Thư Viện Hoa Sen

Không Giây Phút Nhàm Chán | Karl Palma - Diệu Liên Lý Thu Linh dịch

12/10/20245:23 SA(Xem: 1887)
Không Giây Phút Nhàm Chán | Karl Palma - Diệu Liên Lý Thu Linh dịch

KHÔNG GIÂY PHÚT NHÀM CHÁN
Bài viết của Karl Palma
Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ

 

Karl Palma là người quản lý thường trú tại tu viện Phật giáo New York từ năm 2011. Ông cũng đang điều hành doanh nghiệp Takoyaki của riêng mình có tên KARLSBALLS Takoyaki từ năm 2015.

***

Là một đầu bếp, tôi bắt đầu chuẩn bị thức ăn vào buổi sáng, ngay sau khi thức dậy. Tôi đếm bước chân của mình khi đi xuống bếp. Tới sảnh, đi thẳng về phía trước - trái, phải, trái, phải. Chân tôi lướt trên sàn nhà, tiến về nhà bếp. Tôi bật đèn, mở nhạc. Tôi pha cà phê, vặn bếp, đun sôi một nồi nước súp. Sau đó, tôi lấy dao và đá mài ra.

Những viên đá mài mà tôi sở hữu rất quan trọng đối với tôi. Khoảng hai phần ba trong số đó được giao lại cho tôi từ vị trông coi tu viện trước đây.  Đại đức Earl Ikeda, một tu sĩ Phật giáo đã nghỉ hưu từ Giáo hội Phật giáo New York, cũng đã tặng tôi hai viên đá đặc biệt từ Kyoto mà tôi rất trân quý - cả hai đều có độ bền từ trung bình đến mịn. Những viên đá này đã hơn năm mươi năm tuổi. Đôi khi tôi dừng lại và nhắc nhở bản thân về lịch sử lâu dài của thức ăn được chuẩn bị từ những viên đá này, và tôi may mắn như thế nào khi cuối cùng được sở hữu chúng  trong tay.

Lòng biết ơn – làm sao tôi diễn tả nó?

Bằng cách làm hết sức mình ngày hôm nay.

Tôi chuẩn bị sẵn sàng chỗ mài dao của mình trên bồn rửa và bắt đầu với viên đá thô nhất của mình. Tiếng nhạc từ đĩa Ginkai của Hozan Yamamoto văng vẳng làm nền.  Đó là sự pha trộn giữa shakuhachi (sáo Nhật) với nhạc jazz hiện đại – loại nhạc tôi yêu thích. Tôi đặt giờ hẹn hai mươi phút và bắt đầu vẫy một ít nước lên đá mài.

Tôi muốn nhân viên của mình được hạnh phúc. Tôi muốn khách hàng của mình được hạnh phúc. Vì vậy, tôi nuôi dưỡng hạnh phúc nơi chính mình.

Tôi làm việc chậm rãi và có phương pháp. Bắt đầu từ mũi dao, tôi mài lưỡi dao qua lại, qua lại, đếm thành bốn nhóm bốn khi đẩy dao: một, hai, ba, bốn... hai, hai, ba, bốn... ba, hai, ba, bốn... bốn, hai, ba, bốn.... Sau khi chu kỳ này kết thúc, tôi di chuyển các ngón tay xuống khoảng một cm (centimeter) và bắt đầu lại. Tôi lặp lại quá trình cho đến khi hết giờ hẹn.

Tôi chú tâm lắng nghe tiếng dao mài cào vào đá. Những âm thanh này giúp tôi biết nên chú ý đến một phần nào đó trên thân dao nhiều hơn.  Tôi chú tâm mài như thế cho đến tận cán dao.  Bằng cách nào đó, tầm nhìn của tôi luôn thu hẹp lại, và tôi chỉ tập trung vào con dao, hòn đá và các ngón tay tiếp xúc. Tôi phải cẩn thận để không cắt tay mình.

Đây thực sự là việc thực hành chánh niệm, hành thiền. Tôi tập trung vào việc mình đang làm ngay thời điểm đó. Buông bỏ bất kỳ suy nghĩ nào xuất hiện trong tâm, tôi thở sâu và chậm, nhưng tôi không tạo ra âm thanh hay tiếng thở dài, vì điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến các giác quan của tôi. Tôi lặp đi, lặp lại như thế, chỉ dừng lại để kiểm tra lưỡi dao.

Khi tôi cảm thấy dao đã được mài đều với viên đá đầu tiên, tôi chuyển sang viên đá mịn hơn và lặp lại quá trình này. Khi tôi tiếp tục mài giũa, ít suy nghĩ xuất hiện trong đầu tôi hơn và mọi thứ trở nên tự động hơn. Giờ tôi có thể nghe tiếng nhạc. Tôi đắm chìm trong thói quen, quan sát sự biến đổi của con dao từ một vật vô tri, vô giác đơn giản, thành một công cụ kết nối tâm trí tôi với thực phẩm.  Dao và tôi cùng trở nên sắc bén.  Chuông báo giờ vang lên.  Giờ tôi đã sẵn sàng bắt tay vào việc.

Tôi chuyên về takoyaki, một món ăn nhẹ hình quả cầu của Nhật Bản (ND: bánh bạch tuột nướng). Khi bắt đầu kinh doanh vào năm 2015, tôi đã bị căng thẳng về trách nhiệm của một "đầu bếp chuyên nghiệp". Từ lâu tôi đã mơ ước trở thành một đầu bếp ẩm thực Nhật Bản, nhưng tôi phải học rất nhiều điều vì tôi không phải là người Nhật. Tôi là người Phi. Vì vậy, tôi phải tìm các bài báo và sách dạy làm sushi bằng tiếng Nhật và dịch chúng sang tiếng Anh. Tôi cũng có vinh dự được sống tại tu viện Phật giáo New York với đại đức Ikeda, người biết rất nhiều về shojin ryori (việc nấu nướng tại các tu viện Nhật Bản). Khi thầy ấy có lời khuyên về nấu nướng, tôi hết sức cố gắng lắng nghe.

Trước kia, tôi có một con dao rẻ tiền luôn bị mẻ cạnh. Tôi phải mài nó liên tục. Tôi cảm thấy không kết nối được với các loại nguyên liệu, nên đâm chán nản; tâm tôi tràn ngập những suy nghĩ tiêu cực về công việc của mình. Đại đức Ikeda khuyên tôi nên mua dao mới khi có tiền.  Vì vậy, tôi đã thực hiện một cuộc hành hương đến Nhật Bản và, với sự giúp đỡ của một số bạn, tôi đã mua được một con dao trực tiếp từ một thợ rèn lưỡi dao ở thị trấn nhỏ của thành phố Kumamoto. Nghệ thuật làm dao đã có từ nhiều thế kỷ trước ở Nhật Bản.

Khi trở về Mỹ, tôi cảm thấy được đổi mới và có cảm hứng để làm việc. Khả năng nấu nướng của tôi bắt đầu biến đổi. Dĩ nhiên, tôi đã bỏ ra nhiều giờ để mài giũa, nhưng với một con dao sắc bén, tôi đã có thể chuyển động linh hoạt, nhẹ nhàng.  Tâm trạng của tôi đã tốt hơn. Tôi thường nhớ về thái độ điềm tĩnh của mẹ tôi khi bà nấu ăn và cách thức ăn của bà luôn khiến tôi hạnh phúc.

Tôi muốn nhân viên của mình được hạnh phúc. Tôi muốn khách hàng của mình được hạnh phúc. Vì vậy, tôi nuôi dưỡng hạnh phúc trong chính mình. Thỉnh thoảng, khi tôi hơi buồn, tôi đi vào bếp và mài dao, và việc đó đưa tôi trở lại tình trạng ổn định.  Sau đó, vào cuối ngày làm việc, tôi mài lại dao, đánh bóng và vệ sinh dao. 

Một con dao tốt đã giúp tôi phát triển sự tập trung và thể hiện sự tôn trọng đối với các loại nguyên liệu.  Suy ngẫm về nhân duyên, tôi thấy rằng cuộc sống không bao giờ có giây phút buồn tẻ.

 

Diệu Liên Lý Thu Linh

(Chuyển ngữ theo Never A Dull Moment, tạp chí  Lion’s Roars, tháng 8/2024)





Tạo bài viết
Ngày Quán Niệm Tháng Tư. Chủ đề: Nuôi dưỡng và trị liệu
free website cloud based tv menu online azimenu
Khởi sự với lòng từ mong muốn đem nguồn nước của đức “Đại Bi” khơi nguồn nơi khô cằn sỏi đá và thiếu nguồn nước vào mùa khô ở Đăk Nông, từ ngày 19 tháng Giêng năm Ất Tỵ (19/2/2025) chúng con đã đi tiền trạm, khảo sát các trường học/ khu dân cư cần giếng nước sạch ở Đăk Nông. Sau khi tiến hành khảo sát đợt 1 vào ngày 19/2/2025 và đợt 2 vào ngày 17/3/2025, chúng con đã chọn lọc trong số các trường đã khảo sát và quyết định tặng 18 giếng nước/công trình lọc nước phèn/máy phát điện cho 20 trường học thuộc tỉnh Đăk Nông (có 4 trường trong cùng khuôn viên đất ở 2 địa điểm sẽ sử dụng chung công trình được tặng).
Chúng con, chúng tôi Như Nhiên-Thích Tánh Tuệ là trưởng ban điều hành Hội từ thiện Trái Tim Bồ Đê (Bodhgaya Heart Foundation) xin được công bố tất cả các khoảng Tịnh tài bà con thương gửi cứu trợ nạn nhân động đất xứ Miến. (Nếu có bị thiếu sót tên các vị đã đóng góp, xin liên lạc cho chúng tôi biết để bổ sung. Danh sách này sẽ được cập nhật (Update) 1 lần nữa trước ngày kết thúc các chuyến cứu trợ vào 5/5/2025.
Hôm nay 15/4 2025, ( Lúc này đang là thời điểm Tết cổ truyền của dân tộc Miến ), chúng con xin tiếp tường trình cứu trợ động đất Myanmar đợt 4. Cũng như 3 đợt cứu trợ vừa qua, lần này chúng con cũng kết hợp cùng với chư vị Bhante, chư Tăng Ni VN tại Myanmar (Nhóm thiện nguyện Ánh Sáng Từ Bi, Quỹ Phụng Sự Tâm An, Quỹ Từ Tâm, nhóm Sư Cô Khemacari).