UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN
Giỗ Tổ Sư Thiệt Diệu Liễu Quán
ngày 22 tháng 11 năm 2024 tại Chùa Linh Thứu Berlin.
Câu đối bất hủ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đem tặng cho Chúa Tiên - Nguyễn Hoàng: "Hoàng Sơn nhất đái. Vạn đại dung thân", đã bắt đầu cho một sự phân chia đất nước thành hai vùng "Đàng Trong và Đàng Ngoài", lấy Sông Gianh làm ranh giới. Con sông chảy trên địa phận tỉnh Quảng Bình, bắt nguồn từ khu vực ven núi Cô Pi cao 2.017 m thuộc dãy Trường Sơn.
Phía Bắc thuộc về Đàng Ngoài do Chúa Trịnh tức Trịnh Kiểm cầm quyền dưới chiêu bài "Vua Lê, Chúa Trịnh" rất thuận lòng dân, mặc dù Chúa Trịnh rất lộng quyền chẳng xem ông vua bù nhìn ra gì cả. Đến đời thứ hai lúc Trịnh Tráng đem quân đánh Nguyễn Phúc Nguyên ở Đàng Trong năm 1627, khởi đầu cho giai đoạn "Trịnh Nguyễn phân tranh" và kết thúc vào năm 1777 khi Chúa Nguyễn sụp đổ.
Lúc Nguyễn Hoàng vào Đàng Trong lập nghiệp, Phật giáo chưa phát triển sau dãy Trường Sơn, cho đến khi Chúa Tiên xây dựng lên ngôi Chùa Thiên Mụ năm 1601, mới xuất hiện hai vị cao tăng cùng thời, lập nên hai trường phái Thiền nổi tiếng, đó là Tổ Sư Thiệt Diệu Liễu Quán (1667 - 1742) thuộc dòng Thiền Liễu Quán ở Phú Yên và Tổ Minh Hải - Pháp Bảo (1670 - 1746) thuộc dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh ở Hội An - Quảng Nam.
Hôm nay tại ngôi chùa linh thiêng của ngọn núi Thứu, nơi Đức Phật giảng Kinh Pháp Hoa, ngôi chùa mang tên Linh Thứu tại Berlin, đã tổ chức buổi Giỗ Tổ Thiệt Diệu Liễu Quán vào ngày 22 tháng 11 năm 2024. Qua hơn 300 năm, qua nguồn mạch Thiền phái do Ngài sáng lập vẫn mãi được "truyền đăng tục diệm", phát triển hưng thịnh và có nhiều đóng góp quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Buổi lễ được khai mạc lúc 10 giờ 30 sáng, dưới sự hiện diện của trên 30 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, nhiều nhất vẫn là Pháp quốc.
. Trưởng Lão HT Thích Tánh Thiệt của chùa Thiện Minh - Lyon đọc lời khai thị, nói về công hạnh hoằng dương chánh pháp của Tổ Liễu Quán dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Chu, trải dài từ Phú Yên ra đến Huế.
Ngài là người Việt Nam đầu tiên thọ pháp và nối truyền dòng Lâm Tế đời thứ 35 ở Việt Nam, đã Việt hóa tất cả từ văn hóa, kiến trúc và nghi lễ..., lãnh đạo phong trào phục hưng Phật giáo ở Đàng Trong vào đầu thế kỷ thứ 18.
Ngài đã tạo dựng một tông phái đặc thù và linh động, có một nền móng vững chắc ở Đàng Trong (từ Thanh Hóa trở vào).
. HT Thích Thông Trí - chùa Quảng Đức ở Toulouse, đọc tiểu sử và các công hạnh sự nghiệp truyền thừa của Tổ Liễu Quán. Ngài họ Lê tên Thiệt Diệu, sinh ngày 18 tháng 11 năm Đinh Mùi 1667 tại làng Bạc Má, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Mồ côi mẹ năm lên 6 tuổi. Năm 12 tuổi cùng cha đi chùa Hội Tôn lễ Phật, xin cha cho ở lại học đạo với Thiền sư Tế Viên được 7 năm. Năm 1690 ngài ra tận núi Hàm Long ở Thuận Hóa (Huế) cầu học với Thiền sư Giác Phong, nhưng chỉ được một năm thì phải quay về phụng dưỡng cha già bị bệnh. Năm 1695 ngài trở ra Thuận Hóa thọ Sa di giới với HT Thạch Liêm chùa Thiền Lâm. Năm 1697 thọ Tỳ kheo giới với Từ Lâm Lão Tổ tại chùa Từ Lâm và tịnh tu tại một ngôi miếu nhỏ dưới chân núi Ngự Bình. Đến mùa đông năm ấy, chúa Nguyễn Phúc Chu cho trùng tu ngôi miếu thành chùa và sắc ban biểu hiệu "Sắc tứ Viên Thông Am".
Năm 1702 ngài gặp Thiền sư Tử Dung tại chùa Ấn Tôn núi Long Sơn - Huế, cầu học Pháp tham Thiền.
Từ năm 1704 - 1730, ngài đi vân du thuyết pháp độ sanh từ Phú Yên đến Thuận Hóa.
Ngày 22 tháng 11 năm Nhâm Mùi (1742), ngài viên tịch tại Tổ đình Viên Thông ở chân núi Ngự Bình, thọ thế 76 tuổi, với 43 năm truyền y bát, 34 năm thuyết pháp lợi sanh. Đệ tử xuất gia và tại gia có đến ngàn vạn, cao đồ có 49 người.
Tháng 2 năm Quý Hợi 1743, môn đồ quý chúng đã cử hành lễ thỉnh kim quan Tổ Sư nhập bảo tháp Vô Lượng Quang dưới chân núi Thiên Thai của chùa Thiền Tông - Huế.
Sau đó là phần nghi lễ cúng Tổ do HT Thích Tịnh Quang chùa Khuông Việt - Paris làm chủ lễ, với nghi thức thuần túy đặc trưng theo dòng Liễu Quán. Buổi lễ chấm dứt thật hoàn mãn lúc 12 giờ 30 và tiếp nối là bữa cơm chay thật phong phú do các Sư Cô và Phật tử chùa Linh Thứu cúng dường.
Theo bài Kệ của Tổ Liễu Quán để lại truyền thừa, hiện nay đến đoạn: "Tâm Nguyên Quảng Nhuận. Đức Bổn Từ Phong". Các đệ tử tại gia của Ngài đều là những Phật tử thuần thành của chùa Linh Thứu, họ ngồi quây quần bên nồi lẩu nấm một bàn 9 người, tất cả đều thuộc hàng bô lão 80, trẻ nhất cũng trên 70, cả một đời họ đã đóng góp cho Phật Pháp, cho ngôi Tam bảo, cả vợ cùng chồng thuộc 2 dòng Thiền nổi tiếng Liễu Quán và Chúc Thánh như hai bác Tâm Thứ và Thiện Định. Bên cạnh là hai bác Tâm Bích, Thị Lộc, họ là các cựu Gia Trưởng Gia Đình Phật Tử Chánh Niệm, sinh hoạt từ lúc Chùa chưa thành hình. Rồi đến Tâm Nghĩa, Diệu Hương, Tâm Bạch, rồi Thiện Giới, Nguyên Đạt, những bộ mặt quen thuộc của Chùa, mà nếu không có ngày giỗ Tổ Liễu Quán hôm nay, chưa chắc gì họ đã được ngồi cạnh nhau hàn huyên tâm sự nhắc lại chuyện Phật sự ngày xưa ?
Chị Tâm Bạch hân hoan khoe mình là đệ tử của Ôn Đôn Hậu, đời thứ 42 dòng Thiền Lâm Tế, là đời thứ 8 phái Thiền Liễu Quán, kiêm luôn chức Đệ Tam Tăng Thống GHPGVNTN. Lại nghe chị Nguyên Hạnh khoe mình là đệ tử của Ôn Minh Châu, ngôi sao sáng của Đại học Vạn Hạnh ngày nào.
Người viết chợt nhớ lời Ôn Tánh Thiệt nhắc đến 49 vị cao đồ của Tổ Liễu Quán trong lời khai thị sáng nay, liền tìm tài liệu để viết bài. Nhưng chỉ nêu tên các Vị nổi tiếng trong vòng một thế kỷ nay mà mọi người đều biết đến:
. HT Thích Tịnh Khiết, Đệ Nhất Tăng Thống GHPGVNTN.
. HT Thích Giác Nhiên, Đệ Nhị Tăng Thống GHPGVNTN.
. HT Thích Trí Thủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.
. HT Thích Nhật Liên.
. HT Thích Thiện Minh.
. HT Thích Minh Tâm, Ôn Khánh Anh, người thích Trồng Sen trên đất tuyết.
. HT Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư Ký xử lý VTT GHPGVNTN.
Một "Bồ Tát bổ xứ" đã thực hiện sứ mệnh lịch sử, duy trì và phát triển mạch sống Phật giáo Việt Nam giữa bối cảnh xã hội tối tăm, Phật Pháp suy đồi của thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Tổ Liễu Quán đã khai nguồn thiền học, giúp thế hệ sau liễu ngộ chân tâm bằng con đường trực chỉ, kiến tánh thành Phật.
Nam Mô Đại Cường Tinh Tấn Dõng Mãnh Phật.
Hoa Lan - Thiện Giới.
Ngày 22 tháng 11 năm 2024.