Như Huyễn trong Kinh Kim Cương

20/07/20174:06 SA(Xem: 11870)
Như Huyễn trong Kinh Kim Cương

NHƯ HUYỄN TRONG KINH KIM CƯƠNG
Nguyễn Thế Đăng

lotusKinh Kim Cương nói về tánh Không và những thực hành về tánh Không: không chỗ trụ; chẳng thể đắc; không thể nắm lấy; không có bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả; tánh Như; như huyễn… Như huyễn là một phương diện của tánh Không.

Nguyên văn chữ “như huyễn” được nói chỉ một lần trong bài kệ chấm dứt kinh: Tất cả pháp hữu vi Như mộng, huyễn, bọt, bóng Như sương, như điện chớp Phải quán thấy như vậy.

Nhưng, nghĩa như huyễn được nói đến rất nhiều trong kinh. Chẳng hạn:

“Phàm hễ có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng là chẳng phải tướng tức thấy Như Lai”.

“Hư vọng”, không có thật nghĩa là như huyễn. “Chẳng phải” (phi) hầu như được nói khắp trong kinh, là một nghĩa của như huyễn. “Chẳng phải tướng” nghĩa là các tướng chẳng phải thật như chúng ta tri giác, các tướng là như huyễn.

Tất cả những sự vật, con người, hành động… được nói trong kinh đều bị phá bỏ, đều bị giải cấu trúc (déconstruire) bằng chữ phi (chẳng phải):

“Tu-bồ-đề! Những vi trần Như Lai nói chẳng phải là vi trần, đó gọi là vi trần. Như Lai nói thế giới chẳng phải là thế giới, đó gọi là thế giới”.

“Tu-bồ-đề! Thật không có các pháp gọi là Bồ-tát, thế nên Phật nói tất cả pháp không có ngã, không có nhân, không có chúng sanh, không có thọ giả”.

Tại sao là chẳng phải, là như huyễn? Vì các hình tướngkhông thật, mà sự vô thường thấy được là một chứng minh cho sự không thật ấy. Lại nữa, chúng được định danh, gán tên bằng ngôn ngữ quy ướcgiới hạn. Tóm lại, tất cả đều là tướng và danh không thật.

Hình tướng như người bình thường chúng ta thấy là một sự dối trá, một sự đánh lừa. Kinh nói:

“Tu-bồ-đề thưa: Phật nói những bụi nhỏ tức chẳng phải bụi nhỏ, đó gọi là những bụi nhỏ. Bạch Thế Tôn! Như Lai nói tam thiên đại thiên thế giới tức chẳng phải thế giới, đó gọi là thế giới. Vì sao thế? Nếu thế giới thật có thì ắt là một hợp tướng. Như Lai nói một hợp tướng tức chẳng phải một hợp tướng, đó gọi là một hợp tướng”.

“Tu-bồ-đề! Một hợp tướng ấy tức chẳng thể nói, chỉ do người phàm phu tham bám sự ấy”.

Tất cả thế giới, con người, sự vật… đều là những hợp tướng, do những vi trần (nguyên tử) hợp lại mà thành. Sự hợp tạo ấy là do nhiều nguyên nhânđiều kiện (nhân duyên) cho nên thực chất thế giới chỉ là những hạt bụi nhỏ tạm thời hợp lại mà thành. “Những hạt bụi nhỏ ấy chẳng phải là bụi nhỏ” bởi vì nguyên tử cũng là những hợp tướng của những hạt còn nhỏ hơn nữa, mà phân tích cho đến cuối cùng thì chỉ là năng lượng. Nói theo vật lý học hiện đại, “vật chất là năng lượng cô đặc lại theo những nguyên nhân và điều kiện”.

Như thế, cái chúng ta thấy và gọi là thế giới chỉ là những hạt nguyên tử và hạ nguyên tử hợp lại mà thành, xuống thấp hơn nữa thì chỉ còn là năng lượng không hình không tướng. Cái chúng ta thấy là thế giới chỉ là những hợp tạo, những duyên sanh tạm thời; thực chất không có cái gì gọi là thế giới, con người, sự vật. Thế giới, con người, sự vật là “chẳng phải”, là không thật, là như huyễn.

Cái thấy hợp tướng ấy là sự mê lầm thứ nhất. Sự mê lầm thứ hai là là sự mê lầm của ngôn ngữ. Ngôn ngữ làm cho sự chấp thật, sự cứng đặc không thật có của sự vật trở thành những ám ảnh, cài đặt lối tư duy cho mọi sự là thật có vào tâm thức chúng ta.

Chữ “tướng” là do ngài Cưu-ma-la-thập dịch. Ngài Huyền Trang dịch là “tưởng”. Edward Conze trong bản dịch tiếng Anh dịch là “tưởng” (perception) là cái thứ ba trong năm uẩn. Chúng ta mê vì chẳng phải tướng mà thấy và tưởng là tướng. Chúng ta mê lầm vì sự gán tên cho những tướng và tưởng ấy, vì ngôn ngữ làm cho tướng và tưởng của chúng ta thêm củng cố, sự chấp thật càng thêm kiên cố. Giải thoátgiải thể những kiến chấp kết đọng trong tâm thức. Quán huyễn là một phương pháp hiệu quả để giải thể, giải cấu trúc sự mê lầm, vô minh bao đời của chúng ta. Sanh tử chỉ là tướng và tưởng.

Giải thoát khỏi sanh tửgiải thoát khỏi tướng và tưởng. Quán huyễn là để giải thoát khỏi tướng và tưởng, là những cái nhiễm ô trên bản tánh của tâm vốn thanh tịnh: “Lìa hết thảy tướng, tưởng, gọi là chư Phật”.

Cho nên càng quán huyễn đến đâu, càng chẳng phải tướng đến đâu, thì thật tướng (thực tại) hiện ra đến đó: “Bạch Thế Tôn! Nếu lại có người được nghe kinh này, tín tâm thanh tịnh liền sanh thật tướng. Phải biết người ấy thành tựu công đức hy hữu đệ nhất. Bạch Thế Tôn! Thật tướng ấy tức là chẳng phải tướng, thế nên Như Lai gọi là thật tướng”.

Tín tâm thanh tịnh là tin rằng các pháp là chẳng phải tướng, là như huyễn. Khi tin được chẳng phải tướng, như huyễn, thì thật tướng liền sanh, nghĩa là các pháp tức thì trở lại thật tướng của chúng: tất cả các pháp bổn lai thanh tịnh.

Kinh nói: “Như Lai nghĩa là Như của tất cả các pháp”.

Tin hiểu là bước quyết định thấy được tánh Không là Nền tảng của tất cả; và tiếp tục thọ trì như vậy cho đến khi toàn vẹn: “Bạch Thế Tôn! Nay con được nghe kinh điển như vậy, tin hiểu thọ trì, chưa phải là khó. Nếu vào đời sau, năm trăm năm sau, có chúng sanh nào được nghe kinh này, tin hiểu thọ trì, người ấy là hy hữu đệ nhất. Vì sao thế? Vì người ấy không có tướng ngã, không có tướng nhân, không có tướng chúng sanh, không có tướng thọ giả”.

Thấy bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả là không có thật, là như huyễn, đây là “công đức hy hữu đệ nhất”.

Quán huyễn, quán chẳng phải tướng để chứng huyễn này là một phương pháp tu hành truyền thống của Phật giáo Việt Nam. Ở đây, chúng ta trích ba bài kệ của ba Thiền sư thuộc ba phái Thiền Việt Nam.

Thiền sư Từ Đạo Hạnh (?-1117), dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi: Tưởng có, hạt bụi có Thấy không, tất cả không Có không, trăng trong nước Chớ vướng có, không không.

Thiền sư Hiện Quang (?-1221), dòng Vô Ngôn Thông: Pháp huyễn đều là huyễn Tu huyễn đều là huyễn Hai huyễn đều chẳng phải Tức trừ tất cả huyễn.

Thiền sư Pháp Loa (1284-1330), tổ thứ hai dòng Trúc Lâm Yên Tử: Vạn duyên cắt đứt, một thân nhàn Hơn bốn mươi năm mộng huyễn gian Nhắn bảo các người thôi chớ hỏi Bên kia trăng gió lại thênh thang.

(Tạp chí VHPG Số 277 ngày 15-7-2017)

Tạo bài viết
18/12/2015(Xem: 20051)
16/01/2016(Xem: 16651)
06/10/2016(Xem: 16616)
17/12/2016(Xem: 27367)
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…
Nhà sư Ajahn Santamano, người đã tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine trên khắp Anh quốc trong năm qua, đang liên tục cư trú tại lều trại, nói chuyện với người qua đường và tổ chức các cuộc biểu tình để nhắc nhở mọi người về "sự thông đồng" của Hoa Kỳ và phương Tây trong cuộc diệt chủng dân Palestine. "Hoa Kỳ là thủ phạm chính gây ra cuộc diệt chủng này đang diễn ra ở Palestine", Thượng Tọa Santamano nói với Anadolu, trích dẫn việc Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp vũ khí và tài trợ Israel. Thầy đặc biệt chỉ trích các vụ đánh bom bệnh viện và vụ thảm sát hàng loạt trẻ em.