Món nợ truyền kiếp

17/09/20163:08 CH(Xem: 10550)
Món nợ truyền kiếp

MÓN NỢ TRUYỀN KIẾP
Tâm Minh Ngô Tằng Giao

 

Hồi xưa trong cánh rừng bên

Họa mi làm tổ ở trên cây đào

Hàng ngày chim hót ngọt ngào

Véo von ca tụng trăng sao đất trời

Gốc cây phía dưới thảnh thơi

Có chàng rắn nọ nằm chơi, lành hiền

Nghe chim hót, rắn mê liền

Đôi bên kết bạn ngày thêm mặn nồng.

Hồi xưa loài vật nói chung

Trời sinh một mắt để dùng mà thôi.

Một hôm bướm ghé qua chơi

Báo tin đám cưới sẽ mời chim đi,

Mong rằng tiếng hót họa mi

Giúp cho đôi cánh bướm kia nhịp nhàng

Múa may uyển chuyển dịu dàng

Thêm phần khởi sắc cho bàn tiệc hoa.

*

Chim mừng, nhưng lại lo xa

Sợ rằng tiệc cưới người ta chê mình

Lông không đẹp, dáng chẳng xinh

So cùng anh bướm đa tình lẳng lơ.

Thở dài than ngắn hàng giờ

Chim bay tìm rắn, trông chờ ý hay.

Rắn khuyên: "Yên chí! Đi ngay!

Giọng anh quyến rũ đắm say tuyệt vời

Bà con mê mẩn mất rồi

Không còn để ý đến người anh đâu!"

Cúi đầu ngẫm nghĩ hồi lâu

Mơ màng chim nói: "Tôi cầu có thêm

Một con mắt đẹp dịu hiền

Thành hai con mắt thêm duyên mặn mà

Bà con chú ý thêm ra,

Anh cho mượn mắt thật là quý thay

Mượn đi ăn cưới một ngày

Anh nằm quanh gốc cây này nghỉ ngơi

Tiệc xong trả lại anh rồi

Mình thân nhau quá! Giúp tôi! Bạn hiền!"

Thoạt tiên rắn chẳng chịu liền

Họa mi nài nỉ, van xin đủ điều

Rắn ta cảm động xuôi chiều

Hứa cho mượn mắt vì xiêu lòng rồi!

Đến ngày tiệc cưới đẹp trời

Mượn thêm một mắt, nhìn đời đẹp thêm

Chim vui, chải chuốt làm duyên

Điểm trang óng mượt xong liền bay đi.

Rắn nằm ẩn gốc cây kia

Mắt mù tăm tối nên chi rụt rè.

*

Tiệc tùng đám cưới thỏa thê

Khách vui cùng bướm, không hề hỏi chim

Đến khi chim được mời lên

Trổ tài ca hát êm đềm du dương

Mọi người thán phục giọng vàng

Cùng nhau xúm lại rộn ràng ngợi khen,

Khen thêm lông đẹp như tiên

Khen đôi mắt lạ, dịu hiền như nhung.

Lời qua tiếng lại tưng bừng

Chim nghe ca tụng vui mừng, ba hoa:

"Trời sinh tôi khác người ta

Mắt nguyên một cặp thật là mộng mơ,

Giọng thời quyến rũ vang đưa

Giúp cho thiên hạ được nhờ biết bao

Rắn mù kia dưới gốc đào

Chán đời. Muốn chết. Nghe vào mê ngay

Tôi an ủi rắn hàng ngày

Giải sầu bằng giọng hót hay giúp người

Lại bay đi khắp mọi nơi

Kiếm về lương thực giúp hoài cho ăn!"

Chim nói khoác, khách phục lăn

Khen lòng hào phóng, khen tâm nhân từ.

*

Tiệc tàn. Theo cánh gió đưa

Chim ôm danh vọng say sưa bay về,

Rắn nằm cuộn dưới trăng thề

Mù lòa, sợ hãi, yên bề ngủ đây

Chim không đánh thức rắn ngay

Nghĩ mai trả lại mắt này được thôi!

Chim bay lên tổ nằm chơi

Suy tư trằn trọc rối bời tâm can:

"Ta giờ danh vọng vẻ vang

Có đôi mắt đẹp, giọng vàng, từ tâm

Mọi người thán phục vô ngần

Ngày mai trả mắt lỡ làng tiếng tăm,

Rắn kia dưới gốc cây nằm

Chỉ bò quanh quẩn có cần mắt đâu!"

Thế là tội lỗi hố sâu

Kéo chim phản bạn lao đầu xuống đây,

Họa mi dời tổ đi ngay

Đêm khuya lén lút khẽ bay xa rừng.

Rắn mù tội nghiệp vô cùng

Bò quanh dò dẫm truy lùng họa mi

Nghe chim hót, vội bò đi

Muốn đòi cho được mắt về mới thôi

Tiếc thay thấy rắn tới nơi

Chim kia bay trốn mất rồi còn chi.

*

Một đêm chim ngủ say mê

Giật mình tỉnh giấc thấy kề cạnh bên

Lắc lư đầu rắn như điên

Chim ta sợ hãi la lên kinh hoàng

Bay đi trốn vội trốn vàng,

Kể từ đêm đó hoang mang trong lòng

Chẳng còn say ngủ giấc nồng

Chẳng còn yên tĩnh tâm hồn như xưa.

Những mùa lạnh lẽo gió mưa

Rắn thường sợ lạnh chẳng ưa ra ngoài

Chim yên, ngủ một giấc dài,

Nhưng mùa Xuân đến đất trời ấm êm

Chim đành bay hót liên miên

Xua cơn buồn ngủ, suốt đêm canh chừng.

Đêm Xuân rừng núi chập chùng

Họa mi tấu khúc vang lừng vui tươi

Tiếng chim bay bổng tuyệt vời

Như mang hạnh phúc cho người trần gian,

Buồn thay hạnh phúc chóng tàn

Mong manh sương khói vì mang nỗi niềm

Thoáng vương hối hận, ưu phiền:

"Lòng tham nổi dậy, tâm hiền mất đi!".

 

Tâm Minh Ngô Tằng Giao

(thi hóa phỏng theo Truyện Cổ Phật Giáo)

 


Bài đọc thêm:

MÓN NỢ TRUYỀN KIẾP 

Ngày xưa hồi mới khai thiên lập điạ, có một con chim họa mi, làm ổ trên cành cây đào, ngày nào nó cũng hót để ca tụng vẻ đẹp của muôn loài.  Dưới gốc cây, có một con rắn rất hiền lành, bây giờ thuộc loại rắn mù, nhưng hồi đó nó có một mắt. Con rắn rất mê giọng hót lảnh lót của chim họa mi. Nó thường nằm khoanh dưới gốc cây hay nằm dài phơi nắng để thưởng thức tiếng hót thần tiên của họa mi. Thuở ấy, chim họa mi cũng chỉ có một con mắt ngay giữa trán.

Một hôm, con bướm có đôi cánh ngũ sắc rất đẹp, ở gần đấy đến mời chim họa mi đi ăn cưới. Bướm biết mình đẹp đẽ, uyển chuyển, nhẹ nhàng, thường được ca tụng nên bướm rất kiêu hãnh. Không bao giờ bướm chịu nhìn xuống, nên bướm không biết sự có mặt của rắn trên mặt đất. Tiếng hót của họa mi đã nhiều lần giúp đôi cánh bướm dịu dàng thanh thoát nên bướm nhất định mời chim họa mi, để tiếng hót làm tăng thêm phần long trọng cho bữa tiệc tân hôn.

Được bướm mời mọc ân cần, chim họa mi rất hãnh diện, nhưng sau đó chim cảm thấy lo sợ, khi nhìn lại thấy bộ lông của mình quá tầm thường, chim sợ mình sẽ không được ai để ý trong tiệc cưới của anh bướm rực rỡ màu sắc. Chim liền than thở với con rắn hiền lành. Nghe xong rắn nói:

- Có được tiếng hót như anh, lo gì không được người để ý. Tôi tin chắc, lúc anh cất tiếng hót, không ai còn để ý đến đôi cánh rực rỡ của anh bướm hay bộ lông trắng của muốt của chị thiên nga. Tất cả đều sẽ mê tiếng hót của anh, không ai để ý đến bộ lông tầm thường của anh đâu. Anh bướm mời anh dự tiệc, cũng vì tiếng hót của anh hay. Anh hãy yên tâm đi đi, đừng lo sợ gì cả.

Tuy nghe rắn nói thế, nhưng chim vẫn không hết lo sợ, sau cùng chim nói:

- Phải tôi có được hai con mắt, có lẽ tôi sẽ đẹp hơn. Một con mắt giữa trán làm cho tôi có vẽ dữ tợnnghèo nàn làm sao ấy.

- Có được giọng hót như anh, ai dám bảo anh nghèo?

- Nhưng bề ngoài tôi có gì có thể làm cho mọi người chú ý. Phải chi anh chịu giúp tôi…

- Tôi mê tiếng hót của anh lắm, anh cần tôi giúp việc gì, tôi cũng sẵn sàng cả.

- Tôi chỉ cần anh cho tôi mượn con mắt của anh một hôm để đi ăn cưới. Anh nằm phơi nắng không có mắt cũng đâu có sao…

Rắn lắc đầu nói:

- Không được đâu, tôi cũng chỉ có một mắt như anh, nếu tôi cho anh mượn thì làm sao tôi thấy đường?

- Nhưng tôi chỉ mượn có một hôm thôi, buổi chiều mãn tiệc, tôi đem trả anh ngay lập tức. Trong lúc chờ đợi, anh cứ nằm ngủ ở đây. Nếu anh thật tình mê giọng hót của tôi thì anh cố giúp lần này…

Chim họa mi cứ van xin, nài nỉ, giọng chim càng lúc càng êm đềm, gợi cảm, làm rắn cảm động xiêu lòng nên bằng lòng cho mượn mắt trong ngày cưới của bướm.

Vào một ngày nắng ấm, lúc màn sương mỏng còn phủ cánh rừng, chim họa mi đã vội vã sửa soạn bộ lông cho thật mướt để đi ăn cưới. Thêm được một mắt, chim thấy cuộc đời đẹp đẽ thêm lên. Trong lúc chim ra đi, sung sướng hài lòng hơn bao giờ hết, thì ở gốc cây đào, con rắn trở nên mù nhút nhát, sợ hãi, ẩn mình trong đám lá khô, chờ đợi chim trở về, trả lại ánh sáng cho mình.

Chim đến nhà bướm nghe người ta chào mừng chúc tụng nhau, không ai để ý đến chim họa mi bé bỏng không bóng sắc cả.

Đến lúc bướm mời chim ra hát, những loài thú có mặt mới để ý đến chim. Tiếng chim hót thanh tao, lảnh lót, làm cả thảy đều im lặng, lắng nghe. Chim hót say mê lột hết tinh thần làm cả thảy đều mê mẩn như say. Tiếng hót trong trẻo vang đến tai rắn, rắn mỉm cười tự nhủ mình cũng có góp phần tham dự cuộc vui đó.

Đến khi dứt bản, tất cả đều bị chim chinh phục và bắt đầu từ đó trở đi, mọi loài đều bao vây khen ngợi bộ lông, giọng hót của chim. Tất cả cũng không quên ca ngợi mắt đẹp của chim.

Bây giờ tiếng tăm lừng lẫy, chẳng những chim không thú nhận mình chỉ có một mắt, còn con mắt kia là của rắn, mà chim thì đặt điều nói thêm:

- Ở dưới gốc cây chỗ tôi ở, có một con rắn mù từ thuở mới lọt lòng mẹ, nó buồn bã chán đời, nhiều lần nó có ý định quyên sinh, nhưng nhờ tiếng hót tuyệt vời của tôi đã an ủi được nó. Tội nghiệp, hàng ngày tôi phải đem thức ăn về và ca hát vỗ về nó. Tất cả đều cảm phục tính rộng rãi và lòng bác ái của chim.

Mãi đến khuya, chim mới trở về, bên tai còn vẳng nghe tiếng vỗ tay vang dội và những lời ca ngợi nồng nàn.

Về đến gốc cây đào, chim thấy rắn nằm ngủ, phơi mình dưới ánh nắng thanh dịu mát. Thấy thế, chim không gọi rắn dậy và tự nói, mai mình sẽ trả mắt lại cũng không muộn. Chim về ổ định ngủ một giấc thật ngon lành nhưng nằm mãi mà giấc ngủ vẫn không đến. Muôn vàn ý nghĩ bao vây tâm trí của chim: bây giờ chim đã nổi tiếng nổi danh với đời rồi, nếu chim trả mắt lại, tức là tự thú cho mọi loài biết chim chỉ có một mắt, còn con mắt kia là của mượn, thì còn gì là tiếng tăm chim đã tạo ra với bao khó nhọc. Hơn nữa, với hai con mắt chim nhìn đời thấy rộng rãi, đẹp đẽ hơn khi chỉ có một mắt. Bỏ tất cả danh vọng để trở thành tầm thường như trước, chim thấy mình không có đủ can đảm. Hay là xin rắn cho mắt luôn, nhưng chim kịp nghĩ là không đời nào rắn chịu cho mắt để lại thành mù lòa vĩnh viễn. Nhưng rắn thường ở một chỗ mà nếu bò đi cũng không cần thấy đường gì cho lắm. Một ý nghĩ xấu từ từ xâm nhập vào đầu óc chim.

Nếu mình không trả thì rắn cũng không làm sao đòi được, bây giờ rắn mù rồi.

Nghĩ thế nên chim nhất định giựt luôn con mắt của bạn. Đêm đó, chim lén dọn đi ở nơi khác và tìm đủ mọi cách tránh rắn luôn.

Tội nghiệp, con rắn cứ bòn lần mò, dò dẫm đi tìm chim họa mi để đòi mắt lại. Nghe chim họa mi hót ở đâu, rắn cũng cố gắng tìm đến, mặc dù rắn bò đi khó khăn và gặp nhiều trở ngại trên bước đường phiêu lưu đi tìm người bạn phản phúc, bội ân. Thế mà buồn thay, mỗi khi chim họa mi thoáng thấy rắn thì chim vội bay đi, để rắn lại ngơ ngác trong sự mù lòa đáng thương.

Một đêm, chim họa mi đang ngủ mê trong tổ ấm, bỗng chim giựt mình tỉnh giấc vì một tiếng động thật nhỏ. Chim thấy rợn cả người khi nhìn thấy một cái đầu rắn mù sờ soạng bò đến. Chim la lên một tiếng kinh hoảng bay tìm nơi khác ẩn náu.

- Từ đó, sự yên tĩnh trong giấc ngủ cũng như sự yên tĩnh trong tâm hồn không còn nữa – Con rắn mù cứ không ngớt tìm chim để đòi con mắt đã cho mượn với tất cả lòng tin, mà lại bị cướp mất một cách quá tàn nhẫn.

Chim họa mi không muốn trả mắt nên phải luôn luôn canh chừng. Ban ngày thì chim được yên thân, vì rắn biết ánh sáng mặt trời làm chim thấy rõ tất cả, nên rắn đợi đêm xuống để tìm cách đến gần chim trong lúc ngủ say, để bất ngờ buộc chim phải trả mắt lại cho mình.

Chim họa mi biết được ý định của rắn, nên nhất định không ngủ những đêm trong mùa đẹp trời. Mùa lạnh và mùa mưa thì chim có thể ngủ yên, vì những mùa ấy rắn sợ lạnh không dám bò ra ngoài.

Đến mùa xuân, chim bay hót suốt đêm, để không buồn ngủ có thể canh chừng rắn mù tìm đến.

Vì thế, những đêm xuân, chúng ta thường nghe tiếng chim họa mi hót vang lên ru hồn vào mộng ảo, chúng ta mỉm cười thấy lòng rung động vì tiếng hót thanh tao trong suốt, nhưng chúng ta có biết đâu tiếng hót đó ca tụng một niềm vui không vững chắc luôn luôn bị đe dọa, một hạnh phúc mong manh pha trộn đôi chút hối hận làm ray rứt cả tâm hồn.

Bảo Liên 











Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
23/07/2015(Xem: 12810)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.