HỘI SINH VIÊN PHẬT TỬ
Nên gọi là Hội Chị Em Phật Tử, hay nên gọi là Hội Tỷ Muội Phật Tử? Nói cho thuần Việt, đúng ra là cũng phải dùng tiếng Hán-Việt, nhóm chữ Hội Chị Em Phật Tử nghe dễ hiểu hơn với giới trẻ… Trong giới sinh viên Hoa Kỳ, chữ sorotity dùng để chỉ các hội nữ sinh viên. Vấn đề là, trong tương lai sẽ có những hội sinh viên Phật Tử tại Hoa Kỳ, và tại Việt Nam hay không? * Sinh viên Hoa Kỳ thường có những hội sinh viên riêng để tương trợ nhau, giúp nhau trên đường học vấn. Hầu hết các hội này mang các tên truyền thống Hy Lạp, một số là các hội sinh viên Ky tô giáo. Và bây giờ, dự kiến sẽ có những hội sinh viên Phật tử. Một bản tin AP tựa đề “S. California man proposes Buddhist fraternity and sorority” (Một người đàn ông Nam California đề nghị lập các hội nam sinh viên và hội nữ sinh viên Phật tử) đăng ngày 8 tháng 9-2015 trên báo The Press Democrat. Ghi nhận rằng “fraternity” thường dùng chỉ là các hội nam sinh viên trong các trường đại học Hoa Kỳ, tuy giúp nhau về mặt xã hội nhưng cũng giữ liên hệ hoạt động sau đó trong cuộc đời, đôi khi tới mức bị chỉ trích là thiên vị cho người trong hội. Hội sinh viên Delta Kappa Epsilon (DKE) lúc đầu ở Đại học Yale nổi tiếng là một trong các hội nam sinh viên xưa cổ nhất Hoa Kỳ (lập năm 1844), bây giờ có 54 chi nhánh, kể cả ở các đại học nổi tiếng như Princeton University, hay University of California, Berkeley… Mỗi chi hội chọn riêng một chữ Hy Lạp kèm theo để chỉ định nơi học. Thí dụ, chi hội đầu tiên ở Yale là Phi chapter. Hay DFE ở đại học Vanderbilt University chọn tên kèm là Gamma chapter (chi hội Gamma). Phương châm công khai của hội DKE là "Kerothen Philoi Aei" (câu tiếng Hy Lạp này có nghĩa là: Các Bạn Trong Tim, Vĩnh Viễn). Phương châm bí mật không phổ biến. DKE có một huy hiệu gài trên áo. Hội DKE có 5 cựu sinh viên về sau trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ: Rutherford B. Hayes, Theodore Roosevelt, Gerald Ford, George H. W. Bush, và George W. Bush. Hai vị Tổng Thống cuối trong danh sách trên là hai cha con nổi tiếng trong hơn 2 thập niên qua. Tình thân trong hội thời đi học, dù không cùng trường, vượt qua mọi ngăn cách chính kiến. Trong Cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ, khi Trung úy Bắc quân Edwin S. Rogers (chi hội Theta của DFE), từ tiểu bang Maine, bị trúng đạn và chết vài giờ sau. Khi hấp hối nơi chiến trường Cold Harbor, tháng 6-1864, Rogers được chăm sóc bởi một Nam quân từ chi hội Psi từ tiểu bang Alabama, và huy hiệu DKE của Rogers trên ngực áo được gỡ ra để gửi về cho gia đình Rogers, kèm lá thư giải thích. Nam quân khi chăm sóc Rogers trong giờ hấp hối, nói rằng hai người 2 chiến tuyến nhận ra nhau qua huy hiệu DKE. Rogers nói là từ chi hội Theta của DKE, và Nam quân kia nói là từ chi hội Psi của DKE từ Alabama. *
Bản tin AP kể rằng đại học San Diego State University có thể sẽ là nơi đầu tiên lập các hội nam và nữ sinh viên Phật tử. Jeff Zlotnik, sáng lập viên ngôi chùa Dharma Bum Temple (Chùa Phật Tử Bụi Đời) ở phố chính San Diego, Caliofrnia, nói rằng ông hình dung rằng hội sinh viên Phật tử có thể mở lớp về Phật học và hướng dẫn Thiền tập để giúp sinh viên đối phó với căng thẳng, lo âu, trầm cảm. Ông nói với báo The San Diego Union-Tribune rằng ông không nghĩ tới chuyện lập một hội đoàn tôn giáo kềnh càng, mà chỉ là một tổ chức văn hóa thôi, cũng không tìm cách chiêu dụ ai để cải đạo vào Phật giáo.
Hai vị mới thiết lập ra các hội sẽ gọi tên là hội nam sinh viên Delta Bet Tau và hội nữ sinh viên Delta Beta Theta. Zlotnik, 40 tuổi, sinh quán ở San Diego, từng sinh hoạt hội khi là sinh viên ở đại học University of Arizona, nói kiểu vui chơi Hy Lạp trong các hội này cũng có thể giúp sinh viên trưởng thành một cách trách nhiệm. * Giáo sư Sandra Wawrytko nói rằng bà có nói về các hội tân lập này trong các lớp bà dạy về Phật giáo và triết lý, và bà nghĩ rằng sinh viên của bà có ý muốn tham gia hội. Bà nói rằng các hội mới này, hội nam sinh viên Phật tử và hội nữ sinh viên Phật tử, làm khuôn viên đại học thấy mô hình mới.
Cô Walsh nói: “Trước kia đã có một câu lạc bộ thiền tập ở trường rồi, và bây giờ chúng tôi hồi phục lại. Chúng tôi gọi đó là Aztec Dharma Bums (Những Phật Tử Da Đỏ Aztec Bụi Đời). Đó sẽ là lối vào hội anh em Phật tử và hội chị em Phật tử. Tôi nghĩ nhiều người sẽ muốn tham dự.” Tổ chức liên hội sinh viên Bắc Mỹ có tên The North-American Interfraternity Conference nói rằng chưa có tổ chức sinh viên Phật tử nào theo mô hình Hy Lạp tại Mỹ, theo lời Zlotnik. Ông nói, nếu thành công, ông hy vọng phát triển sang các khuôn viên đại học khác. Zlotnik nói ông được khích lệ sau buổi họp hôm Thứ Sáu tuần trước với một viên chức trường về thủ tục lập chương trình cho hội, mặc dù ông nói cần vài năm mới xong. Ông nói, “Đó là một tiến trình dài, nhưng một phần của pháp tu nhà Phật là phải kiên nhẫn.” * Nói chuyện Mỹ xong, là nói chuyện ta. Cũng cần suy đoán rằng sẽ tới một lúc, nhà nước VN cho phép tự do lập hội, vì đây là điều kiện gia nhập hiệp định TPP -- theo lời ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong bài phỏng vấn trên Vietnamnet tựa đề “Chúng ta chỉ còn hai lựa chọn, mở cửa hay là chết” (http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/260845/-chu-ng-ta-chi--co-n-hai-lu-a-cho-n--mo--cu-a-hay-la--che-t-.html). Suy nghĩ rằng, khi ông Kiên nói sẽ cho tự do lập hội, ông dẫn chứng là sẽ có Hội Thợ May Nghệ An, tất nhiên hiểu ngầm là sẽ có những hội đoàn khác, thí dụ như Hội Thợ May Phật Tử. Tương tự cũng sẽ có nhiều hội đoàn khác, thí dụ như Hội Sinh Viên Phật Tử. Các tôn giáo khác tất nhiên cũng sẽ những môi trường mới để hoạt động. Như vậy, sau khi hiệu lực TPP, các Hội Sinh Viên Phật Tử tương lai tại VN sẽ có thể đóng góp những gì cho nền giáo dục và xã hội VN? Các cư sĩ và huynh trưởng Gia Đình Phật Tử nghĩ gì, chuẩn bị gì để trưởng dưỡng hạt giống Phật? |