Thư Viện Hoa Sen

Sen Tịnh Tâm Mùa Phật Đản

01/06/201312:00 SA(Xem: 16354)
Sen Tịnh Tâm Mùa Phật Đản
blank
SEN TỊNH TÂM MÙA PHẬT ĐẢN
Lê Huỳnh Lâm

sen-tinh-tam-mua-phat-dan-300x183Nói đến hồ Tịnh Tâm ở cố đô Huế, mọi người liên tưởng ngay đến sen. Một loài hoa tinh khiết, cao quý nhưng lại được mọc lên từ đất bùn nơi các ao hồ. Suốt cả một thời gian dài trong năm, mặt hồ Tịnh Tâm lặng lẽ chỉ có gió nước, nắng mưa, bèo và rau muống, không hề thấy dấu vết của sen hồng, sen bạch. Cuối mùa xuân, những tia nắng vàng giúp cho những cuống lá sen dần dần mở ra, trải rộng những hình tròn màu lục non với vô số đường gân mơ hồ vàng trắng đan lồng nhau như tơ trời, gợi lên những kỳ vọng về một tương lai thanh bình của loài người. Qua mùa hạ, sắp đến mùa Phật đản chúng ta sẽ thấy những phép lạ từ mặt hồ Tịnh Tâm. Sau những đêm dài tĩnh lặng, mặt hồ bỗng rộ lên những búp hồng, búp trắng e ấp, thẹn thùng như dáng hình thiếu nữ miền Hương Ngự nghiêng chào. Khi đợt hoa sen sau cùng vừa úa tàn là lúc tiết trời sang thu, thời gian sen buông từng đám bụi phấn vàng rồi thả hương theo gió và hấp thu, tích tụ những dòng năng lượng của trời đất để chuẩn bị tạo nên những mầm sen mới trong tương lai. Rồi mùa đông qua và xuân lại đến, qua bàn tay của con người, những mầm sen lại ẩn mình trong lòng đất bùn dưới ao hồ để chờ ngày vượt thoát khỏi lớp bùn và mặt nước để vươn lên nở hoa trong không gian. Kinh điển Phật giáo đã ví cuộc hành trình của sen như sự chuyển hóa của người tu tập vượt qua tam giới để giải thoát. Đời sen cũng tuần hoàn theo nhịp quay của thiên nhiên, theo vòng xoay của sinh, trụ, dị, diệt. Hoa sen như một minh triết sống, đó là sự vô nhiễm trước những môi trường được xem là không trong sạch, biểu hiện qua câu ca dao “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, không những vô nhiễm mà sen còn có chức năng thanh lọc làm cho nước ao hồ lắng trong. Sen còn tượng trưng cho sự hồi sinh, sáng tạo, cho trí huệ siêu việt, thánh thiện; và trong ý nghĩa cao đẹp, hoa Sen còn là Mẹ, là biểu tượng cho chuyến trở về thật lộng lẫy của mỗi phận người; đó là trở về với cái đẹp, trở về với bản tính uyên nguyên không nhiễm trước,… và trong những chuyến trở về đầy gian nan, không ai giống ai, mỗi người tùy theo nghiệp mà chính mình đã tạo tác để thọ hưởng kết quả, đa phần mỗi người sẽ mang theo những hoài niệm đã trải nghiệm và một vệt tâm dài đã huân tập, nhiễm trước trong cuộc sống thường ngày.

Xứ Huế có rất nhiều nơi trồng sen. Các ao hồ ở các vùng làng quê, dọc con đường về biển Thuận An, hay các ao hồ ở nhà vườn Kim Long, trong khuôn viên các ngôi chùa,… nhưng đặc biệt nhất là các hồ sen quanh kinh thành Huế, trong số đó, sen hồ Tịnh Tâmtuyệt hảo. Một giả thuyết cho rằng sen hồ Tịnh có vị thanh và thơm ngon như vậy là do dòng nước đó bắt nguồn từ sông Hương. Ngày trước hồ Tịnh Tâm còn có tên là Ký Tế. Ký Tế là tên một quẻ trong kinh Dịch, bao hàm ý nghĩa “việc đã xong, đã rồi.”Theo sử sách, hồ Ký Tế là một khúc sông Kim Long (là một chi lưu của sông Hương) chảy qua làng Phú Xuân. Năm 1805, vua Gia Long quyết định nắn, chặn dòng sông này để xây dựng kinh thành Huế.

Mỗi lần ngang qua hồ Tịnh Tâm, trên đoạn đường Đinh Tiên Hoàng, đều thấy lúp xúp dưới những vòm cây, dáng những chị, những mệ đang ngồi lột vỏ, soi tim và xâu hạt sen thành từng chuỗi như tràng hạt để cung cấp cho du khách; công việc đó trở thành hạnh bình thường để lan truyền văn hóatôn giáo. Mùa Sen, người Phật tử Huế thường dâng hoa Sen trên bàn thờ Phật, bàn thờ Tổ tiên, hoặc cắm hoa Sen trong nhà tạo nên cảm giác thanh thoát, mát mẻ giữa mùa hè nắng nóng. Khi hoàng hôn buông xuống, những người già và trẻ nhỏ đến bên hồ Tịnh Tâm hóng gió. Những cụ già trầm ngâm soi bóng mình trong ánh trăng hiền hòa dưới mặt hồ rồi gửi hồn theo gió trở về với những kỷ niệm đẹp của đời người; các trẻ nhỏ hồn nhiên vui đùa ngập trong làn hương thanh thoát, lân la khắp mặt hồ khiến tôi nhớ đến thuở còn thơ đã có nhiều trò chơi rất thú vị với sen như: lấy lá sen làm mũ che nắng, còn chùm nhụy vàng được cột vào sợi chỉ cuốn lại nơi cuống rồi buông ra tạo nên những vòng xoáy tròn đẹp mắt; các hạt sen non trong đài sen được lấy ra đập vào trán vỡ kêu lốp đốp rồi đưa vào miệng nhai ngon lành… Những chiều mùa hạ, khi ráng chiều mơ mòng dần khuất phía núi gợi lên cảm giác cô đặc không gian thì hồn người cũng dập dìu theo những sóng hoa đang nhấp nhô trên mặt hồ. Dáng sen hồng, sen trắng thật đoan trang, quý phái. Những hoa sen vươn lên trong màu chiều cô tịch và hòa với những ánh màu hắt từ mặt hồ tạo nên khung cảnh lung linh, huyền ảo phả nhẹ vào không gian rồi tan dần, mờ dần theo thời gian.

Những đêm trăng tháng Tư, hoa sen hồ Tịnh Tâm nở rộ. Mỗi hạt sương đọng trên mỗi cánh sen in bóng muôn vàn mặt trăng lay động khắp hồ. Mỗi cánh hoa sen như mỗi chiếc thuyền chở trăng lênh đênh theo dòng đời và đưa hồn người vào cõi mông lung với những biến điệu ảo của sắc màu. Đến hồ Tịnh Tâm vào mùa sen nở, mùa trăng lên, đặc biệt là trăng tháng Tư, chúng ta mới cảm nhận sự yên bình, thanh thoát trong tâm hồn. Phải chăng, từ các yếu tố: mặt hồ tĩnh lặng, ánh trăng thơ mộng, và làn hương sen dìu dặt, đã gợi nên cái tên rất ý vị: Tịnh Tâm? Hay ẩn chứa đằng sau cái tên mang âm hưởng của đạo Phật là những ám ảnh của một quá khứ đầy tội lỗi của những hoài nghi, đố kỵ và để có một nơi trú ngụ nhằm ẩn tránh, xua tan những cơn ám ảnh hãi hùng hoặc cũng có thể để trực diện với những cảnh tượng hiện lên trong tâm tưởngphát nguyện lời ăn năn, sám hối… Con người sau những chuỗi ngày tất bật ai ai cũng muốn có những phút giây thanh thản, những cảm giác thư thái, an vui trong tâm hồn. Để rồi trong cuộc hành trình cuối cùng trở về nơi trú xứ xa xưa, trở về với trạng thái vắng lặng,… mọi người phải nỗ lực và thắp lên niềm hy vọng, rồi đây tất cả chúng ta sẽ lần lượt được đón nhận một đóa hoa sen trong cõi miền tràn đầy phúc lạc. ■

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 152 | LÊ HUỲNH LÂM



Tạo bài viết
12/05/2012(Xem: 20460)
04/02/2012(Xem: 40679)
31/05/2013(Xem: 30447)
29/05/2019(Xem: 11014)
03/06/2022(Xem: 16988)
free website cloud based tv menu online azimenu
Sau những ngày Miến Điện nghỉ Tết, nhóm thiện nguyện Ánh Sáng Từ Bi do Sư Cô Tn Như Hiếu điều hành đã tiếp tục dấn thân cứu trợ. Hôm nay 22. April 2025 chúng con xin tiếp tục tường trình hình ảnh cứu trợ động đất Myanmar đợt 5. Cũng như 4 đợt cứu trợ vừa qua, lần này chúng con cũng kết hợp cùng với chư vị Bhante, chư Tăng Ni VN tại Myanmar (Nhóm thiện nguyện Ánh Sáng Từ Bi, Quỹ Phụng Sự Tâm An, Quỹ Từ Tâm, nhóm Sư Cô Thích nữ Như Hiếu- Suriyavati) Xin tường trình Lộ trình đi cứu trợ miền động đất Myanmar.
Kính gửi : Chư tôn Hòa thượng Trưởng lão,Chư Hòa thượng,Chư Thượng tọa, Đại đức Tăng ni,Quý Phật tử trong vả ngoài nước : THÔNG BẠCH ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PHẬT LỊCH 2569 của HĐGPTƯ Chánh thư ký Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống,Tỳ kheo Thích Đức Thắng
Khởi sự với lòng từ mong muốn đem nguồn nước của đức “Đại Bi” khơi nguồn nơi khô cằn sỏi đá và thiếu nguồn nước vào mùa khô ở Đăk Nông, từ ngày 19 tháng Giêng năm Ất Tỵ (19/2/2025) chúng con đã đi tiền trạm, khảo sát các trường học/ khu dân cư cần giếng nước sạch ở Đăk Nông. Sau khi tiến hành khảo sát đợt 1 vào ngày 19/2/2025 và đợt 2 vào ngày 17/3/2025, chúng con đã chọn lọc trong số các trường đã khảo sát và quyết định tặng 18 giếng nước/công trình lọc nước phèn/máy phát điện cho 20 trường học thuộc tỉnh Đăk Nông (có 4 trường trong cùng khuôn viên đất ở 2 địa điểm sẽ sử dụng chung công trình được tặng).