Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Giảng Giải Phẩm Quán Thế Âm Bồ-tát Phổ Môn

07/08/20201:00 SA(Xem: 7701)
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Giảng Giải Phẩm Quán Thế Âm Bồ-tát Phổ Môn
KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA GIẢNG GIẢI
PHẨM QUÁN THẾ ÂM BỒ-TÁT PHỔ MÔN
HT. Thích Thanh Từ

kinh dieu phap lien hoa - giang giai - Thich Thanh tu“Quán” là xem xét, “Thế Âm” là âm thanh của thế gian. Quán Thế Âmxem xét âm thanh thế gian, tiêu biểu cho lòng từ bi của Bồ-tát. Ngài lắng nghe tiếng kêu than của chúng sanh, khởi lòng thương xót đến cứu độ cho hết khổ. “Phổ Môn” là cái cửa thông suốt khắp tất cả. Bồ-tát Quán Thế Âm tu hạnh từ bi, hay lắng nghe tiếng kêu than của chúng sanhhiện thân để hóa độ. Phương tiện hóa độ của Ngài là cửa pháp thông suốt khắp tất cả, ai ai cũng có thể vào tu, không giới hạn. Mục đích của phẩm này là phá Tưởng ấm vào Ngũ địa và Lục địa Bồ-tát.

CHÁNH VĂN:

1.- Lúc bấy giờ, ngài Vô Tận Ý Bồ-tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy trịch áo bày vai hữu, chấp tay hướng Phật mà bạch rằng:

- Thế Tôn! Ngài Quán Thế Âm Bồ-tát do nhân duyên gì mà tên là Quán Thế Âm?

Phật bảo ngài Vô Tận Ý Bồ-tát:

- Thiện nam tử! Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sanh chịu các khổ não, nghe Quán Thế Âm Bồ-tát này một lòng xưng danh, Quán Thế Âm Bồ-tát tức thời xem xét tiếng tăm kia, đều được giải thoát.

Nếu có người trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát này, dầu vào trong lửa lớn, lửa chẳng cháy được vì do sức oai thần của Bồ-tát này được như vậy.

Nếu bị nước lớn làm trôi, xưng danh hiệu Bồ-tát này liền được chỗ cạn.

Nếu có trăm nghìn muôn ức chúng sanh vì tìm vàng, bạc, lưu-ly, xa-cừ, mã não, san-hô, hổ phách, trân châu các thứ báu, nên vào trong biển lớn, giả sử gió đen thổi ghe thuyền của kia trôi tấp nơi nước quỉ la-sát, trong ấy nếu có nhẫn đến một người xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, thời các người đó đều được thoát khỏi nạn quỉ la-sát. Do nhân duyên đó mà tên là Quán Thế Âm.

GIẢNG:

Phẩm này, người đương cơ đứng ra thưa hỏi là Bồ-tát Vô Tận Ý. Vô Tận Ýý tưởng không cùng, không dứt. Tại sao Bồ-tát mà ý nhiều như vậy? Như đã nói, phẩm này là phá Tưởng ấm. Ý tưởng của chúng sanh có trăm ngàn muôn ức thứ, cái gì cũng nghĩ tưởng được, nên nói là Vô Tận Ý. Nhưng nếu niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát thì mọi nghĩ tưởng dừng lặng thì hết khổ. Chỗ này nếu chúng ta không hiểu rõ sẽ lầm. Trong kinh Nhật Tụng phẩm Phổ Môn được liệt vào kinh cầu an, ai đau bệnh tụng phẩm này cầu cho an ổn. Vậy phẩm Phổ Môn có phải để cầu an không? Trong phẩm này Phật nói lên bản sự của Bồ-tát. Bồ-tát Quán Thế Âm ở đời quá khứ, Ngài khởi tâm từ bi tu hạnh quán xét tiếng kêu than của chúng sanhthế gian, mà hiện thân đến cứu độ cho mọi loài hết đau khổ. Nếu chúng ta cứ dựa trên chữ nghĩa hình tướng thì ngang đây bị kẹt lớn. Như câu: “Có người trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát này, dầu vào trong lửa lớn, lửa chẳng cháy được, vì do sức oai thần của Bồ-tát này được như vậy.” Quí vị học phẩm này có tin lời Phật nói không? Đệ tử Phật mà không tin Phật thì tin ai? Vậy nếu có người nhóm một đống củi đốt lửa cháy hừng hực, bảo quí vị niệm Quán Thế Âm Bồ-tát và đi vào đống lửa đó, xem thân quí vị có cháy không? Nếu thân quí vị bị cháy nám thì lời Phật nói không đúng. Quí vị nghĩ sao đây?

Lại một đoạn nữa: “Nếu bị nước lớn làm trôi, xưng danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm liền được chỗ cạn.” Như vậy những người đi biển, thuyền chìm niệm danh hiệu Bồ-tát, tất cả đều gặp chỗ cạn, hay cũng có người chết chìm? Những sự việc này nếu hiểu theo sự tướng thì thấy chống trái, còn hiểu theo lý tánh, như theo kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật nói Bồ-tát Quán Âm tu hạnh Phản văn văn tự tánh, tức là xoay lại nghe Tánh nghe của mình. Tánh nghe là cái Thể chân thật của mỗi người, không có tướng mạo, không có hình dáng. Đã không có hình dáng tướng mạo thì lửa nào thiêu được, nước nào nhận chìm được? Nên nói niệm Quán Âm tức là lắng nghe Tánh nghe của chính mình, thì mọi chướng nạn của lửa nước đều qua khỏi.

Lại một đoạn nữa: “Có trăm nghìn muôn ức chúng sanh vì tìm vàng bạc, lưu-ly... vào biển lớn, giả sử gió đen thổi ghe thuyền họ trôi tấp nơi nước quỉ la-sát, nếu có một người trong đó xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, thời các người đó đều thoát khỏi nạn quỉ la-sát.” Chuyện này phải hiểu như thế nào? Xưa có một vị tướng công, tới hỏi đạo một Thiền sư, ông nêu câu chuyện trên và hỏi rằng: “Thế nào là hắc phong?” Thiền sư bình tĩnh nói rằng: “Ông là một vị tướng công mà đi hỏi vớ vẩn như vậy sao?” Vị tướng công nghe chê mình nên nổi tức, mặt đỏ gay. Thiền sư chỉ: “Đó, hắc phong đó.”

Vậy hắc phong là gì? Thiền sư không nói hắc phong là gió ào ào mây đen kéo mù mịt, mà nói hắc phong là cơn sân giận của con người. Sân giận nổi lên tự mình chịu khổ họa, lại còn gây khổ lụy cho người khác. Ví dụ ông A vô cớ kêu tên ông B chửi. Ông B nổi sân, xông tới đánh đập ông A. Ông A bị đánh đau liền đánh lại ông B. Đó là ông B bị hắc phong thổi phiêu bạt tới cõi nước La-sát, bị quỉ la-sát hại rồi. Nếu ông B vừa nổi sân, biết mình đang sân, liền niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, cơn sân giận lắng dịu lần rồi hết, đâu có đánh ông A và bị ông A đánh lại đau khổ. Như vậy, không phải Bồ-tát Quán Âm cứu ông B thoát nạn quỉ la-sát là gì? Hiểu như thế mới thực tế. Chớ trong lục địa cũng như hải đảo ngoài biển khơi, đảo nào ở đâu, có người ở hay không có người ở, có quỉ hay không có quỉ, mọi người đều biết hết. Vậy nước La-sát nằm ở vị trí nào trên quả địa cầu này? Như vậy, hắc phong và nước quỉ La-sát biểu trưng cho lòng sân giận của con người dấy khởi, rồi con người theo đó mà tạo nghiệp ác thọ quả báo khổ đau. Còn Quán Thế Âm Bồ-tát là biểu trưng lòng từ bi, lòng từ bi khởi lên thì sân giận tiêu tan, nên nói bị hắc phong thổi phiêu bạt đến cõi nước La-sát, niệm danh hiệu Quán Thế Âm thì không bị hại là vậy.

CHÁNH VĂN:

2.- Nếu lại có người sắp sẽ bị hại, xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, thời dao gậy của người cầm liền gãy từng khúc, người ấy được thoát khỏi.

Nếu quỉ dạ-xoa cùng la-sát đầy trong cõi tam thiên đại thiên muốn đến hại người, nghe người xưng hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, thời các quỉ dữ đó còn không có thể dùng mắt dữ mà nhìn người, huống lại làm hại được.

Dầu lại có người hoặc có tội, hoặc không tội, gông cùm xiềng xích trói buộc nơi thân, xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, thảy đều đứt rã, liền được thoát khỏi.

Nếu kẻ oán tặc đầy trong cõi tam thiên đại thiên, có một vị thương chủ dắt các người buôn đem theo nhiều của báu, trải qua nơi đường hiểm trở, trong đó có một người xướng rằng: “Các thiện nam tử! Chớ nên sợ sệt, các ông nên phải một lòng xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, vị Bồ-tát đó hay đem pháp Vô úy thí cho chúng sanh, các ông nếu xưng danh hiệu thời sẽ được thoát khỏi oán tặc này.”

Các người buôn nghe rồi, đều lên tiếng xưng rằng: “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát”, vì xưng danh hiệu Bồ-tát nên liền được thoát khỏi.

Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ-tát sức oai thần cao lớn như thế.

GIẢNG:

Đoạn này nói người bị nạn niệm danh hiệu Quán Thế Âm sẽ được thoát nạn. Như người sắp bị hại bằng dao gậy, niệm Quán Thế Âm Bồ-tát thời dao gậy gãy ra từng khúc. Nếu người bị vô số quỉ la-sát đến hại, niệm Quán Thế Âm Bồ-tát thời quỉ không dám dùng mắt để nhìn huống là hại. Hoặc người bị xiềng xích trói thân, niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, xiềng xích liền đứt rã. Hoặc những người đi buôn gặp oán tặc, niệm Bồ-tát Quán Thế Âm, sẽ được Bồ-tát ban cho pháp vô úy, thoát khỏi oán tặc. Đó là công hiệu của người niệm Bồ-tát Quán Thế Âm. Đây nói Bồ-tát Quán Thế Âm hay bố thí pháp Vô úy, vô úy là không sợ. Phần nhiều mọi khổ đau đều phát nguồn từ lòng sợ hãi, sợ đói, sợ khát, sợ bệnh, sợ chết... Lúc sợ thì bồn chồn, lo âu, kinh hãi, ăn ngủ không được, khổ não hiện ra ngay lúc sợ. Sợ là do tưởng mới có nên người bất thần đạn lạc bay tới trúng thì không sợ, nhưng có người chĩa họng súng trước mình thì sợ run lên. Như vậy, sợ là do tưởng tượng mà ra, và khổ do sợ mà có. Tưởng tượng nhiều là sợ nhiều, sợ nhiều là khổ nhiều, Bồ-tát Quán Thế Âm cứu khổ là làm cho chúng sanh hết sợ, gọi là thí pháp Vô úy. Ví dụ chúng ta mộng thấy ma nhát, chúng ta sợ hãi, lúc đó liền nhớ niệm danh hiệu Quán Thế Âm, thì ma biến mất. Do chúng tatưởng điên đảo, nên phóng hiện ra ma quái rồi sợ. Khi sợ, chợt tỉnh niệm Quán Thế Âm thì những niệm điên đảo tiêu tan, hết sợ hãi nên an ổn. Đó là Bồ-tát Quán Thế Âm thí pháp Vô úy. Cao hơn một bậc, niệm danh hiệu Quán Thế Âmtrở về Tri kiến Phật là cái thể không hình tướng, không có hình tướng làm sao hại được mà sợ. Do đó mọi hiểm nguy đều hóa giải.

CHÁNH VĂN:

3.- Nếu có chúng sanh nào nhiều lòng dâm dục, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, liền được ly dục.

Nếu người nhiều giận hờn, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, liền được lìa lòng giận.

Nếu người nhiều ngu si, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, liền được lìa ngu si.

Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ-tát có những sức oai thần lớn, nhiều lợi ích như thế, cho nên chúng sanh thường phải một lòng tưởng nhớ.

Nếu có người nữ, giả sử muốn cầu con trai, lễ lạy cúng dường Quán Thế Âm Bồ-tát, liền sanh con trai phước đức trí huệ; giả sử muốn cầu con gái, bèn sanh con gái có tướng xinh đẹp, vì trước đã trồng cội phước đức, mọi người đều kính mến.

Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ-tát có sức thần như thế.

GIẢNG:

Chúng ta thấy, nếu chúng sanh nào khởi niệm tham dục, liền niệm danh hiệu Quán Thế Âm, thì tham dục lặng xuống không còn. Nếu nổi giận, niệm Quán Thế Âm, cơn giận lần lần lắng dịu và hết. Nếu ngu si nghĩ tưởng điên đảo, niệm danh hiệu Quán Thế Âm, tâm an định tỉnh sáng, lìa được ngu si. Sở dĩ được như vậy là do biết xoay lại sống với Tri kiến Phật thanh tịnh sáng suốt nên lìa được tham, sân, si.

Sau đây nói người nữ muốn sanh con trai, con gái, cúng dường lễ lạy Bồ-tát Quán Thế Âm thì được thành tựu như ý muốn. Điều này lâu nay chúng ta hiểu trên chữ nghĩa nên bị kẹt, nhất là tu sĩ phái nữ, thấy các nữ Phật tử mang thai, hay khuyên các cô niệm Bồ-tát Quán Thế Âm. Có một nữ Phật tử ở gần chùa tín ngưỡng rất sâu đậm, cô có thai, ngỏ ý mong được sanh con trai, nên cô Ni ở chùa dạy cho cô Phật tử niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm để được sanh con trai. Cô Phật tử nghe lời niệm rất chí thành, nhưng tới ngày sanh thì sanh con gái. Cô Phật tử đi kiện, cô Ni không biết giải quyết thế nào, cứ lánh mặt hoài. Thật là cái họa của người không hiểu lý kinh. Ở đây Phật nói: “muốn cầu con trai được con trai, cầu con gái được con gái”, là nói lên công đức không thể nghĩ bàn của người niệm Bồ-tát Quán Thế Âm. Do công đức thù thắng không thể nghĩ bàn, nên mọi việc được như ý không trái không nghịch. Nếu nói xa hơn, niệm Bồ-tát Quán Thế Âm là xoay lại với Tánh nghe của mình, tức là trở về với Tri kiến Phật thì mọi sự việc đều được như ý. Tri kiến Phật còn gọi là Châu như ý.

CHÁNH VĂN:

4.- Nếu có chúng sanh cung kính lễ lạy Quán Thế Âm Bồ-tát, thời phước đức chẳng luống mất. Cho nên chúng sanh đều phải thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát.

Vô Tận Ý! Nếu có người thọ trì danh tự của sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ-tát, lại trọn đời cúng dường đồ ăn uống, y phục, giường nằm, thuốc thang, ý ông nghĩ sao? Công đức của người thiện nam tử, thiện nữ nhân đó có nhiều chăng?

Vô Tận Ý thưa:

- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều.

Phật nói:

- Nếu lại có người thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, nhẫn đến một thời lễ lạy cúng dường, thời phước của hai người đó bằng nhau không khác, trong trăm nghìn muôn ức kiếp không thể cùng tận.

Vô Tận Ý! Thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát được vô lượng vô biên phước đức lợi ích như thế.

GIẢNG:

Phật so sánh công đức người niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm với người niệm và cúng dường vô số Bồ-tát khác, thì công đức hai người ngang nhau và nhiều vô tận. Tại sao thế? Vì niệm vô số danh hiệu của Bồ-tát khác cốt là trở về với Tri kiến Phật, còn niệm một danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm cũng trở về với Tri kiến Phật. Như vậy, đứng trên danh từ thì có sai khác, nhưng đứng trên lý tánh thì niệm một danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, hay niệm vô số danh hiệu Bồ-tát khác đều bình đẳng không sai biệt. Vì niệm là nhớ sống với Tri kiến Phật, chớ không phải niệm suông ngoài miệng để rồi chấp câu chấp lời.

CHÁNH VĂN:

5.- Ngài Vô Tận Ý Bồ-tát bạch Phật rằng:

- Thế Tôn! Quán Thế Âm Bồ-tát dạo đi trong cõi Ta-bà như thế nào? Nói pháp cho chúng sanh như thế nào? Sức phương tiện việc đó như thế nào?

Phật bảo Vô Tận Ý Bồ-tát:

- Thiện nam tử! Nếu có chúng sanh trong quốc độ nào đáng dùng thân Phật được độ thoát, thời Quán Thế Âm Bồ-tát liền hiện thân Phật mà vì đó nói pháp .

Người đáng dùng thân Duyên giác được độ thoát, liền hiện thân Duyên giác mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân Thanh văn được độ thoát, liền hiện thân Thanh văn mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân Phạm vương được độ thoát, liền hiện thân Phạm vương mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân Đế Thích được độ thoát, liền hiện thân Đế Thích mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân Tự tại thiên được độ thoát, liền hiện thân Tự tại thiên mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân Đại tự tại thiên được độ thoát, liền hiện thân Đại tự tại thiên mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân Thiên đại tướng quân được độ thoát, liền hiện thân Thiên đại tướng quân mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân Tỳ-sa-môn được độ thoát, liền hiện thân Tỳ-sa-môn mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân Tiểu vương được độ thoát, liền hiện thân Tiểu vương mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân trưởng giả được độ thoát, liền hiện thân trưởng giả mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân cư sĩ được độ thoát, liền hiện thân cư sĩ mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân Tể quan được độ thoát, liền hiện thân Tể quan mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân Bà-la-môn được độ thoát, liền hiện thân Bà-la-môn mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di được độ thoát, liền hiện thân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân phụ nữ của trưởng giả, cư sĩ, Tể quan, Bà-la-môn được độ thoát, liền hiện thân phụ nữ mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân đồng nam, đồng nữ được độ thoát, liền hiện thân đồng nam, đồng nữ mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-dà, nhân cùng phi nhân được độ thoát, liền đều hiện ra mà vì đó nói pháp.

Người đáng dùng thân Chấp kim cang thần được độ thoát, liền hiện Chấp kim cang thần mà vì đó nói pháp.

Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ-tát đó thành tựu công đức như thế, dùng các thân hình, dạo đi trong các cõi nước để độ thoát chúng sanh, cho nên các ông phải một lòng cúng dường Quán Thế Âm Bồ-tát.

Quán Thế Âm Bồ-tát đó ở trong chỗ nạn gấp sợ sệt hay ban sự Vô úy, cho nên cõi Ta-bà này đều gọi Ngài là vị “Thí Vô Úy”.

GIẢNG:

Đây nói về Ứng thân của Bồ-tát, khi Bồ-tát phá được Sắc ấm, Thọ ấm, Tưởng ấm, thì có được cái dụng ứng hóa thân để độ sanh không thể nghĩ bàn. Nếu chúng sanh có duyên phước, cảm thông được lòng từ bi của Bồ-tát, thì Ngài tùy theo ước nguyện của chủng loại chúng sanhthị hiện để hóa độ cho hết khổ, đó là trên mặt sự. Xưa khi tôi còn đi giảng, có ông phó quận Lộc Ninh tên Triền đứng ra tổ chức, mời tôi và Thượng tọa Huyền Vi lên đó giảng, Ông hỏi tôi:

- Thưa Thầy, mình thành tâm cầu nguyện Bồ-tát Quán Âm, Ngài có ứng hiện không?

Tôi hỏi:

- Theo đạo hữu thì thấy sao?

- Tôi tin chắc, Ngài có ứng hiện.

Rồi ông kể cho tôi nghe, ông có một đứa con khoảng mười ba, mười bốn tuổi bệnh nặng, đưa đi bệnh viện Đồn Đất chữa trị khoảng nửa tháng. Bệnh không giảm, bác sĩ bó tay, bảo ông đem nó về nhà, nếu không sẽ chết trong bệnh viện. Ông chở về nhà tuyệt vọng, không biết phải chạy chữa như thế nào, chỉ thành tâm cầu nguyện Bồ-tát Quán Thế Âm. Đêm đó ông ngủ thấy Bồ-tát Quán Thế Âm hiện, Ngài đứng trên hoa sen trước mặt ông bảo:

- Ngươi nên sai người đi về hướng Bắc rước thầy thuốc về trị, con ngươi sẽ lành bệnh.

Khi thức giấc ông nhớ rõ ràng hình dáng Bồ-tát Quán Thế Âm ứng hiện. Sáng ra cho người đi về hướng Bắc tìm gặp thầy thuốc, mời về nhà xem mạch hốt thuốc, con ông uống chỉ có ba thang là hết bệnh. Từ đó, ông lập bàn thờ Bồ-tát Quán Thế Âm, tin Tam Bảo và rước chúng tôi giảng đạo. Trên sự tướng, chúng ta thấy có thành tâm cầu nguyện thì có cảm ứng. Song cảm ứng còn tùy duyên phước của mỗi người, chớ không phải ai ai cũng như vậy. Cũng như mặt trăng trên không, chỉ hiện bóng khi trời trong và chỗ có nước, nếu trời nhiều mây, không nước thì mặt trăng không hiện, chẳng phải Bồ-tát đến với người này mà không đến với người kia. Trên mặt lý, thì khi không còn chạy theo vọng niệm điên đảo, xoay lại sống với Tri kiến Phật là cái thanh tịnh sáng suốt, thì có việc gì mà chướng ngại trái ngăn không như ý. Vậy lý sự phải viên dung.

CHÁNH VĂN:

6.- Vô Tận Ý Bồ-tát bạch Phật:

- Thế Tôn! Con nay phải cúng dường Quán Thế Âm Bồ-tát.

Liền mở chuỗi ngọc bằng các châu báu nơi cổ giá trị trăm nghìn lượng vàng, đem trao cho ngài Quán Thế Âm mà nói rằng:

- Xin Ngài nhận chuỗi trân bảo pháp thí này.

Khi ấy, Quán Thế Âm Bồ-tát chẳng chịu nhận chuỗi. Ngài Vô Tận Ý lại thưa cùng Quán Thế Âm Bồ-tát rằng:

- Xin Ngài vì thương chúng tôi mà nhận chuỗi ngọc này.

Bấy giờ, Phật bảo Quán Thế Âm Bồ-tát:

- Ông nên thương Vô Tận Ý Bồ-tát này và hàng tứ chúng cùng trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-dà, nhân và phi nhân v.v... mà nhận chuỗi ngọc đó.

Tức thời Quán Thế Âm Bồ-tát thương hàng tứ chúng và trời, rồng, nhân và phi nhân v.v... mà nhận chuỗi ngọc đó chia làm hai phần: một phần dâng đức Thích-ca Mâu-ni Phật, một phần dâng tháp của Phật Đa Bảo.

- Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ-tát có sức thần tự tại như thế, dạo đi nơi cõi Ta-bà.

Lúc đó, ngài Vô Tận Ý Bồ-tát nói kệ hỏi Phật rằng:

7.-

Thế Tôn đủ tướng tốt!
Con nay lại hỏi kia
Phật tử nhân duyên
Tên là Quán Thế Âm!
Đấng đầy đủ tướng tốt
Kệ đáp Vô Tận Ý:
Ông nghe hạnh Quán Âm
Khéo ứng các nơi chỗ
Thệ rộng sâu như biển
Nhiều kiếp chẳng nghĩ bàn
Hầu nhiều nghìn ức Phật
Phát nguyện thanh tịnh lớn.
Ta vì ông lược nói
Nghe tên cùng thấy thân
Tâm niệm chẳng luống qua
Hay diệt khổ các cõi.
Giả sử sanh lòng hại
Xô rớt hầm lửa lớn
Do sức niệm Quán Âm
Hầm lửa biến thành ao.
Hoặc trôi giạt biển lớn
Các nạn quỉ, cá, rồng
Do sức niệm Quán Âm
Sóng mòi chẳng chìm được.
Hoặc ở chót Tu-di
Bị người xô rớt xuống
Do sức niệm Quán Âm
Như mặt nhựt treo không.
Hoặc bị người dữ rượt
Rớt xuống núi Kim Cang
Do sức niệm Quán Âm
Chẳng tổn đến mảy lông.
Hoặc gặp oán tặc vây
Đều cầm dao làm hại
Do sức niệm Quán Âm
Đều liền sanh lòng lành.
Hoặc bị khổ nạn vua
Khi hành hình sắp chết
Do sức niệm Quán Âm
Dao liền gãy từng đoạn.
Hoặc tù cấm xiềng xích
Tay chưn bị gông cùm
Do sức niệm Quán Âm
Tháo rã được giải thoát
Nguyền rủa các thuốc độc
Muốn hại đến thân đó
Do sức niệm Quán Âm
Trở hại nơi bổn nhân.
Hoặc gặp la-sát dữ
Rồng độc các loài quỉ
Do sức niệm Quán Âm
Liền đều không dám hại.
Hoặc thú dữ vây quanh
Nanh vuốt nhọn đáng sợ
Do sức niệm Quán Âm
Vội vàng bỏ chạy thẳng.
Rắn độc cùng bò cạp
Hơi độc khói lửa đốt
Do sức niệm Quán Âm
Theo tiếng tự bỏ đi.
Mây sấm nổ sét đánh
Tuôn giá, xối mưa lớn
Do sức niệm Quán Âm
Liền được tiêu tan cả.
Chúng sanh bị khổ ách
Vô lượng khổ bức thân
Quán Âm sức trí diệu
Hay cứu khổ thế gian
Đầy đủ sức thần thông
Rộng tu trí phương tiện
Các cõi nước mười phương
Không cõi nào chẳng hiện.
Các loài trong đường dữ:
Địa ngục, quỉ, súc sanh
Sanh, già, bệnh, chết khổ
Lần đều khiến dứt hết.
Chân quán, thanh tịnh quán
Trí huệ quán rộng lớn
Bi quántừ quán,
Thường nguyện thường chiêm ngưỡng
Sáng thanh tịnh không nhơ
Huệ nhựt phá các tối
Hay tiêu tai khói lửa
Khắp soi sáng thế gian.
Lòng bi răn như sấm
Ý từ diệu dường mây
Xối mưa pháp cam lồ
Dứt trừ lửa phiền não
Cãi kiện qua chỗ quan
Trong quân trận sợ sệt
Do sức niệm Quán Âm
Cừu oán đều lui tan.
Diệu âm, Quán Thế Âm
Phạm âm, Hải triều âm
Tiếng hơn thế gian kia,
Cho nên thường phải niệm
Niệm niệm chớ sanh nghi
Quán Âm bậc tịnh Thánh
Nơi khổ não nạn chết
Hay vì làm nương cậy.
Đủ tất cả công đức
Mắt lành trông chúng sanh
Biển phước lớn không lường
Cho nên phải đảnh lễ.

GIẢNG:

Khi Bồ-tát Vô Tận Ý biết được công hạnh của Bồ-tát Quán Thế Âm, Ngài liền phát tâm cúng dường chuỗi ngọc. Bồ-tát Quán Thế Âm không nhận, Phật bảo Ngài nên vì tứ chúng mà nhận chuỗi ngọc. Ngài vâng lời Phật nhận chuỗi ngọc chia hai, một phần cúng dường Phật Thích-ca, một phần cúng dường Phật Đa Bảo. Qua hình ảnh này khiến chúng ta nghi vấn: Các Bồ-tát thì thân hình mập mạp to lớn, trang sức bằng ngọc ngà châu báu, trong khi đó, những vị A-la-hán thì thân hình khô gầy. Đồng thờiđệ tử Phật, học tu theo pháp Phật, tại sao người thì trang nghiêm đẹp đẽ, người thì khổ hạnh ốm gầy? Như chúng ta đã biết, Bồ-tát thì tu theo hạnh tự lợi lợi tha, nên phải vui vẻ cởi mở để cho chúng sanh dễ dàng kết duyên. Các ngài do hạnh lợi tha nên có muôn đức trang nghiêm, vì vậy mà thân đẹp đẽ. Còn các vị A-la-hán với hạnh nguyện tu cốt cho hết phiền não, để được giải thoát cho mình, nên có dáng khắc khổ đăm chiêu, thiếu phần lợi tha nên chưa đủ muôn hạnh để trang nghiêm thân cho tươi đẹp. Bồ-tát Quán Thế Âm với hạnh từ bi, ban cho chúng sanh mọi điều lợi ích, chớ không nhận của người, vì nhận là vị kỷ chớ không phải vị tha. Lúc đầu, Ngài không nhận chuỗi anh lạc của Bồ-tát Vô Tận Ý, sau Ngài nhận là vì lòng từ bi chớ không phải do lòng ích kỷ. Khi nhận xong, lại cúng dường cho Phật Thích-ca và Phật Đa Bảo, việc làm này của Bồ-tát Quán Thế Âm cho thấy Bồ-tát làm mọi công tác Phật sự đều hướng về Phật mà làm, và được thành quả cũng hướng về Phật mà dâng, chớ không phải vì tư kỷ mà làm.

Phẩm Quán Thế Âm Bồ-tát Phổ Môn dạy cho chúng sanh phá Tưởng ấm. Khi nhập được Tri kiến Phật thì hết Tưởng ấm, mà hết tưởng là hết khổ thì tự tại vô ngại. Vì vậy Bồ-tát Vô Tận Ý khuyên chúng ta nên niệm và đảnh lễ Bồ-tát Quán Thế Âm.

CHÁNH VĂN:

8.- Bấy giờ, ngài Trì Địa Bồ-tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước Phật bạch rằng:

- Thế Tôn! Nếu có chúng sanh nào nghe phẩm Quán Thế Âm Bồ-tát đạo nghiệp tự tại, Phổ Môn thị hiện sức thần thông này, thời phải biết công đức người đó chẳng ít.

Lúc Phật nói phẩm Phổ Môn này, trong chúng có tám muôn bốn nghìn chúng sanh đều phát tâm Vô đẳng đẳng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

GIẢNG:

Từ trước chúng ta không nghe tên Bồ-tát Trì Địa, bây giờ ngẫu nhiên Ngài xuất hiện nói rằng: “Nếu có chúng sanh nào nghe phẩm Quán Thế Âm Bồ-tát đạo nghiệp tự tại, Phổ Môn thị hiện sức thần thông này, thời phải biết công đức của người đó chẳng ít.” Bồ-tát Trì Địa là vị Bồ-tát gìn giữ quả đất, tức là cõi Ta-bà này, Ngài nói: Nếu mọi người ở cõi Ta-bà này thuận theo pháp tu của Bồ-tát Quán Thế Âm thì sẽ được kết quả là thần thông tự tại, công đức rất lớn. Sở dĩ được như thế là do công hạnh tu Phản văn văn tự tánh, là xoay lại nghe Tánh nghe của mình, nghĩa là khi nghe âm thanh bên ngoài, không để tâm phân biệt chạy theo tiếng hay tiếng dở. Trái lại khi nghe âm thanh liền nhớ mình có Tánh nghe luôn luôn hiện hữu, không đuổi theo tiếng hay tiếng dở, tâm được thanh tịnh thì trí tuệ hằng sáng soi, công đức đầy đủ, từ đó mà khởi phát diệu dụng. Đây là pháp tu chung ở cõi Ta-bà này nên nói là Phổ Môn.


Trích:
https://thuvienhoasen.org/images/file/-lUDcp1G0QgQAFF_/kinhphaphoagianggiai.pdf


Tạo bài viết
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…