Thư Viện Hoa Sen

Những bài pháp thoại trong ba tháng an cư (10)

07/09/20151:16 CH(Xem: 15968)
Những bài pháp thoại trong ba tháng an cư (10)

blank

22- Ngày thứ 22 (Bài thứ 10)

- Chiều ngày 08/7/ÂL 

hkst thien chap tac 02
Hai thiền sinh đang thiền lao tác (ảnh: Chơn Quán)

Suốt nhiều ngày, cả chùa túi bụi công việc. Thầy xin lỗi mọi người vì đã không duy trì được liên tục các thời pháp thoại. Các buổi tối mặc dù vẫn hành thiền nhưng rõ ràng, do công việc đá cát sạn xây dựng nặng nề mà cái tâm của mọi người đa phần bị chi phối. Tuy nhiên, điều đó cũng hay, vì thầy sẽ có dịp nói đến Thiền trong công việc, trong sinh hoạt hằng ngày mới thấm thía hơn, mới giúp chúng ta thấy rõ sự thật hơn!

Bây giờ nói đến cái tâm tất bật bởi công việc. Dù tất bật công việc nhưng khi nào ta cũng chỉ làm một việc thôi. Không ai có thể làm hai việc cùng một lúc. Cũng như khi tập thiền vậy. Nó luôn luôn chỉ có một đối tượng. Không ai vừa đếm số hơi thở vừa theo dõi hơi thở. Đếm số là đếm số, theo dõi hơi thởtheo dõi hơi thở. Phải nhất quyết một đối tượng .tầm chín muồi mới có tứ, tứ chín muồi mới có hỷ. Đấy là diễn tiến tự nhiên của lộ trình thiền định.

Ở đây có người trồng cây, có người đào đất, có người bốc gạch, xúc cát, sạn; có người chuyển “giả hạ” đi đổ nơi khác. Bao giờ cũng chỉ có một công việc. Vậy ta lấy công việc ấy làm đối tượng tập thiền. Cũng tầm, cũng tứ, cũng nhất niệm làm công việc ấy. Thế là mình đã biến công việc thành đối tượng tập thiền.

Có người không cần phải chăm chú nhất niệm vào công việc như thế, mà họ chỉ cần chánh niệm, tỉnh giác trong mọi động tác, cử chỉ, lên xuống, vào ra, tới lui. Vậy cũng thiền.

Có người không cần nói chánh niệm, tỉnh giác mà chỉ nói đến ý thức. Luôn luôn có ý thức trong mọi động tác, oai nghi; vậy cũng thiền đó.

Có người chỉ làm cái gì biết cái đó, nghĩa là luôn luôn làm với tuệ tri, bởi tuệ tri – thì ai dám bảo không thiền?

Hôm các sư san bột đá nơi bãi đỗ xe. Trời nắng đổ lửa. Ai cũng mồ hôi mồ kê dầm dề. Thầy đứng trong bóng im hướng dẫn các sư làm. Thầy nghe có một sư nói: “Chánh niệm, tỉnh giác mà làm kìa!” Rồi có tiếng đáp: “Thở còn thở không ra hơi, còn đứng đó mà đòi chánh niệm, tỉnh giác”. Đâu đó có tiếng cười. Hôm đó thầy chỉ nghe rứa thôi, không nói gì cả mà cũng không đánh giá ai đúng ai sai!

Bây giờ thầy mới nói đây. Hôm đó ai cũng đúng cả. Người nói chánh niệm, tỉnh giác dĩ nhiên là đúng rồi. Nhưng người nói: “Thở không ra hơi, còn đứng đó mà nói chánh niệm, tỉnh giác... cũng đúng luôn!” Tại sao vậy? Vì khi ấy, sư ấy “đang thấy thở không ra hơi”; và đang thấy thở không ra hơi chính là cái thực đang xẩy ra, đang diễn ra! Có thấy điều đó không? Chỉ có điều, trật ở chỗ, là sư ấy tưởng rằng, “thấy mình thở không ra hơi chánh niệm, tỉnh giác” là 2 cái khác nhau. Nó là một đó. Vì khi thấy mình thở không ra hơi, đang thở không ra hơi chính là chánh niệm, tỉnh giác rồi.

hkst thien chap tac 04
Hai thiền sinh đang thiền lao tác (ảnh: Chơn Quán)

Cũng hôm ấy, thầy thấy có 2 ông sư không nói gì cả. Cả hai đang ở trong nắng. Cả hai cùng kéo một cái cào bảng, kéo cát, lùa cát, kéo tới, kéo lui rất nhịp nhàng, liên tục... Mồ hôi kệ mồ hôi. Nắng thì kệ nắng. Thầy nghĩ thầm trong tâm, 2 ông sư này đang ở trong thiền - họ có tầm,tứ, có luôn cả hỷ... nên dù nắng, dù mồ hôi nhưng họ không cảm thấy nóng, bứt rứt, khó chịu. Vì ngay khi ấy họ với công việc là một. Nếu thấy mình và công việc là 2 thì họ sẽ thấy có nắng, có mồ hồi và sinh ra mệt, khó chịu liền! Kỳ diệu vậy đó!

Hãy nhìn một vị sư đang say sưa tạo cảnh. Hãy nhìn một vị sư đang tỉa tót, gắn kết một cụm lan. Hãy nhìn một chú điệu đang mải mê tưới cây. Hãy nhìn ông sư già đang cặm cụi vắt cả một đống chanh làm nước uống. Hãy nhìn một ông sư “cao tăng” (ông sư cao) và một ông sư “đại sư” (ông sư to) quét rác hằng ngày từ góc vườn này sang góc vườn khác. Họ chăm chú, mải mê công việc, cho chí khi thầy đến gần bên mà họ cũng không hề thấy...

A, thì ra họ đang thiền cả đấy. Đang nhất tâm với công việc cả đấy. Vậy các sư, các ni, các chú muốn thiền trong đời sống hằng ngày ở đâu nữa? Nó ra làm sao nữa?

Nói tóm lại, như một nghệ sĩ lướt patin trên tuyết, như một nghệ sĩ vũ ba-lê, như một nghệ sĩ với tác phẩm hội hoạ, như một nghệ sĩ với tác phẩm điêu khắc, như một nghệ sĩ với cây đàn, như một nghệ sĩ đang làm xiếc trên dây... tất cả họ đều có chú niệm, nhất tâm, người và hành động là một. Nếu tác giả tách rời tác phẩm thành hai thì họ đã đánh mất giây phút sáng tạo, đánh mất giây phút biễu diễn tuyệt vời. Cho chí bơi lội, điền kinh, đá banh... nếu là tuyệt vời, vô địch.. thì trong giây khắc đó họ đều là nghệ sĩ cả! Là một cả. Giây phút sáng tạo, là một, giây phút say mê, xuất thần với công việc, với tác phẩm cũng “quên trâu, quên người” như bức tranh chăn trâu thứ 8 vậy.

Nhưng tất cả họ khác ông sư một điều quan trọng nhất – chính là hướng tâm. Ông sư vào thiền thì ly dục, còn tất cả họ là hướng đến các dục. Chắc hẳn như vậy rồi. Khác nhau ở chỗ đó vậy!

Các con vào được thiền là vào với giây phút sáng tạo của tâm linh rất tuyệt vời đó. Nó vắng mặt ý thức thường nghiệm.sáng tạo như thế nào thầy sẽ giải thích vào một dịp khác.

Bây giờ thở đi, sáng tạo từng giây khác mới mẻ hiện tiền đó!

Tối ngày 08/7/ÂL

Hồi chiều thầy nói đến Thiền trong công việc. Thế là sau đó có người hỏi, tại sao trong công việc lại chú tâm được, mải mê, say mê với công việc được; còn công việc đếm, công việc thở sao lại dễ hôn trầm, thuỵ miên hoặc buông lung, phóng dật... không thể chú tâm liên tục được?

Đấy là câu hỏi hay.

Bây giờ hãy nghe đây. Sở dĩ đối tượng công việc, sáng tác phẩm lại dễ mải mê, dễ nhất tâm hơn là công việc nội quán – vì ít nhất có 10 lý do sau đây:

- Thứ nhất là vì quen hướng ngoại: Từ lúc sinh ra, ấu nhi, thiếu niên, trưởng thành... chúng ta đều hướng ngoại, hướng ra bên ngoài để thu góp kinh nghiệm, dữ liệu, kiến thức... và dường như chưa bao giờ hướng vào bên trong cả. Vì bên trong chẳng có cái gì cả ngoài tim gan phổi phèo... ! Hướng ngoại đã thành thói quen, thành bản chất của cái tâm - còn hướng nội đối với một số người mới tập thiền thì nó là lần đầu, nên rất khó, vì nó cứ nhảy đi!

- Thứ hai, đối tượng bên ngoài là sắc, thanh, hương... là cái gì dễ khả ái, khả hỷ, khả lạc... dễ hấp dẫn lôi cuốn hơn. Khi thiền trong công việc, là hoa, là cảnh, là rác, là cát, là đá, là xanh, là trắng, là khói, là bụi... tuy không khả ái, khả hỷ nhưng cũng lôi cuốn hơn đối tượng là số đếm, là hơi thở chẳng thú vị gì!

- Thứ ba, đối tượng trong công việc nó rõ ràng, nó to lớn nên dễ nắm bắt, còn đối tượng số đếm, hơi thở do mơ hồ, vi tế nên khó chú tâm vào đấy.

- Thứ tư, đối tượng bên ngoài nó sờ sờ ra đó, nó cụ thể, có hình tướng, có âm thanh, có hương, có vị... còn số đếm, hơi thở nó không cụ thể, nó chẳng có mùi màu gì nên khó nắm bắt.

- Thứ năm, khi làm công việc bên ngoài ai cũng thấy là nó có ích lợi thật sự, cái ích lợi có thể đo đếm, tính toán, xác định được – còn đếm số, theo dõi hơi thở... nó tựa như làm việc vô ích vậy!

- Thứ sáu, công việc bên ngoài thì mình hoàn thành được nhiệm vụ, bổn phận được giao, mình tạo được nơi ăn, chốn ở, tăng thêm cảnh trí đẹp, phục vụ mình và người – rõ ràng là nó có ý nghĩa, có giá trị hơn số đếm và hơi thở nhiều.

- Thứ bảy, công việc bên ngoài thì lợi ích cho đại chúng, mình lại tích luỹ thêm công đức, phước báu...

- Thứ tám, công việc bên ngoài nó đáp ứng được cái tâm lăng xăng cố hữu trong mỗi chúng sanh nên dễ thực hiện – còn đối tượng nội quán bắt nó phải dừng nghỉ, ở yên cái tâm lăng xăng nên nó khó hơn là dĩ nhiên.

- Thứ chín, cũng do tất cả những điều ấy nên nội quán bao giờ cũng đi ngược với phạm trù quyền lực của nghiệp dị thục nên nó phản ứng, nó bày trò ra đấy!

- Và thứ mười, là quan trọng nhất, lộ trình bên ngoài thường là hữu vi, bản ngã, được cái gì đó; còn lộ trình bên trong có khuynh hướng tĩnh chỉ, vô vi, vô dục, vắng lặng bản ngã, sở đắc nên nó thù diệu hơn, gần cứu cánh phạm hạnh hơn.

Vậy đếm số, theo dõi hơi thở khó khăn hơn nhiều, đòi hỏi công phu, chịu khóthời gian, cụ thể là tấn và niệm phải thuần thục. Đây là giai đoạn không thể lướt qua, đi qua mau chóng được. Nhưng qua được rồi thì êm đó. Con trâu hoang dã cần phải xỏ mũi, buộc giàm mới lôi cổ nó về nhà được. Tương tự giới, có giới mới có định vậy.

MỤC LỤC

Chú thích riêng:

Phần tô mầu là do người phụ trách post bài thực hiện

Tạo bài viết
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: