Thư Viện Hoa Sen

Thực Hành Phát Triển Tâm Từ (metta) | Thích Nữ Hải Trung

03/03/20253:32 SA(Xem: 728)
Thực Hành Phát Triển Tâm Từ (metta) | Thích Nữ Hải Trung

THỰC HÀNH PHÁT TRIỂN TÂM TỪ (METTA) :

Mọi Loài, Mọi Chúng Sanh Đều Khát Khao Được Sống An Lạc,
Chiến Thắng Được Lòng Tham Và Sự Sân Hận

Hải Trung

tu biĐạo Phậtđạo từ bi, thương yêu tất cả chúng sanh, từ muôn loài cho đến thiên nhiên, vạn vật đều được thấm nhuần giọt nước cam lồ ấy. Thực hành phát triển tâm từ là một trong những phương tiện thù thắng giúp chúng sanh được sống an lạc và chiến thắng lòng tham lam, sân hận.

Trong Kinh Tăng Chi, đức Phật dạy rằng: “Ai tu tập tâm từ, vô lượng thường ức niệm, các kiết sử yếu dần, thấy được sanh y diệt, với tâm không ác độc, từ mẫn mọi chúng sanh, do vậy vị ấy thành, bậc thuần nhất chí thiện”.(1)

         

Thực Hành Phát Triển Tâm Từ.

     Trước khi tìm hiểu về mọi khía cạnh của tâm từ, chúng ta cần phải biết tâm từ là gì, phương pháp thực hành, lợi íchgiá trị, cùng với sự kết nối giữa tâm từ với muôn loài và thiên nhiên như thế nào?

I. Khái Niệm Tâm Từ.

Tâm Từ là gì?

    “Từ” tiếng Pàli là Mettà, Sanskrit là Maitri.

    “Tâm Từ” dịch nghĩa từ tiếng Pàli : Mettàcitta. (2)

-        Mettà : nghĩa là từ, thương, tình thương.

-        Citta : nghĩa là tâm, sự biết.

Tâm Từ nghĩa là biết thương, tình thương cao thượng, tình thương đối với mình và tất cả chúng sinh, cầu mong sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài cho mình và tất cả chúng sinh đồng nhau không khác. (3)

II. Làm sao để phát triển Tâm Từ ?

        Phẩm tính tâm từ vốn sẵn có trong mỗi chúng sanh, nhưng vì nhân duyên, vì nghiệp thức, nên nó có thể được hiển lộ hoặc che lấp. Vì vậy, chúng ta cần thực hành phát triển tâm từ, để hạt giống ấy được tưới tẩm, nở hoa yêu thương, đem hạnh phúc chân thật đến cho mình, cho tha nhân và sự sống này.

Chúng ta phải tu tập làm sao để tâm từ ngày một phát triển trong tâm của mình. Để phát triển tâm từ chúng ta cần phải:

-        Dứt trừ ngã chấp : không thấy cái ta của mình là cao quý, hơn hết, mà rõ biết tất cả chúng sanh đều bình đẳng như nhau. Khi dứt trừ được ngã chấp, thương yêu tất cả chúng sanh, thì tâm từ sẽ phát triển.

-        Hành trì giới luật, đây là nền tảng căn bản đạo đức, giúp chúng tađời sống thiện, lành, hướng thượng.... Không làm các việc ác  “từ bỏ sát sinh, tránh xa sát sinh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót tất cả chúng sinh và các loài hữu tình; từ bỏ lấy của không cho, tránh xa lấy của không cho, chỉ lấy những vật đã cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cướp...”. (4)

-        Biết thương yêu và đồng cảm trước những nỗi khổ đau của nhân loại. Từ đó, thực hành Tứ Nhiếp Pháp : Bố thí nhiếp, Ái ngữ nhiếp, Lợi hành nhiếpĐồng sự nhiếp để đem lại lợi lạchạnh phúc cho tha nhân.

-        Hành thiền rải tâm từ. Có nhiều phương pháp niệm rải tâm từ như: phương pháp niệm rải tâm từ theo bài Kinh Từ Bi, Thanh Tịnh Đạo Luận...v.v...

-        Xây dựng môi trường tâm linh, gieo mầm từ, bi, hỷ, xả, đẩy lùi tham, sân, si.

-        Sống chánh niệm, tỉnh giác. Biết được những việc đúng pháp để làm lợi ích cho tự thân và tất cả chúng sanh cùng vạn vật.

-        Thực hành lòng biết ơn đối với tất cả chúng sanhthiên nhiên vạn vật. Bởi lẽ tất cả đều cộng sinh, đều che chởbảo vệ sự sống cho nhau.

-        Tin sâu vào nhân quả: gieo nhân nào gặp quả ấy, cho nên chúng ta cần phải gieo nhân thiện lành, tránh xa nhân xấu ác để trau dồi tâm từ bi.

-         Cần tôn trọng sự bình đẳng và sự sống của muôn loài. Tất cả mọi loài, mọi chúng sanh đều khát khao được sống an lạc. Thế nên, chúng ta không vì lòng tham hay sự sân hậnsát sanh, hại vật. Hãy bảo vệ, yêu thương tất cả chúng sanh và để cho muôn loài được sống đúng theo hệ sinh thái của chúng.

III. Lợi Íchgiá trị Của Việc Phát Triển Tâm Từ.

  1. 1.     Lợi ích của Tâm Từ :

Sau khi thực hành để phát triển tâm từ, hành giả an trú trong niệm yêu thương mỗi ngày, sẽ có được mười một lợi ích như trong Kinh Tăng Chi dạy: “Này các Tỷ kheo từ tâm giải thoát được thực hành, được tu tập, được làm cho sung mãn, được tác thành cỗ xe, được tác thành căn cứ địa, được tiếp tục an trú, được tích tập, được khéo khởi sự thời, được chờ đợi là mười một lợi”.(5)

Mười một lợi ích như sau :

  1. Ngủ được an lạc.
  2. Thức dậy được an lạc.
  3. Không thấy các ác mộng.
  4. Được mọi người thương yêu, quý mến.
  5. Được các hàng phi nhân thương yêu, quý mến.
  6. Được chư Thiên hộ trì.
  7. Lửa hoặc chất độc hoặc các loại vũ khí... không thể làm hại được.
  8. Tâm dễ dàng an định.
  9. Gương mặt sáng sủa.
  10. Lúc lâm chung tâm không mê muội (tâm sáng suốt).
  11. Đề mục niệm rải tâm từ có khả năng dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc giới thiện tâm (trừ đệ ngũ thiền); nếu chưa trở thành bậc Thánh A-la-hán thì sau khi chết, bậc thiền sắc giới thiện tâm sở đắc của hành giả cho quả tái sanh lên cõi trời sắc giới Phạm Thiên tương xứng với bậc thiền quả tâm của hành giả.(6)
  12. 2.     Giá trị của Tâm Từ.

Thực hành phát triển Tâm Từ mang lại giá trị như sau :

-        Đem lại sự an lạc cho chúng sanh.

          Thực hành phát triển tâm từ, chúng ta không sát sanh, hại vật mà lại thương yêu muôn loài sẽ phát ra từ trường, năng lượng từ bi, thiện lành, khiến chúng sanh cảm nhận được sự bình yên, không sợ hãi, đem lại sự an lạckết duyên lành với tất cả chúng sanh.

-        Chuyển hóa lòng tham lam, sân hận.

Với tâm từ bi rộng lớn, thương yêu tất cả chúng sanh, thì chúng ta sẽ không vì lòng tham mà làm những việc bất thiện, phi pháp như không trộm cướp, không tàn phá thiên nhiên, cây rừng...

Khi có tâm từ thì sự sân hận sẽ được chuyển hóa, giữa ta và người không còn bị trói buộc bởi những kiết sử ( tham, sân, si...) mà biết tha thứ, bao dung, thương yêu lẫn nhau. Cho nên, Đức Phật dạy rằng : “Không thể lấy thù oán để diệt sân hận, chỉ có tâm từ mới dập tắt lòng sân”. (7)

IV.Sự kết nối giữa Tâm Từ với muôn loài và thiên nhiên.

      Tâm Từtình thương yêu rộng lớn, đây là sự kết nối thiêng liêng giữa từ tâm với muôn loài và thiên nhiên.

-        Với muôn loài.

Thực hành phát triển tâm từ chúng ta sẽ thương yêu tất cả chúng sanh, tôn trọng mạng sống của muôn loài, thương chúng sanh như thương chính bản thân mình vậy. Thế nên : “ Ai với tâm từ bi. Thương tưởng mọi hữu tình. Một người làm như vậy. Gặt phước đức thật nhiều”. (8)

-        Với thiên nhiên.

Khi có tâm từ chúng ta sẽ sống hài hòa với thiên nhiên, giữa đời sống tâm linhthiên nhiên đều có sự kết nối, hòa hợp với nhau. Đều này được thể hiện qua cuộc đời của Đức Phật, Ngài đản sanh tại vườn Lâm-tỳ-ni, thành đạo dưới cội Bồ-đề, chuyển Pháp Luân nơi vườn Nai và nhập Niết-bàn dưới hai cây Sa-la.

           Thực hành phát triển tâm từ sẽ giúp cho mọi loài, mọi chúng sanh được sống an lạc và chiến thắng được lòng tham lam, sân hận. Chúng ta hãy mở rộng lòng từ và có ý thức tôn trọng sự sống, sự bình đẳng, sự tự do của muôn loài, để nhân loạivạn vật cùng chung sống an vui. Chánh báo thế nào thì y báo thế ấy. Khi tâm chúng ta từ bi, thì cõi nước chúng ta sống sẽ thanh tịnh, an lạc. Hãy cùng thực hành phát triển tâm từ để trao nhau hơi thở và sự sống mầu nhiệm.

Thích Nữ Hải Trung,
địa chỉ : Chùa Bảo Hải, khu phố 5, phường Long Tâm,
thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Sđt- Zalo : 0798.445.234

 

Chú thích và tài liệu tham khảo :

(1)  Thích Minh Châu (dịch,2005), Kinh Tăng Chi Bộ 3, Phẩm Từ, Nxb: Tôn giáo,tr.489.

(2)  Phạm Kim Khánh (dịch,2003), Đức PhậtPhật pháp, Nxb: Tôn giáo, tr.245.

(3)  Sđd.

(4)  ĐTKVN (2017), Kinh Trung Bộ, tập 1, Tiểu Kinh Dụ Dấu Chân Voi, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, HN, tr.231.

(5)   Thích Minh Châu (dịch,2005), Kinh Tăng Chi Bộ 3, Phẩm Từ, Nxb: Tôn giáo, tr.489.

(6)  ĐTKVN (2018), Kinh Tăng Chi Bộ, tập 2, Chương Mười một pháp, Phẩm Tùy niệm, Kinh Từ, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, HN, tr.766.

(7)  ĐTKVN, Kinh Trường Bộ, Kinh Sa-môn quả, VNCPHVN, Nxb. Tôn giáo, Tr.76; ĐTKVN, Kinh Trung Bộ, Kinh ví dụ cái cưa, VNCPHVN, Nxb. Tôn giáo, Tr.164.

(8)  ĐTKVN (2018), Kinh Tiểu Bộ, tập 2, Trưởng Lão Tăng kệ, chương 3, Kinh Vàrana, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, HN, tr.311.

 

 

Tạo bài viết
Kính chia sẻ cùng chư Tôn đức, Pháp hữu và qúy Phật Tử lịch trình Hoằng Pháp, sinh hoạt tu học & Phật sự... với sự chia sẻ của Thích Tánh Tụê cùng với sự hiện diện của chư Tôn đức tham dự trong tháng 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, - 2025
Kính mời tham dự Nhạc Hội Mừng Phật Thành Đạo Saigon Grand Center vào Chủ Nhật 16 tháng 2 năm 2025 vào lúc 4 giờ chiều tại địa chỉ 16149 Brookhurst Street, Fountain Valley, CA 92708 Chương trình lại được nhạc sĩ Võ Tá Hân tham dự và cũng là nhạc trưởng của ban đạo ca Diệu Pháp. Kính mời quý đồng hương tích cực ủng hộ, đến dự thật đông.