NĂM GIỚI TRONG TINH THẦN THIỀN HỌC CỦA
THIỀN SƯ TRẦN THÁI TÔNG
Như Hùng
Thiền sư Trần Thái Tông (1218 -1277) một vị thiền sư siêu việt, ông vua anh minh, nhà tư tưởng lớn, một nhân cách cao cả. Đã triển khai ứng dụng năm giới do Phật chế ra vào đời sống con người và xã hội, góp phần tích cực đem lại hạnh phúc lạc an và sự bình yên an ổn cho dân chúng. Năm giới:1, Không được sát sanh, không giết hại sinh linh, không gây thương tổn khổ đau cho bất cứ chúng sanh nào. 2, Không được trộm cắp, không lấy những gì của người khác khi chưa được phép. Cũng như không được mánh mung lừa đảo gian lận, tham ô hối lộ.3, Không được tà dâm tà hạnh ngoại tình, không được có các hành vi tình dục sai trái. 4, Không được nói dối nói những lời sai sự thật nói những lời gây xúc phạm tổn thương làm đau khổ người khác. Cũng như không nói những lời phù phiếm ác độc vu khống chửi rủa la mắng một ai. 5, Không được uống rượu và những chất gây kích thích nghiện ngập.
Thiền sư Trần Thái Tông viết năm bài văn về năm giới, nhằm chỉ bảo nhắc nhở cảnh tỉnh chúng ta phải thường xuyên giữ gìn năm giới, bảo hộ sáu căn ba nghiệp cho được tươm tất vẹn toàn. Ngài còn triển khai mở rộng năm giới để được linh động thích nghi phù hợp với con người và xã hội, nhờ thế chúng ta biết cách nhận diện tiếp cận và áp dụng vào đời sống một cách dễ dàng, góp phần làm cho tất cả chúng ta được thăng hoa lành mạnh an ổn tốt đẹp. Hơn nữa đứng trên cương vị của một ông vua, năm giới được Ngài khai triển đem lại lợi lạc tinh thần rất lớn, còn là những lời khuyến nghị huấn dụ răn dạy có sức ảnh hưởng mạnh mẽ sâu xa đối với mọi tầng lớp dân chúng. Ở đó còn là nền tảng pháp trị hết sức giá trị và linh động trong việc xây dựng hoàn thiện cá nhân và xã hội. Nếu chúng ta biết áp dụng năm giới vào đời sống thì nhân cách và phẩm hạnh đạo đức của chúng ta sẽ trở nên hoàn mỹ tốt đẹp, mang lại hạnh phúc an vui cho bản thân con người và xã hội.
Giới là những điều ngăn cấm răn dạy, những quy định chúng ta không được vi phạm, giới còn là ngăn ngừa gìn giữ kiểm soát giúp chúng ta biết nâng cao nhân cách phẩm hạnh đạo đức, xây dựng con người xã hội trở nên thiện lành yên ổn cao đẹp. Giữ giới còn giúp cho chúng ta có được sự suy nghĩ hành động nói năng, trong sáng chuẩn mực tâm hạnh thanh cao đủ đầy, còn làm cho xã hội con người có được nếp sống lành mạnh an ổn. Năm giới còn là rào cản phòng bị hết sức hữu hiệu trong việc làm tốt đẹp cho từng cá nhân cũng như góp phần xây dựng xã hội trở nên hoàn mỹ. Biết giữ gìn năm giới sẽ không dẫn đến sự xáo trộn trong đời sống cá nhân gia đình, những vấn nạn bất an trong xã hội ít có dịp xuất hiện. Nếu chúng ta biết trân trọng gìn giữ không vi phạm năm giới thì thân tâm của chính mình được an ổn, giảm bớt phiền muộn khổ đau và góp phần làm cho xã hội trở nên bình yên an ổn tốt đẹp hơn. Chúng ta cùng nhau giữ giới đã thọ nhận, phát triển hạnh lành nuôi dưỡng đức tánh từ bi trí tuệ, đem lại lạc an cho mình và tha nhân đến muôn loài chúng sanh.
Để cho sự giữ giới đến chỗ thanh tịnh viên mãn rốt ráo, giới còn có nội giới ngoại giới, tướng giới tánh giới, là những phần ở bên ngoài và ở bên trong, hình tướng và nội tâm, thô thiển và vi tế. Trong năm giới thì thân giới và khẩu giới tương đối rõ nét hơn, vì có những biểu hiện đến từ hành động và sự nói năng nên chúng ta dễ nhận thấy, còn ở bên trong nội tâm thì khó để phát hiện. Hình tướng tướng trạng và diện mạo là những phần nằm ở bên ngoài thô thiển, chỉ cần chúng ta chú ý quan sát một chút là có thể nhận diện và phát hiện ra ngay. Còn ở bên trong nội tâm thuộc phần vi tế thì lại rất khó để chúng ta nhận diện phát hiện, những khởi dậy đi lại trôi nổi của chúng. Bởi tâm ý mới là đầu sỏ chủ động sai khiến mọi thứ dẫn đầu tác tạo mọi sự, từ suy nghĩ hành động đến nói năng tất cả đều có sự tham dự quyết đoán tích cực của tâm ý cả. Điều khó khăn nhất vẫn là tánh giới, sự giữ giới từ bên trong tâm ý mới quan trọng nhất, đòi hỏi chúng ta liên tục quán chiếu và thường sống trong sự tỉnh giác cao độ. Do bởi trong chúng ta luôn sẵn có mầm mống bất thiện chất chứa tích lũy từ bao đời, chờ dịp là trổi dậy vi phạm. Chúng ta cần phải minh mẫn và tỉnh thức thường xuyên liên tục, thì mới dễ dàng nhận diện phát hiện kịp thời, chận đứng lại ngay tức khắc.
Dù rằng trong năm giới nghiêng về thân và khẩu, nhưng bộ ba của thân khẩu ý lại thường đi chung với nhau và tạo thành ba nghiệp. Khi chúng ta giữ gìn thân khẩu giới cho được trong sáng lành mạnh, thì tự nhiên nội tâm của mình cũng sẽ trở nên thanh thản an yên, có được hạnh phúc bình an trong mọi khoảnh khắc của đời sống.
Năm giới còn là năm pháp tu giảm thiểu khổ đau dẫn chúng ta đến với an lạc, đã đành chúng ta không được giết hại sinh linh, mà còn phải tu tập thường xuyên nuôi dưỡng lòng từ bi yêu thương cho thật lớn mạnh. Không được trộm cướp, chúng ta còn phải liên tục thực hành hạnh bố thí và nuôi dưỡng tâm hỉ xả. Không đam mê sắc dục tà dâm, chúng ta còn phải tu tập phạm hạnh thanh tịnh. Không nói dối, chúng ta còn phải chánh ngữ nói năng phù hợp với chánh pháp. Không được uống rượu và những chất gây nghiện, chúng ta còn phải nỗ lực tu tập và phát triển trí tuệ. Tu tập và giữ gìn để có được tịnh giới thì tâm từ bi trí tuệ mới liên tục phát triển, an lạc mới thường xuyên phủ vây ngự trị.
Bài Văn Giới Sát của Thiền sư Trần Thái Tông, khúc chiết cô đọng rõ ràng, ngoài việc chúng ta không được giết hại và gây đau khổ tổn thương cho một ai chúng sanh nào. Ngài còn cho chúng ta thấy rõ có sự liên hệ kết nối nhân quả nhiều đời nhiều kiếp, từng là quyến thuộc của nhau giữa chúng ta và những chúng sinh khác. Bởi ai trong chúng ta lại không gây tạo ác nghiệp lạc bước lầm đường, dạo quanh nơi ba cõi sáu đường, trôi nổi nơi sông mê bể khổ. Đã từng luân hồi gặp gỡ hết xuống lại lên, đã từng là quyến thuộc bạn hữu cùng giống khác tên “trứng, thai, ẩm, hóa” đổi qua đổi lại.
VĂN GIỚI SÁT
“Phàm các loài sanh từ trứng, thai, ẩm, hóa, tánh vẫn đồng, thấy nghe hiểu biết đâu khác. Chỉ do tạo nghiệp kết oán, nên thọ tên khác hiệu khác. Ngày trước vốn loài người, nay sanh đàn giống khác nhau. Hoặc là bạn bè, hoặc là anh em. Thay đổi áo xiêm đai mũ, biến làm mai vảy cánh lông. Vợ quên chồng, chồng quên vợ, con trái cha, cha trái con. Đã thấy đổi đầu khác mặt, lôi về mổ bụng chặt chân. Luống lo tham sống sợ chết, lại không một lời kêu đau khổ. Ngươi giết nó, nó giết ngươi, hắn ăn mày, mày ăn lại hắn, hằng không ngày dứt, mải tạo oan trái. Kiếp kiếp trả nhau, đời đời thù nhau.
Người quay đầu liền đến quê nhà, kẻ phóng tâm hằng chìm địa ngục. Sách Nho dạy: “Thi ân bố đức.” Kinh Đạo dạy: “Ái vật hiếu sanh.” Phật chỉ cấm sát là giữ giới, ngươi phải để ý tuân hành chớ phạm.
Kệ rằng:
“Cánh lông mai vảy trọn hàm linh,
Sợ chết tham sanh nào khác tình.
Từ trước Thánh Hiền lòng chẳng nỡ,
Đâu cam thấy chết vẫn tham sanh “.
Thiền sư Thích Thanh Từ dịch, nguồn thuongchieu.net
Trong nhà Phật chúng sinh được sinh ra từ bốn cách, bốn hoàn cảnh môi trường khác nhau. 1, Noãn sinh: sinh ra từ trứng 2, Thai sinh: sinh ra từ bào thai 3, Thấp sinh: sinh ra từ chỗ ẩm thấp, 4, Hóa sinh: tự nhiên mà sinh. Dù sinh từ đâu loài nào đi nữa thì “tánh vẫn đồng, thấy nghe hiểu biết đâu khác”. Tánh là tự tánh là tánh giác khả năng thành Phật là bản thể không cùng vô tận của Chân như. Tự tánh giác ngộ đó trong chúng ta và chúng sinh đều như nhau, chung cùng và hoàn toàn giống nhau. Dù là loài nào thì bản tánh ấy vẫn y nguyên như thế không hề thay đổi, đều sẵn có hạt giống Phật tâm Phật khả năng thành Phật, đều có hạt mầm giác ngộ luôn tiềm ẩn, thế nên thấy nghe hiểu biết tánh giác đâu có gì sai biệt. Sự khác biệt chỉ có là ở nơi hình tướng tướng trạng diện mạo tâm cảnh và sự thọ nghiệp nhận lãnh về nhân quả. Dù có khác họ khác tên khác loài nhưng tất cả chúng ta và chúng sinh đều có sự liên đới nối kết và từng là quyến thuộc của nhau từ những xa xưa về trước. “Chỉ do tạo nghiệp kết oán, nên thọ tên khác hiệu khác”. Điều rõ ràng chúng ta thấy cũng là con người với nhau, máu cùng đỏ nước mắt cùng mặn, nhưng về hình dung tướng mạo thì có người đẹp người xấu, người cao sang quyền quý người thì khổ cực vất vả. Người thì sáu căn đầy đủ kẻ thì tật nguyền khiếm khuyết, có người thì ít ốm đau bệnh hoạn, có người thì ra vô bệnh viện như cơm bữa. Người thì cao quý thiện lành tấm lòng yêu thương tử tế san sẻ sớt chia lúc nào cũng hiện hữu, ngược lại thì có người dễ sân hận cộc cằn tâm tánh xấu ác thường làm những việc bất thiện hại người hại vật. Tất cả đều do hạnh nghiệp của chúng ta gieo trồng từ trước, nên mang tên khác hiệu khác và nhận lãnh luật nhân quả khác nhau.
Một khi chúng ta biết rõ có sự liên hệ và từng là quyến thuộc của nhau, thì không lý do gì để chúng ta cư xử ác tâm và có những hành động xấu ác bất thiện với nhau được cả. Ở loài vật cũng vậy, chúng ta thấy có loài chỉ ăn cỏ cây mà sống, có loài cắn xé giết hại những loài khác để ăn, có những con vật được cưng quý nuôi nấng thì lại có những con vật phải cày bừa chuyên chở còn bị chúng ta nhẫn tâm đánh đập hành hạ. Những con vật bị chúng ta giết hại để ăn thịt hay thỏa mãn tâm tánh hiếu sát, chúng đều quằn quại rên la khóc lóc thảm thiết, kêu gào lòng thương xót của chúng ta nhưng chúng ta vẫn lạnh lùng dửng dưng và vô tình.
Chúng ta rõ một điều, luật nhân quả là một định luật công bình và sòng phẳng nhất, tạo nhân gì thì hưởng quả đó như bóng với hình, hễ gieo gió thì ắt gặt bão, không hề có sự ngoại lệ biệt lệ cho bất cứ một ai cá nhân chúng sinh nào. Giết người thì phải đền mạng, không đền bây giờ thì mai sau cũng phải trả phải gánh chịu. “Ngươi giết nó, nó giết ngươi, hắn ăn mày, mày ăn lại hắn, hằng không ngày dứt, mải tạo oan trái”.Tước đi một sinh mạng gây khổ đau tổn thương cho muôn loài chúng sinh, thì trước hay sau gì cũng sẽ bị giết lại đền lại vì đó là luật nhân quả. Cái vòng luẩn quẩn tới lui kết oán tạo thù gieo nhân xấu ác, kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu sát hại những chúng sinh không đủ khả năng tự vệ, cứ thế khiến cho chúng ta mãi rơi vào vòng chém giết sát hại lẫn nhau không biết lúc nào ngưng nghĩ.
Chúng ta không được sát sinh, không giết hại hay làm tổn thương bất cứ sinh mạng của một chúng sanh nào, cũng như không được xúi dục sai bảo vui mừng tán đồng cho việc giết hại và gây thương tổn. Ngay cả chỉ vừa thoáng qua trong ý nghĩ chưa kịp phát ra miệng cũng như hành động thì phần nào chúng ta đã phạm giới, để có được giới thể thanh tịnh chúng ta còn phải kiểm soát ngăn ngừa và chận đứng cả trong tư tưởng hành động lời nói và quan trọng là cả ba nghiệp thân, khẩu, ý nữa. Bởi sự giết hại không đơn thuần chỉ có trong hành động mà còn có sự tham dự trực tiếp hay gián tiếp đến từ miệng và ý nữa. Đó là một thứ bản năng tâm tánh hiếu sát vốn nằm sẵn đâu đó trong ta khi hội đủ yếu tố và điều kiện lập tức nó sinh khởi. Chỉ một lời nói hay một cái chỉ tay ra lệnh cũng có thể gây thương tổn mất mạng khổ đau đến kẻ khác chúng sinh khác rồi, hơn nữa chúng ta đều biết rõ tất cả mọi hành động suy nghĩ nói năng đều cấu thành nghiệp quả, đều tạo nên nhân xấu hay tốt. Đã là nhân thì ắt nhiên phải có quả, tốt hay xấu lành hay dữ đều do chúng ta tự mình làm chủ và quyết định. Sự hiểu biết và nhận thức rõ ràng về nhân quả nghiệp báo, sẽ giúp cho chúng ta biết cách kiểm soát kiềm chế và giữ gìn sáu căn ba nghiệp lúc nào cũng được thiện lành tốt đẹp.
Đã đành không được giết hại làm tổn thương bất cứ một chúng sinh nào, chúng ta còn phải nuôi dưỡng phát huy và ban trải tâm từ bi lòng yêu thương đến với muôn loài chúng sinh nữa. Lòng từ bi không chỉ dành riêng cho gia đình và người thân, con người và đồng loại mà lòng từ tâm bi đó còn hướng nguyện và không giới hạn đến với muôn loài chúng sanh. Từ loài thấp đến cao, từ loài sinh nơi ẩm thấp đến những loài sinh ra từ trứng từ thai, hóa sanh, từ loài sống trên cạn đến loài sống dưới nước, từ hữu tình đến vô tình chúng sinh nữa. Lòng từ bi đó chỉ có trao ra ban trãi một cách đồng đều, không đòi hỏi điều kiện không mong cầu đáp trả, chỉ có hoan hỷ mĩm cười ban tặng dâng hiến mà không cần đền ơn nhớ ơn trả ơn. Lòng từ bi thương yêu ban trãi đó, hoàn toàn không có những tác ý móng tâm nào khởi dậy và có chủ đích, ngay cả những vui mừng lo lắng bám theo, kể cả những suy nghĩ nhân quả thiện báo sau này sẽ không bị chúng giết lại cũng đều phải chấm dứt. Chúng ta thực hiện với tâm không mong cầu bất cứ điều gì cả, thì mới trở nên trọn vẹn viên mãn.
Chúng ta phải dưỡng nuôi lòng từ bi luôn lớn mạnh và có mặt thường xuyên, chứ không phải đợi đến lúc chờ đến khi mình vận dụng đến sự suy nghĩ tính toán hơn thiệt rồi cho phép thì nó mới xuất hiện. Nếu là như thế thì lòng từ bi đó có ranh giới có sự giới hạn lưng chừng, chứ chưa thật sự nâng cao một cách toàn triệt. Lòng từ bi yêu thương phải được hiện hữu liên tục và được vận hành mạnh mẽ, nó thấm nhuần trong từng huyết quản thớ thịt và tâm thức của chúng ta từ trước. Thông thường khi giết hại những sinh mạng lớn, chúng ta có sự suy nghĩ đắn đo do dự, nhưng khi ra tay giết những sinh mạng nhỏ như: con kiến con ruồi con muỗi thì rất nhanh gọn lẹ và không hề có sự chần chừ suy tính. Điều này cho thấy bản năng tâm tánh bất thiện vẫn hiện diện thường trực trong chúng ta.
Nghiệp ác điều bất thiện chúng được chôn dấu chất chứa sẵn trong ta chỉ chờ cơ hội là lập tức trỗi dậy ngay, như thế lòng từ bi trong ta có giới hạn, chưa đủ chưa được lớn mạnh, chúng ta chưa tích lũy đủ đầy và sẵn có vậy. Hoặc có khi chúng ta lại bao dung rộng lượng với con người, nhưng với những con vật và chúng sinh khác thì do dự hoặc rất ít và nhỏ giọt. Vậy là lòng từ bi đó có ranh giới có sự ngăn cách đóng khung, chứ chưa trọn vẹn đến với muôn loài chúng sanh. Lòng từ bi thật sự đủ đầy là không hề có sự phân biệt và giới hạn nào cả, một lòng dâng hiến cho và vì chúng sinh. Nếu chúng ta thừa nhận một điều rằng, tất cả mọi sinh mạng dù lớn hay nhỏ, đều đáng quý trọng đáng được bảo vệ giữ gìn, thì không một cớ gì lý do gì chúng ta lại nhẫn tâm sát hại và gây thương tổn dù đó một chúng sinh bé nhỏ.
Để lòng từ bi phát khởi không có giới hạn và được trọn vẹn, chúng ta không được giết hại sinh linh mà còn không nên ăn thịt chúng, không được gây tổn hại đau khổ cho một ai chúng sinh nào dù hữu hình hay vô hình. Hoặc chúng ta thương người thương động vật thương một số loài, nhưng với cây cỏ thực vật thì mình chẳng thương, ra tay chặt phá bẻ cành cắt ngọn một cách không cần thiết, chỉ vì để nhìn cho đẹp cho vừa ý vừa lòng đẹp dạ. Hoặc chúng ta phát nguyện ăn chay nhưng lại phung phí thức ăn đồ uống, chọn lựa tươi ngon chê bai héo úa, tồn đọng một dạng tâm lý phân biệt “kén cá chọn canh” chứ không phải việc ăn uống là chỉ cần nuôi tấm thân hư huyễn để tu tập và hướng thiện. Vậy là lòng từ bi của chúng ta rõ ràng có hạn cuộc và giới hạn, có sự chọn lựa đối tượng để phát khởi. Nếu mình chịu khó hiểu rộng ý nghĩa của chữ sinh, thì ngoài sinh mạng còn là sự sống của vạn loài muôn vật. Hơn nữa muôn loài đều sinh ra lớn lên cùng sống chung trên mặt đất này, cùng hít thở chung một bầu không khí, cùng vươn lên tỏa sức sống và cùng tồn tại, nên tất cả đều bình đẳng sống thở như nhau. Đã là như thế thì chúng ta không vì lý do gì, nhân danh điều gì có quyền hạn hay thẩm quyền gì để giết hại gây tổn thương, tàn phá, ỷ lớn ỷ mạnh ăn hiếp, ăn thịt lẫn nhau được? Thế nên chúng ta hãy chung sống một cách hòa bình tôn trọng yêu thương lẫn nhau, tâm từ bi trong ta không chỉ dừng lại ở một nhóm đối tượng một vài loài mà tất cả muôn loài, hữu tình và vô tình chúng sinh nữa.
Dù là loài nào cũng đều có sự đau đớn đều có phản ứng khi thân thể bị hành hạ tra tấn giết hại, sự đớn đau khổ sở mỗi loài đều có những biểu hiện khác nhau, có loài thì quằn quại rên la chảy nước mắt, có loài thì vật vã khóc than bức đầu vỗ trán nhỏ lệ khổ đau, có loài không còn cách nào lựa chọn, riêng loài người thì được quyền lựa chọn thức ăn thức uống cho mình. Cùng sống chung trên một quả địa cầu, cùng hít thở một bầu khí quyển, thay vì chung sống một cách hòa bình không loài nào xâm phạm giết hại loài nào, thì loài người lại có những suy nghĩ và hành động khác biệt hơn, có sự nhẫn tâm gây thương tổn và khổ đau cho chính đồng loại và muôn loài. “Đã thấy đổi đầu khác mặt, lôi về mổ bụng chặt chân”.
Không những chúng ta không được giết hại và gây thương tổn bất cứ chúng sinh nào, mà còn phải luôn luôn nguyện cầu cho mọi an lành đến với tất cả. Chúng ta còn phải luôn nhớ ơn biết ơn muôn loài chúng sanh, bởi nhờ có chúng nhắc nhở chúng ta mới biết trân quý cuộc sống và tìm thấy ý nghĩa đích thực của việc có được thân người của mình, đây còn là phước duyên lớn nhiều đời nhiều kiếp mới không rơi vào cảnh giới khác. Nơi cuộc sống và con người này, chúng ta có đủ đầy cơ hội nếm trải mọi cung bậc từ vui buồn hạnh phúc đến khổ đau bất an hành hạ. Chúng ta có dịp nhận thức rõ ràng về vô thường sinh lão bệnh tử, hiểu biết thân phận mong manh của kiếp người, để tìm phương tu tập vượt thoát tử sinh. Chúng ta có sự trải nghiệm đích thực có sự nhận thức minh bạch về cuộc sống, những cảm xúc cảm thọ khổ đau hạnh phúc buồn vui lẫn lộn đủ mọi sắc màu giai tầng cung bậc thi nhau xuất hiện. Chúng ta còn phải liên tục đấu tranh với chánh tà thiện lành xấu ác vô minh khổ não. Đó cũng chính là sự may mắn có được thân người và là hành trang tối cần để chúng ta tìm phương thoát khổ về với chân lạc thường hằng.
Một khi chúng ta rõ biết duyên sanh và nhân quả thì tất cả sự có mặt và những hiện hữu chung quanh chúng ta, đều có yếu tố duyên nghiệp kèm theo. Không hề có sự ngẫu nhiên tình cờ nào cả, tất cả chỉ là nhân quả nghiệp lực dẫn đưa mới kết tụ hình thành. Một khi cánh cửa tỉnh giác trong chúng ta mở ra cũng là lúc chúng ta nhận biết cao độ mọi tương quan tương duyên tương hợp trong ý nghĩa vượt thắng. Khi chúng ta thường xuyên nuôi dưỡng và sống trọn vẹn với ánh sáng của trí tuệ lòng từ bi thì chúng ta mới giảm thiểu khổ đau tìm tới an lạc đích thật. Giới cấm là sự ngăn ngừa không để chúng ta vi phạm, nhưng mặt khác còn là hạt giống tốt để chúng ta phát triển hạnh lành, ban trãi lòng từ bi trí tuệ hướng nguyện đến với muôn loài chúng sanh. Giới hạnh sáng tỏ đưa chúng ta vượt sông mê biển khổ về với giác ngộ, nuôi dưỡng giới đức lành mạnh chuyển hóa thân khẩu ý thanh tịnh sẽ mang lại cho chúng ta niềm hạnh phúc lạc an không bến bờ.
Thiên nhiên vốn đã khắc nghiệt thiên tai thường xuyên xảy ra chỗ này nơi nọ, đất nước gió lửa đêm ngày biến động. Nhưng nếu so sánh cái họa về thiên tai vốn dĩ ít hơn so với cái họa về nhân tai do con người gây ra, thì còn khủng khiếp lớn hơn rất nhiều lần. Nó có thể đưa đến sự chết chóc hủy diệt muôn loài, tàn phá môi sinh ngăn cản sự phát triển, gây khổ đau tang thương cho nhiều thế hệ. Những cuộc chiến tranh chém giết do vì bất đồng ngôn ngữ chủng tộc ý thức hệ tôn giáo, tranh giành chiếm đoạt cướp bóc chèn ép, ỷ mạnh hiếp yếu, triền miên xảy ra chưa bao giờ ngừng nghĩ. Những thứ vũ khí tiêu diệt hàng loạt sinh mạng thi nhau kiếm tìm sở hữu, những công cụ giết người hàng loạt càng nhiều càng tinh vi đêm ngày thi nhau phát huy. Vũ khí hạt nhân vi trùng hóa học âm thanh ánh sáng miệt mài phát minh thi triển, môi sinh môi trường thiên nhiên trở thành bãi trường thí nghiệm, sinh mạng của con người và chúng sinh trở thành nơi triển khai thí điểm, muôn loài thường xuyên sống trong sự đe dọa lo âu tước đoạt.
Từ thế hệ này đến thế hệ khác từ biên cương này đến quốc gia khác, cũng vẫn như thế, sự chết chóc tiếng kêu la đau đớn phủ trùm lên muôn vật, chênh lệch giàu nghèo nơi dư thừa nơi thiếu thốn, đói ăn thiếu mặc khắp chốn mọi nơi. Của cải vật chất tài sản thì tìm cách tích lũy bổ sung còn tinh thần hầu như phá sản, mặc cho những bậc hiền giả những bậc giác ngộ những bậc đạo sư thi nhau kêu gọi lòng từ bi bác ái nhưng đâu đó vẫn y nguyên chẳng thay đổi được gì mấy. Khổ đau mê mờ lầm lạc vẫn cứ triền miên ôm giữ, vô minh tham sân si tăm tối vẫn dâng cao choáng ngợp. Những lời dạy bảo cao cả những pháp ngữ vi diệu, những ánh sáng linh hiện soi đường nẻo về an yên thảnh thơi, vẫn ở đó còn đó đêm ngày tuôn chảy chỉ đường dẫn lối, nhưng chúng ta làm ngơ ngoảnh mặt quay lưng lắc đầu chối bỏ. Thi thoảng chúng ta cũng tìm đến thử nếm hương vị kiếm tìm sự trải nghiệm, nhưng phần nhiều chúng ta bỏ cuộc không chịu đi đến cuối đường. Có lẽ chúng ta không tìm thấy có gì vui chưa thấy gì là hạnh phúc, thế là lẳng lặng bỏ đi lao vào cuộc tranh giành tiếp tục. Có phải điều mà ta cho là vui là hạnh phúc lại mong manh sương khói sớm nở tối tàn có đó rồi mất đó, hoặc vì mê mờ lầm chấp nên mãi chạy loanh quanh kiếm tìm trong vô vọng?
Thiền sư Trần Thái Tông nhắc nhở chúng ta“Người quay đầu liền đến quê nhà, kẻ phóng tâm hằng chìm địa ngục”. Có phải tại chúng ta không đủ kiên nhẫn và sự khôn ngoan, tìm cách đổ thừa trốn chạy, không chịu quay đầu không hết lòng trở về cội nguồn chân như bến giác? Một khi chúng ta biết dừng lại lắng nghe lặng yên nhìn ngắm thật kỹ thân tâm ngôn hành, nhìn thật sâu thật lâu nhìn rõ ràng nội tâm của mình một cách thân thiện bao dung. Nhận biết những chuyển động đi lại phiền nhiễu nơi tâm một cách tinh tường minh bạch thì chúng ta sẽ phát hiện biết bao điều kỳ diệu. Cũng từ nơi cái tâm đó đưa chúng ta đến với phiền muộn khổ đau thì cũng chính cái tâm đó dẫn chúng ta trở về với chánh giác.
Chỉ cần chúng ta lắng đọng tỉnh thức thấy rõ từng hơi thở từng cảm xúc từng sự vận hành chuyển động đi lại trôi nỗi biến hiện của tâm thức. Khi chúng ta nhận chân rõ biết thấu đáo, tất nhiên một điều là hễ chúng đến được thì đi được, chúng khởi lên thì sẽ tự diệt vong. Chúng ta cứ để cho chúng tự đến tự đi tự sanh tự diệt, đừng chạy theo đuổi bắt nắm giữ, chúng ta chỉ việc bình an lắng đọng, cứ để cho cái quy luật hiển nhiên đó vận hành trôi chảy một cách tự nhiên thì chúng ắt tự biến mất. Chúng ta không cần phải bám theo giành giật níu kéo hay tìm cách tô son điểm phấn khoác vào những chiếc áo sắc màu rực rỡ. Đừng để mình sống mãi với quá khứ cũng chẳng cần phải ôm giữ những gì đã trôi qua, đừng để cho mình mãi miết trôi theo dòng đời trôi nổi, chết chìm với sự biến động trong hiện tại, cũng đừng mơ tưởng về một tương lai xa xăm bất định không lấy gì bảo đảm bền chắc. Bởi chẳng một ai đủ thẩm quyền bảo đảm sự tác động của vô thường biến đổi cho ngày mai ấy cả. Chỉ cần chúng ta hít thở nhẹ nhàng tỉnh thức, sống trọn vẹn tích cực với phút giây hiện tại bây giờ là đủ, chỉ cần chúng ta trân trọng thương yêu lẫn nhau, một lòng bao dung độ lượng với muôn loài là được.
Chỉ có sự tăng trưởng lòng từ tâm bi mới khiến cho chúng ta làm vơi bớt khổ đau chết chóc cho muôn loài. Chỉ khi chận đứng được tham vọng đảo điên, chấm dứt mọi điều xấu ác thì chúng ta mới có được bình an đích thật trong cuộc sống. Chính chúng ta chứ không ai khác góp phần tàn phá trái đất hủy hoại môi sinh làm nhiễm ô bầu khí quyển, gây hiệu ứng nhà kính khí thải, nước biển dâng cao, sự sống muôn loài dần cạn kiệt, những điều đó đang giết dần giết mòn tàn phá chúng ta với nhiều tai ương dịch bệnh. Định luật nhân quả vay trả, trả vay hình thành rõ nét hơn “Kiếp kiếp trả nhau, đời đời thù nhau”. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà có quá nhiều sự chết chóc giết hại, thiên họa nhân tai, chiến tranh thù hằn, kỹ nghệ chăn nuôi nhà máy giết hại gia súc. Có biết bao sinh mạng bị giết hại làm vật hy sinh chỉ vì phục vụ miếng ăn cho con người, chỉ vì thoả mãn khẩu vị tâm tánh hiếu sát, chỉ vì nuôi dưỡng bản thân đủ đầy cung phụng cho bản ngã. Chỉ vì lòng đam mê danh vọng bảo vệ quyền lợi sự ích kỷ nhẫn tâm, chỉ vì nhân danh mạo danh tôn giáo quốc gia chủng tộc, gieo rắc khổ đau cho con người đến muôn loài chúng sinh?
Thật ra thì thế giới này có muôn loài chúng sanh cùng cư ngụ cùng sinh ra và lớn lên cùng hít thở một bầu khí quyển như chúng ta vậy. Thế nên, chúng ta không có quyền giết hại một ai chúng sanh nào, dù chúng ta có nhân danh có đại diện có mạnh mẽ đến đâu, hoặc cho bất cứ mục đích hành động nào góp phần gây nên sự chết chóc cổ xuý tán đồng cho việc giết hại, thì cái quyền đó cũng không tồn tại, do ta tự phong tự tạo tự làm tự chịu vậy. Loài người chúng ta ỷ có sự thông minh sức mạnh, nên mới tìm cách tiêu diệt tàn sát những chúng sinh không đủ sức tự bảo vệ. Có phải chỉ để thỏa mãn thú vui bản năng hiếu sát tâm tánh ác độc, tham vọng cá nhân chủ nghĩa bá quyền bành trướng thế lực, vô minh ba độc dẫn dắt?
Động vật khi bị giết hại chúng ta thấy rõ sự đau đớn quằn quại của chúng, thực vật thì chúng ta không thấy hoặc ít thấy hơn. Nhưng nếu quan sát thật kỹ và rõ ràng thì chúng ta vẫn tước đi sức sống của chúng, bằng cách này hay nọ để phục vụ cho sự sống còn của bản thân ta. Thế nên phát khởi lòng từ bi đến với muôn loài là điều cần thiết và phải cố gắng thực hiện, hơn nữa chúng ta còn phải biết ơn nhớ ơn, vì nhờ sự hy sinh của chúng nuôi dưỡng tấm thân tứ đại mà chúng ta mới sống còn đến hôm nay.
Chúng ta cần phải nuôi dưỡng tâm từ bi hạt mầm trí tuệ giác ngộ, khi chúng ta thường sống với chánh niệm tỉnh giác cũng đồng nghĩa chúng ta đang trú ngụ trong sự lạc an, ở ngay phút giây của hiện tại bây giờ tại nơi đây con người này vậy. Chúng ta còn phải liên tục và tích cực “nguyện duy trì trong ta chánh niệm từ bi” ở mọi lúc mọi nơi trong mọi hoàn cảnh tâm cảnh, một lòng kiên định tinh chuyên không hề đổi thay suy chuyển. Bởi cho cùng nguồn cội của mọi hiện tượng và những vấn đề, cuối cùng đều trở về với bản thể thanh tịnh, về với tự tánh không cùng vô tận vi diệu của chân không tuyệt không.
Trong Kinh Người Áo Trắng, chúng ta hết lòng gìn giữ và hộ trì “Vị đệ tử áo trắng xa lìa sự giết hại, chấm dứt sự giết hại, buông bỏ khí giới, biết hổ biết thẹn, tập Từ tập Bi, bảo hộ cho mọi loài sinh vật, kể cả các loại côn trùng. Vị ấy diệt trừ tận gốc tâm niệm giết hại”. Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch, nguồn langmai.org
Chỉ khi tăng trưởng lòng từ bi đủ đầy chúng ta mới chấm dứt sự ác tâm giết hại vốn tích chứa nằm sẵn trong huyết quản của chúng ta, chỉ khi giảm thiểu những vi phạm về đạo đức, sự xâm phạm nhân phẩm phô trương ích kỷ của cái tôi bản ngã thì cuộc sống mới trở nên ý nghĩa đúng đắn. Chỉ khi chúng ta thật sự từ bỏ cái tôi cái bản ngã nâng cao phẩm hạnh cao đẹp, cũng là lúc những hệ lụy khổ đau phiền não rơi rụng. Chỉ khi trí tuệ tỏa sáng xóa nhòa biên kiến nhị nguyên cũng là lúc tâm từ trong ta phát huy nuôi dưỡng lớn mạnh. Chỉ có lòng từ bi mới hóa giải mọi thù hận, chỉ có tình thương yêu mới đưa chúng ta xích lại gần nhau, chỉ khi chúng ta thật sự cảm thông hiểu biết mới gạt bỏ mọi tị hiềm đố kỵ xấu xa. Chỉ khi mở rộng cõi lòng thương yêu nhân ái mới khiến chúng ta đủ năng lực vượt qua mọi ngăn cách về với tấm chân tình. Chỉ có lòng từ tâm bi chúng ta mới đủ năng lực cùng nhau xây đắp nếp sống cao đẹp vẹn toàn chân thiện mỹ.
Lòng từ bi rộng lớn cao sâu quên thân mình một lòng phụng sự và hy hiến “nguyện thay thế chúng sinh mà chịu khổ đau vô lượng”. Gìn giữ được như thế thì sát nghiệp và giới sát mới thật là sự vâng giữ trọn vẹn, từ đó phát sinh mọi hạnh lành cao quý, giảm thiểu khổ đau thường sống trong sự thảnh thơi lạc an. Lời Kinh Thương Yêu vẫn đêm ngày vang vọng theo từng nhịp thở. “Nguyện cho mọi người và mọi loài được sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi” .
Bài Văn Giới Trộm được Thiền sư Trần Thái Tông viết, cô đọng minh bạch và rõ ràng, đâu là ranh giới của người hiền và kẻ xấu, đâu là cái ác việc thiện.
VĂN GIỚI TRỘM
“Người làm nhân nghĩa là quân tử, kẻ làm trộm cướp là tiểu nhân. Người quân tử ôm lòng cứu giúp kẻ cô bần, đứa tiểu nhân thì tham lấy tài vật. Vật của người lấy làm của mình, mặc kệ nhiều người trách cứ, chỉ biết lợi ích cho mình. Đâu biết giàu sang tại trời, chỉ thả ý tham cầu. Thuốc chó, đào hầm, đục tường, khoét vách theo gót tướng quân Sơn Dương, tập làm Lương thượng quân tử. Nghịch trời trái đất, dối pháp khinh hình. Khi sống thì pháp luật trừng trị, lúc chết bị Minh Ty khảo tra.
Không những đống vàng khối ngọc, dầu rằng cọng cỏ mảy lông. Ngửi mùi hương sen trong ao mà Địa thần còn quở, cho vay lấy lời Diêm vương còn phạt. Lưới trời lồng lộng, làm thiện thì thoát, làm ác thì mang. Phép nước thênh thang, làm việc công thì khỏi, làm việc tư thì phạm”.
Kệ rằng:
“Đục vách đào tường ý chẳng thôi,
Trăm mưu ngàn kế khổ mong cầu.
Đời này ví được của người đấy,
Nào biết muôn phen kiếp ngựa trâu”.
Thiền sư Thích Thanh Từ dịch, nguồn thuongchieu.net
Ngoài việc răn dạy nhắc nhở ngài Trần Thái Tông còn ứng dụng trong lĩnh vực pháp trị và giáo dục quần chúng một cách thiết thực nữa. Nếu chúng ta tích cực áp dụng giới không trộm cắp vào đời sống thì con người và xã hội đó sẽ trở nên lành mạnh yên ổn tốt đẹp. Rõ ràng hành vi trộm cướp lừa đảo mánh mung, tham ô lạm dụng công quỹ không đẹp tí nào cả, đã không được đẹp còn bị chê trách tù ngục hình phạt, gây tổn thất xáo trộn bất an cho quần chúng xã hội con người. Trộm của người ăn cắp của công bòn rút của bá tánh, cho dù chỉ mới khởi lên ý định chiếm đoạt sở hữu, chứ chưa dẫn đến hành động thì cũng đã phạm giới rồi, nếu một người có lòng tự trọng cũng đã cảm thấy khó chịu hổ thẹn rồi. Những gì không do bàn tay khối óc mồ hôi nước mắt sức lực của mình tạo ra, mà lại cố tình tìm cách chiếm đoạt thì đều đáng chê trách cả. Người có phẩm hạnh đạo đức sẽ không bao giờ nhặt của rơi chứ đừng nói đến có hành vi trộm cắp. Những bậc chính nhân quân tử những người đức độ hiền lương có thiện tâm hiểu biết, lại chẳng bao giờ đụng đến của người, nghĩ tới còn không dám nói chi đến việc chiếm dụng sở hữu. Những gì không phải của mình không thuộc về mình thì tuyệt nhiên không dám suy nghĩ đến, chứ đừng nói tìm cách mánh mung thu giữ về cho mình.
Chỉ có những người tiểu nhân tính khí nông cạn bốc đồng tâm tính bất thiện, không suy nghĩ chín chắn mới có hành vi trộm cướp, lạm dụng công quỹ tham ô. Làm trái nghịch đạo lý đất trời, coi thường luật pháp chẳng sợ hình phạt “Nghịch trời trái đất, dối pháp khinh hình”. Hoặc do vì lòng tham lam hay do nghèo khổ thiếu thốn, mới sinh nông nổi có những hành vi bất chính như thế. Dù vậy cũng không thể viện dẫn lý do vì nghèo khó hoặc đổ thừa cho khó nghèo để phải trộm cướp thì cũng không nên. Hoặc do đạo đức cá nhân suy đồi khởi tâm bất chính mánh mung, lấy của người của công một cách dửng dưng mà không hổ thẹn áy náy gì cả. Hoặc bản thân tạm đủ nhưng vẫn tìm cách lợi dụng lòng thương của kẻ khác, hay chính sách cứu giúp của xã hội tìm cách thu lợi về cho mình, thì cũng kể như chiếm đoạt trộm cắp một cách tinh vi vậy. Cho dù hành vi bất thiện không có ai thấy ai biết ai hay, nhưng lưới trời tuy thưa nhưng không thể thoát được, luật nhân quả theo ta như bóng với hình.
Ngài hết lòng cảnh tỉnh nhắc nhở chúng ta hãy tu thân tích đức làm thiện thì mới mong thoát được lưới trời nghiệp quả. Việc công tư phải rạch ròi phân minh, đừng tham lam ích kỷ nhỏ nhen ôm giữ cho riêng mình để rồi phải gánh chịu ác nghiệp. “Lưới trời lồng lộng, làm thiện thì thoát, làm ác thì mang”. Luật pháp hay phép nước cũng đều nghiêm cấm việc lạm dụng công quỷ bòn rút tham ô của công, lấy của người của xã hội làm của riêng cho mình cho gia đình dòng họ mình. Những việc hối lộ hù dọa gian tham cầm giữ chiếm đoạt phi pháp bất chính, tất cả đều bị nghiêm cấm và trừng phạt nếu vi phạm. “Phép nước thênh thang, làm việc công thì khỏi, làm việc tư thì phạm”. Rõ ràng, sự ích kỷ biếng lười lòng tham làm cho chúng ta thiếu chín chắn trong suy nghĩ và hành động, dẫn đến phiền nhiễu hệ lụy khổ đau cho mình cho người.
Đã đành không được trộm cắp, không được lấy bất cứ vật gì của ai khi chưa có sự đồng ý cho phép, dù nhỏ như cây kim ngọn cỏ “cọng cỏ mảy lông” đều phải có sự ưng thuận, chứ ta không thể tự tiện lấy mà không xin phép. Giới trộm cắp còn được hiểu ở ý nghĩa rộng hơn, là những gì thuộc về kẻ khác thuộc về chúng sinh, thì chúng ta cũng không được quyền đụng đến hay chiếm hữu tước đoạt, ngay cả chỉ mới khởi lên ý định hoặc tìm cách sở hữu cũng đều không được. Dù không có ai thấy không ai hay, nhưng trời biết đất biết mình biết, chúng ta phải rõ tất cả mọi hành động suy nghĩ đều cấu thành nghiệp quả, bị đọa lạc trong cõi ác phải làm kiếp ngựa trâu kéo cày chở khách để trả lại nợ. “Nào biết muôn phen kiếp ngựa trâu”.
Trong Kinh Người Áo Trắng: “Vị đệ tử áo trắng xa lìa sự không cho mà lấy, chấm dứt sự không cho mà lấy, thường ưa bố thí, tìm niềm vui trong sự bố thí và bố thí mà không cầu đền đáp. Vị này không bị tâm trạng tham lam che lấp, luôn luôn bảo hộ sự liêm khiết của mình và diệt trừ tận gốc sự không cho mà lấy”. Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch
Đành rằng không được trộm cắp dưới mọi hình thức, chúng ta còn phải thực tập dưỡng nuôi cho tốt hạnh lành bố thí. Phụng sự dâng hiến đến cho đời cho người và muôn loài chúng sanh, lòng biết ơn sự trao ra mà không cần đáp trả, một lòng bố thí mà không hề có sự tính toán phân biệt, trao tặng một cách vô điều kiện. Chỉ khi không còn bận tâm nghĩ suy, không để cho mình dính mắc ưu tư trăn trở đến những việc làm cao đẹp đó nữa, thì việc bố thí mới trở nên trọn vẹn viên mãn. Tâm thành trao tặng hiến dâng không đòi hỏi ân nghĩa đáp đền cũng chẳng cho thiếu cho nợ, bố thí một cách thủy chung không hề có sự mong chờ đền đáp nào cả, dù tài thí hay pháp thí tâm hỷ xả vẫn tròn đầy trọn vẹn. Chỉ có tình thương yêu và sự dâng hiến trao ra ban trải mới không hề vơi đi mới không cạn kiệt, là khi chúng ta trải lòng từ bi trên vạn nẻo chúng sinh, nguyện mong tất cả mọi loài được sống trong an lành hạnh phúc.
Chúng ta tu tập thiện pháp góp nhặt phước báo cho mai sau, phước huệ song tu, nhưng để tích lũy công đức để đi đến giải thoát thì còn đòi hỏi chúng ta phải thực tập hạnh buông bỏ dưỡng nuôi tâm hỷ xả nữa. Hơn thế nữa để được trọn vẹn viên mãn chúng ta còn phải tu tập thật tốt, hỷ là hoan hỷ và xả là xả bỏ, tâm hỷ là hoan hỷ còn tâm xả là phải buông bỏ tất cả mọi thứ mọi việc, không dính mắc chẳng níu kéo bận lòng, chẳng hề lưu lại chấp trước.
Chúng ta còn nhớ cuộc gặp gỡ trao đổi giữa Tổ Bồ Đề Đạt Ma với vua Lương Võ Đế.
- Nhà vua hỏi Tổ “Tôi lập chùa độ tăng in kinh sách nhiều vô số kể như vậy có công đức không?
- Tổ Đạt Ma trả lời “Không có công đức gì cả”. Công đức ấy chỉ có ở tiểu quả nhân thiên tuy có mà không thật.
Câu chuyện đó vẫn đêm ngày lồng lộng tỏa sắc đọng hương trong thiền sử, làm nhiều việc thiện lành công đức như vua Lương Võ Đế mà còn bị Tổ Đạt Ma phán một câu xanh rờn như vậy, huống hồ gì chúng ta? Phước đức là do chúng ta hành thiện bố thí mà có, còn công đức là do chúng ta nỗ lực tu tập mà thành, nhưng nếu chúng ta còn tự hào chấp chặt bám víu vào thành quả đó, thì con đường để đi đến giải thoát không khéo sẽ trở nên vướng bận gập ghềnh. Để đi đến được chỗ giác ngộ giải thoát trọn vẹn tròn đầy viên mãn chúng ta phải thực tập hạnh xả bỏ buông xuống tất cả. Có câu “ Chánh pháp còn phải xả huống gì phi pháp” hơn nữa để nhẹ gánh lo toan về với thường hằng tự tánh “ tầng thiền thứ ba là hỷ lạc còn phải đoạn trừ”.
Thông thường khi làm việc thiện chúng ta thường tự hào về nghĩa cử cao đẹp đó, chúng ta mong muốn người thân bạn bè biết đến cùng chia sẻ niềm vui sướng hạnh phúc với mình. Nhưng để cho thân nhẹ tâm an không còn vấn vương vương vấn, chúng ta thường xuyên nuôi dưỡng tăng trưởng tâm hỷ xả, còn phải học hạnh bỏ buông xả bỏ nữa. Điều khó khăn cho chúng ta bây giờ là buông xuống bỏ đi đừng bận lòng nghĩ tới, đừng vướng mắc vào việc thiện vào hành động đẹp đẽ ấy nữa, quả thật gian nan khó vô cùng. Bởi tâm chấp chặt trụ bám thường xuyên có mặt trong ta bất cứ lúc nào nơi đâu, nhưng nếu không tìm cách bỏ buông, không lẽ mình cứ phải ôm mãi chuyện đó, hơn nữa đâu chỉ có một lần rồi thôi nếu vậy thì chổ nào chứa cho đủ?
Chúng ta cố gắng thực tập và thường sống trong trạng thái tùy hỉ an vui, nếu chúng ta thử làm phép so sánh, thì tâm hỷ dễ thực hiện hơn so với tâm xả, bởi khi làm một việc gì ý nghĩa hay có hành động gì cao quý, chúng ta thường hoan hỷ vui mừng hoặc khi thấy người khác vui là ta vui lây cái vui của họ, tâm duyên theo cảnh mà vui. Suy cho cùng thì trạng thái mừng vui sung sướng cũng chỉ là một dạng cảm xúc trá hình dạng tâm lý thường tình, lúc có lúc không đến đi bất chợt. Nhưng để có được tâm hỷ xả, hoan hỷ xả bỏ thì sẽ khó khăn hơn nhiều, đòi hỏi chúng ta thường xuyên nuôi dưỡng nỗ lực tinh cần tu tập hạnh lành. Phải bỏ xuống buông hết tất cả mọi thứ không để cho mình rơi vào sự dính mắc chấp trước ôm giữ cất chứa, dù đó là những hành động cao đẹp, những tâm tư hết sức cao quý. Một lòng rời bỏ xả ly sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều, ít ra không tạo cơ hội để chúng ta rơi vào trạng thái níu kéo bất an, để con đường ta đi ta bước mới nhẹ gánh lo toan.
Đành rằng niềm vui hạnh phúc là khi chúng ta có dịp dâng tặng tịnh tài phẩm vật đến cho người, có được cơ hội góp phần xoa dịu nỗi khổ niềm đau của kẻ khác, là khi giúp đỡ cho kẻ nghèo khổ thiếu thốn cô quạnh. Việc làm đó dù có nhỏ nhoi hay lớn lao bao nhiêu đi nữa, nhưng ở khía cạnh buông bỏ xả ly nếu chúng ta cứ nhớ tới nhớ lui vấn vương đọng lại trong tâm không chịu buông xuống rời xa, thì đều tạo sự chướng ngại nghịch duyên cho chúng ta cả. Hễ chúng ta còn ôm giữ còn vướng tâm còn cho là mình đang làm việc thiện còn thấy mình đang bố thí cho một ai đó, còn khoe khoang việc làm hành động nghĩa hiệp đó. Vậy là chúng ta chưa xả chưa buông chưa bỏ, còn ôm giữ chấp chặt cứ mãi sống trong niềm tự hào, cái tâm chấp trước vẫn cứ đeo đuổi bám chặt trong ta, không khéo trở thành chướng duyên trên con đường đi đến an lạc giải thoát. Khi ta tặng tiền phẩm vật cho người xin cho người cần, nếu chúng ta vẫn khư khư nhớ mãi và giữ trong tâm hành vi đẹp đó. Nhưng nếu giả như họ sử dụng đồng tiền đó vào những mục đích hay hành động bất chính, uống rượu hút sách, đánh lộn chửi bới thậm chí dẫn đến sự chém giết gây án, như thế đứng về mặt nhân quả liệu chúng ta có chịu phần trách nhiệm gián tiếp hay không?
Chúng ta cần xem kỷ lại tâm mình lòng mình, mục đích của việc thiện đó là gì, có đặt để mục tiêu hay không khi chúng ta trao phẩm vật tịnh tài đến cho người khác? Điều đó phát xuất từ đâu, lòng thương yêu giúp đỡ thật sự hay chỉ cầu danh cầu lợi, muốn nổi tiếng nổi danh để cho bạn bè người khác trầm trồ thán phục? Bởi ba nghiệp thiện hay ác của thân khẩu ý, lúc nào cũng đeo bám dính chặt chúng ta không phút giây nào rời xa. Thân làm thì thân chịu, ý nghĩ suy thì ý nhận lãnh, miệng nói gì thì họa phước cũng từ đó phát sinh. Nhưng nếu chúng ta làm với cái tâm trong sáng hỷ xả, không mong cầu không cần đáp trả không đắn đo do dự, chúng ta trao ra nhưng không chấp trước không để dính mắc vướng bận, không để cho mình bị lôi cuốn, được vậy thì tâm đó mới tròn đầy viên mãn an lạc trọn nên.
Chúng ta cố gắng giữ gìn tâm luôn được an tịnh, đừng để cho vương vấn đọng lại, đừng kéo dài việc làm đó bám theo tháng ngày, và cũng chẳng cần thiết phải để cho người nhận biết tên tuổi gia thế của chúng ta. Khi chúng ta thực hành hạnh bố thí làm những việc phước thiện, nhưng nếu chúng ta nhân danh hoặc tìm cách tiếp cận đối phương thì cũng không nên. Vì người nhận lãnh thọ ơn vì muốn đền đáp trả ơn, họ sẽ tìm dịp bám theo quấy rầy chúng ta cách này hay cách khác. Hoặc khi chúng ta bố thí nhưng vẫn nhớ rõ ràng ngày kia tháng nọ tôi đã giúp đỡ cho ông A ông B, tôi đã thực hiện công trình này chuyến đi từ thiện nọ, tiền của tôi bỏ ra nhiều ít bao nhiêu... Thế là chúng ta dính mắc cột chặt vào đó, nếu không khéo hoan hỷ buông bỏ thì chúng ta vẫn rơi vào tâm thức trụ bám vậy. Dĩ nhiên chúng ta gây nhân thiện lành thì sẽ hưởng quả tốt đẹp, phước huệ song tu, nhưng nếu chúng ta hướng đến sự tự do toàn triệt, đi đến giải thoát an lạc thì không còn có sự dính mắc vướng bận nào bám theo tâm ta cả, lòng nhẹ tâm không.
Không khéo cũng giống như chúng ta cho người ta mượn nợ vậy phải ký một tấm giấy dù vô hình, tức là có vay thì phải trả và lúc nào trả cũng được hoặc kiếp này hay kiếp sau. Như vậy chúng ta chưa có sự dứt khoát để cho tâm hoan hỷ và buông xả trú ngụ, đâu đó những vi tế vẫn hiện hữu, vẫn tác động và gây chướng ngại. Hơn nữa đã là chướng ngại thì là chướng ngại, lớn hay nhỏ nhiều hay ít vẫn là chướng ngại, dù chỉ phút giây thoáng qua rồi mất hút. Bởi con đường đến với giác ngộ giải thoát viên mãn là phải bỏ buông tất cả những lăn tăn gợn sóng, những cưu mang não phiền những vui buồn được mất, liệng quăng xóa bỏ những thành tựu niềm tự hào. Nếu chúng ta quyết một lòng hướng đến sự giải thoát an lạc sự tự do toàn triệt, thì dứt khoát không còn có sự dính mắc vướng bận nào bám theo tâm ta cả, dù chỉ vi tế lăn tăn sóng gợn nhỏ nhoi.
Được như thế, con đường ta đi ta bước mới thênh thang lộng gió, thân nhẹ tâm an một cõi đi về, hơn nữa để tâm không còn cơ may tác động níu kéo. Chúng ta cũng cần phải đoạn trừ xả ly, chấm dứt tức thì ngay từ phút giây đó ở tại nơi đó, cả không gian lẫn thời gian tâm thức con người đối tượng. Tất cả phải gột sạch rủ bỏ hoàn toàn, một sự vắng lặng toàn triệt vi diệu tròn đầy, tâm không tuyệt không tất cả trở về với chân không.
Trong năm giới của nhà Phật, thì giới thứ ba không được tà dâm tà hạnh, nhưng ở đây Thiền sư Trần Thái Tông viết bài Văn Giới Sắc. Bởi sắc dục hương sắc vẻ đẹp của đối phương cũng chính là nguyên nhân gợi lên lòng tham dục mạnh mẽ trong ta. Cũng là nguyên cớ khiến cho thần hồn chúng ta mê mẫn đắm đuối, khởi lên tà hạnh lòng dâm không giữ được sự chuẩn mực. Bài văn Ngài viết nhằm cảnh tỉnh nhắc nhở chúng ta đừng để cho tâm mình xao động trước vẽ đẹp lắm sắc muôn màu của đối phương.
VĂN GIỚI SẮC
“Lưng ong tóc mượt hay khiến tâm tánh say mê; sắc én mày ngài làm cho hồn phiêu phách lạc. Đưa mắt liếc chẳng phải dao mài mà ai không đứt ruột. Lưỡi uốn tựa sáo diều, mọi người đều phải lắng nghe. Người mê thì nghĩa thân sơ đều dứt; kẻ tham thì đạo đức tiêu tan. Trên thì phong giáo đắm chìm, dưới thì khuê môn tán loạn. Bất luận phàm phu, học giả đều say áo đẹp thích điểm trang. Kỷ cương quốc gia bị rơi chốn Tô đài; giới thể bị chôn vùi nơi dâm thất.
Thảy do phóng mắt đuổi theo bên ngoài, nên không xoay đầu nhìn lại bên trong. Cởi hết lụa là che thân chỉ bày làn da bọc thịt. Độc giác gần nữ am mà hoàn tục; Chân quân xa Thán phụ nên thăng thiên. Người chẳng theo sắc được năm thần thông; kẻ mê sắc thì mất các giới hạnh”.
Kệ rằng:
“Má thoảng hương mai, mặt nhụy đào,
Thấy rồi mắt dán, ý nao nao.
Thảy đều một đãy da hôi thúi,
Thầm cắt ruột người chẳng dụng dao”.
Thiền sư Thích Thanh Từ dịch, nguồn thuongchieu.net
Trong Thơ Văn Lý Trần tập 2 quyển Thượng trang 98 bài Văn Răn Ham Sắc như sau: “Tóc mượt lưng ong dễ khiến mịt mờ tâm tính; mặt hoa da phấn dễ xui rời rã tinh thần. Mắt đưa lấp lánh như dao, ai không đứt ruột; lưỡi uốn ngọt ngào tựa sáo, hết thảy nghiêng tai. Người đắm đuối, nghĩa tình xa bỏ; kẻ đam mê đạo đức tan. Trên thì phong giáo đắm chìm; dưới thì cửa nhà táng loạn. Không kể kẻ phàm người học; đều say áo pháp điểm trang. Cương kỷ quốc gia đổ vỡ chốn Tô đài; tấm thân trai giới hầu tàn trong dâm thất. Chỉ dồn mắt bề ngoài nhìn ngắm; không quay đầu hướng nội nhận xem. Cởi bỏ là lượt quấn thân; thì hở làn da bọc thịt. Độc Giác gần nữ am mà trở về cõi tục: Chân Quân xa thán phụ mà được lên thiên đàng. Kẻ lánh sắc được ngũ thần thông; kẻ phạm sắc mất toàn giới hạnh.
Kệ rằng:
(Tai nặc mai hương kiểm nhị đào
Kiến chi mục tống ý đao đao
Đô lư nhất đại cơ bì xú
Ám đoạn nhãn trường bất dụng đao).
Dịch nghĩa:
Mang tai thoang thoảng hương nai, má đào mơn mởn.
Thấy nhan sắc ấy thì một liếc ý xiêu xiêu
Chẳng qua chỉ là một túi thịt da hôi thối
Ngầm cắt lòng người mà chẳng cần dùng dao.
Dịch thơ:
“Tóc thoảng hương mai, má nhụy đào
Liếc nhìn mà dạ đã nao nao
Thịt da một bọc tanh nồng đó
Ngầm cắt lòng người chẳng mượn đao”.
Đỗ Văn Hỷ - Băng Thanh dịch
Chúng ta đọc và nghiền ngẫm thật kỹ để thấy sự tác động mạnh mẽ của sắc dục như thế nào và ra làm sao. Những ai bị sắc dục mê hoặc che mờ quyến rũ thường làm cho tâm tư dao động đảo điên, làm xáo trộn lung lay gãy đổ mọi thứ, làm băng hoại mọi giá trị đạo đức. Sự tác hại của việc đắm nhiễm sắc dục khiến chúng ta trôi lăn trong sinh tử mịt mùng, loanh quanh trong ba cõi sáu đường chưa biết bao giờ mới ra khỏi. Thiền sư còn nhắc nhở cảnh tỉnh dù là người tu hành giả nhưng nếu nội lực chưa thật sự vững vàng cũng dễ bị lôi cuốn bởi sắc dục vậy“Độc Giác gần nữ am mà trở về cõi tục”. Không những như thế Ngài còn quyết liệt răn dạy và cảnh báo “kẻ phạm sắc mất toàn giới hạnh”.
Bài Văn Răn Ham Sắc, ngay tựa đề Ngài viết cũng đã khiến cho chúng ta giật mình thức tỉnh, ở đó còn là những lời nhắc nhở chỉ bảo răn dạy chứa đầy bi mẩn thương yêu đàn hậu học. Ngài còn chỉ cho chúng ta thấy biết hậu quả của việc đam mê đắm nhiễm sắc dục, thấy được rõ ràng những tác hại sâu xa của lòng dục tâm dâm. Những lời răn dạy của thiền sư Trần Thái Tông về giới sắc còn chỉ cho chúng ta thấy biết sự tham đắm sắc dục tà hạnh bất chính sẽ gây nên những tác hại không thể lường được. Khi mắt của chúng ta nhìn thấy người khác phái, tâm ý liền nổi lên những điều bất thiện, chúng ta bị mê hoặc bởi sự quyến rũ của vẻ đẹp hình hài. Hồn vía ngất ngây bay bổng bởi sắc đẹp huyền ảo lung linh đó, lòng dục vọng tham lam chiếm hữu trong ta cuồn cuộn nổi lên, ý nghĩ bất chính trong ta trổi dậy sai khiến. Tâm ý mê muội trong ta dẫn lối đưa đường, bỏ quên tất cả mọi thứ mọi điều chỉ lo mãi mê đắm chìm trong sắc dục, cứ thế ta chìm hoài chìm mãi nơi sông mê bể khổ, sống trong cảnh giới tối tăm tội lỗi không thấy được chân tánh thường tại sẵn có trong mỗi chúng ta.
Giới không được tà dâm tà hạnh, hoặc có những hành động suy nghĩ bất chính. Không khởi lên ý nghĩ dâm dục, những việc tà hạnh ngoài người phối ngẫu người bạn đời yêu thương của mình. Khi chúng ta không giữ được lòng chung thủy đánh mất chính mình, chạy theo sắc dục chìm đắm trong những thú vui nhục dục, khiến cho chúng ta tiêu hao cạn kiệt không vựt dậy được năng lực tự thân, không thấy được đường ngay lối thẳng ánh sáng để quay về.
Thiền sư Trần Thái Tông diễn tả sự say đắm của chúng ta trước vẻ đẹp mượt mà đáng yêu của người nữ, mẫu người nữ được Ngài đề cập trong đây chắc thuộc loại mẫu người đẹp, mẫu người mà khiến cho chúng ta đêm ngày gợi nhớ trông mong, tìm mọi cách để chiếm đoạt sở hữu. Có thể họ là tiểu thư quyền quý giàu sang, sắc đẹp trời ban không phải vất vả khổ cực, nên nhan sắc đẹp đẽ đó mới khiến cho ta ước ao chiếm hữu ray rứt đêm ngày nhớ thương da diết. Phải là mẫu người đáng yêu đáng quý đáng để nâng niu chiều chuộng, nhân dáng dễ ưa dễ nhìn dễ mến làm cho chúng ta xao xuyến tâm hồn, tóc mới mượt mà lưng mới thon gọn. “Tóc mượt lưng ong dễ khiến mịt mờ tâm tính; mặt hoa da phấn dễ xui rời rã tinh thần”. Nhưng cũng chính cái vóc dáng mỹ miều đẹp đẽ như thế càng khiến cho ta mê mờ tâm tánh, rối bời tấc dạ đảo điên thần hồn. Vậy thì lỗi người hay tại ta khiến mình phải rơi vào tâm cảnh như thế, khiến mình rối bời tấc dạ đắm say bỏ bê mọi thứ?
Thông thường khi nhìn thấy sắc đẹp tướng mạo dung nhan yêu kiều tú lệ của người khác phái, thường làm cho tâm tư chúng ta xao động lưu luyến, làm cho hồn xiêu phách tán. Suối tóc vòng eo mặt hoa da phấn, cứ thế quyện chặt vào hồn cột chặt trong tâm, từng phút dõi trông đắm đuối chẳng muốn rời xa. Đôi mắt xa xăm vùi chôn, bờ môi đong đưa mời gọi, giọng nói thỏ thẻ líu lo, khiến cho bao kẻ thầm mong trộm nhớ, khiến cho lòng dạ bồi hồi nao nao tấc dạ, ước ao chiếm đoạt. “Mắt đưa lấp lánh như dao, ai không đứt ruột; lưỡi uốn ngọt ngào tựa sáo, hết thảy nghiêng tai”. Tâm cảnh đó là lúc chúng ta thả hồn đi hoang chạy theo sắc dục, là khi chúng ta không có nội lực tu tập vững chãi, thiếu vắng phẩm hạnh đạo đức tự thân, nên rất dễ bị lôi cuốn mê hoặc, khởi lên tâm niệm dâm tà bất chính, có những hành động nguy hại. Ngày đêm đắm nhiễm vương vấn tơ tưởng, trong lòng lúc nào cũng tìm cách nâng niu ôm ấp chiếm đoạt sở hữu. “Lòng mê nhan sắc mắt đắm phấn son. Chẳng đoái liêm trinh riêng sanh lòng dục”. Là khi trong ta chạy theo sắc màu huyễn tướng, so sánh chọn lựa đẹp đẽ dễ nhìn dễ mến dễ ưa, là khi lòng dục tâm tà trong ta trở dậy mạnh mẽ. Là lúc trong ta chỉ biết cắm đầu chúi mũi chạy theo sắc dục tơ vương đêm ngóng ngày trông, khởi lên muôn vàn ý tưởng bất thiện, là lúc tìm cớ nại lý do thỏa mãn tâm dâm lòng dục, “Người đắm đuối, nghĩa tình xa bỏ; kẻ đam mê đạo đức tan. Trên thì phong giáo đắm chìm; dưới thì cửa nhà táng loạn.” Ngài quở trách cảnh báo hậu quả nguy hại như thế, để cho những ai vẫn còn say đắm sắc dục dâm tà, vứt bỏ cương kỷ, đổ sông đổ biển mất hết tiêu chuẩn đạo đức, vi phạm giới hạnh gây dựng từ trước. “Không kể kẻ phàm người học; đều say áo pháp điểm trang. Cương kỷ quốc gia đổ vỡ chốn Tô đài; tấm thân trai giới hầu tàn trong dâm thất.” Tỉnh thức lên quay về với chân như tánh giác có mặt trong ta tự bao giờ.
Vẻ đẹp hình hài nào rồi cũng đến lúc phủ bụi thời gian che mờ nhân ảnh, nhan sắc dù có đáng yêu ưa nhìn cách mấy, rồi cũng phải chia lìa ly tán bởi vô thường biến hoại tước đoạt. “Chỉ dồn mắt bề ngoài nhìn ngắm; không quay đầu hướng nội nhận xem. Cởi bỏ là lượt quấn thân; thì hở làn da bọc thịt”. Cắt lòng quăng ra cũng chỉ là cục thịt hôi thối, chôn xuống đất cũng chỉ là tấm thân máu mủ làm thức ăn cho dòi bọ côn trùng. Có còn chi nữa để ta cứ mãi chạy theo đắm đuối, chết lên chết xuống sống dật dờ? Đêm nhớ ngày trông vấn vương vương vấn, sắc nước hương trời chim sa cá lặn, rồi cũng phải qua cầu ly biệt buồn đau tái tê gặm nhấm, ải tử sinh lão bệnh đón chờ.
Đó còn là dạng tâm lý thường tình trú ngụ trong ta chờ chực trỗi dậy, do ta thiếu vắng sự tỉnh thức, không biết cách phòng bị ngăn ngừa biết chận đứng ngay từ đầu những đi lại bất thiện của tâm ý. Khi mắt nhìn thấy đối tượng cảnh duyên tâm ý theo đó khởi lên muôn ngàn phân biệt chấp trước, xấu đẹp ưa ghét đắm nhiễm chạy theo sắc dục tà hạnh. Nếu chúng ta biết chế ngự kiểm soát thật tốt ngay từ ý nghĩ ban đầu trỗi dậy, với sự thường soi tỉnh thức thì sẽ không khiến cho mình rơi vào vòng xoáy lỗi. Nếu chúng ta trang bị cho mình giới hạnh trang nghiêm, dưỡng nuôi đủ đầy định tuệ thì sắc hương đẹp đẽ nào có thể khiến cho ta chao đảo? “Kẻ lánh sắc được ngũ thần thông; kẻ phạm sắc mất toàn giới hạnh”. Ngũ thần thông: 1, Thần túc thông: có thể bay đi các nơi được, là khi chúng không còn bị níu kéo ràng buộc thì mới có thể thong dong tự tại đến tùy thích. 2, Thiên nhĩ thông: tai có thể nghe được âm thanh ở mọi nơi mọi lúc, là khi trong ta tâm từ bi nở rộ lòng thương yêu phủ kín tâm tư, nghe được tiếng kêu cứu của muôn loài chúng sinh, nghe được nỗi khổ niềm đau của kẻ khác để ra tay tế độ. 3, Tha tâm thông: biết được tâm ý của chúng sinh. Nhờ sự tỉnh giác thường xuyên có mặt, nhờ an trú trong trí tuệ sâu dày, nên chúng ta dễ nhận diện và phát hiện ra sự biến hiện trôi nỗi của tâm thức chúng sinh vậy. 4, Túc mệnh thông: biết được số mệnh của mình, do nhờ nhận biết và ý thức trọn vẹn về nhân quả và vô thường luôn tác động và chi phối, nên chúng ta mới bình tâm không lo lắng sợ hãi,. Những gì đến sẽ đến những gì ra đi sẽ đi đó là định luật tự nhiên không một ai có thể làm khác đi hay thay đổi được. 5, Thiên nhãn thông: có thể nhìn thấy được cảnh giới khác, là khi chúng ta tụ tập đủ đầy đến nơi đến chốn, gạt bỏ tham lam sân hận si mê thì chắc chắn mình sẽ sanh về cõi an lành. Làm được thực hiện được, nhận biết rõ ràng như thế thì đó là một thứ thần thông rồi vậy.
Trong Kinh Tăng Chi Bộ 1 Đức Phật dạy rằng“Ta không thấy một sắc nào khác, này các Tỳ kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông như sắc người đàn bà. Này các Tỳ kheo, sắc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông”. Sức mạnh của sắc dục tâm tà dâm lòng dục vọng, vốn đã tích lũy nuôi dưỡng trong tâm thức ta từ trước, đêm ngày nung nấu thiêu đốt tâm can. Cũng chính vì ham muốn và đắm nhiễm sắc dục, khiến cho chúng ta chịu muôn ngàn đau khổ lụy phiền, trôi lăn trong biển tử sinh không biết lúc nào mới dừng lại.
Đã đành không được đam mê sắc dục, tà dâm tà hạnh, không được có những suy nghĩ và hành động bất chánh. Cũng như không được quyến rũ dụ dỗ lừa dối chiếm đoạt làm thương tổn khổ đau đến kẻ khác. Khi thấy người khác phái không phải người phối ngẫu bạn đời, không giữ lòng thủy chung, khởi lên tâm niệm bất chính, có những hành vi tà dục, cho dù mới chỉ thoáng qua trong ý nghĩ chưa kịp dẫn đến hành động thì phần nào cũng đã phạm giới rồi vậy. Chúng ta cũng phải biết chọn lọc trong việc đọc nhìn thấy nghe từ sách báo phim ảnh chứa đựng nội dung không lành mạnh. Bởi chúng sẽ gây ảnh hưởng và tích chứa trong tâm thức chúng ta những xấu ác nhiễm ô bất thiện, đến một lúc nào đó chúng sẽ trỗi dậy hành hạ gây khổ đau phiền nhiễu cho chúng ta. Nếu không biết tu tập giữ gìn chuyển hóa ba nghiệp của thân khẩu ý sẽ khiến cho chúng ta phiền lụy khổ đau trôi nổi, một người có nguyện lực và biết hướng thiện là mượn thân này sử dụng khéo léo để tu tập đến được cảnh giới an lành.
Đã đành chúng ta không được tà dâm, tà hạnh nổi lên là khi chúng ta không biết trân quý người bạn đời, thiếu sự thủy chung vắng đi cảm thông nhường nhịn chia sẻ ngọt bùi, mải mê kiếm tìm hương sắc lạ, củ người mới ta, đứng núi này trông núi nọ, so sánh hơn thua ngoại hình nhan sắc. Tại ta cứ để cho lòng dục tâm tà lớn mạnh thiêu đốt sai sử, nếu muốn chấm dứt là phải biết trân quý và một lòng thương yêu đối phương người bạn đời hiện tại, chúng ta còn phải biết chế ngự kiểm soát và chuyển hóa cảm xúc cho thật tốt, biết tiết chế điều độ chừng mực trong việc sinh hoạt vợ chồng, giảm thiểu lòng dục vọng sự đam mê đòi hỏi của nhục dục. Như thế sẽ giúp ích cho đời sống của chúng ta được thăng hoa sáng tỏ, phiền não khổ đau ít đến viếng thăm, thường sống trong chánh niệm tỉnh giác.
Kinh Người Áo Trắng
“Vị đệ tử áo trắng xa lìa tà dâm, chấm dứt sự tà dâm, bảo vệ cho bất cứ ai, dù người ấy nằm trong sự bảo hộ của cha, mẹ, hoặc cả cha lẫn mẹ, hoặc chị em, hoặc anh em, hoặc cha mẹ bên sui gia, hoặc gia đình sui gia, hoặc bởi người đồng tính, hoặc là vợ con hay chồng con kẻ khác, kể cả kẻ bị cuồng dâm khủng bố, hoặc kẻ bán phấn buôn hương. Vị này diệt trừ tận gốc tâm niệm tà dâm”. Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch, nguồn langmai.org
Không những không được vi phạm giới tà dâm, chúng ta còn phải thực hành lối sống đạo đức cho được chuẩn mực, giữ gìn giới thể cho được thanh cao, tu tập phạm hạnh đủ đầy. Tâm từ nở rộ không gây khổ đau thương tổn cho một ai chúng nào, tôn trọng nhân phẩm quyền làm người quyền được sống của kẻ khác, độ lượng bao dung che chở bảo vệ cho bất cứ ai chúng sanh nào cần đến. Thực tập tâm hạnh hỷ xả bỏ buông cho thật tươm tất vẹn toàn, bỏ đi cái tôi cái bản ngã to đùng, phủi sạch tham ái trần lao, đừng để dính theo bám chặt. Chuyển hóa ba nghiệp trở nên trong sáng thanh tịnh, loại trừ lòng dục vọng tâm tham lam, nhận diện thật tướng các pháp, thường xuyên quán chiếu vô thường sinh diệt, thân này chỉ là sự kết hợp của đất nước gió lửa.
Thân tướng chúng ta dù có đẹp đẽ có sắc nước hương trời, có là ba vòng lý tưởng bốn núi dọc ngang, nhưng đến khi già bệnh chết sẽ trở thành đống xương máu mủ hôi thối gớm ghê. Cho dù chúng ta có đấu tranh giành giật vất vả khổ cực o bế nâng niu cung phụng thân này bao nhiêu đi chăng nữa, nhưng đến khi vô thường gõ cửa viếng thăm truy bức tước đoạt, đến lúc ra đi thì cũng phải đi với hai bàn tay trắng, chẳng mang theo được gì ngoài nghiệp lực. Chúng ta vất vả khổ cực tranh giành tích lũy để dành cho tương lai dành phần cho con lẫn cháu, nhưng tương lai thì vốn bất định sương khói mong manh, dễ tan dễ vỡ và chẳng có gì bảo đảm cả. Hơn nữa liệu chúng ta có còn sống thở sống khỏe, không bệnh tật ốm đau chờ đợi cái tương lai ấy đến? Tứ đại rồi cũng phải trả về với tứ đại, vô thường sinh lão bệnh tử đêm ngày chi phối, rốt cuộc trắng tay rồi lại tay trắng, không lại hoàn không.
Ấy vậy, chúng ta lại cam lòng ra công gắng sức bảo bọc dưỡng nuôi, cung phụng thân này gây nên biết bao tội lỗi nghiệp quả, làm khổ đau cho mình và người, gây thương tổn ảnh hưởng đến muôn loài chúng sanh. Chúng ta tìm mọi cách vỗ về ru ngủ tấm thân tô bồi bản ngã, khổ cực giữ gìn cho trẻ cho đẹp vẽ tô sắc màu lung linh chói sáng, để được lời khen tặng tiếng vỗ tay hoan hô trong chốc lát. Rốt cuộc buồn đau mõi mỏi chán chường ở lại, lời khen tiếng ca như gió thoảng đong đưa. Vậy thì, chúng ta có cần phải chạy theo lời khen chê diện mạo tướng trạng, chăm lo o bế cung phụng tấm thân để nó tiếp tục hành hạ? Chúng ta nhận biết rõ ràng rằng, để có được những lời tán dương ngưỡng mộ đó, chúng ta phải trả giá có khi đánh mất chính mình, chạy đông chạy tây hụt hơi giành giật mánh mung thúc ép, dối gạt bày trò đổ vào thân tâm những ác nghiệp bất thiện. Cứ vậy đêm ngày khổ đau tràn ngập, vô minh tăm tối tham sân si lũng đoạn, hết xuống lại lên mịt mờ nổi trôi, đắm trong sông mê bể ái chìm trong ba cõi sáu đường, ngày về cố quận tìm lại chốn xưa, nhận ra mặt mũi dọc ngang, trở nên mịt mờ thăm thẳm mất lối bặt tăm.
Chúng ta nương vào thân này để tu tập, tạo cho mình thật nhiều công đức, nhiều nhân tốt quả lành, chấm dứt ác nghiệp. Quán thân bất tịnh còn giúp chúng ta nhận rõ uế trược, giảm thiểu sự tham lam ham muốn, kiềm chế bản năng bất thiện lòng dục vọng sự ham muốn nhục dục, bớt đi sự o bế cung phụng bản thân, ôm cứng chấp chặt cái tôi của tôi những gì thuộc về tôi. Bởi cái tôi đó, nó vốn hư dối không thật, nhiều khi còn đáng trách đáng chê nữa, chúng ta cần phải hướng tâm vào con đường giải thoát cao quý. Đó còn là pháp tu thiết thực ở ngay trong đời sống, nhờ biết quán chiếu sẽ giúp chúng ta chuyển hóa thân tâm, an trú trong tỉnh giác thiện lành.
Thiền sư Trần Thái Tông khai triển bài Văn Giới Vọng Ngữ dưới một nhãn quan hết sức đặc biệt, ở chỗ Ngài chỉ ra gốc rễ cội nguồn nắm được đầu dây mối nhợ, để chúng ta dễ dàng nhận biết và tìm cách chuyển hóa. Tâm chủ đạo dẫn dắt mọi thứ mọi việc từ tốt xấu đến tiêu cực tích cực, từ thô thiển cho đến vi tế. Tâm dẫn đầu các pháp, tâm là gốc của mọi nguồn cơn thiện ác, dẫn chúng ta đến với an lạc hay đưa chúng ta đến với khổ đau phiền não cũng đều do tâm của ta quyết định.“Tâm là gốc thiện ác, miệng là cửa họa phúc”. Ở đó, Ngài còn khẳng định một cách minh bạch rằng, miệng là cửa ngõ của họa phúc, thật vậy họa cũng từ miệng mà ra, phước cũng từ miệng mà sinh, miệng cũng có thể giết người và cứu người, từ miệng cũng có thể làm cho người ta đau khổ hay thăng hoa.
VĂN GIỚI VỌNG NGỮ
“Tâm là gốc thiện ác, miệng là cửa họa phúc. Nghĩ một niệm thì hưởng ứng không sai; nói một lời thì bóng theo chẳng lệch. Quân tử trọng lời như biện; cổ nhân ngừa nói như bình. Nói ra thì ngay thẳng công bằng; mở lời thì không cong queo tà vạy. Không nói đây hay kia dở; chẳng bàn mình phải người sai. Đâu dám khua môi múa lưỡi, cần phải giữ miệng gìn lời. Vả nghiệp của thân là nặng, song họa của miệng là trước. Chẳng những kẻ nói là vọng ngôn, còn khiến người nghe làm bậy.
Đời này bị người khinh rẻ, sau khi chết bị nghiệp kéo lôi. Hoặc kềm sắt kéo lưỡi cam chịu chua cay. Hoặc nước đồng sôi rót vào miệng lòng ôm đau đớn”.
Kệ rằng:
“Kề vai cười nói khua lưỡi môi,
Cứ mãi làm người vọng ngữ thôi.
Riêng ý cầu tài, mong người thích,
Sau cùng khó tránh nghiệp kéo lôi”.
Thiền sư Thích Thanh Từ dịch
Những giới thuộc về thân như: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, riêng giới thứ tư và thứ năm thuộc về miệng, vọng ngữ và uống rượu. Giới thứ tư không được nói dối, nói không đúng với sự thật, không được nói lời hung ác, nói lưỡi hai chiều. Nói vốn là bản năng tự nhiên của chúng ta nhưng nói như thế nào và ra làm sao, ác ngữ hay thiện ngữ chánh ngữ hay tà ngữ đều do tâm ta quyết định. Nói xấu dựng chuyện, chuyện có nói không chuyện không nói có, nói những lời cay cú hằn học, bất đồng quan điểm gây chia rẽ phiền não bất an đến kẻ khác. Nói những lời không đẹp làm thương tổn khổ đau kẻ khác cũng từ miệng gây nên, những lời từ ái dễ thương đáng yêu làm người khác sanh tâm hoan hỷ cũng do miệng mà thành. Những lời mật ngọt rót vào tai khiến kẻ khác chết mê chết mệt, lời dụ dỗ ru ngủ khiến bao kẻ lầm đường lạc lối. Thật vậy, miệng vốn là cửa ngõ của họa phước, bệnh tật cũng từ miệng mà sinh, đưa vào miệng những thứ có hại làm lu mờ tâm trí, phước hay họa tốt hay xấu cũng từ miệng mà thành là vậy.
Chúng ta ở vào thời kỳ lên ngôi của tin học, việc truyền tải tư tưởng ý kiến suy nghĩ cá nhân, thay vì nói bằng lời chúng ta còn sử dụng đến đôi tay nhấn chuột bấm phím, là có thể truyền tải thông tin tín hiệu. Ý vừa khởi lên điều gì lập tức mấy ngón tay bấm xuống ngay, nhiều khi nhanh gọn lẹ làng không cần suy nghĩ, cũng chẳng cần phải uốn lưỡi năm lần bảy lượt chi cho mệt nữa. Thế nên khẩu nghiệp bây giờ còn có sự tham gia tích cực của thân nghiệp, dễ dẫn đến sự hiểu lầm gây ngộ nhận phiền nhiễu. Nếu chúng ta không kiểm soát tốt được ý nghĩ ngôn hành của mình, không kiềm chế tâm cảm bất thiện của mình thì dễ tuôn tạo những lời khó nghe khó chịu ác ngữ nữa. Chuyện người việc ta những việc không liên quan không hề can dự đến mình, nhưng vì chạy theo cảm xúc thường tình, hỷ nộ ái ố thích, không thích, thương ghét, tám qua tám lại mờ mắt mỏi tay đầu óc căng cứng. Bao nhiêu thói hư tật xấu nổi lên tung hê hỉ hả, khen chê nói cười ngút ngàn, cãi nhau inh ỏi điếc tai, rồi lại dẫn đến những hành động ý nghĩ tiêu cực xấu ác. Người có tấm lòng chân thật từ bi, sẽ nhận thức ngôn hành của mình cho được trọn vẹn tươm tất “Đâu dám khua môi múa lưỡi, cần phải giữ miệng gìn lời”.
Câu thiền ngữ Thiền sư Trần Thái Tông viết trong phần mở đầu “Tâm là gốc thiện ác, miệng là cửa họa phúc” vang động chốn không cùng, tỏ rõ nguồn cơn thấm sâu vào cõi lòng tấc dạ, tâm đăng trỗi dậy đèn tuệ sáng soi, xô ngã bóng đêm vẹt mây mở lối xóa nhòa tâm mê. Tâm là nguồn gốc của mọi vấn đề, tâm tác tạo mọi thứ tâm gây nên mọi chuyện, tâm chủ động mọi việc tâm tạo nên thiện ác. Vậy nên giữ tâm yên ổn thiện lành, dưỡng nuôi tâm từ bi trí tuệ tâm lạc an giải thoát.
Hoạ hay phúc thành hay bại cũng đến từ miệng và do miệng, nên mới có câu “sướng miệng thì khổ thân”. Chúng ta dùng miệng để ăn uống, sử dụng miệng nói năng trao đổi, nhưng dẫn đến tích cực hay tiêu cực tốt xấu thiện ác là chính tâm ý ta chủ động sai sử quyết định.“Nghỉ một niệm thì hưởng ứng không sai; nói một lời thì bóng theo chẳng lệch”. Nhân quả và hậu quả luôn bám theo ta như bóng với hình, nhân tốt thì quả lành, lời hay ý đẹp tâm sáng sẽ làm cho ta lạc an yên ổn trên muôn lối nhọc nhằn tử sinh hoa mộng.
Chúng ta thận trọng giữ gìn lời nói chỉ nói những gì cần thiết, không nói những chuyện thị phi gây thương tổn phiền não khổ đau đến kẻ khác, chỉ nói trong sự từ ái yêu thương, không nói những lời khó nghe sắc bén đâm thọc đến một ai. Chúng ta cần phải gìn giữ chánh niệm trong mọi tương tác tiếp xúc trao đổi, trong cả sáu căn ba nghiệp, kiểm soát ngôn hành tư tưởng cho thật tốt, từ bỏ những thói quen bất thiện nguy hại nhiễm ô.“Nói ra thì ngay thẳng công bằng; mở lời thì không cong queo tà vạy”.
Chỉ nên nói những lời ngay thẳng những lời phù hợp với chánh pháp, những lời mang lại lợi lạc an ổn cho mình cho người, chỉ nên nói những gì cần phải nói, chánh ngữ những lời thích hợp với chân lý như thật. “Không nói đây hay kia dở; chẳng bàn mình phải người sai”. Đừng để mình rơi vào những tranh cãi hý luận vô ích và không cần thiết, khi nào còn tham sân si chỉ lối vô minh đưa đường thì vẫn phải lạc lối nghìn trùng xa cách. Chỉ nên nói những gì xuất phát từ con tim lòng từ bi thương yêu san sẻ sớt chia, chỉ nói trong sự chánh niệm tỉnh giác thường xuyên ngự trị.
Kinh Người Áo Trắng: “Vị đệ tử áo trắng xa lìa nói dối, chấm dứt sự nói dối, chỉ nói sự thật, tìm niềm vui trong sự nói lên sự thật, an trú nơi sự thật không lúc nào đổi dời, có thể được tin cậy hoàn toàn và không bao giờ dám miệt thị kẻ khác. Vị ấy diệt trừ tận gốc sự nói dối”. Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch.
Rời xa sự nói dối, chấm dứt sự nói dối, an trú nơi sự thật, vâng giữ tin theo là cách trọn vẹn nhất để chúng ta tìm thấy an lạc đích thật nơi tâm hồn. Bởi sẽ không còn ai phiền muộn đau khổ do những lời nói đong đầy chánh ngữ của ta cả. Cho cùng điều vi diệu nhất trọn vẹn nhất để diệt trừ tận gốc sự nói dối “im lặng như chánh pháp, làm thinh như chánh pháp”.
Bài Văn Giới Rượu dưới đây Thiền Sư diễn tả đủ đầy hậu quả tác hại của việc uống rượu, không những uống rượu khiến cho tinh thần rối ren mà còn làm cho tâm tánh mê mờ u ám nữa.
VĂN GIỚI RƯỢU
“Người ưa uống rượu thì đức hạnh suy kém, lời nói nhiều lỗi lầm. Hơi nóng xông nát dạ dày, vị cay xuyên thủng gan ruột. Rối loạn tinh thần, tâm tánh hôn mê. Chẳng nghĩ đến cha mẹ, tội ngũ nghịch chuyên làm. Hoặc ồn náo nơi tiệm quán, hoặc say mèm ngoài đường sá. Khinh trời mắng đất, hủy Phật chê Tăng. Miệng lảm nhảm hát ca, thân trần trụi nhảy múa. Đã không tiếp Phật cúng dường, mà lại theo bọn mũ đen bất chánh. Tan thân mất mạng từ đó mà sanh, mất nước hại nhà từ đây mà có.
Bỏ rượu thì ngàn điềm lành đồng tới, uống rượu thì trăm họa kéo về. Đại Võ không uống rượu nên muôn họ đều theo. Thái Khang mê rượu nên năm con đều oán. Đâu chỉ hàng phong lưu phải răn, mà bậc đạt giả cũng cần phải tránh. Bao nhiêu người rạng rỡ trên đời, lại bị tối tăm trong rượu”.
Kệ rằng:
“Men bã một vò ủ nấu thành,
Bao nhiêu người trí mất thông minh.
Chẳng riêng tăng sĩ không gìn giới,
Mất nước, tan nhà từ đó sanh”.
Thiền sư Thích Thanh Từ dịch nguồn thuongchieu.net
Không được uống rượu hay đưa vào cơ thể những chất gây nghiện, những thứ độc hại mê hoặc lý trí khiến chúng ta mất đi sự sáng suốt và không làm chủ được lời nói hành động tư tưởng. Những lời nhắc nhở của Thiền sư Trần Thái Tông còn cho chúng ta thấy rõ những tác hại đến từ rượu, việc gây nguy hại đầu tiên là “đức hạnh suy kém, lời nói nhiều lỗi lầm”. Thông thường khi chúng ta uống nhiều rượu sẽ dẫn đến say sưa nghiện ngập, không còn nhớ biết mình đã nói hay làm những gì, đi đứng loạng choạng không vững, nói năng lè nhè cãi vã chửi mắng, gây phiền hà bực dọc ảnh hưởng đến kẻ khác. “Rượu vào lời ra” không kiềm chế được bản thân, không đủ sự tỉnh táo sáng suốt giữ gìn lời ăn tiếng nói, không kiểm soát được hành động và sự suy nghĩ, phẩm hạnh đạo đức xuống cấp tiêu tan, bị kẻ khác coi thường xã hội xa lánh, “họa từ miệng mà sanh” là vậy.
Việc tác hại thứ hai sẽ làm cho cơ thể ruột gan ta nóng bức bần thần khó chịu, gây ảnh hưởng không tốt đến tim gan thận và những bộ phận khác. Không những họa đến từ miệng đã đành mà bệnh tật cũng đến từ nơi miêng, từ thói quen ăn uống của chúng ta nữa. Thật đúng với câu răn dạy nhắc nhở chí lý của ngài Trần Thái Tông “Bỏ rượu thì ngàn điềm lành đồng tới, uống rượu thì trăm họa kéo về”. Chỉ khi chúng ta một lòng giữ giới không uống rượu, không đưa vào cơ thể những chất kích thích nghiện ngập, thì thần trí mới sáng suốt minh mẫn, giữ gìn được phẩm hạnh đạo đức tốt. Một khi không có những tác hại do rượu bia chất nghiện gây ra, thì sẽ không gây bất ổn phiền toái cho mình cho người, môi trường sống của cá nhân gia đình con người và xã hội sẽ thiện lương an ổn hơn.
Một số những nghiên cứu cho rằng, rượu bia nếu uống trong sự chừng mực điều độ thì sẽ giúp ít cho một vài bộ phận của cơ thể như tim mạch, người phương Tây thường uống một ly rượu vang trong những bữa ăn tối. Nhưng khi điều khiển xe cộ phương tiện đi lại, thì tuyệt đối cấm uống rượu bia và những chất kích thích, vì sẽ gây mất an toàn cho mình và người. Ở Mỹ luật quy định uống rượu lái xe thuộc tội hình sự và bị phạt rất nặng, không những bằng lái xe bị tước mà trong hồ sơ xin nhập tịch xin việc làm đều bị ảnh hưởng. Sự tác hại đến từ bia rượu gây nên tật bệnh ung thư cho chính mình, còn gây mất an toàn cho xã hội rất lớn. Là người con Phật chúng ta cần phải nuôi dưỡng trí tuệ từ bi quyết không gây tổn hại cho một chúng sinh nào, chúng ta phải đoạn trừ tận gốc rễ thói hư tật xấu, bỏ đi thói quen uống rượu từng làm khổ mình khổ người.
Trong Kinh Người Áo Trắng “Vị đệ tử áo trắng xa lìa rượu, chấm dứt sự uống rượu, diệt trừ tận gốc thói quen uống rượu”.Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch
Đã không được vi phạm giới uống rượu, chúng ta còn cần phải phát triển trí tuệ, kiểm soát thật tốt ba nghiệp thân khẩu ý, chặn đứng những cảm xúc nguy hại sự đi lại trôi nỗi của tâm thức. Những lôi kéo dính mắc đắm nhiễm cũng cần phải loại trừ, thường sống trong sự chánh niệm tỉnh giác, bởi tâm ý của chúng ta như con ngựa hoang chạy rông khắp chốn. Nếu không kiểm soát kiềm chế thì sẽ bị chúng dẫn dắt đưa ta chìm mãi trong tăm tối vô minh, ba độc tham sân si tha hồ sai sử gây rối, tạo nên vô vàn ác nghiệp không sao đếm xể. Rõ ràng là như vậy, hoặc chúng điều khiển ta hoặc chúng ta tìm cách đưa chúng trở về với bản thể giác ngộ, cách nào cũng do chính ta làm chủ và tự mình quyết định chọn lựa.
Năm giới mà Ngài triển khai còn là những tuyên cáo sắc bén thúc đẩy ta hết lòng noi theo vâng giữ, còn là những thông điệp mạnh mẽ soi tỏ nỗi lòng tất dạ để chúng ta chuyển hóa cuộc lữ soi sáng tâm mê. Giữ giới để được tịnh hóa thân tâm, để được an trú trong thiện lành cao cả.
Như Hùng
- Từ khóa :
- Năm Giới
- ,
- Trần Thái Tông