KỸ NĂNG SỐNG BÌNH AN VỚI BỆNH UNG THƯ
Theo số liệu thống kê tháng 4 năm 2019, Việt Nam có 165.000 ca mới mắc ung thư/năm, 115.000 ca tử vong do ung thư mỗi năm và hiện có trên 300.000 người đang chiến đấu với ung thư.
Nỗi đau trên thân do bệnh mang lại đã khủng khiếp lắm rồi, nhưng nỗi đau nơi nội tâm mới càng khủng khiếp gấp nhiều lần hơn thế nữa. Vì sao vậy?
Vì rằng đối với nhân loại nói chung (chỉ trừ các bậc giác ngộ), khi con người tiếp xúc với thế giới thì sẽ phát sinh thực tại là 3 loại cảm giác (Thọ) gồm cảm giác dễ chịu (Lạc Thọ), cảm giác khó chịu (Khổ Thọ), cảm giác trung tính (Bất Khổ Bất Lạc Thọ). Với đối tượng là cảm giác dễ chịu thì sẽ đưa đến thích thú, ràng buộc (thuật ngữ Phật học gọi là Tham) với đối tượng, nhưng cảm giác có tính chất Vô thường, Vô ngã, sinh lên rồi diệt đi, không thể làm chủ, điều khiển được, do vậy mà phát sinh Khổ nơi nội tâm, Khổ này là do sự biến hoại của lạc thọ (vị ngọt, hạnh phúc) nên thuật ngữ Phật học gọi là Hoại Khổ. Với đối tượng được xác định là cảm giác khó chịu thì sẽ phát sinh thái độ chán ghét, xua đuổi (Sân), nhưng cảm giác vốn là Vô ngã, không ai làm chủ được nó, hễ có duyên xúc là nó phải sinh khởi, không thể làm cách nào để nó không sinh khởi khi có xúc cả, do vậy cũng ràng buộc với đối tượng, từ đó mà phát sinh Khổ nơi nội tâm, Khổ này là Khổ chồng thêm Khổ nên thuật ngữ Phật học gọi là Khổ Khổ. Với đối tượng trung tính thì phát sinh hành vi tìm kiếm đối tượng dễ chịu khác thay thế đối tượng trung tính (thuật ngữ Phật học gọi thái độ này là Si) nên cũng ràng buộc với đối tượng, mà phát sinh Khổ nơi nội tâm, Khổ này thuật ngữ Phật học gọi là Hành Khổ.
Dễ chịu - Thích - Ràng buộc - Hoại Khổ
Khó chịu - Ghét - Ràng buộc- Khổ Khổ
Trung tính - Tìm kiếm - Ràng buộc- Hành Khổ
Vậy nên, dù đối tượng dễ chịu, khó chịu hay trung tính thì trên lộ trình tâm của phàm phu đều phát sinh Khổ nơi nội tâm. Có 6 lộ trình tâm tương đương với 6 nhập (6 xúc xứ), mỗi lộ trình lại phát sinh 1 trong 3 loại cảm giác, và đều đưa đến Khổ nơi nội tâm, như vậy tổng tất cả có 18 cái Khổ nơi nội tâm và 1 cái Khổ thọ trên thân đối với nhân loại nói chung. Lộ trình tâm chung của nhân loại sẽ diễn ra như sau:
Xúc (Căn + Trần) - (Thọ - Tưởng) - Tà niệm - Tà tư duy - Ý thức Tà tri kiến - Tham Sân Si - Tà định - Dục - Phi như lý tác ý - Tà ngữ, Tà nghiệp, Tà mạng - Hoại khổ, Khổ khổ, Hành khổ
Với người khoẻ mạnh hoàn toàn, thì nơi nội tâm họ vẫn có đến 18 cái Khổ. Còn với người ốm bệnh, thì họ phải chịu đủ trọn 19 cái Khổ.
Vậy 18 cái Khổ tâm là do đâu? Là do hiểu biết sai lạc của con người về thực tại mà đưa đến thái độ thích (Tham) hoặc ghét (Sân) hoặc trung tính (Si) với các đối tượng của thực tại, cho nên phát sinh Khổ. Hiểu biết sai lạc đó chính là: thực tại vốn là 6 loại cảm giác (Thọ) do duyên 6 căn (con người) tiếp xúc với 6 trần (thế giới) mà phát sinh, nhưng loài người lại mặc định là thế giới vật chất sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, cho nên họ hiểu hạnh phúc hay khổ đau cũng đều nằm nơi thế giới ngoại cảnh, sẵn có, luôn có nơi thế giới đó nên có tham ái với các đối tượng của thực tại. Bình thường khi khỏe mạnh, con người tìm thú vui nơi những hoàn cảnh dễ chịu, chán ghét hoàn cảnh khó chịu nên luôn tìm cách thay đổi hoàn cảnh từ khó chịu sang dễ chịu. Đó chính là sự tham ái đối với dục lạc, thuật ngữ Phật học gọi là Dục hỷ Dục lạc (Dục ái), vậy nên Dục ái là nguyên nhân phát sinh Khổ nơi nội tâm. Nhưng khi có ốm bệnh, khi gặp hoàn cảnh đe dọa đến tính mạng, thì những thông tin về tham ái đối với sự sống, sự hiện hữu được lưu giữ nơi bộ nhớ tâm thức trong cấu trúc ADN của tế bào tập khởi từ vô thủy kiếp được kích hoạt, đó chính là Dục hỷ Hữu (Hữu ái). Nên nguyên nhân phát sinh Khổ lúc này chính là Hữu ái. Do Hữu ái được kích hoạt mạnh mẽ mà khiến con người rơi vào tình trạng hoang mang, lo lắng, sợ hãi đến cực độ, từ đó phát sinh Khổ nơi nội tâm.
Vậy có cách gì để chấm dứt những nỗi khổ nơi nội tâm kia không?
Chỉ có 1 cách duy nhất đó là thay đổi lộ trình tâm của người phàm phu là Bát Tà Đạo có Khổ và Nguyên nhân Khổ thành lộ trình tâm Bát Chánh Đạo của bậc giác ngộ Vắng mặt Khổ (Khổ diệt) bằng cách tu tập Bát Chánh Đạo siêu thế. Pháp hành tu tập Bát Chánh Đạo chính là Tứ Niệm Xứ, tức thực hành 4 loại Chánh niệm gồm Chánh niệm về thân (quán thân nơi thân), chánh niệm về thọ (quán thọ nơi thọ), chánh niệm về tâm (quán tâm nơi tâm), chánh niệm về pháp (quán pháp nơi các pháp).
Với chánh niệm về thân, hành giả sẽ kinh nghiệm được trạng thái Tỉnh giác, tức là dừng lại cái biết trực tiếp nơi các giác quan với tính chất vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt... mà không cho khởi lên tâm biết ý thức (cái biết của trí óc), tâm lý học hiện đại gọi là nhận thức cảm tính đối tượng, còn trong Kinh Pháp môn căn bản thuộc Trung bộ kinh gọi là Thắng tri đối tượng. Trạng thái này cũng chính là trạng thái Không Tánh hay là Ngoại Không. Hãy hình dung một đứa trẻ vừa mới đẻ ra tức thì, nó vẫn thấy đối tượng nhưng không hề biết nó là cái gì, tính chất ra sao, vì vậy nó không có thái độ thích (Tham) hay ghét (Sân) với đối tượng, do vậy mà không phát sinh Khổ nơi nội tâm. Tương tự như thế, với đề mục quán thân này, hành giả cũng sẽ không còn phát sinh thái độ thích ghét với mọi loại đối tượng nên sẽ không phát sinh Khổ nơi nội tâm, và hành giả sẽ kinh nghiệm được trạng thái bình an, có cái vui nhè nhẹ và sự thoải mái nơi nội tâm do an trú Sơ thiền, Nhị thiền, cảm nhận sự êm ái, khỏe khoắn trên thân do an trú Tam thiền và hiện tại lạc trú của việc an trú Tứ thiền. Do dừng lại ở cái biết xảy ra nơi giác quan mà không khởi lên ý thức phân biệt nên đề mục quán thân nơi thân như vậy còn được gọi là pháp tu Chỉ, chỉ tức dừng lại, dừng lại ở cái biết trực tiếp. Lộ trình tâm sẽ diễn ra như sau:
Xúc (Căn + Trần) - (Thọ - Tưởng) - Chánh niệm - Chánh tinh tấn - Chánh định [Tỉnh giác]
Khi hành giả chuyển sang quán thọ, quán tâm, quán pháp, tất cả những đề mục này gọi chung là pháp tu Quán, thì từ trạng thái Tỉnh giác như trên, sẽ phát sinh hành vi tư duy, so sánh, đối chiếu, phân tích, tổng hợp giữa 2 lượng thông tin gồm lượng thông tin Minh do Chánh niệm kích hoạt trong bộ nhớ tâm thức do Văn tuệ và Tư tuệ mà có với lượng thông tin là cảm thọ do tâm biết Tỉnh giác cung cấp, từ đó mà phát sinh cái biết ý thức Chánh tri kiến, là hiểu biết đúng sự thật về những gì được thấy, được nghe, được cảm nhận là cảm giác (Thọ), nó do duyên xúc giữa 6 Căn và 6 Trần mà phát sinh, nó có tính chất vô thường, vô ngã, nó có vị ngọt (hạnh phúc), sự nguy hiểm (nếu tham ái và ràng buộc) và sự xuất ly (hiểu biết về sự nguy hiểm). Với ý thức Chánh kiến như vậy nên sẽ không còn phát sinh thái độ thích hoặc ghét (Tham Sân Si) với đối tượng nữa, do không phát sinh thái độ nên cũng còn phát sinh Khổ vui với đối tượng, và sẽ đưa đến sự tác ý hành vi đối xử với đối tượng một cách chuẩn mực, nên hành vi đó cũng không còn đưa đến tạo tác quả khổ. Lộ trình tâm sẽ diễn ra như sau:
Xúc (Căn + Trần) - (Thọ - Tưởng) - Chánh niệm - Chánh tinh tấn - Chánh định - [Tỉnh giác] - Chánh tư duy - Ý thức Chánh kiến - Như lý tác ý - Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng
Lộ trình tâm như vậy gọi là lộ trình tâm Bát Chánh Đạo siêu thế, chỉ có ở các bậc giác ngộ và những người tu tập Bát Chánh Đạo siêu thế khi an trú được tối thiểu là trạng thái Sơ thiền. Nếu lộ trình tâm dừng lại ở Tỉnh giác với 4 bậc thiền của Chánh định thì sự giải thoát đó gọi là Không giải thoát hay Tâm giải thoát, nếu lộ trình tâm dừng lại ở cái biết ý thức Chánh tri kiến thì sự giải thoát đó gọi là Tuệ giải thoát, còn lộ trình tâm kết thúc ở Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng thì sự giải thoát đó gọi là Vô tác giải thoát và Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng phát sinh trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo siêu thế này mới chính là Thánh Giới Uẩn cao quý của bậc thánh, mới là giới trọn vẹn, viên mãn, không bị sứt mẻ, nó không do việc giữ giới đơn thuần mà có được, mà phải là do sự hiểu biết đúng sự thật thực tại mà phát sinh. Việc tu tập Bát Chánh Đạo phải trải qua lộ trình Văn - Tư - Tu, bước đầu là phải nghe giảng hoặc tự nghiên cứu kinh sách để có được Văn tuệ, sau đó phải tư duy trên nền tảng Văn tuệ mà có được Tư tuệ, và cuối cùng sự thực hành Bát Chánh Đạo tức là luyện tập 4 loại chánh niệm (Tứ Niệm Xứ) để có được Tu tuệ. Nếu chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu kinh sách và tư duy mà không thực hành Tứ Niệm Xứ thì sẽ không bao giờ thân chứng được những gì được học, không bao giờ đưa đến giải thoát, và cho dù có thông làu cả Tam Tạng kinh điển đi chăng nữa cũng chỉ là tư duy lý luận suông, thì đó chưa phải là tu theo Phật, tu theo Phật là "đến để mà thấy chứ không phải nhờ người khác thấy hộ". Tứ Niệm Xứ chính là pháp hành Bát Chánh Đạo, là con đường duy nhất đưa đến giải thoát khổ đau, chính vì vậy mà trong kinh Niệm xứ, Đức Phật nói rằng: "Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Đó là Bốn Niệm xứ." Có thực hành Tứ Niệm Xứ mới có thể thân chứng được những điều mà Đức Phật đã giác ngộ như trong kinh Phạm võng, Trường Bộ kinh Ngài đã tuyên bố:
"Ngài như thật tuệ tri sự tập khởi, sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ tuệ tri vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp thủ. Những pháp ấy, này các Tỷ-kheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những người có trí mới có thể phân biệt. Những pháp ấy Như Lai đã tự chứng tri, giác ngộ và truyền thuyết. Và chính những pháp ấy, những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến."
(Trường Bộ Kinh - Digha Nikaya, 1. Kinh Phạm võng (Brahmajàla sutta), Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt)
Nếu một người tu tập đến thành tựu viên mãn, có nghĩa là hoàn toàn không còn Tham đối với Lạc Thọ, không còn Sân đối với Khổ Thọ, không còn Si đối với Bất Khổ Bất Lạc Thọ, nói gọn là đã đoạn tận Tham Sân Si thì vị ấy có thể chấm dứt được hoàn toàn18 cái Khổ nơi nội tâm.
Như vậy, nếu một người bị bệnh ung thư hay bất cứ một loại bệnh hiểm nghèo nào khác mà luôn sống với lộ trình tâm Bát Chánh Đạo siêu thế, thì vị đó chỉ còn duy nhất 1 cái Khổ thọ trên thân do bệnh mang lại, nên dù thân thể có đau đớn đến mức nào, nội tâm vị đó vẫn hoàn toàn an lạc, không có phiền não, không có sợ hãi hay lo lắng gì cả. Vị đó khi đã chấm dứt Hữu ái, đoạn tận Vô Minh, mọi lậu hoặc được tiêu trừ sẽ sống thảnh thơi đến khi trút hơi thở cuối cùng và an lạc ra đi trong giải thoát, sẽ không còn phải chịu bất kỳ một cái Khổ nào nữa, sẽ không còn hiện hữu bất cứ ở đâu, dưới bất kỳ hình thức nào. Đó gọi là Vô dư Niết bàn, là sự nhập diệt của một vị A-La-Hán.
Với bản thân Sakya Sông Lam, là một bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo, đã sống chung với bệnh suy tim giai đoạn IV và xơ gan hơn 10 năm nay, khi còn chưa biết đến đạo Phật thì cuộc đời cảm thấy như là địa ngục chốn trần gian. Những nỗi đau trên thân đã làm cho thể xác hao hầy, kiệt quệ, lại cộng với những nỗi đau nơi nội tâm do mất mát, do sân hận oán trách số phận và cuộc đời vẫn bao ngày dằng xé nội tâm. Từ một sinh viên năm cuối khá giỏi nơi Học viện Báo chí và Tuyên truyền, với bao hy vọng về một tương lai tốt đẹp. Nhưng bất ngờ cơn bạo bệnh ập đến, gia đình đã chạy chữa đủ đường, từ bệnh viện E đến bệnh viện Bạch Mai gần như là nơi thường trú, gia đình cũng phải bán đất vườn để lo chạy chữa, nhưng bệnh không thuyên giảm mà ngày càng nặng. Đến tháng 9 năm 2011 thì bệnh viện cho xe cấp cứu trả từ Hà Nội về quê Nghệ An để gia đình lo hậu sự mai táng. Thế nhưng về nhà bệnh vẫn cứ thế, không chết được, gia đình lại tìm đủ các thầy thuốc Đông y nhưng cũng vô phương cứu chữa, và Sông Lam phải đành chấp nhận sống chung với bệnh hiểm nghèo với những nỗi đau nơi thân cộng với nỗi khổ tâm mang lại. Đã bao lần Lam có ý định tự vẫn nhưng không thành. Hàng năm trời trôi qua, dùng đủ loại thuốc, bệnh có giảm chút ít nhưng những nỗi đau nơi tâm thì vẫn cứ dằn vặt đêm ngày. Và rồi một ngày nọ lướt mạng để tự mày mò nghiên cứu Phật pháp, Lam có duyên gặp được một vị Tỷ kheo tu theo hệ phái Nam tông, Lam đọc bài và cũng hiểu đôi phần, cuối cùng quyết định tham gia 1 khoá tu Bát Chánh Đạo 10 ngày do sư đó hướng dẫn. Từ đó, Sông Lam có được những hiểu biết cơ bản ban đầu về Phật pháp và thực hành cũng trải nghiệm được một chút về các trạng thái Chánh định, do vậy mà quyết tâm tu tập, xác định đây là con đường đi của đời mình, không có một con đường nào khác. Nhờ có những hiểu biết đúng sự thật về sự giác ngộ của Đức Phật, sự thật về sự tập khởi và sự đoạn diệt các pháp, lý Duyên khởi, Vô thường, Vô ngã, Tứ Thánh Đế, Bát Chánh Đạo cùng với sự thân chứng mà mình được trải nghiệm, mà những nỗi khổ nơi nội tâm do tiếc nuối những điều mất mát, do sân hận với những nghịch cảnh, do tìm kiếm sự thoát ly mà không được… ở nơi Lam dần được giảm. Và hiện tại bây giờ, Bát Chánh Đạo đã gần như là một lối sống hàng ngày của Sông Lam vậy. Giờ đây, dù hoàn cảnh có biến chuyển tốt hay xấu, thuận hay nghịch, khả ý hay không khả ý… như thế nào đi chăng nữa, thì không làm mất đi sự bình an nơi nội tâm của Sông Lam được. Sự thật là vào tháng 10 năm 2019 vừa rồi, Sông Lam có đi bệnh viện kiểm tra sức khoẻ thì phát hiện có khối u ác tính nơi vùng gan với kích thước 46 * 48 mm, nhưng khác với trước đây, nội tâm vẫn hoàn toàn bình thản, không có lo lắng, không có sợ hãi. Từ khi phát hiện ra mình bị ung thư như vậy, Sông Lam lại càng xác định con đường tu tập Bát Chánh Đạo là sự lựa chọn đúng đắn nhất của mình, và đó cũng là con đường duy nhất mà Sông Lam có thể lựa chọn. Do thấy như vậy, biết như vậy, Lam lại càng trở nên biết ơn Đức Thế Tôn vô cùng, Ngài đã chứng ngộ và tuyên thuyết những pháp âm vi diệu, có một không hai, giúp cho chúng sinh đi đến chấm dứt luân hồi sinh tử, đoạn tận khổ đau. Và Sông Lam cũng biết ơn sâu sắc đến vị thầy đã đưa Sông Lam đến với đạo Phật, sự chứng ngộ và truyền dạy của vị sư ấy thật xứng đáng là Sứ giả Như Lai, là Con trai Đức Phật.
Hãy tu tập ngay Bát Chánh Đạo khi đã có duyên tiếp cận và hiểu rõ giáo pháp, bất kể là một ai chứ không phải đối với những người đang mang bệnh hiểm nghèo, bởi vì cuộc sống là vô thường, vô ngã, cái gì có sinh ắt phải diệt, không một ai, không một vị thần linh hay thượng đế nào có thể xoay chuyển, đi ngược lại với sự thật đó cả.
Sakya Sông Lam _ 28.03.2020