HƯƠNG VỊ GIẢI THOÁT
VIÊN THÀNH
NHÀ XUẤT BẢN ĐÀ NẴNG
ĐÔI DÒNG CHIA SẺ
THAY CHO LỜI ĐẦU SÁCH
Ai chào đời cũng hai tiếng oa oa !!! Già bệnh chết ai tránh khỏi được nào? Hướng giải thoát giác ngộ đẹp biết bao Vừa ý nghĩa vừa thăng hoa cuộc sống. Bản thân người viết (Viên Thành), cũng đã trải nghiệm những điều thăng trầm, cay đắng nhiều thấm thía với cuộc đời, nhưng nhờ có biết chút ít Phật Pháp: “Người sẵn sàng chịu thiệt, đi sau, ngồi thấp là người nhận nhiều phước báu nhất”, người khác nợ bạn, ơn trên sẽ trả cho bạn, chịu thiệt tưởng là thiệt, nhưng đôi khi học được cách chịu thiệt lại chính là cách tạo nhiều phúc báo nhất, đừng tưởng cứ thiệt thòi là không may mắn”, nên cố gắng chịu đựng, rồi cảm đến chư Phật, chuyển hóa thành duyên lành, được vào nương cửa Phật.
Thích Viên Thành của hôm nay, chú Kỉnh và Thầy Hạnh Trung của ngày hôm qua, hay Trần Văn Đệ trước 1975, đã trải qua nhiều giai đoạn, với nhiều tên gọi khác nhau. Thuở ấu thơ cũng đã từng lây lất, nơi đầu nguồn, xóm vắng, sống vui cùng trái “trâm” và trái “sim” rừng, hay sự thương tưởng của bà con. Khi trưởng thành rồi cũng có lúc gian lao, vinh dự, qua nhiều đóng góp trên vai trò Thầy Tu làm “cán bộ xã hội” phụng sự cuộc đời, thời sinh viên nhiều hăng say, hoặc hơn 10 năm làm “hiệu trưởng” hay thầy dạy của bao lớp học trò.
Nhờ bao năm sống trong cửa Phật, được nuôi dưỡng bằng lòng từ bi và trí tuệ, rồi cũng có thời gian lăn lộn với cuộc đời, nên cũng thấm nhuần và “ngộ nhập” được những điều cao đẹp. Ý thức được rằng:
“Ơn kẻ ác chứ không ơn chi người hiền”, “Giáo bất nghiêm sư chi đọa”, “Ai nuông chiều con mà không dạy đạo đức, hiếu nghĩa, thì chỉ tạo tội và hại con mà thôi”, nên chân thành cảm ơn đời và những người thầy, người thân đã khó khăn, nuôi dưỡng, tạo nghịch cảnh, tôi luyện cũng như giúp cho Viên Thành, có vốn liếng để hiểu rõ, trưởng thành, vững chãi với đời.
“Hùm chết để da, người ta chết để tiếng” nên chúng ta cần sống cho tốt, lợi ích cho nhau, “đi cho người ta nhớ, ở cho người ta thương” để lại sự kính trọng trong mọi người, cho cuộc đời vẫn mãi đẹp. Chứ đừng sống khoe khoang, độc ác, hung hỗn, chuyên phê phán người khác, để hòng lấp liếm, những cái xấu, cái dở của mình, sẽ không bao giờ che đậy được đâu, mà còn để lại những ấn tượng xấu hay oán hận ngút ngàn, cho miệng thế, ngàn đời nguyền rủa.
Hãy thấy rõ những điều đã và đang xảy ra, mà sống tốt với đời này.
Đặc biệt trong kho tàng văn học Phật giáo có câu: “Chẳng phải một phen sương lạnh buốt, Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương”. Nếu không chịu đựng hun đúc, được cái lạnh của mùa đông, thì làm gì có những hoa mai đẹp, để chúng ta đón mừng xuân.
Và trong Văn học Việt Nam cũng có nhiều câu: “Nếu không có cảnh đông tàn, thì đâu thấy cảnh huy hoàng mùa xuân”. Nếu thời tiết không khắc nghiệt, để có cảnh trơ cành, trụi lá của mùa thu, đông, thì làm sao thay đổi để có được cảnh “đâm chồi nẩy lộc” hoa lá xanh tươi, muôn màu khoe sắc của mùa xuân! Tất cả mọi nghịch cảnh, nguy hiễm, gian lao, khó nhọc…đều thử thách sức và lòng người, hun đúc con người và vạn vật, trở nên mới mẻ, phát triển, tươi tốt đẹp đẽ hơn, một cách tuyệt diệu.
“Ai nên khôn, không khốn một đôi lần”. Đời là vậy! “Không đau khổ, lấy chi làm chất liệu, Không buồn thương, sao biết chuyện con người, Không nghèo đói, làm sao thi vị hóa, Không lang thang, sao biết gió mưa nhiều”. Nếu không có những chuyện nghịch lý, xảy ra trên đời, thì đâu thấy được mặt trái của xã hội và hiểu thấu được lòng người!
Nếu biết chịu đựng, có tinh thần vững, ẩn nhẫn, kiên trì phấn đấu vươn lên, tin tưởng và quy hướng về điều chân-thiệnmỹ, thì trong thời hiện tại, cũng có rất nhiều người “vượt qua số phận” vươn lên từ những bất hạnh của cuộc đời như: Nick Vujicic, người Úc, bị cụt từ chi, nhưng vượt qua tật nguyền thành người đi diễn thuyết khắp thế giới, truyền lửa cho thanh niên mọi nơi. Bill Porter, vượt qua bệnh hoạn, thành người tiếp thị giỏi nhất Mỹ. Victoria Duval, nữ vận động viên người Mỹ đã đánh bại căn bệnh ung thư hạch bạch huyết để theo đuổi đam mê quần vợt. Đặc biệt tại Việt Nam chúng ta cũng có rất nhiều người “Vượt qua được số phận” để vươn lên như: Nguyễn Hướng Dương. Chị tuy bị tai nạn cụt hết hai chân, nhưng vẫn cứ vươn lên, bằng việc hiến hết đời mình cho việc làm sách nói, phục vụ người Mù, đã thành công và nhiều lợi ích. Hay nghị lực phi thường của cô gái Hoàng Thị Diệu Thuần có nickname“hoa hướng dương” 10 năm chống chọi căn bệnh ung thư, viết được nhiều sách hay, cô vừa trở thành biên kịch tại Xưởng phim hoạt hình Sunrise - nơi sản xuất những bộ phim “Quà tặng cuộc sống” nổi tiếng và đầy ý nghĩa trên VTV…
Viên Thành, không có nghị lực được như quý vị trên, nhưng nhờ “tinh thần vững” và Mẹ để lại cho một tấm lòng chân thật, sống đúng với bản chất của người con xứ Quảng: “bất khuất, kiên cường”. Sống bình dị, “ít muốn, biết đủ” đi lên bằng đôi chân, bằng năng lực, bằng niềm tin nhân quả và sự hài hòa của mình, chấp nhận thiệt thòi để cho mọi người được lợi lạc, an vui, sẵn sàng gieo giống vào ruộng Phước phì nhiêu, nên rồi cũng vượt qua được nhiều chướng ngại và gặt hái được nhiều điều như ý.
Với tuổi mỗi ngày mỗi lớn, sức mỗi ngày mỗi yếu, do “tứ khổ” đã gởi “thông điệp” trong từng ngày, nên bây giờ không ham gì nữa cả, chỉ biết “tịnh niệm”, nhắc nhở nhau, “Mình vì mọi người, mọi người sẽ vì mình”, quyết tâm tu hành, làm lành lánh dữ, đem an vui lợi ích đến cho muôn loài, ai còn sức khỏe thì động viên tiếp tục hy sinh, cống hiến mang tươi đẹp cho đời, để hiện tại được an lành và tương lai sanh về nơi tịnh cảnh.
Phật đã dạy: “Tất cả chúng sanh, đều có Phật tánh”. Chỉ cần hạ “bản ngã” xuống, sống vị tha, biết dừng lại, buông xả, sáu căn không dính mắc với sáu trần, quán chiếu thật sâu vào bên trong, theo dõi hơi thở, chúng ta sẽ có được một cuộc sống thong dong, an lành, hạnh phúc.
Hương vị giải thoát là đây, cũng là những mong ước của biết bao người, mà hoài bão của chư Phật thị hiện xuống trần, cũng không ngoài mục đích này, đó là: “Khai Thị Chúng Sanh Ngộ Nhập Phật Tri Kiến” sống hồn nhiên với “tâm bản nguyên” không phê phán, không dính mắc, để được “giải thoát, giác ngộ” thanh thản trên cuộc đời.
Cuốn sách “Hương Vị Giải Thoát” là tựa đề của một bài viết, mà Viên Thành rất tâm đắc, muốn qua đây nhắn gởi một “thông điệp giải thoát” đến với tất cả. Và tập hợp những bài viết, những vần thơ, với tất cả nỗi lòng, trăn trở tìm hướng đi cho hiện tình đạo pháp và sự tu tập của số đông, cũng như chia sẻ những thấy, biết ít nhiều về chân lý, mà Viên Thành đã ngộ được, qua những giờ phút, “thiền, tịnh” đã sáng tác trong thời gian “tịnh dưỡng”. Cũng đã được nhiều Trang Mạng Phật Giáo cho online, được nhiều chục ngàn người đón đọc và cũng giúp ích cho nhiều người chuyển hóa, bớt khổ trong đời và hướng thượng thăng hoa trong cuộc sống.
“Cứu cánh của đời tu là giải thoát, giác ngộ. Nước của đại dương chỉ có một vị mặn, giáo lý của Đạo Phật cũng chỉ có một vị, đó là giải thoát”. Nếu tu hành lâu mà cứ mãi lăng xăng, nhiều phiền não, chưa nếm được “hương vị giải thoát”, thì hãy quán chiếu lại, kẻo đi lạc đường mà uổng cả một đời tu tập. “Lang thang làm kiếp phong trần, quê nhà ngày một muôn lần dặm xa”
“Hương vị giải thoát” chỉ có được, khi ta biết buông xả, hành trì, tu tập miên mật, chứ không phải ở tu lâu hay sự cầu nguyện, van xin, bàn luận. Những lời dạy của Phật là “Pháp hành”, chứ không phải để lý luận hay nghiên cứu.
Nhờ biết buông xả, dẫn gia đình cùng quy hướng về Tam bảo, ăn chay và sống giản dị, chân thật, hài hòa với cuộc đời, biết quán chiếu, thường lạy Phật sám hối những nghiệp chướng, những lỗi lầm đã tạo. Nên hầu hết gia đình được sống trên một đất nước “hạnh phúc” nhất thế giới. Nơi tự do, nhân quyền, cuộc sống hàng ngày và khâu sức khỏe được chính phủ bảo hộ và lo tận tình chu đáo, nên bản thân vượt qua được 2 căn bệnh nan y “Bowel Cancer,” với 3 lần đại giải phẫu (20092010 và 2018), đều được bình an, hồi phục tốt.
Nay để kỷ niệm 15 năm (2004-2019) sống trên nước Úc tự do này và 10 năm hóa giải được những tật bệnh, những nghiệp chướng, cũng là kỷ niệm sớm “thất tuần” 70 năm sống trên cuộc đời. Cuốn sách thứ hai “Hương Vị Giải Thoát” này ra đời, cũng nhằm sẻ chia những điều cần chia sẻ.
Cuốn sách có vài bài đã đăng trên “Định Hướng Đường Tu”, Được các Trang mạng như: Đạo Phật Ngày Nay, Phật Giáo Việt Nam, Thư Viện Hoa Sen, Nguyệt san Chánh Pháp, Tu Viện Hộ Pháp đăng tải…Đặc biệt Trang Nhà Quảng Đức vừa cho online rất nhiều bài, vừa mời nhiều vị đọc, ngâm diễn cảm, một số bài, nên được rất nhiều độc giả hoan nghênh, khen ngợi và có bài viết: “Tu cái miệng là tu hơn nửa đời người” với hàng triệu người đón đọc, chia sẻ và thực hành theo. Viên Thành thấy còn ích lợi nên trích lại và góp nhặt, kết tập những bài mới, để in thành cuốn “Hương Vị Giải Thoát” này, xin kính gởi biếu đến Chư Tôn Thiền Đức và Thân Hữu gần xa, để cùng sẻ chia niềm an lạc.
Đây cũng là tấm lòng, là “tài sản tinh thần, hiện hữu”, đã giúp cho Viên Thành và pháp quyến có được sự an lạc. Phần “tình thần” rất quan trọng, quyết định nhiều vấn đề, có nghị lực vượt qua số phận vươn lên, cũng từ “tinh thần” nầy.
Nhờ vậy, nên sống “thắt lưng, buộc bụng”, không đua đòi, hay hưởng thụ, mà nhín nhúc phần trợ cấp của mình, ai có ủng hộ, không dám tiêu xài, mà tích lũy lại, có dịp sẽ về quê hương, cúng dường Tam bảo, hoặc làm việc “hiếu nghĩa”. Mặc dầu không gần gũi, chăm sóc, nhưng cũng góp phần lớn, hỗ trợ cho cha già có tiền sống hằng ngày, cũng như có tiền “thù tạc, nghĩa nhân, từ thiện xã hội, cúng dường tạo phước”, đặc biệt góp phần rất lớn, trong việc xây dựng và khánh thành “Từ Đường” và giúp đỡ cho Tộc Họ phát triển, tạo uy tín với địa phương, làng xóm. Nhờ vậy nên Cha già có được niềm vui, tinh thần phấn chấn, an nhiên sống, trường thọ gần 100 tuổi, mà vẫn minh mẫn hữu ích với cuộc đời. Chứ cũng có nhiều người cùng tuổi hoặc nhỏ hơn ông, đã theo ông bà hoặc bệnh tật, nằm một chỗ đếm ngày đoàn tụ.
“Cha mẹ tại tiền như Phật tại thế” những ai còn Cha Mẹ, đấy là phước báu rất lớn, hãy vận dụng thời gian, công sức và tiền bạc, tranh thủ phụng dưỡng và trả hiếu, ngay từ lúc còn sống này, chứ đừng đợi đến khi cha mẹ không còn, rồi khóc than, kể lể. Không biết nhân dịp “quan, hôn, tang, tế” mở hầu bao, tạo phước, làm điều hiếu nghĩa, mà đợi cha mẹ mất, phải “chấp điếu” để lấy tiền làm “đình đám” một cách rình rang, cúng quảy ê hề, để lấy tiếng, nợ nầy ai trả? chỉ tốn công vô ích, mà người đời còn biếm nhẽ, cười chê.
“Ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng, phước ai nấy hưởng”, không ai có thể thế cho ai được, muốn hưởng điều gì, thì phải lo gieo tạo điều đó, đã gieo tạo nhân bất thiện, thì phải hưởng quả bất thiện, nếu muốn hưởng quả lành, thì phải lo TU, để chuyển nghiệp, như nước đổ hoài vào chén, tô, hay lu, thì cũng giải được vị mặn của muối. Viên Thành muốn cho mọi người, bà con, anh em cũng đạt được những điều tương ưng, bằng cách hãy mở rộng lòng ra, đừng quá tham lam ích kỷ, sống “có đạo đức”, thực hành “hiếu nghĩa”, “biết sẻ chia” để được giàu có, vì “Nghèo mà biết cho đi là giàu hơn tất cả, Giàu mà không muốn bỏ ra, là thiếu thốn tận cùng”. “Nắp lu đóng kín đường vào, Mưa dầu tràn ngập vẫn khô trong lòng, Hầu bao thắt chặt quẹo cong, Của cải tràn đến khó hòng nhập lưu”.
Hiểu rõ được cuộc đời, Viên Thành, từ khi sanh ra đã thiếu phước, mất mẹ sớm, khốn khổ, gặp nhiều lận đận, nhưng nhờ biết hướng về “đường tu” nên chuyển hóa được mọi nghiệp lực, Phật hóa được gia đình, gặp nhiều duyên may và hiểu rằng: “Tiền tài như phấn thổ, Nhân nghĩa tợ thiên kim”. “Ta đến đây với hai bàn tay trắng, Khi ra đi cũng trắng đôi bàn tay, Có mang chăng chỉ là nghiệp đọa đày, Cùng phước đức đã gieo trồng nhiều kiếp. Tâm ta như thế nào, sẽ chiêu cảm những điều như thế ấy. Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ”.
“Bể ái hà là dây oan nghiệt, Danh lợi tình càng xiết càng đau. Muốn ra khỏi chốn đồ lao, Dùng gươm trí huệ cắt mau lòng phàm”. Gươm trí tuệ chỉ có được qua sự tu tập và giữ tâm chánh niệm của từng người.
Nhận chân được như vậy, nên Viên Thành đã ngán ngẫm và từ giã đường danh lợi thế gian, để sắp xếp trở lại con đường giải thoát. Qua lý duyên khởi, hiểu rằng “Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt”, và “Ngoài cắt chư duyên, trong không toan tính, tâm như tường vách, khả dĩ nhập đạo”.
Cho nên buông xả hết tất cả, làm đúng nghĩa của một người “tu”, “… Không ham quyền quý, ẩn danh lâm tòng...” chỉ biết khiêm cung, “…chú tâm, thành khẩn lắng nghe thôi, cũng làm vơi bớt rất nhiều khổ đau cho kẻ khác rồi…”, thích sống an tịnh nơi “lan nhã”, để giữ tâm được bình thường, vì “Tâm bình thường là đạo” và “Tâm bình, thế giới bình”.
Hiện diện với tâm an lạc, thong dong dạo chơi trong sân chùa, với hình bóng của màu lam, hay nâu sòng hoặc y vàng thanh thoát và sự chánh niệm qua các thời lao tác, công phu, thiền hành, để cái ác, cái xấu e ngại, không dám ngang nhiên hoành hành, hay có cơ hội lấn chiếm, phát triển, cũng đã giúp cho chùa đỡ hoang vắng, lạnh lẽo. Hạn chế được nhiều ác nghiệp, nên mặc dầu không “đa sự” để được tiếng khen “tài giỏi, tháo vát” ở bên ngoài, nhưng bên trong có được sự “an lạc, tự tại” hành theo phong thái của người tu, cũng đã góp phần rất lớn cho trang nghiêm đạo tràng, già lam hưng thịnh, đàn việt phát tâm rồi!
Bây giờ vì “bệnh duyên” mặc dầu không làm được gì lớn, không có danh lợi gì với cuộc đời, nhưng rất bình yên trong cuộc sống, thanh thản trong tâm hồn. Chắc đây cũng là điều, mà nhiều người mong ước!
Không tham đắm ngũ dục và tiện nghi vật chất, không đua chen, không tranh giành, không toan tính với cuộc đời, nên chắc rằng không góp phần vào các sự bạo động, bất an của xã hội, mà đã âm thầm đóng góp không nhỏ vào việc bảo vệ môi sinh, sự bình yên và nền hòa bình của thế giới.
Con người có hai phần: thể xác và tinh thần, nhưng đa số lo trau chuốt, chạy theo phần thể xác bên ngoài sinh diệt, để quên đi phần tinh thần “tánh biết” luôn hằng hữu ở bên trong. Thấy thật đáng thương cho kiếp người, chỉ biết sống ích kỷ, suốt đời lao khổ, mù quáng gây nghiệp, lo tạo những thứ không bền vững và không mang theo được, chết rồi để lại cho chúng tranh giành, cấu xé.
Rồi “Cái vòng danh lợi cong cong, kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào” hay “Thiên đường rộng cửa không ai đến, Địa ngục cài then chen lấn vào”. Bao nhiêu bậc anh tài, vua quan cũng đã quá nhiều lụy khổ, mà chưa ngộ được, thật quá mê mờ, khốn khổ!
Từ Bi phải gắn liền với Trí Tuệ. Thương chúng sanh và anh chị em, cũng phải sáng suốt, không muốn cho mọi người, thân bằng quyến thuộc phải vướng vào đường ác, để phải nợ nần, khổ đau vì “tham phú phụ bần”, chạy theo kim tiền, danh lợi, quên hết nghĩa nhân. Mà phải sống vị tha, mới có ý nghĩa với đời.
Qua những thành tựu đã đạt được, nên muốn giúp cụ thể lâu dài, cho mọi người, cho quyến thuộc và thân hữu, bằng quyển sách “Hương Vị Giải Thoát”, món quà tinh thần này, với tất cả nỗi lòng, qua nhiều trải nghiệm, thấy có kết quả tốt, xin được chia sẻ, để cùng hân hoan tu tập, siêng hành thiện, biết hướng thượng, sống thật tốt để được kính thương và lợi ích cho mọi người, hằng gieo cấy giống lành vào ruộng phước, cần cù chăm bón tốt, đoan chắc rằng, sẽ có một mùa bội thu với nhiều quả lành và cộng hưởng những điều phước lạc.
Đừng buông xuôi theo dòng đời, sống theo dục vọng, hoặc mặc sức thụ hưởng hết phước, mà không lo gieo cấy lại, sẽ nghèo và khổ đau nhiều đời, nhiều kiếp.
Với lời văn chân thật, bình dị, hiểu sao nói vậy, hy vọng cuốn sách này, hoặc những bài viết thích hợp, có vị nào thấy lợi ích, vận dụng được, có nhiều kết quả tốt, rồi chia sẻ lại cho nhiều người cùng thực hành và cảm nhận được sự an lạc theo, thì rất nhiều phước báu cho tự thân, còn lại bao nhiêu, xin hồi hướng cho Pháp giới chúng sanh, để nhân ra khắp nơi cùng cộng hưởng, Viên Thành rất hân hạnh, xin được chân thành tri ân và cảm tạ.
Rất mong được sự tùy hỷ, cũng như sự chỉ giáo chân thành, của các bậc cao minh và toàn thể, để mọi điều tốt được nhân lên, mọi điều chưa tốt được khắc phục, hầu cuộc đời này, thêm tươi thắm, mãi đẹp xinh. Nay kính
Chùa Pháp Hoa – Nam Úc,
Quý Xuân - Mậu Tuất (2018)
Thích Viên Thành
(Hạnh Trung – Trần Văn Đệ)
Bìa sách:
Nội dung sách PDF
Hương Vị Giải Thoát
- Từ khóa :
- Hương Vị
- ,
- giải thoát