Lúc không giờ dòng đời vẫn chảy

08/07/20151:39 SA(Xem: 7780)
Lúc không giờ dòng đời vẫn chảy

LÚC KHÔNG GIỜ DÒNG ĐỜI VẪN CHẢY
Truyện ngắn HỒ TRUNG LIÊN

 

Cô thủ quỹ của đoàn nhắc:

- Nhớ ghé quán cơm Âm Phủ ăn cho biết bác tài ơi.

- Còn lâu. Đoàn tối nay sẽ ăn muộn đấy.

- Nghe nói quán đã chuyển chỗ sang trọng hơn?

- Vẫn địa chỉ cũ, gần sân vận động.

Một giọng nối liền ở cuối xe:

- Cái quán đặt tên chi lạ!

- Vậy mà đông khách lắm đó…

Đến đây thì tôi ù đặc. Nói đang ngủ, không đúng. Thức, càng sai. Giữa hai trạng thái không thể diễn tả. Tôi cứ lập lờ trên chuyến tốc hành như một du hồn, lúc ngồi trên ghế, lúc lơ lửng hư không, lúc thấp nhấp nhô tựa nằm trên sóng nước trôi xuôi. Xe chật cứng. Chuyến đi có thêm một số người ngoài dự tính, tôi thấy khó chịu, cũng đành lên cho đúng lịch trình.

Chập chờn mộng mị, hễ lúc tôi mở mắt nhìn qua cửa đều thấy cát. Cứ như xe đi qua miền sa mạc dài vô tận, không quán xá nhà cửa, không cây cối động vật, chỉ có cát triền miên trắng xóa giữa cái nắng như tan chảy hết mọi thứ. Lạ là tôi cứ thấy lạnh. Ban đầu ngần ngại vớ cái chăn mỏng đắp, sau thì không để ý đến những cặp mắt xoáy vào mình nữa, co rút trong chiếc áo dạ dày cộp. Vẫn thấy như đang bay và suýt nữa tưởng chừng lọt khỏi cửa kính vèo ra phía sau như một con sứa biển.

Xe lao như bò điên, bỗng lụp ụp rồi chết hẳn lúc số còn gài. Mọi người uể oải ngóc đầu, kẻ ụn ượn ngủ nướng, đến lúc hay tin xe hư máy mới bực dọc giũ mình đùn đẩy nhau xuống. Kiếm chỗ núp bóng. Tôi ngó quanh, toàn nắng, tính thả mình thư giãn chợt thấy phía xa trước mặt có một ngôi nhà tầng ngất ngưởng. Chẳng rõ xe lúc nào sửa xong. Mặc. Không suy nghĩ thêm.

Đến gần hơn mới đọc được dòng chữ rất mờ “Nhà Nghỉ”. Ngạc nhiên khỏi nói. Giữa bãi hoang nhìn ngút mắt vẫn chỉ lố nhố những ụ trắng lại xuất hiện một dịch vụ sang trọng. Nó hút tôi như ma lực. Dẫu tôi không có ý sẽ thuê phòng nghỉ lại. Đang chuyến hành trình. Mà tôi đi đâu? Xuất phát từ đâu, có hỏi tôi cũng gạt phăng. Dường như ai tiêm vào cơ thể mình một liều thuốc mê dai dẳng, lúc tỉnh dậy đã thấy chập chờn trên chiếc tốc hành cổ lỗ. Cố nhớ làm gì.

Vào khoảng sân rộng, tôi thấy một kẻ bước kịp mình, vượt lên, tiến về phía tiền sảnh. Hắn mặc chiếc áo sặc sỡ, xanh thì như màu tiết từ gan mật, đỏ lại như máu, thứ vải tôi chưa hề thấy trên đời ngoại trừ được làm bằng giấy ở những cơ sở bán đồ tang chế. Hắn mất hút. Tôi ngẩng mặt lên nhìn tầng ba, thấy hắn đã ở hành lang với cốc rượu sẫm trên tay. Ánh mặt trời chói lóa khiến hắn như một bộ xương uốn lượn. Khùng.

Quầy tiếp tân không có ai, màn hình vi tính còn sáng. Tôi ngồi xuống bộ sa lông đặt ở góc bên trái phòng gần đó, chờ đợi. Khát, không hề thấy nước. Nhớ đến chiếc xe tốc hành. Nếu ở tầng ba chắc sẽ nhìn thấy nó, tôi tính chốc nữa sẽ lên nhòm xem sao. Cơn buồn ngủ kéo đến. Tôi mở to mắt liếc ngang dọc. Hồi nãy bước vào tiền sảnh không chú ý, thật ra có một tấm bia đặt gần cửa chính. Tôi giũ bụi đứng dậymò ra xem, chẳng rõ trong mơ hay đời thực. Điều tệ hại là chẳng xác định mình đang tồn tại ở không gian nào. Tấm bia ghi rõ ngày tháng xây nhà nghỉ, mục đích đón khách tham quan (nghiêng vai, té ra mình đang ở giữa một khu du lịch thiên nhiên). Nội dung còn ghi chú thêm, chủ nhân trước lúc khánh thành đã cúng dường một tượng Bồ tát Địa Tạng… Tôi quay người phóng tầm mắt về phía xa xem có bức tượng nào không? Chẳng thấy, vùng này lớn quá.

Gác quầy lễ tân bước ra. Hai cô gái bận áo dài trắng muốt, mỏng, nom qua kín đáo song khá sexy. Tôi ngáp dài, chuẩn bị đứng dậy tới quầy bỗng nghe tiếng nói ồn ã vọng từ ngoài. Xoay người ngó ra thấy một đoàn tay xách nách mang vồn vã tiến vào. Thoạt tiên tưởng người trên chuyến xe tốc hành hỏng máy dọc đường, nhìn kỹ lại chẳng ai quen. Khuôn mặt nào trông cũng gớm, hốc hác, có người thậm chí sau đầu bẹp kiểu như trái đu đủ chín nũn từ trên cây rơi xuống đất. Hành lý ngổn ngang. Họ xách cả ghế xếp cùng những thứ đồ đạc gia đình dạng như đến tạm trú hơn là khách nghĩ dưỡng. Tất cả bu lấy quầy, chen nhau chọn tầng cao nhất. Điên! Ở đây đâu có thang máy… Tôi buột miệng rồi khoanh tay quan sát, rất khoái. Thiếu một ly rượu chát. Bỗng nhớ tới thằng khùng trên hành lang tầng ba. Nhìn bước nhảy của hắn đủ biết đang cặp khiêu vũ với một ai đó, tôi lại không hề thấy người thứ hai. Kỳ.

Thật đặc biệt, trên thân thể của lũ người này, màu gì cũng tươi rợn, rợ như acrylic rẻ tiền... Một cô gái nghe điện thoại, lập tức có người chen vào giành nơi. Lúc trò chuyện cô hướng về phía tôi, đoạn tới ngồi hơi chệch phía đối diện. Tôi chưa thấy ai mong manh trong suốt đến vậy, như một đám mây gió thổi sẽ bay đi; vẫn thừa nhận khuôn mặt cô có cái hay, ưa nhìn. Thêm mấy người nữa kéo va li tới ngồi quanh. Phần lớn ăn nói hàm hồ, rất tự cao lại không cảm thấy điều đó ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Bà đầm có chiếc khăn choàng tợ nhúng dưới thùng máu lên, bảo nhà mới, to cao lắm cơ, điều hòa tự động đầy đủ tiện nghi, vậy mà thằng con vừa rồi hồi hương thấy nhà hàng xóm sang hơn liền thuê thợ đập xây lại, đành vào đây nghỉ ít tháng chờ xong. Cô gái vẫn bấm điện thoại nhắn tin, những ngón tay nuột nà liến thoắng trên phím. Một bà già khác, nãy giờ vẫn ngồi bệt dưới nền gạch lên tiếng: Tui chỉ ưa gian nhà cỏ hồi xưa. Thời thế xoay chuyển, con cái theo lời rủ rê bỏ nghề cá vượt biên. Trở về chúng chỉ biết đến xây nhà nở mày nở mặt. Ba tầng, vợ chồng tui quanh quẩn tầng dưới, sức mô leo cầu thang lên trên lau chùi, đêm hôm túi thui có lẽ ma đến ở nhiều lắm. Nhà chưa xuống màu sơn giờ nó đã bảo “ỉa, đập xây lại nhất phố luôn”. Khổ. 

Tôi chợt nhớ đến chuyến xe tốc hành, nó đã sửa xong? Họ đang đợi tôi, hay vứt hành lý của tôi lên vệ đường tiếp tục hướng về vô xứ. Toan quay trở lại, cơn buồn ngủ mãnh liệt kéo tôi ngã dúi. Vẫn nhìn thấy hai cô gái ở quầy lễ tân. Còn cô gái gầy như giọt nước đang rơi, mờ nhòa. Những người thời thượng mê mờ trong sự hào nhoáng vật chất và cả những người chịu nhận hệ lụy từ sự hào nhoáng đó chập chờn nhảy múa như bầy ngạ quỷ cuồng loạn. Lại thấy mình nhẹ dần, một cảm giác chỉ diễn tả chứ chưa hề được hiện thực hóa, kiểu như hồn lìa khỏi xác, lâng lâng, tôi bước khỏi tiền sảnh hướng ra bãi vắng. Con đường trước nhà nghỉ rộng thênh, như một dải phân cách đủ để du khách vơi bớt cảm giác hãi hùng trước hố thẳm mà mình đang từng ngày lao tới. Trăng non. Mờ nhạt. Những ụ trắng nhấp nhô sẫm buồn. Đôi khi hơi lạnh xuyên vào người khiến tôi nhói lên, quặn gập xuống. Lúc ánh đèn từ phía nhà nghỉ khuất lấp, một không gian khác hiện ra. Tôi bấm điện thoại xem giờ, vẫn đêm.

Mặt trăng như khối máu cô đặc tan dần, rệu rã vô vàn vệt đỏ xuống mặt đất. Ở đó những hình hài khác nhau há miệng hứng lấy từng giọt, từng giọt chảy cả vào mắt mũi chúng. Tôi núp bên một ngôi mộ, vẫn có tên thấy, nhưng chúng đang say mồi. Có ánh sáng lóe lên, tôi nhìn qua bên phải mới hay hào quang từ bức tượng Ngài Bồ tát Địa Tạng. Quanh khu đặt tượng lúc nhúc người. Bắt gặp gương mặt quen, hình như... một người cùng chuyến xe? Mừng, tôi tiến tới. Rất nhiều người khác, kể cả những hình thù lạ mắt cố chen tới bên chân bức tượng song đều tự động bị đánh bật ra. Tôi thì không thấy rào cản nào, tự tại bước vào và lạ chưa, giữa đám người lèn chặt, tôi vẫn có một khoảnh ngả lưng ngắm nhìn khối máu đỏ rợn ở lưng chừng trời.

Tiếng xe tốc hành rịn ga dội lại từ phía nhà nghỉ. Có lẽ xe còn trục trặc, họ tạm vào đó mai sửa tiếp chăng. Tôi nhổm người... (dẫu sao hành lý của tôi cũng có một số vật dụng giá trị). Lạ thay, vừa khởi ý nghĩ trở về xem tình hình thế nào đã thấy mình ngồi trước quầy lễ tân, trên bộ bàn ghế cũ. Hay là tôi vừa ngủ vùi rồi mơ màng mộng mị. Nhìn ra. Đúng là có chiếc tốc hành đậu ngang tiền sảnh, trống không, chắc hành khách đã vào nhận phòng hết. Kỳ thật, tôi chẳng nhận ra nó. Lúc lên xe đúng là tôi không để ý đến hình dáng, song điều này đâu phải là nguyên nhân đến nỗi tôi không thể nhận ra chiếc xe mình ngồi trên đó một chặng đường dài mệt mỏi. Ngó biển số, cũng không gợi điều gì. Hay tôi đang ở trạng thái mất trí. Phía quầy lễ tân, tôi vẫn nhớ hai cô gái đứng đó, và cô gái như giọt sương rơi từng ngồi bên tôi nữa. Một trong hai cô đứng quầy lễ tân bỗng cầm chìa khóa đưa cho cô gái: “Phòng của hai người”, tức với tôi. Ô!... Mà tôi hầu như không phản ứng, cứ như chúng tôi là vợ chồng vậy.

Cô ta, thậm chí cũng chẳng nhìn tôi, bỏ điện thoại vào túi rồi đứng dậy bước về phía cầu thang. Tôi theo. Phòng 901, tôi đã thấy những con số đó trên tay cô. Tầng thứ chín. Tầng cao nhất của nhà nghỉ. Lúc này não bộ tôi xuất sắc đột biến. Tôi nhớ rõ từng chi tiết nhỏ trên tấm bia đặt trước nhà nghỉ, sơ đồ các tầng cùng những dòng thông tin. Giật mình. Một ngôi nhà to đùng cao những chín tầng sao xây dựng chỉ trong một ngày rưỡi.

Lên tới, đợi tôi thấy cửa phòng, cô gái mới bước vào. Gió từ bãi hoang lùa vào. Từ lan can tầng chín này nhìn xuống chiếc xe tốc hành chẳng khác đồ chơi trẻ nhỏ. Phía sau lưng tôi hơi lạnh tỏa đến, nghĩ là cô gái đã bật điều hòa hết tốc lực. Tiếng vòi nước, chắc cô ta đang tắm. Tôi định quay người ngó vào, lại thôi. Đứng ở đây thấy toàn cảnh. Điện đang được thắp, ban đầu mờ, rồi sáng dần, sáng dần. Từng nhóm thợ hì hục đập bỏ những lăng mộ đồ sộ ốp đá kỳ công, những bức tường ngăn cách mọc lên, chỗ có cây cối thì lúc nhúc người trú ngụ, những người khác thu vén di chuyển tìm nơi nương náu. Tất cả hiện lên sống động như truyền trực tiếp qua màn hình siêu phẳng siêu nét… Đột nhiên ánh đèn pin quét lên nhà nghỉ. Một người xộc vào cổng. Tơ tướp. Trông hắn y như thoát từ quan tài trước lúc khổ chủ chuẩn bị đậy nắp với bộ đồ liệm phất phơ. Sợ bị giém luôn sinh mạng, hắn vùng chạy đến đây cầu cứu đám đông. Đến giữa sân, bỗng hắn khựng lại ngước lên rọi đèn vào tôi...  

Mở mắt. Ánh nắng đúng ngọ đang chiếu thẳng mặt tôi. Vắng. Tĩnh lặng. Tôi ngồi dậy nhìn quanh. Toàn lăng mộ. Xa hơn, rất nhiều tốp thợ vẫn miệt mài đập lăng, xây lăng. Một cô gái từ đâu lộ diện. Nhìn qua thấy quen nhưng tôi chưa nhớ đã gặp ở đâu. Thấp thoáng lờ mờ. Tôi lắc đầu dụi mắt xem có phải ảo ảnh, có phải do choáng nắng mà nhìn nhầm. Không. Cô ta còn lên giọng rất rõ:

- Anh gặp tai nạn à? Xe lao xuống vực chứ gì.

- Hả?!

- Sao anh lại đến thành phố này. Không có chỗ trọ đâu. Nhà nghỉ hết phòng rồi.

- Nhà nghỉ nào? - Tôi ngơ ngác.

Cô gái vẻ cũng ngạc nhiên không kém, chau mày, rồi “à, hiểu rồi”.

- Lúc xe gặp nạn anh đang ngủ say đúng không. Nào, theo em. Tội nghiệp…

Cô đưa tay ra, tôi nắm (song không có cảm giác gì). Vầng trăng đã méo quầng tái sạm sau lớp mây dày. Khối máu rữa dần dưới sức lạnh của âm khí, và những bóng người vẫn tìm cách leo lên theo từng sợi máu lem luốc giữa nền đêm. Cô gái dắt tôi bước về phía ấy.

H.T.L 

Tạo bài viết
21/01/2018(Xem: 21437)
12/10/2016(Xem: 19322)
26/01/2020(Xem: 12036)
12/04/2018(Xem: 20257)
06/01/2020(Xem: 11100)
24/08/2018(Xem: 9533)
12/01/2023(Xem: 3996)
28/09/2016(Xem: 25213)
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…
Nhà sư Ajahn Santamano, người đã tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine trên khắp Anh quốc trong năm qua, đang liên tục cư trú tại lều trại, nói chuyện với người qua đường và tổ chức các cuộc biểu tình để nhắc nhở mọi người về "sự thông đồng" của Hoa Kỳ và phương Tây trong cuộc diệt chủng dân Palestine. "Hoa Kỳ là thủ phạm chính gây ra cuộc diệt chủng này đang diễn ra ở Palestine", Thượng Tọa Santamano nói với Anadolu, trích dẫn việc Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp vũ khí và tài trợ Israel. Thầy đặc biệt chỉ trích các vụ đánh bom bệnh viện và vụ thảm sát hàng loạt trẻ em.