Tham luận
NGOẠI GIAO VĂN HÓA
QUA NGHI LỄ PHẬT GIÁO VIỆT NAM
THỜI HỘI NHẬP QUỐC TẾ
Đại đức Thích Thanh Tâm[1]
Nghi lễ Phật giáo Việt Nam thời gian qua đã đóng góp thiết thực và hiệu quả trong công cuộc hoằng pháp lợi sanh báo Phật ân đức; là phương tiện dẫn dắt chúng sinh vào đạo, rèn luyện thân tâm, hướng đến con đường giác ngộ, giải thoát. Như vậy, đạo Phật ngoài kho tàng triết lý còn có âm nhạc và lễ nghi để thức tỉnh lòng người bỏ mê quay về bờ giác. Dùng lễ nhạc để tán dương công đức chư Phật, Bồ tát, Hiền Thánh Tăng, đồng thời cũng là phương cách diễn bày chân lý vô ngã và giải thoát. Vì thế, không những chứa đựng triết lý sâu sắc trong từng lời từng câu của lễ nhạc mà nghi lễ còn thể hiện ở hình thức trang nghiêm, cách tổ chức đàn tràng hay pháp hội hợp thời, hợp xứ, hợp cảnh để tăng thêm tính uy nghiêm mà đậm nét tâm linh.
Từ nhu cầu tâm linh cũng như đặc thù về hình thức và nội dung mà nghi lễ Phật giáo chuyển biến theo từng thời đại. Hình ảnh Phật giáo in sâu vào lòng dân tộc qua mái chùa làng rêu phong cổ kính khiến nghi lễ có vị trí không nhỏ trong nền văn hoá dân tộc. Có thể thấy, nghi lễ là một trong những nhân tố đặc trưng của văn hóa Phật giáo Việt Nam nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung. Vì thế, bài viết này nhấn mạnh đến chức năng ngoại giao văn hóa qua phương diện nghi lễ Phật giáo trong cộng đồng dân tộc Việt Nam trong và ngoài nước, cũng như chuyển tải nét văn hóa nghi lễ Phật giáo vào cộng đồng văn hóa tâm linh các nước thông qua nội dung và hình thức của nghi lễ, mà điển hình qua Đại lễ Vesak 2019 tại Tam Chúc Hà Nam như một phương diện ngoại giao văn hóa thời hội nhập quốc tế.
Từ khóa: Nghi lễ Phật giáo Việt Nam, Ngoại giao văn hóa, sức mạnh mềm Phật giáo, hội nhập quốc tế
1. Khái niệm Ngoại giao văn hóa
Trong thời đại toàn cầu hóa, với sự nổi trội của xu hướng “đối thoại thay cho đối đầu”, ngoại giao văn hóa được xem là một trong ba trụ cột chính của hoạt động ngoại giao, bên cạnh ngoại giao chính trị và kinh tế; bởi vì văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững của đất nước; là một trong những nhân tố then chốt tạo nên sức mạnh mềm của một quốc gia. Cho nên, với tư cách trụ cột, ngoại giao văn hóa đã có những đóng góp thiết thực vào việc giữ vững môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong xu thế mới.
Vì thế, ngoại giao văn hóa là hoạt động gắn liền với văn hóa; sử dụng văn hóa như là đối tượng và phương tiện ngoại giao nhằm đạt được những mục tiêu cơ bản của chính sách đối ngoại, tạo hình ảnh tốt đẹp, quảng bá văn hóa và ngôn ngữ quốc gia trên thế giới. Đồng thời, đó cũng là sự giao lưu tư tưởng, trao đổi thông tin, nghệ thuật, lối sống, hệ giá trị truyền thống, tín ngưỡng và các phương diện khác nhằm thúc đẩy sự hiểu biết văn hóa lẫn nhau; là hoạt động đối ngoại chủ động, các thiết chế, hệ giá trị và bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo được quảng bá ở các cấp độ song phương lẫn đa phương.
Như vậy, có thể khái quát ngoại giao văn hóa như sau: “Ngoại giao văn hóa là một hình thức ngoại giao thông qua công cụ văn hóa để thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại nhằm đạt được các mục tiêu lợi ích cơ bản của quốc gia là phát triển, an ninh và ảnh hưởng.”[2] Ở đây, cũng nên phân biệt giữa ngoại giao văn hóa và văn hóa ngoại giao. Ngoại giao văn hóa là dùng văn hóa để làm ngoại giao, trong khi đó văn hóa ngoại giao thiên về biểu hiện, cách ứng xử hoặc cách thức giải quyết vấn đề đối ngoại của quốc gia dựa trên tư tưởng, chính sách và những ảnh hưởng, tác động của văn hóa. Nội dung ngoại giao văn hóa được thể hiện qua nhiều loại hình hoạt động văn hóa cụ thể khác nhau, song ở đây, tham luận sẽ minh chứng qua Đại lễ Vesak 2019 Tam Chúc để thấy được ngoại giao văn hóa ở khía cạnh nghi lễ Phật giáo thời hội nhập.
2. Nét văn hóa trong nghi lễ Phật giáo Việt Nam
Nghi lễ Phật giáo có lịch sử lâu dài và phát triển đa dạng trên quê hương Việt Nam. Từ góc độ văn hóa, nghi lễ là một trong những thành tố cơ bản tạo nên đặc trưng của Phật giáo, gắn với vận mệnh thăng trầm của đất nước, mang tính đậm đà các truyền thống dân tộc Việt.
Nhằm thích nghi với phong tục và tập quán, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng đại chúng; và để tồn tại, cũng như phát triển ở những vùng miền văn hóa khác nhau, chư Tổ nâng nghi lễ thành một pháp môn phương tiện chuyên biệt, với sự chuẩn hóa về thẩm mỹ và nghệ thuật dưới danh nghĩa Nghi lễ Thiền gia. Cho nên, nghi lễ không chỉ mang ý nghĩa phương tiện đưa người vào đạo, mà còn là pháp môn tu đưa đến sự thể nhập chân như bằng sự rung cảm tâm linh. Cho nên, nghi lễ chính là một trong hai con đường đưa đến giải thoát, (i) bằng tư duy để ngộ nhập chân lý và (ii) bằng sự rung cảm, dọn đường cho một rung cảm trác tuyệt.
Vậy nghi lễ là gì? Nghi là uy nghi, cung cách và dáng vẻ uy nghiêm bên ngoài hay là hình thức bên ngoài của một con người chuẩn mực. Lễ là cách bày tỏ sự kính trọng, sự thực hiện phép tắc, nghi quỹ mà người xưa đã thực hiện. Như vậy, nghi là hình dáng, nghi lễ, khuôn phép; lễ là lễ bái, cúng tế, tôn thờ. Do đó, nghi lễ có ý nghĩa rộng rãi, bao trùm hành vi, thái độ, văn hóa tín ngưỡng, ngôn ngữ, phong thái con người giữa xã hội; theo phạm vi nghĩa hẹp, nghi lễ là nghi thức hành lễ phúng tụng mang tính tín ngưỡng thờ phụng của tôn giáo.
Thường đi đôi với nhạc nên nghi lễ có tác dụng chuyển hóa con người và xã hội. Đức Khổng Tử coi trọng lễ nghi để kiểm soát hành vi, ước muốn con người; còn nhạc nhằm cảm hóa lòng người. Nhạc lễ Nho giáo đã ăn sâu vào đường lối cai trị quốc gia và quan niệm sống xã hội thời xưa; ảnh hưởng vào nếp sống của con người và xã hội Á Đông ngày nay. Cho nên, nghi lễ thường được thể hiện trong sự tương tác giữa xã hội, tín ngưỡng tôn giáo qua đời sống thường nhật, đậm sắc thái văn hóa tâm linh dân tộc.
Thiễn nghĩ, nghi lễ Phật giáo cũng có phần Lễ và Nhạc; tùy theo truyền thống mỗi miền mà lễ nhạc Phật giáo sẽ ảnh hưởng và biểu hiện theo truyền thống văn hóa nghệ thuật ấy. Nghi lễ Phật giáo mang màu sắc lễ nhạc cổ truyền dân tộc, là mảng văn hóa truyền thống cần tôn trọng và bảo tồn. Nét đặc trưng này được thể hiện trong Phật giáo từ nếp sống, sinh hoạt của Tăng già, giáo hội, ngôi chùa, và thể hiện qua phương cách giao tiếp ứng xử giữa những người tương quan trong Phật giáo.
3. Ngoại giao văn hóa qua phương diện nghi lễ Phật giáo Việt Nam
Cùng với bước chân hoằng dương Phật pháp của chư Tổ, các truyền thống nghi lễ Phật giáo các nước đã du nhập vào Việt Nam, một vùng đất từng được mệnh danh là “ngã tư đường giao lưu văn hóa Đông Tây”. Các truyền thống lễ nhạc này, trải qua quá trình lịch sử dung hóa và phát triển, đã trở thành một thành tố đặc thù của văn hóa dân tộc và của Phật giáo Việt Nam. Từ đó, nghi lễ Phật giáo không chỉ giữ vị trí quan trọng trong kho tàng âm nhạc dân tộc mà còn được thế giới đón nhận. Điển hình, vào năm 1997, nghi lễ Phật giáo Huế được mời sang trình diễn tại Festival âm nhạc tại Đài Phát thanh Pháp. Năm 1998, Lễ nhạc Phật giáo Huế lại một lần nữa được mời trình diễn tại Nhà Văn hoá thế giới Paris (Pháp).
Gần đây, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019[3] tại Hà Nam, 112 quốc gia, vùng lãnh thổ, hơn 570 phái đoàn quốc tế và cá nhân tham dự. Trong đó, đại biểu quốc tế là 1.650 người, gồm có các nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó Tổng thống – Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ, Chủ tịch Thượng viện Bhutan, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc; hơn 20 đại sứ và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các vị Tăng vương, Tăng thống, chủ tịch và lãnh đạo các Giáo hội, hệ phái, truyền thống Phật giáo; các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, nhân sĩ, trí thức học giả và hơn 20.000 đại biểu đại điện các Hiệp Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài, Phật tử Việt kiều; lãnh đạo tôn giáo bạn và Phật tử, nhân dân cả nước.
Đại lễ này vượt trên lễ hội văn hóa tôn giáo thông thường; là nền tảng cho việc thiết lập mối quan hệ hòa bình, hữu nghị hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc; thể hiện sâu sắc niềm tin đồng thời phát huy tinh thần từ bi, trí tuệ và hòa bình – Phật giáo Việt nam đã thực hiện nghi lễ, thứ nhất, thắp Bảy đóa sen trên hồ Tam Chúc – biểu tượng thiêng liêng ghi dấu bảy bước thanh tịnh của Đức Thế Tôn khi thị hiện giữa đời, vì an lạc, hạnh phúc cho số đông. Đây là cơ hội để du khách trong nước và quốc tế hiểu hơn về văn hóa nghi lễ Phật giáo Việt Nam, cũng như đất nước và con người Việt Nam; là dịp để Tăng - Ni, phật tử trong nước và quốc tế giao lưu chia sẻ, qua đó nâng cao ý thức bảo tồn giá trị văn hoá tâm linh Phật giáo, nhằm xây dựng phát triển và chuyển tải nền văn hoá Phật giáo mang đậm bản sắc của quốc gia Việt Nam.
Thứ hai, sau lễ khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2019, các Tăng, ni, Phật tử đến điện Tam Thế thực hiện nghi thức Tắm Phật. Một nghi thức dùng nước thơm ướp từ hoa tươi, hương liệu tinh khiết tưới lên kim thân tôn tượng thái tử Tất Đạt Đa - Đức Phật sơ sinh; ngoài mục đích kỷ niệm sự kiện Đức Phật đản sanh vào trăng tròn tháng Tư, còn mang ý nghĩa sâu sắc về sự tẩy trừ phiền não, hướng đến thanh tịnh ba nghiệp; thực hành các điều thiện, đem đến an lạc cho tự thân và mọi người.
Thứ ba, Phật giáo Việt Nam trình diễn nghi lễ “Lục cúng hoa đăng”[4] - điệu múa được phục dựng một cách chi tiết, tròn vẹn cả nội dung lẫn hình thức trên nền cổ nhạc Phật giáo, gồm 3 phần: Triệu thỉnh Tiên đồng bái Phật; hành đàn Song lục và chồng bình dâng phẩm cúng; kết chữ “thiên hạ thái bình” và tự quy hồi đàn. Như vậy, qua nét văn hóa nghi lễ Phật giáo này, hướng con người đến với đạo pháp, thâm nhập giáo lý của nhà Phật. Âm nhạc và nghi lễ được hòa quyện vào nhau rồi trở thành tiếng nói vi diệu, chuyển hóa lòng người, hướng con người đến với đạo pháp, thâm nhập vào giáo lý từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha, mang lại cuộc sống an lạc, hạnh phúc trong thực tại.
Và cuối cùng, thực hiện nghi lễ hoa đăng cầu Quốc thái dân an, thế giới hòa bình; một nét văn hóa tâm linh của Phật giáo, nhằm mục đích hướng đến cuộc sống ấm no, nhân dân an lạc, cầu nguyện thế giới thanh bình, quốc gia hưng thịnh. Qua các nghi thức cầu nguyện đặc trưng văn hóa ba miền, đàn lễ cầu nguyện hòa bình, an lạc mang những nét văn hóa đặc sắc, là cơ hội để giới thiệu ra quốc tế nét mộc mạc, chân phương nhưng trang nghiêm và tôn kính.
Như vậy, qua phương diện nghi lễ trên, ngoại giao văn hóa được thể hiện rõ nét, mang sắc thái xã hội rộng rãi, vì một thế giới hữu nghị, hợp tác, hòa bình và phát triển; đồng thời nuôi dưỡng, duy trì và phát huy những giá trị tích cực trong triết lý của Phật giáo nhằm cùng nhau xây dựng hòa bình thế giới, dù có những khác biệt về truyền thống văn hoá, ngôn ngữ giữa các quốc gia dân tộc trên thế giới.
4. Kết luận
Tóm lại, là tôn giáo có lịch sử từ lâu đời, gắn bó sâu sắc với văn hóa truyền thống và đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, với chủ trương chủ động hội nhập quốc tế là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng - Phật giáo Việt Nam qua khía cạnh nghi lễ đã đóng góp cho ngoại giao đất nước, cũng như góp phần củng cố những giá trị văn hóa cao đẹp của nhân loại; đồng thời, tiếp thu, đón nhận tinh hoa văn hóa tâm linh thế giới và hội nhập với các nền văn hóa khác. Điều này cho thấy sự lớn mạnh của Phật giáo Việt Nam trong quan hệ mở rộng với Phật giáo các nước, góp phần nâng cao vị trí và vai trò của Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Qua Vesak Liên hiệp quốc 2019, với sự hiện diện của các nguyên thủ cũng như phái đoàn các nước trên thế giới, nghi lễ Phật giáo Việt Nam đã nêu cao vai trò ngoại giáo văn hóa, thể hiện rõ nét sự hòa quyện văn hóa Phật giáo với nền văn hóa dân tộc tạo nên bản sắc đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam trước cộng đồng quốc tế. Như vậy, nghi lễ, ngoài là pháp môn tu tập, chuyển hóa khổ đau, tham lam, sân hận, si mê còn là một phương tiện hoằng pháp lợi sanh. Trong thời hội nhập, để tiếp tục thực hiện tốt đẹp chức năng của nghi lễ Phật giáo như một khía cạnh ngoại giao văn hóa tâm linh, cần phải quan tâm hơn về việc thay đổi những gì không còn phù hợp, làm cho nghi lễ vẫn là nét văn hóa đẹp của xã hội và đáp ứng nhu cầu hoằng pháp; đáp ứng vai trò và nhiệm vụ ngoại giao văn hóa tâm linh, một khía cạnh của ngoại giao nhân dân, đóng góp cho ngoại giao Việt Nam trong thời hội nhập quốc tế.
Tài liệu tham khảo
- HT. Thích Khánh Anh (1989) (Dịch), Nhị Khóa Hiệp Giải, Phật học viện quốc tế xuất bản.
- HT Thích Thắng Hoan (1994), Vấn Đề Thờ Cúng Và Lễ Bái,
Nguồn Sống xuất bản. - HT. Thích Huyền Quang (2002) (Soạn dịch), Pháp Sự Khoa Nghi, Chùa Quang Thiện, California, USA Ấn hành.
- HT. Thích Thiện Siêu (2003), Thức Biến, nhà Xuất Bản TP. HCM.
- Mỹ Anh, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 sẽ diễn ra từ ngày 12 - 14/5, http://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/dai-le-vesak-lien-hop-quoc-2019-se-dien-ra-tu-ngay-12--145-519718.html
- Thích Hạnh Đạt, Nghi lễ Phật giáo trong đời sống tâm linh, http://vncphathoc.com/bai-nghien-cuu/nghi-le-phat-giao-trong-doi-song-tam-linh/
- HT. Thích Minh Nghĩa, Khái niệm về âm nhạc và nghi lễ Phật giáo, http://vncphathoc.com/bai-nghien-cuu/khai-niem-ve-am-nhac-va-nghi-le-phat-giao/
- Trung Hiếu, 112 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Đại lễ Vesak 2019, http://daidoanket.vn/ton-giao/112-quoc-gia-vung-lanh-tho-tham-gia-dai-le-vesak-2019-tintuc436138
- Thích Viên Giác, Ý nghĩa nghi lễ Phật giáo, http://www.viengiac.vn/viengiac/index.php?option=com_content&view=article&id=130:y-ngha-nghi-l-pht-giao-&catid=21:l-nghi&Itemid=37
[1] Tiến sĩ chuyên ngành Quan hệ quốc tế; Ủy viên Ban Hoằng Pháp Trung ương GHPGVN; Phó thư ký Ban nghi lễ GHPGVN Tp. Đà Nẵng
[2] Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).
[3] Vesak là tên gọi của một tháng theo lịch xưa của Ấn Độ trong thời Đức Phật; tháng Vesak tương đương tháng 5 dương, và tháng Tư âm. Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền đều công nhận: “Đức Phật Đản Sanh vào ngày trăng tròn tháng Vesak”. Trong truyền thống của Phật giáo Nam truyền (Tích Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia), Vesak được xem là tháng thiêng liêng nhất, bởi Đức Phật Đản sanh, Thành đạo và Niết Bàn đều vào ngày trăng tròn tháng Vesak. Vì vậy, Lễ Vesak (ngày trăng tròn tháng Vesak) trong truyền thống Nam truyền là Đại Lễ vô cùng quan trọng, và gọi là Lễ Tam Hợp.
Năm 1982, Đại Hội Phật giáo tại Srilanka (Tích Lan), với sự tham dự 34 quốc gia, dưới sự bảo trợ của Tổng Thống Srilanka đương nhiệm, Đại Hội đã soạn thảo một kiến nghị thư với sự đồng thuận 34 quốc gia đồng kí và gởi trình lên Liên Hợp Quốc, xin công nhận Đại lễ Vesak là ngày Lễ Quốc Tế. Trước sự phát triển và ảnh hưởng của tôn giáo trên thế giới, nhiều sáng kiến đưa ra để lựa chọn một tôn giáo điển hình phù hợp với xu hướng phát triển của nhân loại tiến bộ. Trải qua 17 năm tìm hiểu xem xét, đến ngày 15 tháng 12 năm 1999, tại trụ sở chính TP. New York, nước Mỹ, Đại hội đồng Liên hợp quốc trong phiên hợp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự đã chính thức chấp nhận đề nghị của 34 quốc gia, công nhận Lễ Vesak là Lễ Hòa Bình, và là ngày Đại Lễ của thế giới.
[4] Lục cúng hoa đăng” có nguồn gốc từ một điệu múa trong nghi lễ Phật giáo, với các điệu múa hoà trong lời hát cùng ánh đèn hoa lung linh mờ ảo tạo nên sự trang nghiêm và lộng lẫy. Theo công trình nghiên cứu của ông Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, vũ khúc Lục Cúng có từ thời cổ, do các vị sư Ấn Độ truyền vào nước ta. Hằng năm khi vụ mùa được bội thu, tại các chùa lớn thuộc các hạt Thuận Thành, Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Thường Tín - các nơi thờ Phật Tứ Pháp - những lúc có tổ chức các lễ lớn đều biểu diễn vũ khúc này để dâng hương, hoa, đèn, trà, quả, thực lên Tam Bảo.
Đến thời Minh Mạng (1820 - 1840), vua sai Viện Hàn lâm học tập, tiếp nhận và sửa lại vũ khúc này. Cái tên “Lục cúng hoa đăng” chính thức có từ thời ấy. Như vậy, “Lục cúng hoa đăng” từ tính chất vốn có của nó là một loại hình âm nhạc tôn giáo đã được tiếp thu và cải biên thành một loại hình âm nhạc cung đình. Tuy hình thức có sự cải biên, song điệu múa “Lục cúng hoa đăng” vẫn được trình diễn với ý nghĩa hoàn mãn, vui mừng, chúc mọi người được thái bình, hạnh phúc, an lạc. Cũng tương tự như vậy, trong âm nhạc cung đình Huế còn có điệu múa “Đấu chiến thắng Phật” dùng trong các lễ vạn thọ, thánh thọ, tiên thọ.