HT. THÍCH THIỆN ĐẠO
1. Ngay khi có mặt trong cuộc đời, Đức Phật đã khẳng định hạnh nguyện của mình: “Nếu cuộc đời không đau khổ thì ta đã không có mặt ở đời”. Điều này, có nghĩa là Đức Phật có mặt vì cuộc đời, vì chúng sanh chứ không phải vì cá nhân Ngài, hay vì mục đích nào khác.
Sự kiện Đức Phật ra đời là một dấu mốc tâm linh quan trọng nhằm khai mở con đường giải thoát, và phát huy khả năng giác ngộ trong mỗi con người để vượt qua khổ đau vô minh tà kiến.
Từ bi là bản thể của chư Phật. Không có từ bi tâm thì hạnh nguyện độ sanh không hoàn tất được. Từ trong đại bi tâm, Đức Phật đã xuất hiện như một sứ giả hòa bình, đến với cuộc đời vì hạnh nguyện cao cả là cải tạo nâng cấp cuộc đời, chuyển đau khổ thành hòa bình an lạc, chuyển mê mờ thành giác ngộ, chuyển phàm phu lên Thánh giả.
Người Phật tử chân chánh phải hiểu và thực hành lời dạy của Đức Phật một cách sâu sắc thì mới tiếp nhận được tinh thần an lạc giải thoát của chánh pháp. Nếu chỉ tin một cách hời hợt thì chẳng bao giờ gặp được Đức Phật thật tướng, mà chỉ thấy Đức Phật giả tướng do chúng ta tưởng tượng ra.
Sự tôn vinh, lòng ngưỡng mộ Đức Phật chỉ là cách thể hiện lòng tin và sự tôn kính đối với Ngài, chứ không phải là cứu cánh của sự giải thoát. Đức Phật cũng đã khẳng định: “Tin ta mà không hiểu ta, ấy là bài báng ta”.
Để hiểu và thể nhập vào hạnh nguyện của chư Phật, điều cốt yếu là phải phát tâm tham cứu, học hỏi và hành trì chánh pháp. Không hành trì chánh pháp, không thể nhập vào cốt lõi của chánh pháp thì không bao giờ hiểu được hạnh nguyện của chư Phật. Hành giả đi trên đường giác ngộ cẩn thận chớ lạc vào mê lộ Thế Trí Biện Thông, tức là căn bệnh Sở Tri Chướng của thời đại.
2. Ngài Đạo Tín lạy Tổ Tăng Xáng cầu xin pháp giải thoát.
Tổ nói: “Ai trói buộc ngươi mà cầu pháp giải thoát?”.
Nghe Tổ cật vấn, Đạo Tín liền bừng sáng tự tâm, tức là tháo gỡ được điều mà bấy lâu nay mình mãi tìm cầu.
Qua đối thoại trên, ta thấy lời cật vấn của Tổ Tăng Xáng như là nhát búa chặt đứt sợi dây oan nghiệt đã trói chặt Đạo Tín vào cuộc rong ruổi tìm cầu. Tâm bừng sáng qua lời cật vấn của Tổ, bây giờ Đạo Tín thật sự có tự do tự tại trong dòng sinh mệnh của mình. Đạo Tín thật sự đã nhận chân được rằng chỉ có mình mới biết mình bị trói buộc ở chỗ nào để mở trói, biết mình bị che khuất chỗ nào để vén bức màn vô minh đúng chỗ, cánh cửa giác ngộ đã được mở toang trong tâm khảm của Đạo Tín qua câu nói của Tam Tổ.
Đã từ lâu ta mãi say đắm tìm cầu ảo ảnh bên ngoài, ta đã quên ta, đã không nhận diện được con người thật của chính ta, chính ta đã đánh mất ta. Làm sao có được an lạc khi ta còn mải mê tìm cầu vay mượn. Sự giác ngộ đích thực là ở trong chính chúng ta, chứ không ở nơi nào khác. Còn tìm cầu, còn vay mượn là còn cách xa con đường giác ngộ.
Cho tới khi nào, các dây mơ rễ má đã bao phủ che kín ta từ vô thủy kiếp bị chặt đứt, bị lôi kéo quăng ra xa thì con người đích thực của ta mới hiện rõ nguyên hình.
Khi nào ta bắt gặp con người thật của ta, tức là ta đã thể nhập vào thật tánh, chân như tánh, Như Lai tánh. Tính giác ngộ có mặt khắp nơi trong mọi chúng sanh. Kinh nói: “Không từ đâu đến, mà cũng chẳng đi về đâu. Tính giác là như thế”.
Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật đã dạy về sự quan trọng của sự tự chủ trên con đường giác ngộ: “Như Lai chỉ dạy con đường giác ngộ, chứ không giác ngộ thế cho ai được. Sự trói buộc của ma vương sẽ do sức thiền định của các ngươi mà được cởi mở”.
Như vậy, chỉ có ta mới thật sự giải thoát cho ta mà thôi.
Mời xem thêm:
Tạp chí Phật Học Từ Quang Tập 36 - Tháng 5 Năm 2021
.