũng nghĩ lẩn quẩn đến chuyện ngày xưa.

Hết ôn lại kỷ niệm cũ rồi tới căm giận , trách móc, lòng chẳng lúc nào yên.

Anh thấy mình thờ ơ, uể oải, như không còn nghị lực để sống.Có ngày anh cứ thơ thẩn ra vào rồi nằm xuội trên giường , không thiết tha cả đến việc ăn uống.

Thời gian phôi pha, anh cũng nguôi dần , nhưng anh vẫn không quên được người tình cũ. Anh không còn muốn đến chùa , chỉ nghĩ tới lúc có thể gặp Xuyến tại đó cũng đủ làm anh thấy bực bội cả người.

Rồi Vu lan tới, từ trước đến nay Nghĩa chưa hề vắng mặt ở một mùa Vu lan nào. Đây là những lúc chùa Tịnh Phước rộn ràng tấp nập nhất. Nghĩa  thấy lòng áy náy khi nghĩ đến các bạn đồng đạo già phải vất vả với những chiếc nồi to tướng để chuẩn bị cho bữa cơm chay. Anh cố gắng bỏ qua những nỗi ác cảm để trở lại chùa.

Bác Tường thấy anh, mừng rỡ :

-  May quá có cháu đến phụ một tay, chứ không thì làm không xuể.

Chái bếp nhỏ đã chật những phật tử xúng xính trong những chiếc áo tràng lam.

Họ tràn cả ra ngoài sân, bày nào thau nào chậu ngổn ngang.

Bác Tường kéo tay anh :

-  Cháu giúp hai vợ chồng anh Hiếu nạo dừa đi, nhiều dừa lắm

Hai vợ chồng bác Hiếu  đang ngồi ở một góc sân, bên cạnh một mớ vỏ dừa. Bác trai thì nạo, bác gái lo vắt. Nhưng công việc tiến hành chậm chạp. Bác Hiếu gái cằn nhằn:

-  Ông làm mau lên chút đi, làm vậy biết lúc nào cho xong

Bác Hiếu trai gắt gỏng:

-  Dừa già cứng mà làm sao làm mau ? Bà giỏi thì bà làm đi, cằn nhằn hoài…

-  Dừa nào không cứng ? phải bào mạnh tay lên, chứ uể oải như vầy thì tôi ngồi đợi tới rằm miên tết mọi mới có dừa mà vắt.

Nghĩa xen vào :

-  Bác để cháu làm, cháu mạnh tay hơn.

-  Phải đó, cháu nạo dùm đi. Ổng già rồi mà không biết thân, cứ dành những chuyện khó mà làm. Phải biết vậy thì đi mua quách.

Bác Hiếu trai không chịu thua :

-  Khó khăn gì ? để từ từ người ta làm, cứ ngồi bên hối thúc.

-  Tôi làm việc gì cũng mau lẹ, thấy ai chậm chạp tôi bực mình lắm.

-   Bực mình thì đi chỗ khác làm, ai biểu bà ngồi đây ?

-   Tôi ngồi đây vì tôi muốn làm nước cốt dừa, được không? Có điều muốn làm nước cốt dừa  phải có người biết nạo dừa .

Nghĩa lặng thinh, cắm cúi làm. Kinh nghiệm cho biết khi họ đã bắt đầu cãi nhau rồi thì không có ai can ngăn được . Làm như họ càng nói thì những ấm ức tích lũy từ hồi nào trong lòng càng đổ xô về, tìm chổ xuất phát cho bằng được.

Nạo xong đống dừa, Nghĩa bỏ mặc họ, lẻn ra vườn sau. Nơi đây hoang vắng,sư trụ trì dùng làm chỗ để các sư huynh nghỉ ngơi sau nhưng buổi làm việc mệt nhọc. Nghĩa ngồi trên một băng đá, nhìn ra cánh đồng chan hòa ánh nắng. Anh thấy lòng phiền muộn . Mọi lần anh thường làm việc chung với Xuyến, bao giờ không khí cũng êm đềm vui vẻ. Nghĩ đến hai vợ chồng bác Hiếu anh càng thêm chán ngán. Đúng là duyên nợ, duyên để gặp nhau , gặp nhau để trả nợ nhau suốt kiếp.

Nghe tiếng chân bước nhẹ, Nghĩa quay lại. Bác Tường đến ngồi cạnh anh, gầy chuyện :

-   Lâu nay không thấy cháu, chắc cháu lúc này bận rộn lắm ?

Nghĩa trả lời cho qua chuyện :

-   Dạ cháu cũng đang đi tìm viêc làm

-   Rằm tới cháu có mặt không ? Nói thiệt cháu, chùa mình thiếu người trai trẻ như cháu, đám già như bác không đóng góp được nhiều

-   Sao bác nói vậy, chủ yếu là lòng thành.

-   Cháu không tới , cô Xuyến cũng vắng mặt luôn, thầy hỏi thăm hoài.

Nghĩa buồn rầu :

-   Cô Xuyến đã lấy chồng và dọn đi xa rồi bác à. Chắc cô không còn trở lại chùa nầy đâu.

Bác Tường sửng sốt :

-   Ủa sao vậy ? Bác nghe cháu và cô ấy sắp lấy nhau ?

-   Cháu cũng tính vậy,nhưng chắc cháu và cô ấy không có duyên với nhau. Cháu chỉ buồn là cô ấy không nói trước cho cháu biết.

Bác Tường yên lặng một lát rồi khuyên nhủ :

-    Dầu sao cháu cũng không nên bỏ chùa, chuyện tình ái có thể chóng qua,chuyện tu hành là chuyện lâu dài .Bác biết cháu còn trẻ, nói thì cháu không tin, nhưng thời gian xóa nhòa tất cả. Mười năm sau , hình dung lại không chừng cháu không còn nhớ mặt cô ấy ra sao.Nhưng nếu cháu thật tình muốn theo Phật đạo thì cả một đời cũng chưa đủ.

Nghĩa thở dài :

-    Cháu không biết có quên được không ? chỉ biết là hiện nay câu chuyện này làm cháu chán nản không còn thiết tha đến việc gì cả.

Bác Tường an ủi :

-    Bác hiểu cháu, mất một người là dường như mất tất cả, tình huống này bác cũng đã trải qua rồi.Cháu thấy đó là một sự mất mát quá lớn làm đời cháu như trở thành một con số không . Bởi vì ai cũng nghĩ lấy được người mình yêu thì sẽ trăm năm hạnh phúc.Có điều theo kinh nghiệm của bác thì chưa chắc đâu cháu à.

-    Bác thấy Xuyến là người không tốt ?

-    Không phải vậy, nhưng là Phật tử thì bác tin là đâu có gì thường hằng, tình cảm cháu bây giờ như vậy, nhưng với thời gian thì nó cũng biến đổi nhạt phai.Cái khổ là do ngũ uẩn cháu mang trong người, dù cháu sống với ai cũng vậy. Không những bác tin, mà bác còn đã chứng nghiệm với bản thân mình.

Nghĩa nín lặng. Anh nghe kinh kệ cũng nhiều,nhưng không hiểu vì sao dù anh chấp nhận giáo lý với một tấm lòng trân trọng, tâm thức anh cũng không có những biến đổi sâu xa nào. Có lẽ vì anh tuổi đời còn trẻ ? hay vì anh nặng ngiệp ? Hay vì đời anh bình lặng quá , anh không cảm thấy cái nhu cầu phải nhất thiết tìm đến sự giải thoát rốt ráo ?

Nắng đã lên cao. Từ trong đưa ra những tiếng nói lao xao. Đại lễ sắp bắt đầu.

Bác Tường ngẫm nghỉ một lúc rồi tiếp tục :

-   Để bác kể cho cháu nghe chuyện này.

Lúc trước bác ở cạnh nhà một người chú có cô con gái thật là đẹp tên Thảo. Các cậu thanh niên qua lại nườm nượp, mong được người đẹp chú ý. Có nhiều đám nhà khá giả muốn mai mối giạm hỏi.Cha mẹ cô như  bao nhiêu người khác muốn cô lấy chồng giàu để cô và gia đình được nương tựa. Chỉ hiềm Thảo lại thương một anh chàng đẹp trai nhưng nghèo rớt mồng tơi. Câu chuyện dằng dai suốt một năm trời. Bác ở kế bên ngày nào cũng nghe la hét khóc lóc vì cha mẹ cô quyết làm áp lực . Có khi lúc tình hình căng thẳng quá mức,bác thấy cha cô cầm dao vừa la hét vừa rượt cô chạy quanh sân , còn cô thì  vừa khóc vừa hăm dọa sẽ bỏ nhà ra đi . Gia đình bác phải chạy qua can ngăn hết lời.

Một đêm bác đang ngủ thì nghe tiếng la khóc bên hàng xóm. Gia đình bác trỗi dậy chạy qua xem. Sau một trận cải vã kịch liệt Thảo đã uốngmột mớ thuốc ngủ và đang nằm mê man.May thay gia đình phát giác kịp thời, đã cấp tốc thuê xe chở cô đi bệnh viện.

Một tuần sau thì Thảo hồi phục. Từ đó gia đình đành nhượng bộ để cho cô  muốn lấy ai thì lấy.

Vài tháng sau Thảo đi lấy chồng.Bác có đi dự đám cưới. Ai cũng tấm tắc khen hai vợ chồng thật là đẹp đôi. Họ hớn hở trong nỗi vui mừng mãn nguyện.

Thời gian trôi qua, bác thỉnh thoảng gặp lại Thảo và chồng  trong những lần giổ quảy.

Cô gái ngày nào đã tay bế tay bồng, người càng ngày càng đẩy đà ra. Nhờ cha mẹ vợ giúp đỡ cho mượn tiền, hai vợ chồng làm ăn khấm khá, mở được xưởng làm xà bông.

Một hôm qua thăm chú, bác bắt gặp Thảo đang tất tả đi ra, vừa đi vừa khóc.

Bác ngạc nhiên gặng hỏi hai vợ chồng ông chú. Bà thím thở dài :

-   Nó bắt gặp chồng nó ngoại tình, bây giờ nó muốn ly dị

Ông chú thì chua chát :

-   Thằng đó lúc còn nghèo được con Thảo thương thì mừng hú vía, bây giở có tiền bày đặt nọ kia. Nó mà ly dị với con Thảo thì tôi đòi nó trả lại tiền tôi cho mượn.

Bà thím gạt ra :

-    Ly dị gì ? con cái đùm đề, lại còn cái cơ sở làm ăn đang phát triển, chẳng lẽ bỏ hết ? Bây giờ trước mắt mình nên họp gia đình lại để khuyên nhủ tụi nó cái đã.

Khỏi nói cũng biết,bữa họp mặt có đủ hai bên gia đình đó diễn ra trong một bầu không khí rất căng thẳng. Nói là họp mặt nhưng thật ra đó là một phiên tòa để xử tội anh chồng. Bác không dè cô em họ hiền lành ngày nào bây giờ dữ tợn quá, cô lồng lợn xỉa xói , mẹ cô thì đay nghiến, cha cô thì dọa nạt. Hai cha mẹ chồng cô cố gắng bào chữa một cách yếu ớt, còn anh chồng thì im thiêm thiếp.

Lát sau gặp anh dưới bếp thấy mặt anh xanh dờn thiểu não, bác có vài lời an ủi.Anh than:

-    Bả muốn ly dị thì ly dị quách cho rồi, chứ ngày nào cũng chưởi rủa, cầm bát cơm nuốt không vô, thì sống với nhau làm gì ?

Bác khuyên can :

-    Anh hảy từ từ suy nghĩ. Rồi thì cô ấy cũng sẽ nguôi thôi.

Rốt cuộc , sau khi suy đi tính lại, hai vợ chồng không ly dị. Nhưng trong thâm tâm thì chẳng ai tha thứ ai. Hễ có dịp là những mối hận cũ lại bột phát, lời qua tiếng lại, những câu nói ác hiểm cốt để làm tổn thương nhau như những vết dao chém hoài trên những vết thương, làm  không sao lành được.

Bác kể đến đây thì chắc cháu cũng đã ngờ ngợ đoán thầm họ là ai rồi. Hai vợ chồng anh Hiếu đó chớ ai.

Vậy đó, con người ham muốn cái gì thì làm đủ mọi cách để có cho bằng được, nhưng có rồi thì họ chán,quay ra ham muốn thứ khác, không bao giờ ngừng nghỉ.

Những câu chuyện như vậy xảy ra nhan nhản hằng ngày trong xã hội.Chuyện ái tình nếu không đổi thành thù hận như đôi vợ chồng anh Hiếu thì cũng nhạt phai theo năm tháng. Như bác đây ở tuổi này trải qua năm bảy mối tình, nghĩ đến thời tuổi trẻ lắm lúc bác cười thầm, thương hại cho cái người tuổi trẻ ngu si là bác cứ chạy theo cái mà người ta gọi là hạnh phúc mà chẳng bao giờ bắt được.

"Sóng cồn cửa bể nhấp nhô, chiếc thuyền bào ảnh lô xô mặt ghềnh ". Con người ta chỉ là vậy thôi, một chiếc thuyền bằng bọt nước trên những con sóng nhấp nhô của cuộc đời. Bởi vậy cháu đừng coi chuyện gì là quan trọng cả,cứ coi như mình đang gánh nặng, bỏ xuống được chừng nào càng nhẹ gánh chừng ấy.

Quay qua nhìn Nghĩa thấy anh vẫn trầm ngâm không nói gì, bác Tường bỗng phì cười :

-   Người ta nói : đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Cái nhìn của bác khác cái

nhìn của cháu vì bác hơn cháu bốn chục tuổi đời. Nhưng cháu hên hơn bác vì cháu theo đạo Phật từ thuở nhỏ nên cháu đã có một căn bản tốt.

Thật ra mình nghe kinh thì nhiều nhưng áp dụng vào đời sống thì khó. Vì sao ?

Theo thiển ý của bác vì mình thiếu cái lòng thành, cái quyết tâm tìm đến con đường giải thoát. Cái mà theo bác nghĩ, đạo Phật gọi là Chánh tinh tấn. Có cái đó thì mình mới dễ quán tính để chứng nghiệm kinh điển qua những sự việc xảy ra trong đời sống, mà hễ mình ráng quán tính thì mọi chuyện dầu nhỏ nhặt đến đâu cũng có thể trở thành một bài học lớn trong đời.

Tài không đợi tuổi, có khi cháu trẻ tuổi nhưng nếu cháu có quyết tâm thì có thể cháu còn hiểu đạo nhanh hơn bác.

Dù sao đây rồi năm bảy tháng một năm, nếu cháu thấy cháu đã bắt đầu quên cô Xuyến thì cháu hãy nhớ đến lời bác,cuộc đời này quả thậtvô thường,chỉ vì mình tưởng nó thường hằng,ráng bám víu nên mình mới khổ.

Rồi sau đó cháu sẽ bắt đầu coi nhẹ mọi chuyện hơn.

Nghĩa tò mò:

-   Bác thật đã thoát khỏi những ràng buộc của cuộc đời này, hả bác ?

Bác Tường cười dài :

-   Bác còn phải ráng tu không biết bao nhiêu kiếp nữa mới được như cháu nói.

Mỗi tuổi một vấn đề, bây giờ vấn đề của bác không phải là chuyện ái tình nữa, mà là cái chết sẳp tới. Làm sao để từ giã cõi đời này với một tấm lòng thanh thản , không sợ hãi,không hối tiếc gì ?

Hai người đồng đạo một già một trẻ ngồi im lặng bên nhau nhìn ra xa. Trên bầu trời xanh thăm thẳm vài đám mây trắng trôi lững lờ, thay đổi hình dạng không ngừng.

Một hồi chuông bỗng ngân lên, lan tỏa ra ngoài đồng vắng.

Nghĩa cười đùa :

-   Bác nghe không? Đó là hồi chuông cảnh tỉnh nhắc nhở mình hãy quay về với Phật sự hiện tại.

Bác Tường cười theo :

-   Hoặc là hồi chuông cho chúng ta hay là Phật pháp lúc nào cũng còn đó, muốn trở về lúc nào thì về.

Hai người đứng dậy, chuẩn bị vào chùa đảnh lễ.

 QUẢNG TỊNH

 

 

AVF B 081