Cảm xúc khi xem phim Tây Du Ký

19/06/20173:58 CH(Xem: 5675)
Cảm xúc khi xem phim Tây Du Ký


CẢM XÚC KHI XEM PHIM TÂY DU KÝ

Mỹ Trang

 

Vì sẽ có lúc người ta ở nơi thời gian là vô tận, nên tạm thời cho bọn trẻ nếm vị hữu hạn của thời gian.

Tôi vẫn thường nghĩ nếu như có một thứ gì đó có thể ở lại lâu dài với thời gian, ắt hẳn phải có lý do cho sự tồn tại của nó. Giống như thỉnh thoảng người ta vẫn nói có một thứ sức mạnh vô hình dẫn dắt lúc tạo ra những kiệt tác, hay khi những kiệt tác vẫn ở đó vì nó phù hợp với đạo lý của tự nhiên.

Lúc nhỏ khi xem Tây du ký, cả nhà tôi vẫn thường cười nhạo khi thấy yêu quái cứ bắt Đường Tam Tạng về rồi lại đem đi tắm, chần chừ đợi Tôn Ngộ Không đến cứu rồi thả ra. Sau này tôi nghĩ câu chuyện này thật ra mang những triết lý rất chặt chẽ về nhân quả, hay ít nhất là tôi tự tưởng tượng ra như vậy. Do từ nhỏ vị tăng ấy thấy cá hay động vật bị bắt bị đem rửa sạch chờ chết lại cứu đem thả nên tới chừng khi gặp hạn lại được báo y như vậy thôi. Từ đó tôi không còn thắc mắc vì sao mà người đi lấy kinh không phải là ai khác mà lại là ông ấy. Nếu là người khác quả thật đã chết từ lâu rồi.

Ban đầu tôi nghĩ cái hạn cuối cùng của Đường Tăng là hạn về cái bát vàng. Ngày tôi “nghĩ” ra được rằng đó là câu chuyện về vấn đề niềm tin, tôi những tưởng mình đã “nghĩ” ra được cái mà Ngô Thừa Ân cho rằng là thử thách cuối cùng của người nhà Phật. Tôi cho rằng nếu người ta nghĩ tới câu chuyện ấy với một lòng tin tưởng, người ta sẽ hiểu được rằng truyền chân kinh là cả một con đường đến với Phật. Mỗi cái nạn kia thật ra là một bài học mà Phật phải cố công sắp đặt để truyền dạy. Khi tới nơi tức là đã truyền xong chân kinh rồi, còn mấy quyển sách kia đem về không có mấy ý nghĩa, là chuyện của thế nhân vậy thôi. Hóa ra lại quên mất bài học cuối cùng là làm rơi kinh xuống nước do quên hỏi giúp việc của rùa. Với tôi, câu chuyện này mang ý nghĩa buông bỏ để tự tha thứ cho bản thân mình mới là điều khó khăn nhất cuối cùng cần học cho những người đã viên mãn.

Tôi biết Tây du ký mở đầu là câu hỏi về việc đi tìm sự bất tử. Từ xưa tới nay các vua và hoàng đế sau khi có được thiên hạ lại đều mơ về việc chống lại cái chết. Cũng có người cho rằng một đời người là quá ngắn để hoàn thành những giấc mơ nên thường cố gắng tìm nhiều thứ cách. Đến cuối cùng mới phát hiện ra những chuyện đó đều như “trồng cột, tô vách”, như “trăng dưới nước”, như “đất mới vổ để vào lò gạch”. Tôi nghĩ cái cách mà thầy Bồ Đề cho là hiệu quả nhất để mách cho Tôn Ngộ Không, mà Tôn Ngộ Không cũng chọn cách đó, là giải quyết bằng chiến tranh, chấp nhận sẽ phải nghịch lại hệ thống hiện tại, bị “trời đánh”, “trời đốt”, “gió thổi” để xây dựng luật lệ của riêng mình. Việc đó cũng không phải là chuyện đúng. Bay qua bay lại một hồi cuối cùng vẫn là không bay được ra khỏi bàn tay của đức Phật, qui luật của tự nhiên: “Thượng Đế tu tới 1550 kiếp, mỗi kiếp đều nhiều năm, ngươi công đức bao nhiêu, mà muốn tranh ngôi báu?”  Tôn Ngộ Không tới cuối chặng đường thỉnh kinh chẳng cần nói tới ai cũng biết đã không còn ý định tranh với Ngọc Hoàng nữa, không phải do bị đè dưới núi 500 năm mà là do đã hiểu được triết lý của cuộc sống.

xã hội hiện tại, ngoài phần đạo đức, ngươi ta thường hay đánh giá một con người dựa trên của cải, nhan sắctài năng. Ba thứ này dù là bẩm sinh hay thông qua dạy dỗ hầu như đều là do cha mẹ ban cho. Con người thì ai cũng có xuất thân, có hoàn cảnh, có môi trường, điều đó tạo nên tính cách. Tôi từng nghĩ chuyện xây dựng tâm tính “từ bi” một cách miễn cưỡng để cầu quả tốt thì dễ, chứ thật sự là người “từ bi” thì không biết là làm cách nào. Về sau tôi nghĩ rằng khi đứng trước người mà mình cảm thấy chán ghét hay khinh bỉ thì hãy cứ nghĩ bản thân mình ở trong hoàn cảnh của người ấy, từ khi sinh ra cho tới hiện tại, thì đã có thể làm gì khác? Đó mới là thước đo cho giá trị của một con người.  Mà nếu gặp người xấu quá thì cứ bỏ đi thôi, vì bản thân mình cũng là một thứ cần phải cung kính và đối xử tốt.

Mặc dù không hiểu nhiều về đại thừatiểu thừa nhưng tôi nghĩ hai thứ bánh to bánh nhỏ này quay quanh cùng một tâm. Bánh lớn thì bao phủ rộng hơn mà bánh nhỏ thì gần tâm hơn. Cuộc sống con người tự có sợi dây qui về chỗ ấy, mà người ta thì cứ đuổi bắt nhau lòng vòng làm xoắn xúyt thêm mớ dây nhợ lòng thòng mãi không gỡ ra xong. Những thứ hàng ngày người ta vẫn làm có thể là cái “nhân” cho tương lai nhưng cũng có thể là “quả” để giải thoát chuyện trong quá khứ. Chuyện cầm dao giết động vật thật ra là sẽ để lại quả cho kiếp sau hay chỉ là nhân duyên giải tỏa nợ nần cho người đã từng nằm dưới cán dao của con vật lúc trước? Người ta không biết được mình đang ở bên nào giữa hai đầu nhân duyên này nên không thể tự đắc khi làm đúng, cũng không tuyệt vọng lúc làm sai. Mỗi lần như thế trong đầu lại hiện lên những thứ “sắc bất dị không”, thường thì người ta hay nghĩ đến một nửa câu thôi, lại quên mất cái vế “không bất dị sắc”. Vế sau này dùng để hoàn chỉnh một câu, không phải để nhắc lại hay nhấn mạnh vế trước.

Lại nói về chuyện đúng sai, nếu những thứ tuyệt tác vẫn thường bị người ta cười nhạo thì những chuyện đúng sai khác so ra cũng chẳng đáng kể gì.

Thỉnh thoảng tôi nghĩ tới giáo lý nhà Phật và nghĩ về khoa học. Nếu như nói thế giới này là ảo thì cũng không phải hoàn toàn chỉ là vấn đề về tín ngưỡng hay niềm tin siêu hình. Hằng ngày tôi vẫn nhìn thấy người ta băn khoăn với câu hỏi muôn thuở rằng nếu con cái sinh ra mà không nghe lời cha mẹ thì phải làm thế nào để những đứa trẻ biết thế nào là việc nên làm. Tôi không ủng hộ suy nghĩ mà người xưa có vẻ đã quá thiên vị đối với kẻ “mạnh” hơn trong cái mối quan hệ cha mẹ - con cái lúc đứa con còn nhỏ. Trong Tây du ký cũng có một đoạn như thế này:

“Như Lai nói: - Khi Khổng Tước ra đời, hay ăn người ta lắm. Hút một cái hết một đám người đi đường bốn nặm dặm! Khi ấy ta ngồi trên chót núi Tuyết sơn, cũng bị nó nuốt vào bụng nữa! Ta muốn chun ra lại e nhơ uế, nên xoi lủng lưng nó mà chun ra đặng, liền bay về núi Linh Sơn, ý ta muốn giết cho rảnh, chư Phật lại can, chư Phật nói: Vì ở trong bụng nó mà ra, thì cũng như mẹ…”

Vậy chẳng khác nào chuyện “làm mẹ” cũng giống như việc làm của Khổng Tước kia. Vẫn biết rằng tiểu thuyết không phải là kinh điển nhưng nó cũng khiến người ta cần phải nghĩ lại về vai trò của mình. Quay lại việc làm thế nào để dạy dỗ những đứa bé. Có thể cách tốt nhất là cho chúng tự trải nghiệm.  Tôi nghĩ, tới một trình độ văn minh nào đó, người ta có thể tạo ra những cuộc sống ảo tương tự như việc đóng vai một nhân vật trong một trò chơi vi tính. Mà thật ra chắc gì chúng ta không phải là đang nằm trong một trò chơi như thế. Trẻ em sinh ra được đưa vào một chương trình để dạy dỗ cho tới khi đủ tiêu chuẩn rồi sẽ được cha mẹ đón về, để về đúng với vị trí của mình và làm những việc cần phải làm ở một nơi mà thời gian là vô hạn và con người là gần như hoàn hảo. Cũng có thể lắm chứ, mà tôi thì lại tìm được bằng chứng cho cái suy nghĩ ngây thơ này hẳn hoi:

"Phật dạy:

- Này thiện nam tử! Ta nay nói ví dụ: Thí như có người con của chuyển luân thánh vương dòng quán đảnh, người con đó muốn học tất cả các công việc về kỹ nghệ.v.v..., nhưng người đó căn tánh bậc trung, chẳng phải căn tánh nhậm lẹ; người đó đối với những việc nên học sau lại học trước, và những việc cần học trước lại học sau.

Này thiện nam tử! Ý ông thế nào? Người đó do việc như vậy, có thể nói người đó chẳng phải là con của vua chăng?

Đáp:

- Kính bạch Thế tôn, chẳng phải vậy. Người đó chính là con vua."

AVF B 116