Theo đuổi ảo ảnh

13/05/20173:57 SA(Xem: 2391)
Theo đuổi ảo ảnh


THEO ĐUỔI ẢO ẢNH
Diệu Đạo
Tham dự giải văn học Ananda

 

Tuân là một học sinh ở tỉnh lẻ. Ba mẹ Tuân có chức vụ cao trong ngành ở tỉnh. Tuân được ba mẹ viết thư tay gởi vào trường trung cấp của ngành khi học xong trung học phổ thông.

Trường này thuộc ngành, mở ra để đào tạo tay nghề cho công nhân trong ngành.

Học xong trung cấp, Tuân đăng kí học lên cao đẳng khi trường ngành này được phép nâng cấp lên hệ cao đẳng- Đại học. Đó là trường đại học điện lực Hà Sơn Bắc.

Sau khi Tuân tốt nghiệp cao đẳng thì ba mẹ Tuân lại lên gởi gắm cho ban giám hiệu trường đại học điện lực Hà Sơn Bắc, xin cho Tuân được ở lại làm giảng viên kỹ thuật hệ cao đẳng.

Trong thời gian đó, vừa đi dạy để giữ chân, nhưng Tuân vẫn phải đăng kí đi học thêm  Đại học tại chức - hệ vừa học vừa làm và có thi đầu vào khá dễ dàng- của một trường đại học khác.

Hệ đại học tại chức học buổi tối nên Tuân không bị ảnh hưởng việc dạy ở trường đại học điện lực Hà Sơn Bắc.

Tuân lo dồn hết sức lực, tâm trí để có được học hàm học vị cao như thạc sỹ, tiến sỹ. Mục đích là sau này đi ra xã hội còn có thể nói chuyện với mọi người tự tin hơn, được nể trọng hơn, để gia đình dòng họ tự hào về mình.

---

Khi yêu và chọn vợ, Tuân cũng  có mục tiêu sẽ chọn người phụ nữgia đình có vai vế, tài sản.... để dựa dẫm và có thể phát triển sự nghiệp cho mình sau này. Nếu lấy vợ nghèo mà muốn mở doanh nghiệp hay chạy chức vụ lên cao thì tiền đâu, thế lực đâu mà thực hiện.

Tuân chọn Ngọc, giữa một rừng cô gái trẻ ngưỡng mộ Tuân. Ngọc không đẹp nếu không nói là nét hơi bị thô nhưng nhà Ngọc giàu có.

Ba Ngọc là Giám đốc công ty dầu mỏ. Cách đây vài năm ông đã mua cho Ngọc một căn nhà riêng ở trung tâm thành phố với đầy đủ tiện nghi. Ngọc cũng được sở hữu một vườn cây ăn trái ở miền tây có thể khai thác du lịch vì đất rộng.

Má của Ngọc làm phó phòng tư pháp ở một quận. Cậu Ba của Ngọc lại đang làm hiệu phó của trường Đại học điện Hà Sơn Bắc, chính trong lúc đi nhậu, cậu Ba của cô đã làm mai cho Tuân. Ngọc đang làm công chức ở một viện nghiên cứu và cô đang học lên thạc sỹ.

---

Tuân có vẻ thiếu tự tin về năng lực của mình nên nếu trường đại học điện Hà Sơn Bắc mà  không mời anh tham gia giảng dạy các lớp tập huấn, lại đi mời bất cứ giáo viên  thỉnh giảng  nào đang làm việc từ các cơ sở sản xuất nổi tiếng về dạy là Tuân chạy xuống phòng đào tạo dèm pha, chỉ trích: ” Sao không mời giảng viên khác mà lại mời các giảng viên lôm côm, không chính thống như thế”.

Dễ hiểu thôi, vì các giảng viên thỉnh giảng này có nền tảng là học đại học chính quy, bài bản như trường Bách khoa hoặc Đại học nước ngoài.

Sau khi tốt nghiệp, họ nộp đơn thi tuyển vào các tập đòan sản xuất lớn, các công ty nước ngoài. Do đó họ có  kinh nghiệm thực tiễn, kinh nghiệm của cơ sở sản xuất.

Điều cốt lõi là họ có nền tảng vững chắc khi học đại học chính quy, có thi đầu vào nghiêm túc và khó. Chứ không phải học chắp nối, thiếu nền tảng căn bản. Từ thiếu nền tảng căn bản dễ dẫn đến thiếu tự tin và cư xử không rộng lượng như Tuân.

---

Học xong đại học tại chức, Tuân cũng may mắn học lên thạc sỹ.

Do năm đó trong trường Đại học điện Hà Sơn Bắc nhận được một học bổng hữu nghị nghiên cứu thạc sỹ ở Nga, dạng cử tuyển chứ không phải thi tuyển để có học bổng.

Tức là nếu bên trường Hà Sơn Bắc cử bất cứ đại diện nào đi nghiên cứu thạc sỹ ở trường đại học Nga đó đều được.

Trong trường hầu như thầy nào cũng đã có bằng đại học chính quy và học lên thạc sỹ hết rồi, chỉ còn mình Tuân là chưa có bằng thạc sỹ với lại ba mẹ Tuân làm chức vụ  lớn nên Tuân được ưu tiên cử đi.

---

Nam là một anh chàng học sinh thành phố. Sau khi tốt nghiệp trường chuyên Lê Hồng Phong, chàng thi vào đại học Bách khoa, hệ chính quy với điểm số khá cao.

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng giỏi và những công trình nghiên cứu khoa học mà Nam cống hiến, tham gia khi còn đang đi học  được đăng báo đã giúp Nam dễ dàng trúng tuyển khi nộp đơn vào làm giảng viên trường Đại học điện lực Hà Sơn Bắc.

Nơi đây Tuân cũng đang giảng dạy và vì đồng tuổi, họ trở thành những người bạn đồng nghiệp hay trò chuyện cùng nhau.

----

Nam thích trì chú. Từ nhỏ, cậu bé Nam hay theo bà và mẹ đi chùa Cổ Quang Linh, ngôi chùa nằm ở huyện ngoại thành.

Nghe các điệu nhạc thần chú ở một ngôi chùa mà sư trụ trì theo phái mật tông làm chàng rất thích.

Vào ngày vía của bồ tát Chuẩn Đề 16 tháng 3 âm lịch, đám con nít xung quanh chùa được sư thầy mời tới tổ chức một buổi lễ rất ý nghĩa mà kỷ niệm đó sau này nó theo chàng cho đến lúc trưởng thành.

 Trong ngày đó, con nít được cho mặc áo quần nghiêm túc và người lớn dẫn chúng về chùa.

Sư thầy lấy tượng Chuẩn Đề bồ tát bằng thạch cao từ trên tủ thờ xuống.

Mỗi bên tượng có  9 tay,  sơn nhiều màu nổi bật, nhìn diện của ngài chưa được thợ điêu khắc làm tinh tế lắm nhưng đối với một ngôi chùa quê ngày đó như vậy là tốt lắm rồi.

Sư đặt tượng Chuẩn Đề ngồi ngay ngắn vào thau nước sạch, xung quanh thau có nhiều hoa cúc trắng nhìn rất đơn sơthuần khiết.

Đám con nít tò mò đứng xung quanh, người lớn đứng sau. Sư hướng dẫn mọi người đọc theo sư: “Om cha lê, chu lê, chun đi, sô ha ( Om cale cule Cundi svaha).

Sư đọc làm nhiều lần, sau đó sư cho từng người được lấy cái gáo dừa nhỏ xíu múc nước trong thau tưới lên tượng Chuẩn Đề. Trong khi đó, sư dùng một ly thủy tinh nhỏ, đựng nước tắm ngài Chuẩn Đề và lấy một bông hoa sen tươi, rưới rưới nước lên đầu mọi người tham gia.

Đứa trẻ nào cũng được sư tặng một chiếc vòng nhựa đã có trì chú Chuẩn Đề nhiều biến. Sư dặn đeo vào để được hộ thân, khi đi đường và nếu có các tai nạn lửa nước, con nít có thể tránh được khi có Chuẩn Đề bồ tát gia hộ.

Những đứa con nít sơ sinh dưới 3 tuổi mà đêm hay khóc dạ đề thì sư yêu cầu  người lớn bồng chúng đứng sắp thành một hàng riêng.

trì chú Chuẩn Đề và rảy nước từ ly lên đầu chúng, miệng nói :” Từ rày không khóc đêm nữa nha con”. Rồi lấy một cọng chỉ đỏ cột vào tay chúng.

Sau đó nhà chùa phát bánh kẹo và sư mời mọi người ăn cháo nấm chay rất ngon.

Những hoạt động của ngôi chùa quê hết sức đơn sơ và tình cảm, nó làm cho những đứa trẻ như Nam nhớ mãi đến giờ và năm nào thì tụi con nít cũng háo hức hỏi người lớn năm nay có được đi dự ngày vía Chuẩn Đề ở chùa không.

Vì vậy,  sư hay tổ chức lễ vào các ngày chủ nhật cho mọi ngườithể tham gia đông.

Có những đứa con nít thường ngày rất tinh nghịch, ương bướng nhưng đến ngày vía Chuẩn Đề là tụi nó  ăn bận quần dài, áo sơ mi chỉnh tề về phụ các sư lau dọn chùa.

Sau đó chúng tham gia buổi lễ rất ngoan ngoãn. Khi đi dự lễ về, đứa nào cũng được sư gói về cho một vài trái táo, cục kẹo làm lộc của chùa.

Tụi nó tin rằng nếu ăn mấy lộc này sẽ học giỏi, mau lớn, mạnh khỏe, thông minh như lời người lớn kể nên về nhà là đòi ăn liền.

 ---

Bà ngoại của Nam thì hay trì chú đại bi bằng tiếng Hán. Sau này chị Tân là chị gái của Nam hướng dẫn bà đọc bằng tiếng Phạn nhưng phải mất một thời gian rất lâu bà mới theo được, dù chỉ có 84 câu ngắn gọn.

Chị Tân tối nào cũng lấy tờ giấy in chú đại bi tiếng Phạn ra đọc dõng dạc to rõ rồi kêu bà ngoại lập lại nhiều lần. Chị Tân thiệt là có tâm.

Mẹ Nam thì từ hồi sanh hai chị em Nam thường hay trì chú Chuẩn Đề.  Sau này khi chuyển qua buôn bán tạp hóa thì bà hay trì chú Như Ý Cintamani Cakravartin Dharani để cầu cho mọi việc kinh doanh được hanh thông, đơn hàng được đều đặn......

Có lẽ vì vậy mà chị em Nam sanh ra là có duyên với chú Chuẩn Đề.

Hai chị em hầu như ngày nào cũng đọc chú này.

Khi lên máy bay, xe, tàu, thuyền.. cả hai chị em cũng có thói quen trì chú Chuẩn Đề.

Thời gian mang thai hai chị em Nam, bà không ăn thịt heo, thịt bò,... chỉ ăn được cá cho có sức. Thường ngày thì bà ăn gạo lứt muối mè. Chính vì vậy mà bây giờ trong bữa ăn, hai chị em Nam cũng không ăn được các loại thịt heo, thịt bò, thịt thỏ, thịt ếch..... chỉ ăn được cá và thích ăn chay.

---

Sau một thời gian ngắn làm việc tại trường đại học điện Hà Sơn Bắc,  Nam được người bạn học rủ về làm chuyên viên phụ trách điện cho một công ty nước ngoài. Nam nộp đơn và dự phỏng vấn với ông sếp từ Thụy Điển sang.

Các vòng phỏng vấn chàng đều vượt qua và được nhận thư mời về làm việc với mức lương cao. Kể từ đó chàng cũng ít gặp Tuân vì bận rộn việc mới.

---

Tuân và Ngọc đã có hai con trai.

Lúc này, Tuân yêu và dành tình cảm cho cô sinh viên cũ của mình, tên Lam.

Lam là hot girl đã ra trường, trẻ đẹp, mặn mà hơn Ngọc. Trong khi đó, Ngọc- vợ Tuân cũng phải lòng vị viện phó viện nghiên cứu.

Tuân ít về nhà của hai vợ chồng. Hết giờ làm việc, anh về căn hộ mà anh bỏ tiền thuê cho Lam.

Không lâu sau thì Tuân đã có một đứa con gái với Lam. Ngọc thì lo chăm sóc anh viện phó.

Ai cũng có mối quan hệ riêng, nhưng không chịu ly hôn, vì sợ ảnh hưởng danh tiếngcơ quan.

Chỉ tội hai thằng con của Tuân và Ngọc, bị cha mẹ lừa dối. Bề ngoài họ vẫn tạo cho chúng có một gia đình có đủ mẹ cha nhưng bên trong đã mục ruỗng, xuống cấp.

Ban đầu, Ngọc còn phải mệt mỏi leo lên Đà Lạt bắt ghen tại trận Tuân và Lam, rồi đau khổ, sầu bi khóc sưng mắt.

Sau này, Ngọc không buồn quan tâm nữa, cô cũng có mối quan tâm mới với ông viện phó.

---

Lần kia, trong lúc đến quán cafe Tinuworld chờ hẹn bạn học thời đại học, Nam đã gặp Tuân đang chờ đón Lam đi học làm bánh về.

Nam thẳng thắn hỏi trực tiếp Tuân rằng:” Sao anh lại ngoại tình mà không chung thủy với vợ, không thực hiện lời hứa ban đầu trong ngày cưới với ba mẹ vợ khi cưới con gái người ta về.

Và nếu yêu Lam hơn thì sao Tuân không ly hôn để giải thoát cho Ngọc và có thể kết hôn với Lam.”

Tuân trả lời:”-  Tui và Ngọc bây giờ là giống như mặc quần áo bề ngoài vậy thôi. Ly hôn mắc công chia tài sản, con cái, lại ảnh hưởng đến danh tiếnghình ảnh của tui ở trường, của Ngọc ở viện nữa. Nên ai có mối quan tâm riêng của người ấy, không ai làm phiền ai nữa, kéo dài được bao lâu thì kéo, chừng nào hết kéo được thì tính tiếp”.

Ban đầu khi mới cưới Ngọc, Tuân rất tự hào vì đi đâu cũng được khen là mới trẻ tuổi mà thành đạt, có nhà lầu, xe riêng mà ba mẹ chàng đã dành tiền mua cho, bên gia đình vợ cũng thanh thế, giàu có. Vợ chàng cũng có chức phận trong xã hội.

Chàng lâng lâng hạnh phúccảm giác được nếm mùi thành công trong những tháng ngày chịu khó theo đuổi sự nghiệp trước đây.

Tuân cứ nghĩ cuộc sống sung sướng như hiện tại sẽ kéo dài mãi để chàng tận hưởng, chìm đắm trong nó.

Chàng có ngờ đâu cuộc đời là cõi tạm, vô thường, không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Mọi thứ đều có thể thay đổi, như hoa không nở ba tháng, người không sướng ba năm.

----

Nam không thích các buổi nhậu, chiêu đãi của đồng nghiệp cơ quan. Ban đầu là uống bia, thưởng thức đồ nhắm, người nồng nặc mùi bia, mặt ai cũng đỏ như trái gấc chín.

Sau đó là đi karaoke, các ông khật khưởng ôm vai, bá cổ các cô phục vụ trong quán.

Nam thấy không hứng thú. Chàng chỉ hứng thú với việc chơi cờ tướng cùng bác Hải gần nhà, hoặc về chùa Cổ Quang Linh cùng nhóm bạn đạo đi phóng sanh.

Đôi khi chàng phụ giúp sư thầy trồng cây dưa leo, cà chua, cà tím, đậu bắp, đậu rồng, ủ nấm rơm, chăm sóc các giò lan, gốc sứ, ươm cây hoa hướng dương, cho đàn cá koi ăn....

Rồi chàng thích thú nghe nhạc thần chú mà sư cho phát nơi loa, nghe tiếng dàn chuông gió mà sư cho treo trên cao kêu vui tai bên tượng Phật mỗi khi có một cơn gió nhẹ, nghe đàn chim bồ câu và chim chóc hót, chơi đùa với con khỉ chùa nuôi cũng rất khôn, nó hay giựt chai nước và nón của Nam.

Mỗi chủ nhật, chàng về chùa Cổ Quang Linh, được sư cho ăn cơm chay từ những trái bầu, đậu rồng... mà chùa trồng, chao, tương chùa làm... rất ngon miệng, lại được sư hướng dẫn ngồi thiền và cùng các sư trì chú, niệm Phật.

Trong các bài chú, từ chú vãng sanh, chú Chuẩn Đề, Đại bi, Như ý, cát tường thiên nữ.....trì bằng tiếng Phạn, chàng đều vượt qua được, sư phụlời khen.

Tuy chỉ có chú Lăng nghiêm mà trì bằng tiếng Phạn là chàng vẫn còn bị vấp váp, chưa suông.  

Sư phụ động viên là :” Không sao, tại con chưa có thời gian nhiều, sau này đủ duyên, có thời gian nhiều hơn thì nó sẽ dễ đối với con.”

Vừa đi làm, vừa đi học, Nam đã học lên thạc sỹ và nhận được bằng.

Một ngày nọ, chùa  Cổ Quang Linh đón một đoàn các sư người Tây Tạng qua thăm.

Các vị sư trong những bộ y màu đỏ đặc sắc của Tây Tạng, nhìn rất oai nghi.

Vị sư trưởng đoàn đã thuyết phápquán đảnh cho bà con Phật tử tham dự.

Sau đó, sư Tây tạng tặng mỗi người một chiếc vòng tay Tây tạng rất đẹp đã trì chú. Có nhiều vị sư rất trẻ, thậm chí có vẻ còn trẻ hơn Nam vì da họ trắng và nét mặt bình thản, thánh thiện, ít âu lo.

Những tà áo của các vị bay lất phất trong gió thật ngạo nghễ và cao vời, nó lôi cuốn Nam. Khi được nói chuyện với một vị sư ngoại quốc trong đoàn, chàng hoan hỷ hỏi thăm, vị sư đó  lớn hơn Nam hai tuổi.

Sư là con một duy nhất trong nhà, gia đình sư ở Singapore.

Sư cũng đã học xong MBA ở Anh quốc. Vì lý tưởng, sư đã chọn xuất gia theo phái Tây Tạng ở một ngôi chùa tại Nepal. Vị sư ngoại quốc đưa lời mời Nam khi có điều kiện thì lên chùa ở trên núi này thăm viếng, tăng đoàn rất đông, có nhiều quốc tịch khác nhau.

Sư hứa sẽ tiếp đón chàng, vì chùa rất rộng nên lúc nào cũng có sẵn phòng cho khách viếng thăm. Tuy nhiên vì nhiệt độ trên núi thấp, khoảng 12 độ nên sư dặn chàng nhớ mang nhiều áo ấm, nón len.

Nam  mỉm cười và hứa sẽ cố gắng thu xếp để lên núi Nepal thăm chùa một lần.

Nam nhớ sư phụ có lần nói:” Thân ta còn không có, nói chi đến thứ của ta, thuộc về ta. Ta từ cát bụi đến và cũng trở về cát bụi là đích cuối cùng thôi con”.

Ngày trước, ba của Nam cũng là một người thành đạt, có chức vụ cao trong công ty. Sau này trong công ty có nhiều bè phái và họ đã hất cẳng ổng ra khỏi công ty.

Ông đâm hằn học cuộc đời, tìm đến bia rượu. Ông nhìn đời dưới lăng kính chật hẹp, ông nghi kị, khó chịu với tất cả mọi người.

Rồi mọi thứ ông đều trút lên đầu mẹ Nam, có chuyện gì không hài lòng là ông về trách móc bà, chì chiết, đổ lỗi cho bà. Nam rất thương mẹ nhưng chàng để tùy bà lựa chọn.

Mọi sự việc trong cuộc sống này đều là tùy duyên. Việc đến là duyên phận, việc đi là định mệnh.

---

Ngày trước, Nam cũng yêu chân thành và tha thiết một cô gái. Tên nàng là Miên. Nàng không đẹp nhưng có duyên ngầm. Nàng có cá tính, lại thích sáng tạo và có những ý tưởng khá ngộ nghĩnh.

Chính vì cá tính mạnh nên nàng không bằng lòng với những gì hiện có. Nàng thích thay đổi, thích lấy chồng Tây. Nàng thích có quốc tịch ngoại quốc.

Miên đã phũ phàng, bỏ Nam đi theo một anh chàng Pháp tên là Pierre. Trong khi Nam cố mọi cách tìm Miên để hỏi lý do thì nàng lẩn tránh.

Nam đành viết thư, gởi tin nhắn mấy lần cho nàng nhưng cũng không có hồi âm.

Cuối cùng, Nam phải đến nhà Miên. Không gặp được Miên vì nàng đi chơi với anh chàng Pierre.

Nam chỉ gặp mẹ và em gái của Miên. Nhưng dường như cả hai người này đã được Miên dặn trước, họ chỉ nói về tình cảm của nàng và anh chàng Pierre người Pháp đang tiến triển tốt ra sao, nào là 2 tháng nữa họ sẽ cưới nhau và Miên sẽ qua Marseille sống với chồng, rồi kế hoạch sinh con, mua sắm của vợ chồng Miên ra sao.

Họ càng làm chàng đau lòng, buồn bã càng tốt, chắc là đúng ý đồ của Miên. Nam xin phép đi về dù lòng chàng tái tê.

Vừa ra đầu hẻm, Nam gặp Miên đang hôn tạm biệt chàng người Pháp.

Chờ anh chàng ngoại quốc đi khuất, Nam mới xuất hiện trước mặt Miên.

Anh chạy ra hỏi :“ - Miên, cho anh biết lý do tại sao em chia tay anh mà không nói với anh lời nào? Dù gì cũng nên cho anh biết lý do chứ.”

Miên làm mặt lạnh lùngđắc thắng:

- Đơn giản vì tui và anh không hợp nhau, không có gì là điểm chung hết. Tương lai và cá tính của anh liệu có lo nổi cho tui và con cái được hạnh phúc không. Tui cần tìm người có điều kiện tốt hơn để lo cho tui và con.”

Nam: - Anh có công việc, có tay nghề, sức lao động... anh cũng sẽ lo được mọi thứ cho em mà.

Miên: - Với bản tính lành như đất của anh, anh sẽ thua thiệt trong cuộc sống này, không chắc lo được cho tui và con đâu. Hết đàn ông này tui sẽ tìm đàn ông khác nhưng người đó chắc chắn không phải là anh. Đừng tìm cách liên lạc tui nữa.

Mỗi lời nói của Miên như ngàn dao cứa vào tim Nam. Anh đã từng nghĩ về một tương lai lâu dài với Miên.

Nam nhớ những buổi cuối tuần anh hay chở Miên về chùa. Hai đứa phụ sư làm các việc trong chùa. Nam sửa lại các đường dây điện, đèn bàn thờ Phật,  xén tỉa các nhánh cây bông giấy trong chùa.

Miên cắt hoa chuối làm gỏi chay thiệt ngon. Sau đó nàng phụ ghi thư mời gởi Phật tử về dự lễ, lau dọn các bàn thờ, cắm hoa chưng bàn thờ.

Hai đứa cùng ăn cơm, ngồi thiền với sư rồi Nam chở Miên về nhà, dọc đường hai đứa tíu tít hết chuyện nọ đến chuyện kia, trêu ghẹo nhau.

Vậy mà chớp mắt một cái đã diễn ra cảnh tượng này đây.

Nam không tưởng tượng nổi là trong cuộc đời này sẽ có lúc Miên dành những lời phũ phàng, cay đắng như vậy dành cho chàng.

----

Tuân lúc này nhờ chịu khó đầu tư đã có được học hàm là tiến sỹ. Tuy nhiên, theo các đồng nghiệp trong trường nhận xét thì dù Tuân có học vị cao đến tận tiến sỹ, mà thực tế chỉ để có tước gọi cho đẹp vậy thôi.

Vì đưa Tuân giải quyết, giải các bài toán liên quan đến kiến thức cơ bản thì Tuân cũng không giải quyết được. Trong khi đó nếu đưa bài toán này cho một sinh viên Bách Khoa hay Tự nhiên mà có nền tảng tốt thì họ lại xoay sở, giải quyết được.

Cũng thông cảm cho Tuân, vì chàng không được học và thi cử một cách bình thường. Chàng phải học chắp, học nối nhiều giai đoạn thì nó sẽ khác với một học sinh có nền tảng tốt thi đầu vào trường Đại học Bách Khoa với điểm số cao, được đào tạo chính quy, tốt nghiệp xong đi làm ở các cơ sở sản xuất rồi mới học thi vào thạc sỹ, tiến sỹ.

Tuân dù có bằng thật nhưng kiến thức lại là giả.

---

Dù đã ở với em Lam học trò, nhưng Tuân vẫn cố gắng chiều chuộng, hẹn hò với chị Kim lớn tuổi hơn Tuân.

Chị Kim là con gái một vị chức sắc ngoài bộ. Tuấn chiều chuộng Kim để dễ dàng cho việc thăng tiến và đề bạt sau này của Tuân ở trường đại học.

Một ngày nọ, Tuân đến tìm Nam, rủ chàng đi uống bia giải sầuvui chơi giải đen.

Nam từ chối vì nghĩ không phù hợp nhưng anh vẫn tìm cớ nhẹ nhàng để nói với Tuân :” Tui bận rồi anh”.

Tuân: - Đi với tui, anh sẽ thấy đã lắm. Anh chưa vợ mà, đi nhiều cho biết mùi đời, mai này cưới vợ rồi anh khỏi đi. Ý nhưng mà tui vẫn đi đây chứ đâu, đàn ông mà hì hì.

Nam: - Nếu không bận thì tui đi với anh rồi.

Tuân: - Thì tăng một mình đi uống bia ôm. Tăng hai thì tui với anh kiếm mỗi đứa một con cho mướt mát. Dạo này tui đang xui xẻo nhiều chuyện, nên tính kiếm một đứa giải đen”.

Nam: - Trời, anh đang xui mà tìm gái giải đen thì càng xui tận mạng đó. Cái này tui khuyên anh thiệt tình, còn nghe hay không  tùy anh. Đang xui xẻo muốn hết thì anh ăn chay, bố thí hay làm một việc phước đức gì đó như phóng sanh hay giúp người khác thì họa may  cái xui của anh nó bớt xuống. Chứ anh mà nghe theo mấy ông kia xúi bậy như vậy là còn xui nặng thêm, không tin thì anh cứ thử thực tế sẽ biết”.

Tuân:......

Nam: - Mà anh cũng bớt ăn mấy cái món đặc sản như heo rừng, bê thui, heo sữa đi.... ăn mấy con đó thấy cũng tội. Sát mấy con đó sợ xui toàn tập luôn đó anh.

Tuân: - Thì động vật là để cho người ăn. Nó sinh ra để phục vụ mục tiêu ăn uống của con người mà. Cũng như đàn ông sinh ra thì phải chơi bời, hưởng thụ, rượu chè và thưởng thức đàn bà. Con này không ok thì mình tìm con khác, có gì đâu”.

Nam: - Tui không biết giải thích sao cho anh hiểu, nhưng mà anh cứ thử thực tế đi, anh bớt ăn mấy con đó, bớt uống bia rượu, bớt quan hệ nam nữ nhiều đi.... anh sẽ thấy có bớt xui, bớt áp lực hơn không thì tới nói tui hay.

Tuân: - Thôi tui rủ anh mà anh không đi chơi thì tui đi rủ người khác.

Nam: - Tùy anh, nhưng tui vẫn muốn anh dù chỉ một lần thôi, thử thực hiện các điều mà tui vừa khuyên xem.

Nam chợt nghĩ, tính ra Tuân cũng là hàng ngũ trí thức, tầng lớp thầy giáo,  giảng viên trong xã hội mà còn suy nghĩ về vai trò của động vật, của phụ nữ như vậy, thì liệu các tầng lớp khác như lao động phổ thông hoặc không được đi học thì sẽ có những quan niệm ra sao nữa.

---

Nam quán chiếu lại hình ảnh của gia đình Tuân, của ba mình và của những người đàn ông hàng xóm.

Lúc nào họ cũng mang trên vai mình gánh nặng là mình sẽ làm trụ cột gia đình, rồi ra sức chạy theo công danh tiền bạc, chức vụ, danh tiếng đến kiệt sức, tới khi phát hiện ra nó không cần thiết thì chắc là đã muộn màng.

Nếu chẳng may không được như ý trong công danh sự nghiệp, những người này sẽ bất mãn, hằn học, tìm đến rượu bia để quên sầu.

Họ bất lực trút những thất bại của mình lên đầu vợ con, người thân một cách vô lý...

Rồi chàng nhớ đến hình ảnh của vị sư người Singapore đầy ung dung, tự tại đã gặp. Đó là một con người đáng kính nể, trẻ tuổi, học cao, tốt nghiệp trường danh giá, chứ không phải học chắp học nối cho có học hàm học vị như Tuân, nhưng cuối cùng thì vị lạt -ma này cũng đã buông bỏ hết mọi thứ để xuất gia, giữ giới.

Sư phụ của Nam từng nhắn nhủ rằng công đức xuất gia, giữ giới là cao nhất trong nhiều loại công đức. Trong khi công đức bố thí dù nhiều thật nhiều cũng không bằng công đức giữ giới, xuất gia.

----

Nam suy nghĩ nhiều lắm, chàng hình dung từ một đứa trẻ được cha mẹ nuôi ăn học, học xong ra trường chàng đi làm, có một chút tiếng tăm,  rồi cưới vợ sinh con, mua xe mua nhà...

Mọi việc xuôi chèo mát mái thì không sao nhưng chẳng may, nếu công việc không như ý, chàng bị mất việc, lại phải khổ sở trầy trật đi tìm việc.

Nếu việc không phù hợp chuyên môn hay nếu không tìm được việc thì sao?

Giả sử cưới vợ, thuận hòa thì không sao, nếu lỡ vợ không phù hợp với tánh của mình thì sao?

Có con, nếu con lành lặn, mạnh khỏe thì không sao, còn nếu con bị dị tật thì giải quyết sao trước miệng lưỡi người đời.

Rồi nếu con ngoan ngoãn thì không sao nhưng nếu con bướng bỉnh, hư hỏng thì tính sao?

Ôi cuộc đời này toàn những điều không thuận như ý của ta, thì ra đời người toàn là âu lo và đối phó, đương đầu chứ đâu có gì vui vẻ, lý tưởngtrường tồn mãi đâu?

Chỉ vui được một chốc nhưng sau đó trách nhiệmđau khổ, lo lắng thì lại nhiều hơn.

Người ta phải lo âu, sợ hãi từ lúc nhỏ cho đến lúc gần chết mà vẫn chưa hết lo âu, suy nghĩ, trăn trở.

Nam lại suy nghĩ: Vậy con người sinh ra để làm gì, con người khi chết thì đi về đâu? Và người ta từ bây giờ phải làm gì để phục vụ tốt cho hành trang cuối cùng của một đời người?

Sau khi chia tay với Miên, Nam mất dần niềm tin vào tình yêu.

Khi chứng kiến hôn nhân của Tuân, Nam cũng không còn tin tưởng vào ý nghĩa đẹp đẽ của hôn nhân.

Chàng tự nghĩ:  Liệu rồi sau Miên, đến với những cô gái khác sau này, một khi dành tình cảm chân thành cho họ thì chàng có bị nhận lại những lời cay đắng như Miên đã nói chàng không. Chàng bỗng e sợ thực sự.

Vì vậy Nam cũng chưa có ý sẵn sàng cho việc bắt đầu một mối quan hệ mới với một cô gái nào đó, dù ba mẹ của chàng đã nhắc nhở.

----

Sau dạo đó, Tuân không đến tìm Nam nữa.

Chỉ nghe mấy người đồng nghiệp cũ kể là Tuân đang giảng dạy, làm trưởng khoa của trường đại học điện Hà Sơn Bắc.

Tuy nhiên dạo sau này có ít học viên đăng ký dự thi vào trường đại học này, mà ít người theo học thì không đủ chi phí trả lương cho giáo viên, nhân viên.

Lương ngày càng thấp, có vài tháng trường không đủ tiền trả lương, nợ lương giáo viên mấy tháng.

Gần đây, có tin là trường này sẽ bị đóng cửa, vì cơ bản nó là trường đại học phục vụ ngành.

Sinh viên học xong khó kiếm việc làm hơn các trường bình thường khác nên càng về sau càng ít học sinh đăng kí dự thi. Chỉ còn vài tháng nữa là sẽ có quyết định đóng cửa,  giải thể trường vì trong một thời gian rất dài mà tình hình không cải thiện.

Tuân đứng trước tình cảnh mất việc, mà lúc này chàng đã lớn tuổi hơn.

Từ đó tới giờ chàng cũng chưa ra ngoài bôn ba tìm việc như Nam, chỉ được sự bao bọc của ba mẹ.

Chàng biết làm gì đây nếu trường đại học đóng cửa, còn đâu nữa những ngày tháng huy hoàng của Tuân.

Ngọc - vợ chàng - thì đã bỏ đi theo ông đồng nghiệp, sau nhiều năm căng thẳng thách đố với Tuân xem ai sẽ phải nhượng bộ bỏ ra khỏi ngôi nhà chung trước.

Hai đứa con Ngọc nhận nuôi và chúng rất ghét cha, theo những gì mà Ngọc chia sẻ với chúng thì cha chúng là một kẻ thủ đoạn, tham lam, hiếu thắng và bạc bẽo.

Nhà chung của hai vợ chồng thì để lại cho Ngọc để nuôi hai con đến trưởng thành.

Còn cô sinh viên Lam lâu nay được Tuân bao bọc, chu cấp tiền thì sống trong thoải mái, chi xài phung phí đã quen, sanh con cho Tuân rồi cô cũng bỏ nó cho người giúp việc chăm sóc.

Lam  thường đi tụ họp bạn bè, ca hát, vũ trường rồi về nũng nịu xin tiền Tuân mua sắm, ăn diện cho sành điệu.

Dạo sau này Tuân ít cho tiền hơn thì Lam đã không vừa lòng.

Hai người đã liên tục cãi vả nặng nề. Lan tuyên bố sẽ bỏ đi, để lại con cho Tuân nuôi.

Tuân biết làm gì để sống, để nuôi con đây?

Lâu nay mọi việc đều được ba mẹ Tuân sắp xếp, chu cấp từ thời đi học đến đi làm, cưới vợ... ba mẹ đều hỗ trợ tài chánh hết.

Mà nay ba mẹ Tuân cũng về hưu, hết ảnh hưởng. Thêm nữa, ngành ba mẹ chàng làm bây giờ nó cũng không còn thời thượng như trước nữa, mặt bằng chung đều bị giảm lương, vì có nhiều đối thủ nhảy vào cạnh tranh trên thị trường.

Bao khó khăn ập đến với Tuân cùng lúc làm sao chàng xoay sở nổi, trong khi chàng đã quen sống trong sung sướng.

---

Nam làm đơn xin nghỉ việc không lương ở công ty trong 3 tháng. Trước đó chàng đã cùng gia đình thu xếp, cắt đặt các việc trong nhà ổn thỏa.

Chàng quyết định lên núi Nepal tìm vị sư Latma nọ và xin ở lại chùa tu học trong 3 tháng.

Nếu thấy phù hợp thì chàng sẽ xuất gia tại đây để học hỏi thêm.

Còn không thì chàng sẽ về Việt Nam xin xuất gia với với sư phụ ở chùa Cổ Quang Linh. Nam đã thông báo cho ba mẹ và gia đình biết quyết định của mình.

 Mẹ và chị Tân thì ủng hộ chàng. Họ coi đó như là lý tưởngduyên nghiệp của chàng. Còn ba Nam, ban đầu khi biết tin là một sự phản ứng quyết liệt của ông.

Ông tìm mọi cách để ngăn cản quyết định của Nam. Cũng dễ hiểu thôi, ông chỉ có mình Nam là con trai duy nhất, một thằng con trai ngoan ngoãn, học trường chuyên của thành phố, thi đậu Bách Khoa, học lên thạc sỹ, làm giảng viên đại học, rồi vô hãng nước ngoài làm việc, một thằng con trai giống ông như đúc, cao ráo, trắng trẻo, phong độ và cũng hào sảng như ông.

Vậy mà giờ đây nó có quyết định đi tu, hỏi sao ông lại không bị sốc, thà ông có nhiều con trai đã đành, đây ông chỉ có mình nó.

Bao nhiêu dự định, tự hào, kỳ vọng ông dành cho nó.

Rồi thời gian sau đó có vẻ như ông đã thông hơn, ông lại chuẩn bị tâm lý cho con và dặn dò con trai các hành trang khi đi xuất gia.

----

Hai năm sau, Miên đến nhà tìm Nam. Lúc này Nam đã trở thành một tu sỹ ở Nepal.

Chàng ít về Việt Nam. Chỉ khi có dịp, chàng mới về thăm mẹ và gia đình. Vì mỗi lần về, đều phải quá cảnh Bangkok rất lâu, do chưa có đường bay thẳng từ Nepal đến Việt Nam.

Khi có điều kiện thì ba mẹ và chị Tân qua Nepal thăm Nam, tiện thể mọi người đi viếng vườn Lumbini- nơi Phật Thích Ca ra đời.

Ba mẹ Nam rất vui khi được viếng Lumbini, hai ông bà cứ xuýt xoa mãi, gặp người quen là cứ kể về Lumbini với một tâm trạng hoan hỷ, trầm trồ khi được viếng nơi linh thiêng này.

------

Miên sau khi say men tình cảm với chàng Pierre, được đưa qua Marseille. Khi sống chung với Pierre, nàng mới phát hiện ra do tìm hiểu chưa kỹ, nàng đã lao vào chàng như con thiêu thân.

Pierre, theo thú nhận của Miên là kẻ lòng lang dạ sói, mưu mẹo, trăng hoa, thất nghiệp, thích hưởng thụ mà lười lao động và có những thói quen bệnh hoạn. Pierre đã làm khổ Miên trong một thời gian dài. Nàng vì sĩ diện nên cắn răng chịu đựng nỗi ê chề đau đớn này. Tới khi không chịu nỗi nữa, Miên phải nộp đơn ra tòa xin ly hôn và dọn ra ngoài ở riêng.

Về Việt Nam, nàng tới nhà tìm Nam vì sau nhiều lá thư, tin nhắn được gởi, đã không thấy Nam hồi âm.

Miên tưởng tượng chắc Nam giận cô lắm, nên cô vẫn muốn gặp chàng một lần để trực tiếp nói lời xin lỗimuộn màng.

Gia đình Nam vẫn lịch sự đón cô và cho hay là Nam bây giờ không còn quan tâm đến những tình cảm xưa, những giận hờn, tổn thương ngày trước Nam cũng không nhớ đâu.

Bây giờ tu sỹ Nam với một cái tên mới chỉ nhất tâm tu hành để giúp đời và giải thoát thôi.

Miên ra về mà lòng nặng trĩu.

Phải chi ngày trước nàng chọn cách chia tay Nam trong nhẹ nhàng và ít gây tổn thương, đau lòng cho chàng nhất, thì bây giờ biết đâu Nam không phải đi tu.

Khi trở về từ Pháp, nàng có thể sẽ được vui vẻ lại với Nam như ngày xưa.

Tuy nhiên nghĩ kỹ lại, nàng cho rằng có lẽ kiếp trước Nam đã chọn lý tưởng đi tu, nên kiếp này nhân lành đó được tiếp tục nảy nở, chàng lại  chọn con đường xuất gia của mình, nó là duyên nghiệp của chàng.

 Và nàng cảm thấy an tâm, nàng thở ra. Ngày mai, Miên sẽ xuống chùa Cô Quang Linh sám hối các nghiệp chướng của mình, tiện thể thăm sư phụ luôn.

Cuối cùng, những theo đuổi, nỗ lực của Tuân chỉ là những ảo ảnh, vô ích. Chàng đã cố gắng hết sức, miệt mài dành nhiều thời gian chạy theo nó, để rồi sau đó nhận ra rằng những thứ mình đã theo đuổi đến kiệt sứcvô nghĩa.      

 

 

 

AVF B 096 Theo Đuổi Ảo Ảnh